Chương 49: Xà khiếu tước lai

Lương Tiêu chạy một mạch, thi thoảng bắt gặp dấu vết hai người để lại,

cây gãy đá nát như cuồng phong quét qua. Gã trông thấy mà kinh hoàng, tự nhủ cho dù tìm được Tiêu Thiên Tuyệt chắc mình cũng mất mạng. Ý nghĩ

khiến gã bi phẫn vô cùng, biết rõ chuyến đi lành ít dữ nhiều mà chân

không sao dừng được.

Đuổi về phía tây nam suốt nửa đêm vẫn không

bắt kịp, dấu chân hai người càng lúc càng mờ nhạt, Lương Tiêu chạy đến

sáng sớm ngày hôm sau thì mất dấu. Gã sục sạo khắp nơi hồi lâu nhưng vẫn không vớt vát được chút manh mối nào, Công Dương Vũ và Tiêu Thiên Tuyệt y như thể đã bốc hơi.

Lương Tiêu không nản lòng, tiếp tục tiến

bước, băng qua mấy thôn làng đều tịnh không gặp một người sống, khắp mặt đất vương vãi những thương gãy cung đứt, thi thể lăn lóc, phần nhiều là binh lính hai nước Tống, Nguyên, nhưng cũng có không ít dân lành, cảnh

tượng thê thảm không kể xiết.

Lương Tiêu lòng dạ ngổn ngang, chạy tiếp trăm dặm cuối cùng cũng gặp một nhóm dân Tống, hỏi ra mới biết có

mấy tốp lính Nguyên tăng cường đi qua vùng này, đụng độ với lính Tống.

Cư dân sợ loạn quân cướp bóc, bèn bỏ lại vườn tược, nháo nhào chạy đi

tránh nạn.

Nhìn nhóm dân Tống quần áo lam lũ đầu tóc rối bù, mặt

mũi lem nhem sắc diện hoảng hốt, Lương Tiêu vụt nhớ đến những gì đã từng chứng kiến, nỗi hối hận trào dâng ngập lòng.

Dạo thề độc diệt

Tống, gã chẳng thể ngờ rằng cứ đánh đánh giết giết là sẽ đẩy muôn dân

vào cảnh lầm than. Sau khi tận mắt trông thấy thảm trạng trong thành

Tương Dương, gã đã ăn năn lắm rồi, còn gắng gượng theo quân giao chiến

được đến nay đều là nhờ những lời hùng hồn về một thiên hạ thống nhất

hòa bình vĩnh cửu của Bá Nhan. Ngày lại ngày chinh chiến, làm chứng nhân bất đắc dĩ cho những màn tàn sát thê lương, lòng Lương Tiêu lúc nào

cũng như thiêu như đốt.

Đêm nay, gặp hết làng mạc hoang vu đến

dân tình li tán, gã hối hận cùng cực, bàng hoàng tự hỏi: “Cứ thế này

mãi, chẳng biết còn bao nhiêu người chết, liên lụy bao nhiêu dân lành

đây? Có lẽ rồi sẽ như Lan Á nói, sau chiến tranh, dầu cho thiên hạ thái

bình ngàn năm, nhưng tâm hồn ta không bao giờ yên ổn được nữa”.

Lương Tiêu thẫn thờ hồi lâu, khi tỉnh táo lại, nạn dân đã đi xa. Gã nhìn theo bóng họ, lòng đau đớn như bị rắn độc cắn xé, thống khổ nghĩ: “Tiêu

Thiên Tuyệt giết cha ta, cướp mẹ ta mang đi, khiến ta cô khổ phiêu bạt.

Đến nay chính ta lại khiến bao nhiêu dân lành mất nhà mất cửa, tứ cố vô

thân, thế này thì ta cũng có khác gì Tiêu Thiên Tuyệt đâu?”.

Lương Tiêu bất chấp tính mạng truy đuổi Tiêu Thiên Tuyệt chỉ cốt trả thù,

nhưng ý nghĩ trên đã dập tắt hết mọi quyết tâm, chà cùn mọi ý định báo

cừu xưa nay, gã lầm lũi tiến bước, không bận tâm đã đi bao xa, càng

không biết mình đi về hướng nào.

Đêm khuya, hai chân nặng như đeo đá, Lương Tiêu rã rời ngồi xuống một gốc cây, dõi mắt về làng mạc phía

xa, không gian tăm tối và lạnh lẽo như địa ngục. Đôi hồi gió rít lạnh

căm lùa cành lá kêu u u, nghe như tiếng ai sầu ai thảm.

Sức lực

kiệt quệ, tinh thần bải hoải, Lương Tiêu đờ đẫn chìm vào giấc ngủ. Cuối

giờ dần đầu giờ mão, gã choàng tỉnh vì một tràng cười quái dị. Tiếng

cười vút lên chói tai lẫn với âm thanh rin rít lạ lùng. Lương Tiêu bò

dậy, tiếng cười tạm ngưng, bốn bề trở lại yên tĩnh.

Lương Tiêu nhìn về phía phát ra tiếng cười thì chỉ gặp bóng đêm dày đặc, không le lói lấy một tia sáng, người bỗng ớn lạnh.

Gã dò dẫm bước theo hướng tiếng cười đến mười mấy dặm, phía trước dần dần

hiện lên bóng nhà cửa nhấp nhô, nhìn kỹ thì ra là một thôn trang. Lúc

này trời sắp sáng, soi nổi dáng núi lởm chởm vươn cao phía sau ngôi

làng. Thì ra con đường đã đưa Lương Tiêu tới gần địa giới Hoàng Sơn.

Nơi cổng làng ngổn ngang mười mấy xác chết của lính Nguyên. Lương Tiêu tiến đến, ngồi xổm xuống giở xem quần áo một người, trên ngực hắn in một vết đen trông giống con mắt âm hiểm nhìn trừng trừng. Lương Tiêu thót tim,

khám kỹ hơn thì nhận ra toàn thân hắn mềm nhũn như bông, toàn bộ gân cốt đứt gãy từng đoạn, không còn một đoạn xương hay gân nào nguyên vẹn.

Lương Tiêu rất đỗi nghi hoặc, đoán chừng tên lính này bị đấm chết, gân cốt

toàn thân đều hứng quyền kình nên gãy rời. Nhưng nếu như vậy, quyền kình của hung thủ quả là tàn độc lạ lùng, chưa từng thấy bao giờ. Gã tiếp

tục xem sang các binh sĩ khác, trên ngực họ đều có dấu nắm đấm, gân cốt

cũng gãy vụn.

Lương Tiêu ngẫm nghĩ hồi lâu rồi đào một cái huyệt

chôn tất cả xuống, xong xuôi đứng dậy thận trọng đi vào làng. Gã đoán có thể hung thủ vẫn còn ở trong trấn, bèn lập tức dồn tụ nội kình, đi bước nào cũng nghe ngóng động tĩnh xung quanh. Suốt một thôi đường, thấy các nhà trong làng đều mở toang cửa lớn cửa sổ, bên trong vắng ngắt không

một bóng người.

Lúc này trời tờ mờ sáng, gió lạnh căm căm thi

thút xuyên qua các ô cửa, gào rít tựa tiếng quỷ khóc ban đêm. Lương Tiêu gan góc cùng mình mà cũng không khỏi phát run khi nghĩ tên sát nhân

đang lẩn quất đâu đây. Thình lình có một tiếng “bình” rất to, Lương Tiêu thất thanh la lên:

- Ai? – rồi liếc mắt nhìn, phát hiện ra là một cánh cửa gỗ đang du đẩy qua lại bỗng đóng sập vào ngõng do gió thổi mạnh hơn.

Lương Tiêu thở phào, chợt thấy giữa khoảng khép mở của cánh cửa dường như

thấp thoáng bóng người, gã thót tim, nhảy vọt tới lách mình vào nhà,

nhưng bên trong trống hoác, không có một ai. Đang kinh ngạc thì nhận ra

trên nền đất in một bóng đen dài thượt, do nắng sớm mới lên hắt vào từ

ngoài cửa sổ, Lương Tiêu đạp cửa bay ra. Đập vào mắt gã là sáu người

đang đứng thõng tay xếp thành hàng một, tất cả đều vận quân phục Nguyên

triều.

Lương Tiêu nhướng mày hỏi:

- Các ngươi là thuộc hạ của ai?

Sáu binh sĩ vẫn bất động, bộ dạng ngây ngốc. Lương Tiêu rất lấy làm lạ, bèn lại gần vỗ vào vai người đứng cuối hàng. Sau một tiếng “bộp”, sáu tên

lính cùng đổ rạp về phía trước, chồng so le lên nhau như những quân bài

cửu. Lương Tiêu sửng sốt nhìn kỹ thì thấy họ đã chết lè lưỡi lồi mắt tự

bao giờ rồi.

Gã cúi xuống kiểm tra. Tình trạng tử vong của nhóm

này khác với đám quân Nguyên ngoài cổng làng, gân cốt tuy đứt gãy hết

nhưng trên mình không có vết thương gì rõ rệt. Riêng người cuối hàng đứt ngón út bàn tay phải, người thứ năm cụt ngón út bàn tay trái. Người thứ tư thì Lương Tiêu phải khám nghiệm khá lâu mới phát hiện ra ngón út bàn chân trái của hắn đã rụng. Người thứ ba rơi đâu mất ngón út bàn chân

phải. Người thứ hai khá kỳ lạ, các sợi tóc tách rời từng đoạn nhỏ, ngoài ra không có thương tích gì nữa. Lương Tiêu hoang mang xem đến người đầu tiên thì thấy gân xương tóc tai đều nguyên vẹn, gã trầm tư một lúc rồi

mở áo giáp lục tìm, quả nhiên phát hiện trên ngực hắn in hình nắm đấm

đen kịt.

Lương Tiêu suy nghĩ rất lung, một tia sáng bỗng xẹt qua óc, gã bất giác buột miệng thốt thành tiếng. Ai đó bật cười lạnh lùng:

- Nhìn ra rồi phải không?

Lương Tiêu hoảng hốt ngước lên. Một người đang lẳng lặng đứng cách gã chừng

một trượng, ăn vận trễ nải nhưng phong thái rất ung dung đường hoàng.

Lương Tiêu trố mắt:

- Công Dương tiên sinh… – Đắn đo một thoáng, gã hỏi. – Những người này đều do ông giết phải không?

Công Dương Vũ hừ mũi:

- Giết hạng vô danh tiểu tốt chỉ tổ bẩn tay. – Ông nhìn Lương Tiêu từ đầu xuống chân. – Hà, nhưng nếu ngươi muốn chết thì lão phu cũng vui vẻ

giúp ngươi thỏa nguyện.

Lương Tiêu nhăn mặt:

- Tiêu Thiên Tuyệt đâu rồi?

Công Dương Vũ hững hờ đáp:

- Hắn gặp cố nhân, đang bịn rịn hàn huyên.

Lương Tiêu thấy Công Dương Vũ đột nhiên xuất hiện đã kinh ngạc lắm rồi, lại nghe ông nói năng lấp lửng thì càng thêm nghi hoặc:

- Ở đây đã xảy ra chuyện gì?

- Cái thân ngươi bây giờ còn khó giữ, đừng thò mũi vào chuyện người khác nữa!

Lương Tiêu nóng mặt:

- Cứ cho là Lương Tiêu tội đáng muôn chết, lẽ nào Vân Thù chưa từng phạm lỗi?

Công Dương Vũ cau đôi mày rậm, mắt lóe lên sắc lạnh. Lương Tiêu xua tay:

- Tiên sinh khoan động thủ, sáu người này là đồng đội của tôi. Người ta

thường nói nghĩa tử là nghĩa tận, tiên sinh hãy thư cho tôi ít thời gian để giúp họ yên nghỉ rồi giao đấu cũng chưa muộn.

Dứt lời, gã tuốt kiếm đào huyệt mai táng sáu binh sĩ nọ. Công Dương Vũ quan sát một lúc, lạnh lùng bảo:

- Chúng nó chết có ngươi chôn cất, chẳng biết ngươi chết rồi ai lo hậu sự cho?

Lương Tiêu ngẫm lại từ dạo tòng quân tới nay, chinh chiến liên miên, đã gặp

bao cảnh thây chất thành núi, máu chảy thành sông. Hàng ngàn hàng vạn

binh lính ngã xuống nơi sa trường đều biến thành các thi thể vô danh.

Bản thân mình sống tới hôm nay thực đã may mắn lắm rồi. Càng nghĩ càng

thê lương, gã lắc đầu:

- Người ta trên đời, ai mà không chết?

Cùng là nhắm mắt xuôi tay, được chôn cất hay không có gì khác nhau? Lẽ

nào tiên sinh đã biết mai sau ông chết có ai an táng hộ rồi chăng?

Công Dương Vũ ngẫm cảnh mình xa vợ lìa con, tấm thân cô quạnh không một bóng người thân, sợ rằng khi trăm tuổi nắm xương tàn sẽ rơi rụng trong núi

hoang, chẳng ai ngó ngàng tới. Không nén được nỗi xót xa, ông thở dài

sau một lúc câm lặng:

- Được, nể mặt Văn Tĩnh, lát nữa ngươi chết, lão phu sẽ tự tay an táng cho.

Trong lòng Lương Tiêu lẫn lộn biết bao cảm xúc. Gã vốn muốn tìm đến thanh

minh với Công Dương Vũ, nhưng chuyến đi này khiến gã mục kích gần hơn bi kịch của binh đao, vừa hối hận vừa căm hờn, cho rằng bản thân mình gánh nặng bao tội nghiệt, chẳng màng phân trần lý lẽ nữa, chỉ nghĩ: “Hôm nay chết dưới tay ông già cũng như một sự giải thoát”, rồi lại chua xót:

“Khổ nỗi thù cha chưa trả, mẹ đi đâu cũng không rõ, ta thõng tay chịu

chết chẳng phải là bất hiếu lắm sao?”.

Cùng lúc ấy Công Dương Vũ

bị lời lẽ của gã khơi gợi những tiếc hận bấy lâu trong tim, rầu rĩ tự

nhủ: “Ta không thể quay lại Thiên Cơ cung được nữa, con cái sờ sờ ra đấy mà cũng như không, sau này về với tổ tiên, e rằng chẳng có ai hương

khói tế tự ta cả. Chà, hài tử Văn Tĩnh vốn dĩ hiền lương, không may táng mạng dưới tay lão quái vật, ta nhất định báo thù cho hắn. Song hắn chỉ

được một mụn con này, nếu nó chết, chẳng phải hắn sẽ tuyệt hậu hay

sao?”. Khi mới biết tin Lương Tiêu tấn công quân Tống, ông đã đùng đùng

nổi giận, những muốn giết ngay cho hả, nhưng đến lúc này bỗng lại ngập

ngừng.

Ông già cầm râu trầm ngâm hồi lâu, Lương Tiêu đang theo dõi với ánh mắt thắc mắc thì Công Dương Vũ chậm rãi hỏi:

- Ngươi có biết sáu tên này chết thế nào không?

Lương Tiêu cân nhắc một thoáng rồi đáp:

- Đều chết vì quyền kình. Song vì sao người thứ hai đứt tóc, bốn người đằng sau gãy ngón tay ngón chân thì thật khó hiểu.

- Đó chính là chỗ cao cường của kẻ ra tay. Nếu đấm cả sáu gãy xương đứt

gân mà chết thì khó khăn gì, nhưng đây hắn chỉ đẩy quyền kình đến ngón

tay hay cọng tóc nạn nhân, hoàn toàn không chạm vào các gân cốt khác.

Nội lực tinh diệu tới mức có thể vận hành tùy ý rồi.

Lương Tiêu rùng mình:

- Tiêu Thiên Tuyệt chăng?

Công Dương Vũ cười nhạt:

- Tiêu lão quái giết người theo kiểu chém to kho mặn, đời nào nghịch ngợm tủn mủn đến thế? Môn võ công này xuất xứ từ Thiên Trúc, tên tiếng Phạn

của nó là Thấp bà Quân đồ lị[1]. Theo tín ngưỡng Bà La Môn, “thấp bà” là vị thần hủy diệt, “quân đồ lị” nghĩa là rắn, cũng là tên gọi nội lực

trong Du già thuật[2]. Thấp bà Quân đồ lị do đó có thể dịch ra là Rắn

của thần hủy diệt, nhưng thường được gọi là Hỏa xà. Sau khi luyện thành

công phu, nội kình hệt như trăm ngàn con rắn độc trườn khắp cơ thể địch

thủ, húc vỡ tim, đập nát xương hoặc băm gan chặt ruột hoàn toàn tùy tâm ý của người thi triển.

Lương Tiêu tư lự:

- Xem chừng kẻ đó đã luyện thành.

- Đúng vậy.

Lương Tiêu nhướng mày:

- Tên hắn là gì?

Công Dương Vũ lườm Lương Tiêu, cười khẩy:

- Ranh con, ngươi chết đến nơi rồi còn hỏi chi cho lắm?

Lương Tiêu bực tức nói:

- Ai bảo ông không động thủ ngay đi, toàn lảm nhảm những chuyện đẩu đâu.

Công Dương Vũ buồn bã nghĩ: “Nếu ta đủ nhẫn tâm để động thủ, hà cớ phải rườm lời thế. Khốn thay hiện tại quyết tâm của lão phu suy yếu mất rồi, phải làm sao cho ngươi khiến ta tức giận mới ra tay được”. Ông bèn gợi ý:

– Nội công của hung thủ cao cường nhỉ, ngươi có khâm phục không?

Đối với Công Dương Vũ, kẻ tu luyện môn Hỏa xà này là kẻ đại gian đại ác,

Lương Tiêu chỉ cần buông một từ “có” thôi thì nhất định ông sẽ nổi giận

và thừa căm phẫn để lấy mạng gã. Vì vậy vừa hỏi dứt, ông liền nhìn chăm

chăm vào mặt Lương Tiêu để dò thái độ.

Lương Tiêu nhíu mày, lắc lắc đầu:

- Trên đời này, nhiều lắm là có bốn người khiến tôi khâm phục, hung thủ còn lâu mới lọt được vào danh sách ấy.

Công Dương Vũ thất vọng ê chề, tiện miệng hỏi thêm:

- Thế à, bốn người nào?

- Có một hòa thượng vô cùng nghĩa khí, dám nói dám làm. Ông ấy xếp thứ tư trong số những người Lương Tiêu khâm phục.

- Cửu Như chứ gì?

- Tiên sinh cũng quen ông ấy à?

Công Dương Vũ hừ mũi, không trả lời thẳng vào câu hỏi:

- Ai nữa?

- Người tiếp theo là Liễu Tình đạo trưởng. Tại sao thì chắc khỏi phải giải thích.

Công Dương Vũ gật đầu lia lịa, hớn hở nói:

- Tất nhiên tất nhiên, nàng xếp thứ nhất phải không?

Lương Tiêu lắc đầu:

- Thứ ba.

Công Dương Vũ cáu kỉnh nghĩ bụng: “Để xem ai xếp được trên nàng”. Lương Tiêu tiếp:

- Người thứ hai Lương Tiêu khâm phục là một tiểu cô nương.

Công Dương Vũ nhăn mặt nghĩ bụng: “Một đứa ranh con mà dám so đọ với Tuệ Tâm hử?”. Ông hừ mũi giận dữ. Lương Tiêu bùi ngùi:

- Tiểu cô nương này mắc bệnh nan y nhưng không bi quan buồn bực mà luôn

vui vẻ giúp đỡ người khác, nhờ cô bé giúp đỡ nên mới có Lương Tiêu ngày

nay.

Công Dương Vũ dịu nét mặt, khẽ gật đầu. Lương Tiêu chốt hạ:

- Còn người Lương Tiêu khâm phục nhất là một viên quan nhà Nguyên.

Mắt Công Dương Vũ lóe sáng, kình đẩy suốt xuống tay. Lương Tiêu thủng thẳng:

- Người ấy họ Quách tên Thủ Kính. Ông ta dồn hết tâm sức cũng như hứng

thú vào cải tạo thủy lợi và nghiên cứu lịch pháp, công lao rỡ ràng ngàn

năm, phúc đức cao dày vạn kiếp, do đó xếp đầu trong bảng bốn người Lương Tiêu khâm phục.

Công Dương Vũ nghe tới đây, cơn giận xẹp xuống, gật gù bảo:

- Nếu quả thực như ngươi kể thì bất luận hắn ta là Nguyên hay Tống đều đáng được thế nhân kính phục.

Nói thì nói vậy, nhưng thấy mình không được liệt vào hàng nhân vật khiến

Lương Tiêu khâm phục, Công Dương Vũ cũng hơi tự ái. Lương Tiêu nhẩn nha

tiếp:

- Ngoài ra, Lương Tiêu còn rất mến mộ võ công và tài trí

của Công Dương tiên sinh, nhưng cái lối bỏ mặc vợ con và hờ hững tình

thân của ông lại khiến Lương Tiêu không có thiện cảm lắm nữa.

Công Dương Vũ bừng bừng nổi giận, nhưng suy tính một hồi, nghĩ rằng nếu vì

thế mà giết Lương Tiêu thì lại chứng tỏ bản thân mình nhỏ nhen, bèn nén

cơn nộ hỏa, cười nhạt bảo:

- Nhóc con miệng còn hôi sữa, chả hiểu cái quái gì! – Trong bụng thì phát ớn: “Thằng ranh giảo hoạt kinh

khủng, chắc đã nhìn ra toan tính của lão phu nên mới giả vờ bịa chuyện

nói quanh khiến ta không nắm được thóp nó đây”. Cân nhắc một hồi lại

nghĩ: “Ờ mà việc gì ta phải đích thân động thủ, để nó ngoan ngoãn tự tận chả tiện hơn ư?”.

Trầm ngâm một hồi, ông chợt bảo: “Ngươi theo ta lại đây!” rồi quay bước. Lương Tiêu đành đi theo.

Lúc này trời đã sáng bạch, bốn bề quang đãng. Đến một gốc tùng đầu làng,

Công Dương Vũ xòe chưởng chặt lên thân cây, lá đổ xuống ràn rạt như

mưa. Nhà nho phất tay áo rộng. Hệt như bị hút, màn lá liền tụ thành một chuỗi chui vào tay áo ông.

Thu xong đám lá, Công Dương Vũ nói:

- Nếu ta tự tay giết ngươi thì khó tránh mang tiếng cậy mạnh hiếp yếu.

Trên núi Thạch Công, ngươi và ta chưa cá cược xong, bây giờ tiếp tục

vậy.

Lương Tiêu nhướng mắt nhìn. Công Dương Vũ lại khua tay áo,

lá tùng bắn phụp phụp xuống nền đất xốp, mau chóng xếp thành một đồ

hình, tựa vuông mà không phải vuông, dường tròn mà không phải tròn.

Công Dương Vũ hỏi:

- Ngươi nhận ra chứ?

Lương Tiêu hơi đổi sắc mặt:

- Nhận ra, đây là Thiên địa huyền hoàng. Phải chăng hôm qua chính tiên sinh đã bày trận cho quân Tống?

Công Dương Vũ không trả lời thẳng, lấp lửng bảo:

- Lúc ấy ngươi khua môi múa mép, xổ ra những gì như là: “Trận pháp này

gói gọn thiên địa, nuốt chửng nhật nguyệt, tiêu diệt vạn quân như nhổ

một cọng cỏ, tiến lui dễ dàng, không tài nào phá nổi”, nghe chừng cũng

có tí kiến thức. Bây giờ coi mỗi chẽ lá tùng là một quân sĩ, nếu ngươi

phá được trận này thì ta tha chết, nhược bằng thua thì tự chặt đầu là

hết nợ.

Lương Tiêu quan sát trận thế hồi lâu, đoạn lắc đầu:

- Đáng tiếc tôi không có bản lĩnh hút lá tùng, làm sao đấu với tiên sinh được?

- Khó gì, với tu vi hiện nay của ngươi, ta hướng dẫn qua loa là ngươi làm được ngay thôi.

Công Dương Vũ cho rằng Lương Tiêu khó thoát chết nên không giấu miếng, nhặt ngay một chiếc lá tùng giảng giải:

- Công phu này tên gọi Bích vi tiễn, coi lá tùng là tên, nội lực là cung, cứ thế bắn đi. – Thấy Lương Tiêu lộ vẻ ngơ ngác, ông sốt ruột. – Không

hiểu à? Ta hẵng hỏi ngươi, bắn cung thế nào?

Lương Tiêu thạo thuật kỵ xạ, nắm rõ đặc tính của cung tên, bèn đáp:

- Cánh cung cứng mạnh, dây cung mềm dai. Tay trái nắm cánh cung, tay phải bật dây cung là bắn được.

- Ừ, một cây cung gồm đủ cương nhu, còn nội lực có tách bạch cương và nhu không?

Lương Tiêu hiểu ra:

- Ý tiên sinh là dùng cương kình làm cánh, nhu kình làm dây, lá tùng làm tên?

Công Dương Vũ gật đầu:

- Tiểu tử khốn kiếp, cũng không đến nỗi tối dạ!

Lương Tiêu đăm chiêu:

- Xem chừng công phu này tương tự Cung huyền kình của Tiêu Thiên Tuyệt.

Công Dương Vũ trợn trắng mắt, mắng ngay:

- Láo lếu, tương tự là thế nào? Hừ, Bích vi tiễn là Bích vi tiễn, hoàn

toàn không dây mơ rễ má gì với Cung huyền kình. – Nghĩ sao ông lại hừ

mũi. – Dẫu có đôi chút liên quan, Cung huyền kình cũng chỉ là loại bàng

môn tả đạo. Tiêu lão quái cho rằng thân mình là cung, còn ta cho rằng

khí cơ là cung, gần với đạo trời hơn, cảnh giới hai bên vô cùng chênh

lệch, khó lòng so sánh được. Lão Tử từng nói: “Đạo Trời như giương cung. Cao thì ép xuống, thấp thì nâng lên. Thừa thì bớt đi, không đủ thì bù

vào”; lại răn: “Muốn đóng được phải mở trước”. Yếu lĩnh của Bích vi tiễn chính là ở đó, so với nó thì thứ công phu Cung huyền kình vứt đi kia

kém xa một vạn tám ngàn dặm.

Công Dương Vũ thóa mạ một hồi thì

vơi tức, bắt đầu giảng giải cặn kẽ cách hướng mạch, cách vận kình. Lương Tiêu vốn nắm bắt nhanh, lại có luồng nội lực gồm đủ âm nhu nhờ trận

chiến chân khí của hai đại cao thủ trên Hoa Sơn, nghe Công Dương Vũ

giảng xong, gã ngắt một nhánh lá tùng, vận năm thành cương kình và năm

thành nhu kình, cương kình căng ra, nhu kình kéo vào, khi hai luồng kình tương giao, chỉ nghe “sựt” một tiếng, nhánh lá tùng thụ lực bay lút

xuống bùn.

Công Dương Vũ hài lòng bảo:

- Thằng bé này dạy được đấy. Nhớ cho kỹ đây, ngoài cương trong nhu là xuất, ngoài nhu trong cương là nhập.

Lương Tiêu gật đầu, nắm tay đấm lên thân cây làm lá đổ rào rào, đoạn đẩy nhu

kình, hãm cương kình, chiêu thức trái hẳn lúc nãy, tư thế hệt như xoay

ngược cây cung, cánh vào trong, dây ra ngoài, đảo chiều bắn của mũi tên. Màn lá tùng bị chưởng lực của Lương Tiêu hấp hút, ào ạt bay về phía gã. Lương Tiêu chụp tay áo xuống, thu gọn số lá tùng.

Công Dương Vũ lộ vẻ ưu tư:

- Kể ra, nguyên lý này không hẳn chỉ giới hạn ở việc đả thương người bằng lá tùng. Mai sau, nếu nội lực ngươi đạt tới cảnh giới xuất thần nhập

hóa thì có thể tận dụng được cả lông tơ và bụi nhỏ kia đấy. Nhưng ngươi

mà may mắn đạt tới cảnh giới đó, chắc trên thế gian chẳng còn ai địch

nổi ngươi nữa.

Lương Tiêu nghe giọng ông có ý tiếc hận thì mỉm

cười buồn bã, chia kình làm cương và nhu bắn lá tùng ra khỏi tay áo,

cũng sắp thành một hình trận, tựa tròn mà không phải tròn, tựa vuông mà

không phải vuông.

Công Dương Vũ chớp mắt:

- Ngươi cũng dùng cái này?

- Thiên địa huyền hoàng là trận thế của các trận thế, không thể phá giải. Chẳng còn cách nào tốt hơn dĩ độc trị độc.

Công Dương Vũ cười nhạt:

- Kể ra cũng khá tinh tường.

Ông phẩy tay áo, lá tùng trên mặt đất như bị gió thổi, hai mươi tư khối

trong Huyền thiên tiểu trận bắt đầu vần chuyển. Lập xuân nổi đùng đoàng

tựa sấm, Vũ thủy như gió tạt mưa nghiêng, Xuân phân chia âm dương hai

nửa, Kinh trập quẫy động tựa giao long, Lập hạ cuốn ngốn ngấu như lửa,

Mang chủng tua tủa hệt lúa non, Tiểu thử – Đại thử liền một dãy, Sương

giáng mịt mù tựa tuyết bay, Tiểu tuyết – Đại tuyết đảo phải trái, Hàn lộ thoắt đọng rồi thoắt tan. Cứ thế, trận hình biến hóa theo bốn mùa, lúc dàn hàng ngang lúc xếp hàng dọc, tiến hành hợp công.

Lương Tiêu

cũng phất tay áo chạy trận Huyền thiên, nhưng phương vị có phần khác

biệt. Đông chí đối Hạ chí của Công Dương Vũ, Thu phân đối Xuân phân, Đại tuyết đối Tiểu thử, Xử thử đối Thanh minh, Hàn lộ đối Cốc vũ. Huyền

thiên ứng với sự thay đổi của hai mươi tư tiết khí, có âm dương tương

khắc tương sinh, trận pháp của Công Dương Vũ bị khắc chế, tức thì chạy

chậm hẳn lại.

Lương Tiêu lại phất tay áo, Thành thổ từ hướng tây

bắc, Ẩn thổ từ hướng đông bắc, Thần thổ từ hướng đông nam, Thao thổ từ

hướng tây nam… Chín khối của tiểu trận Hậu thổ lần lượt đánh ra từ các

phương vị khác nhau.

Công Dương Vũ nhẹ nhàng khoát tay áo rộng,

Huyền thiên trận tản ra hai cánh, chín khối Cửu Châu nổi lên ở giữa.

Theo đúng nguyên tắc hỏa phương nam khắc kim phương tây, mộc hướng đông

trấn thủy hướng bắc, ông dùng Thâm thổ chính nam đối phó Bính thổ hướng

tây, Tín thổ chính đông chống cự Thành thổ hướng bắc bên trận Lương

Tiêu. Bảy khối còn lại cũng bám sát vị trí tương khắc theo ngũ hành.

Trận thế của Công Dương Vũ mang hình hạc trắng xòe cánh, trông dáng

thanh thoát mà ẩn tàng sát cơ.

Lương Tiêu nhận ra đây là hình hạc tường, một trong chín biến của Thiên địa huyền hoàng trận, lập tức hô to:

- Hổ quỳ!

Nội kình của gã tới đâu, Hậu thổ tiểu trận thu vào tới đó, Huyền thiên tiểu trận nhô ra ngoài, hình dáng như mãnh hổ ngồi rình, làm đối trọng với

bạch hạc giang cánh. Công Dương Vũ biết rõ tấn công không được bao lâu

nữa, đấu được một lúc, trận thế cuốn vào trong, chuyển ra hình bí hí[3].

Bí hí là một trong chín con trai của rồng, dáng dấp giống con rùa, khi

trưởng thành thì thoát mai, hóa rồng mà đi. Hình trận này ẩn công trong

thủ, đường hướng biến hóa rất phong phú. Lương Tiêu tức thì dàn trận

theo hình phượng bay, dễ biến thủ thành công. Công Dương Vũ lập tức đổi

hình rồng vàng, hai trận Huyền thiên, Hậu thổ chốc chốc lại đảo vị trí,

thế như thần long biến ảo, khó định đầu đuôi. Lương Tiêu đối phó bằng

hình rùa đen, mặc rồng vàng xáp vào tấn công dữ dội đến đâu vẫn bất động như núi.

Trông bề ngoài, tưởng chừng hai bên tỉ thí nội lực

thông qua việc điều khiển lá tùng, nhưng thực chất họ đang đọ mưu đọ

trí. Chẳng mấy chốc, chín biến hình Thiên địa huyền hoàng đã dùng hết,

Công Dương Vũ và Lương Tiêu bèn phát triển thêm kiểu trận mới, hệt như

đánh cờ. Coi chín biến là dàn trận căn bản, trên nền tảng ấy họ lại tùy

cơ ứng biến, lần lượt đưa ra những ý tưởng mới. Bởi đây là thi đấu trận

pháp, hàm chứa đủ mọi nguyên lý về ngũ hành tương khắc, về bát quái cửu

cung nên phức tạp hơn hẳn nguyên lý đánh cờ thông thường.

Công

Dương Vũ càng đấu càng kinh hoàng: “Tiểu tử này còn ít tuổi mà kiến thức toán học đã sâu sắc quá! Ta nghiền ngẫm Thiên địa huyền hoàng đã bao

nhiêu năm mà không chiếm nổi ưu thế so với một kẻ mới vận hành lần đầu”. Thực tế Lương Tiêu cũng bóp đầu bóp trán, suy nghĩ đến rã rượi cả

người, không dám sơ ý mảy may. Thoạt tiên gã gắng gỏi cốt mong thoát

chết, nhưng càng lúc càng hứng thú, dần dần chú ý đến mặt học thuật của

trận thế, thậm chí còn thiết tha hơn cả mục đích cầu sinh.

Hai

người đều thông tuệ mẫn tiệp, xứng đáng là kỳ phùng địch thủ của nhau

trong trận đấu trí này. Lúc đầu họ chạy trận như gió táp mưa sa, nhưng

lần lần, mức căng thẳng càng cao thì tốc độ biến trận càng chậm. Cứ nhăn nhó suy nghĩ một lúc, họ lại quất tay áo, trao đổi một lượt biến hóa,

đến nước không khai triển được nữa thì dừng, lại chống má trầm tư cho

tới lúc một tia sáng khác lóe lên trong trí.

Giao đấu miệt mài

suốt hai canh giờ vẫn chưa phân thắng bại, thình lình ở mạn núi phía tây có tiếng ưng kêu lảnh lót, ngân nga mãi không dứt, Công Dương Vũ nhíu

mày vẻ sốt ruột.

Tiếng ưng vang vọng hồi lâu, không hề ngắt

quãng. Công Dương Vũ đứng bật dậy, giũ tay áo, hai chẽ lá tùng bắn véo

về phía Lương Tiêu. Gã này đang chìm đắm trong trận pháp, không đề phòng nên bị chẽ lá găm trúng hai huyệt Đản trung và Thần phong khiến thân

thể tê dại.

Công Dương Vũ cười khì khì:

- Lát nữa tỉ thí tiếp cũng không muộn, hai tên quỷ kia đấu đá đã lâu mà không biết kết quả thế nào, chúng ta đi xem cho vui.

Lương Tiêu bị xách chạy, gió rít vù vù bên tai, cảnh vật cứ ào đến trước mắt

rồi lại lùi tít ra sau. Công Dương Vũ nhảy cao hụp thấp, chỉ nháy mắt đã băng đi xa đến mấy chục dặm.

Đến một sườn núi, ông nhảy phóc lên một tảng đá to, cười bảo:

- Tới nơi rồi! – nói đoạn thả Lương Tiêu xuống.

Gã thiếu niên giương mắt nhìn. Cách chỗ họ khá xa có dãy núi xanh mờ giăng ngang chân trời, mây vờn sương phủ che kín vòm không. Cạnh đó là rặng

lau sậy, hoa lau rung rinh trắng như đọng tuyết. Bên rặng lau sậy có hai người, một vận đồ trắng một vận đồ đen, người áo đen chính là Tiêu

Thiên Tuyệt, người áo trắng tuổi ước ngũ tuần, nhân dạng khác hẳn dân

trung thổ, mũi cao mắt sâu, da trắng, mặt mày nhẵn nhụi, môi mỏng dính,

tóc bạc chải mượt cuộn thành búi to trên đỉnh đầu. Còn một người khác

ngồi gần chỗ hắn, mình bận quân phục Đại Nguyên, chiếc mũ lông chiên đã

bỏ ra, để lộ mái tóc đen đổ xõa xuống đến thắt lưng.

Tim Lương Tiêu đập thình thịch, nếu không bị điểm huyệt, chắc gã đã hét toáng lên.

Bởi vì tên lính Nguyên đó nào phải ai xa, chính là A Tuyết! Lạ một nỗi thân hình cô thẳng đuỗn khác thường, dáng ngồi cứng đờ như đá.

Người áo trắng ngậm ngang miệng một ống tiêu dài đỏ sẫm, tiếng ưng kêu phát ra từ chính ống tiêu này.

Trên không, bảy tám con chim ưng, diều hâu vừa rít lên dữ tợn vừa mổ cào cắn xé hai con kên kên, lông vũ rụng lả tả. Đôi kên kên dũng mãnh lạ

thường, mỗi lần mổ hoặc cào phát đều trúng một con diều hoặc ưng, hất nó rơi xuống đất. Lương Tiêu nhớ lại mẹ từng kể thuở nhỏ có nuôi một cặp

kên kên, chắc là hai con này đây.

Tùy theo nhịp tiêu bổng hoặc

trầm, từ những khe núi hang đá ở khắp bốn phương tám hướng lại có chim

ưng hoặc diều hâu lồng lộn bay tới, chỉ thoáng chốc đã tập hợp đến mấy

chục con, cùng xúm quanh đôi kên kên mà bươi cào xâu xé.

Lương Tiêu thầm kinh ngạc: “Không lẽ người này biết dùng âm thanh để điều khiển ưng cắt?”.

Đôi kên kên dần dần yếu thế, không địch nổi số đông, đầu và cánh bị mổ

trúng, lảo đảo chao nghiêng, rền rĩ thê thảm. Tiếng tiêu chợt ré lên,

bầy ưng diều liền xáp lại hai con kên kên lẻ loi, đồng loạt vươn mỏ giơ

vuốt tấn công. Máu tưới ra khắp nửa vòm trời, đôi kên kên đã bị xé bung

làm nhiều mảnh.

Tiêu Thiên Tuyệt hừ mũi giận dữ, hàng mày chữ bát nhíu thấp. Người áo trắng ngưng thổi tiêu, đắc ý nói:

- Tiêu lão quái, ngươi bảo cặp kên kên này vô địch tầng không mà? Bây giờ thua rồi đấy, còn gì để nói đây?

Dứt lời hắn cười ha hả, tiếng cười xen lẫn điệu rít rin rít lạ lùng.

Lương Tiêu nghe quen tai, sực nhớ: “Tràng cười quái dị hồi đêm chắc là của hắn”.

Tiêu Thiên Tuyệt lạnh lùng đáp:

- Được, hiệp này coi như ta thua. Theo thỏa thuận, trước tiên chọi chim,

kế đến tỉ võ. Hạ Đà La, ngươi có giỏi thì lần này đừng trốn.

Người áo trắng cười khà khà, chẳng ừ chẳng không. Thấy Tiêu Thiên Tuyệt chực

xông tới, hắn vội đặt ống tiêu lên miệng, thổi một tràng lanh lảnh.

Như đáp lại, khắp trời vang vọng một bầu âm thanh hỗn tạp, hàng đàn ưng

diều sà xuống, nhất tề lao bổ vào Tiêu Thiên Tuyệt. Lương Tiêu khiếp

đảm: “Kẻ này có khả năng điều khiển chim ưng, chẳng rõ lai lịch hắn ra

sao?”.

Tiêu Thiên Tuyệt thét vang, múa song chưởng lên đón bầy

chim. Rẹt một tiếng, tựa hồ bị một giàn đao kiếm vô hình phạt qua, đám

ưng, cắt, diều hâu gãy cánh cụt đầu rơi xuống lộp độp, những con còn

sống thì bay tán loạn, không dám áp sát Tiêu Thiên Tuyệt nữa.

Chỉ thoáng chốc, bầy ưng diều đông đúc đã bị đánh tan, chỉ sót một con chim ưng, nó kinh hoàng sải cánh chực bay, thình lình cùng tiếng gầm dữ dội, một con hổ đen từ vạt rừng bên cạnh phóng ra, tung mình chồm cao hơn

một trượng, vồ con chim kéo xuống, di mạnh nó trên mặt đất, xem chừng

không sống được nữa rồi.

Hạ Đà La cười rin rít:

- Thiên vật nhận của lão càng ngày càng sắc bén!

Tiêu Thiên Tuyệt trợn mắt:

- Đừng lải nhải nữa, đền mạng đôi kên kên cho ta.

Lão đảo người, nhoài tới gần ba trượng, Hạ Đà La không hề cử động mà thân

hình bỗng lướt ngang đi xa đến hai trượng, tránh khỏi phát chưởng của

Thiên Thiên Tuyệt:

- Bình tĩnh nào Tiêu lão quái, mở to mắt mà xem đây!

Hắn lại đặt ống tiêu ngang miệng, tiếp tục thổi. Lần này là âm điệu lách

cha lách chách, Lương Tiêu tự hỏi: “Tiếng chim gì nhỉ, nghe quen tai

lắm”.

Tiêu Thiên Tuyệt ngưng bước, cười nhạt:

- Được, lão phu gắng xem xem.

Lão đứng lại, quạt liền ba chưởng. Hạ Đà La tuy đang ở cách xa mấy trượng

mà cũng phải xê xích để né tránh, cuối cùng lui hẳn ra ngoài mười

trượng, mặt mày nhăn nhó, nhưng miệng vẫn thổi liên miên.

Chỉ

trong chớp mắt, bốn phương tám hướng rộ lên tiếng phụ họa ríu rít. Vòm

trời tối sầm. Lương Tiêu ngước mắt nhìn. Trên không xuất hiện vô số chim sẻ, di chuyển rất nhanh về phía này như một đám mây dày màu gai xám.

“Ra là tiếng chim sẻ”, gã nghĩ.

Bầy sẻ dường nổi cơn điên, tràn

tới cực nhanh rồi đổ rào rào xuống Tiêu Thiên Tuyệt như giàn tên nhọn.

Tiêu Thiên Tuyệt tiếp tục phát chưởng. Chưởng phong tới đâu, xác sẻ rụng lộp độp tới đó, nhưng một đợt rơi xuống, đợt thứ hai đã đùn lên thay

thế, lớp nối lớp tấn công không màng sống chết.

Tiêu Thiên Tuyệt

thoạt đầu xuất chưởng còn ung dung thư thái, nhưng dần dần càng lúc càng nhanh, cuối cùng song chưởng lên xuống như chong chóng. Vậy mà đàn sẻ

vẫn dồn về nườm nượp, che rợp bầu trời, phủ dày mặt đất, y như thể toàn

bộ chim sẻ của dãy Hoàng Sơn đều tụ tập lại đây.

Khi đàn sẻ đã

quây kín trên không, Hạ Đà La dùng tiếng tiêu tách chúng làm hai tốp.

Một tốp bọc Tiêu Thiên Tuyệt bằng nhiều lớp như vỏ hành. Tốp kia xúm đến chỗ hổ đen, vươn mỏ mổ chí chát. Con hổ gầm thét giơ vuốt quất đuôi,

nhưng đàn sẻ quây kín đến nỗi nước cũng không lọt, con hổ che chắn được

đằng đầu thì đuôi lại sơ hở. Chẳng bao lâu, chỉ nghe một tiếng gầm khủng khiếp, hai mắt chảy máu, trong cơn kinh hoàng nó guồng chân chạy trốn.

Nhưng bầy sẻ truy đuổi kỳ cùng, chuyên nhắm những chỗ con vật không với

được vuốt tới mà mổ rỉa khiến máu thịt bắn tung tóe. Hổ đen phóng đi xa

đến hơn hai mươi trượng thì tiếng gầm rít dữ dội đã đổi ra rên rỉ thê

lương, bốn chân mềm nhũn, nó đổ vật ra đất.

Tiêu Thiên Tuyệt phổ

Thiên vật nhận vào song thủ, chưởng phong thường khi sắc bén là thế mà

gặp phải tình cảnh quái dị này cũng khó lòng phát huy uy lực. Se sẻ vốn

là loại nhỏ bé yếu đuối hạng nhất trong các loài chim, nhưng nhờ số

lượng đông đảo và tổ chức tấn công đồng loạt nên sức mạnh lại vượt xa

ưng diều. Tiêu Thiên Tuyệt quạt chết một lớp thì lớp khác sà đến, đánh

giết đến mức xác sẻ tích dày cả thước trên đất, còn con hổ đen đã bị đàn chim bươi vầy, rỉa sạch máu thịt, còn trơ khấc bộ xương trắng.

Lương Tiêu dày dạn và can đảm có thừa, đã từng thống lĩnh thiên quân vạn mã

phi ngựa quất roi tung hoành trên sa trường, vậy mà gặp cảnh này cũng

không khỏi ớn lạnh.

Tiêu Thiên Tuyệt thét vang, quạt chưởng vù vù đánh thủng một lỗ hổng giữa lớp sẻ, đoạn tung mình lao vụt ra ngoài như một vầng mây đen, lướt thẳng về phía rặng lau sậy.

Lương Tiêu

theo dõi lộ khinh công của Tiêu Thiên Tuyệt với ánh mắt tán thưởng, đoán thầm: “Từ bụi lau sậy chắc lão sẽ nhảy xuống nước, muốn thoát bầy sẻ

quái gở kia thì quả thực đó là cách đơn giản nhất”.

Nhưng Tiêu

Thiên Tuyệt chỉ bay là là trên rặng lau rồi lướt ra xa hơn ba trăm bộ,

không xuống nước mà đáp lên bờ bên kia, một cành sậy màu xanh nhạt đã

nằm trong tay lão tự bao giờ.

Tiêu Thiên Tuyệt nhăn trán, ngắt bỏ hết lá nhánh, để lại một ống sậy thuôn thuôn, đoạn ngậm nó vào miệng

thổi u u. Tiếng sáo sậy vốn thê lương ai oán, lại được nội lực của Tiêu

Thiên Tuyệt thúc đẩy, âm thanh càng thêm thắt ruột thắt gan.

Kiến thức võ học của Lương Tiêu đã khác xa ngày xưa, vừa thấy khóe mắt cay

cay, gã rợn người hiểu ra, vội vàng dùng phép Nhập định và Tẩy tâm trong Tử phủ nguyên tông để tập trung tinh thần, loại bỏ tạp niệm, chống lại

tác động của tiếng sáo sậy.

Tiếng sáo vút lên, xen lẫn tiếng tiêu của Hạ Đà La. Bầy sẻ bị nhiễu âm thanh, không biết theo bên nào, đập

cánh soạt soạt bay rối rít quanh xác đồng loại, kêu lên ai oán rồi tản

dần đi, kết thúc trận đấu thấm đẫm máu tanh.

Lương Tiêu thở phù,

cảm thấy như học thêm được một điều, bụng bảo dạ: “Cách nhổ cỏ tận rễ

của Tiêu Thiên Tuyệt quả thực cao minh. Bầy sẻ bay đến vì tiếng tiêu,

phá được tiếng tiêu là tức khắc đập tan mọi mũi tấn công của chúng”.

Đàn sẻ đã biến mất nhưng Tiêu Thiên Tuyệt vẫn không buông sáo, thậm chí còn đẩy thêm nội lực vào ống sậy cho nhạc điệu tăng độ bi thiết, âm thanh

rầu rĩ vọng chân mây, bồi hồi quanh sơn cốc, nghe như lữ khách thở than

nỗi tha hương, thiếu phụ nỉ non đêm lẻ bóng. Hạ Đà La đổi liên tục các

loại tiếng chim, các cung biến điệu, từ yến oanh thỏ thẻ, vàng anh líu

lo cho chí hạc kêu não nuột, quạ gào inh tai.

Nhạc âm của hai bên đều vận dụng nội lực khiến người nghe điêu đứng bàng hoàng, rất khó

chống đỡ. Lương Tiêu phải dùng Tẩy tâm và Nhập định để trấn tĩnh mới

thoát được nguy hiểm. Đương tập trung tinh thần, chợt nghe tiếng sụt

sịt, gã thất kinh mở bừng mắt nhìn thì thấy A Tuyết nghẹn ngào vật vã

như hoa lê bị gió dập mưa vùi.

Nguyên là tiếng sáo của Tiêu Thiên Tuyệt quá đỗi thảm thiết, A Tuyết nghe mà kinh tâm động phách, huyết

khí dâng cao, không kiềm chế được nên bật khóc. Khổ nỗi còn bị điểm

huyệt nên khí lực không đủ, cô muốn khóc to nhưng đuối sức, đành chỉ

thút thít nấc nghẹn. Nỗi đau đớn bị khơi lên trong ngực do đó vô phương

giải tỏa, tích lại mỗi lúc một dày, mặt A Tuyết dần dần trắng bệch, hai

mắt lạc thần.

Lương Tiêu hiểu nếu cứ tiếp tục thế này, A Tuyết

nhất định sẽ đau thương quá độ mà chết. Gã muốn cứu viện nhưng thân thể

tê liệt, định xung khai huyệt đạo thì Bích vi tiễn quá ư lợi hại, gã thử mấy lần đều tốn công vô ích, đành tuyệt vọng nhìn A Tuyết gặp nạn.

Thình lình, Công Dương Vũ bỗng phá lên cười, tiếng cười chấn động rừng núi.

Đoạn ông xếp bằng ngồi xuống, nhuyễn kiếm Thanh Li đặt ngang đầu gối,

ngón co ngón búng gẩy trên thân kiếm làm phát ra âm thanh keng keng như

chặt đá chặt vàng.

Công Dương Vũ bảo:

- Tiêu lão quái, Khổng Tử dạy: nhạc buồn nhưng đừng nên bi lụy. Ngươi thổi sáo bát nháo như vậy nghe chẳng lọt tai chút nào.

Dứt lời, ông dùng kiếm thay đàn, vuốt lên thành âm chủy, vũ, miết xuống tạo âm cung, thương. Giai điệu uyển chuyển, chẳng những mượt mà như đàn gỗ

ngô đồng hay danh cầm cổ kim mà còn réo rắt hân hoan khiến nỗi buồn

thương dịu bớt. Ông cất giọng hòa theo khúc nhạc:

Ngoài đồng hoang có con chương,

Bên nhà có một cô nàng đương xuân.

Bạch mao chàng gói thịt phần,

Đem sang dụ dỗ tấm thân ngàn vàng.

Trong rừng bộc tốc mọc hoang,

Có con hươu chết nằm lang ngoài đồng,

Chàng đem ngả thịt gói xong,

Tặng cho người ngọc những mong kết tình.

“Khoan khoan chàng hãy kìm mình,

Đừng khua chó sủa, đừng rình rờ khăn!”

Bài Dã hữu tử khuân[4] này trích trong Kinh Thi, kể chuyện nàng con gái

đang tuổi xuân mơn mởn ở nơi đồng dã, có chàng trai lấy lá bạch mao gói

thịt con chương, con hươu đem tặng tán tỉnh. Ý thơ linh động, tươi tắn

hồn nhiên.

Công Dương Vũ hát xong, nhạc đệm thay đổi, ông lại chuyển sang bài khác:

Nàng rằng: gà gáy sáng kìa,

Chàng: ừ, trời cũng tờ mờ từ lâu.

Vậy chàng nên dậy cho mau,

Sao mai lấp lánh phương nào rồi kia.

Đeo cung rong ruổi đồng quê,

Bắn chim phù, nhạn mang về cho em.

Nhạn, phù chàng bắn, để xem,

Em làm vài món lại thêm rượu nồng

Thuận hòa tới lúc răng long,

Vui duyên cầm sắt, thỏa lòng thương yêu.

Đây là bài Nữ viết kê minh[5], cũng trích trong Kinh Thi, thuật lại chuyện

đôi nam nữ tự tình đêm hôm, ý ngọt ngào âu yếm, tình nồng nàn lả lơi.

Hai bài hát cất lên, lập tức pha loãng âm giai của sáo sậy. Nỗi đau đớn đè

trĩu ngực A Tuyết cũng vợi bớt, nhưng tự nhiên một cảm giác lạ lùng khác lại xâm chiếm hồn cô, khiến mặt cô đỏ ửng và đầu óc tràn ngập muôn

tưởng tượng xa xôi, tất cả đều xoay quanh hình ảnh Lương Tiêu.

Hạ Đà La ngưng thổi địch, cười rin rít:

- Thì ra Công Dương huynh cũng là người đồng hội đồng thuyền với chúng

ta. Kinh Thi còn có bài Thư cưu họa tiếng quan quan, Bên cồn sông vắng

hót vang vui vầy. Yêu kiều thục nữ thế này, Cùng chàng quân tử sánh tày

lứa đôi. Sái gia[6] trẻ trung mến người ngọc, thường ngày đều theo đuổi

cái đẹp đấy.

Hắn vốn chỉ lõm bõm về thơ Hán, tự nhiên gặp đúng

dịp để khoe khoang dấn vốn ít ỏi của mình thì lấy làm đắc ý lắm, cười

toe toét liếc về phía A Tuyết. Lương Tiêu khinh bỉ nghĩ: “Chí ít cũng

bốn năm chục tuổi đầu rồi mà còn tự xưng là trẻ trung mến người ngọc.

Trơ thế không biết!”.

Công Dương Vũ mỉm cười, lại hát:

Tân Đài tráng lệ, Hoàng Hà cuộn trôi,

Tưởng lấy được chàng xinh tươi,

Ngờ đâu gá nghĩa với người hom hem.

Tân Đài chất ngất, Hoàng Hà lao xao,

Tưởng sa xuống chốn thanh cao,

Ngờ đâu bất hạnh rơi vào bụi hoang.

Khấp khởi quăng lưới, vớt phải cóc già,

Tưởng thân gửi gã hào hoa,

Tân hôn đêm ấy hóa ra lão còng[7].

Hạ Đà La nghe ca từ dường như ngụ ý đả kích, nhưng không hiểu rõ lắm, đang cau mày ngẫm nghĩ thì Công Dương Vũ cười hỏi:

- Hạ xú xà, ngươi có hiểu Tưởng sa xuống chốn thanh cao, Ngờ đâu bất hạnh rơi vào bụi hoang nghĩa là gì không?

Hạ Đà La cười đáp:

- Ngôn từ kín đáo sâu xa thế, sái gia lỗ mỗ Hán văn, thực không hiểu nổi.

Công Dương Vũ nháy mắt:

- Tưởng sa xuống chốn thanh cao, Ngờ đâu bất hạnh rơi vào bụi hoang, nói

rộng ra là chê cười sự bất cân xứng, châm biếm những con cóc ghẻ không

tự lượng sức đòi ăn thịt thiên nga ấy mà.

Hạ Đà La sầm mặt:

- Huynh đài muốn chửi sái gia là cóc ghẻ?

Công Dương Vũ cười tươi:

- Ấy, chính thế! Lão phu chửi ngươi ba lần cóc ghẻ mà ngươi vẫn một mực không chịu hiểu, thực là nước đổ đầu vịt. Ha ha ha…

Hạ Đà La hầm hầm hừ một tiếng rõ to.

Trong lúc hai người đối đáp, tiếng sáo sậy của Tiêu Thiên Tuyệt dần dần thay

đổi sắc độ, ai oán sầu thương giảm bớt, tăng thêm tình ý miên man. Công

Dương Vũ ngạc nhiên lắng nghe.

Tiêu Thiên Tuyệt đang thổi bài Kiêm gia, cũng thuộc Kinh Thi:

Bên sông sậy mọc xanh xanh

Móc vương trên lá rành rành tựa sương,

Người ta đêm nhớ ngày thương,

Ở bờ đối diện mà dường quá xa,

Ngược nguồn tìm lối ta qua,

Gặp đường trắc trở cùng là quanh co

Trở lui tìm lối hạ du,

Ngờ đâu người lại lửng lơ giữa dòng.

Khúc hát này kể chuyện một chàng trai từng trải muôn vàn vất vả để đeo đuổi

người mình yêu thương. Công Dương Vũ vốn có tâm bệnh nên rất đồng cảm

với tình cảnh nhân vật. Ông đã lặn lội cùng trời cuối đất để tìm Lâm Tuệ Tâm, chịu đựng nhiều khổ sở tới mức toàn bài Kiêm gia cũng không đủ

diễn tả một phần vạn nỗi khổ đó, càng ngẫm càng thương thân, đầu óc dần

dần chống chếnh mụ mẫm.

Tiêu Thiên Tuyệt thổi hết một lượt bài

Kiêm gia liền thổi lại lần nữa. Âm thanh đó vây bọc mọi giác quan của

Công Dương Vũ, bản đàn dưới những ngón tay ông cũng dần dần đổi theo

giai điệu Kiêm gia:

Rặng lau mọc kín bờ sông

Móc trong buổi sớm ròng ròng chưa khô,

Người ta thương nhớ mong chờ,

Thoáng trông hình bóng ở bờ bên kia,

Ngược nguồn chân lựa nẻo đi,

Gập ghềnh khúc khuỷu dễ gì tiến sang,

Trở lui tìm lối xuôi đàng,

Ngờ đâu người đã chuyển sang giữa cồn.

Công Dương Vũ dùng tiếng đàn đấu với Tiêu Thiên Tuyệt nhưng lại vô tình bị

cuốn theo giai điệu lung lạc của đối thủ, chỉ thoáng chốc, nhịp tim hòa

với nhịp đàn, đôi mắt dần dần rực lên cuồng nhiệt. Hạ Đà La nhận thấy có thể lợi dụng được, bèn nghĩ bụng: “Võ công tài trí kẻ này đều đáng gờm, không nhân đây trừ khử hắn thì còn đợi tới khi nào?”. Hắn lập tức ghé

ống tiêu lên miệng, thổi ra âm thanh của chim thư cưu.

Thư cưu là loài chim ái tình, trống mái quấn quýt bên nhau cả đời không lìa xa.

Tiếng tiêu của Hạ Đà La não nuột luyến láy, hệt như châm dầu vào lửa,

khiến uy lực từ cây sáo sậy tăng lên bội phần.

Công Dương Vũ nghe sáo sậy và tiếng chim đồng vọng, tâm trạng thoắt phấn khởi thoắt bi ai, thoắt vui vẻ thoắt âu sầu. Bỗng nhiên, trước mắt ông thấp thoáng hiện

ra hình ảnh Liễu Tình áo trắng chân trần, tóc xanh buông dài chấm đất

yêu kiều đứng giữa mây trời, mỉm cười tươi tắn.

Khí huyết bừng bừng, Công Dương Vũ trân trân dõi nhìn bằng cặp mắt ứa lệ, đôi tay cất cao, ông gọi:

- Tuệ Tâm, cơn cớ gì mà nàng trốn tránh ta, cơn cớ gì? Nàng có biết ta

tìm nàng khổ sở đến nhường nào không? Ngược nguồn tìm lối ta qua, Gặp

đường trắc trở cùng là quanh co. Ngược nguồn tìm lối ta qua, Gặp đường

trắc trở cùng là quanh co…

Ngày thường ông vẫn than sầu oán khổ,

nhưng tự trọng thân phận nên thủy chung chỉ giữ trong lòng, lúc này bị

tiếng sáo và tiếng tiêu thúc đẩy tâm tư nên thổ lộ cả ra, mà đã thổ lộ

là ào ạt như thác đổ, không sao kìm nén được nữa.

Lương Tiêu thấy Công Dương Vũ mất hết tỉnh táo thì lo cuống, khốn nỗi hai chẽ lá tùng

găm cứng các huyệt đạo đã cản trở mọi cố gắng can thiệp của gã. Trong

lúc bối rối, một tia sáng thình lình lóe lên trong óc: “Ban nãy Công

Dương tiên sinh chẳng đã dạy ta Bích vi tiễn đó ư? Ngoài cương trong nhu là xuất, sao ta không lấy dùng thứ kình đó mà bắn mấy chiếc lá này

ra?”.

Vừa nghĩ dứt, gã đã dồn nội lực đến huyệt Đản trung, đặt

cương kình bên ngoài, nhu kình bên trong rồi bật cung, sau một tiếng

“phụt” nhẹ, nhánh lá tùng rời thân bay ra. Lương Tiêu hoan hỉ lặp lại

cùng cách thức, đẩy nốt cả chẽ lá tùng ở huyệt Thần phong đi.

Lúc này Công Dương Vũ đã mê man thần trí, hoa chân múa tay, lẩm nhẩm mãi

câu hát Ngược nguồn tìm lối ta qua, Gặp đường trắc trở cùng là quanh co, bắt đầu mấp mé bờ vực của sự điên loạn.

Lương Tiêu không kịp đắn đo nhiều, lập tức nhảy vọt tới hét vang, áp một chưởng lên huyệt Ngọc

chẩm của Công Dương Vũ, đổ chân khí vào Đốc mạch rồi dồn nó chạy tới

huyệt Đại chuy.

Pháp môn này bắt nguồn từ thiên Nhập định trong

Tử phủ nguyên tông. Thường khi bắt đầu tập nhập định, người tu đạo vẫn

còn rất nhiều tạp niệm, chỉ sơ sẩy một chút là sa vào tẩu hỏa nhập ma,

vì vậy bên cạnh phải có sư tôn hỗ trợ, gọi thần trí họ quay về. Tình

cảnh hiện tại của Công Dương Vũ cũng tương tự tẩu hỏa nhập ma nên cách

làm của Lương Tiêu công hiệu ngay tức khắc. Công Dương Vũ rùng mình, lập tức tỉnh táo lại.

Tiêu Thiên Tuyệt căm thù Công Dương Vũđến tận

xương tủy, định nhân cơ hội ngàn năm một thuở này mà dồn kình địch vào

cảnh chết vì loạn trí, nào ngờ đến thời khắc quyết định lại bị Lương

Tiêu phá ngang. Nhìn đôi đồng tử của Công Dương Vũ trở nên linh động,

Tiêu Thiên Tuyệt hiểu rằng thế là xôi hỏng bỏng không, trong lòng tức

giận vô cùng, lão gắng đẩy sức vào tiếng sáo, nhằm lúc Công Dương Vũ

chưa thật tỉnh táo thì tấn công để ông trở tay không kịp. Hạ Đà La cùng

chung ý nghĩ, tiếng tiêu càng thêm riết róng.

