Chương 139: Trở về (thượng)
Bắc Kinh mùa đông thật lạnh. Thời tiết buốt giá khiến làn da khô sần nứt nẻ, tựa như những bức tượng sáp chực vỡ ra bất cứ lúc nào. Những cơn gió lạnh chốc chốc lại thổi qua mang theo từng trận lốc xoáy nho nhỏ. Một đoàn xe dài khởi hành từ bệnh viện đi về phía ngoại ô
Thẩm Đốc Lễ và Diệp Hoan ngồi trong xe. Diệp Hoan mím môi, tay chân ngọ nguậy
Thẩm Đốc Lễ nhìn hắn, ánh mắt vui vui: “Sao vậy? Thấy sợ à?”
Diệp Hoan lắc đầu: “Không đến mức sợ hãi, chỉ là tôi đang nghĩ nhờ ông ra lệnh cho người trong nhà bịt hết tất cả bồn cầu lại, miễn cho vị tam thúc kia ỷ lợi thế sân nhà lại sai người ấn đầu tôi vào bồn cầu…”
Thẩm Đốc Lễ: “…..”
“Thẩm gia…đến cùng là gia tộc như thế nào?” Im lặng một hồi, lần đầu tiên Diệp Hoan chủ động mở miệng hỏi về chuyện Thẩm gia
Hai mắt Thẩm Đốc Lễ nheo nheo, ý cười rộng mở: “Thẩm gia vốn là dòng dõi thư hương truyền thừa mấy trăm năm. Tổ tiên chúng ta vào thời đại nhà Thanh đã có không ít người đỗ cử nhân, tiến sĩ, thậm chí có một vị còn được đích thân hoàng đế Đạo Quang lựa chọn làm trạng nguyên. Thẩm gia khi đó có thể nói là vô cùng vinh quang, người người ngưỡng mộ. Cho đến cuối thời nhà Thanh, triều đình sa đọa, dân chúng lầm than, triều đình bị ép buộc ký rất nhiều hiệp ước nhục nhã dâng tặng chủ quyền lãnh thổ cho ngoại bang phương tây. Tổ tiên chúng ta lúc bấy giờ vẫn đang làm quan, mắt thấy đất nước đã mục nát đến tận gốc rễ, lại không có khả năng xoay chuyển tình hình nên tuyệt vọng từ quan, rút khỏi triều đình. Từ đó về sau lui về ở ẩn, không hỏi thế sự.”
“Mấy chục năm sau, thế cuộc rung chuyển, khói lửa chiến tranh bùng phát khắp nơi nhưng con cháu Thẩm gia vẫn không xuất đầu lộ diện, một mực đóng cửa đọc sách Thánh Hiền. Mãi cho đến đời của cha ta, khi đó tư tưởng tự do dân chủ mới mẻ của phương Tây đã được truyền bá vào trong nước. Con cháu Thẩm gia không còn chỉ biết đọc sách Thánh Hiền nữa mà bắt đầu có những lý tưởng riêng của mình. Bọn họ ngồi trong nhà tổ suy tư về vận mệnh tương lai của đất nước, tìm kiếm một con đường mới để quốc gia chúng ta lớn mạnh, bách tính được an cư lạc nghiệp. Tiếp tục đi theo chế độ phong kiến hay rẽ sang con đường tư bản chủ nghĩa, hoặc là bước lên con đường Cộng Sản….”
Thẩm Đốc Lễ dừng một chút, trong giọng nói pha lẫn sự sùng bái và kính trọng: “Mấy vị cha chú của ta có tất cả bảy anh em. Mỗi người một tư tưởng khác nhau nhưng đều một lòng muốn phục hưng đất nước. Bảy anh em ra đi, mỗi người một con đường. Sau này khi kháng chiến hoàn toàn nổ ra, bọn họ vẫn mang trong mình bầu nhiệt huyết báo quốc, đánh đuổi ngoại xâm, bốn người gia nhập quân đội Hoàng Bộ, ba người khác vội vã chạy đến Thiểm Tây Diên An…”
Diệp Hoan ngắt lời: “Bọn họ không phải chỉ là thư sinh sao? Gia nhập quân đội sao có thể mang binh đánh giặc?”
Thẩm Đốc Lễ cười nói: “Những người trí thức thời đó chỉ ngồi đọc sách nhưng Thẩm gia không giống như vậy, con cháu Thẩm gia chẳng những phải đọc sách Khổng Mạnh, còn nghiên cứu cả binh pháp thao lực, thậm chí cưỡi ngựa bắn cung đều tinh thông. Cái gọi là “Quân tử nghệ” chính là như vậy. Cho nên việc tiêu diệt ngoại bang đối với con cháu Thẩm gia không phải là quá khó. Khi đó, bởi vì am hiểu binh pháp, lại được thấm nhuần nền giáo dục quân đội tân thời nên người Thẩm gia rất nhanh chóng bộc lộ tài năng, trở thành mũi nhọn tấn công của quân ta…”
“Chuyện về sau này con cũng biết rồi đó, có bốn vị chết trận sa trường, hy sinh vì đất nước. Bọn họ dốc hết tâm lực vì đất nước, dùng tính mạng để giữ lấy tôn nghiêm cho cả dân tộc.”
Thẩm Đốc Lễ nhìn ra ngoài cửa sổ xe, khung cảnh phồn hoa vùn vụt trôi qua trước mắt. Ông cảm khái nói:
“Người ta nói “Anh hùng tạo thời thế” nhưng những người anh hùng đó thực sự nghĩ đến chuyện tạo thời thế sao? Lúc quốc gia nguy nan liền ra tay góp sức, chẳng lẽ là vì muốn tranh thủ thăng quan tiến chức hay sao?”
Trong xe, hai cha con rơi vào im lặng, tựa như đang lặng lẽ tiếc thương cho những năm tháng khói lửa đó, trong thế cuộc xoay vần, khói súng cuồn cuộn, người trước ngã xuống, người sau lại lao lên, không màng sống chết, một lòng tranh đấu cho tự do, giành lấy tôn nghiêm.
(Ngoài lề một chút ^^: Nhà cách mạng Việt Nam lão thành Phan Trọng Quảng từng kể lại bài giảng của Hồ Chủ tịch thời kỳ 1925-1927:
"Còn nhớ một lần anh em thảo luận vấn đề "anh hùng và thời thế". Người này nhấn mạnh anh hùng tạo thời thế, người kia nhấn mạnh thời thế tạo anh hùng. Bác (Bác Hồ) vẽ hai vòng tròn dính liền với nhau và giải thích: Không cải tạo được thời thế thì sao được gọi là anh hùng. Nhưng khi thời thế khách quan chưa cho phép thì có anh hùng nào mà thành công được. Anh hùng và thời thế như hai vòng tròn dính liền với nhau, liên quan mật thiết, tương tác với nhau không thể cắt rời.")
Được sinh ra trong một gia tộc hào hùng như vậy, trong tim Diệp Hoan bất giác trào lên niềm tự hào. Cảm giác này thật kỳ diệu! Trên người mình chảy dòng máu của các vị anh hùng đó thật là một chuyện vinh quang vô cùng.
Thẩm Đốc Lễ lẳng lặng nhìn gương mặt nghiêm túc của Diệp Hoan, khẽ nở nụ cười
“Diệp Hoan, Thẩm gia không quên con. Thời nay nói đến vinh dự gia tộc nghe có chút cổ hủ nhưng người Trung Hoa chúng ta trước là “gia” sau mới là “quốc”. Tổ tiên đã trao tặng cho chúng ta danh dự lớn lao, sau này con hành sự cũng đừng làm những chuyện khiến các vị tổ tiên đó phải hổ thẹn. Dù ở đâu, dù làm gì con cũng phải luôn ghi nhớ con là người Thẩm gia. Đầu của chúng ta vĩnh viễn phải ngẩng cao, tôn nghiêm còn cao hơn sinh mệnh.”
Diệp Hoan gật đầu một cách nghiêm túc.
Đoàn xe thẳng tiến đến một ngọn núi ở ngoại ô Bắc Kinh, men theo con đường nhỏ, quành qua mấy khúc liền đến trước một khu nhà rộng lớn được xây theo lối cổ. Từ cổng lớn phải đi thêm mấy trăm mét nữa mới vào đến nhà tổ. Đoàn xe dừng lại trước một tấm biển lớn bằng đá cẩm thạch. Đám vệ sĩ xuống trước mở cửa xe cho Diệp Hoan và Thẩm Đốc Lễ
Diệp Hoan tò mò ngước nhìn tấm biển. Thẩm Đốc Lễ cười giải thích:
“Tấm biển này chính là phần thưởng hoàng đế Đạo Quang ban tặng cho vị tổ tiên đã đỗ trạng nguyên. Khi cụ diện kiến hoàng thượng để trả lời vấn đáp, hoàng đế nghe được Thẩm gia là dòng dõi thư hương truyền thừa nhiều đời, đã có rất nhiều người đỗ đạt làm quan, ngài rất vui mừng, khen Thẩm gia biết cách dạy dỗ con cháu, là tấm gương cho trí thức trong thiên hạ. Vì vậy, ngài ban thưởng tấm biển bằng ngọc thạch, trên có đề chữ “Trạng Nguyên phường”. Tấm biến được dựng ngoài khu nhà tổ Thẩm gia khiến triều thần ao ước không thôi”
Diệp Hoan đứng lặng trước tấm biển, gió lạnh vẫn gào thét từng hồi, bên tai hắn như văng vẳng tiếng trẻ con đọc sách, những đứa bé Thẩm gia khuôn mặt non nớt nghiêm túc lắng nghe lời phu tử dạy bảo, thấm nhuần tư tưởng Nho gia lấy thân mình đền nợ nước. Trên chiến trường khói lửa chống giặc ngoại xâm, giữa mưa bom bão đạn, thân hình cha ông hắn đứng sừng sững cho đến giọt máu cuối cùng, đến lúc chết đi vẫn phẫn nộ trừng mắt. Máu nóng nhuộm đỏ non sông, nhiệt huyết đó, phóng khoáng đó hòa vào nhau tạo nên những vần thơ hoa lệ mà tàn khốc, tạo nên những bản trường ca bi tráng hào hùng
Bao nhiêu năm trôi qua, vần thơ vẫn văng vẳng, lời ca vẫn văng vẳng…
Diệp Hoan đứng lặng thật lâu, bỗng nhiên hắn khom người xuống, bái lạy thật sâu tấm biển cẩm thạch đó.
Trăm năm tang thương, trăm năm bi tráng, tấm biển nếu có linh hẳn đã nhìn thấy sự thăng trầm của gia tộc cổ xưa này. Thế hệ trước bước chân ra đi với một bầu nhiệt huyết, lúc trở về chỉ còn là những cỗ quan tài lạnh băng. Bọn họ đã hiến dâng sinh mệnh trân quý để đổi lại tôn nghiêm và tự do cho dân tộc mình.
Phật gia nói “Đại Vô Úy” (Không biết sợ) chính là không sờn lòng khi độ hóa chúng sinh, giữ vững chính đạo, hàng yêu phục ma, nguyện để bản thân xuống địa ngục để đối lấy an lạc của chúng sinh
Như thế, đã đủ xưng một tiếng ANH HÙNG.