Chương 4
Tiểu Li của tôi dễ thương hơn Việt An gấp một trăm lần. Dễ thương nhất là nó rất khờ, tôi dụ lúc nào cũng được, không như Việt An.
Chơi đi trốn đi tìm cũng vậy, Tiểu Li rơi vô cạm bẫy của tôi hoài.
Tôi nhắm mắt một hồi, nghe nó hú, liền mở mắt ra chạy đi tìm. Nhưng Tiểu Li trốn kỹ quá chừng. Tôi tìm tháo mồ hôi, sục sạo khắp các ngõ ngách, hốc hẻm vẫn chẳng thấy nó đâu. Y nhhư nó chui đâu dưới đất.
Tìm cả buổi không được, tôi đứng giữa nhà, năn nỉ:
- Mày hú thêm một tiếng nữa đi!
Tôi mở mắt thao láo, miệng nhắc đi nhắc lại hai ba lần, Tiểu Li vẫn im re. Nhưng tôi vừa mới bước ra ngoài hiên đã nghe tiếng hú cất lên trong nhà.
Tôi liền ba chân bốn cẳng chạy vụt vào nhà và dáo dác dòm khắp nơi. Thậm chí tôi còn chui cả xuống gầm giường, bồ hóng dính đầy đầu, nhưng cũng chẳng tìm ra nó.
Chẳng lẽ kêu lên là mình chịu thua, tôi bèn nghĩ ra một mẹo. Tôi làm bộ ngã oách một cái giữa nhà và ôm giò hét ầm lên:
- Trời ơi! Gãy cẳng tao rồi!
Tiểu Li trúng kế ngay. Đang nấp trong tủ, nó tung cửa, nhảy ào ra, mặt mày thất sắc:
- Cái gì vậy?
Chỉ đợi có vậy, tôi chỉ tay vô người nó, miệng cười đắc thắng:
- Bắt được mày rồi nghen!
Tiểu Li vẫn chưa hiểu, nó cứ dòm lom lom xuống chân tôi, hỏi:
- Chân anh gãy chỗ nào đâu?
Tôi giơ chân lên:
- Gãy đâu mà gãy! Tao chỉ làm bộ cho mày chui ra thôi! Vậy là mày thua rồi hén?
Bấy giờ, Tiểu Li mới biết là mình bị mắc lừa. Nó giẫy nẩy:
- Em không chịu đâu! Anh ăn gian!
Tôi quắc mắt:
- Tao ăn gian hồi nào?
- Chứ gì nữa! Tự nhiên anh la lên là gãy giò!
- Tao có miệng tao muốn nói gì tao nói chứ! Mày nghe thì mày ráng chịu!
Cãi không lại tôi, Tiểu Li ngồi bệt xuống đất.
Tôi liếc nó:
- Mày nằm vạ phải không? Mày nằm vạ thì tao nghỉ chơi à!
Nghe tôi dọa nghỉ chơi, Tiểu Li hoảng hồn đứng bật dậy. Nó cầm tay tôi lắc lắc:
- Thôi, chơi tiếp đi!
Tôi hất tay nó ra, làm mặt giận:
- Tao không chơi nữa đâu! Ai bảo mày kêu tao ăn gian!
Tiểu Li làm hòa:
- Anh không ăn gian.
Nhưng mặc cho nó nói, tôi cứ quay mặt ngó lơ chỗ khác. Đợi cho nó năn nỉ cả chục lần, tôi mới chịu chơi tiếp.
Tiểu Li ham chơi là thế, vậy mà có một hôm tôi đợi hoài vẫn không thấy nó chạy qua rủ.
Cuối cùng, tôi phải ra đứng trước hiên, gọi vọng sang:
- Tiểu Li ới ời!
Tôi gọi hai, ba tiếng mới thấy nó ló mặt ra khỏi cửa. Tôi ngoắc:
- Qua đây chơi tạt lon!
Tiểu Li lắc đầu:
- Em phải làm toán! Lát nữa đi!
Tôi nheo mắt:
- Toán lúc nào làm chẳng được! Qua đây chơi với tao!
Nhưng Tiểu Li vẫn không nhúc nhích. Nó đứng trước cửa ngần ngừ dòm sang.
Thấy vậy, tôi giả vờ giận dỗi, nói lớn:
- Mày không qua thì tao chơi một mình.
Nói xong, tôi bước ra sân vẻ một vòng tròn rồi đặt cái lon vào chính giữa. Sau đó, tôi lùi ra xa và rút dép cầm tay. Tôi nhắm thật kỹ cái lon rồi vung tay ném mạnh. Chiếc dép bay vù một cái, đập xuống đất thật mạnh rồi bắn vọt ra xa. Bụi tung mù mịt nhưng cái lon vẫn đứng trơ trơ chỗ cũ.
Tiểu Li cười khúc khích:
- Gần vậy mà ném không trúng!
Tôi tảng lờ như không nghe thấy, lẳng lặng đi lượm chiếc dép.
Tôi lại đứng vào chỗ cũ, rùn người lấy thế và lại ném. Lần này, chiếc lon bị bắn tung đi và lăn lông lốc. Tiểu Li reo lên:
- Hay quá!
Lúc này, nó không còn đứng ngay trước cửa mà men ra ngoài mé hiên, sát về phía nhà tôi.
Tôi khẽ liếc nó và nói trổng trổng:
- Chơi thì ra chơi!
Từ nãy đến giờ xem tôi biểu diễn, Tiểu Li có vẻ háo hức muốn tham gia. Nó dợm chân tính chạy ra mấy lần nhưng cuối cùng kềm lại được:
- Em phải làm toán!
Thái độ ù lì của nó khiến tôi nổi sùng:
- Làm toán thì vô nhà đi, mày đứng đó làm gì?
- Em đứng coi chút xíu rồi em chạy vô liền.
Thấy không lay chuyển nó được, tôi đạp chân lên cái lon, hắng giọng:
- Mày nói xạo! Bữa nay còn nghỉ hè, toán đâu mà làm?
Nghe tôi bảo nó xạo, Tiểu Li ứ một tiếng trong cổ họng:
- Mẹ em ra toán cho em làm. Mẹ bảo sắp khai trường rồi, em phải ôn lại.
Tôi xì một tiếng:
- Trời ơi, tưởng gì! Ôn lại thì chừng nào ôn chẳng được!
Vừa nói tôi vừa nhìn thẳng vào mặt Tiểu Li. Thấy nó có vẻ nao núng, tôi bồi tiếp:
- Ra chơi chút xíu thôi! Còn toán để lát nữa làm!
Không đủ nghị lực để nấn ná thêm nữa, Tiểu Li chạy vụt ra. Nó nhe răng sún ra cười:
- Chơi chút xíu thôi nghen!
Tôi gật đầu:
- Ừ, chút xíu thôi!
Cái chút xíu của hai đứa tôi kéo dài từ sáng đến tận trưa. Tôi và Tiểu Li chơi quên trời quên đất.
Đến khi mẹ nó kêu:
- Tiểu Li ơi, về ăn cơm!
Nó mới hoảng hồn ù té chạy về nhà.
Chiều hôm đó, tôi thơ thẩn ngoài sân cả buổi, chẳng thấy Tiểu Li đâu. Tôi kêu tên nó mấy lần cũng chẳng nghe nó đáp lại.
Ngạc nhiên, tôi mon men qua nhà nó, đứng ngoài cửa sổ dòm vô.
Tiểu Li đang ngồi buồn xo trên đi-văng, nhác thấy tôi, nó tươi tỉnh hẳn lên và nhe răng cười.
Tôi hỏi, giọng thì thầm:
- Mày làm gì ở hoài trong nhà vậy?
- Hồi sáng em không làm toán, bây giờ bị phạt.
Vừa nói nó vừa dòm dáo dác chung quanh.
- Phạt sao? - Tôi tò mò hỏi.
- Mẹ bắt em ngồi trên đi-văng cho tới giờ cơm, không được bước chân xuống đất.
Tôi ngó láo liên:
- Mẹ mày đâu rồi?
Tiểu Li chỉ tay ra nhà sau:
- Mẹ em nấu cơm dưới bếp.
Tôi xúi:
- Mày chạy ra chơi lát chạy vô, mẹ mày đâu có biết.
Tiểu Li thè lưỡi:
- Không được đâu! Mẹ mà biết thì chết!
Thấy vì tôi mà nó bị phạt, bụng tôi đâm ra áy náy. Tôi hỏi:
- Tao vô nhà ngồi chơi với mày, mẹ mày có la không?
Tiểu Li cắn môi:
- Em không biết!
Tôi thở dài:
- Thôi, tao đứng đây dòm vô vậy! Mẹ mày lên thì tao chạy.
Tiểu Li cười khúc khích:
- Anh làm như ăn trộm!
Tôi cũng cười. Nhìn Tiểu Li loay hoay trên chiếc đi-văng, không dám thò chân xuống đất, tôi thấy thương thương nó thế nào. Từ khi chơi với Tiểu Li, đây là lần đầu tiên lòng tôi tự dưng mềm như bún!
*
Việt An cũng làm tôi mềm lòng, không những mềm mà còn... nát nữa.
Sau hai đợt kiểm tra thất bại, tự dưng tôi đâm ra thẫn thờ. Mỗi lần nghĩ đến Việt An, lòng tôi lại dậy lên một cảm giác buồn bã pha lẫn giận dỗi. Tôi ngâm thơ Xuân Diệu:Hôm nay tôi đã chết trong người... và thấy tay chân xụi lơ, y như chết thật!
Đã vậy, Hải gầy lại cứ đi theo tôi tò tò, hỏi gặng:
- Giờ sao mày?
- Sao là sao?
- Phải tính sao chứ?
Tôi bực mình, gắt:
- Tính cái con khỉ! Tao chạy rồi đó, mày nhào vô đi!
Nó cười hì hì:
- Mày còn chưa ăn thua, tao nhằm nhò gì!
- Nhằm nhò hay không kệ mày, còn tao thì tao xin kiếu!
Hải gầy trợn mắt:
- Giỡn hoài mày!
- Tao giỡn hồi nào!
Hải gầy vẫn không tin:
- Mày bỏ cuộc thật hả?
Tôi mím môi:
- Thật!
Hải gầy nhìn tôi lom lom. Ngồi im một hồi, nó nhún vai, nói trổng:
- Yêu mà tự ái!
Tôi vặc lại:
- Tao tự ái hồi nào?
Hải gầy khịt mũi:
- Chứ gì nữa!
Rồi nó dẫn lời của George Sand:
- Tự ái trong tình yêu chẳng khác gì vụ lợi trong tình bạn!
Lần này, tôi ngồi im không nói. Thấy tôi có vẻ chịu tiếp thu, Hải gầy làm tới:
- Tao nói có đúng không?
Không thể tránh né, tôi đành thở dài:
- Mày thử ở trong trường hợp tao coi! Quê thấy mồ!
- Thua keo này ta bày keo khác! Có gì phải quê!
Tôi chép miệng:
- Tao thấy sao khó quá!
Hải gầy lại dẫn lời của Nguyễn Bá Học để động viên tôi:
- Tình yêu khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông.
Thấy nó sửa hai chữ đường đi thành tình yêu tỉnh bơ, tôi không nhịn được cười. Tôi hỏi nó:
- Hôm trước hễ mở miệng là mày bàn ra, sao hôm nay mày bàn vô hăng hái quá vậy?
Hải gầy ngẩn tò te:
- Tao cũng không biết nữa! Chắc là tại tao có cảm giác... Việt An yêu mày.
Tôi hừ mũi, chơi đòn gậy ông đập lưng ông:
- Mày dựa trên cơ sở khoa học nào?
- Tao đoán.
Tôi tiếp tục phản kích:
- Chuyện tình yêu không thể đoán mò được!
Hải gầy chẳng tỏ vẻ gì lúng túng. Nó nói tỉnh khô:
- Mày không biết gì hết! Ở đây không cần cơ sở khoa học gì ráo, chuyện tình cảm ta chỉ có thể cảm nhận bằng... trái tim thôi!
Cái thằng, nó quay 180 độ mà chẳng hề mắc cỡ tí ti! Tôi nhún vai:
- Mày là đứa không có lập trường.
Hải gầy nhe răng cười:
- Tao cần quái gì lập trường! Mày thành công là tao vui rồi!
Tôi bĩu môi:
- Tốt quá hén!
Hải gầy gật gù:
- Tao nói thật đấy! Bắt đầu từ ngay mai tao sẽ nghiên cứu tình cảm của Việt An. Tao sẽ nắm bắt những tín hiệu nó phát ra để tham mưu cho mày.
Mặc dù thừa biết Hải gầy là chúa ba hoa nhưng thấy nó nhiệt tình sát cánh bên tôi trong lúc hiểm nghèo và nhất là nghe câu nói êm ái Việt An yêu mày của nó, lòng tôi tự nhiên ấm ám và khi thế hẳn lên.
Thấy tôi chấp nhận nghề thầy dùi của nó, Hải gầy khoái lắm. Nó hào hứng vạch một chương trình hành động dài dằng dặc và đầy quyến rũ. Nào là những lúc tôi lên bảng trả bài, nó sẽ quan sát ánh mắt của Việt An, coi thử Việt An chớp mắt mấy lần và nhìn trộm dung nhan tôi mấy cái, mỗi cái kéo dài mấy phút ; nào là những lúc tôi trò chuyện với Việt An, nó sẽ rình coi Việt An có cười với tôi không, cười mấy kiểu, cười lạnh lùng hay cười ấm áp, rồi khi Việt An cười, nó còn phải nhận xét miệng và mắt có phối hợp đồng bộ không, hay là miệng như hoa tươi mà mắt như hoa... héo. Căn cứ vào những tư liệu quí giá và sống động đó, nó sẽ phân tích và rút ra những kết luận có giá trị để vạch đường đi nước bước cho tôi.
Sai khi công bố dự định lớn lao và đầy hiệu quả (trên lý thuyết) của mình, Hải gầy kết luận thật ngọt:
- Mọi chuyện sẽ đâu vào đấy! Cái gì của César phải trả lại cho César, Việt An của mày thì phải trả lại cho... tao!
Tôi nhăn mặt:
- Giỡn vô duyên!
- Xin lỗi, tao lộn! - Hải gầy bá vai tôi, cười hề hề.
Nhưng đúng như ông bà nói mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên, chúng tôi bàn bạc với nhau đã đời, hôm sau đến lớp, chẳng thấy Việt An đâu.
Hôm sau nữa cũng vậy.
Tôi hỏi Hồng Hoa:
- Sao Việt An nghỉ học hai ngày nay vậy?
- Nó bệnh.
Tôi thấp thỏm:
- Bệnh gì vậy?
- Cảm. Chiều nay ông đi thăm nó đi!
Thấy tôi ngần ngừ, Hồng Hoa lại hỏi:
- Sao, đi không?
Tôi tặc lưỡi:
- Tôi ngại lắm.
Hồng Hoa nheo mắt:
- Có gì đâu mà ngại! Nếu ngại thì ông đi với tôi.
Chiều hôm đó, tôi theo Hồng Hoa đến nhà Việt An.
Nhà Việt An nằm trên một con đường nhỏ, có khoảnh sân rộng đằng trước. Ngay cổng có hai cây dừa cao thật cao, trĩu đầy những trái. Đi ngang qua, tôi cứ len lén nhìn lên, sợ trái rớt trúng đầu.
Việt An đang quấn chăn ngồi trên giường, thấy tụi tôi vô, liền đứng dậy.
Tôi giơ tay:
- Thôi, Việt An ngồi nghỉ cho khỏe! Đứng dậy chi!
Nói xong, tôi đặt mấy trái cam trên bàn rồi ngồi xuống ghế. Còn Hồng Hoa chạy đi pha nước.
Tôi nhìn Việt An, thấy nó xanh xao hơn thường ngày, tôi đâm ra thương nó ghê gớm, nỗi giận hờn trước đây bay vèo đâu mất. Tôi dịu dàng hỏi:
- Việt An đã đỡ nhiều chưa?
Việt An đưa tay vuốt tóc:
- Hơi hơi! Chắc ba, bốn bữa nữa mới đi học lại được.
Tôi nhìn mấy cuốn tập trên bàn:
- Mấy bữa nay có ai chép bài giùm Việt An không?
Việt An không trả lời thẳng câu hỏi của tôi. Nó nhìn ra cửa sổ, nói lơ lửng:
- Chừng nào hết bệnh, tôi mượn tập chép lại chứ lo gì!
Như vậy là chưa có ai giành phần. Tôi ấp úng đề nghị:
- Việt An đưa tập tôi chép bài giùm cho!
Vừa nói tôi vừa liếc chừng Việt An, trong lòng thấp thỏm sợ nó từ chối. Nó đã từ chối thẳng thừng những đề nghị của tôi bao nhiêu lần rồi!
Nhưng lần này Việt An tỏ ra dễ dãi hơn. Chắc là do bị bệnh nên sức đề kháng của nó yếu đi so với ngày thường. Dòm vẻ mặt căng thẳng vì chờ đợi của tôi, Việt An mỉm cười:
- Tùy anh! Nếu anh rảnh!
Vậy tức là Việt An đã bằng lòng. Tôi hớn hở nhủ bụng: rảnh thì không rảnh, nhưng vì Việt An thì từ bận tôi chuyển thành rảnh mấy hồi!
Lúc này, tôi chỉ tiếc là không có chuyên gia Hải gầy ở đây. Nếu có, nó sẽ nghiên cứu giùm tôi nụ cười mím chi của Việt An vừa rồi là cười nóng bỏng hay cười mát mẻ. Nhưng dù không giỏi chuyên môn bằng nó, chỉ với tư cách người phàm mắt thịt thôi, tôi cũng có thể cảm nhận bằng trái tim sự dịu dàng êm ái tỏa ra từ nụ cười của Việt An.
Bữa đó, tôi ôm chồng tập của Việt An về nhà như ôm chiến lợi phẩm, mặt mày hí ha hí hửng.
Hải gầy hay tin, liền chạy tới nhà tôi tham quan. Sau khi săm soi mấy cuốn tập của Việt An, nó gật gù nhận định:
- Nếu không có một tình cảm đặc biệt, Việt An sẽ không cho mày chép bài giùm đâu! Tụi con gái thường rất kỹ trong việc chọn mặt gởi... tập!
Khi phản đối chuyện tình cảm của tôi, Hải gầy phản đối tàn mạt. Còn khi đã tán vô, nó không ngại ngần đưa tôi lên tuốt mây xanh. Nhưng mặc dù biết vậy, khi nghe nó tán hươu tán vượn, tôi vẫn cảm thấy nỏ từng khúc ruột và trong tâm trạng cực kỳ phấn khởi đó, tôi đã tuyên bố cho luôn nó bộ cờ bằng ngà hiện nó đang mượn của tôi.
Kể từ giây phút đó, như một con ong thợ chăm chỉ, tôi lao vào chép bài đến rả cả tay. Việt An mới nghỉ có hai hôm mà tôi phải chép cả buổi trời. Nếu nó nghỉ thêm một tuần nữa, chắc tôi phải ngồi chép đến cụp xương sống mất!
Nghĩ đến viễn ảnh đó, tôi đâm ngán nên sáng hôm sau đến lớp thay vì chép bài vô tập của tôi thì tôi chép bài thẳng vô tập của Việt An. Như vậy về nhà tôi khỏi phải mất công chép lại. Còn trong tập của tôi thỉnh thoảng thiếu một, hai bài là... chuyện thường tình! Những bài quan trọng thì sắp đến kỳ thi kiểm tra, tôi sẽ học chung với Hải gầy, không chạy đi đâu mà sợ!
Tính toán đâu đó kỹ lưỡng, tôi ung dung đi học giùm Việt An. Tập vở của tôi thì tôi nhét kỹ trong cặp, từ đầu giờ đến cuối giờ chẳng thèm lôi ra lấy một lần.
Không dè có một hôm, cô Hường nổi hứng kêu tôi lên bảng trả bài.
Sự ưu ái đầy bất ngờ này khiến tôi toát mồ hôi lạnh. Nấn ná một hồi chẳng biết làm sao, tôi đành xách tập lên bảng, trong bụng lo ngay ngáy.
Đúng như tôi nghĩ, vừa lật tập của tôi ra, cô Hường trố mắt:
- Bài học hôm trước đâu?
Tôi cắn môi không đáp.
Cô Hường lật thêm một vài tờ và lại kêu lên:
- Bài hôm trước nữa cũng không có!
Cô quay nhìn tôi:
- Sao em đi học mà không chép bài?
Tôi đáp lí nhí:
- Tại cây viết của em hết mực nửa chừng!
Cô Hường lắc đầu tỏ vẻ không tin. Cô lặng lẽ kiểm tra tiếp cuốn tập bê bối của tôi. Đột nhiên, cô nhíu mày:
- Bài học thì không chép, lại chép bậy bạ gì đây?
Tôi chưa kịp hiểu ra chuyện gì thì cô Hường đã đọc to lên:
- Lòng em như chiếc lá khoai
Đổ bao nhiêu nước ra ngoài bấy nhiêu!
Cô Hường đọc chưa dứt, cả lớp đã cười rần rần.
Có đứa nói:
- Bạn Thư đang thất tình, cô ơi!
Một đứa khác oang oang:
- Đổ trà đá mới ra ngoài chứ đổ xi-rô kem thử coi! Tụi con gái nó đá bạo liền!
- Đổ vàng cũng không thèm! - Tiếng một đứa con gái phản ứng.
Trong khi tụi bạn trong lớp hào hứng tranh nhau nói thì tôi đứng chôn chân tại chỗ, mặt đỏ rần đến mang tai.
Ngượng đến chín người, tai ù đặc, cô Hường nói với tôi câu gì đó tôi cũng không nghe rõ. Cầm lấy cuốn tập, tôi vội vã trở về chỗ ngồi, hai chân như muốn rời ra khỏi người.
Từ lúc đó cho đến khi tiếng trống hết giờ vang lên, tôi ngồi học mà không dám nhìn ai, kể cả Hải gầy.
Thế là lần đầu tiên trong đời tôi lãnh zero. Có phải vì Việt An?