Công Dương Vũ vừa

tỉnh đã gặp ngay hai mặt giáp kích, thầm than nguy hiểm, lập tức tập

trung tinh thần phòng thủ. Ông xếp bằng ngồi xuống, tay trái gẩy nhuyễn

kiếm tấu thật nhanh giai điệu Phong vũ thuộc Kinh Thi hầu chống lại

tiếng sáo sậy của Tiêu Thiên Tuyệt, tay phải gỡ bầu rượu sơn đỏ ở thắt

lưng, đập nó cồm cộp lên mặt đá theo âm cung và thương tạo tiếng cú mèo

kêu để chống đỡ nhạc tiêu của Hạ Đà La. Hiềm nỗi tâm lực ông đã tiêu hao quá độ trong lúc thất thần vừa rồi, chưa kịp điều hòa hơi thở lại phải

đối phó cùng lúc với hai địch thủ nên nhọc sức vô cùng. Chỉ thoáng chốc, đỉnh đầu Công Dương Vũ bốc khói trắng nghi ngút, sau vài tích tắc, bầu

rượu bửa đôi, lại thêm một lát, đầu ngón tay lướt qua lưỡi kiếm đứt da

bật máu.

Lương Tiêu bèn tung mình lại gần Hạ Đà La, quạt chưởng

tấn công. Hạ Đà La thấy gã còn quá trẻ mà chưởng phong đã quá đỗi sắc

bén thì ngạc nhiên hết sức, nhưng đang đấu đến thời khắc then chốt, hắn

không muốn phân tâm đỡ đòn, bèn nhích đi xa hơn một trượng.

Lương Tiêu phát chưởng hụt mà cũng không trông thấy động tác di chuyển của Hạ Đà La nên vô cùng kinh sợ. Gã xoay bật người, lướt sang chỗ A Tuyết ôm

choàng lấy cô. A Tuyết mừng mừng tủi tủi, đôi mắt đẹp long lanh lệ. Hạ

Đà La không tiện di chuyển về, nhưng bộ dạng đằng đằng sát khí, hầm hầm

giương mắt nhìn.

Trận đấu giữa Công Dương Vũ, Tiêu Thiên Tuyệt và Hạ Đà La mỗi lúc một nguy hiểm. Lương Tiêu xé áo bịt hai tai A Tuyết

lại, đoạn vỗ ba chưởng về phía Tiêu Thiên Tuyệt. Họ Tiêu vẫn điềm nhiên

ngồi yên, đợi chưởng phong của Lương Tiêu tới gần, áo lão bỗng phồng lên rồi xẹp xuống, đón và từ từ hóa giải luồng kình.

Lương Tiêu phát hoảng, muốn tiến lên giao đấu, song không nỡ bỏ A Tuyết một mình. Gã

thầm nghĩ nếu không ngăn cản Tiêu Thiên Tuyệt và Hạ Đà La thì Công Dương Vũ chắc chắn sẽ thất bại. Đang bối rối, gã chợt nghe thấy tiếng chuông

boong boong vọng tới, âm thanh đầy đặn và vang vọng khắp khe khắp núi,

liền đó là một giọng oang oang:

- Hai đánh một, trơ tráo quá thể…

Cùng với lời nói, tiếng chuông vẫn ngân nga, nhịp buông điểm đúng khoảng lặng giữa những nốt chuyển của cây sáo sậy.

Tiêu Thiên Tuyệt bất ngờ, suýt bị tiếng chuông làm lạc nhịp, đành buông Công Dương Vũ, thúc nội lực vào tiếng sáo để đương cự tiếng chuông.

Công Dương Vũ nhớ lại tình cảnh khốn đốn vừa rồi, hai mắt trợn tròn, trỏ tay nói lớn:

- Hạ xú xà! Lúc trước không tính, bây giờ hai ta đơn đả độc đấu lần nữa.

Ông trút hết mọi căm giận với Hạ Đà La xuống Thanh Li kiếm, dùng nó thay đàn tấu bài Ân vũ:

Mau thay oai vũ nhà Ân,

Hưng binh chém Sở khí gần Đẩu, Ngưu…

Cảm nhận rõ rệt luồng sát khí rờn rợn bốc tận chân mây, Hạ Đà La không dám

trễ nải, cũng dùng tiếng hót của muôn loài chim để đáp trả.

Bỗng

đâu lại một tràng cười dài. Lương Tiêu dõi mắt nhìn ra. Từ cuối khúc

quanh của sơn đạo, Cửu Như đang rảo bước chạy tới, vai vác quả chuông

đồng cũ mòn, nhỏ bằng một nửa chiếc chuông đại ở chùa Hàn Sơn. Lão giơ

gậy gõ liên hồi lên tang chuông làm phát ra tiếng boong boong ầm ĩ.

Nhận ra Lương Tiêu, nhà sư cười vang:

- Nhóc con, đã lâu không gặp!

Lương Tiêu ôm quyền đáp:

- Đại sư vẫn phong độ như xưa, thật đáng mừng!

Cửu Như cười ha hả:

- Tiểu tử dẻo mồm! Đợi bần tăng xong việc, chúng ta sẽ đánh chén một bữa

thỏa thuê, uống hẳn ba trăm chung rượu! – Không đợi Lương Tiêu đáp lời,

lão đã đưa mắt nhìn sang Hạ Đà La, cười bảo. – Hạ xú xà, bần tăng gặp

người quen cũ, mải kể lể hàn huyên nên đến muộn. Ha ha, ngươi tưởng ta

không nhớ đấy à?

Lão vừa nói vừa đập vù cây gậy xuống đỉnh đầu Hạ Đà La.

Gậy đập thẳng xuống, động tác không có gì đặc biệt, song Hạ Đà La xem chừng rất úy kỵ, lùi tránh đến hơn một trượng. Hắn nhét ống tiêu vào trong

tay áo, mỉa mai:

- Đồ lừa trọc, ngươi cứ muốn bám nhằng nhẵng đánh chí chết thế ư?

Cửu Như cười khì khì:

- Ta chỉ đánh chí chết thôi, còn bám nhằng nhẵng là cung cách của con rắn bẩn tính nhà ngươi. Người ta bảo đánh rắn phải đánh dập đầu, dắt trâu

phải xỏ lỗ mũi. Ha ha, đáng tiếc Hạ xú xà không phải đạo sĩ, bằng không

bần tăng cũng tìm một sợi thừng xỏ lỗ mũi ngươi dắt đi.

Trong lúc chọc ghẹo, nhà sư vẫn múa tít cây gậy.

Hạ Đà La lắc mình lùi xa ra, trợn mắt mắng:

- Đồ lừa trọc, trời đất tuy rộng lớn nhưng không có gì thoát khỏi hai từ

“lý lẽ”. Sái gia chưa từng trêu cợt ngươi lần nào, vậy mà năm xưa ngươi

ráo riết đuổi đánh ta khỏi trung nguyên. Cứ cho là bỏ qua chuyện quá khứ đi, hôm nay ta mới trở lại, tại sao ngươi cũng dai dẳng bám theo suốt

mấy ngàn dặm qua?

“Thịch” một tiếng, Cửu Như dộng mạnh cái chuông xuống, cắm phập cây gậy gỗ trắc bên cạnh, cười nhạt:

- Ngươi đủ trơ trẽn để nhắc đến lý lẽ à? Ngươi đột nhập trung nguyên, tàn sát hơn ba trăm mạng, cưỡng bức hơn sáu mươi dân nữ. Chẳng từ một việc

ác nào, chết trăm lần chưa đủ đền tội.

Hạ Đà La nóng nảy cắt ngang:

- Lũ dân đen đó sinh ra là để sái gia luyện công, giết vài ba đứa đã ăn

thua gì! Còn đám đàn bà con gái kia, được sái gia biệt đãi là phúc phận

của chúng nó, vừa khoái lạc vô bờ vừa bảo toàn tính mạng, nhất cử lưỡng

tiện đến thế là nhất rồi!

Cửu Như quắc mắt, chạy quanh Hạ Đà La hai vòng, phỉ nhổ:

- Con rắn đốn mạt, ta quất nát đít ngươi!

Lão khua gậy lên, Hạ Đà La uốn mình tránh, lạnh lùng đáp:

- Đã thế, hôm nay có ngươi thì không có ta.

Hắn rút trên vai ra một thứ binh khí khuôn dạng kỳ lạ, tay cầm ở giữa, từ

đó xòe ra bốn phía bốn mũi dao cong lưỡi liềm dài chừng một thước hắt

ánh lạnh băng, trông tổng thế giống hình chữ卐.

Thứ binh khí này tên là Bát Nhã phong, sắc bén tuyệt luân, lối phát chiêu rất kỳ dị, Cửu Như bật cười:

- Ăn cắp ở đâu ra đấy? – đoạn tay phải múa gậy vun vút, tay trái cất chuông, miệng quát to. – Chết này!

Cái chuông kêu “hù” một tiếng, chụp xuống đỉnh đầu Hạ Đà La.

Bát Nhã phong lóe lên sắc lạnh, chém đứt đôi chuông đồng. Cửu Như cười ha

hả, xoáy tít c

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện