Tín dụng và tin tưởng khác nhau thế nào?

Chàng thanh niên Nhưng trong "sự từ bỏ mang tính khẳng định" ấy vẫn có chút sắc thái yếm thế, bi quan nhỉ. Sau bao nhiêu bàn luận, quả là đáng buồn khi điều cuối cùng đúc rút được chỉ là "từ bỏ".

Triết gia Có đúng vậy không? Từ "từ bỏ" (akirame) có gốc là chữ "đế" trong Phật pháp, nghĩa là "nhìn sáng tỏ". Nhìn thấu chân lý của vạn vật, đó chính là "từ bỏ". Nào đâu có bi quan, bi lụy gì. Nhìn thấu chân lý ư...?

Dĩ nhiên, không phải cứ chấp nhận bản thân theo lối từ bỏ mang tính khẳng định là có thể có được cảm thức cộng đồng. Đó là sự thật. Khi chuyển từ "cố chấp vào bản thân "sang "quan tâm đến người khác", thứ tuyệt đối không thể thiếu được là từ khóa thứ hai, "Tin tưởng người khác".

Chàng thanh niên Tin tưởng người khác. Tức là, tin vào người khác, đúng không?

Triết gia Ở đây, phải phân biệt hai loại "tin" là tín dụng và tin tưởng để xem xét. Trước hết, tín dụng là thứ có điều kiện, tương ứng với "credit" trong tiếng Anh. Chẳng hạn, khi muốn vay tiền ở ngân hàng, ta cần thế chấp một cái gì đó. Ngân hàng sẽ tính ra số tiền cho vay tương ứng với giá trị vật thế chấp. Thái độ "nếu anh trả được thì tôi cho vay" hay "tôi chỉ cho vay đúng bằng số anh có thể trả được" thì không phải là tin tưởng. Đó là tín dụng.

Chàng thanh niên Thì tài chính ngân hàng là thế mà.

Triết gia Khác với điều đó, nền tảng của quan hệ giữa người với người được hình thành dựa trên sự "tin tưởng" chứ không phải "tín dụng", và đó chính là quan điểm của tâm lý học Adler.

Chàng thanh niên Sự tin tưởng trong trường hợp đó là gì?

Triết gia Tin tưởng người khác nghĩa là không đặt ra bất kỳ điều kiện gì. Thậm chí, dù không có căn cứ khách quan nào đủ để làm tín dụng cũng vẫn cứ tin, tin một cách vô điều kiện, không đòi hỏi phải có gì đảm bảo. Đó là sự tin tưởng.

Chàng thanh niên Tin tưởng vô điều kiện ư? Lại là "yêu người thân cận" kiểu Thiên Chúa giáo mà thầy nói sao?

Triết gia Tất nhiên, tin người vô điều kiện thì cũng có lúc bị lợi dụng. Cũng giống như người bảo lãnh khoản vay, có lúc phải chịu thiệt hại. Dù vậy nhưng vẫn tiếp tục tin. Thái độ đó được gọi là tin tưởng.

Chàng thanh niên Có mà cả tin ngốc nghếch thì có! Có thể thầy theo thuyết tính bản thiện, nhưng tôi theo thuyết tính bản ác. Tin người dưng một cách vô điều kiện, bị lợi dụng thì có mà đi tong!

Triết gia Hẳn là có lúc sẽ bị lừa, bị lợi dụng rồi. Nhưng cậu hãy thử hình dung mình ở vị trí kẻ lợi dụng mà xem. Nếu có người bị cậu lợi dụng mà vẫn tiếp tục tin cậu vô điều kiện, dù bị đối xử thế nào đi nữa vẫn tin tưởng ở cậu, thì với một người như thế, liệu cậu có thể phản bội lòng tin mãi được không?

Chàng thanh niên ... Ừm, nhưng chuyện đó thì...

Triết gia Hẳn là rất khó làm vậy phải không?

Chàng thanh niên Sao nào? Rốt cuộc, ý thầy là đánh vào cảm xúc của người khác sao? Rằng hãy cứ giữ vững đức tin như một bậc thánh nhân để thức tỉnh lương tâm của họ? Tuy nói Adler không đề cập đến đạo đức, nhưng rốt cuộc chẳng phải vẫn là chuyện đạo đức đó sao!

Triết gia Khác đấy. Cậu có biết ngược lại với tin tưởng là gì không?

Chàng thanh niên Trái nghĩa với tin tưởng ư...? ừm... Để xem nào…

Triết gia Là hoài nghi. Giả sử, cậu lấy hoài nghi làm nền tảng cho các mối quan hệ với người khác. Cậu sẽ sống trong sự hoài nghi người khác, hoài nghi bạn bè, thậm chí hoài nghi cả gia đình và người yêu.

Thử hỏi, điều đó sẽ mang lại mối quan hệ như thế nào? Người khác sẽ ngay lập tức nhận ra rằng cậu đang nhìn họ với con mắt hoài nghi. Bằng trực giác, họ sẽ hiểu rằng "Người này không tin tưởng mình". Cậu nghĩ  liệu có xây dựng được một mối quan hệ tích cực từ đó không? Chúng ta có được mối quan hệ sâu sắc chính là trên nền tảng lòng tin vô điều kiện đấy.

Quan điểm của tâm lý học Adler rất đơn giản. Lúc này, cậu đang nghĩ rằng "Tin ai đó vô điều kiện sẽ chỉ bị lợi dụng mà thôi". Nhưng lựa chọn có lợi dụng hay không lại không phải do cậu. Đó là nhiệm vụ của người kia. Bản thân cậu chỉ cần nghĩ xem "Mình nên làm gì?" là được. Suy nghĩ kiểu "Nếu người kia không phản bội thì tôi mới cho đi" thì không hơn gì quan hệ tín dụng dựa trên thế chấp và các điều kiện đi kèm.

Chàng thanh niên Ý thầy nói đây cũng là phân chia nhiệm vụ?

Triết gia Như tôi đã nhiều lần nói với cậu, nếu biết phân chia nhiệm vụ, ta sẽ nhận thấy thực ra cuộc đời này giản dị đến không ngờ. Tuy nhiên, dù nguyên lý phân chia nhiệm vụ không khó hiểu, nhưng thực hiện được điều đó lại không hề dễ. Điều này thì tôi công nhận.

Chàng thanh niên Vậy lẽ nào nên tin tưởng tất cả mọi người, dù có bị lừa dối cũng vẫn tiếp tục tin, tiếp tục là tên ngốc nhẹ dạ ư? Xem ra chẳng giống triết học hay tâm lý học gì mà giống rao giảng của một nhà truyền giáo hơn!

Triết gia Riêng điều này thì tôi phải phủ định triệt để. Tâm lý học Adler không hề dựa trên giá trị quan đạo đức để thuyết phục chúng ta "Hãy tin người vô điều kiện". Lòng tin vô điều kiện là một "phương tiện" để cải thiện mối quan hệ với người khác, và xây dựng mối quan hệ hàng ngang. Nếu cậu không muốn cải thiện mối quan hệ với một người nào đó thì cứ việc cắt đứt với người đó cũng chẳng sao. Bởi lựa chọn cắt đứt hay không là nhiệm vụ của cậu.

Chàng thanh niên Được rồi, cứ coi như tôi mong quan hệ với bạn bè tốt lên, tin bạn vô điều kiện, lúc nào cũng sốt sắng vì bạn, bị vòi tiền cũng vui vẻ đáp ứng, sẵn sàng hy sinh thời gian và công sức hết mức có thể. Nhưng dù thế vẫn có thể bị lợi dụng. Lúc đó thì sao? Nếu bị một người mà mình đã tin đến mức ấy lợi dụng, chẳng phải sẽ dẫn con người ta đến lối sống “mọi người đều là kẻ thù" sao?

Triết gia Có vẻ như cậu vẫn chưa hiểu mục đích của sự tin tưởng là để làm gì nhỉ. Giả sử, trong một mối quan hệ yêu đương cậu luôn nghi ngờ rằng "có thể cô nàng không chung thủy" và sốt sắng tìm kiếm bằng chứng. Cậu nghĩ chuyện sẽ ra sao?

Chàng thanh niên Ùm, cũng còn tùy tình huống cụ thể chứ!

Triết gia Không đâu. Kiểu gì thì cậu cũng tìm thấy cả đống bằng chứng cho thấy cô ta không chung thủy.

Chàng thanh niên Ơ, tại sao vậy?

Triết gia Mọi lời nói, hành động vô tâm, giọng điệu khi nói chuyện điện thoại với ai đó, mỗi lúc cậu liên lạc mà không được... một khi nhìn bằng con mắt ngờ vực, tất cả đều trở thành "bằng chứng không chung thủy", cho dù sự thực không phải vậy.

Chàng thanh niên Ừm...

Triết gia Lúc này, cậu chỉ chăm chăm lo "bị lợi dụng", chỉ chú ý đến nỗi đau do vết thương đó gây ra. Nhưng nếu không dám tin người khác thì rốt cuộc, cậu sẽ không có được mối quan hệ sâu sắc với bất kỳ ai.

Chàng thanh niên Không, tất nhiên tôi hiểu điều thầy nói, hiểu mục tiêu lớn là xây dựng một mối quan hệ sâu sắc. Nhưng thật ra nỗi sợ bị phản bội vẫn còn đó thôi?

Triết gia Mối quan hệ hời hợt thì nỗi đau khi tan vỡ cũng không lớn. Song những niềm vui sinh ra từ một mối quan hệ như thế chắc chắn cũng không lớn. Chỉ khi nào ta can đảm bước vào một mối quan hệ sâu sắc hơn bằng cách "tin tưởng vào người khác" thì khi ấy niềm vui trong mối quan hệ với người khác mới lớn lên và niềm vui sống cũng tăng theo.

Chàng thanh niên Không được! Thầy lại lảng tránh chuyện của tôi rồi. Lấy đâu ra lòng can đảm để vượt qua nỗi sợ bị lợi dụng kia chứ?

Triết gia Chấp nhận bản thân. Nếu biết chấp nhận bản thân như vốn có, xác định được "điều mình có thể" và "điều mình không thể", ta sẽ hiểu rằng lợi dụng hay không là nhiệm vụ của người khác, và sẽ thấy việc tin tưởng vào người khác trở nên dễ dàng hơn.

Chàng thanh niên Lợi dụng hay không là nhiệm vụ của người khác, mình không thể làm được gì ư? Phải giữ thái độ từ bỏ mang tính khẳng định ư? Lúc nào lý luận của thầy cũng bỏ qua cảm xúc! Còn sự tức giận và nỗi buồn khi bị phản bội thì sao?

Triết gia Hãy cứ buồn khi cảm thấy buồn. Bởi vì càng cố tránh tổn thương và nỗi buồn, ta càng bị ràng buộc, càng không thể tạo dựng mối quan hệ sâu sắc với bất kỳ ai.

Cậu hãy cứ nghĩ thế này. Chúng ta có thể tin tưởng hoặc có thể nghi ngờ. Tuy nhiên, chúng ta mong muốn có thể coi người khác là bạn. Vậy là rõ, ta nên chọn bên nào giữa tin tưởng và nghi ngờ rồi phải không?

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện