Chương 21 Anh em sum họp

“Sự học là con đường gian nan bất tận,

Kẻ an phận chẳng thể thành bậc học giả;

Say sưa với niềm hoan lạc trước mắt,

Sẽ không có được hạnh phúc bền lâu.”

(Cách ngôn Sakya)

21.1

Năm 1260 - tức năm Thìn, Dương Thiết theo lịch Tạng (Canh Thìn) - tức năm đầu tiên niên hiệu Cảnh Định nhà Nam Tống - tức năm đầu tiên niên hiệu Trung Thống, Hốt Tất Liệt, Mông Cổ

Bát Tư Ba hai mươi sáu tuổi, Kháp Na hai mươi hai tuổi.

Lương Châu cách Yên Kinh hơn ba nghìn dặm, ngồi xe ngựa phải hai tháng mới tới nơi.

Suốt hai tháng trời, tôi chuyện trò giết thời gian với Kháp Na trên xe ngựa. Và lúc này, vẫn còn khoảng ba ngày nữa chúng tôi mới tới Yên Kinh.

- Cậu không biết hiện giờ ở Yên Kinh, quyền lực của Lâu Cát lớn đến mức nào đâu. Hốt Tất Liệt ban cho cậu ấy phủ Quốc sư, rộng gấp mười lần phủ đệ của các hộ dân thường. Cậu ấy mới hai mươi sáu tuổi nhưng các tăng nhân đáng tuổi cha chú cũng lũ lượt kéo đến Yên Kinh bái cậu ấy làm sư phụ. Phủ Quốc sư ngày nào cũng tấp nập, huyên náo. Tôi cứ băn khoăn, sao đột nhiên cậu ấy lại có nhiều bạn bè ở Yên Kinh đến thế?

Tôi chu mỏ bày tỏ nỗi bức xúc. Kể từ khi được phong làm quốc sư, Bát Tư Ba bận rộn tối tăm mặt mũi, ngày nào cũng mệt rã rời vì phải tiếp đón đám người thấy người sang bắt quàng làm họ, không có nhiều thời gian trò chuyện với tôi. Điều đó khiến tôi không vui chút nào.

Kháp Na tươi cười phấn chấn, gương mặt sáng bừng, thư thái khác lạ:

- Đại ca được Đại hãn nể trọng, bọn họ xúm lại lấy lòng huynh ấy cũng dễ hiểu mà. Nhưng em yên tâm, quyền lực và của cải chưa bao giờ là điều huynh ấy mong muốn, huynh ấy sẽ không bị lung lạc.

- Không chỉ đám người xa lạ đó, hai anh trai của cậu cũng từ Sakya đến nương náu trong phủ Quốc sư đấy. – Tôi giơ ngón chân lên nhẩm tính. – Mùa hè năm ngoái, anh hai Rinchen Gyaltsen và anh ba Yeshe Bernas của cậu đã khởi hành từ Sakya. Theo thư họ gửi cho Lâu Cát thì có thể họ sẽ đến Yên Kinh cùng thời gian với cậu. Lâu Cát muốn cậu về Yên Kinh là để gặp lại họ, anh em sum họp.

Bát Tư Ba có tất cả tám anh chị em, cậu ấy là con bà cả, cậu hai Rinchen Gyaltsen là con dì hai, cậu ba Yeshe Bernas là con dì năm, ba người sinh cùng năm, khác tháng. Dì tư chỉ sinh được ba cô con gái, không có con trai. Một năm trước khi Kháp Na chào đời, dì năm đã sinh thêm một cô con gái nữa. Sau khi Kháp Na ra đời, cha cậu bị dì hai hạ độc rồi qua đời.

Dì hai bị thả trôi sông vì tội sát hại chồng. Lên bốn tuổi, Rinchen Gyaltsen được giao cho dì ba nuôi dưỡng, năm mười hai tuổi, xuống tóc đi tu, hiện là cao tăng chủ trì luật pháp của phái Sakya. Các bậc đại đức của Sakya gửi thư cho Bát Tư Ba đều nhận xét rằng, những năm qua, Rinchen Gyaltsen đã trưởng thành và chín chắn trong mọi sự. Đại sư Shakya Zangpo hiện giữ chức bản khâm của giáo phái dành nhiều lời khen ngợi và quả quyết cậu ấy là một nhân tài, với đầy đủ các tố chất để đảm nhiệm trọng trách lớn. So với cậu ba Yeshe thì cậu hai Rinchen thân thiết với Bát Tư Ba hơn. Những năm gần đây, thư từ qua lại giữa hai người ngày càng nhiều. Tuy không còn nhớ rõ hình dáng của người em này nhưng Bát Tư Ba ngày càng có cảm tình với cậu ấy.

Cậu ba Yeshe không xuất gia mà trở thành trợ thủ đắc lực của viên tổng quản Chongnari trong việc cai quản các điền trang lớn của giáo phái Sakya. Nghe nói cậu ta cũng rất tài ba, giỏi cưỡi ngựa, bắn cung, tinh thông thơ phú, có thể đọc thuộc bộ sử thi Đức vua Gelsall [1]. Ở nơi mà chín mươi chín phần trăm dân số mù chữ thì trình độ học vấn như của cậu ba Yeshe là rất đáng nể. Tuy không xuất gia nhưng vì sinh ra trong bối cảnh đặc biệt với sự gắn kết khăng khít giữa giáo phái và dòng họ nên những kiến thức về Phật giáo Hiển Tông, Mật Tông mà giáo phái Sakya được truyền bá rộng rãi, Yeshe đều thông tỏ, cậu được người dân xứ Sakya ngợi ca là “Phật sống”.

- Anh em sum họp ư? – Kháp Na cười buồn, cậu tựa lưng vào tấm đệm lông cừu mềm mại, vẻ mặt âu sầu. – Ta vừa chào đời đã không còn cha, lên bốn tuổi thì mất mẹ, sáu tuổi rời quê hương, mười ba tuổi bác ruột qua đời. Những người thân thiết nhất của ta giờ đây chỉ còn anh trai và em. Trong trí nhớ của ta, Sakya chỉ là những hồi ức hết sức mơ hồ. Thực lòng mà nói, ta không còn nhớ bất cứ điều gì về người anh thứ hai, thứ ba và bốn người chị gái đã lấy chồng, hiện đang sống ở Sakya. Nếu như gần đây không thường xuyên thư từ qua lại với họ, có lẽ ta chẳng nhớ nổi tên họ nữa.

Trước đây, tôi từng nghe Bát Tư Ba kể về gia đình phức tạp của cậu, về phương thức thừa kế đặc biệt của giáo phái Sakya, về việc cha cậu đã sắp xếp để những người vợ lẽ sống ở những nơi khác nhau, tránh mâu thuẫn, xung đột. Anh chị em cậu mỗi năm chỉ được gặp nhau một lần nên tình thân không khăng khít như những gia đình khác. Bát Tư Ba và Kháp Na lại xa quê từ nhỏ. Nếu Bát Tư Ba không trở thành người quyền quý, có lẽ những người anh em kia sẽ chẳng tốn công tốn sức, lặn lội đường sá xa xôi đến nương nhờ làm gì.

Chúng tôi đang trò chuyện thì nghe thấy tiếng vó ngựa áp sát xe ngựa. Ai đó chào hỏi người hầu cận của Kháp Na bằng tiếng Tạng:

- Anh bạn cho hỏi, ta thấy các vị ăn mặc rất giống người Tạng, có phải cũng là người Tạng không?

Kunga Zangpo trả lời:

- Dạ đúng, đây là xe ngựa của Phò mã Kháp Na Đa Cát, em trai quốc sư Bát Tư Ba. Các vị đến từ đất Tạng phải không?

Giọng nói của người kia bỗng trở nên hào sảng, hân hoan lạ thường:

- Ha ha, thật đúng là, người nhà ra ngõ tưởng người dưng, chẳng ngờ lại gặp nhau ở đây thế này!

Kháp Na băn khoăn vén rèm cửa ngó ra ngoài, thấy một người đàn ông cao lớn, vạm vỡ, vừa cười lớn vừa thúc ngựa tiến lên. Anh ta đội mũ lông cừu, mặc áo khoác lông cừu dệt thủ công, nước da sạm đen, thô ráp, gò má cao với hai đốm tròn đỏ nổi bật, vốn là nét đặc trưng của cư dân vùng núi tuyết, lông mày rậm, nếp nhăn chồng chéo nơi đuôi mắt, tuổi chừng ba mươi.

=== ====== ====== ====== ====== ====== ===

[1] Sử thi Đức vua Gelsall là bộ sử thi anh hung vĩ đại nhất, có lịch sử lâu đời nhất, cấu trúc đồ sộ nhất, nội dung phong phú nhất và được lưu truyền rộng rãi nhất của người Tây Tạng. Cuốn sử thi cung cấp cho chúng ta nguồn tư liệu quý báu về hình thái xã hội nguyên thủy. Đây là tác phẩm văn học thành công nhất về văn hóa Tạng nguyên thủy, hàm chứa giá trị học thuật, mỹ học và giá trị thưởng thức rất cao. Kể từ khi ra đời cho đến nay, cuốn sử thi này vẫn luôn được diễn tấu không ngừng, là cuốn sử thi “sống” duy nhất trên thế giới, nó cũng được xem là cuốn bách khoa toàn thư về xã hội Tạng nguyên thủy và được đánh giá là Sử thi Homer của phương Đông. (DG)

21.2

Người đàn ông cưỡi ngựa cất giọng gọi vang:

- Kháp Na!

Kháp Na vô cùng ngỡ ngàng:

- Huynh là…

Người đàn ông bật cười lớn hơn:

- Năm sáu tuổi đệ đã xa quê, chả trách không nhớ ta. Ta là anh ba Yeshe của đệ đây.

Không chờ Kháp Na đáp lời, người đó thúc ngựa quay lại thông báo với đoàn xe phía sau:

- Anh hai ơi, đoán xem chúng ta gặp ai nào, mau xuống ngựa đón em út!

Hai đoàn ngựa xe cùng dừng lại, tôi nhìn thấy người anh thứ hai của Kháp Na. Rinchen khoác áo khoác màu đỏ sẫm của tăng ni, trông cậu ấy thấp bé hơn những người anh em của mình rất nhiều và có vẻ yếu ớt. Có lẽ bởi cậu ấy xuất gia đã nhiều năm. Gương mặt cậu ấy hiền từ, thái độ hòa nhã, kiệm lời. Cũng giống như Yeshe, gò má cậu ấy hằn lên đốm cháy nắng sẫm đỏ, nước da đen sạm, thô ráp. Hai người đó hơn Kháp Na bốn tuổi nhưng nhìn họ, ai cũng cho rằng họ hơn Kháp Na chục tuổi.

Yeshe kéo Kháp Na tới cỗ xe ngựa ở phía sau, một người đàn ông trung niên bụng phệ, chừng hơn bốn mươi tuổi bước xuống, theo sau ông ta là một cô gái trẻ. Cô gái đội chiếc mũ lông cừu ngũ sắc, tóc tết thành nhiều lọn nhỏ. Trên mũ khoét một khe hở để những sợi tua rua theo đó rủ xuống. Cô gái khoác áo lông cừu mới tinh, màu đỏ chói, cổ đeo một chuỗi xen kẽ các hạt ngọc lam và hạt cườm đỏ cỡ lớn, chân xỏ giày cao cổ đỏ đen. Tuy dung mạo không xuất chúng nhưng cách ăn mặc màu mè, sặc sỡ khiến cô gái trở nên trẻ trung, hoạt bát, sinh động, khác thường.

Yeshe nhiệt tình giới thiệu:

- Em út à, đây là ngài Tsirenja, quan thiên hộ hầu [2] của vùng Lhatse. Còn đây là cô Dankhag, con gái ngài ấy. Biết bọn ta đến Yên Kinh, ngài ngỏ ý muốn đi cùng để được bái kiến Đại hãn Hốt Tất Liệt.

Nghe Yeshe giới thiệu về thân phận của Kháp Na, biết rằng cậu ấy mới là người em cùng một mẹ đẻ ra của Bát Tư Ba, còn là phò mã Mông Cổ, Tsirenja lập tức đổi thái độ, tỏ ra rất mực thân tình. Cô gái đứng sau lưng Tsirenja chốc chốc lại liếc trộm Kháp Na, hai má ửng đỏ.

- Anh cũng là người Tạng?

Kháp Na đặt một tay lên ngực, lịch sự cúi chào:

- Đúng vậy.

Dankhag đung đưa con mắt quan sát Kháp Na, niềm thích thú biểu lộ không giấu giếm:

- Anh rất đẹp trai, làn da trắng, gương mặt tuấn tú, tôi chưa từng gặp ai điển trai như anh. Nhưng mà người Tạng đâu thể trắng như anh được?

Kháp Na hết sức ngỡ ngàng, làn mi dài cụp xuống, né tránh ánh mắt rực lửa của Dankhag:

- Lên sáu tuổi tôi đã rời đất Tạng, cư trú ở Lương Châu đã lâu, nơi không bị ánh mặt trời thiêu đốt như quê mình, vì thế nước da có trắng hơn những người khác đôi chút.

Dankhag vỗ tay cười ha hả:

- Cũng phải. Chả trách xe ngựa của anh cầu kỳ hơn của chúng tôi, trang phục cũng tinh xảo hơn, anh lại ăn nói nho nhã, lịch duyệt, khác hẳn những người Tạng khác.

Tsirenja vắt tréo hai tay trước bụng, cười tít mắt với con gái:

- Dankhag à, không được vô lễ. Cậu Kháp Na đây là người có thân phận cao quý, nhóc con không được ứng xử bất nhã với cậu ấy như thế.

Rồi ông ta quay sang Kháp Na, cung kính cúi đầu:

- Xin Phò mã thông cảm.Ta chỉ có duy nhất đứa con gái này nên nó được nuông chiều, thành ra ngỗ ngược như thế đó.

Kháp Na vội đỡ ông ta, lễ phép thưa:

- Xin đại nhân chớ khách sáo, tiểu thư của ngài tính tình thẳng thắn, bộc trực, rất dễ thương.

Được Kháp Na khen ngợi, cặp mắt Dankhag vụt sáng, nhan sắc không mấy nổi bật của cô nàng bỗng trở nên rạng rỡ:

- Đừng gọi tôi là tiểu thư, cứ gọi là Dankhag được rồi.

Kháp Na miễn cưỡng cười đáp lễ. Tôi náu mình trong xe ngựa, quan sát biểu cảm của mấy người ngoài kia. Gương mặt hớn hở của Yeshe ngày một chùng xuống, nụ cười tắt dần. Dankhag càng thân mật với Kháp Na, cậu ta càng trầm lặng, rầu rĩ.

Còn ba ngày nữa mới đến Yên Kinh nên dĩ nhiên, Kháp Na sẽ đồng hành cùng những người này trên chặng đường còn lại. Xuất phát chưa được bao lâu, Dankhag kêu gào bị hỏng xe và đòi đi chung với Kháp Na, nhưng cậu đã từ chối vì lẽ nam nữ thụ thụ bất thân. Buổi tối tá túc trong nhà trọ, lúc ăn cơm, Dankhag nằng nặc đòi ngồi bên cạnh Kháp Na, bám riết lấy cậu hỏi đủ thứ trên trời dưới bể. Lúc đầu, vì giữ phép lịch sự, Kháp Na còn miễn cưỡng đáp lời, nhưng sau không chịu nổi, phải viện cớ đau đầu, xin phép về phòng nghỉ sớm.

Ngày hôm sau, Dankhag tấn công dữ dội hơn. Cứ có cơ hội là đôi mắt cô ả lại dán chặt vào Kháp Na, ánh mắt như muốn nuốt chửng cậu ấy lộ liễu đến mức không ai trong đoàn người không biết Dankhag đang say Kháp Na như điếu đổ. Tối hôm đó, Kháp Na phải kiếm cớ để không ăn tối cùng mọi người.

Núi đồi tịch lặng, trăng lạnh tỏa rạng, tôi và Kháp Na ngồi nhẩn nha trên bãi cỏ đã héo úa, cậu ấy nhọc nhằn gặm chiếc bánh bột mì thanh khoa thay cho buổi tối.

- Dankhag mê cậu rồi đó. – Tôi ngước nhìn những vì tinh tú dần xuất hiện trên bầu trời đêm bao la, quay sang trêu chọc Kháp Na. – Bao nhiêu cô gái thầm thương trộm nhớ cậu, nhưng chưa ai dám bộc bạch thẳng thắn như Dankhag.

Đêm đầu đông khá lạnh, chiếc bánh trong tay Kháp Na đã nguội ngắt tự khi nào, cậu ấy chau mày, buông tay:

- Đừng trêu chọc nữa, ta đang rầu rĩ vì chuyện này đây. Em không để ý thấy ánh mắt của anh ba như thể muốn ăn tươi nuốt sống ta à?

Mấy ngày gần đây, thái độ của Yeshe thay đổi chóng mặt, với Kháp Na thì nhăn nhó, khó chịu, còn với Dankhag thì rất mực ân cần, dịu dàng. Tôi phì cười:

- Anh ba của cậu cũng rất thẳng thắn, ai cũng thấy rõ cậu ấy muốn theo đuổi Dankhag.

Kháp Na dõi mắt trông lên bầu trời thăm thẳm:

- Anh hai nói với ta rằng, anh ba là người khá kén chọn, huynh ấy quyết tâm cưới một cô vợ con nhà quyền quý. Dankhag là con gái quan thiên hộ hầu, vùng Lhatse lại trù phú, giàu có hơn Sakya. Mấy năm nay, huynh ấy kiên trì chờ đợi đến ngày Dankhag đủ tuổi lấy chồng. Nhưng năm lần bảy lượt tới trang viên Lhatse xin cầu hôn, huynh ấy đều bị Tsirenja từ chối.

- Ông ta không ưng cậu ấy?

- E là vậy. Huynh ấy là con thứ, mẹ đẻ lại là người hầu, huynh ấy không được quyền kế nghiệp gia sản nên không được các gia đình quyền quý xem trọng. Nhưng huynh ấy chẳng cam lòng, thế nên tuy đã hai mươi sáu tuổi mà huynh ấy chưa chịu kết hôn.

Kháp Na quấn chặt chiếc áo da dê, hai tay đan vào nhau kê sau gáy, ngả người trên gò đồi, bàn tay hờ hững ngắt một gọng cỏ hiếm hoi trên bãi đất trống, bỏ vào miệng. Chúng tôi cùng nhau ngắm nhìn bầu trời ngàn sao lấp lánh.

- Anh ba đã ra sức thuyết phục Tsirenja cùng đi Yên Kinh đợt này. Có lẽ huynh ấy muốn ông ta chứng kiến địa vị cao quý của đại ca trong vương triều Hốt Tất Liệt. Nếu gia tộc của Tsirenja và giáo phái Sakya trở thành thông gia, ông ta có thể gây dựng mối quan hệ với thế lực của người Mông Cổ. Ông ta muốn nhân chuyến đi này, kiểm chứng xem Yeshe có xứng đáng làm con rể ông ta hay không.

=== ====== ====== ====== ====== ====== ===

[2] Thiên hộ hầu là một tước phong của thời cổ đại, có nghĩa là viên quan này được quyền trưng thu thuế của một nghìn hộ dân trên vùng đất do ông ta cai quản. (DG)

21.3

- Ông ta đúng là cáo già, ngoài mặt thì tươi cười với tất cả mọi người, nhưng trong lòng đã tính toán đâu ra đấy. Dankhag đeo bám cậu, ông ta chỉ mắng mỏ vài câu lấy lệ, còn để mặc cô ả tự do thể hiện. Xem ra, sau khi gặp cậu, ông ta đã quyết định bỏ rơi Yeshe, cậu mới là chàng rể lý tưởng của ông ta.

Tôi cào cào móng vuốt vào ngực áo cậu ấy, cố nhịn cười, hỏi:

- Hay cậu thử suy nghĩ xem.

- Tiểu Lam, ta không hề có ý nghĩ đó! – Kháp Na bật dậy, giọng nói đột ngột vút cao. Có lẽ nhận ra mình hơi thất lễ, cậu ấy vội lấy lại bình tĩnh. – Vả lại, không đời nào ta gây bất hòa với anh ba chỉ vì một cô gái xa lạ.

Định mở lời thì chợt nghe thấy tiếng bước chân đang đến gần, tôi vội vàng nhảy tót vào lòng Kháp Na, thì thào:

- Có người đến!

Dưới ánh trăng sáng như dát bạc, một thiếu nữ nhẹ nhàng bước tới. Đêm nay hình như Dankhag đã trang điểm rất kỹ. Đầu đội mũ lông cừu hình tròn, viền mũ màu tím nhạt, bông tai san hô và trân châu xâu thành chuỗi dài thả xuống hai vai, cô khoác áo da dê ngũ sắc, đeo thắt lưng bằng lụa đỏ. Trông cô giống hệt chú chim công đang xòe cánh trên sân khấu, rực rỡ đến chói mắt.

- Kháp Na, em đi tìm chàng khắp nơi, thị vệ của chàng bảo rằng, chàng đi dạo cùng với một con hồ ly. – Cô ấy bật cười khúc khích, nụ cười điệu đà, kiểu cách. – Thị vệ của chàng bảo rằng, chàng không thích bị quấy rầy khi đi dạo.

Kháp Na đứng lên chào hỏi, giọng nói lạnh lùng, khách sáo:

- Tiểu thư tìm ta có chuyện gì?

- Có chứ!

Cô ả bước lại gần Kháp Na, ánh mắt như lửa cháy chà xát trên người cậu ấy, hai tay đưa lên cao quá đầu, tạo hình những vũ điệu quyến rũ, sau đó vừa xoay như chong chóng vừa cất cao giọng hát:

“Miệt mài hát ca chờ trăng lên

Lòng hân hoan theo câu hát miên man

Này đây thắt lưng em buộc chặt

Không để vầng trăng bỏ cuộc chơi

Lời yêu còn chưa ngỏ cùng chàng.”

Không xinh đẹp nhưng Dankhag lại có giọng hát trời phú, bài tình ca quả thực rất lay động lòng người, lúc vút cao thanh thoát, khi lắng đọng, ngọt ngào. Vũ điệu tuy không mềm mại, uyển chuyển, lả lướt như các thiếu nữ người Hán, nhưng lại phóng khoáng, gợi cảm, quyến rũ. Vầng trăng vằng vặc treo trên cao, sức hấp dẫn tỏa ra từ các động tác vũ đạo của Dankhag khiến cho một người đã thưởng thức ca múa nhiều đến mức nhàm chán như Kháp Na cũng bị lôi cuốn đến ngây người.

Khi âm vang sau cùng của lời hát kết thúc, Dankhag xoay người điêu luyện, tạo dáng quỳ yểu điệu trước mặt Kháp Na. Cậu ấy vẫn còn đang chìm đắm trong lời ca, không nói năng chi, gương mặt lạnh lùng lúc trước đã ấm áp và thân thiện hơn rất nhiều. Dankhag cởi thắt lưng, hai tay trịnh trọng dâng đến trước mặt Kháp Na, nét mặt tràn đầy hy vọng:

- Kháp Na, chàng ơi, em và chàng trao đổi thắt lưng để tình ta bền chặt mãi mãi không xa rời nhé!

Kháp Na hoảng hốt, mặt mày biến sắc. Người Tạng vốn khá thoải mái trong chuyện tình cảm nam nữ, khác với người Hán, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Trai gái người Tạng chỉ cần vừa mắt, ưng bụng là trao đổi thắt lưng cho nhau và có thể quan hệ yêu đương mà không chịu sự ràng buộc của hôn ước. Kháp Na giật mình lùi lại vài bước, lắc đầu quầy quậy:

- Tiểu thư, không thể được, ta đã có vợ.

- Em đã tìm hiểu và biết rằng người vợ Mông Cổ của chàng hơn chàng những tám tuổi, hai người không hợp nhau.

Khóe môi treo một nụ cười đầy ẩn ý, Dankhag từ từ đứng dậy, chiếc áo khoác buông xuống ngang eo, ánh trăng mơn man trên bộ ngực căng tràn sức sống của cô. Kháp Na đỏ mặt, hấp tấp quay người đi. Dankhag lao tới siết chặt eo Kháp Na, áp người vào lưng cậu ấy, kiễng chân ghì môi vào cổ cậu ấy, hôn nồng nhiệt, giọng nói như mê đi:

- Chàng ơi, chàng hãy yêu em đi!

Kháp Na giận tái mặt, ra sức vùng thoát, trốn tránh như tránh tà:

- Xin tiểu thư hãy tự trọng! Đừng ép ta phải coi thường cô!

Bất chấp giá rét của đêm mùa đông, Dankhag vẫn để mình trần lao vào Kháp Na. Sau khi bị từ chối lần thứ hai, cô ả bực tức túm lấy cánh tay Kháp Na:

- Chàng lớn lên ở Trung Nguyên nên nhiễm tính hủ hậu của người Hán mất rồi! Người Tạng chúng ta chỉ cần ưng ai là có thể vào rừng cùng người đó, chuyện đó có gì ghê gớm đâu. Chàng có còn là người Tạng nữa không?

Gương mặt đỏ như gấc chín vì xấu hổ của Kháp Na dần chuyển sáng màu tía của cơn thịnh nộ đang dâng lên ngùn ngụt, cậu hất tay Dankhag ra khỏi người mình:

- Đối với cô chuyện đó không có gì ghê gớm, nhưng đối với ta lại hết sức thiêng liêng, điều này chẳng liên quan gì đến việc ta có là người Tạng hay không!

Không muốn nấn ná, đôi co thêm, Kháp Na sải bước rời khỏi đó. Dankhag đuổi theo nhưng không theo kịp, tức tối gào lên ở phía sau:

- Dankhag này xin thề với Phật Tổ, dù phải chịu đày đọa nơi lục đạo luân hồi [3], ta cũng quyết lấy bằng được chàng!

Ánh trăng mờ dần, khí lạnh thấu xương, tiếng thét của Dankhag vang vọng giữa sơn cốc, tựa như âm thanh của loài quỷ ám đeo bám Kháp Na. Những năm tháng sau này tôi vẫn lạnh tim mỗi khi nhớ lại tiếng kêu như yểm vào số phận của Kháp Na thứ bùa chú đáng sợ trong đêm đó. Nó là khơi nguồn của một bi kịch thê thảm khác của cuộc đời cậu ấy.

~.~.~.~.~.~

- Ân sủng mà Hốt Tất Liệt dành cho Bát Tư Ba khó ai sánh bằng. Ông ban cho Bát Tư Ba vô số ngọc ngà, châu báu, ngay cả những người thân cận cũng nhờ có cậu ấy mà một bước lên mây. – Tôi xòe tay nhẩm tính. – Lấy ví dụ nhé, người hầu cận thân thiết nhất của Bát Tư Ba là Besangbo, vốn thuộc tộc người Nạp Tây, cư trú ở vùng Hoàng Trung, giới Cụ túc, sau đó tiếp tục đi theo chăm sóc khi cậu ấy đến Đại Đô. Hốt Tất Liệt vì trọng dụng Bát Tư Ba nên cũng yêu mến Besangbo, phong tước vạn hộ hầu cho cậu ta và ban cho gia tộc Nạp Tây của cậu ta toàn bộ đất đai thuộc vùng Hoàng Trung, Thanh Hải.

Chàng trai trẻ tươi cười:

- Một người làm quan, cả họ được nhờ! Thế nên những người anh em cùng cha khác mẹ của Bát Tư Ba lặn lội đến nương nhờ cậu ấy cũng là phải thôi.

Tôi lặng ngắm chiếc chuông gió leng kenh giữa cơn bão ào ạt ngoài cửa sổ, tâm tư chìm đắm trong những kỷ niệm xưa cũ, lúc ngẩng lên thì bắt gặp ánh mắt đợi chờ của chàng trai trẻ. Tôi thở dài, cất giọng não nề:

- Năm 1260 là một năm hết sức đặc biệt đối với cả Hốt Tất Liệt, Bát Tư Ba và Kháp Na.

Chàng trai trẻ gật gù:

- Theo tôi được biết thì vào năm này, Hốt Tất Liệt đã xưng đế, Bát Tư Ba được phong làm quốc sư, nhưng còn Kháp Na thì vì sao lại là năm đặc biệt?

Cơn đau ùa đến vò xé tâm can, tưởng như có thể giã nát tim tôi. Tôi cắn môi im lặng hồi lâu, một lúc sau mới ngẩng đầu, từng tiếng một thoát ra đầy khó khăn:

- Cuộc hôn nhân chính trị thứ hai.

=== ====== ====== ====== ====== ====== ===

[3] Lục đạo luân hồi: là sáu đường luân hồi (đầu thai chuyển kiếp) lên xuống liên tiếp của chúng sinh. Theo Phật giáo, chúng sinh tùy theo căn quả thiện ác mà được chuyển vào những kiếp sau: 1. Trời (tiên); 2. A-tu-la (thần); 3. Người; 4. Địa ngục; 5. Quỷ (ma đói); 6. Súc sinh (thú vật). (DG)

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện