Chương 34 Linh khí phản ngược
“Phẩm cách cao thượng của bậc tri giả sẽ được hiền nhân truyền tục;
Mùi thơm của gỗ đàn hương trên núi Moroje sẽ được gió ngàn đưa đến muôn nơi.”
(Cách ngôn Sakya)
34.1
Dường như ai đó đang thì thào bên tai tôi, tiếng nói nhẹ bẫng, mênh mang như vọng lại từ miền không gian xa lắc. Tôi muốn mở mắt những không sao nhấc nổi mí mắt nặng như chì của mình, chỉ cảm nhận được vài tia sáng mờ mờ ảo ảo và bóng hình mơ hồ như sương khói của ai đó. Muốn nhìn cho rõ, muốn giơ tay ra để chạm tới thì như thể vừa chạm tay vào bóng mình dưới mặt nước, chiếc bóng vỡ ra thành từng mảnh, cơn gió ào tới, bóng hình tan biến, không để lại dấu vết.
Không biết mất bao lâu tôi mới lấy lại được chút sức lực nhưng đầu óc vẫn nặng nề, quay cuồng, cử động được mí mắt nhưng không sao mở mắt nổi. Tôi nghe thấy tiếng mưa tí tách ngoài trời và tiếng gió nhè nhẹ, xào xạc, mùi nồng nồng, ẩm thấp của không khí ngày xuân lan tỏa trong không gian, xen giữa hương thơm thoang thoảng của mùi gỗ đàn hương còn vương vất đâu đây trong căn phòng.
- Vẫn chưa tỉnh sao? Xem ra cô đã tiêu hao quá nhiều linh khí. – Giọng phụ nữ quen thuộc, người đó ghé sát vào tai tôi, thở dài. – Thôi được, ta làm phúc thêm một lần nữa vậy!
Đầu ngón tay của người đó chạm nhẽ vào trán tôi, một luồng hơi ấm truyền vào ấn đường rồi lan tỏa khắp cơ thể tôi. Luồng chân khí ấy giúp tôi mở mắt, tôi nhận ra người phụ nữ ăn vận quý phái đang ngồi bên cạnh mình.
- Là cô ư, Khabi?
Tôi thốt lên kinh ngạc, gượng ngồi dậy, nhìn ngó xung quanh. Đó là căn phòng lạ lẫm, không có đồ dùng gì ngoài chiếc giường đơn sơ tôi đang nằm. Giọng tôi khô đắng:
- Sao tôi lại ở đây?
Khabi bình thản khép tay áo lại:
- Ta vừa bỏ tiền mua lại căn nhà này. Cô đừng lo, ở đây không có ai đâu.
Đầu tôi vẫn đau như búa bổ. Tôi khổ sở ôm đầu, nhăn nhó hỏi:
- Đã xảy ra chuyện gì?
Điều duy nhất tôi còn nhớ là Chân Kim đã bế tôi lên, sau đó thì sao? Chân Kim đã đi đâu? Vì sao Khabi lại xuất hiện?
- Ta đang muốn hỏi cô đây! – Cô ấy hầm hè một tiếng, vẻ mặt dữ dằn như viên quan đang xét xử phạm nhân. – Cô đã hứa không bao giờ để Chân Kim gặp lại cô kia mà!
Đầu tôi như muốn vỡ tung, tôi làu bàu:
- Chỉ là vô tình thôi mà!
Nếu tôi không kiệt sức thì đời nào Chân Kim bắt được tôi!
Khabi cau mày, trách móc:
- Cô xem, thật không ai như nó! Vợ sắp sinh đến nơi rồi mà nó mất dạng. Ta phải tra khảo mãi người hầu của nó mới chịu khai sự thật, rằng nó tình cờ gặp một cô gái tóc xanh trước cổng chùa Khánh Thọ rồi như bị trúng tà, nó ôm cô gái đó đến trốn biệt ở nhà riêng.
- Cậu ta đưa tôi về nhà riêng ư?
Tôi vỗ đầu mình, cố nhớ lại nhưng không nhớ ra bất cứ chi tiết nào, rồi bất giác sợ toát mồ hôi:
- Cậu ta chưa làm gì tôi đấy chứ?
Khabi cốc cho tôi một cái đau điếng, khịt mũi khinh bỉ:
- Cô nghĩ con trai ta tệ đến thế sao? Thường ngày nó chẳng biết trêu hoa ghẹo nguyệt, một lòng yêu vợ thương con. Lúc Khoát Khoát Chân mang bầu, nó cũng không hề ra ngoài tìm của lạ, chỉ riêng điểm này thôi, nó đã hơn đứt ông bố của nó rồi. Làm sao nó có thể ra tay với một cô gái đang hôn mê kia chứ! Nó càng yêu thích cô thì càng không bao giờ làm trò hạ lưu đó.
Cũng phải. Hốt Tất Liệt muốn Chân Kim kế thừa đại nghiệp không chỉ đơn thuần vì cậu ta là con của vợ cả. Trong số các hoàng tử thì Chân Kim là người chính trực, ngay thẳng, hòa nhã và kiêm nhường nhất. Bên cạnh đó, cậu ta lại chịu sự ảnh hưởng của Nho giáo từ nhỏ nên không giống các quý tộc Mông Cổ khác chỉ biết cung kiếm, khiên đao. Cậu ta rất được lòng các đại thần người Hán trong triều.
Khabi thở dài:
- Ta dùng phép ẩn thân lẻn vào phòng nó, thấy nó đang ngồi ngơ ngẩn ngắm nhìn cô, nụ cười rạng rỡ trên môi. Ta thật không ngờ nó say mê cô đến thế, niềm hạnh phúc hiển hiện trên gương mặt nó không gì có thể che giấu. Khi ấy, ta đã nghĩ, hay là cứ cho nó được thỏa nguyện.
Tôi hoảng hốt, nắm lấy tay áo cô ấy:
- Cô từng nói Chân Kim không thích hợp với tôi kia mà!
Hàng lông mày xinh đẹp xô lại, cô ấy gạt tay tôi ra, chuốt lại nếp nhàu trên tay áo:
- Tất nhiên là ta biết cô muốn gì. Cô không có chút tình cảm nào với con trai ta thì ta đâu thể để nó lún sâu vào mối tình này được.
Tôi chợt hiểu ra:
- Nên cô đã lén đưa tôi trốn khỏi nhà riêng của cậu ta?
- Ta làm sao mà ra mặt làm việc đó được! Nó mà biết chuyện, nó hận ta cả đời mất.
Khabi trừng mắt lườm tôi, ngón tay búp măng ngọc ngà của cô ấy gõ vào vết sẹo hình hoa sen trên trán tôi, cất giọng “mát me”:
- Ta sai tên hầu cận thân thiết của nó đến thông báo rằng Khoát Khoát Chân sắp sinh, Đại hãn và Hoàng hậu đang cho người tìm kiếm nó khắp nơi. Nó là đứa hiểu chuyện nên đã lập tức về cung. Nhưng trước khi đi, nó không quên căn dặn bọn đầy tớ phải trông chừng cô thật cẩn thận. Nếu cô tỉnh lại, phải khéo lẽo khuyên nhủ, chăm sóc, cơm nước cho cô đầy đủ nhưng tuyệt đối không được thả cô đi. Và còn dặn thêm rằng, nó sẽ về ngay.
Tôi hậm hực:
- Rõ ràng là cậu ta muốn năm thê bảy thiếp đây mà!
Nhác thấy ánh mắt hình mũi tên đang xoáy vào tôi, tôi vội vàng bịt miệng lại. Ai mà dám nói nửa câu không phải về cậu con trai yêu quý của cô ấy chứ!
- Sau khi nó đi khỏi, ta đã làm phép khiến những người trong phòng lịm đi, sau đó đưa cô đi khỏi. Ta bỏ tiền mua ngay căn nhà này để tạm gửi cô lại đây. Ta cũng không quên mượn danh cô, để lại cho nó một tờ giấy, ghi rằng: “Chúng ta không có duyên, xin Hoàng tử đừng nhọc lòng tìm kiếm.”
Cô ấy vừa kể lại chi tiết vừa lấy khăn chấm miệng, có vẻ khá đắc ý:
- Như thế nó sẽ nghĩ là cô không chịu ở lại, khiến đám người hầu bị hôn mê rồi lẳng lặng bỏ đi.
Được thôi, đó là cách ổn thỏa nhất. Tôi thở phào nhẹ nhõm, kéo chăn ra, định rời khỏi giường:
- Cảm ơn cô. Tôi phải về thôi. Mất tích cả đêm thế này, Bát Tư Ba chắc sẽ rất lo lắng.
Nào ngờ, cô nở một nụ cười đầy ẩn ý, thong thả nói:
- Bát Tư Ba biết cô đang ở đây.
Sao kia? Tôi muốn ra khỏi giường nhưng đầu óc choáng váng, lại ngã nhào trở lại. Cô ấy mỉm cười nham hiểm, tôi vừa thở dốc vừa nhìn cô ấy, dò xét.
Biết tôi đang rất thắc mắc và sốt ruột, nhưng cô ấy cố tình chuyển đề tài:
- Khoát Khoát Chân vừa sinh cho Chân Kim một thằng cu nữa, Chân Kim đặt tên cho nó là Đáp Lạt Ma Bát Lạt. Khoát Khoát Chân thật có phúc, mỗi năm sinh một đứa, lại toàn là con trai. Hốt Tất Liệt ưng nàng dâu này lắm.
Tự nhiên lại chuyển sang đề tài con dâu, tôi bực mình ngắt lời cô ấy:
- Cô nói đi chứ, vì sao Bát Tư Ba biết tôi ở đây? Cô đã làm gì?
Không nhịn được, cô ấy lại bật cười, vẻ đắc ý:
- Đêm qua, lúc Khoát Khoát Chân sinh xong là khoảng nửa đêm. Ta đã đi tìm và đưa Bát Tư Ba đến đây.
Tôi quên cả cơn chóng mặt, túm lấy tay áo Khabi:
- Sau đó thì sao?
- Sau đó, ta giúp cô một việc mà cô muốn làm nhất trong đời nhưng lại không dám. – Cô ấy vừa nhạo báng vừa trêu chọc tôi. – Ta nói rằng, hôm nay, lúc ở cổng chùa Khánh Thọ, vì muốn giúp cậu ta, cô đã sử dụng một trong số những phép thuật cấm kỵ nên giờ đây linh khí của cô bị phản ngược trở lại, cô sẽ phải chịu cơn đau đớn tột cùng, linh khí tiêu tan, trở lại nguyên hình, sau đó sẽ bị đày xuống địa ngục Vô gian, muôn kiếp không được đầu thai.
Tôi sợ hãi, vội biện bạch:
- Tôi có sử dụng phép thuật bị cấm nào đâu, sao linh khí có thể bị phản ngược được sao?
- Ta biết chứ, nhưng ta cứ muốn dọa cậu ta. Thấy cô hôn mê mãi không chịu tỉnh lại, cậu ta đã tin.
Cô ấy bật cười ha hả, chẳng còn đâu vẻ đoan trang, thùy mị lúc trước.
- Cậu ta rất sợ hãi, ta chưa từng thấy Bát Tư Ba mất bình tĩnh như thế bao giờ. Cậu ta lo lắng, cuống cuồng như kiến trên chảo nóng, gạn hỏi ta mãi làm thế nào để hóa giải. Cậu ta còn khảng khái bảo rằng sẽ là mọi thứ, kể cả phải đổi bằng tính mạng cũng không sao.
Tôi ngẩn ngơ, sống mũi cay sè, không ngờ trong lòng chàng, tôi lại quan trọng nhường vậy.
Khabi ghé vào tai tôi, thì thào:
- Ta đã nói với cậu ấy, cách duy nhất có thể hóa giải là phải nhờ vào tinh khí của đàn ông.
Phải mất một lúc lâu tôi mới hiểu ra ý đồ của Khabi, tôi bật dậy, mặt đỏ như gấc, chỉ tay nạt nộ:
- Cô... cô nói bậy! Sao chàng có thể... có thể...
34.2
Tôi không biết phải nói tiếp thế nào, trong lòng bộn bề lo sợ. Với tính cách của chàng, lần đầu tiên nghe thấy chuyện này, chắc chắn sẽ vô cùng khó xử và xấu hổ, chỉ e chàng sẽ lập tức bỏ trốn.
Cô ấy bắt tréo chân, chống hai tay lên giường, đung đưa, thủng thẳng:
- Vì ta muốn giúp cô. Với tính cách của cậu ta, cộng thêm thân phận nhà sư không cho phép cậu ta phá giới thì cô em có chờ đến mạt kiếp cũng không cải tạo được khúc gỗ ấy đâu. Ta làm thế là muốn tác thành cho hai người. Sau khi vượt qua chướng ngại này, cậu ta mới có thể thương yêu cô hết lòng được.
Tôi tròn mắt, không biết phải nói sao, đầu óc quay cuồng, rối bời. Khabi tủm tỉm cười, bước lại gần tôi:
- Nhưng mà, ta cũng đã đặt ra cho cậu ta một vài trở ngại. Chắc chắn rồi. Không lẽ để cậu ta có được cô dễ dàng vậy ư?
Tôi cứ ngây người đứng bên cửa sổ, mưa vẫn đang rơi, những hạt nước trong veo như ngọc lan trên trên lá biếc, từng giọt tí tách rơi. Tôi nghẹn ngào hỏi:
- Cô đã làm gì nữa thế?
Cô ấy cười rung rinh:
- Ta bảo cậu ấy rằng, nếu muốn cứu cô, phải đánh đổi mười năm tuổi thọ của mình để ngăn chặn luồng khí độc đang trỗi ngược trở lại trừng phạt cô.
Đầu tôi đau buốt đến nỗi tôi chỉ muốn tìm một khe hở nào đó và ấn nó vào:
- Vì sao cô lại nói vậy?
Khabi thôi cười, vẻ mặt nghiêm túc:
- Để kiểm chứng tình cảm của cậu ấy dành cho cô. Làm gì có người đàn ông nào bằng lòng đánh đổi mười năm tuổi thọ của mình chỉ để lấy một đêm ân ái? Nếu cậu ấy chỉ thèm khát cô, chắc chắn sẽ không nhận lời.
Tôi giật thót tim, quay lại nhìn Khabi:
- Vậy, chàng... chàng bảo sao?
- Không nói gì cả, chỉ ngồi bất động ngắm cô đường chìm trong giấc ngủ mê mệt.
Khabi xòe hai bàn tay, ra điều cô ấy cũng không biết gì hơn:
- Sao ta có thể ở lại trong tình huống ấy chứ? Sau khi nói xong, ta đã về cung, để cậu ấy ở lại với cô.
Tôi dõi mắt nhìn làn mưa loang loáng lướt qua khung cửa, ra sức kêu gọi trí nhớ. Nhưng dù đã cố gắng ghép những mảnh vụn, cũng không sao ghép nổi một khung cảnh hoàn chỉnh. Rốt cuộc... rốt cuộc... chàng có...
Do dự hồi lâu tôi mới ấp úng hỏi:
- Hôm nay, khi cô quay lại đây, có thấy...
Khabi nhún vai:
- Lúc ta đến thì không thấy ai cả. Cô vẫn nằm yên trên giường, quần áo vẫn gọn gàng, không hề suy suyển.
Tôi cúi xuống nhìn lại mình. Vẫn là bộ xiêm y mặc trong lễ hội Sitatapatra, không hề có chút cảm giác nào khác lạ. Nhưng nghĩ kỹ lại thì hình như có điều gì khang khác. Hay biết đâu, chỉ tại tôi suy nghĩ nhiều quá đó thôi!
Khabi lại tủm tỉm cười đầy ẩn ý:
- Thể chất của loài hồ ly không giống với người thường nên chúng ta sẽ không đau đớn, khổ sở như những phụ nữ khác trong lần đầu tiên ấy. Bởi vậy, nếu cô không có bất cứ ấn tượng nào thì đành phải đi hỏi cậu ấy vậy.
Tôi giật mình. Làm sao tôi có thể mở miệng hỏi chàng chuyện này kia chứ! Và làm sao chàng có thể trả lời thành thật về chuyện này kia chứ!
- Cô đừng quên rằng vẫn còn một khả năng nữa! – Khabi chưa bao giờ thôi khuyên khích tôi, cô ấy khẽ vỗ vào vai tôi. – Khả năng đó là, cậu ấy không làm gì cả, bỏ cô ở lại đây và ra về.
Tôi sững sờ! Đột nhiên trong lòng vô cùng trống trải. Nếu chàng bỏ rơi tôi, liệu tôi có nên oán trách chàng? Thân phận đặc biệt của chàng, cộng với lời đe dọa của Khabi hoàn toàn khiến chàng có đủ lý do để bỏ mặc tôi. Nhưng nếu chàng thật sự làm vậy, lẽ nào những nỗ lực của tôi trong suốt bao năm qua sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nữa?
Lo lắng cho cô con dâu vừa mới sinh, lo lắng cậu con trai sẽ hóa điên vì sự mất tích của tôi, sau khi kể rõ ngọn ngành, Khabi liền trở về hoàng cung. Một mình tôi giữa căn phòng trống trải, yên ắng, lặng nhìn cơn mưa rả rích ngoài cửa sổ, trong lòng ngổn ngang trăm mối. Ban ngày, chắc chắn chàng đang bận bịu chuẩn bị cho chuyến trở về Sakya sắp tới, dù có về phủ Quốc sư tôi cũng không tìm được chàng. Thế nên, mãi khi màn đêm buông xuống, tôi mới hóa phép trở lại hình dạng hồ ly, thất thiểu trở về phủ Quốc sư.
Phủ Quốc sư đèn đuốc sáng trưng, tất cả mọi người đều đang hối hả thu dọn đồ đạc. Xe ngựa của Kháp Na đỗ ở giữa sân, lúc này tôi mới sực nhớ, cậu ấy đã đến Trung Đô!
Rất nhiều người có mặt trong phòng Bát Tư Ba, chàng đang căn dặn Rinchen và đại đệ tử Drakpa Odzer. Chàng muốn hai người đó ở lại Trung Đô, đảm trách các công việc về Phật pháp trong hoàng cung và coi sóc việc xây chùa.
Kháp Na ngồi trên giường, tựa lưng vào gối, chân trái thu lại, một tay đặt lên đầu gối. Dáng vẻ thảnh thơi, vô tư lự của cậu ấy như thể muốn nói với mọi người rằng, cậu ấy không hề bận tâm đến mấy việc đó. Ánh nến rực rỡ chiếu rọi gương mặt gầy guộc của cậu ấy. Cậu ấy có vẻ mệt mỏi, chốc chốc lại nghiêng đầu ho khan. Ánh mắt dừng lại giữa không trung, vẻ mặt thâm trầm, lặng lẽ, không hiểu đang suy nghĩ chuyện gì.
Tôi nhảy lên giường, thấy tôi , Kháp Na vui mừng hớn hở, cậu ấy chìa tay ra định ôm tôi nhưng đột nhiên sắc mặt biến đổi, cậu ấy nghiêng đầu ho dữ dội. Vì có nhiều người ở đó nên tôi không dám lên tiếng, chỉ lo lắng, nhảy vào lòng cậu ấy. Bát Tư Ba quay ra, thấy tôi, sắc mặt chàng thay đổi một cách kỳ lạ. Lúc này tôi mới nhìn rõ gương mặt mệt mỏi của chàng, những sợi râu lún phún dưới cằm, ánh mắt sâu hun hút, phức tạp, khó đoán.
Dường như có điều gì khiến chàng mất tự nhiên nên chỉ một lát sau, chàng quay đi hướng khác. Kháp Na cũng rất lạ lùng, thường ngày cậu ấy rất thích được ôm tôi vào lòng nhưng lúc này, hình như cậu ấy không muốn chạm vào tôi nữa.
Tối hôm đó, căn phòng của Bát Tư Ba, người ra người vào nườm nượp. Kháp Na không về phủ Bạch Lan Vương mà nghỉ lại trong phòng anh trai. Mãi đến tận nửa đêm về sáng, khi chỉ còn lại ba người, tôi mới cất tiếng gọi:
- Kháp Na...
Kháp Na xoay lưng về phía tôi:
- Tiểu Lam, ta rất mệt.
Tôi quay sang Bát Tư Ba:
- Lâu Cát...
Giọng chàng nhè nhẹ cất lên:
- Ngủ thôi!
Tôi đành giữ lại trong lòng những điều muốn nói, lặng lẽ trở về chái nhà kế bên.
Đêm đó, tôi cứ trằn trọc suy nghĩ, không sao yên giấc. Tôi nghe thấy rõ tiếng trở mình liên hồi của hai anh em họ ở phòng bên cạnh, mãi cho đến khi trời sáng.
Trên điện Đại Minh, Hốt Tất Liệt ân cần hỏi han công việc chuẩn bị trở về Sakya của Bát Tư Ba, Nhà vua không giấu nổi sự lo lắng:
- Khi còn tại vị, Mông Kha Hãn chia đất Tạng thành những mảnh nhỏ, ban cho mấy người anh em của ta làm đất phong. Các giáo phái Phật giáo tại vùng đất phong đều nhận được chiếu thư và lệnh chỉ của Mông Kha Hãn, và một số giáo phái có quan hệ hết sức mật thiết với những người anh em của ta. Mông Kha Hãn đã chết nhưng nếu muốn các giáo phái nhất nhất nghe theo mệnh lệnh của quốc sư, e là không dễ. Rất có thể họ sẽ dùng chiếu thư của Mông Kha Hãn để gây khó dễ cho quốc sư.
Bát Tư Ba trầm tư suy ngẫm một lát rồi cúi đầu cung kính, thưa rằng:
- Xin Đại hãn hãy thảo một chiếu thư, ghi rõ: Đại hãn giao phó cho thần xử lý toàn bộ việc chính sự của đất Tạng, yêu cầu tăng nhân của các giáo phái phải tuân thủ pháp chỉ của thần. Như vậy, thần có thể danh chính ngôn thuận thống lĩnh toàn thể tăng chúng.
Hốt Tất Liệt gật đầu tán thưởng:
- Ý của quốc sư rất hợp ý ta. Ngoài việc ban chiếu thư, ta còn muốn lập ra Tổng chế viện để quản lý toàn bộ sự vụ liên quan đến Phật giáo và công việc chính sự của khu vực Tufan, và quốc sư sẽ là người đứng đầu cơ quan này. Như vậy, không một tăng nhân hay giáo phái nào dám chống đối quốc sư nữa!
Ẩn thân trên thanh xà ngang, tôi giật mình sửng sốt. Từ xưa đến nay, trở thành quốc sư của bậc đế vương là chức vị cao nhất mà một nhà sư có thể có được. Số tăng nhân được giao nhiệm vụ quản lý các công việc hành chính, chính sự lại càng ít ỏi. Thế nên Bát Tư Ba đã vô cùng xúc động, chàng khẩn thiết thưa rằng:
- Được Đại hãn trọng dụng như vậy, Bát Tư Ba xin thề sẽ cúc cung tận tụy, xả thân báo đáp.
34.3
Hốt Tất Liệt quay sang Kháp Na, lúc này vẫn đang cúi đầu lặng lẽ:
- Ngoài ra, ta sẽ ban kim ấn cho Bạch Lan Vương, lập nha sở [1] cho cậu ấy để cậu ấy cai quản toàn bộ khu vực Tufan.
Kháp Na ngước đôi mắt đỏ quạch lên, lập tức quỳ xuống, tâu rằng:
- Thưa Đại hãn, thần chưa từng tham gia quản lý, thần e mình không thể đảm đương trọng trách cai quản cả vùng Tufan rộng lớn ấy.
Hốt Tất Liệt bước đến, đỡ Kháp Na dậy, ôn tồn nói:
- Người Mông Cổ chúng ta có thông lệ cử các vương gia đi trấn giữ vùng biên cương trọng yếu để đảm bảo sự ổn định của quốc gia. Cậu là Bạch Lan Vương được đích thân ta sắc phong, lại là con rể của quý tộc Mông Cổ. Ta cử cậu đến đất Tạng chính là cử vương gia của mình trấn giữ vùng đất quan trọng, trên danh nghĩa, cậu là người đứng đầu của cả vùng Tufan. Như vậy, nếu có kẻ nào dám chống lại anh trai cậu, cậu có thể thay ta trừng trị kẻ đó. – Ngừng lại một lát, Đại hãn tiếp tục vỗ vai Kháp Na mà rằng. – Kháp Na, anh trai cậu trở về đất Tạng với trách nhiệm nặng nề, chắc chắn sẽ gặp phải sự cản trở quyết liệt của các giáo phái và thế lực chống đối ở đó. Cậu hãy trở thành cánh tay phải đắc lực của anh trai cậu!
Kháp Na gật đầu cả quyết, nhìn về phía Bát Tư Ba:
- Thưa Đại hãn, Kháp Na nhất định sẽ ghi lòng tạc dạ lời người! Kháp Na nguyện sát cánh bên đại ca, dù phải mất cả tính mạng cũng không từ nan!
Tuy gương mặt nhuốm vẻ mệt mỏi nhưng ánh mắt cậu ấy sáng lên vẻ kiên định lạ thường. Không hiểu sao, tôi cảm thấy ánh mắt Kháp Na nhìn anh trai mình rất phức tạp. Dường như những điều muốn nói, cậu ấy đều giấu trong đáy đôi mắt sâu hun hút ấy.
Trong suốt mười ngày tiếp theo, tôi không tìm được dịp nào để nói chuyện riêng với Bát Tư Ba. Ban ngày, chàng bận không hết việc, lúc nào cũng có rất nhiều người vây quanh chàng, buổi tối thì Kháp Na lại ngủ trong phòng chàng. Cậu ấy bảo rằng, đã hơn một năm rồi không sống trong phủ Bạch Lan Vương, vả lại cũng chẳng còn mấy ngày nữa là lên đường nên không muốn dỡ hành lý ra làm gì cho phiền phức.
Thế là, cho đến lúc xuất phát, tôi cũng không có cơ hội để hội Bát Tư Ba về chuyện đêm hôm đó. Nỗi băn khoăn, trăn trở cứ giày vò tâm can tôi.
Ngày mồng Một tháng Năm năm 1264, hai anh em Bát Tư Ba khởi hành về Sakya. Hôm đó, trời trong, gió mát, nắng mai rực rỡ, hoa mẫu đơn khoe sắc khắp ngoại thành Trung Đô. Hốt Tất Liệt vùng văn võ bá quan và vương tôn quý tộc ra tận cửa Sùng Thiên đưa tiễn Bát Tư Ba.
Người ta trải thảm đỏ dài mấy trăm mét đến tận cửa Sùng Thiền. Hốt Tất Liệt đứng trên bục cao, long trọng trao chiếu thư cho Bát Tư Ba. Bản chiếu thư do đích thân Hốt Tất Liệt soạn thảo, nền giấy màu xanh, chữ được đắp nổi bằng bột vàng, lụa trắng thêu lên trên và được phủ một lớp lưới goomg hàng nghìn hạt trân châu lớn nhỏ khác nhau. Người ta khâu san hô đỏ thành hình con dấu của Nhà vua. Bát Tư Ba trải rộng chiếu thư, dưới ánh nắng mặt trời, những viên trân châu lấp lánh tuyệt đẹp. Bức chiếu thư giá trị đến mức tất cả quan viên có mặt ở đó phải kinh ngạc không thốt nên lời.
Từ đó về sau, ban chiếu thư trân châu cho bậc đế sư trở thành thông lệ của các hoàng đế triều Nguyên. Niềm vinh dự lớn lao này trở thành tiêu chí để xác lập quyền lực và địa vị của phái Sakya ở Tây Tạng. Sử sách chép rằng: “Các bậc hoàng đế khi mới lên ngôi đều bố cáo thiên hạ, để mọi người được hay. Riêng đối với vùng Tây Phiên thì lập riêng một chiếu thư. Chiếu thư được viết trên nền giấy màu xanh, thêu sợi lụa trắng, phủ lưới đính trân châu, dùng san hô khâu thành con dấu. Cử sứ giả mang chiếu thư đến Tây Phiên, chiếu thư sẽ được treo tại nơi ở của đế sư.”
Đền Sakya vẫn còn lưu giữ khá nhiều chiếu thư trân châu, đáng tiếc là trải qua nhiều biến động của lịch sử, đến nay, các bản chiếu thư đã không còn. Người đời sau chỉ có thể hình dung sự cao quý và vinh dự tột cùng mà bản chiếu thư ấy mang lại thông qua những ghi chép của sử sách.
Tiếng tù và vang động cả nền trời xanh thẫm. Chiêng trống nổi lên rộng ràng, đoàn xe lần lượt diễu qua cổng thành nguy nga, tráng lệ. Vó ngựa lộc cộc, cỗ xe chầm chậm lăn bánh đưa hai anh em họ trở về miền núi cao tuyết phủ, trở về quê nhà xa xôi, nơi họ đã ly biệt nhiều năm.
Bát Tư Ba lặng lẽ ngồi trong xe ngựa, mắt nhìn phía trước, gương mặt khoan hòa, an nhiên. Kháp Na vén rèm cửa, ngó lại phía sau, bóng dáng Hốt Tất Liệt cùng các thần từ nhỏ dần rồi mất hút. Bầu trời trong xanh, trải muôn dặm không một gợn mây, ánh mắt của Kháp Na cũng trong vắt, không một vẩn đục như nền trời ấy. Làn gió nhẹ tháng Năm thoảng đưa hương hoa hòe ven đường, khe khẽ thổi bay mái tóc dài, đen óng ả của Kháp Na.
Tôi không bao giờ quên ánh mắt buồn xa xăm của Kháp Na trong khoảnh khắc ấy. Đó là lần cuối cùng trong đời, cậu ấy được ngắm nhìn bầu trời xanh của kinh thành.
~.~.~.~.~.~
Tôi xúc động nói:
- Tuy không được lưu giữ hoàn chỉnh cho đến ngày nay nhưng nội dung của của bức chiếu thư trân châu vô cùng quý giá ấy đã được ghi lại trong sách sử.
“Đây là thánh chỉ của Hoàng đế, các tăng nhân và dân chúng hay nghe cho rõ:
Chúng ta có được đời sống ấm no, viên mãn như ngày nay, tất cả đều nhờ vào đức độ và trí tuệ của Hoàng đế Thành Cát Tư Hãn. Người đời sau phải học lấy tấm gương của Người để tích lấy phúc đức. Hiểu rõ điều này, tức là chúng ta đã nhìn nhận một cách đúng đắn con đường mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã chỉ ra cho chúng sinh. Vậy nên, trẫm đã thuận theo chỉ ý của Phật Tổ, tiếp nhận lễ quán đỉnh nơi Thượng sư Bát Tư Ba – người thông tỏ mọi sự - và phong ngài làm quốc sư để ngài thống lĩnh tăng chúng trong thiên hạ. Thượng sư từng ban bố nhiều pháp chỉ về việc cúng bái Phật pháp, quản lý tăng chúng, giảng kinh, nghe thuyết pháp và tu tập. Tăng nhân trong cả nước không được phép làm trái các pháp chỉ của thượng sư. Người hiểu về giáo pháp hãy chuyên tâm giảng kinh, người trẻ tuổi, thành tâm kính Phật hãy chăm chỉ học đạo, người am hiểu giáo pháp nhưng không có khả năng thuyết giảng hãy miệt mài tu tập. Có như vậy, mời phù hợp với những điều răn dạy của Phật Tổ, mới thỏa ý nguyện cúng dường Tam bảo, làm tốt trách nhiệm của một tín đồ của trẫm.
Nếu các tăng nhân và tín đồ không miệt mài giảng kinh, nghe thuyết pháp và tu tập thì Phật pháp sao có thể phát triển? Phật Tổ từng dạy rằng: “Giáo pháp của ta giống như Chúa tể của rừng xanh, nội lực mạnh mẽ vô song, kẻ địch bên ngoài chẳng thể xâm phạm, phá hoại.” Trẫm ngự trên con đường thông tới các ngã của đời sống, đối với những người nghiêm chỉnh tuân thủ thánh chỉ, những tăng nhân thấu suốt các giáo pháp thì bất luận người đó ở giáo phái nào, cũng sẽ được trẫm trọng dụng. Và như vậy, đối với những tăng nhân này, dù là quân quan, quân nhân, quan giữ thành, đạt lỗ hoa xích [2] hay sứ giả mang kim bài cũng không được phép ức hiếp, không được bắt bớ họ đi sai dịch, không được trưng thu thuế má, để họ có thể yên tâm thực hiện các giáo pháp của đức Thích Ca Mâu Ni, tạo phúc cho thiên hạ của trẫm. Trẫm cũng sẽ ban thánh chỉ để những người này thu nhận và lưu giữ. Sứ giả mang kim bài không được phép vào sống trong Phật điện và tịnh xá của sư sải, cũng không được tùy tiện đòi hỏi lương thực ở những nơi này, không được bắt bớ sư tăng đi lao dịch. Không được phép chiếm dụng, thu giữ hay mua bán đất đai, nguồn nước của nhà chùa. Các tăng nhân cũng không được lạm dụng thánh chỉ mà làm trái với giáo luật của Đức Thích Ca Mâu Ni.
Chiếu thư này được thảo vào ngày mồng Một tháng Năm, năm Tý, tại Trung Đô.”
=== ====== ====== ====== ====== ====== ===
[1] Chỉ nơi làm việc của cơ quan nhà nước thời xưa. (DG)
[2] Chức quan đứng đầu, giám sát các quan lại, quân đội và nha phủ địa phương, được lập ra vào triều Nguyên, Mông Cổ. (DG)
--- ----- HẾT TẬP 1 --- -----