Sợi tơ hồng và dây xích chắc

Chàng thanh niên ... Hừm, tôi sẽ phản biện sau! Còn "nhiệm vụ bạn bè" là gì vậy?

Triết gia Điều này chỉ quan hệ bạn bè với ý nghĩa rộng hơn, tách rời công việc. Do không có ràng buộc về công việc nên sẽ là mối quan hệ khó bắt đầu cũng như phát triển.

Chàng thanh niên Vâng, đúng như vậy đó! Nếu có một "không gian" dành riêng giống như trường học hay chỗ làm việc thì còn có thể tạo dựng quan hệ. Cho dù đó chỉ là quan hệ bề ngoài ở nơi đó. Nhưng nếu muốn tiến thêm một bước, phát triển thành quan hệ bạn bè hay tìm được bạn bè tại một nơi khác ngoài chỗ làm việc thì quả vô cùng khó khăn.

Triết gia Cậu có ai có thể gọi là bạn thân không?

Chàng thanh niên Tôi có bạn. Nhưng có thể gọi là bạn thân hay không thì...

Triết gia Tôi cũng từng như thế. Hồi học cấp ba, tôi không chịu kết bạn, suốt ngày chỉ học tiếng Hy Lạp và tiếng Đức, vùi đầu vào đọc sách triết học. Thấy tôi như thế, mẹ tôi rất lo lắng nên đã đến gặp giáo viên chủ nhiệm. Giáo viên chủ nhiệm liền nói, "Chị không phải lo đâu. Em ấy là người không cần bạn." Câu nói đó đã mang lại nhiều can đảm cho cả mẹ và tôi.

Chàng thanh niên Người không cần bạn... Vậy là hồi học cấp ba, thầy không có người bạn nào?

Triết gia Không, tôi có một người bạn duy nhất. Cậu ấy nói "Chẳng có gì đáng học ở đại học cả" nên rốt cuộc không lên đại học. Nghe nói sau vài năm giam mình trên núi, giờ thì cậu ấy đang làm báo ở Đông Nam Á. Chúng tôi đã không gặp nhau mấy chục năm rồi, nhưng tôi có cảm giác nếu bây giờ gặp lại, chúng tôi vẫn có thể làm bạn như lúc đó. 

Có nhiều người nghĩ rằng càng nhiều bạn càng tốt, nhưng liệu có đúng là thế không? Số lượng bạn bè và người quen chẳng nói lên gì cả. Cũng giống như nhiệm vụ tình yêu, điều quan trọng là khoảng cách và mức độ thân thiết trong mối quan hệ.

Chàng thanh niên Sau này tôi vẫn có thể tìm được bạn thân chứ?

Triết gia Tất nhiên rồi. Nếu cậu thay đổi, những người xung quanh sẽ thay đổi. Họ buộc phải thay đổi. Tâm lý học Adler không phải là tâm lý học để thay đổi người khác mà là tâm lý học để thay đổi bản thân. Đừng đợi người khác thay đổi, đợi hoàn cảnh thay đổi mà bản thân cậu phải can đảm dấn bước đầu tiên.

Chàng thanh niên Hừm...

Triết gia Thực tế là cậu đã tới thăm tôi thế này. Và tôi đã có được một người bạn trẻ tuổi là cậu.

Chàng thanh niên Thầy coi tôi là bạn sao?

Triết gia Thì đúng là thế mà. Cuộc đối thoại này không phải là một buổi tư vấn, chúng ta cũng chẳng có liên hệ gì trong công việc. Đối với tôi, cậu là người bạn không thể thay thế. Cậu không nghĩ thế sao?

Chàng thanh niên Thầy nói là người bạn không thể... thay thế? Không, không! Bây giờ tôi không muốn nghĩ về điều đó! Tôi sẽ tiếp tục vậy! "Nhiệm vụ tình yêu" là gì?

Triết gia Nhiệm vụ tình yêu ở đây được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn một là quan hệ yêu đương. Giai đoạn hai là quan hệ gia đình, đặc biệt là quan hệ cha mẹ và con cái. So với nhiệm vụ công việc và nhiệm vụ bạn bè thì nhiệm vụ tình yêu là khó hơn cả. 

Chẳng hạn, khi từ quan hệ bạn bè phát triển thành quan hệ yêu đương, có những lời nói và hành động được chấp nhận giữa những người bạn thì khi trở thành người yêu lại không chấp nhận được. Cụ thể là không được đi chơi với bạn khác giới, có trường hợp chỉ cần gọi điện cho ai đó khác giới thì người yêu đã ghen rồi. Mức độ thân thiết và khoảng cách trong mối quan hệ là như vậy đó.

Chàng thanh niên Vâng, phải chấp nhận chuyện đó thôi.

Triết gia Nhưng, Adler không chấp nhận việc bó buộc đối phương. Nếu đối phương được hạnh phúc, thì nên thực lòng chúc phúc cho họ, đó mới là tình yêu. Mối quan hệ ràng buộc lẫn nhau rồi sẽ tan vỡ.

Chàng thanh niên Không, không được, quan điểm này buộc phải chấp nhận sự thiếu chung thủy à! Nếu đối phương hạnh phúc khi bắt cá hai tay, lẽ nào cũng phải chúc phúc cho kẻ đó ư?

Triết gia Không phải là khẳng định việc ngoại tình có ý nghĩa tích cực. Hãy nghĩ như thế này. Nếu ở bên nhau mà ngột ngạt, căng thẳng thì dù có tình cảm cũng không thể gọi là yêu được. Khi nghĩ rằng "ở bên người này, mình được tự do", con người mới có thể cảm nhận được tình yêu. Không tự ti, cũng chẳng cần phải phô trương tự tôn, có thể ở trong trạng thái tự nhiên, cân bằng. Tình yêu đích thực là như thế đấy.

Ngược lại, sự bó buộc là biểu hiện của tâm lý muốn chi phối đối phương và cũng là sản phẩm của cảm giác thiếu niềm tin. Sống trong cùng một không gian với người không tin tưởng mình thì làm sao có thế giữ trạng thái tự nhiên được? Adler nói, "Nếu muốn sống hòa thuận với nhau thì phải đối xử với nhau như những người ngang hàng".

Chàng thanh niên Hừm.

Triết gia Tuy nhiên, trong quan hệ yêu đương và quan hệ vợ chồng vẫn có một lựa chọn là "chia tay". Ngay cả những cặp vợ chồng đã sống với nhau nhiều năm nếu thấy khó duy trì mối quan hệ đó thì vẫn có thể chia tay. Nhưng, quan hệ cha mẹ và con cái, về nguyên tắc không thể làm thế được. Nếu tình yêu là mối quan hệ được gắn kết bằng sợi tơ hồng thì quan hệ giữa cha mẹ và con cái được xiềng bằng dây xích chắc. Trong khi trong tay mình chỉ có một cây kéo nhỏ. Cái khó của mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái là ở đó.

Chàng thanh niên Vậy phải làm thế nào?

Triết gia Vào lúc này tôi chỉ có thể nói là không được chạy trốn. Cho dù mối quan hệ khó khăn thế nào cũng không được lảng tránh, phải can đảm đối mặt với nó. Dù cho cuối cùng phải dùng kéo cắt đứt thì trước hết vẫn cần đối diện đã. Nhất là không được giậm chân tại chỗ trong tình trạng "như thế này".

Con người về nguyên tắc không thể sống một mình, chỉ ở trong bối cảnh xã hội con người mới trở thành "cá nhân". Vì thế, tâm lý học Adler đã coi việc ”tự lập" trong vai trò một cá nhân và "hài hòa" trong môi trường xã hội là hai mục tiêu lớn của hành động. Vậy làm thế nào để đạt được hai mục tiêu đó? Ở đây, Adler nói rằng cần phải vượt qua ba nhiệm vụ công việc, bạn bè, "tình yêu", các nhiệm vụ về quan hệ giữa người với người mà con người buộc phải đối diện trong cuộc sống. Nhưng vẫn chưa hiểu được ý nghĩa thực sự của những nhiệm vụ đó.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện