Chương 15

Bất kể ngày đêm tôi không quản cực nhọc túc trực bên giường A Độ. Lúc vết thương chuyển biến xấu, muội ấy sốt cao gợi tôi lại nhớ đến Cố Kiếm, lần trước có Cố Kiếm cứu giúp, lần này thì chẳng còn ai.

Lúc A Độ sốt cao, tôi cũng lăn đùng ra ốm.

Hôm đó, trời mưa tầm tã, tôi bưng một chậu đá qua cầu, chẳng may trượt chân, ngã đau điếng người.

Lúc ấy ngã chỉ sứt trán chút thôi, vậy mà đến tối, tôi lại sốt cao.

Bấy giờ A Độ cũng sốt, Lý Thừa Ngân nói tại A Độ truyền bệnh cho tôi, rồi chuyển A Độ đi nơi khác. Chàng nói như thế bệnh của tôi mới khỏi được.

Là ai đã hại A Độ ra nông nỗi này?

Tôi tức đến phát điên, tay lăm lăm thanh đao của A Độ, không kẻ nào dám tiến đến gần.

Lý Thừa Ngân cũng bực tức, liền sai người kéo tôi đi bằng được.

Không biết chúng đưa A Độ đến nơi nào, tôi thì bị nhốt trong điện, chẳng còn sức mà gây gổ, tôi chỉ cần A Độ, mà không biết A Độ ở đâu.

Tôi không ăn cơm, cũng không uống thuốc, Vĩnh Nương bưng thuốc lên, tôi hất văng bát thuốc trên tay bà ấy. Tôi chỉ cần A Độ thôi, tôi không thể ở lại Đông cung này thêm một ngày nào nữa. Tôi cần A Độ, tôi muốn về Tây Lương.

Tôi mê man suốt một ngày trời, những cơn ác mộng tìm về triền miên. Tôi mơ thấy mẹ, tôi mơ thấy mình khóc rất nhiều. Tôi mơ thấy cha, cảm nhận bàn tay thô ráp của người xoa đầu mình. Cha nói:

– Con gái ơi, khổ cho con quá.

Con không khổ, con chỉ thấy kiệt quệ vì mỏi mệt, không sao vùng vẫy được nữa. Con như một con cá thiếu nước; một bông hoa đã đến độ héo tàn.

Lý Thừa Ngân và Đông cung là thứ gông cùm nặng nề nhất trên đời này, con không mang nổi.

Sau đó Vĩnh Nương khẽ lay tôi dậy, bà ấy nói:

– A Độ về rồi.

Đúng là họ đã đưa A Độ về, dù muội ấy vẫn hôn mê trên giường. Không hiểu sao Lý Thừa Ngân lại đổi ý.

Tôi xoa tay A Độ, cảm giác bàn tay muội ấy nóng ran. A Độ vẫn sốt ly bì, nhưng chỉ cần muội ấy ở đây, để tôi được chăm sóc muội ấy, thế là đủ.

Vĩnh Nương nói:

– A Độ về rồi, Thái tử phi uống thuốc đi.

Tôi tu một hơi hết sạch bát thuốc to đắng ngắt, song tôi cũng chẳng buồn ăn thêm quả hạnh ngâm cho đỡ đắng. Tôi cười tươi với Vĩnh Nương, chẳng hiểu sao mà bà ấy lại rơm rớm nước mắt.

Tôi lấy làm lạ, bèn hỏi:

– Vĩnh Nương, bà sao thế?

Vĩnh Nương không nói, chỉ thẽ thọt:

– Tóc Thái tử phi bị rối rồi, để nô tì hầu người chải tóc.

Chiếc lược sừng lướt trên tóc mang lại cảm giác khoan khoái, dễ chịu. Tay Vĩnh Nương dịu dàng và ấm áp như bàn tay mẹ. Bà ấy chải đầu cho tôi, giọng đều đều kể:

– Nhớ hồi mới tới Đông cung, Thái tử phi đổ bệnh nặng, mấy đêm liền người nóng hầm hập. Thái y không dám tùy tiện cắt thuốc, sợ nguy hiểm đến tính mạng. Nô tì túc trực bên người, lúc ấy người vẫn chưa thạo tiếng Trung Nguyên, trong mơ người nghẹn ngào gọi ‘thiện tử, thiện tử’, sau này nô tì mới biết, thì ra thiện tử trong tiếng Tây Lương có nghĩa là mẹ.

Tôi quên cả rồi, chỉ nhớ hồi chân ướt chân ráo tới Đông cung, tôi từng ốm một trận, lúc ấy nhờ Vĩnh Nương và A Độ chăm sóc mãi mới khỏi.

Vĩnh Nương nhẹ nhàng giúp tôi vấn tóc lên:

– Năm đó người mới mười lăm tuổi, thoáng chốc đã ba năm trôi qua.

Tôi ngoảnh đầu lại thì thấy bà ấy nhoẻn miệng cười:

– Người trong cung không nhớ ngày sinh của nương nương mà điện hạ cũng quên mất, hôm nay nương nương tròn mười tám tuổi.

Tôi quên khuấy mất. A Độ còn đang sống dở chết dở, tôi nào còn tâm trí nhớ tới điều này. Đáng lẽ Dịch đình lệnh phải nhớ những chuyện này, song nghe nói tình hình hậu cung cũng đang rối như canh hẹ. Từ lúc Cao Quý phi xảy ra chuyện, những kẻ còn lại chắc chẳng ai chú ý tới những việc vặt vãnh này.

Duy chỉ có Vĩnh Nương còn nhớ.

Bà ấy lấy lược dày, chăm chút chải hai bên tóc mai cho tôi:

– Từ giờ về sau, Thái tử phi đã là người lớn thật rồi, không nên buông tuồng, cẩu thả nữa.

Buông tuồng, cẩu thả?

Tôi thấy bốn tiếng ấy xa xăm lắm… Tôi của ngày xưa buông tuồng, cẩu thả dường như đã biến mất từ lâu lắm rồi. Ba năm trước, tôi đã chết giữa dòng sông Quên, mà tôi của ngày nay, chỉ trú ngụ trong cái xác của nàng ta, sống quãng đời ba năm vô tri vô giác. Tôi quên hất tất thảy, tôi quên sạch thù sâu oán nặng, tôi chung sống với kẻ thù suốt ba năm nay, cho đến khi… yêu chàng thêm lần nữa.

Có điều, chàng mãi mãi sẽ không nhớ ra tôi.

Cũng may, mong sao chàng đừng bao giờ nhớ ra.

Sức khỏe của A Độ dần hồi phục cũng là lúc mùa hè sắp qua.

Trong lúc dưỡng thương, muội ấy đã dùng tay ra hiệu, nói với tôi một số việc, ví dụ như, Cố Kiếm đã cứu muội ấy thế nào. Thì ra từ lâu lắm rồi, vì giúp A Độ trị thương mà Cố Kiếm đã hao tổn mất một nửa nội lực. Nếu không phải vậy, có lẽ sư phụ đã chẳng chết vùi giữa làn mưa tên.

A Độ cũng ngốc y như tôi vậy.

Rồi tôi chậm rãi ra dấu tay hỏi A Độ:

– Muội thích sư phụ đúng không?

A Độ không trả lời, nhưng tôi thấy một làn sương mỏng dâng đầy trong mắt muội ấy, lát sau muội ấy ngoảnh mặt trông ra hồ hoa sen ngoài cửa sổ rồi quay lại liền nhoẻn cười với tôi.

Tôi biết, muội ấy vừa khóc.

A Độ giống hệt tôi, ngay cả lúc khóc cũng cố cười.

A Độ nói tôi mới biết khá nhiều việc, ví như lần đầu tiên Lý Thừa Ngân bị đâm, lúc đó A Độ đuổi theo thích khách rồi bị gã đánh trọng thương. Tôi cứ tưởng đó là người do Hoàng hậu phái đến, cuối cùng A Độ lại phát hiện sự thật không phải như thế.

– Người của Điện hạ. – A Độ viết trên giấy. – Do Tôn Nhị cầm đầu.

Cái tên ấy khiến tôi quá đỗi kinh ngạc. Tôn Nhị? Nếu Tôn Nhị là người của Lý Thừa Ngân, vậy Hoàng hậu bị vu oan ư? Vậy ra bà ấy không sai người hành thích Lý Thừa Ngân, mà mọi chuyện đều là khổ nhục kế do chính Lý Thừa Ngân tự dàn dựng thôi sao? Lúc ở phường Minh Ngọc, cũng chính Tôn Nhị kéo đồng bọn đến bày trò vảy mực, hòng tách tôi và Lý Thừa Ngân ra khỏi Bệ hạ. Thì ra tất thảy những âm mưu này, cốt là để Lý Thừa Ngân khỏi liên can ư?

Rốt cuộc chàng đã làm gì? Rốt cuộc Lý Thừa Ngân đã làm những gì…

A Độ từ từ viết ra giấy, thuật lại từng chi tiết cho tôi nghe: Bữa đó, muội ấy canh bên ngoài phường Minh Ngọc, chợt cảm thấy có gì bất thường, liền bám theo Tôn Nhị, cốt để dò xét chân tướng sự việc. Không ngờ lại bị Tôn Nhị phát hiện, bọn tay chân dưới quyền Tôn Nhị đều là những kẻ võ công cao cường, một mình A Độ không thể đấu lại chúng. Thay vì giết A Độ, bọn chúng nhốt muội ấy vào một chỗ kín đáo. May thay, vài hôm sau Cố Kiếm đến cứu A Độ, sau đó dẫn muội ấy đến ngôi miếu hoang gặp tôi. A Độ gặng hỏi Cố Kiếm, vì sao lại đưa tôi đến trốn ở miếu hoang, bấy giờ mới hay, thì ra cả Cố Kiếm và Tôn Nhị đều do Lý Thừa Ngân sai khiến. Mà cũng chính Lý Thừa Ngân sai Cố Kiếm đến uy hiếp Bệ hạ, hòng khiến Bệ hạ tưởng có kẻ muốn ngăn cản người lật lại bản án cũ nhà họ Trần. Không ngờ tôi lại xông ra, tình nguyện làm con tin, thế là Cố Kiếm mới tương kế tựu kế toan dẫn tôi bỏ trốn.

Tôi không còn dám nghĩ, mà cũng không muốn nghĩ gì thêm nữa. Cứ nghĩ tới là cả người lại như rơi vào tiết đông rét buốt, lạnh toát, run rẩy từng hồi. Giờ đây, đối với tôi, Lý Thừa Ngân hoàn toàn là một người xa lạ, một người xa lạ đáng sợ, tôi chẳng bao giờ biết chàng đang toan tính những gì. Ba năm trước, chàng từng làm những chuyện khủng khiếp, ba năm sau chàng càng đáng sợ. Chàng giăng bẫy Cố Kiếm, phải chăng muốn giết người diệt khẩu? Rõ ràng Cố Kiếm còn là họ hàng với chàng, sư phụ từng giúp chàng làm bao nhiêu việc ác. Ngay cả A Độ mà Lý Thừa Ngân cũng không nương tay, phải chăng chàng muốn tôi không bao giờ biết được sự thật?

Tôi cảm thấy tim mình đã hóa băng, rốt cuộc, chàng đang làm gì? Lần đầu tiên trong đời, tôi thấy lòng dạ con người trên thế gian này thật nham hiểm, cõi Đông cung này thật hiểm ác, và Lý Thừa Ngân vô cùng đáng sợ.

Đáng sợ đến mức tôi phải run lên vì khiếp sợ.

Tôi và A Độ vẫn bị giam lỏng, nhưng giờ thì tôi phó mặc. Chốn Đông cung cô quạnh này chỉ có tôi và A Độ nương tựa lẫn nhau.

Nguyệt Nương đến thăm tôi mấy lần, tôi dặn tỷ ấy:

– Tỷ thân cô thế cô ở trong cung, nhớ phải cẩn thận.

Tình yêu của bậc đế vương, sao có thể bền lâu được? Hoàng thượng đưa tỷ ấy vào cung, cốt mượn tiếng hòng lật lại bản án cũ nhà họ Trần, chứ mỹ nhân trong cung nhiều vô kể, e là còn nhiều hơn cả Đông cung nữa. Cao Quý phi qua đời đột ngột, nghe người ta xì xào thì Cao Quý phi mất chỗ dựa, đâm bấn loạn đến nỗi nuốt vàng tự vẫn. Chuyện hậu cung truyền đến Đông cung lúc nào chẳng tức thì.

Tôi biết tình cảnh của Nguyệt Nương có phần tế nhị, đành rằng nhìn bề ngoài Hoàng thượng có vẻ hết mực ưu ái tỷ ấy, nhưng xét cho cùng thì Nguyệt Nương vẫn là gái xuất thân từ chốn thanh lâu. Giờ đây, những thế lực mới trong triều đang dần hình thành, Bệ hạ lại nạp thêm phi tử. Quần thần khuyên người nên sắc lập Hoàng hậu, song Bệ hạ còn chần chừ chưa quyết.

Nếu có Hoàng hậu mới, không biết liệu Nguyệt Nương có bị Hoàng hậu mới sinh lòng đố kị hay không? Vĩnh Nương từng kể chuyện Lan Phi đời triều trước, cũng chỉ vì xuất thân hèn kém mà bị Hoàng hậu hại chết. Thực lòng tôi không muốn Nguyệt Nương rơi vào thảm cảnh đó.

Nguyệt Nương nở nụ cười rạng rỡ, nói với tôi:

– Muội yên tâm, tỷ biết cách ứng phó mà.

Rồi Nguyệt Nương gảy cho tôi nghe một khúc nhạc.

“Thu về hái sen hồ Nam

Sen cao quá đầu

Cúi đầu bóc hạt sen

Hạt thanh tưởng nước”[1]

[1] Trích Tây Châu khúc, một bài dân ca tiêu biểu cho nghệ thuật dân ca của Nam Thiếu.

Tiếng hát Nguyệt Nương tha thiết êm đềm tựa giọt sương đọng trên lá sen long lanh. Giọng hát như một cơn gió vút qua tường cao vời vợi trong chốn thâm cung, gió lay xích đu đong đưa, bầu trời xanh gọi gió xôn xao, mây trôi lững lờ… Trên trời biếc có chú chim sải cánh bay mãi về phía tây, nó bay về Tây Lương, dẫu Tây Lương không có hồ sen đẹp như thế này, dẫu Tây Lương không có người đẹp hái sen… nhưng Tây Lương vẫn là quê hương của tôi…

Tôi nhớ những tháng ngày ở phường Minh Ngọc, dạo ấy tôi sống vui vẻ, vô tư biết mấy.

Tôi thở dài:

– Chẳng biết lúc nào tỷ mới lại hát cho muội nghe nữa nhỉ?

Nguyệt Nương nói:

– Lần sau tỷ lại đến thăm muội.

Tôi không lên tiếng, bởi lòng đã hạ quyết tâm phải về Tây Lương.

Vết thương của A Độ đã bình phục, chúng tôi có thể khởi hành được rồi.

Lý Thừa Ngân sai Bùi Chiếu chọn ra mấy người làm tùy tùng của tôi, trên danh nghĩa là bảo vệ, còn thực chất là để canh chừng. Đám người ấy canh giữ tôi không chút sơ hở, nếu tôi và A Độ cứ liều mình bỏ trốn, e là hơi khó. Thôi đành tùy cơ ứng biến vậy.

Ngày Thất tịch mùng bảy tháng bảy, đối với hoàng cung thì đây là ngày vui. Từ hơn nửa tháng trước, trong cung đã rục rịch đăng đèn, kết hoa, sắm thuyền, bày biện ngự uyển là bởi ngày mừng thọ Bệ hạ trùng với đêm Thất tịch. Bữa đó, yến được thết ở đảo Quỳnh Sơn giữa hồ Nam Uyển, lầu Đế Hoa và đình Thiên Lục trên đảo có không gian thoáng mát là nơi thích hợp để nghỉ ngơi dịp hè.

Lý Thừa Ngân nhập cung từ sáng sớm tinh mơ, tôi tới muộn hơn. Theo lệ, cứ vào dịp mừng thọ, Bệ hạ lại ban thưởng cho quần thần, nên trong điện Thừa Đức cũng thết yến. Còn tiệc ở hậu cung do Hiền phi, người mới được Bệ hạ sắc phong chủ trì, mọi việc được bố trí hết sức ổn thỏa. Tôi lên thuyền từ phía sau điện Cam Lộ, trên thuyền còn vẳng nghe có tiếng nhạc từ đôi bờ đưa về, thì ra Hiền phi đã bố trí những nghệ nhân hòa tấu sáo trúc đứng dưới bóng râm bên bờ hồ. Nước gợn sóng nhạc, phiêu bồng tựa cõi tiên.

Mặt trời ngả núi cũng là lúc yến tiệc chính thức bắt đầu, hồ Nam Uyển rợp bông trắng lá xanh, lớp lớp bông sen tinh khôi gối đầu lên nhau, chỉ là sen không có mùi hương. Hiền Phi sai người thả đèn hoa sen có kèm bánh thơm xuống hồ, bánh thơm cách ánh nến qua lớp đĩa đồng, hơi nóng dậy hương nồng nàn, hương theo gió bay xa, ngay cả cung tần, mỹ nữ hậu cung cũng không sánh được. Trên đình hóng mát ven hồ, bộ Nhạc dàn dựng khúc Lăng Ba[2], cung nữ xập xòe váy áo xanh biếc như những nàng tiên lá sen đang dập dìu trong điệu Lăng Ba. Ánh nến trên đình lung linh chảy tràn xuống sông nước dập dờn, hắt lên thứ ánh sáng lấp lánh tựa ngàn sao.

[2] Một vũ khúc nổi tiếng ở thời Đường.

Bệ hạ rất hài lòng với cách bài trí ở nơi đây, người khen Hiền phi linh hoạt, tinh tế, nhất là tiết mục đèn sen tỏa hương. Hiền phi mỉm cười thưa rằng:

– Chỉ tiếc đây không phải ý tưởng của thần thiếp, chuyện là thần thiếp hay cảm khái, hoa sen rất đẹp, chỉ tiếc là không có hương. Cung nữ A Mãn theo hầu thần thiếp vốn thông minh, nhanh nhạy, liền nghĩ cách, sai người làm loại đèn hoa sen này. Được Bệ hạ khen ngợi, âu cũng là phúc của A Mãn, thần thiếp xin được gọi A Mãn đến tạ ơn Bệ hạ.

Cô cung nữ tên A Mãn kia chỉ khoảng mười sáu, mười bảy tuổi, lúc ấy, cô ta khoan thai bước đến, uyển chuyển hành lễ với Bệ hạ. Khi cô nàng ngước nhìn lên khiến nhiều người không khỏi giật mình, cô A Mãn này xem ra còn thanh thoát, yêu kiều hơn cả Nguyệt Nương. Ai nấy đều nghĩ, cô nàng đẹp tựa búp sen. Bấy giờ Bệ hạ cũng sững sờ, chắc bởi vẻ mỹ miều của cô cung nữ. Sau đó, người thưởng cho A Mãn một đôi bình ngọc, một tráp trầm hương. Tôi cứ nghĩ Bệ hạ sẽ nạp A Mãn làm phi tử, không ngờ Bệ hạ lại hỏi Lý Thừa Ngân:

– Ngân Nhi, con thấy cung nữ này thế nào?

Lý Thừa Ngân ngồi đối diện tôi, trông chàng có vẻ uể oải, từ đầu đến giờ chưa hề lên tiếng. Nghe Bệ hạ nhắc tên mình, chàng mới đảo mắt nhìn lướt qua A Mãn rồi thưa một câu nhạt nhẽo:

– Cũng đẹp ạ.

Bệ Hạ nói:

– Bên con thiếu người hầu hạ, chi bằng gọi A Mãn đến Đông cung, ta sẽ sai Dịch đình lệnh chọn người khác giữ chức nữ quan bên chỗ Hiền Phi.

Lý Thừa Ngân thưa:

– Nhi thần đội ơn thiện chí của phụ hoàng, có điều nhi thần không thiếu người hầu hạ.

Thấy tôi nhấp nhổm, Bệ hạ liền hỏi:

– Thái tử phi có gì muốn nói?

Tôi bẩm:

– Bẩm phụ hoàng, điện hạ tính hay e thẹn, người ngượng không dám nhận. A Mãn xinh đẹp như vậy, điện hạ không cần, vậy kính xin phụ hoàng ban A Mãn cho con.

Bệ hạ cười khà khà, rồi chuẩn y.

Tôi biết Lý Thừa Ngân đang trừng trộ với mình, song tôi xem như không biết. Hiền phi dường như rất vui, ngay lập tức đã sai A Mãn đến hầu bên bàn tôi. Đêm khuya, tiệc tàn, lúc xuất cung, Hiền phi còn chuẩn bị xe ngựa chu đáo đưa tiễn A Mãn theo sau xe tôi.

Tiệc tùng trong cung khiến tôi mệt lử, nhất là phải đội trên đầu cả một bộ trâm cài nặng trịch. Xe chạy tròng trành lắc lư, như sắp gãy cổ đến nơi, tôi bèn gỡ bộ trâm cài đầu phiền phức xuống, rồi buông tiếng thở dài, thầm ước ao cuộc sống như thế này sẽ sớm chấm dứt.

Mãi xe mới dừng, rèm hé mở, thái giám soi đèn lồng đứng bên ngoài, kê ghế cho tôi bước xuống. Tôi vừa cúi người, Lý Thừa Ngân đã nhảy phắt xuống ngựa, hằm hằm lao về phía tôi, vung chân đá ghế chiếc. Đám thái giám giật thót mình, lùi về phía sau, quỳ sụp xuống.

Tôi không khỏi tò mò hỏi:

– Chàng làm trò gì thế?

Chàng vươn tay, lôi tôi từ trong xe ra ngoài như diều hâu quắp gà con.

A Độ định xông lên cứu tôi nhưng bị Bùi Chiếu chặn lại. Lý Thừa Ngân xốc tôi lên vai, còn tôi thì mắng chửi chàng như tát nước. Bấy giờ A Độ đã đụng tay đụng chân với Bùi Chiếu, thân thủ của Bùi Chiếu rất cao siêu, nhất thời A Độ chưa thể dứt ra ngay được. Tôi vùng vằng mắng chửi cắn cấu Lý Thừa Ngân, rồi nhéo cật lực vào eo chàng. Ngọc trắng khảm trên thắt lưng rụng không sót chiếc nào, song chàng vẫn vác tôi lao thẳng vào điện Lệ Chính.

Phịch!

Đầu tôi đập vào chiếc gối sứ, đau điếng người! Lý Thừa Ngân quẳng tôi lên giường như quẳng một bao gạo. Tôi chồm dậy, chàng đưa tay đẩy tôi ngã xuống giường. Mấy tháng chưa đánh nhau, quả nhiên chân tay bớt linh hoạt đi ít nhiều. Hai chúng tôi chỉ còn thiếu đập cả tòa điện này nữa. Nội thị đứng ngoài cửa thụt thò ngó ra ngó vào, bị Lý Thừa Ngân quẳng bình hoa suýt trúng người, gã sợ hãi, vội rụt lại, không quên cài then cửa. Quần nhau một trận làm tôi thở không ra hơi, cuối cùng tôi mệt lử, nằm im, chẳng buồn nhúc nhích. Tôi không còn vùng vằng nữa, Lý Thừa Ngân cũng ôn tồn hơn.

Chàng ôm tôi từ phía sau, hình như chàng rất thích ôm tôi như thế này. Tôi gối đầu lên cánh tay chàng, có cảm giác cồm cộm.

Hẳn chàng cũng mệt lắm rồi, hơi thở phả vào gáy tôi tê tê. Chàng thì thầm điều gì đó, đại khái đang dỗ ngon dỗ ngọt hòng lừa tôi.

Tôi không hé môi nói nửa lời.

Một lúc lâu sau không thấy chàng nói gì, tôi mới lén ngoái lại nhìn, thì ra chàng đã ngủ rồi.

Tôi giơ tay ấn mi mắt chàng, chàng ngủ say, nằm bất động, không nhúc nhích.

Tôi rón rén bò dậy, trước tiên mặc áo váy tử tế, sau đó mở cửa sổ. A Độ lẳng lặng tiến vào, đưa tôi một chiếc kéo.

Tôi ngồi dưới đèn, bắt đầu cắt tỉa móng tay cho kỹ càng.

Tôi thận trọng tránh để hơi thở của mình thổi bạt đống bột trắng dính dưới móng tay.

Loại thuốc mê của Đại Thực này quả nhiên hiệu nghiệm, tôi chỉ cào xước cánh tay Lý Thừa Ngân có một chút mà giờ chàng đã lăn ra ngủ.

Cắt móng tay xong xuôi, tôi rửa tay sạch sẽ, kiểm tra thuốc mê không bị sót lại rồi mới thay bộ quần áo màu đen.

A Độ đưa đao cho tôi. Thấy Lý Thừa Ngân đang say ngủ, tôi chỉ muốn kề đao vào cổ chàng, cứa nhẹ một cái và tất cả thù hận sẽ tan thành mây khói.

Chàng ngủ không yên giấc, tuy ngấm thuốc mê, song chân mày vẫn hơi cau lại, mí mắt giật giật, dường như đang mơ. Tôi kề nhẹ lưỡi đao sắc bén, lạnh ngắt vào cổ chàng, chàng không hề hay biết, chỉ cần tôi hơi dùng sức một chút thôi, cổ họng chàng sẽ bị cứa rách.

Khóe môi chàng khẽ giật, hình như chàng đang mơ một giấc mơ đau khổ đến tột cùng. Tôi xích thanh đao từng chút, từng chút lại gần chàng, lưỡi đao cứa trên da thịt, rướm một tia máu mảnh như sợi chỉ, chỉ cần mạnh tay một chút nữa thôi… Dường như trong mơ chàng cũng cảm nhận được cơn đau này, cơ mặt bắt đầu giần giật, ngón tay khẽ run lên như muốn chụp nắm thứ gì. Có lẽ chàng đang kêu la, gào thét, nhưng những tiếng phát ra chỉ khe khẽ, đến mức tôi gần như chẳng nghe rõ.

Tay tôi khẽ run lên, thanh đao tuột khỏi tay đáp xuống sàn gạch đánh “keng”. A Độ tưởng Lý Thừa Ngân đã tỉnh, liền hớt hải xông đến. Còn tôi thì hai tay bưng mặt.

Cuối cùng tôi đã nhớ ra, nhớ khi rơi xuống sông Quên, chàng theo tôi nhảy xuống. Chàng đã ôm tôi vào lòng. Gió đưa chúng tôi lao xuống mỗi lúc một nhanh…. Chàng ôm tôi giữa vòng gió xoáy… Nhiều lần toan chụp mỏm đá, nhưng chúng tôi rơi quá nhanh, đá vụn lả tả rơi cùng tôi và chàng, như làn mưa sa…. Giống buổi tối nọ ở ven sông, vô vàn đom đóm cất cánh vút bay từ ống tay áo, dường như có cơn mưa sao rực rỡ, soi tỏ khuôn mặt chàng và tôi… Giữa đất trời bao la, đôi mắt chàng vẫn đắm đuối nhìn vào mắt tôi…

Biết bao lần cảnh ấy lặp lại trong mơ, giấc mơ nối tiếp giấc mơ, song chẳng bao giờ ngờ, người đó lại là chàng.

Đến khi nhớ lại chuyện ba năm trước, tôi vẫn không thể nào nhớ ra, tiếng gió vờn bên tai cùng lời chàng nói.

Thì ra chỉ một câu này: “Ta và nàng cùng quên.”

Nước sông Quên xanh biếc, lạnh buốt ùa đến bủa giăng chúng tôi. Tôi thoi thóp thở giữa dòng chảy, xộc vào miệng là làn nước giá lạnh. Chàng nhảy xuống túm lấy tôi, chỉ để nói với tôi một câu như thế.

“Ta và nàng cùng quên.”

Tất thảy những khó khăn, gian nguy, thì ra chàng cũng biết, chàng cũng thấy mình có lỗi với tôi.

Trên bờ vực con sông Quên, chàng đã không chút do dự nhảy xuống theo tôi, thực ra chàng cũng như tôi, muốn quên đi tất cả.

Chàng cũng hiểu, Cố Tiểu Ngũ đã chết rồi, chúng tôi đã chết dưới đáy sông Quên.

Chúng tôi như cô hồn dã quỷ, chúng tôi chưa từng sống lại. Tôi bám víu lấy ba năm quên lãng, sống tạm bợ qua ngày, còn chàng, chàng gạt phăng tất cả quá khứ chỉ bằng ba năm quên lãng.

Trên thế gian này, ai gian truân hơn ai?

Trên thế gian này, lãng quên luôn hạnh phúc hơn khắc ghi.

A Độ nhặt thanh đao lên, chuyển đến tay tôi.

Vậy mà tôi không đủ dũng khí để giết chàng.

Tôi ngắm nhìn khuôn mặt ấy, dù trong mơ mà chàng cũng lộ rõ vẻ đau đớn. Tiểu hoàng tử mà chàng từng kể đã sống đáng thương như thế nào, cho đến ngày hôm nay, chàng vẫn mang vẻ đáng thương ấy. Giữa chốn Đông cung này chẳng có lấy một người thân, chàng vẫn cô đơn, lẻ loi tồn tại giữa cõi đời này, cô đơn, lẻ loi tiến đến ngôi vị Hoàng đế. Tất cả những yêu thương, những tình nồng, những cảm thông và trân trọng, chàng đều bỏ lại trên con đường phải đi. Biết đâu, quên lãng đối với chàng lại là sự trừng phạt hữu ích hơn cả, chàng vĩnh viễn không bao giờ biết, tôi từng yêu chàng biết bao.

Tôi kéo A Độ bỏ trốn.

Thoạt đầu, Lý Thừa Ngân để Bùi Chiếu bố trí hơn mười cao thủ theo sát tôi, nhưng vì tối nay tôi và Lý Thừa Ngân gây gổ, tình hình có vẻ căng thẳng, đám người đó biết điều lánh đi. Tôi và A Độ thuận lợi ra khỏi điện Lệ Chính.

Đối với tôi, lẻn ra khỏi Đông cung chỉ là chuyện cơm bữa, huống hồ lần này, chúng tôi đã lên kế hoạch từ rất lâu. Không những thuộc lòng lịch tuần tra của Vũ lâm quân, mà còn nhân lúc tháng sáu trời nóng nực, nội thị trong Đông cung thường luân phiên đổi ca, lúc ấy chúng tôi sẽ mở một cánh cửa phụ để lách ra ngoài. Tôi và A Độ lẩn tránh suốt dọc đường, men theo bờ tường, luồn lách qua mấy lối rẽ, lúc sắp đến cánh cửa nhỏ kia, bỗng A Độ kéo giật tôi lại.

Tôi thấy Vĩnh Nương đứng ở đó, trên tay cầm đèn lồng, thỉnh thoảng bà ấy lại đảo mắt nhìn xung quanh, như đang chờ ai đó.

Tôi và A Độ núp sau một khóm trúc xanh, một hồi lâu sau mà Vĩnh Nương vẫn còn đứng đó.

Tôi kéo tay áo A Độ, A Độ hiểu ý, liền từ từ tuốt đao, rón chân tiến lại gần Vĩnh Nương.

Vĩnh Nương chợt buông tiếng thở dài rồi chống đầu gối ngồi xuống.

A Độ quay sống đao, điểm huyệt Vĩnh Nương, cả cơ thể bà ấy tức khắc trở nên cứng đờ, không còn động đậy được nữa.

Tôi vươn tay, ôm cơ thể cứng ngắc của Vĩnh Nương vào lòng, thì thầm:

– Vĩnh Nương ơi, ta đi đây, ta sẽ nhớ bà lắm.

Ở Đông cung này, chỉ có mình Vĩnh Nương với A Độ là hết mực quan tâm tới tôi.

Khóe môi Vĩnh Nương hơi nhích lên, huyệt câm cũng bị điểm, bà ấy không tài nào thốt ra tiếng. Tôi siết chặt vòng tay, mới nhận ra trước ngực bà ấy phồng lên, cồm cộm chọc vào người hơi đau. Không biết là thứ gì, tôi liền rút ra xem, hóa ra là một bọc vàng. Vĩnh Nương vẫn chăm chăm nhìn tôi, mắt rơm rớm. Tôi thấy mũi mình cay xè, chợt hiểu, thì ra bà ấy đang đợi mình.

Bà ấy cũng chuẩn bị cho tôi bọc vàng này.

Tôi không biết nên nói gì. Trước kia bà ấy luôn ép tôi đọc sách, ép tôi học phép tắc, ép tôi làm cái này làm cái nọ, ép tôi lấy lòng Lý Thừa Ngân…

Cho nên lúc vạch kế hoạch chạy trốn, tôi đã đề cao cảnh giác với bà ấy.

Không ngờ bà ấy đã sớm nhận ra, nhưng không hề bẩm báo với Lý Thừa Ngân. Nếu bà ấy bẩm báo Lý Thừa Ngân thật, chúng tôi sẽ mãi mãi chẳng bao giờ trốn thoát.

Ở Đông cung này, thì ra cũng có người tử tế, thật lòng với tôi.

A Độ kéo tay áo tôi, tôi biết càng nấn ná càng dễ bị người ta phát hiện. Tôi nén dòng nước mắt, ôm Vĩnh Nương thật chặt, rồi kéo A Độ, lẳng lặng đi qua cánh cửa phụ.

Cánh cửa này vốn dành cho người hầu, đằng sau cánh cửa có một con hẻm nhỏ. Chúng tôi đi qua hẻm, luồn lách qua nhà dân, tạt ngang con phố chợ Đông, đi mãi tới khi tờ mờ sáng, mới chui tọt vào quán rượu của Mễ La.

Mễ La đang đợi chúng tôi. Tỷ ấy thì thầm:

– Cổng thành phía Tây thế nào cũng bị kiểm tra gắt gao, chỉ e không dễ ra khỏi thành. Hôm nay có một đội buôn nhân sâm người Cao Ly đang chuẩn bị lên đường rời thành, đáng lẽ bọn họ đi về hướng đông bắc, nhưng tỷ đưa tiền cho tay dẫn đoàn rồi, hai muội sẽ theo họ rời thành. Thân hình đám người Cao Ly ấy thấp bé, còi cọc, bọn muội đứng chen ở giữa cũng không khiến người khác nghi ngờ đâu.

Mễ La đã chuẩn bị sẵn cho chúng tôi y phục của người Cao Ly, thậm chí có cả mũ và râu giả. Chúng tôi rục rịch hóa trang, thay quần áo, dán râu, sau cùng đội mũ theo kiểu Cao Ly. Lúc soi gương đồng, quả nhiên giống hệt hai gã dân buôn Cao Ly nhỏ thó.

Trời hửng sáng, trên phố dần đông người qua lại, quán trọ cũng dậy tiếng ồn ào, cửa hàng bên cạnh gỡ ván lát, bà chủ bên đó đang rửa mặt, ông chủ phốp pháp ngáp dài một cái, nói đãi bôi với Mễ La. Đám người Cao Ly vừa xuống lầu, họ nói bằng chất giọng Cao Ly vừa nhanh vừa xoắn xít. Kể từ lúc đại tướng quân Bùi Huống bình định Cao Ly, vấn đề thông thương giữa Trung Nguyên và Cao Ly càng trở nên nhộn nhịp, chung quy dân buôn thường hám lợi, bao nhiêu của ngon vật lạ ở Trung Nguyên đã trở thành thứ thường ngày không thể thiếu đối với người Cao Ly.

Chúng tôi cùng đám thương nhân người Cao Ly lấy bánh ăn sáng, sau đó thu vén hành trang chuẩn bị lên đường. Đội buôn này có khoảng trăm con ngựa thồ nhân sâm và dược liệu từ Cao Ly đến, sau đó lại mua tơ tằm và lá chè ở Trung Nguyên để trở về Cao Ly. Ngựa cột trong sân chờ chất hàng, hòm xiểng lần lượt được bốc lên lưng ngựa. Đàn ngựa thắt chuông đồng ở cổ rung leng keng chen lẫn thứ tiếng Cao Ly nói như cãi nhau, ồn ào, om sòm.

Tôi và A Độ mỗi người một ngựa, trà trộn vào đoàn người, theo bọn họ rời thành. Lính canh cổng kiểm soát vô cùng gắt gao, có người kể với chúng tôi rằng một tên tội phạm vừa trốn khỏi thiên lao nên chín cổng thành phải tăng cường kiểm tra, gắt gao nhất chính là cổng thành phía Tây. Nghe nói quân lính sẽ kiểm tra, rà soát tất cả những ai ra khỏi thành tây vào ngày hôm nay, chỉ cần có vẻ khả nghi là lập tức bắt giữ, rồi đưa về nha môn. Tôi và A Độ nơm nớp lo sợ, những tội phạm bỏ trốn mà họ nói kia, rất có thể chính là tôi và A Độ.

Ai ai cũng bị vặn hỏi nên những người xếp hàng đợi mỗi lúc một đông trước cổng thành. Tôi sốt ruột chờ đợi, bao lâu sau mới đến lượt chúng tôi. Tay hiệu úy[3] giữ thành kiểm tra giấy tờ thông hành thật cẩn thận, sau khi đếm số người, gã chau mày hỏi:

[3] Một chức quan võ thời xưa.

– Sao lại thừa ra hai người?

Gã người Cao Ly dẫn đoàn khoa chân múa tay một hồi, bập bõm vài câu tiếng Trung Nguyên mới giải thích cho lính gác cổng hiểu. Chuyện là bọn họ gặp hai người đồng hương ở Thượng Kinh, trước lúc đánh nhau đã cư ngụ ở Thượng Kinh, giờ nghe nói chiến sự ổn định rồi, muốn trở về cố hương.

Gã đó bảo:

– Không được, trên giấy thông hành ghi mười bốn người là mười bốn người, không được phép thừa ra dù chỉ một người.

Đột nhiên tôi tinh ý, trỏ vào tôi và A Độ, bắt chước chất giọng Trung Nguyên trọ trẹ của dân Cao Ly, nói:

– Hai húng ôi ở nại, cho các chậu đi (Hai chúng tôi ở lại, cho các cậu đi).

Gã hiệu úy dò xét chúng tôi một lúc, ngẫm ngợi, đoạn trả giấy thông hành cho trưởng đoàn, sau đó trỏ vào hai người Cao Ly đứng sau tôi, nói:

– Hai người này ở lại. Những người khác có thể đi.

Gã trưởng đoàn người Cao Ly khua chân múa tay, rối rít van nài lính gác thành, nói nếu đi thì cả đoàn phải cùng đi. Tôi cũng xin hộ mấy câu, chúng tôi nhao nhao nói thứ tiếng Trung Nguyên ngọng líu ngọng lô, khiến gã gác cổng bực bội nói:

– Có đi không nào, hay ở lại cả lũ với nhau?

Nhưng chúng tôi nào có chịu buông xuôi, cả nhóm vây quanh lính gác cổng, đua nhau nói. Bấy giờ, hàng người xếp phía sau càng lúc càng dài, nhiều người sốt ruột nhao nhao la ó. Trước đây, triều đình và Cao Ly từng xung đột trong nhiều năm, người Trung Nguyên vốn đã có thành kiến với Cao Ly, nay càng thêm phần khinh miệt, họ chê người Cao Ly bát nháo không có phép tắc.

Đám dân buôn Cao Ly tức tím tái mặt mày, chực lao vào đánh nhau. Tay hiệu úy thấy tình hình căng thẳng, sợ lớn chuyện, lại thêm phần lo đám người đứng ở cổng càng lúc càng đông, gã vội khoát tay:

– Hai đứa Cao Ly ta vừa điểm mặt không được phép rời thành, còn lại, mau đuổi những kẻ khác ra ngoài!

Cả đám người lẫn đàn ngựa thồ bị đuổi khỏi cổng thành, hai gã thương nhân người Cao Ly kia đành chịu nán lại trong thành. Trong lòng tôi áy náy vô cùng, gã trưởng đoàn lén giật tay áo, đoạn chìa tay với tôi.

Tôi chưa kịp hiểu ý, gã đã vân vê chòm râu, cười nói bằng thứ tiếng Trung Nguyên ngọng líu ngọng lô:

– Ưa chiền đây! (Đưa tiền đây!)

Tôi sửng sốt:

– Mễ La chẳng đưa tiền cho ông rồi còn gì?

Gã trưởng đoàn người Cao Ly cười giảo hoạt:

– Hai người, ong ành, chêm chiền! (Hai người ở trong thành, thêm tiền.)

Tôi nhớ hai gã cùng đoàn bị giữ lại trong thành, liền bảo A Độ đưa cho gã một thỏi vàng.

Kể từ lúc đó, tôi thấy hối hận vì sự hào phóng của mình.

Mắt gã Cao Ly như phát sáng khi thấy thỏi vàng. Suốt đường đi, gã luôn kiếm cớ vòi vĩnh, nào là ăn cơm bọn tôi trả tiền, rồi thì ở trọ bọn tôi cũng phải móc hầu bao, suốt cả ngày, hễ mở miệng là lại thét giá. Tuy tôi chậm hiểu nhưng ba năm nay, hầu như ngày nào tôi cũng long nhong dạo khắp các phố phường Thượng Kinh với A Độ, tôi thừa biết giá cả thế nào. Bình thường, chỉ cần hai lá vàng là có thể mua một căn nhà rồi, đằng này bọn Cao Ly kia ăn mỗi bữa cơm thôi mà cũng đòi tôi một lá vàng, chúng vòi vĩnh chẳng khác nào coi tôi là kẻ tiêu tiền như nước. Tôi thầm nhủ, đằng nào cũng là tiền của Lý Thừa Ngân, tôi vung tay một chút cũng không xót ruột. Huồng hồ, bạn chúng còn đang bị giữ chân trong thành, thôi thì để chúng ăn chặn một chút cũng chẳng đáng bao nhiêu, tôi đành giả vờ mình mù mờ giá cả. Tuy lũ Cao Ly ấy tham lam vô độ, nhưng sống cũng cơ cực lắm, hàng ngày trời chưa sáng rõ đã phải thức dậy, rồi đến tối muộn mới được nghỉ chân. Ngày nào cũng rong ruổi suốt tám, chín khắc, ba năm rồi, bây giờ tôi mới có dịp ngồi lâu trên lưng ngựa đến thế. Ngựa lắc lư khiến xương cốt đau ê ẩm, tối đến vừa dừng chân trong quán trọ, đầu chạm gối là tôi ngủ ngay tức thì.

Đêm nay, tôi đang ngủ ngon thì A Độ chợt lay tôi dậy. Muội ấy lăm lăm thanh đao trên tay, trong bóng tối, hai mắt mở to. Tôi cuồng cuồng bật dậy, thì thào hỏi:

– Người của Lý Thừa Ngân tìm đến à?

A Độ lắc đầu. Cũng chẳng rõ muội ấy không biết, hay không đoán ra.

Chúng tôi nín lặng chờ đợi trong bóng tối, bỗng một tiếng “xẹt” vang lên, nếu không tinh ý, chắc cũng chẳng nghe thấy. Rồi một đoạn ống trúc nhỏ xíu chọc qua giấy dán cửa sổ, thò vào. A Độ và tôi đưa mắt nhìn nhau, đầu ống trúc chợt phun khói trắng, tôi vừa hít đã cảm giác chân tay bủn rủn, thì ra thứ khói trắng ấy là thuốc mê. A Độ xông lên, dùng ngón tay cái bịt đầu ống trúc, giữ chặt một đằng rồi bất ngờ đẩy mạnh.

Ngoài kia khẽ vang lên tiếng rên rỉ rồi “rầm” một tiếng, dường như có thứ gì đó nặng lắm vừa chạm đất. Đầu óc tôi choáng váng, A Độ mở cửa sổ, gió mát lạnh ùa vào giúp tôi tỉnh táo hơn. A Độ lấy nước cho tôi uống, lúc bấy giờ mới đỡ ngấm thuốc. A Độ mở cửa phòng, hóa ra là gã trưởng đoàn người Cao Ly đang nằm sóng soài ngoài hành lang. Gã bị ống trúc chứa thuốc mê chọc đúng huyệt đạo, miệng há hốc, ngồi bất động. A Độ cầm đao kề vào gáy gã, rồi quay sang nhìn tôi.

Tôi chỉ sợ bên trong có ẩn tình, liền nói với A Độ:

– Kéo hắn vào đây, tra hỏi trước đã.

A Độ lôi gã vào rồi đóng chặt cửa. Tôi đá cho gã một cú, hỏi:

– Ngươi là ai?

Gã vẫn tỏ ra bướng bỉnh:

– Ngươi muốn giết thì giết đi, đại trượng phu hành tẩu khắp giang hồ, đã sẩy tay, hà tất phải hỏi.

– Thì ra loại người đánh thuốc mê người khác, thủ đoạn hèn hạ như thế mà cũng được gọi là đại trượng phu hả?

Mặt gã trâng tráo, không biết thẹn là gì, gã hắng giọng nói:

– Vì lợi ích quyết không từ thủ đoạn!

Tôi nói:

– Giờ thì ngươi lỗ rồi nhé!

Gã còn định nói gì thêm nhưng A Độ đã rạch nhẹ một nhát lên đùi gã, máu tuôn xối xả. Gã kêu rống lên như lợn bị cắt tiết, hỏi gì cũng nói bằng hết. Thì ra thấy tôi hào phóng, gã Cao Ly này thèm thuồng nên nảy sinh ý đồ giết người cướp của. Gã định đánh thuốc mê tôi và A Độ, không ngờ vừa thổi được ít khói đã bị A Độ chọc ngược lại, điểm trúng huyệt đạo.

– Hóa ra là phường đạo tặc giả dạng thương nhân! – Tôi giơ chân đạp gã. – Nói mau! Rốt cuộc ngươi hại bao nhiêu người rồi hả?

Nước mắt giàn giụa, gã liên tục xin tha mạng. Gã nói gã đích thực là dân buôn, chẳng qua nhất thời nổi lòng tham, nên mới trót dại làm liều, chứ xưa nay chưa từng hại ai, nhà còn có mẹ già bảy mươi tuổi và đứa con nhỏ mới lên ba.

Phải chăng người đời ai cũng tham lam vô độ như gã? Gã Cao Ly này hám tiền tài, quan viên hám chức tước, còn Hoàng đế lúc nào cũng muốn mở mang lãnh thổ, vậy nên chiến tranh mới triền miên…

Xưa nay, chưa có ai được thỏa mãn.

Tôi sực nhớ tới Lý Thừa Ngân, từ khi chàng còn là tiểu hoàng tử, cũng phải lần từng bước mới tới được ngày hôm nay. Phụ hoàng lấy ngôi vua để cám dỗ chàng, vậy nên chàng cứ bước dần cho đến ngày hôm nay.

Mà tôi, tôi chỉ cần một người cùng tôi chăn cừu, thả ngựa trên mảnh đất Tây Lương. Ham muốn của tôi chỉ đơn sơ, giản dị vậy thôi, song cũng khó mà đạt được.

A Độ gõ nhẹ chuôi đao vào đầu gã, đầu gã vẹo sang một bên rồi lăn đùng ra ngất xỉu. Tôi và A Độ bịt miệng gã, trói dưới gầm bàn… A Độ ra hiệu hỏi tôi có nên trừ khử gã không, tôi lắc đầu:

– Gã không dám báo quan đâu, nói gì thì nói, tại gã có ý đồ giết người cướp của trước. Cứ trói gã ở đây đã, chúng ta không thể tiếp tục chung đường với gã được nữa, cũng đúng lúc phải rẽ về phía Tây.

Trời còn chưa sáng rõ, chúng tôi đã nhanh chóng rời quán trọ, tránh để lộ tung tích. Đi được một lúc, mặt trời mới mọc. Đến chiều, chúng tôi tạt vào chợ bán ngựa và đổi sang một cỗ xe bò. Tôi và A Độ cải trang thành nông dân và phụ nữ nông thôn, thong dong tiến về hướng tây.

Tất nhiên vẫn có binh mã đuổi theo, nhiều lúc bị cả đội quân từ phía sau bắt kịp, nhưng chúng trông chiếc xe bò tồi tàn của chúng tôi, liền phóng đi mất hút, không thèm liếc lấy một cái. Cứ qua một thành trì, tình hình kiểm soát lại càng thêm gắt gao, nhưng mấy lần tôi và A Độ không vào thành mà đi vòng qua đường làng. Cuộc hành trình đương nhiên nhiều cơ cực, cũng chẳng rõ đã đi được bao lâu, mãi mới đến được Ngọc Môn Quan.

Trước mắt là cửa ải hiểm yếu canh giữ giữa núi, lúc ấy tôi thấy phấn chấn hẳn lên.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện