Chương 13: Lưỡi đao rùng rợn

Phiến đá này nguyên là cửa động. Cửa động vừa mở, một luồng hơi lạnh xông ra. Thật là một cái lạnh khôn tả khiến cho người đầy nội lực như Thượng Quan Kỳ mà cũng phải rét rung.

Con vượn vàng dẫn lộ thấy cửa động mở ra liền đi vào trước. Thượng Quan Kỳ hãy còn do dự, thấy con vượn đen đi lướt qua bên mình lên trước để theo sát con vượn vàng, chàng không do dự được nữa liền lập tức đi theo.

Con đường khe động này lạnh lẽo vô cùng, nhưng được cái bằng phẳng. Hai con vượn đi rất nhanh, Thượng Quan Kỳ chỉ theo tiếng chân của chúng mà bước theo.

Đi được chừng ba mươi trượng thì đến một chỗ hang sâu vào thẳng thạch động, chỗ này đột nhiên đổi thành một khúc quanh. Thượng Quan Kỳ chợt thấy ánh sáng trong như ngọc từ phía trên chiếu xuống. Hai con vượn đột nhiên dừng bước, quay lại nhìn chàng.

Một mùi thuốc nồng nặc xông vào mũi Thượng Quan Kỳ, chàng rất lấy làm kỳ tự hỏi :

- “Tại sao hai con vượn đi đến đây lại dừng lại không đi nữa? Trong chỗ hang động tối tăm này tại sao lại có mùi thuốc?”.

Chàng vừa nghĩ vừa đi không dừng bước, lướt qua hai con vượn đi lên trước.

Mùi thuốc một lúc một nặng thêm, lối đi lại tới một khúc quanh. Qua mấy khúc quanh nữa thì đến một khu đất rộng rãi hơn, Thượng Quan Kỳ thấy trên mấy hòn đá trong như thủy tinh chiếu ánh sáng ra có đặt một cái nồi đất, bên dưới có tro tàn. Trong nồi đất vẫn còn lại một chút cao, mùi thuốc nồng nàn này phát ra từ nồi thuốc này. Chỗ này là đường cùng, bốn phía đều là vách núi trong như ngọc phản chiếu ra một thứ ánh sáng huyền ảo có thể trông rõ mọi vật nơi đây.

Hai con vượn vẫn theo sát Thượng Quan Kỳ. Từ lúc chúng vào trong mật thất này thì những ý niệm thù hằn dường như tiêu tan hết. Trên mặt cả hai con đều lộ vẻ đau thương, chúng lặng lẽ đứng tựa vào vách đá.

Thượng Quan Kỳ nhìn kỹ cảnh vật bốn phía, thốt nhiên nhìn vào góc nhà đá thấy có một kẽ hở. Chàng động tính hiếu kỳ rảo bước tới gần xem.

Hai con vượn đột nhiên khẽ kêu lên một tiếng rồi thủng thỉnh đi theo chàng.

Thượng Quan Kỳ quay đầu lại nhìn hai con vật thì thấy bốn con mắt tròn xoe đang giương mắt nhìn chàng, vẻ mặt lộ vẻ kỳ dị. Một mặt chàng để ý đề phòng, một mặt từ từ tiến về phía trước.

Đi đến chỗ góc, quả nhiên thấy có một phiến đá rời. Chàng dùng sức đẩy mạnh ra thì quả đó chính là cửa một thạch động.

Thượng Quan Kỳ ló đầu vào xem thì bất giác cả sợ. Tuy chàng là người võ công xuất chúng, đởm lượt hơn người mà không khỏi giật mình lùi lại mấy bước.

Trong lúc hoang mang, tay chàng đè lên phiến đá cửa động, nó lập tức đóng lại.

Nguyên cửa động này cả hai bên đều có thể xê dịch được. Lúc chàng hoảng sợ, tay đẩy mạnh vào mé bên kia phiến đá nên nó đóng lại như cũ.

Hai con vượn vẫn theo sát Thượng Quan Kỳ không rời nửa bước. Lúc chàng kinh hãi lùi lại, vội vã quá nên dẫm phải chân con vượn vàng. Con vượn đau quá kêu lên một tiếng thê thảm vang dội cả tòa thạch thất.

Thượng Quan Kỳ lùi lại bốn, năm bước đứng im hồi lâu tinh thần mới dần bình tĩnh lại. Chàng lẩm bẩm :

- “Trong tòa nhà thạch thất này có hai xác người không biết chết đã cách bao nhiêu năm? Hai con vượn này tại sao lại tìm ra chỗ này?”.

Chàng quay đầu lại nhìn hai con vượn thì thấy chúng ngồi quay mặt vào vách, đầu cúi xuống sát đất, hai mắt nhìn chăm chăm vào vách.

Một ý nghĩ thoáng qua đầu óc, chàng thầm nghĩ :

- “Phải chăng hai người này có liên quan đến hai con vượn?”.

Trầm ngâm một chút, chàng từ từ đi lại gần vách đá.

Lần này chàng đã có kinh nghiệm, vận nội lực từ từ đẩy phiến đá nhích đi.

Chàng nhìn kỹ thấy một người mặc áo đại hồng, tóc dài rũ xuống vai đứng mặt quay vào vách, trên lưng còn cắm một thanh kim đao, một cánh tay đầy lông, cánh tay này cũng khô kiệt.

Thượng Quan Kỳ nhìn theo cánh tay lên thấy một người cao lớn mặc áo bào xanh cũng quay mặt vào tường nhưng hơi nghiêng về phía hữu, tay cầm kim đao đâm vào lưng người mặc áo đại hồng.

Hai người cùng quay mặt vào vách đá nên không nhìn rõ mặt. Bốn bức tường vách đá đẹp như ngọc chiếu ánh sáng ra, cảnh vật trông càng huyền ảo.

Y phục hai người còn tươi đẹp như mới, do một thứ lụa đặc biệt chế ra.

Thượng Quan Kỳ rảo bước vào trong thạch thất, hai con vượn cũng đi theo chàng. Lúc này Thượng Quan Kỳ đã hoàn toàn bình tĩnh, để ý nhìn kỹ cảnh vật chung quanh. Hai xác người này da khô, thịt nứt, chết đã lâu nên không sao tìm hiểu được.

Người đại hán mặc áo xanh tay trái giơ thẳng lên, tay phải cầm kim đao chỉ vào lưng người mặc áo đại hồng cho thân người khỏi ngã xuống.

Người mặc áo đại hồng thân thể nhỏ bé, mới nhìn cũng biết ngay đây là một người đàn bà.

Thanh kim đao sáng rực hòa lẫn với ánh sáng của vách đá chiếu vào long lanh, ngoạn mục.

Nhìn hồi lâu, Thượng Quan Kỳ đoán là hai người này ở nơi đây, rồi không biết tại sao lại tàn sát lẫn nhau. Dường như đại hán áo xanh bị trọng thương trước, rồi nhân lúc người đàn bà không kịp đề phòng mà đâm thẳng vào lưng. Chàng nhìn xuống trước mặt nơi đại hán đứng thì quả nhiên có một vũng máu khô. Cứ xét theo vị trí của vũng máu mà đoán thì tựa hồ như máu ở trong miệng phun ra.

Thượng Quan Kỳ nhìn lên thì thấy miệng đại hán hé mở, hàm răng còn lờ mờ nhe ra trông mà phát khiếp. Thượng Quan Kỳ đoán là đại hán áo xanh và nữ lang áo đỏ quyết không phải là tìm đến nhau báo thù mà cũng không phải là người xa lạ, nếu không phải là vợ chồng thì cũng là anh em. Nhưng rồi chàng lại tự hỏi :

- “Hai người trừ phi vợ chồng tức anh em thì tại sao lại tàn sát nhau? Nhất là ở giữa nơi thâm sơn cùng cốc không có vết chân người này thì họ phải cần có bầu bạn với nhau, sao tại tàn sát lẫn nhau như thế?”.

Thượng Quan Kỳ xem xét cảnh vật chung quanh tuyệt không thấy gì có thể giúp chàng khám phá ra bí mật này. Chàng quay đầu lại nhìn hai con vượn, thấy con vượn vàng đang phục lạy dưới chân xác nữ nhân áo đỏ, còn con vượn đen thì phục lạy dưới chân xác đại hán áo xanh, con nào cũng nước mắt đầm đìa. Bấy giờ Thượng quan Kỳ mới hiểu rõ nguyên nhân tại sao hai con vượn cứ đánh nhau hoài.

Chàng lẩm bẩm :

- “Phải rồi! Hai con vượn này đều có chủ. Mặt chúng nhìn thấy chủ nhân tàn sát lẫn nhau rồi đâm ra thù nhau. Mối thù này vĩnh viễn không bao giờ gỡ được nữa”.

Chàng đem lòng thương chúng vì có dạ trung thành với chủ nhân.

Thượng Quan Kỳ từ từ bước lại gần xác nữ lang áo đỏ, mặt nàng dán chặt vào vách đá không nhìn rõ tướng mạo chút nào. Chàng đưa tay sờ vào áo của nữ nhân, bỗng nghe tiếng vượn rú lên rồi nhảy tới.

Thượng Quan Kỳ vội né sang bên, chàng thấy con vượn vàng mắt đầy ngấn lệ đứng chắn trước thi thể của nữ lang thì lẩm nhẩm gật đầu tự hỏi :

- “Không hiểu người này chết đã bao năm mà con vượn vàng thủy chung vẫn bênh vực chủ nhân? Phải chăng lòng trung thành với chủ của con vật còn hơn cả loài người?”.

Bất giác chàng đưa mắt nhìn sang xác áo xanh, con vượn đen cũng đang đứng chắn phía trước của thi thể đại hán.

Thượng Quan Kỳ nghĩ thầm :

- “Nếu mình muốn điều tra rõ hai xác chết này thì trước hết phải chế phục hai con vượn. Chế phục chúng bằng võ công thì không khó khăn gì, nhưng e rằng chúng tưởng lầm là mình muốn lấy đi di vật của chủ chúng là điều mình không muốn”.

Thượng Quan Kỳ chưa biết phải làm thế nào thì hai con vượn đang đứng bảo hộ xác chủ nhân đang trừng mắt nhìn nhau đột nhiên hú lên một tiếng rồi nhảy xổ vào cắn xé nhau kịch liệt.

Thượng Quan Kỳ toan bước lại kéo chúng ra nhưng chàng lại nghĩ thầm :

- “Ngoài kia đã có giếng nước, giả tỷ hai con đánh nhau bị thương thì mình sẽ đem chúng đi tắm rửa là sẽ khỏi. Mình chỉ có một cách duy nhất là đưa chúng ra khỏi thạch thất này để chúng đánh nhau ngoài đó, rồi thừa cơ trở vào điều tra lai lịch của hai xác chết này. Kể ra cách này có hơi không nhân đạo nhưng không còn có cách nào trọn vẹn hơn”.

Nghĩ xong, chàng nhảy qua hai con vượn ra mở cửa, quả nhiên hai con vượn đi theo ra. Chàng dẫn dụ hai con vượn ra khỏi thạch thất cho chúng đánh nhau thật hăng không để ý gì đến mình nữa rồi mới trở vào thạch thất đóng cửa lại, chắp hai tay váy lạy hai xác chết khấn :

- Vãn bối là Thượng Quan Kỳ, sỡ dĩ phải dời di thể hai vị tiền bối đi chỗ khác để tiện việc điều tra thân thế của hai vị.

Khấn xong, chàng lẹ làng nhấc thi thể đại hán xuống một cách rất dễ dàng, không tổn hơi sức chút nào.

Thi thể này tuy được khí lạnh khác thường giữ cho khỏi thối nát nhưng xác chết đã quá lâu ngày nên khô queo. Vừa động vào thi thể thì thanh đao đã rơi xuống đất “Binh” một tiếng.

Thi thể nữ lang áo đỏ sở dĩ đứng yên được là nhờ có thanh đao chỉ vào sau lưng. Thanh đao rớt xuống rồi thì xác của nữ lang cũng ngã xuống theo.

Thượng Quan Kỳ mắt nhanh tay lẹ, tay trái chàng giữ xác đại hán áo xanh, tay phải đưa vội ra đỡ được xác nữ lang áo đỏ rồi từ từ đặt cả xuống đất.

Chàng xem xét thật kỹ. Tuy hai xác này đầu tóc còn nguyên nhưng tướng mạo không nhận được nữa. Chàng sờ vào y phục thấy vẫn còn nguyên như mới trong lòng rất lấy làm lạ kỳ, nghĩ bụng nếu muốn tìm ra lai lịch không lục tìm trong người không được.

Chàng cầm thanh đao lên xem, thanh kim đao này dài chừng một thước tám tấc, ánh vàng chói lọi, cả chuôi lẫn lưỡi đều màu vàng. Sống đao rất dày và lưỡi rất bén. Chàng để thanh kim đao sang bên, chăm chú nhìn xác đại hán áo xanh.

Người này thân thể khôi vĩ, tuy da thịt đã khô nhưng vẫn còn cao lớn hơn Thượng Quan Kỳ nhiều. Chàng từ từ cởi áo ra thấy có một túi đeo bằng da màu đen dắt ở sau lưng. Ngoài túi đeo ra không còn thấy gì nữa. Túi đeo buộc bằng một thứ dây rất bền. Chàng phải lấy đao chặt không dám giật mạnh sợ làm gãy tan xác chết.

Thượng Quan Kỳ xem một lúc rồi từ từ đặt xuống quay sang thi thể nữ lang áo đỏ.

Chàng toan cởi áo xác chết ra nhưng lại nghĩ thầm :

- “Dù đây chỉ là một tử thi nhưng đối với một nữ lang mình không tiện cởi áo để lộ thân thể nàng”.

Chàng đành chịu thôi, không cởi áo nữ lang áo đỏ.

Tiếng hú lại vang lên, hai con vượn đang đánh nhau đến hồi kịch liệt.

Thượng Quan Kỳ ngần ngừ một lúc rồi toan quay mình trở ra, chợt thấy cái túi phồng phồng trên mình nữ lang. Tuy chàng là người quân tử quang minh lỗi lạc nhưng không sao đè nỗi tính hiếu kỳ. Chàng bèn quay đầu đi không nhìn vào nữ lang, thò tay vào thi thể nàng lấy ra một cái túi đan bằng chỉ vàng.

Cái túi này vuông vắn, mỗi bề chừng tám tấc, trong túi không biết đựng gì mà phồng lên. Chàng tìm mãi mà không thấy miệng túi đâu, trong lòng lấy làm lạ nghĩ thầm :

- “Chẳng lẽ nàng bỏ vật vào túi rồi khâu lại?”.

Chàng lấy tay nắn thì thấy có chỗ rắn. Những sợi chỉ khâu túi có màu vàng ánh lóng lánh, trông rất đẹp mắt.

Thượng Quan Kỳ xem ngắm hồi lâu, không muốn xé nát cái túi xinh xắn song không sao dằn lòng được, vận nội lực vào tay để xé cái túi, nhưng xé không rách. Chàng vận thêm kình lực vào ngón tay cấu xé mà cái túi vẫn trơ ra không sây sút mảy may. Chàng tự hỏi :

- “Mình đã dùng đến bảy phần công lực mà cái túi bé nhỏ này vẫn không suy chuyển chút nào. Dù có bằng dây thép không đứt được thì cũng phải có dấu vết, nhưng cái túi này không hiểu làm bằng gì mà bền như vậy?”.

Chàng nhìn cái túi thở dài một tiếng rồi từ từ đặt cái túi xuống bên thi thể nữ lang.

Chàng thấy ánh vàng trên cái túi giống như ánh vàng trên áo nàng thì nghĩ thầm :

- “Chắc áo nàng cũng làm bằng cùng một thứ vật liệu với cái túi kia”.

Nghĩ vậy chàng đưa tay giật mạnh một góc áo đại hồng, quả nhiên cái áo cũng đan như vậy, xé không rách.

Sau cùng, Thượng Quan Kỳ mới vỡ lẽ ra rằng: từ cái túi, cái áo của nữ lang đến y phục của đại hán đều là những vật rất quí, nên trải qua đã bao nhiêu năm mà những thứ đó vẫn chiếu hào quang tươi đẹp như mới không suy suyển chút nào.

Bỗng một ý nghĩ khác xuyên qua đầu óc chàng: Cái áo nữ lang dai bền như vậy thì sao lưỡi đao kia lại có thể đâm lủng được?. Đoạn chàng cầm kim đao lên xem kỹ lại thì thấy chuôi đao có viết tám chữ “Kinh Hồn Chi Đao, Vô Kiên Bất Tồi” (Lưỡi đao kinh hồn chém vào chất bền cứng mới đứt). Những chữ này viết rất nhỏ, không để ý kỹ sẽ không nhìn thấy.

Thượng Quan Kỳ cầm đao lên khẽ chém vào tảng đá, quả nhiên lưỡi đao ngập sâu vào tảng đá đến ba, bốn tấc, chẳng khác chi chém vào cành cây mục vậy.

Chàng cả kinh nghĩ thầm :

- “Lưỡi đao này sắc bén ghê hồn, mình chỉ chém nhẹ vào tảng đá mà lưỡi đao đã ngập sâu như thế”.

Thượng Quan Kỳ lại nhìn vào áo nữ lang, quả nhiên sau lưng bị rách một đường dài đến hai tấc. Chàng lại đặt cái túi xuống định lấy kim đao chém nhưng lại thôi vì chàng nghĩ rằng mình lấy lưỡi đao chém thì thế nào túi cũng đứt, nhưng làm thế là xem trộm điều bí mật của người khác. Nữ lang này tuy đã chết song cái túi này vẫn là vật sở hữu của nàng. Nghĩ vậy nên chàng lại đặt cái túi vào lại bên thi thể.

Thượng Quan Kỳ chú ý lắng tai nghe thì không nghe thấy tiếng hai con vượn kêu nữa. Chàng đặt đao xuống, mở cửa thạch động thì đã thấy chúng mình đầy những máu nằm chết giấc bên cạnh giếng nước. Chàng thở dài đến bên chúng đưa tay lên mũi thì thấy hơi thở chúng rất yếu ớt. Chàng trầm tư một chút rồi xách con vượn đen bỏ xuống giếng.

Bị nước lạnh khích động, con vượn đen tỉnh lại. Nằm trong giếng nước tắm rửa các vết thương rồi lại leo lên bờ nhìn Thượng Quan Kỳ một cái, khẽ kêu lên vài tiếng rồi lắc đầu bỏ đi.

Con vượn đen đi rồi, Thượng Quan Kỳ mới bỏ con vượn vàng xuống giếng.

Con vượn vàng hồi tỉnh lại, tắm rửa xong cũng nhìn Thượng Quan Kỳ một cái rồi cũng lại bỏ đi.

Thượng Quan Kỳ theo con vượn vàng ra khỏi thạch động, trong lòng đã định sẵn chú ý: Nếu chúng còn đánh nhau nữa thì chàng sẽ tìm cách chế phục chúng.

Ra khỏi thạch động, sương mù dày đặc. Con vượn vàng đã thuộc đường lối, ra khỏi dòng suối rồi dấn thân vào dòng sương mù trắng dày đặc mà đi. Thượng Quan Kỳ theo sát nó ra khỏi thung lũng lòng chảo mù trắng mờ mịt.

Ba con vượn nhỏ đã chờ ở cửa động, thấy con vượn vàng lớn cùng Thượng Quan Kỳ trở lại chúng mừng rỡ rồi nhìn chàng kêu lên ba tiếng rồi hộ vệ cho con vượn lớn đi vào động.

Bốn con vượn đi khuất chàng mới quay mình trở về ngôi nhà mây.

A Liên đã nướng thịt hươu chờ chàng, thấy Thượng Quan Kỳ thì trong lòng vui sướng vô cùng, cười hỏi :

- Tướng công đã khỏi nội thương, vậy bao giờ mới khởi hành? Tôi đã bảo cháu Hiếu thì nó có ý nguyện theo tướng công đó.

Thượng Quan Kỳ vừa ăn thịt hươu vừa đáp :

- Tôi định đi ngay bây giờ, nhưng có một điều tôi chưa yên lòng xin phu nhân giúp cho.

A Liên nói :

- Tướng công có điều chi cứ nói! Tiểu phụ xin hết sức.

Thượng Quan Kỳ nói :

- Xin phu nhân đừng để cho vượn phu đánh nhau với con vượn vàng nữa.

A Liên trầm ngâm một lúc rồi bỗng nhỏ nước mắt nói :

- Xin tướng công yên lòng mà đi! Tiểu phụ xin vì việc này dằn lòng sống thêm ít lâu nữa để hoàn thành tâm nguyện của tướng công.

Nói xong nước mắt như mưa. Thượng Quan Kỳ nghe nàng nói luống những ngậm ngùi, nghĩ thầm :

- “Sỡ dĩ nàng ân cần muốn giao Viên Hiếu cho ta là nàng đã có ý muốn tự vẫn. Cũng may mà mình dặn nàng câu đó, nàng mới thổ lộ ra”.

Thượng Quan Kỳ bèn nghiêm nét mặt nói :

- Việc này tại hạ xin ký thác lại cho phu nhân. Tuy ra khỏi hang thẳm này nhưng có thể tại hạ còn lưu lại quanh vùng này một thời gian nữa. Lúc nào rảnh tại hạ sẽ cùng Viên Hiếu về thăm phu nhân.

A Liên gượng cười nói :

- Tiểu phụ đã hy sinh làm vợ giống thú không muốn nhìn thấy ai nữa. Tướng công trở lại thăm tôi đi nữa cũng không quan hệ gì. Nếu có trở lại thăm tôi thì chỉ nên đi một mình thôi...

Thượng Quan Kỳ nói :

- Tại hạ xin ghi nhớ lời phu nhân và bây giờ xin cáo biệt.

A Liên nói :

- Xin tướng công hãy chờ một chút để tôi gọi cháu Hiếu ra dẫn tướng công đi.

Nguyên Thượng Quan Kỳ muốn về lại ngôi chùa cổ để thăm quái nhân trước rồi sau sẽ trở lại đây đem Viên Hiếu đi. Song chàng nghe A Liên nói thế, không tiện thoái thác đành gật đầu nói :

- Không biết hiện giờ Viên đệ ở đâu?

A Liên nói :

- Nó vừa ở đây. Để tôi gọi nó về.

Nói xong, A Liên cất tiếng gọi con thì thấy một bóng đen nhanh như chớp chạy về. Thượng Quan Kỳ thấy y bất giác bật cười, vì Viên Hiếu đã tìm đâu ra được những lá cây lớn dùng dây mây kết lại khoác lên người để che kín hết mình.

A Liên nhìn Viên Hiếu rồi quay lại nói với Thượng Quan Kỳ :

- Đây là chốn thâm sơn cùng cốc, đã không có vải lụa lại không có kim chỉ để may áo quần cho nó mặc.

Thượng Quan Kỳ nói :

- Tầm vóc Viên đệ cũng cỡ như tại hạ, khi về đến chùa tại hạ còn mấy bộ sẽ lấy cho y mặc.

A Liên tủm tỉm cười quay lại nói với Viên Hiếu :

- Viên nhi! Từ nay con đi theo Thượng tướng công, bất cứ việc gì cũng phải tuân theo lời người dạy bảo, không được tự tiện.

Nàng phải diễn lại câu đó bằng tiếng Vượn cho Viên Hiếu hiểu. Y đáp lại bằng tiếng người :

- Con xin vâng lời!

A Liên cười nói :

- Xin tướng công tha lỗi cho tôi không thể tiễn hành xa được.

Thượng Quang Kỳ ra khỏi nhà mây thẳng tiến về phía trước.

Viên Hiếu lạy mẹ một lạy rồi đi theo Thượng Quan Kỳ, thỉnh thoảng quay đầu nhìn lại căn nhà mây, cho đến lúc căn nhà mây khuất vào trong rừng y mới đi nhanh lên trước để dẫn đường cho Thượng Quan Kỳ. Đi được chừng hai dặm thì đến bên sườn núi, Viên Hiếu dừng lại chờ Thượng Quan Kỳ. Thượng Quan Kỳ đến nơi, Viên Hiếu nhảy lên trước leo trèo thoăn thoắt. Khi lên cao chừng mười lăm trượng, y thòng dây leo xuống cho Thượng Quan Kỳ bám lấy trèo lên.

Đường đi khuất khúc, không biết đã đi được bao xa, Viên Hiếu dẫn đường đi trước, Thượng Quan Kỳ đi theo sau, lúc đi lúc chạy mướt cả mồ hôi.

Vào khoảng giờ thân, Thượng Quan Kỳ nhìn cảnh vật xung quanh nhận định phương hướng từ trên núi đi xuống. Đi đến đâu chàng để tâm nhớ đến đó, đề phòng có ngày trở lại ngôi nhà mây.

Lúc nhìn thấy ngôi chùa cổ thì mặt trời đã lặn. Thượng Quan Kỳ thở phào một tiếng quay lại nhìn Viên Hiếu nghĩ thầm :

- “Lão quái nhân thổi tiêu tính khí rất là kỳ cục, mình chưa nói cho lão biết trước đã đem Viên Hiếu về yết kiến lão, chẳng biết lão có rộng dung cho không? Vạn nhất mà lão không ưng thuận thì thật là phiền toái”.

Song chàng lại lẩm bẩm :

- “Sao mình lại có ý sợ lão là ý gì? Lão đã có ơn cứu mạng lại còn truyền dạy võ nghệ cho nữa thì còn điều chi đáng ngại”.

Tuy nhiên chàng vẫn không khỏi ngần ngại, ngẩn người ra đứng trên phiến đá mà bần thần nghĩ ngợi.

Viên Hiếu thấy Thượng Quan Kỳ đứng lại thì tưởng chàng đang ngắm cảnh thiên nhiên lúc mặt trời lặn. Y cũng giương đôi mắt thao láo nhìn tứ phía.

Nguyên lúc y ra đi đã được lời mẹ dặn, bất cứ việc gì cũng phải làm theo Thượng Quan Kỳ, câu đó đã thấm sâu vào tâm khảm của y. Giờ thấy Thượng Quan Kỳ dừng lại, hai tay chắp sau lưng ngẩng mặt nhìn trời thì y cũng làm y như vậy.

Thượng Quan Kỳ bất giác vỗ đùi lẩm bẩm :

- “Phải rồi! Nhất định là ta có chí muốn học võ cho nên ý niệm kính sợ lão mới nảy mầm trong đầu óc ta. Ta đã nhận lời A Liên chăm sóc cho Viên Hiếu thì nếu quái nhân không chịu dung nạp thì lập tức ta xin cáo biệt. Ơn đức của quái nhân đối với ta thì ta đành phải chờ cơ hội khác”.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện