Chương 33: Bật mí

Lại một người cha trẻ tuổi và con gái đi đến, anh ta nhảy nhót như con khỉ, đứa con gái cười như nắc nẻ đuổi theo cha. Thật hạnh phúc! Các gia đình thời nay đều sinh một con, tối đa là hai, nhưng nhà người mù lại có tới 11 nhân khẩu! Gồm những ai? Bố mẹ đẻ, bố mẹ vợ, vợ ông ta, và năm đứa con hay sao? Nghĩ ngợi lan man… rồi Tiểu Quân bỗng đứng lại, mắt mở to. Luồng suy nghĩ của cô tựa như một con cá nhỏ bé yếu ớt, bất lực đang bơi giữa đại dương mênh mông, bốn bề tối đen… Con cá ấy bỗng xô phải một thứ gì đó mềm mềm, nó lùi lại rồi bơi tiếp, muốn xem thứ mình vừa chạm phải là cái gì. Nó đã nhìn rõ: đó là một cái hàm ếch hồng hồng! Thì ra con cá ấy đã bơi vào trong một cái miệng khổng lồ…

Người mù nói nhà ông ta có 11 người. Thoạt đầu Tiểu Quân chỉ cảm thấy hơi kỳ lạ, bây giờ cô bỗng nhận ra đó là một câu nói đầy ẩn ý! Suy luận, ghép thành chữ, nói là gì? Chính là chữ Cát[1]. Trường Thành họ Cát.

[1] Chữ Hán chiết tự: số 11 ghép với chữ Khẩu, được chữ Cát.

Lúc nãy cô bảo người mù nói tên bạn trai của cô, ông ta nói “11 người nhà đang chờ tôi về ăn cơm”, rồi bước đi. Thực ra đó là câu trả lời của ông ta!

Hầu như các bạn của Tiểu Quân và thậm chí cả những người trong công ty của Trường Thành đều không biết anh họ gì. Họ chỉ quen gọi anh là Trường Thành. Thế mà người mù bói rong lạ hoắc này lại biết họ của bạn trai Tiểu Quân! Cô bắt đầu thấy tin ông ta.

Về đến nhà, Tiểu Quân cẩn thận giở tờ giấy đó ra nhìn kỹ. Cô nhanh chóng nhận ra những chấm lồi lên tạo thành một hình vẽ kỳ quái. Thế này nghĩa là sao? Tiểu Quân nghĩ nát óc cũng không thể hiểu nổi. Ngày mai ra trả tiền cho người mù, cô sẽ bảo ông ta gợi ý. Đúng thế. Tiểu Quân gập tờ giấy lại, lên giường nằm, nhưng cái hình vẽ ấy vẫn cứ lởn vởn trong óc cô.

Lúc nửa đêm, ngủ say, cô lại nằm mơ mình cầm bút nối các chấm lồi qua lại với nhau, rối tinh rối mù, mà vẫn không thể hiện được hình vẽ gì có giá trị. Cô rất ngao ngán nhưng vẫn không từ bỏ, tiếp tục liên kết chúng lại… Rồi bất chợt có một nét gạch nối đã khơi thông toàn bộ hình vẽ; bỗng có một tiếng nổ “đoàng”, một con đường hầm mờ ảo hiện ra, không rõ đường ấy sâu hay nông. Tiểu Quân từ từ bước vào, càng lúc càng run rẩy… cô bèn dừng lại nhắn tin cho Trường Thành để anh đến với cô. Trường Thành nhắn lại rằng anh đang ở Nga. Hết cách, cô đành liều đi tiếp. Bước chân của cô chậm chạp. Sau đó cô không nhìn thấy gì nữa, chỉ văng vẳng nghe thấy tiếng nước tí tách rơi. Chẳng rõ đi bao xa, Tiểu Quân thấy phía trước có ánh sáng, cô bèn đi về phía đó, và bước vào một ngôi nhà cũ, chính là ngôi nhà cô đã từng nằm mơ thấy. Bên trong không có ai, chỉ kê một chiếc bàn cổ, trên đặt nến hương và hoa quả, cộng với hai cái ghế bành sạch sẽ bóng loáng.

Cô còn nhớ bên trái cái bàn là chỗ đứng dành cho người đã chết, nhưng cô cứ đứng vào chỗ đó; cái logic trong mơ lúc đó của cô là, đứng đó thì người ta mới không nhìn thấy mình. Lát sau bên ngoài vọng đến tiếng kèn trống, âm thanh mỗi lúc một gần. Bốn nam giới khiêng một chiếc máy ảnh kiểu cổ cao lênh khênh; sau đó có vài phụ nữ dắt chú rể vào. Tiểu Quân thấy anh ta trông rất quen, cô cố nhớ lại… và, thật bất ngờ, đó chính là Trường Thành! Anh nói mình đang ở Nga, thì ra là nói dối! Anh đến đây cùng một cô gái khác làm đám cưới! Tiểu Quân muốn kêu lên, bảo Trường Thành đừng đứng ở đây chụp ảnh, đây là nơi người sống và người chết làm đám cưới ma. Nhưng cô không sao gọi thành tiếng được. Cô định chạy ra kéo anh lại, nhưng người cô như đã bị tiêm thuốc tê, không thể động đậy.

Tất cả đã quá muộn, mấy phụ nữ kia kéo Trường Thành đến đứng bên phải cái bàn cổ, cùng hàng với Tiểu Quân, rồi anh thợ ảnh mở ống kính “xạch” một tiếng. Cô bỗng hiểu rõ, thì ra Trường Thành đến đây để kết hôn với cô, cô thấy rất vui, cười vang và tỉnh dậy.

Bốn bề tối đen, tâm trạng vui sướng trong mơ bỗng tan biến, Tiểu Quân bước ra khỏi cái logic hỗn loạn trong giấc mơ. Cô lập tức nhận ra giấc mơ này nói rằng cô đã chết, Trường Thành vẫn còn sống, anh và cô tổ chức đám cưới ma…

May sao nó chỉ là giấc mơ!

Hôm sau, Trường Thành gọi điện cho Tiểu Quân hỏi thăm sức khỏe. Cô nói mọi việc đều ổn, cô đang chuẩn bị đi làm.

Trả lời xong, cô bỗng nghĩ đến một điều: trực giác của trẻ em rất chuẩn, nên vẽ lại các chấm tròn ở tờ giấy cầm đến nhà trẻ, hỏi chúng nói xem đây là cái gì. Biết đâu có thể có kết quả không ngờ. Nghĩ rồi cô lấy tờ giấy kia ra, dùng bút chì vẽ lại y hệt các chấm lồi vào một tờ giấy khác; cô vẽ còn dễ nhìn hơn. Cô cất nó vào túi xách rồi lên xe máy phóng đi.

Ra khỏi cổng khu chung cư, Tiểu Quân nhìn về nơi người mù vẫn ngồi, không thấy gì. Chẳng rõ ông ta có đến nữa hay không. Cô đến thẳng nhà trẻ. Tất cả có 31 bé, chúng lần lượt được cha mẹ đưa đến. Cô hay dạy lớp nhỡ; chúng thường không coi Tiểu Quân là cô giáo mà coi cô như đứa trẻ lớn nhất lớp. Cô thích như thế, vì nếu chúng coi cô là cô giáo thì đó là một loại công việc, nếu chúng nghĩ cô là một thành viên thì cô có thể trở lại thời thơ ấu, hằng ngày vui chơi với chúng.

Bọn trẻ gặp nhau lập tức túm tụm đùa nghịch. Một đứa khá lớn cầm một thứ đồ chơi bằng vải nhung đập lên đầu đứa bé hơn, làm nó òa khóc. Tiểu Quân phải dỗ mãi. Sau đó cô lấy tờ giấy ra, nói: “Các con! Hôm nay chúng ta tập tưởng tượng. Nào, thử nói xem đây là cái gì? Ai trả lời đúng sẽ được thưởng quà.”

Bọn trẻ nhìn tờ giấy, rồi đua nhau nói đủ thứ.

Xem chừng chú bé lớn hơn cả không mấy hứng thú, nó phớt lờ, đứng ở chỗ xa cầm đồ chơi đập xuống cái ghế, nói: “Đó là cái mông.” Những đứa bé khác rất say sưa, đưa nhau phát biểu: “Là củ lạc!”

“Ngôi sao!”

“Chấm tròn!”

“Quái thủ!”

“Quả táo!”

“Mặt rỗ!”

“Dấu chân!”

“Viên đạn!”

“Đường tàu hỏa!”

“Vừng ơi mở ra!”

“Cái lưới!”

“Đường tàu hỏa” là câu trả lời của một bé trai hay thò lò mũi. Câu này khiến Tiểu Quân sững người như bất chợt bị mắc kẹt vào một nơi bí hiểm nào đó. Đường tàu hỏa…

Lúc bọn trẻ học giờ thể dục, Tiểu Quân chạy ra ki-ốt bán báo bên ngoài mua một tờ bản đồ Trung Quốc. Quay trở vào, vô lên mạng tra cứu tàu hỏa đi Đồng Hoảng. Chỉ có một chuyến tàu số 1655, từ Bắc Kinh đến Đồng Hoảng gồm 14 ga. Cô lấy bút nối các ga lại với nhau, được một hình vẽ; cô lại giở tờ giấy cầm theo, rồi nối các điểm lại, cũng được một hình vẽ y hệt.

Tờ giấy nói rằng, đây chính là hình vẽ tuyến đường đi đến nơi âm dương tiếp giáp! Nơi ấy ở phía chính bắc Đồng Hoảng!

Tim Tiểu Quân đập như điên, không rõ là vì xúc động hay vì sợ hãi.

Trong “Một nghìn một đêm lẻ”, Alibaba niệm thần chú “Vừng ơi mở ra…” thì cửa đá xình xịch mở luôn. Đọc đến đây chúng ta thấy rất thần kỳ và không thấy sợ hãi, bởi vì đó chỉ là câu chuyện của Alibaba.

Giả sử một người đi trong rừng, vô tình phát hiện ra cánh cửa của một hang đá, bèn nói “Vừng ơi mở cửa ra…” rồi cửa đá xình xịch mở ra luôn, thì liệu người đó có sợ không? Và hãy thử tưởng tượng chuyện đó sẽ xảy ra trong đêm nay?

Điều bí mật mà Hồ Tiểu Quân phát hiện ra, rất giống cánh cửa đá và câu thần chú trong đời thực.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện