Chương 14
Tối đó, anh Ðiền lại hỏi tôi về số phận của lá thư. Lần này anh chận tôi ngoài cổng, lúc tôi vừa đi nhong nhong với anh em thằng Chửng về.
- Trường đã đưa thư cho chị Ngà chưa? - Giọng anh nôn nóng.
- Rồi! – tôi đáp, cố giữ vẻ thản nhiên.
Mắt anh sáng lên:
- Chỉ có nhận không?
- Nhận.
Anh lại liếm môi:
- Chỉ có nói gì không?
- Không! – Tôi lắc đầu – Nhưng chỉ cười!
- Cười sao? – Anh Ðiền không giấu vẻ phấp phỏng.
- Cười thế này nè!
Nói xong, tôi nhe răng “hì” một tiếng.
Anh Ðiền nhăn mặt:
- Cười gì kỳ vậy?
Tôi khịt mũi:
- Ừ, chỉ cười vậy đó! Anh không tin thì thôi!
Thấy tôi tỏ vẻ hờn giận, anh Ðiền lật đật nắm tay tôi:
- Tin! Anh tin! nhưng chỉ có vậy thôi hả?
- Chỉ vậy thôi! – Tôi thở dài.
Anh Ðiền cũng thở dài. Nhưng tiếng thở của anh ra chiều nhẹ nhõm. Dưới ánh sao mờ, tôi vẫn nhìn rõ vẻ long lanh trong mắt anh.
Ðôi mắt đó nhình tôi, rủ:
- Bây giờ anh với Trường đi ăn mì hén?
- Em no lắm! – Tôi từ chối.
Anh Ðiền ngạc nhiên:
- Trường đã ăn tối đâu mà no?
- Khi nãy em ăn khoai chà bên nhà thằng Chửng.
- Vậy thì sáng mai! – Anh Ðiền lại nói.
- Sáng mai em phải vô Bãi Cháy!
Nói xong, tôi phóc một bước tới gốc me đầu sân và chạy tọt vào nhà, bỏ mặt anh Ðiền đứng ngẩn ngơ với vô vàn thắc mắc. Chắc anh không hiểu tại sao một đứa tham ăn tham uống như tôi bữa nay được rủ đi ăn mì lại bày đặt chê ỏng chê eo.
Nhưng anh Ðiền chắc không có thì giờ để bận tâm nhiều về tôi. Anh còn mải mơ tưởng về chị Ngà. Anh còn mải nghỉ xem chị có bị những lời tỏ tình ngọt ngào của anh làm cho mê mẩn hay không và sau đó chị sẽ làm thế nào để tỏ cho anh biết rằng chị rất nóng lòng muốn đáp trả tình cảm của anh.
Trong nhiều ngày, anh Ðiền đắm chìm trong nỗi chờ đợi miên man mà không biết lá thư của mình đang mắt kẹt dưới gốc kèo nhà thằng Chửng. Trong những bữa cơm, anh thường tìm cách ngồi đối diện với chị Ngà để chờ đợi chị thỉnh thoảng nhìn lên, anh lại đảo mắt dọ xem tình ý. Thái độ thản nhiên của chị Ngà thường làm anh cụt hứng. Những lúc đó, anh giả vờ tằng hắng để che dấu sự bối rối và nỗi thất vọng sâu xa của mình.
Trong khi anh Ðiền theo dõi chị Ngà thì tôi theo dõi anh. Cái cảnh tượng rình rập đầy vẻ hoạt kê này cứ âm thầm kéo dài từ ngày này qua ngày khác. Với vẻ uể oải của một chú mèo ngái ngủ, tôi hoàn toàn thành công khi tỏ ra vô hại dưới mắt anh Ðiền. Và chú mèo ngây ngô đó đã tìm đủ mọi cách và nghĩ ra đủ mọi lý do để có mặt bên cạnh anh, để sung sướng chứng kến sự dọ dẫm vô vọng của anh về thái độ của chị Ngà và nhất là để nở từng khúc ruột khi nghe thấy anh đôi lần tuyệt vọng kêu lên:
- Chị Ngà xé nát trái tim anh rồi, Trường ơi!
Khi than thở, bao giờ anh Ðiền cũng có vẻ tội nghiệp. Giọng anh buồn thảm, đứt khúc và càng về cuối càng vo ve, nghe như tiếng sáo muỗi. Nhưng nhìn ánh mắt lấp lánh và bình thản của anh, tôi biết anh không buồn như cái vẻ anh tạo ra. Thậm chí, có đôi lúc, tôi ngờ rằng anh cố ý khôi hài khi cường điệu nỗi thất vọng của mình.
Nếu quả mọi sự đúng như anh nói thì trái tim anh hiện nay đã rách bươm như tàu lá chuối sau mùa gió dữ, chẳng mong gì chắp vá. Nhưng cứ mỗi lần nghe anh rên rỉ như thế, sau đó tôi lại thấy anh dường như nhanh nhẹn và bạo dạn hơn.
Lần này cũng vậy, sau những ngày mệt mỏi vì chờ đợi, anh lại tìm đến tôi với một phong thư trên tay.
- Trường ơi! – Anh bắt đầu bằng một giọng cầu khẩn êm ái.
- Gì vậy? – Tôi liếc phong thư trên tay anh.
- Trường giúp anh lần nữa đi!
- Giúp cách sao? – Tôi giả bộ khù khờ.
Anh chìa lá thư ra:
- Trường đưa cái thư này cho chị Ngà.
Tôi nhăn nhó:
- Ðưa gì đưa hoài vậy?
- Ừ!
Câu trả lời cụt ngủn của anh Ðiền chẳng nhằm giải thích điều gì. Nhưng tôi không buồn hỏi vặn. Lòng tôi đang dậy lên một nỗi lo âu mơ hồ. Tôi sợ một ngày nào đó anh Ðiền sẽ khám phá ra âm mưu của tôi. Nếu bây giờ tôi vui vẻ xòe tay nhận lá thư của anh, chắc chắn tôi sẽ không đưa cho chị Ngà, mà ba chân bốn cẳng chạy đi tìm anh em thằng Chửng. Tôi sẽ đưa lá thư cho Chửng anh và nó sẽ tiếp tục nhét lá thư vào dưới mái tranh một cách khoái trá.
Thấy tôi chưa chịu cầm lấy lá thư, anh Ðiền sốt ruột nhắc:
- Trường giúp giùm anh nghen?
Tôi ngần ngừ:
- Lần này nữa thôi hén?
- Anh không biết! – Anh Ðiền đưa tay vò mái tóc quăn - Nếu chị Ngà vẫn không chịu trả lời anh lại phải viết thư tiếp!
Sự quyết tâm của anh Ðiền khiến tôi đâm chột dạ. Chứ cái đà này thì trước sau gì mọi chuyện cũng sẽ vỡ lở, tôi hoang mang nhủ bụng, nhưng rồi chẳng nghĩ ra cách nào thoái thác, tôi đành phải thẫn thờ cầm lấy phong thư.
Anh Ðiền vỗ vai tôi:
- Trường đừng lo! Xem xong lá thư này, thế nào chị Ngà cũng phải trả lời!
- Anh viết gì trong đó vậy? – Tôi hỏi không nén được tò mò.
Anh Ðiền nheo mắt:
- Trường còn nhỏ hỏi làm gì chuyện đó!
Câu nói của anh Ðiền khiến tôi nhăn mặt. Trước đây chị Ngà cũng từng bảo tôi như vậy. Mười sáu tuổi, tôi vẫn bị coi là trẻ con, vẫn không được ai đoái hoài tới. Chị Ngà chỉ nhớ đến tôi khi cần sai vặt. Khi nồi bâng khuâng trước dãy hoa cúc dưới bóng chiều chập choạng, hẳn chị chỉ nghĩ đến anh Ðiền, đến ánh mắt lanh lợi và nụ cười tươi tắn của anh. Hoa cúc đem lại niềm vui cho tâm hồn, ý nghĩ đó hẳn ngày càng rõ ràng hơn trong lòng chị.
Dì Miên có lẽ nhận ra lòng yêu mến của tôi dành cho chị Ngà. Dì nhận ra điều đó một cách tự nhiên, dễ dàng nhưng lại coi đó là trò vớ vẩn. Thỉnh thoảng dì có nhắc đến là để cợt đùa, chòng ghẹo. Giữa những giờ học thi căng thẳng, riết róng, dì Miên giải lao bằng cách trêu cho tôi đỏ mặt và chọc cho chị Ngà la lên “oai oái” và rượt dì chạy quanh gốc cột. Chỉ vậy thôi. Sau đó, dì lại quên ngay mọi chuyện để tiếp tục chúi mũi vào những bài ôn thì dài dặc chiếm hết thời gian biểu trong ngày của dì.
Rốt lại,chỉ có anh em thằng Chửng là những người duy nhất hiểu được tâm sự u uẩn của tôi. Nhưng tụi nó lại chẳng giúp gì cho tôi được ngoài chuyện nhét những lá thư của anh Ðiền nằm sâu hơn dưới mái tranh ám khói. Hơn nữa, anh em thằng Chửng về hùa với tôi phần lớn là do mối căm ghét kỳ lại đối với anh Ðiền chứ không phải vì thấu hiểu được nỗi lòng ray rứt và ngổn ngang của một đứa con trai mới lớn.
Say mê không dứt trò vật nhau và ném đất, cũng như bỏ hàng buổi trời ngồi nghịch nhau với bầy ruồi đang bu quanh mụn ghẻ trên đầu gối, anh em thằng Chửng vẫn là những đứa trẻ hồn nhiên to xác so với mối bận tâm mới mẻ của tôi hiện nay, vì vậy chúng chẳng bao giờ cảm nhận được một cách chính xác niềm vui và nỗi buồn trong lòng người bạn khốn khổ của chúng, cũng như chẳng bao giờ nhìn thấy hoặc sẻ chia được những hình ảnh rực rỡ và đầy xao xuyến trong những giấc mơ tôi vào lúc nửa đêm. Và như vậy, tôi đâu còn nhỏ dại. Anh Ðiền chỉ tưởng thế thôi.