Chương 1

Dường như khi trở thành một chàng trai mười tám tuổi, không chú bé nào là không phấn khởi. Đối với tôi cũng vậy, đó là một ngày kỳ diệu vô cùng.

Tôi còn nhớ trước đó hai năm, khi một đứa bạn cùng lớp hí hửng khoe: "Thế là năm nay tao mười tám tuổi "... tôi đã ghen tị một cách khổ sở với hạnh phúc của nó. Mặc dù lớn xác như nó, đi học trễ hơn bạn bè hai, ba năm, chẳng được cái vinh dự gì ngoài mỗi "ưu điểm" to con nên được cô chủ nhiệm phân làm lớp trưởng. Tuy nhiên mười tám tuổi vẫn cứ là mười tám tuổi, vẫn cứ là cái tuổi oai vệ, đáng ao ước và đầy bí mật đối với bọn nhóc tì như tôi. Lúc đó, tôi đã cay đắng vô cùng khi nhận ra rằng mình phải phấn đấu đến hai năm đằng đẵng nữa mới được như nó.

Thế rồi mải học hành, mải vui chơi, tôi quên béng mất sự mong ngóng nôn nao của mình. Đùng một cái, nó tới lúc nào chẳng hay, cái tuổi mười tám ấy. Nó tới và nhe răng cười với tôi, vào một buổi sáng rực rỡ đầy ắp nắng hồng và hương thơm.

Mười tám tuổi, tôi có hai niềm vui rộng lớn, hai bước đi quan trọng trong cuộc đời: một chân bước vào ngưỡng cửa người lớn, và một chân chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa đại học.

Cửa người lớn thì rộng, trẻ em tới tuổi cứ xộc vào tự do, chẳng ai cấm cản hay soát vé. Nhưng cửa vào đại học thì không phải dành cho tất cả mọi người. Muốn vào phải thi mà phải thi đậu kia !

Quê tôi không có trường đại học. Hồi nhỏ tôi học cấp một ở trường xã, những ngày lười đi học bị mẹ vác roi rượt chạy tới tận cổng trường. Lên cấp hai, phải ra trường huyện. Lên cấp ba, lại ra tỉnh lỵ. Trường tỉnh chỉ mới mở lớp mười. Tôi tính học xong lớp mười sẽ xin ra thành phố học tiếp. Nhưng tôi vừa học xong lớp mười, trường mở thêm lớp mười một. Tôi học hết lớp mười một, trường lại mở lớp mười hai. Tôi đã học lê lết hết trường này đến trường khác nhưng thật tôi chưa thấy trường nào dễ thương như trường tôi đang học. Làm như ban giám hiệu sợ tôi buồn nên cứ mở hết lớp này đến lớp khác cho tôi học.

Nhưng đến khi học hết lớp mười hai thì tôi đành phải giã từ tỉnh lỵ. Lúc đó, tôi đã thi đỗ tú tài hai với hạng bình thứ, một thứ hạng thường thường bậc trung nhưng cũng đủ cho tôi dọn đường vào đại học.

Những học sinh tỉnh lẻ miền Trung như tôi, muốn vào đại học phải chọn hai nơi: hoặc ra Huế, hoặc vào Sài Gòn. Tôi phân vân hoài không biết nên đi ra ngõ ngoài hay đi vào ngõ trong. Ba tôi lúc này ở xa, không góp ý gì cho tôi được. Là sĩ quan quân đội, ông bị điều động đi hết nơi này đến nơi khác, năm thì mười hoạ mới tạt về thăm gia đình. Ở nhà chỉ có mấy mẹ con tôi. Mẹ tôi thì suốt đời lo chuyện nội trợ trong nhà, đâu có rành ba cái chuyện "tiến thân" của tôi.

Tôi hỏi thì mẹ tôi hỏi lại:

- Vậy chớ thằng Hoa đi đâu ?

Hoa là thằng bạn thân cùng lớp tôi hay dẫn về nhà chơi.

- Nó đi Huế ! - Tôi đáp.

- Vậy thì mày đi Huế học cho có anh có em !

Cái kiểu mẹ tôi trả lời, muốn nghe cũng được, không nghe cũng không sao. Cái câu đó có nghĩa là: "Tùy mày !".

Tôi bỏ ra đường quốc lộ đứng trông Nam trông Bắc một hồi. Cuối cùng, tôi quyết định xuất hành về hướng Nam. Kệ, đi Sài Gòn cho biết, tôi nhủ bụng, còn Huế thì mình đã đến một lần rồi !

Chuyến đi Huế của tôi xảy ra cách đây năm năm. Lúc đó tôi mới mười ba tuổi. Đó là một chuyến đi chẳng thú vị gì và bắt đầu bởi một tai họa không đâu. Một bữa trưa, đang ngồi ăn cơm, thấy hai con chó giành nhau khúc xương, cắn lộn ầm ĩ dưới gầm bàn, tôi liền đưa chân ... can thiệp. Con Bi lễ phép, thấy chân chủ thò ra, cúi đầu chào một cái rồi cụp đuôi lảng mất. Còn con Mi-nô đang say máu, tưởng chân tôi là cục xương, bèn nhe răng đớp một phát, máu chảy ròng ròng. Bị chó nhà cắn tưởng chuyện bình thường, không dè hai ngày sau con Mi-nô tự nhiên lăn đùng ra chết, mõm sùi bọt. Mẹ tôi hoảng lên, nghi con Mi-nô bị dại, bắt tôi đi chích thuốc.

Thuốc trị bệnh chó dại của viện Pasteur lúc đó chỉ có ở Qui Nhơn hoặc ở Huế. Nhưng ở Qui Nhơn, tôi không có bà con thân thích. Chú Năm, em ruột ba tôi, là trung sĩ quân y, đang đóng ở Huế. Thế là tôi theo cô tôi lên đường ra đất thần kinh, bụng thon thót cứ sợ chết dọc đường.

Vừa ra đến nơi, tôi chưa kịp thở đã vội vã theo chú Năm đến bệnh viện. Cái bệnh viện đó lớn nhỏ như thế nào, bây giờ tôi không nhớ. Ngược lại, tôi nhớ mãi, nhớ đến già cái mũi kim to sụ lầm mũi chích vào da bụng tôi cái thứ thuốc đùng đục, đau muốn thấu xương. Mỗi khi chích thuốc xong, bụng tôi nổi lên một cục to bằng quả trứng gà, dọc đường từ bệnh viện về nhà tôi phải lấy tay xoa mãi.

Ngày này qua ngày nọ, liên tiếp hơn nửa tháng trời, cứ khoảng chín giờ sáng tôi lại đến bệnh viện chích thuốc, thoạt đầu chú Năm dẫn tôi đi, về sau tôi đi một mình. Những lúc rảnh rỗi trong ngày, tôi cũng theo chú Năm đi đây đi đó nhưng trong trí nhớ của tôi những thắng cảnh của Huế nhạt nhòa hơn mũi kim tiêm kia nhiều. Nhưng dù sao tôi cũng đã đặt chân đến Huế.

Còn Sài Gòn thì trước nay tôi mới chỉ nghe nói đến, mới chỉ đọc trong sách báo, xem trong phim ảnh. Trong trí tưởng tượng của tôi, Sài Gòn như là một nước nào đó, kỳ diệu và lạ lẫm. Hiếm hoi lắm mới có một người ở quê đi Sài Gòn. Khi về, họ kể trăm chuyện lạ lùng, người lớn con nít ngồi bu quanh nghe như nghe chuyện cổ. Có người đi khoảng nửa tháng về, tiếng nói nghe cũng đã khác. Thay vì nói "trời đất ơi", họ lại kêu "chèng đéc ơi", nghe lạ hoắc. Họ không nói "khát nước quá xá" như trước đây mà nói "khát nước quá à ơi". Như thằng Bảo con ông Năm Khang, đi Sài Gòn về ghé nhà tôi chơi, lúc chào về, nó không nói "về" như mọi khi mà lại nói "chào thím Sáu con dìa" khiến mẹ tôi phải ngớ người ra một hồi mới hiểu.

Nhưng thường thường những người này chỉ giả giọng Sài Gòn lấy oai với bà con chòm xóm chừng một tuần, lại trở về với cái giọng quê kiểng thường ngày của xứ tôi như cũ.

Tất nhiên tôi muốn vào học ở Sài Gòn không phải để Tết về thưa mẹ "con mới dìa" như kiểu thằng Bảo. Ở lứa tuổi mười tám, đôi mươi, con người ta ai cũng muốn đến những thành phố lớn, những chốn văn minh đô hội để mở mang hiểu biết và thử sức với đời. Nhất là một chàng trai tỉnh lẻ như tôi.

Ngày tôi lên đường, ngoài mẹ tôi và mấy đứa em tôi còn có rất nhiều bà con họ hàng tiễn tôi ra tận bến xe. Nếu ba tôi có nhà, có lẽ ông sẽ đi cùng với tôi vào Sài Gòn. Nhưng ba tôi không về được, tôi đành phải đi một mình.

Ngoài va-li đựng quần áo, sách vở, tôi còn mang theo một túi sách to tướng trong đó mẹ tôi nhét đủ thứ đồ ăn, thuốc men và bánh trái. Mấy ngày trước đó, các cô chú cậu mợ dì dượng của tôi đem biếu tôi không thiếu một thứ gì, làm như tôi là Robinson chuẩn bị ra hoang đảo vậy. Bánh trái các loại tôi đã ăn lấy ăn để hai ba ngày nay, vậy mà khi đi tôi chỉ có thể mang theo chừng một phần ba.

Cả tuần lễ nay, mẹ tôi đã dặn dò tôi đủ điều, vậy mà đến bây giờ, khi tôi đã ngồi trên xe rồi, mẹ tôi vẫn cảm thấy còn nhiều điều chưa kịp nói. Bà đứng bên cạnh thùng xe, thò tay qua ô cửa nắm chặt tay tôi, miệng không ngừng nhắc đi nhắc lại những câu tôi đã thuộc lòng.

Không hiểu sao tôi chẳng thấy buồn chút nào. Có lẽ tâm trí tôi mải nghĩ tới cuộc sống mới lạ và hấp dẫn đang chờ đợi tôi phía trước. Chỉ đến khi xe lăn bánh, ngoảnh đầu lại thấy mẹ và các em tôi cùng các cô dì chú bác khuất dần sau lớp bụi mờ, tôi mới hay mình đã khóc.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện