Q4 - Chương 12: Trở lại tiệm những dấu hỏi
Sau khi bàn bạc, cả bọn quyết định Nguyên và Kăply ở lại bên ngoài. Suku, Păng Ting và Mua vẫn tiếp tục kế hoạch do thám cửa tiệm của lão Luclac.
Mua vẫn chưa hết hồi hộp khi nhớ đến sự cố vừa xảy ra:
– Buriăk có sẽ quay lại không, K’Brăk?
– Không đâu, chị Mua. – Suku vọt miệng – Cùng lúc lãnh đủ đòn đánh của cả anh K’Brăk lẫn anh K’Brêt, Buriăk phải dưỡng thương ít nhất là mười ngày.
Nguyên gật gù:
– Nếu không bị thương nặng hắn cũng không dám quay lại đâu. Đơn giản là vì hắn không biết người vừa tập kích hắn là ai.
Trừ Kăply, Mua là đứa duy nhất trong bọn nó từng đặt chân vào TIỆM NHỮNG DẤU HỎI. Nó vượt lên trước Suku và Păng Ting (sau khi Nguyên và Suku quả quyết Buriăk sẽ chuồn luôn, Mua cảm thấy sự can đảm đã quay lại với mình).
Cửa tiệm của lão Luclac vẫn không có gì khác trước. Vẫn là ngôi nhà cũ kỹ và vắng hoe, cửa mở toang, trong nhà trống huếch trống hoác như vừa bị cướp dọn sạch. Mua dẫn đầu, Suku và Păng Ting đi sát phía sau, cả ba bước lên những bậc thềm, rón rén đi xuyên qua căn phòng trống để đến mảnh sân lát đá phía sau. Một hành lang dài và âm u tiếp liền theo khoảng sân, gió thổi vo vo như trong thung sâu.
Mua đặt chân lên hành lang, lòng bất giác lo âu. Trước đây, khi lần đầu tiên lạc vào TIỆM NHỮNG DẤU HỎI cùng với Kăply, Mua không bắt gặp cảm giác này. Hôm đó, chính nó phải làm mọi cách để thằng Kăply chết nhát không bỏ về nửa chừng. Nhưng lần này, Mua ý thức rất rõ sự mạo hiểm của chuyến đi. Bây giờ tụi nó có mặt ở đây không vì tình cờ, cũng không vì tò mò nữa. Tụi nó rõ ràng đang tìm cách khám phá một bí mật liên quan đến vận mệnh của xứ Lang Biang, bí mật đó hẳn là vô cùng trọng đại, nếu không trùm Bastu đã không ra lệnh cho Buriăk làm một cái chuyện liều lĩnh là hạ sát bất cứ ai khả nghi đang lảng vảng quanh cửa tiệm của lão Luclac. Hình ảnh bàn tay máu của Buriăk lại hiện ra lởn vởn trong đầu khiến Mua thấy ruột mình như đang đổ đầy chì.
Ba đứa lặng lẽ lê bước bên nhau, cố lết qua hết cái hành lang ma quái rồi hồi hộp leo lên những bậc thang lạnh ngắt để lại tiếp tục nuốt hết một cái hành lang khác ma quái không kém trước khi đối diện với chiếc mặt nạ biết nói gắn trên cánh cửa màu lông chuột.
Păng Ting nhẹ thở ra:
– Tới rồi hả, chị Mua?
– Tới rồi. – Mua đáp khẽ và quay sang Suku – Bây giờ là tới phần việc của em.
Thằng oắt không nói gì nhưng ánh mắt long lanh đầy tự tin.
– Hãy trả lời đi! Cái gì cao hơn bầu trời? – Chiếc mặt nạ trên cửa cất giọng trầm trầm.
Đã được Kăply và Mua cho biết trước, Suku và Păng Ting vẫn giật người một cái khi chiếc mặt nạ vằn vện mấp máy môi cất tiếng hỏi.
Cả Mua lẫn Păng Ting ghim mắt vào gương mặt sáng sủa của Suku, nín thở chờ đợi. Vẻ căng thẳng trên mặt hai đứa dãn ra được một chút khi thằng oắt thản nhiên đáp, gần như không cần suy nghĩ:
– Cái trán của chính mình.
Chiếc mặt nạ trên cửa cất giọng trầm trầm.
Và đến khi cánh cửa trước mặt xịch mở thì Mua và Păng Ting mới thực sự thở phào, một lần nữa tin rằng thằng nhóc trước mặt quả xứng danh là Suku biết tuốt.
Bọn trẻ hí hửng kéo nhau vào, nhưng không dám len ra phía trước. Cả bọn đứng tuốt phía sau, kiễng chân dòm. Trong khi Mua nhớn nhác đảo mắt tìm xem ông K’Tul đang ở đâu, Suku và Păng Ting tò mò quan sát chung quanh, ngạc nhiên hết sức khi thấy khung cảnh náo nhiệt bên trong hoàn toàn trái ngược với vẻ tĩnh mịch bên ngoài. Các dãy ghế chật ních người, thậm chí chỗ đứng cũng phải xô lấn mới giành được, tiếng bàn tán ồn ào như một cái chợ và khói thuốc lá mù mịt chạy quanh phòng khiến Păng Ting phải dúi mặt vào tay áo để khỏi bật ra những tiếng ho không đúng lúc.
Lúc này trên chiếc bục cao, lão Luclac vẫn với chiếc áo chẽn láng bóng bên ngoài chiếc áo chùng sặc sỡ, liên tục ngúc ngoắc chiếc nón chóp trên đầu với bộ tịch hoạt kê không thể tả, những ngón tay bật vào nhau tanh tách làm xẹt lửa tùm lum, hào hứng giới thiệu:
– Bây giờ xin mời bà Kibo.
Suku từng đến cửa tiệm BAY LÊN NÀO của mụ Kibo, rốt cuộc không thuê được chiếc chổi bay nào, còn bị con mụ chanh chua này làm cho ứa gan. Bây giờ, vừa nghe tên mụ, nó cố len cái đầu nhỏ thó vào giữa hai cái vai to bè phía trước, mắt láo liên xẹt tứ tung.
Rất nhanh, nó nhận ra mụ Kibo ngồi ở sát bức vách bên trái, dãy thứ hai. Vẫn tròng trên người chiếc áo dơ hầy, ngang ngửa với chiếc áo bẩn kinh hồn của Buriăk, mụ đứng bật lên khỏi chỗ khi được gọi tên, nhanh nhẹn như một thiếu nữ.
Mụ thoăn thoắt leo lên bục, tới cạnh lão Luclac, rồi quay bộ mặt như quả dưa héo ra bốn phía, mụ dộng chiếc chổi bay Wind XP mới cáu xuống sàn nhà làm phát ra những tiếng lịch kịch để gây chú ý. Suku cười thầm, biết chắc mụ tới đây bằng phép độn thổ – mụ cố tình xách theo cây chổi xịn nhất trong cửa tiệm chẳng qua để tranh thủ quảng cáo trước đám đông.
– Trước tiên ta muốn hỏi các nhà thông thái ngồi đây, là không biết trong các vị có ai hành nghề y hay không? – Mụ Kibo nhe hàm răng vàng khè, cất giọng chua lét hỏi như gây sự.
– Bà Kibo ơi, bà có thắc mắc hay tâm sự gì cứ nói đại ra đi. – Một lão phù thủy mặt mày gồ ghề ngồi ở hàng ghế trên cùng la lớn, tay quơ qua quơ lại chiếc tẩu thuốc dài sọc trên tay. Lão nói tiếp bằng giọng đã có vẻ bực mình – Đã vào được cái cửa tiệm này rồi, ai cũng là thần y hết á.
Cả đống tiếng nhao nhao phụ họa:
– Đúng rồi đó. Bà nói lẹ lên đi, bà Kibo.
– Bà già lẩm cẩm ơi, bà không nói ra thì ai mà biết bà muốn gì.
Đôi mắt mụ Kibo lóe lên khi nghe hai chữ “lẩm cẩm” nhưng rồi mụ lập tức cụp mắt xuống, rõ ràng là mụ cố giữ cho mình đừng nổi điên.
– Như thế này này, – mụ hít vô một hơi thiệt sâu để lấy bình tĩnh, chậm rãi nói tiếp – ta rất thích uống nước dâu pha đường…
Giọng lếu láo khi nãy lại chen ngang:
– Bà già ơi, đó là chuyện riêng của bà. Tôi thích uống bia Concop mà tôi có khoe nhặng xị ra đâu.
Như không nghe thấy tên phá bĩnh, mụ Kibo vẫn tiếp tục kể lể:
– Mỗi tuần ta uống nước dâu pha đường ít nhất hai lần.
– Và bà muốn bọn ta chỉ cho bà cách pha chế như thế nào để uống xong có thể trẻ lại hai mươi tuổi phải không? – Vẫn giọng khi nãy.
– Ta không cần tuổi trẻ, nhất là thứ tuổi trẻ ngu ngốc và hỗn láo như ngươi. – Mụ Kibo rít lên, đã nhận ra cái giọng phá đám nãy giờ là của một gã thanh niên – Ta chỉ muốn vị nào trả lời giùm ta là nước dâu pha đường có chứa độc tố gì mà hôm nào uống xong một cốc thì ngày hôm sau con mắt ta lại đau?
Mụ dộng cây Wind XP xuống sàn một cái “kình”, cất cao giọng:
– Theo thông lệ, 20.000 năpken cho kẻ nào giúp ta gỡ được bối rối trong lòng…
Nói xong, mụ Kibo bước lại chỗ chiếc ghế đặt cạnh đó, ung dung ngồi xuống.
Giọng gã thanh niên lúc nãy lầm bầm:
– Có 20.000 năpken mà cũng làm tàng.
Trong khi đám phù thủy trong phòng xôn xao ngoảnh tới ngoảnh lui, bàn cãi ỏm tỏi và cửa tiệm của lão Luclac đã bắt đầu trông giống một cái trại vịt, Păng Ting níu tay Suku, hỏi nhỏ:
– Nước dâu pha đường chứa độc tố gì vậy hả nhóc?
– Hổng có độc tố gì hết á. – Suku lắc đầu
– Thế sao con mắt mụ Kibo lại đau?
– Ai mà biết. – Thằng oắt nhún vai, giọng bực bội vì bất lực.
Mua vẫn nhớn nhác quét mắt quanh phòng, không để tâm lắm đến thắc mắc của mụ Kibo. Từ khi bước vào phòng đến giờ, nó luôn lưu tâm tìm xem pháp sư K’Tul đang lẫn vào đâu giữa cả đống người nhưng vẫn không phát hiện ra. Mua lo ngay ngáy, đôi khi nó có cảm giác ông nấp ở một chỗ nào đó và đang kín đáo quan sát tụi nó và ý nghĩ đó khiến nó muốn khuỵu chân xuống.
Lão phù thủy mặt mày nổi cục ngồi ở hàng ghế đầu bất thần lên tiếng:
– Có lẽ phải chúc mừng bà thôi, bà Kibo. Xem tình hình bữa nay, chắc là bà không phải tốn 20.000 năpken rồi.
– Ông nói sao? – Mụ Kibo kêu lên, thất vọng. Vừa nói mụ vừa bật lên khỏi ghế.
Lão già quơ qua quơ lại chiếc tẩu thuốc trên tay, có vẻ đó là thói quen ưa thích của lão:
– Cho đến lúc này mà hổng có ai lên tiếng trả lời có nghĩa là bà nên đi xuống chớ sao.
– Phải rồi. Xuống đi, bà già. – Gã thanh niên lúc nãy hùa theo – Ra giá có 20.000 năpken mà đứng lâu quá.
Lần này, chán nản vì không giải tỏa được thắc mắc lâu nay, mụ Kibo không buồn làm ra vẻ mình là người giỏi kiềm chế nữa. Mụ dộng ình ình cây Wind XP xuống bục khiến lão Luclac đứng bên xanh mặt ngó đăm đăm xuống chỗ mụ đứng, cứ sợ chiếc bục sập xuống thình lình. Vừa dộng mụ vừa chửi toáng:
– Hừ, tưởng sao! Toàn là thứ ăn hại. Dù chỉ là 20.000 năpken nhưng cũng không tới lượt bọn đần độn các ngươi đâu.
– Bà bình tĩnh đi, bà Kibo. – Lão Luclac xua tay rối rít, chiếc nón chóp lệch hẳn sang một bên – Bà để ta còn làm ăn chứ. Bà nghe ta đi, lần tới bà lại đến đây. Biết đâu lúc đó sẽ có người nghĩ ra giúp bà.
– Bảo ta trở lại cái cửa tiệm nhăng nhít này nữa ư, ông Luclac? Ông không nằm mơ đó chớ? – Bà Kibo dài môi ra như muốn đớp cho lão chủ tiệm một phát – Ông nghe đây: ta sẽ tự giải quyết chuyện của mình. Hừ, khó quái gì. Ta chỉ cần không thèm uống nước dâu pha đường nữa là xong.
Xả một tràng cho đã nư, mụ Kibo ngúng nguẩy đi xuống, chiếc chổi bay kẹp trong nách quăng quật theo từng bước chân khiến lão Luclac phải dạt tuốt ra ngoài xa.
Nhưng mụ chưa bước tới ngoài rìa, một giọng eo éo cất lên từ dãy ghế bên phải:
– Khoan đã, bà Kibo.
Như va phải tường, mụ Kibo khựng lại, mắt nheo nheo nhìn xuống chỗ phát ra tiếng nói:
– Ai thế? Phải bà Homhem không?
– Tôi đây. – Bà homhem lập cập đứng lên, tay nắm cứng chiếc gậy đầu khỉ, Mua thấy bà hổng mập lên chút xíu nào so với lần gặp trước đây.
– Tôi muốn hỏi bà… è… – Bà Homhem khò khè như muôn thuở – Là mỗi khi uống cốc nước dâu pha đường… è… bà có nhớ lấy chiếc muỗng ra khỏi cốc không… è… è…
Trong khi đám phù thủy ngồi bên dưới ngớ ra, không hiểu bà Homhem đi hỏi cái chuyện vớ vẩn đó làm gì thì ở trên bục, mụ Kibo hớn hở ré lên, tay khua tít chiếc chổi bay lúc này đã rút ra khỏi nách:
– Tuyệt quá, bà Homhem. Bà đã phát hiện đúng chóc vấn đề rồi đó. Đúng rồi. Đúng là do chiếc muỗng. – Mụ Kibo càng nói càng phấn khích – Ta đã quên lấy chiếc muỗng ra khỏi cốc. Và nó chọc vào con mắt tội nghiệp của ta.
Tràng liến thoắng của mụ Kibo khiến ai nấy dở khóc dở cười. Thông minh đến như Suku cũng nghệt mặt ra, không ngờ nguyên nhân bệnh đau mắt của mụ Kibo lại đơn giản và lãng òm như thế.
Lão Luclac xem ra còn hạnh phúc gấp mười lần mụ Kibo. Lão búng tay tróc tróc làm lửa xẹt thành vòi, mặt tươi roi rói:
– Thấy chưa, bà Kibo. Cửa tiệm Những Dấu Hỏi luôn luôn là địa chỉ uy tín và đáng tin cậy với bất cứ ai gặp phải vướng mắc trong cuộc sống.
Sửa lại chiếc nón chóp cho ngay ngắn, lão quay xuống khán phòng, ngực ưỡn ra phía trước, giọng trịnh trọng:
– Tôi chính thức tuyên bố bà Homhem đã trúng giải của bà Kibo.
– Bà chị Homhem thân yêu ơi. – Mụ Kibo chưa chịu leo xuống khỏi bục, vẫn nhìn về phía bà Homhem, hỏi giọng cảm kích – Bà chị có thể cho mụ già lẩm cẩm này biết làm sao mà bà chị có thể đoán ra nguyên nhân là ở chiếc muỗng không?
Mụ Kibo vui vẻ đến mức dùng luôn hai chữ “lẩm cẩm” mà mụ rất ghét để nói về mình.
– Đơn giản thôi, bà Kibo. – Bà Homhem rung rung chiếc gậy – Chẳng qua tôi cũng từng bị đau mắt như bà. Bà không biết đó thôi, chứ nước dâu pha đường cũng là thứ mà tôi thích nhất…
Giọng gã thanh niên lại vang lên, nôn nóng:
– Đủ rồi, hai bà cô ơi. Hai bà cô muốn tâm sự thì lát nữa dắt nhau đến tiệm Cái Cốc Vàng tha hồ mà cà kê dê ngỗng. Bây giờ nhường chỗ cho người khác giùm chút đi.
Đám phù thủy bên dưới ủng hộ gã thanh niên bằng cách gõ lên ghế ngồi bằng đủ thứ vật dụng trong tay làm phát ra hàng tràng những tiếng lách cách, leng keng, lộc cộc khiến bọn Suku phải đưa tay lên bịt chặt lấy hai tai.
Ở trên bục, tiếng lão Luclac vang lên sang sảng như phát ra từ một chiếc loa công suất cực lớn, có thể thấy gân cổ lão nổi vằn vì cố sức:
– Bây giờ tôi xin phép giới thiệu nhân vật được chờ đợi nhất…
Lão Luclac vừa nói vừa nghiêng đầu một cách điệu đàng, trông bộ tịch của lão có cảm tưởng một ngôi sao ca nhạc sắp bước ra sân khấu. Và cảm giác đó càng có vẻ chính xác khi bên dưới bắt đầu vang lên những tiếng huýt sáo đầy kích động.
– Đây! – Trên nền âm thanh huyên náo đó, lão Luclac hét muốn lạc giọng, tay vung mạnh về phía trái – Vị khách đặc biệt của cửa tiệm chúng tôi: Ngài K’Tul!
Bọn Suku cố căng mắt nhưng vẫn không nhận ra ông K’Tul bước ra từ dãy ghế nào. Lão Luclac vừa nói xong, đã thấy ông K’Tul đứng ngay trên bục, cứ như thể ông hiện ra từ trong không khí.
Tim đập thình thịch, Suku nói khẽ vào tai hai bạn:
– Cậu K’Tul độn thổ.
Păng Ting và Mua cố nghiêng đầu về phía Suku nhưng không nghe được gì. Câu nói của thằng oắt vừa thoát ra khỏi đôi môi đã bị nhấn chìm bởi những tràng vỗ tay dội lên rào rào khi ông K’Tul xuất hiện. Tiếng hú hét dậy lên như sóng, lan ra khắp khán phòng, càn quét hết mọi âm thanh khác.
Và cũng rất giống phong cách một ngôi sao ca nhạc, ông K’Tul giơ tay lên như để đáp lại sự ái mộ của khán giả. Nhưng bọn Suku thấy ông không cười. Giấu mình vào một chỗ thiếu sáng nhất trên sân khấu, ánh mắt sắc lạnh của ông quét quanh một vòng như để thâu tóm hết mọi gương mặt, dĩ nhiên chỗ này bọn Suku phải hụp người xuống để giấu mình đằng sau những tấm lưng đang án ngữ phía trước mặc dù tụi nó không nghĩ ông K’Tul có thể nhìn thấy tụi nó ở một khoảng cách xa như vậy.
– Nói thiệt với các vị là tôi rất thất vọng. – Ông K’Tul bắt đầu bằng một câu trách móc, bộ ria con kiến cựa quậy dữ dội như muốn bò ra khỏi gương mặt ông – Tôi tin là các bộ óc thông thái nhất của xứ Lang Biang đều tập trung hết tại đây. Thế mà bí mật của câu thơ “Ai vui ta sẽ vui cùng, ai buồn ta sẽ buồn chung với người” cho đến hôm nay vẫn chưa có ai giải được.
Ông nhìn rất nhanh lão Luclac đang đứng xun xoe bên cạnh rồi quay phắt xuống dưới, tay giơ cao lên khỏi đầu, cao giọng:
– Hôm nay tôi tuyên bố tăng giải thưởng lên 200.000 năpken. Các vị nên…
Nhưng ông K’Tul không bao giờ có thể nói hết câu nói của mình. Một cơn bão âm thanh đã tràn ngập khán phòng, lần này kèm theo những tiếng dậm chân thình thịch, vài viên đá lát sàn đã bung ra và đám phù thủy giống như đột ngột rơi thẳng vào cơn điên. Ở trên sân khấu, lão Luclac rụng người xuống bục và có vẻ không thể đứng dậy được nữa.
Bọn Suku cũng ngồi thụp luôn xuống nền nhà, một lần nữa đưa tay bịt tai, và bắt đầu hiểu ra tại sao mọi người muốn tống khứ mụ Kibo xuống khỏi bục càng nhanh càng tốt. Hóa ra tất cả bọn họ đều nóng lòng chờ ông K’Tul, nói chính xác là chờ món tiền thưởng khổng lồ của ông, mặc dù cho đến nay món tiền hấp dẫn đó vẫn lơ lửng trên không, chưa chịu rơi trúng đầu một ai trong số họ.
– Ông K’Tul – Tiếng một người nào đó gào lên, giọng méo đi vì xúc động quá mức – Đó là người chồng. Chỉ có người chồng mới vui buồn cùng vợ như thế thôi. Ông thấy đáp án của tôi hoàn toàn hợp lý chớ hả?
– Hợp lý cái con khỉ! – Ông K’ul chưa kịp đáp, một mụ phù thủy đã cất giọng rủa xả – Ai thì tôi không biết, chứ như lão chồng chết tiệt nhà tôi, tôi chỉ mong quỷ vật lão nhăn răng cho rồi.
– Thế thì đó là người vợ. – Tiếng một người khác – Ô hô, đúng rồi, người vợ chính là người mà câu thơ muốn nhắc đến: Tôi vui vợ sẽ vui cùng, tôi buồn vợ sẽ…
– Câm cái mồm thối hoắc của ngươi lại đi. – Lại có người kịch liệt phản đối – Ta chắc ngươi vừa lọt lòng ra đã biết nịnh vợ rồi. Hừ, mụ vợ của ta ấy à… hu… hu… hu… mụ đã đi theo thằng cha hàng xóm mất rồi còn đâu… hu… hu…
Tiệm Những Dấu Hỏi trong nháy mắt đã biến thành một thế giới hỗn loạn không thể tả. Suku chưa bao giờ trông thấy một cảnh tượng quái đản như thế: tiếng cười đùa, tiếng cãi cọ, tiếng gào thét, tiếng than khóc va đập nhau, trộn lẫn vào nhau để cho ra một thứ gì đó không thể hiểu nổi, nói tóm lại thiệt là kinh hồn động phách.
Suku nắm chặt tay Mua và Păng Ting thay cho lời nói lúc này đã thành vô dụng, kéo tuột cả hai ra ngoài cửa.
– Suku… tới những 200.000 năpken…
Mua vừa mấp máy môi, đã thấy mình ở ngoài hành lang, sau lưng nó tiếng cánh cửa đóng sập và lời chào của chiếc mặt nạ biết nói niềm nở vang lên “Sẵn sàng đón chào quý khách trở lại”.
oOo
– Suku, như vậy có nghĩa là câu thơ của cậu K’Tul đến nay vẫn chưa có ai giải được? – Nguyên cất tiếng hỏi, khi cả bọn đang quay ngược trở ra đường Ma Ya.
– Đúng vậy, anh K’Brăk. – Thằng oắt hất lọn tóc đã sắp sửa đâm vào mắt, giọng chưa hết thảng thốt – Cho nên cậu K’Tul mới tăng giải thưởng lên tới 200.000 năpken để kích thích họ.
– Không thể tưởng tượng nổi! – Mua thì thầm, trông mặt thì hình như nó vẫn chưa thoát ra khỏi sự ám ảnh về số tiền thưởng quá lớn của ông K’Tul.
Kăply nhìn Suku:
– Ê, thế còn câu hỏi vô cửa? Tại sao “cái trán của chính mình” lại cao hơn bầu trời được hở Suku?
– Vì khi ngước lên, ta có thể trông thấy bầu trời, nhưng không thể nào trông thấy “cái trán của chính mình”. – Suku đáp, đơn giản.
Kăply nhìn thằng oắt thêm một lúc, vẻ thán phục in trên mặt, rồi ngạc nhiên hỏi:
– Em thông minh như vậy mà không biết được bí ẩn nằm trong câu thơ của cậu K’Tul sao?
Suku trầm ngâm một lúc rồi khẽ khàng đáp:
– Đây là câu đố mẹo, anh K’Brêt à. Chính chữ “ai” và chữ “ta” trong câu thơ đã khiến những nhà thông thái trong tiệm Những Dấu Hỏi đi chệch hướng. Tất cả bọn họ đều bị lừa.
– Là sao hả Suku? – Mua dán mắt vào thằng oắt, hồi hộp hỏi, nó vừa rơi ra khỏi nỗi ám ảnh tiền bạc để lại có vẻ bắt đầu rơi vào một nỗi phấp phỏng mới.
Suku thản nhiên:
– Em nghĩ chữ “ta” trong câu thơ chưa chắc là để chỉ người. Đó có thể là một con vật hay một đồ vật.
Thằng oắt nhún vai:
– Em chỉ có thể suy luận đến đó, chị Mua. Còn đấy là con vật nào hay đồ vật gì thì em chịu.
Kăply nghĩ thêm một hồi về câu nói của Suku, càng nghĩ càng chẳng thấy gì hết, chỉ thấy nhức đầu. Biết mình không thể thông minh hơn Suku hay thằng bạn đại ca của nó, Kăply liền lái câu chuyện sang hướng khác:
– Suku nè, em có thấy lạ không, khi sứ giả thứ năm của trùm Bastu không muốn ai mon men đến cửa tiệm của lão Luclac?
Nguyên cất giọng tư lự:
– Cửa tiệm của lão Luclac ngoài số hội viên có thẻ, còn đón thêm khách bên ngoài. Chính chiếc mặt nạ biết nói làm nhiệm vụ khảo sát trí thông minh của khách vãng lai. Do đó, Buriăk không thể giết hết khách của lão Luclac được. Có lẽ hắn chỉ trừ khử những kẻ nào khả nghi như bọn mình thôi.
– Nói như anh, trùm Bastu đã biết tỏng nhiệm vụ của cậu K’Tul từ lâu rồi? – Păng Ting ngọ nguậy cái gì đó giống như là mái tóc.
– Hắn đã biết, Păng Ting. – Nguyên thở dài – Hắn cũng biết rõ câu thơ của cậu K’Tul chính là chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa bí mật trong vụ truy tìm báu vật ở lâu đài K’Rahlan.
Mua kêu lên:
– Nhưng Buriăk chỉ có thể ngăn chặn khách vãng lai, còn hội viên thường trực của lão Luclac, những phù thủy đến thẳng cửa tiệm bằng phép độn thổ thì hắn làm gì được họ?
Nguyên tặc lưỡi, suýt chút nữa đã đưa tay dứt tóc.
– Tôi nghĩ trùm Bastu đã có trong tay danh sách hội viên của tiệm Những Dấu Hỏi từ lâu rồi. Chắc chắn hắn đã cài thuộc hạ của hắn vào trong đó, đã điều tra từng người và hội viên nào tỏ ra quan tâm đến báu vật ở lâu đài K’Rahlan có lẽ bây giờ đã không một ai còn sống sót.
Nguyên khịt mũi nói thêm:
– Mua đừng quên hữu hộ pháp Balikem và sứ giả Buriăk hiện đang quanh quẩn ở vùng này.
Câu nói của Nguyên y như một ngọn roi quất ngang lưng bọn trẻ. Cả bọn giật nảy một cái, cố bước thật nhanh ra khỏi hẻm Gieo Sự Chết, hoàn toàn bản năng, quên rằng Nguyên và Kăply hiện nay thừa sức cầm cự ngang ngửa với Balikem và Buriăk nếu cả hai cùng xuất hiện.
Êmê và K’Tub chờ Nguyên và Kăply ngay trước cổng.
– Tụi anh đi đâu mà không rủ em và chị Êmê đi với? – K’Tub chộp lấy tay Kăply ngay khi thằng này vừa đặt chân qua cổng, hỏi giọng nôn nóng và giận dỗi.
Kăply toét miệng cười, đã chuẩn bị sẵn câu trả lời:
– Tụi anh lên trường gặp thầy hiệu trưởng.
– Thầy N’Trang Long hẹn tụi anh hả?
– Ừ.
K’Tub tròn mắt:
– Thầy gặp tụi anh làm gì thế?
Kăply nhún vai:
– Thầy bảo tụi anh phải cẩn thận. Balikem và Buriăk hiện nay đang lảng vảng quanh đây.
– Chỉ có vậy thôi hả, anh K’Brăk?
Êmê quay sang Nguyên, hỏi giọng ngờ vực. Nguyên nhìn cái mũi hếch xinh xắn của cô bé, tự nhiên liên tưởng đến cái máy dò sự thật, bụng bất giác thót lại:
– À không. Thầy còn hỏi tụi anh về vụ truy tìm báu vật.
– Lại báu vật? – Êmê nheo mắt – Thế anh vẫn nghĩ trong lâu đài K’Rahlan có báu vật thật ư?
– Chị Êmê. – K’Tub vọt miệng – Nếu thầy N’Trang Long đã quả quyết như vậy thì chúng ta nên tin là có.
Êmê lắc mái tóc vàng:
– Chị chưa từng nghe nói tới chuyện này, K’Tub.
– Êmê. – Nguyên cố lấy giọng điềm tĩnh – Nếu đây thực sự là bí mật quan trọng ở xứ Lang Biang trong vòng ba trăm năm qua thì không phải ai cũng từng nghe nói tới.
Bà Êmô từ trong nhà bước ra, kết thúc luôn câu chuyện giữa bọn trẻ:
– Sao tụi con kéo hết ra đây thế?
Chưa đứa nào kịp đáp, bà đã rối rít khoát tay:
– Vào nhà! Vào nhà hết! Hổng lẽ tụi con chưa biết Balikem và Buriăk đã xuất hiện ở vùng này?
Êmê ngạc nhiên, không nghĩ bà Êmô lại biết tin này.
– Ai nói thế hở mẹ?
Bà Êmô vung lên tờ phụ trương buổi chiều Lang Biang hằng ngày đang cầm trên tay, mặt mày căng thẳng:
– Trong này nè. Cục an ninh vừa ra thông báo lưu ý cư dân Lang Biang đề cao cảnh giác. Theo họ, có nhiều dấu hiệu cho thấy Balikem, hữu hộ pháp của trùm Hắc Ám, tái xuất hiện sau mười ba năm biệt tích. Và cùng với sứ giả Buriăk, hiện nay cả hai đang có mặt ở đây.
Theo như những gì bọn trẻ được biết từ miệng bà Êmô thì thông báo của Cục an ninh chỉ ngắn gọn có thế, nghĩa là hoàn toàn không đề cập gì đến chuyện thám tử Eakar sập bẫy Balikem. Chắc họ không muốn bị cười vào mũi! Bọn trẻ nghĩ thầm và ngoan ngoãn theo chân bà Êmô vào nhà, mặt mày đứa nào đứa nấy nom ngây thơ hiền lành hết sức.
Trong khi bọn nhóc lâu đài K’Rahlan khoái chí vì đã đánh lừa được bà Êmô thì bà Êmô cũng khoái chí không kém vì đã vờ vịt một cách xuất sắc, mặc dù không thể nói là bà đã làm chuyện đó một cách dễ dàng, đơn giản vì đó không phải là chuyện mà bà thường làm. Thiệt tình thì bà không tin những chiến binh giữ đền như Nguyên và Kăply lại không được Hội đồng tối cao Lang Biang thông báo về sự xuất hiện của hữu hộ pháp và sứ giả thứ năm của phe Hắc Ám – toàn những tay đầu sỏ.
Dĩ nhiên, nhìn vào năng lượng pháp thuật của Nguyên và Kăply hiện nay, bà Êmô vững tin hai đứa có thể đối phó được với Balikem và Buriăk, cũng như đủ khả năng bảo vệ Êmê và K’Tub trước mọi bất trắc, nhưng dẫu sao với tấm lòng của một người mẹ, bà vẫn luôn bắt gặp mình thấp thỏm không yên.
Cho nên khi quýnh quíu lùa bọn trẻ vào nhà, bà đã hoảng hốt thực sự. Nỗi lo lắng dâng lên từ đáy lòng đó đã giúp bà có một vẻ chân thành sâu sắc đến mức bọn Kăply không nghĩ là bà đã biết tỏng những hành vi bí mật của tụi nó, kể cả vẻ ngoan ngoãn láu cá mà tụi nó đang cố tình trương ra trên mặt như những tấm bảng quảng cáo diêm dúa mà từ lâu bà Êmô đã thấy không đáng tin chút xíu nào.