Quyển 2 - Chương 6: Hải Nam
Mười mấy tuổi đầu chú Ba đã ra giang hồ, chuyện tồi tệ đã gặp qua vô số,
bình thường làm gì cũng phải tính tới tính lui, như lần đi đổ đấu vừa
rồi cũng chuẩn bị rất nhiều thứ. Nhiều khi tôi còn nghĩ chú cẩn thận quá mức, giống như lần trước, cả một đống trang thiết bị mà đến 80% bỏ xó
không dùng, thật không ngờ lần này chú lại hấp tấp như vậy, chỉ xách
theo mỗi cái vali đã chạy đi như ma đuổi. Tôi thấy có muốn ngăn cũng
ngăn không được, liền gọi với theo: “Chú nhớ cẩn thận một chút!”, chú ừ
hử một tiếng coi như đã trả lời rồi chạy thẳng vào thang máy.
Đúng lúc một nhân viên phục vụ khách
sạn lên đề nghị thanh toán hóa đơn, nhìn thấy cảnh này liền cười, nói:
“Chú của cậu tại sao còn hấp ta hấp tấp hơn cả cậu, xem ra cậu ngược lại còn phải lo lắng cho ông ấy.” Tôi cũng không biết giải thích ra sao,
đành phải cười cười nhận lấy hóa đơn. Vừa đọc xong mặt tức khắc tối sầm, những hơn bốn nghìn, trong lòng thầm mắng: Mẹ nó, cái ông chú này ngày
hôm qua lại đi làm chuyện quỷ gì không biết!
Tôi nhìn mớ hóa đơn mà phát rầu. Mấy ngày nay tiêu tiền không ít, hầu bao chú Ba vốn rủng rỉnh, nhưng đi chuyến
này xài tiền như nước, lại còn quyên góp cho cái thôn bị cháy rừng một
ít nữa, số tiền mặt mang theo bên người đã dùng gần hết. Chú Ba có thói
quen cố hữu là khi đi ra ngoài thường không mang theo quá nhiều, mấy
ngày nay dày mặt dùng tiền của tôi, bảo tôi chờ công ty của chú trả lại
sau. Giờ ổng phủi mông chạy mất, tôi vừa nhớ đến đấy, tự nhủ không phải
chú biết tôi cũng sắp hết tiền nên mới lo chạy trước đấy chứ!
Tôi có cảm giác không được thoải mái cho
lắm, vừa rút ví ra nhìn, chợt lặng người đi. Vốn đã quen tiêu tiền nên
tôi cũng không quá để tâm, nào biết trong ví chỉ còn lại vài đồng bạc
lẻ. Phan Tử hiện đang hôn mê sâu, không biết bao giờ mới tỉnh lại. Tuy
bác sĩ đã nói bệnh tình không còn gì đáng lo nữa, chủ yếu là theo dõi
tình hình hồi phục của cơ thể, nhưng tôi biết thừa dăm bữa nửa tháng
cũng chưa có hy vọng rời khỏi đây, Phan Tử ở đây bơ vơ một mình, không
thể tìm người thay tôi được, nhưng tiền còn ít như vậy chắc chắn là
không đủ chi phí.
Phiền phức nhất lúc này chính là cái hóa
đơn lên đến bốn con số đang bày ra trước mặt, trở ngại này hơi khó vượt
qua. Tôi xấu hổ cười cười, nói rằng tiền mặt bây giờ không đủ, hay là
đợi lát nữa tôi trả cho anh ta sau. Anh ta thấy mấy ngày qua tôi thanh
toán khá sòng phẳng, cũng cười cười đáp lại: “Không sao, ngày mai trả
cũng không vấn đề gì, cậu cứ từ từ thu xếp.”
Anh ta vừa đi tôi liền phát bực, hừ,
chuyện phải lo nghĩ ngày càng nhiều. Mẹ nó, tiền thuốc men cho Phan Tử
trong bệnh viện mỗi ngày đều lên đến bốn con số, đã thế ông chú vừa đi
tôi còn phải ứng trước tiền cho ổng. Giờ không thể gọi điện cầu viện ông già, gọi về không chừng còn bị mắng chết, mấy năm nay buôn bán ế ẩm như vậy, ông ấy đã mặt nặng mày nhẹ với tôi rồi, bây giờ còn học theo ông
chú Ba chả có tiền đồ kia đi đổ đấu, thôi quên đi!
Tôi buồn bực trở vào phòng, bỗng nhìn
thấy bộ áo ngọc quý giá vẫn còn nằm trong bao. Chú Ba rất coi trọng thứ
này, còn dùng giấy dầu bọc lại đến bốn năm lớp. Vừa nhìn thấy nó, ngay
lập tức trong đầu tôi nảy ra một ý, tự nhủ mười mấy ngày sắp tới xem ra
dễ thở hơn rồi. Mỗi ngày ở lại đây ăn ngủ đến mập người rồi thanh toán
hóa đơn cũng không phải là cách hay. Chi bằng tìm một cái chợ đồ cổ, đem bán thứ này đi, sau đó dành ra ít tiền đi một vòng Tế Nam, cũng không
đến nỗi lãng phí thời gian.
Nghĩ đến đấy liền thấy cực kỳ hợp lý. Khi tới đây tôi làm như mình đang đi du lịch, giờ thì giả vờ như đang điều
tra hồ sơ mật thôi, có sao đâu! Với lại lúc này không thể đắn đo thêm
nữa, bằng không tôi bị người ta đuổi ra đường chỉ là chuyện nhỏ, Phan Tử mà bị ngừng đợt điều trị mới là chuyện phiền phức. Nhân lúc trời còn
chưa tối, phải nhanh chóng giải quyết cho xong.
Tôi đi xuống đại sảnh hỏi người phục vụ
xem nơi này có chợ đồ cổ nào không. Anh ta trả lời có, còn nhiệt tình đi cùng tôi xuống lầu rồi gọi giúp một chiếc taxi. Sau khi lên xe, tôi bảo tài xế đưa tôi đến chợ đồ cổ. Tài xế ừ một tiếng rồi đưa tôi đến chợ
Anh Hùng Sơn. Tôi xuống xe, vừa nhìn qua đã thấy nơi này có chút gian
trá.
Trên đường đi tôi tha hồ nghe anh chàng
kia tán dóc, anh ta nói nơi này tập trung lượng đồ cổ và thư pháp khá
lớn, đông người mua bán, huyên náo vô cùng, nhưng mà hàng giả rất nhiều. Nếu không có việc gì thì ngồi tán gẫu với mấy ông chủ ở đây cũng được,
có ngồi dai một chút họ cũng vui vẻ tiếp chuyện.
Tôi vác bộ áo ngọc nặng muốn chết kia
xuống xe, tính tìm một cửa hàng lớn. Đây không phải là thứ người bình
thường có thể mua nổi, những cửa hàng lớn tất nhiên phải có mối làm ăn
với một lượng khách hàng đông đảo, có thể nhờ họ giới thiệu rồi trả 2%
tiền hoa hồng là được rồi. Dù sao tôi đây cũng là một tay lão luyện
trong nghề, không sợ bị người khác lừa gạt.
Trên đường về tôi đã bàn bạc với chú Ba
về giá trị của thứ này, chú Ba nói khoảng chừng trăm vạn, vật này tuy
đáng tiền nhưng khó bán, bởi lẽ khó có ai chịu bỏ tiền ra mua một thứ
đắt giá như vậy, trừ phi là người ngoại quốc. Hơn nữa thứ này kích thước quá lớn, mà những món hàng lớn thì thường khó trao tay hơn mấy thứ nhỏ
nhỏ một chút. Chú Ba dự tính, nếu thực sự có người muốn mua, khoảng 80
vạn chú cũng chịu bán.
Có những lời này của chú, tôi cũng vững
dạ hơn, bắt đầu ngó ngang ngó dọc khắp khu này. Đi chưa được mấy bước,
bỗng nhìn thấy trong một cửa hiệu có bày một cái lư hương bằng đồng đen, bên trên khắc hình vài nhân vật. Tôi thấy thế thì giật mình, những hình người trên đó ai nấy đều có cái bụng lớn, giống như bức bích họa trong
mộ cổ dưới biển mà chú Ba đã nhắc đến. Tôi cúi xuống định nhìn kỹ hơn
thì vừa hay ông chủ lại đi ra, nói: “Ồ, ngài cũng thật tinh tường, đó là thứ đáng giá nhất trong cửa hiệu của tôi.”
Tôi thấy giọng lão ta nặng thổ ngữ Bắc
Kinh, liền hỏi: “Những hình khắc trên này là gì? Sao trông kỳ quái như
vậy, nhìn kiểu dáng không phải từ Hải Nam đến đấy chứ?”
Lão ta vừa nghe liền đổi sắc mặt, vội mời tôi vào trong cửa hiệu, còn nói: “Hôm nay không biết nên đã đụng chạm
đến người trong nghề, thứ này để ở đó lâu lắm rồi, cậu là người đầu tiên nhìn ra được xuất xứ, không sai, đúng là Hải Nam.”
Làm nghề buôn bán đồ cổ, ắt hẳn miệng
lưỡi phải ngọt. Tôi nhìn nét mặt lão, không rõ lúc này lão có nói thật
không, hay chỉ đơn thuần muốn bán tháo thứ này cho tôi. Hiểu biết của
tôi không nhiều, giả làm tay lão luyện thì kiểu gì cũng lộ tẩy, vội đáp: “Không phải, tôi không phải người trong nghề, chẳng qua tôi từng thấy
thứ này ở Hải Nam nên thấy lạ thôi, không biết nó gọi là gì.”
Lão ta mời tôi ngồi xuống, bưng ra một
chén trà, nói: “Cậu khiêm tốn rồi, nhưng cậu không biết cũng không sao.
Để tôi nói cho cậu hay, những hình điêu khắc trên lư hương này là một
loài quỷ, người ta gọi thứ này là “Cấm Bà”. Nguồn gốc thứ này kể ra cũng rất dài dòng, nếu cậu thực sự có hứng thú thì để tôi kể cho cậu nghe
nhé?”
Tôi vừa thấy có hy vọng, vội tỏ vẻ rất
muốn mua, gật gật đầu. Lão đưa tay ra hiệu ý bảo tôi cứ từ từ, rồi lấy
lư hương trong tủ kính ra đặt lên bàn trà, tôi lập tức ngửi thấy một mùi hương kỳ lạ, không khỏi kinh ngạc. Lão cười hì hì: “Mùi hương thật đặc
biệt phải không?”
Tôi hỏi: “Bên trong là loại hương liệu gì vậy?”
Lão ta mở nắp lư hương ra, chỉ thấy bên
trong có một khối đá nho nhỏ màu đen. Tôi sửng sốt, lão đắc ý cười: “Đây chính là xương cốt của Cấm Bà, mùi hương này gọi là cốt hương. Đây là
đồ tốt, lúc ngủ nếu đặt thứ này bên cạnh, cậu sẽ có một giấc ngủ thoải
mái.”
Tôi bỗng cảm thấy có chút ghê tởm, hỏi:
“Cấm Bà này rốt cuộc là thứ gì? Lấy xương cốt của người ta đem đi dỗ
giấc ngủ, chẳng phải rất thất đức sao.”
Lão ta cười cười nói: “Cấm Bà là một khái niệm chung dùng để gọi những thứ xấu xa. Người dân ở đó hễ sinh bệnh
hoặc bị thương đều nói là do Cấm Bà hại. Cậu dù có gọi nó là gì đi nữa
thì cũng rất khó hình dung, nếu buộc phải tả thì có thể nói nó chính là
ác quỷ.”
“Ồ, vậy ra đây là xương cốt của nó?”, tôi nhíu mày hỏi, “Thứ này từ đâu tới? Nhìn mấy vết bẩn trên nắp, hình như
là từ một nơi bán hải sản rồi.”
Lão cười ha hả: “Cậu còn chối là không
phải người trong nghề! Không sai, thứ này do một ngư dân kéo lưới vớt
lên được, nhưng của hiếm là của quý, mặc dù có vài chỗ dính bẩn, nhưng
giá cả như vậy cũng không phải là quá đáng.”
Tiền tôi mang theo căn bản là không đủ,
đành thở dài một hơi: “Đáng tiếc, tôi vốn thích những món đồ còn nguyên
vẹn, thứ đồ biển này tôi không cần. Nếu ông thật sự muốn bán, không bằng đem bán khối cốt hương bên trong cho tôi?”
Lão ta biến sắc, cười làm lành: “Vậy sao được, cậu mua cốt hương đi rồi, còn cái lư hương này lại tôi biết bán cho ai?”
Tôi thấy mặt trên thứ này có hơi bụi,
biết chắc đã để lâu không bán được. Thứ này ít được chú ý đến, mua về
cũng rất khó sang tay, những người buôn bán đồ cổ thông thường đều không thích dây vào. Thời thịnh mua đồ cổ, thời loạn sắm hoàng kim, nếu có
thứ gì bán không được, người chủ đương nhiên sẽ không lưu tâm đến nữa.
Tôi lắc đầu, dù sao thì thứ này tôi có mua cũng chẳng để làm gì, chút
nữa tôi lấy bộ áo ngọc ra cho lão ta xem, nếu lão có thể tìm được người
mua, thứ này thử gợi ý để lão tặng không xem sao. Nghĩ đoạn tôi cười
nói: “Được rồi, khoan hãy nói chuyện này, tôi cho ông xem một thứ đã.”
Nói rồi bê bộ áo ngọc lên, để lộ ra một
góc cho lão xem, có phải người trong nghề hay không, chỉ cần nhìn biểu
hiện sẽ biết. Lão vừa nhìn qua sắc mặt liền thay đổi, không cần nhiều
lời, lập tức cất bộ áo ngọc vào bao, sau đó đứng dậy hạ rèm cửa bên
ngoài xuống, đổ chén trà cũ rồi bưng lên cho tôi một chén trà khác. Tôi
ngửi thử, móa, là Thiết Quan Âm thượng đẳng, xem ra tôi vừa được nâng
lên một bậc rồi.
Lão lau lau mồ hôi trên đầu, nói: “Không biết nên xưng hô với cậu thế nào?”
Tôi thấy người này quả nhiên không phải
con buôn đồ cổ thông thường, không thì làm sao phản ứng nhanh như thế
được, vừa liếc mắt qua đã biết thứ này là đổ ra, không khỏi nhún nhường
một chút, khách khí cười: “Tiểu đệ họ Ngô, vậy ông chủ xưng hô thế nào?”
Lão đáp: “Cậu cứ gọi ông Hải là được rồi, vậy Ngô sư phó, thứ này cậu muốn bán hay chỉ đưa tôi xem chơi thôi?”
Tôi nói: “Đương nhiên là bán, thứ này giữ bên người có hơi khó xử.”
Lão diễu qua diễu lại vài vòng, hỏi: “Bán hết cả bộ chứ?”
Tôi gật gật đầu: “Một mảnh cũng không thiếu của ông, thứ này vừa mới ra lò, vẫn còn nóng hổi.”
Lão ngồi xuống, nhẹ nhàng nói: “Này Ngô
sư phó, tôi vốn là người thẳng thắn, món đồ này của cậu tôi dám cá là cả cái chợ Anh Hùng Sơn này chỉ mình tôi có gan mua. Vả lại với món đồ này tôi cũng chẳng cần tranh cãi nhiều lời với cậu làm gì, bảo bối là vô
giá rồi. Tôi hỏi cậu một câu thật lòng, bao nhiêu cậu mới đồng ý, để tôi giúp cậu liên hệ với bạn bè tôi.”
Tôi tính toán sơ qua, tự nhủ thế nào cũng phải được một trăm vạn, gửi cho nhà Đại Khuê ba mươi vạn, Phan Tử nằm
viện tối thiểu phải tốn hai mươi vạn. Bàn Tử sớm đã dặn thứ gì bán được
tiền thì gửi qua cho hắn, riêng phần của hắn cũng phải đến mười vạn. Nhớ lại lúc mình liều mạng đem thứ này về, không khỏi cảm thấy như vậy là
quá ít. Nhưng chú Ba từng nói, đi đổ đấu chính là như vậy, bằng không
thì lý gì phải đi hết lần này đến lần khác chứ. Anh đi đổ đấu mang ra
một thứ vô cùng quý giá mà không có người mua thì cũng coi như đồ bỏ,
cho nên đồ quá tốt chú không lấy, có lấy ra cũng không bán được.
Tôi phỏng chừng khoảng một trăm vạn là
ổn, liền đưa tay ra hiệu với ông chủ, lão không khỏi vui mừng. Tôi thấy
thế có hơi buồn bực, chẳng lẽ giá đó hơi thấp? Lão ta cầm lấy điện
thoại, trốn vào trong góc thậm thụt gọi, sau đó hớn hở nói: “Thành công
rồi! Thành công rồi! Ngô sư phó cậu quả là may mắn, thứ này thật ra có
người đang chờ. Giá một trăm vạn không cao, hai trăm nạn không thấp, tôi giúp cậu báo giá một trăm hai mươi vạn, cậu thấy thế nào?”
Tôi nghe thế, thầm nghĩ có quỷ mới biết
ông báo bao nhiêu, không chừng còn hét giá gấp đôi với người ta, nhưng
so với dự tính của tôi đã thêm được hai mươi vạn, trong lòng vẫn cảm
thấy dễ chịu, cười nói: “Vậy phần của ông vẫn chia theo quy tắc cũ?”
Lão ta cười cười nói: “Không dối gạt gì
cậu, bên kia đã có phần cho tôi rồi. Một trăm hai mươi vạn này cậu cứ
giữ hết đi, nhìn cậu một thân thương tích, hẳn thứ này đổ ra cũng không
dễ dàng gì. Cậu chỉ cần nhớ kỹ lời tôi, lần sau có món đồ nào giống thế
này cũng đừng mang đi hỏi người khác, cứ đem thẳng đến đây cho tôi, cậu
muốn giá bao nhiêu, tôi đều nâng lên 20% cho cậu. Cậu phải biết rằng
khách hàng của tôi cực kỳ giàu có, những thứ mà người khác không dám
mua, hắn đều dám.”
Lão thấy tôi hình như hơi sốt ruột, vội
nói: “Cậu cứ ngồi đây chờ một lát, tôi đi chuẩn bị tiền. Cửa hàng tôi
tuy nhỏ nhưng chưa thiếu nợ ai bao giờ, một trăm hai mươi vạn này tôi
ứng trước cho cậu.”
Tôi nghe vậy cũng phải thầm khen khẩu khí tay này thật lớn. Tục ngữ có câu ba mươi sáu nghề, đồ cổ là vua quả
không sai, xem ra người này vẫn còn chút môn đạo, vội nói: “Khoan đã,
cái lư Cấm Bà này thì sao? Ngài nếu không cho tôi thì cũng nên đưa ra
cái giá, sẵn đây chúng ta tính luôn.”
Lão ta cười ha hả, phất tay: “Cái này cậu thích thì cứ lấy đi, coi như tôi tặng cậu. Không giấu gì cậu, thứ này
tôi mua lại cũng chỉ có 5 đồng, vừa rồi chém hơi quá chẳng qua là muốn
chèo kéo cậu thôi.”
Ba tiếng đồng hồ sau, tôi ôm một đống
tiền lớn, tâm tình phơi phới như đang bước trên mây. Lúc về đến khách
sạn cũng không muốn nhìn thẳng người gác cổng, sau lưng còn có người bàn tán, chẳng lẽ tên nhóc này vừa trúng được năm trăm vạn, anh xem, hắn
cười đến tít mắt kìa.
Sau khi sắp xếp lại toàn bộ số tiền, tôi
thanh toán trước toàn bộ các khoản, nộp trước một tháng viện phí cho
Phan Tử, chuyển tiền cho Bàn Tử, sau đó trịnh trọng tính đến phần của
mình, tính luôn cả khoản chú Ba còn thiếu, toàn bộ đem chuyển vào tài
khoản của tôi, cuối cùng tâm trạng cũng được thoải mái.
Những ngày tiếp theo tôi đi du lịch một
vòng khắp các nơi nổi tiếng có cảnh đẹp ở Tế Nam. Có điều tôi đến từ
Hàng Châu, xem người ngắm cảnh đã nhiều, càng đi càng thấy chán, cuối
cùng lại theo một thuyền cá đi câu. Những ngày này là khoảng thời gian
an nhàn nhất trong đời tôi, có điều sống nhàn hạ mãi cũng mốc người lên, cho nên đôi khi tôi lại nhớ đến cái cảm giác thú vị của những ngày đi
đổ đấu.
Lời thừa chẳng nên nói nhiều, cuộc sống
sa đọa cứ như vậy mà trôi qua có lẽ cũng hết một tuần, tôi theo thuyền
câu trở về. Vừa vào cửa đã nghe tiếng chuông điện thoại, số điện thoại
của tôi ở khách sạn này chỉ có mình chú Ba biết, cứ nghĩ chú đã lần ra
được manh mối gì, tôi vội vàng bắt máy. Không ngờ đầu dây bên kia lại là một người lạ, ngay câu đầu tiên hắn đã hỏi: “Cậu có biết một người tên
Ngô Tam Tỉnh không?”
Tôi nghe ngữ khí của hắn có vẻ nóng vội liền trả lời: “Biết, có chuyện gì sao?”
Người kia nói: “Ông ấy mất tích rồi.”
Tôi nghe thế lập tức ngây người, vội hỏi: “Chuyện đó… sao lại nói là mất tích?”
Người kia nói: “Con thuyền chở ông ấy mất liên lạc với đất liền đã gần mười ngày. Cậu là gì của ông ấy?”
Tôi trả lời: “Tôi là cháu ông ấy.”
Hắn lại hỏi: “Vậy cậu có thể đến Hải Nam ngay bây giờ không?”