Chương 31

Ðã mười năm trôi qua kể từ ngày tôi đi qua hoa cúc. Mười năm, một quãng thời gian đủ để những nỗi đau nguôi ngoai và những vết thương lòng lành miệng. Nhưng không hiểu sao tôi vẫn luôn nhớ tới hình bóng của chị Ngà cùng những gì chị đã in dấu vào tâm hồn tôi trong mùa hè năm ấy.

Niềm vui được sống gần gũi, được nhìn ngắm và được nghĩ vẩn vơ đến chị chưa kịp trọn vẹn thì nỗi buồn tủi lẫn tuyệt vọng khi thấy chị đem lòng yêu người khác ập tới, tiếp theo là nỗi đau mất mát trước sự ra đi của chị, có lẽ những trạng thái tình cảm mãnh liệt đó liên tiếp xảy đến với trái tim non nớt của tôi trong một thời gian ngắn buộc tôi lúc nào cũng nhớ đến chúng một cách sâu xa. Ở đời có những sự kiện, những khuôn mặt thoảng qua đời ta như cơn gió tình cờ, chẳng lưu lại một điều gì trong ký ức, nhưng cũng có những biến cố khắc sâu vào tâm hồn ta như dao chém vào đá, mãi mãi để lại trong trí não ta một vết hằn mà năm tháng chỉ đánh bóng nó lên chứ không thể làm cho nó phai đi.

Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in cái buổi chiều ảm đạm của mười năm về trước, cái buổi chiều mà tôi đã vô cùng đau lòng khi phải rời bỏ dãy hoa cúc trước sân nhà ông tôi, đó cũng chính là khi tôi ngậm ngùi chia tay tuổi nhỏ của mình để rồi không một lần ngoái lại.

Bữa đó tôi khăn gói về chân cầu Cẩm Lễ, hàn huyên với mẹ và mấy em chưa được mấy câu thì ngay sáng hôm sau tôi đã theo người chú họ xa vào sinh sống ở một thành phố phương Nam. Chú tôi từ nhỏ đã trốn nhà vào làm công nhân cao su ở một đồn điền trên Ban Mê Thuột, sau đó bỏ xuống Ðồng Tháp Mười khẩn hoang, rồi không hiểu sao lại lên Sông Bé làm nghề nuôi bò sữa. Cuối cùng, cho đến ngày về thăm quê và rước tôi đi, chú đã định cư tại Sài Gòn hoa lệ và hiện đang quản lý ba, bốn xưởng dệt lớn.

Tôi bằng lòng theo chú một phần là muốn đi xa nhưng phần khác, quan trọng hơn, là muốn trốn tránh ít ra là trong lúc đó cái nơi chốn đã gắn liền với những đau buồn trong quãng đời niên thiếu của tôi.

Tôi ở Sài Gòn học hành, đỗ đạt rồi ra đi làm, cuộc đời suôn sẻ, không lắm dốc nhiều đèo như những bạn bè cùng trang lứa.

Cứ mỗi một năm, có khi hai năm, thường là vào những dịp lễ tết, tôi đáp xe đò vượt gần ngàn cây số về thăm nhà. Những lúc về nhà dù không muốn giáp mặt với kỷ niệm cũ, tôi vẫn phải ghé thăm ông và thường tôi không bao giờ rảo bước ra sau vườn, càng không dám tha thẩn bên ven suối xưa, dẫu rằng bây giờ trên bờ suối, ngay chỗ gốc dương liễu năm nào chị Ngà bỏ rơi đôi dép xanh, đã mọc lên từ lâu một cái trang thờ ngày đêm nghi ngút khói.

Dạo đó, rốt cuộc người làng vẫn không tìm được xác chị Ngà. Sau ba ngày, chị vẫn không nổi lên. Người thì bảo chị được Hà Bá rước về thủy cung, làm công chúa. Người thì bảo do mưa động trên nguồn, xác chị bị cuốn phăng ra biển. Nhưng dù có suy diễn và đồn thổi cách nào, cuối cùng dân làng vẫn họp lại dựng một cái trang thờ bên suối để vong hồn chị được ấm áp khói nhang mà khỏi làm điều quấy nhiễu. Nghe đồn cái trang thờ đó rất linh thiên, hễ ai thành tâm là cầu gì được nấy và bây giờ nó đã nổi tiếng ngang với đền Ông Lánh ở làng Hà Xuyên kế bên, bốn mùa khói nhang không ngớt.

Tôi không rõ vong hồn chị Ngà có thực sự linh thiêng hay không và nếu linh thiêng, phải chăng nó linh thiêng đến mức hình bóng chị cứ níu giữ chặt trái tim tôi khiến từ đó đến nay đã một thời gian dài trôi qua, tôi vẫn không thể nào quên được chị.

Dì Miên năm đó thi đỗ vào Ðại học Huế, theo ngành y khoa, tiếp tục sự nghiệp của ông tôi. Vài năm sau dì lập gia đình, chồng cũng là bác sĩ,và sống luôn tại Huế. Ông tôi từ sau vụ anh Ðiền không còn thu nhận học trò, lại rơi vào cảnh neo đơn. Bà Sáu thì bắt đầu lọm khọm, chậm chạp, chẳng đở đần ông được mấy tí, mẹ tôi phải cắt cử thằng em út tôi xuống ở với ông, phần theo học nghề thuốc, phần để ông sai vặt.

Còn hai đứa bạn thân thiết của tuổi thơ tôi, Chửng anh ra thành phố học nghề lái xe và trở thành tài xế xe đò liên tỉnh, Chửng em thì bỏ đi biệt. Nghe nói nó mê một cô đào trong một gánh hát về diễn ở làng, hôm trước gánh nhổ rạp, hôm sau nó biến theo luôn. Hình như về sau nó lấy được cô đào nọ và theo như lời thằng em út tôi nói thì đã có lần Chửng em dắt vợ ẵm con về thăm nhà, nhưng chỉ một lần đó thôi, về sau không thấy nó quay về nữa.

Câu chuyện này đến đây có thể coi như đã kết thúc. Tuy nhiên có một điều lạ mà tôi không thể không nhắc tới là gần đây trên đường về quê, lúc đi ngang một thành phố ven biển miền Trung, ngồi trên xe đò tôi thoáng thấy một người phụ nữ nom giống chị Ngà như tạc. Lúc đó xe đang băn qua một ngã tư, tốc độ không nhanh lắm nên tôi có thể nhìn thấy diện mạo người phụ nữ kia khá rõ. Chị đang dắt một đứa bé khoảng chín, mười tuổi len lỏi giữa các quầy bán trái cây bày bên ven lộ. So với hình ảnh của chị Ngà mà tôi còn lưu giữ trong ký ức thì da người phụ nữ này sạm hơn, tóc cũng ngắn hơn, cách ăn mặc tất nhiên khác nhiều nhưng khuôn mặt và nhất là ánh mắt thì đúng là khuôn mặt và ánh mắt của chị Ngà.

Sau phút bàng hoàng, tôi đập tay rầm rầm vào thành xe, bảo tài xế ngừng lại. Nhưng sau khi vọt xuống xe, băng ngược trở lại thì tôi không tìm thấy mẹ con người phụ nữ ấy đâu nữa. Hỏi thăm những người chung quanh một hồi, chẳng ai biết, rốt cuột tôi đành lủi thủi đón xe đi tiếp, lòng bán tín bán nghi, hoang mang vô kể.

Nếu người phụ nữ đo quả đúng là chị Ngà thì rõ ràng chị không chết như mọi người tưởng. Chị Ngà bơi rất giỏi, khó bề chết đuối. Hồi đó có người cho rằng chị Ngà buộc đá vào người, nhưng bây giờ sau khi tình cờ nhìn thấy người phụ nữ bên đường nọ, tôi đâm ra nghi ngờ cái kiểu suy diễn mơ hồ, vô căn cứ kia. Nếu chị Ngà buộc đá vào người thì chị không thể nào trôi ra biển và sớm muộn gì người ta cũng đã vớt được xác chị rồi. Rất có thể sau biến cố kinh thiên động địa kia, chị Ngà đã lén bỏ xứ vào đây, chấp nhận cảnh bôn ba lưu lạc nơi quê người, chờ ngày sinh nở.

Dù sao tất cả cũng chỉ là giả thuyết của riêng tôi. Sau ngày đó, tôi còn trở lại thành phố này nhiều lần nữa tuy nhiên vẫn chưa có cách nào tìm gặp lại mẹ con người phụ nữ đó. Nhưng tự trong thâm tâm, tôi vẫn tin rằng nếu chị Ngà còn ở đâu đó trên cõi đời này thì sớm muộn gì tôi cũng sẽ gặp lại chị. Chỉ không biết liệu với một niềm tin kỳ quặc như thế, con người ta có thể nuôi dưỡng và sống với nó được bao lâu!

TPHCM 1995

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện