Chương 7: VII

Trong vương phủ, đèn đuốc sáng trưng, vì trời hôm nay tối sớm. Chúa Tĩnh Đô ngồi trên sập sơn son thiếp vàng, nét mặt trầm ngâm và Đặng Tuyên phi quỳ ôm lấy chân Chúa, khóc lóc nức nở. Chúa nâng nàng dậy ngắm nhìn nàng: đẹp hơn bông hoa tuyệt diễm mà gió nhẹ làm rung, đôi mắt đa tình như đôi sao sáng đẫm sương. Phi khóc đã lâu, như than như oán. Chúa yên ủi nàng:

- Ái phi đứng dậy, và đừng khóc nữa, cho ta thêm phiền.

Tuyên phi gạt nước mắt, cất tiếng nói, giọng trong như ngọc và lời thánh thót não nùng:

- Tâu Chúa thượng, tiện thiếp chỉ có một em trai để nối dõi tông đường. Thấy Chúa thượng che chở, nên triều đình, vương phủ, từ quan chí dân, ai ai cũng ghen ghét, đặt điều thị phi để định hãm hại. May được Chúa thượng thánh minh, chứ không em tiện thiếp đâu được đến ngày nay. Hai chị em tiện thiếp, trong chốn kinh thành, trừ Chúa thượng là rủ lòng thương, còn không một ai ưa cả. Vậy không hiểu tiện thiếp có làm gì nên tội mà người ta ghét thế. Nay người ta lại dám đem em tiện thiếp giết đi, ngay trước mặt Chúa thượng, khiến tiện thiếp mất em, Quận chúa mất chồng, Chúa thượng mất rể, nhà tiện thiếp từ nay tuyệt tự, tiện thiếp tưởng không còn tội ác nào to hơn nữa. Chỉ thương hại cho tiện thiếp, mẹ mất sớm, cha thì già, lấy ai trông cậy? Than ôi, nhà nho thanh bạch có làm gì hại âm đức mà em tiện thiếp phải chết như một kẻ sát nhân. Thằng Nguyễn Mại nó phạm đến cả uy quyền Chúa thượng, nó dám giết cả rể Chúa thượng, mà Chúa thượng ngơ đi sao? Nó coi thường cả vương chỉ, dung nó để làm loạn phép nước hay sao? Tiện thiếp không hiểu làm sao Chúa thượng cứ bênh vực nó, phong chức trọng cho nó.

Nàng khóc rồi lại tiếp:

- Chỉ thương cho tiện thiếp, tưởng được Chúa thượng che chở, em trai cũng được nhờ đôi chút, ai hay nó vẫn không thoát chết, chết thảm chết hại, thực là tiện thiếp xấu số, em tiện thiếp vô duyên, cha tiện thiếp bạc đức. Tiện thiếp còn sống làm chi, trời hỡi là trời!

Tuyên phi nói xong, lại khóc rất thảm thiết, rồi ngất đi vì đau đớn. Chúa ôm lấy phi, gọi mãi nàng mới tỉnh.

Chúa vỗ về:

- Ái phi cứ yên tâm, đừng khóc nữa. Ta sẽ đem chém đứa giết Quốc cữu.

Đặng phi lạy tạ. Nàng hỏi:

- Chúa thượng có hứa trị tội tên giặc, báo thù cho em tiện thiếp không? Hay Chúa thượng lại nể nó mà ngơ đi? Than ôi! Em tiện thiếp bị cái thảm họa này, oan hồn uất ức, cúi xin Chúa thượng vì nó mà rửa hờn, cho nó được mát mẻ dưới suối vàng. Chúa thượng đã quyết chưa?

- Ái phi cứ yên tâm. Ý ta đã quyết.

Tuyên phi lại sụp xuống lạy, lui ra.

Chúa Tĩnh Đô hút một hơi thuốc, vẻ mặt băn khoăn... Nghe Tuyên phi hay giết Nguyễn Mại? Chúa chưa biết chọn đường nào. Sau cùng, Chúa lẩm bẩm:

- Đã hứa với nàng, thì phải trọng lời hứa.

Vừa lúc ấy thì có nội giám vào thỉnh Chúa ra nhà Nghị sự và tâu rằng Nguyễn Mại đã tự trói mình đến xin chịu tội. Chúa sắp bước ra, thì có tiếng ai gọi lại. Chúa giật mình. Thái phi vén rèm đi vào, một đội thể nữ theo hầu, nét mặt Thái phi nghiêm nghị và buồn lặng lẽ. Chúa rảo bước tới trước mặt Thái phi, sụp xuống lạy:

- Mẫu thân ra bao giờ, con không được biết, thực mang tội bất hiếu.

Thái phi nâng Chúa dậy, rồi ngồi xuống một cái cẩm đôn. Chúa cung kính chắp tay đứng hầu. Thái phi truyền cho thể nữ lui ra, rồi chậm rãi nói:

- Nhà Chúa ngồi xuống.

- Mẫu thân cho phép con đứng hầu.

- Nhà Chúa có biết chuyện gì không?

- Thưa mẫu thân dạy điều gì?

- Mẹ ở Thanh mới ra, chưa kịp về phủ. Nghe chuyện con Quỳnh Hoa, mẹ đến ngay phủ Đặng Lân đón nó về.

Thái phi lấy khăn lau nước mắt, rồi hỏi tiếp:

- Sao nhà Chúa lại dại thế? Mẹ không hiểu nhà Chúa nghĩ ra sao. Nhà Chúa nghĩ ra chưa? Con Quỳnh Hoa ốm thập tử nhất sinh, người chỉ còn da bọc xương, nó có tội gì mà nhà Chúa đầy đọa nó thế? Mẹ ra chậm một chút thì có lẽ không kịp nhìn mặt cháu nữa.

Thái phi lại khóc. Chúa lặng yên. Một hồi lâu, Thái phi lại hỏi:

- Nhà Chúa nghĩ thế nào mà lại gả con cho một đứa vô lại? Mẹ tưởng nhà Chúa nên giết con Quỳnh Hoa đi còn hơn. Đạo làm cha ai lại thế?

Thái phi mấy lần định nói Tuyên phi, nhưng lại sợ gợi cái hình ảnh lộng lẫy kia trong óc chúa Tĩnh Đô. Chính bà cũng sợ cái ma lực của người con gái làng Chè. Chúa Tĩnh Đô vẫn chắp tay đứng, mặt cúi gằm, không dám nhìn mẹ. Thái phi đăm đăm nhìn Chúa, bà tự hỏi: “Không biết Chúa tỉnh ngộ hay hối hận?” Bà đứng dậy, nói dỗi:

- Sao mẹ hỏi nhà Chúa không nói. Nếu nhà Chúa không bằng lòng, thì mẹ lại đem con Quỳnh Hoa trao trả Đặng Lân...

Thái phi phất áo định lui vào. Chúa thưa:

- Lạy mẫu thân, xin mẫu thân hãy ở lại, để con theo mẫu thân vào thăm cháu. Mẫu thân đừng giận con, máu mủ sinh ra có lẽ nào con chẳng xót. Những nhời mẫu thân dạy con toàn là những nhời hay lẽ phải, con đâu dám bỏ qua.

Thái phi nói:

- Nhà Chúa theo mẹ sang đây. Mẹ đã cho đòi ngự y đến bốc thuốc. Khốn nạn, Khê Trung hầu không có đó, mẹ vất vả, như thiếu mất một cánh tay. Mà con Quỳnh Hoa trong lúc mê sảng, thường cứ gọi Khê Trung hầu, chỉ vì...

Bà muốn tránh, nhưng không nói hết. Chúa buồn thấm thía, nhớ người thái giám trung thành mà chính Chúa đã đưa vào chỗ chết. Chúa thương người lão bộc từng trải thờ mấy đời trong phủ, và cảm thấy tất cả cái vô lý của mình khi sai hầu đi hộ vệ Quỳnh Hoa. Thiếu bóng hầu, vương phủ như thêm vắng vẻ...

Thái phi đi vào, Chúa bước theo sau. Giữa lúc ấy có tiếng ầm ầm ngoài phủ, khiến Thái phi và Chúa cùng quay lại. Một tên nội giám bước lại thềm, Chúa hỏi:

- Cái gì ngoài ấy?

- Tâu Chúa thượng, dân chúng kinh thành...

Thái phi gắt:

- Họ làm gì?

- Tâu Thái phi và Chúa thượng, họ đứng chật ngoài phủ đợi xem Chúa thượng xử Nguyễn Mại.

- Xử Nguyễn Mại? Nguyễn Mại nào? Có phải tướng tâm phúc của Việp Quận công? Hắn có tội gì?

Chúa Tĩnh Đô kể lại câu chuyện và rút trong tay áo lá sớ của Nguyễn Mại trao cho Thái phi. Xem xong, vừa kinh ngạc vừa vui mừng, Thái phi hỏi:

- Ý nhà Chúa nghĩ sao?

- Nguyễn Mại đã trái lệnh con.

- Mẹ thì cho Nguyễn Mại là một chân nam tử.

- Không trị tội Nguyễn Mại thì phép nước không nghiêm.

- Nhà Chúa nói lạ chưa? Nguyễn Mại, mẹ đã biết. Người ấy đã liều thân vì nước ở sa trường, người ấy chỉ biết lấy quốc gia làm trọng. Hắn nhà nghèo, mẹ già, vợ thơ, con dại, như người ta, thì hắn cứ giữ chức Hộ thành, Chúa bảo thế nào nghe thế, yên hưởng phú quý chả hơn ư? Hắn đã hy sinh hết cả, trừ một đứa rông càn, mẹ tưởng không còn cái gương trung nghĩa nào hơn nữa.

- Con cũng biết, mà cũng vì thế nên trọng dụng Nguyễn Mại và đã tha thứ cho nhiều.

- Nhà Chúa lại nên tha thứ cho hắn để nêu gương trung nghĩa.

- Nhưng hắn là kẻ lộng hành. Hắn đã giết con rể...

- Con rể!... Nhà Chúa nhận rể, nhưng mẹ không nhận cháu rể. Huống chi rể Chúa mà loạn phép nước cũng không dung. Nguyễn Mại làm thế là phải lắm.

Thấy Chúa ngần ngừ, Thái phi rầu rầu nét mặt, nói thêm:

- Nhà Chúa nên nghĩ đến cơ nghiệp tiên vương, xa kẻ dở, gần người hay. Tổ tông ngày xưa sở dĩ làm nổi đại sự, gây nổi cơ đồ, chỉ vì biết trọng những bậc trung thần nghĩa sĩ. Nhà Chúa nên theo chí tiên vương. Muốn cho vương nghiệp vững bền, tất phải trọng phép nước. Kẻ có tội dù là thân thích cũng không dung thứ. Nay Nguyễn Mại vì ta trọng phép nước, lẽ nào ta lại vì tình riêng mà giết cho đành? Nhà Chúa đã biết Nguyễn Mại là người trung nghĩa, thế mà lại định đem làm tội, có khác chi tự nhổ vây cánh không? Nhà Chúa nên để cho thiên hạ biết cái lẽ: “Đại nghĩa diệt thân” thì quốc gia may lắm, cơ đồ nhà Trịnh may lắm.

Chúa Tĩnh Đô vốn là người anh minh và là người có một tinh thần gia tộc rất mạnh, hàng ngày chỉ lo khuếch trương cơ nghiệp họ Trịnh, nên nghe Thái phi nói, Chúa tỉnh ngộ ngay. Chúa không còn là một gã si tình nữa, Chúa là một vị quốc trưởng biết lo đến vương nghiệp và đặt quốc gia lên trên mọi sự.

Chúa thưa:

- Con ngu muội, nay được mẫu thân khai phá cho óc u mê. Con xin theo lời mẫu thân dạy.

Thái phi và Chúa đã sang tới phòng Quận chúa. Trên giường, nàng nằm như có ý chờ đợi, mặt võ vàng, không còn khí sắc nữa. Thấy Chúa, nàng vui vẻ, mặt nàng bừng sáng. Nàng se sẽ nói:

- Con chờ mãi phụ vương!

Nàng trừng trừng nhìn Chúa. Chúa chạy lại, vén màn, cúi xuống cầm lấy tay con. Chúa lạnh toát người, vì tay nàng chỉ còn là cái gióng tre khô đét. Chúa hỏi:

- Con làm sao? Con.

Quỳnh Hoa vẫn giương mắt dại nhìn Chúa. Một lúc nàng ứa lệ, phều phào nói:

- Tâu phụ vương, con không qua khỏi được. Con chết đến nơi rồi. Con chỉ chờ phụ vương là đi thôi. Con chết đi, phụ vương cũng đừng tiếc gì, và phụ vương tha cho con tội bất hiếu...

Tĩnh Vương nhìn con, quả nhiên đã thấy phảng phất hình chết. Chúa giữ chặt lấy tay con, như để bảo hộ nàng. Ngài nói:

- Con không được nói nhảm. Con uống thuốc, rồi lại khỏi...

Nàng lắc đầu:

- Tâu phụ vương, con tự biết lắm. Mệnh con chỉ còn tính từng giờ. Con sắp phải vĩnh biệt cùng Quốc mẫu, cùng phụ vương. Trước khi nhắm mắt, con xin phụ vương một điều.

- Con xin gì cha cũng chiều ý.

- Xin phụ vương trọng dụng chàng Bảo Kim. Con đã phụ tình chàng, phụ vương hãy vì con mà trả nợ cho con.

Chúa cảm động nghẹn ngào. Mắt Quỳnh Hoa đã dại hẳn, miệng còn lẩm bẩm:

- Bảo Kim! Bảo Kim!

Nàng nhìn Thái phi, lại nhìn Chúa một lần cuối cùng, nói líu ríu:

- Lạy Quốc mẫu, lạy phụ vương, con xin vĩnh biệt.

Chúa ôm lấy nàng. Quỳnh Hoa đã lịm đi. Trong giây lát, nàng trào lệ, thở hơi thở cuối cùng trong tay Chúa. Tĩnh Vương như điên như dại mãi không chịu bỏ con ra, nhìn con qua nước mắt, chốc chốc lại thở dài. Đến đây, có tiếng dân gian reo hò ngoài phủ. Thái phi gạt nước mắt bảo Chúa:

- Nó xấu số, tiếc cũng vô ích. Nhà Chúa để nó đấy cho mẹ, và nên ra ngay, kẻo công chúng mong chờ.

Chúa nói:

- Quỳnh Hoa vì con mà chết. Oan hồn nó bao giờ tiêu tan được. Con không còn thiết làm gì nữa.

Nói xong Chúa lại trào lệ. Thái phi phải lấy nghĩa lớn dẫn dụ, Chúa mới chịu buông Quỳnh Hoa, đặt nằm ngay ngắn và vuốt mắt cho nàng. Chúa nhìn con tần ngần không chịu đi. Mặt nàng yên tĩnh, miệng điểm nụ cười hiền hậu.

Lòng thương Quỳnh Hoa chiếm cả tâm hồn chúa Tĩnh Đô, và đồng thời tất cả lòng chán ghét Đặng Lân cũng nổi dậy. Chúa căm giận Lân đến nỗi lúc ấy, nếu em Tuyên phi còn sống, Chúa cũng chính tay giết chết. Chúa thất thểu ra ngoài nhà Nghị sự, lên ngồi trên sập. Đèn nến sáng trưng. Mặt Chúa uy nghiêm, nhưng vẻ buồn nặng trĩu. Các quan văn võ đứng hầu hai bên. Đao phủ dẫn Nguyễn Mại vào. Chàng mặc áo tội nhân, cổ đeo một thanh kiếm. Trông chàng vẫn một vẻ ngang tàng. Chúa thầm cảm phục. Mại quỳ xuống hô muôn tuổi và tâu:

- Tâu Chúa thượng, hạ thần có tội, xin Chúa thượng cho đem ra chính pháp.

- Sao ngươi dám giết Quốc cữu?

- Tâu Chúa thượng, Mại ung dung đáp, Quốc cữu đi chơi mang theo cả giường chiếu, bắt con gái hiếp dâm ở giữa đường. Thấy việc dâm ác, loạn kỷ cương, khinh phép nước, hạ thần vì chức vụ đã lập tức chém bêu đầu. Nhưng vì chót phạm đến một vị quốc thích, tự biết là có tội, vậy xin Chúa thượng cho giết ngay hạ thần để khỏi hại đến tình riêng trong cung quyến.

Chúa đăm đăm nhìn Nguyễn Mại. Vẻ khảng khái, tinh thần vị nghĩa của người thanh niên càng làm tăng mối thiện cảm có sẵn của Chúa đối với chàng. Chúa trầm ngâm một lúc rồi phán:

- Biết trọng phép nước, nhà ngươi thực đáng khen. Chẳng những không bắt tội, ta còn trọng thưởng cho. Còn về tình riêng để mặc ta xử trí.

Lại quay bảo các quan:

- Nguyễn Mại là một nghĩa sĩ chân chính. Ai cũng có tấm lòng hào hiệp như Nguyễn Mại thì làm chi nước không yên, dân không mạnh. Các ngươi nên nhớ lấy: Ta vì việc công mà tha tội cho Mại, để tỏ cho thiên hạ cái lẽ vì nghĩa lớn bỏ tình riêng.

Chúa đứng dậy, truyền lệnh cởi trói cho Nguyễn Mại. Chàng lễ tạ. Tĩnh Vương phất áo vào trong cung, lòng nhẹ như vừa trút được một gánh nặng. Chúa vừa vén rèm thì một người đã quỳ xuống trước mặt, tay ngọc cầm lấy tay Chúa, khóc nức nở. Chúa nhận ra Tuyên phi, chưa kịp nói gì, thì nghe ngoài phủ tiếng reo ầm ầm: “Quan Hộ được tha, Vương gia muôn tuổi! Quan Hộ được tha, Vương gia muôn tuổi!...” Tiếng reo vang lừng, mênh mang như sóng. Tĩnh Đô kéo Tuyên phi dậy, nàng đã ngất trong tay ngài...

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện