Chương 59 Cái ác đền tội
“Người hiền làm quan,
Muôn người bình an;
Tri thức mở mang,
Nơi nơi giàu sang.”
(Cách ngôn Sakya)
59.1
Tháng Giêng năm đó, Bát Tư Ba tổ chức một pháp hội lớn ở Rinmo, Chumig, với sự tham gia của đông đảo tăng nhân khắt đất Tạng. Đây là pháp hội cuối cùng của Bát Tư Ba. Chàng viết thư yêu cầu Kunga Zangpo đưa Dharma tới tham dự và thông báo rằng, chàng sẽ tuyên bố với mọi người ở Wusi về quyền thừa kế của Dharma.
Đó là một sự kiện vô cùng trọng đại nên sau khi cân nhắc kĩ lưỡng, Kunga Zangpo quyết định đồng ý. Hắn không đưa Dharma về Sakya mà một ngày trước khi diễn ra pháp hội, hắn đưa thằng bé đến thẳng Chumig. Con cáo già Kunga Zangpo không tới tham dự mà cử ba ngàn võ tăng hộ tống vợ, con gái và Dharma đến Rinmo. Đội hộ vệ hùng hậu ấy khiến các giáo phái khác đều cho rằng Bát Tư Ba đang muốn “giễu võ giương oai”, phô trương thanh thế.
Mãi đến buổi tối trước ngày khai mạc pháp hội, tức đêm tháng Giêng năm 1277, tôi mới được gặp cậu con trai mà tôi ngày đêm thương nhớ.
Zhouma dắt theo chú nhóc đến phòng nghỉ của Bát Tư Ba, để hai bác cháu nhận nhau. Chiếc áo tăng ni màu đỏ sẫm rộng rãi ôm lấy thân hình bé nhỏ, gầy gò của thằng bé. Nó đã mười tuổi rồi nhưng trông thấp bé như trẻ mới lên bảy, lên tám. Gương mặt tuy còn non nớt nhưng các đường nét đều giống hệt Kháp Na, đôi mắt long lanh như sóng nước, lấp lánh như sao mai, hai vết sạm đỏ nổi bật trên đôi gò má. Nếu thằng nhóc không cạo trọc đầu và vận y phục của người tu hành thì trông thằng bé chẳng khác nào một bé gái xinh xắn.
Bát Tư Ba bảo Zhouma lánh mặt rồi đưa mắt ra hiệu cho tôi. Tôi lảo đảo lại gần con trai. Thằng nhóc mỉm cười với tôi, đôi má lúm đồng tiền lấp ló bên khóe môi chúm chím, giống Kháp Na hồi nhỏ như hai giọt nước vậy. Thằng nhóc cúi chào tôi, rất mực lễ phép, chỉn chu:
- Chào cô, cháu tên Dharmapala, cô cứ gọi cháu là Dharma cũng được. Cô là ai?
Nước mắt tràn mi, đầu óc tôi quay cuồng, sao mà giống đến vậy. Hồi tám tuổi, khi lần đầu gặp tôi, Kháp Na cũng nói y như vậy:
- Chào em, tên ta là Kháp Na Đa Cát, em có thể gọi ta là Kháp Na, như anh trai ta vậy.
Tôi run rẩy ngồi xuống trước mặt thằng bé, nghẹn ngào không thốt lên lời, ôm con trai vào lòng. Nó mới nhỏ bé, gầy guộc làm sao? Làn da sạm đen, sắc mặt yếu ớt, tình trạng sức khỏe của thằng bé khiến lòng tôi đau như cắt. Giọng nói trong veo như nước suối vang lên bên tai tôi:
- Cô ơi, cô làm sao thế?
Tôi thổn thức:
- Ta... ta là...
Tôi ngắm nhìn thằng bé, muốn nói mà không sao thốt ra lời, đành cúi đầu, nuốt lệ, nói:
- Con hãy gọi ta là dì Lam.
Ánh mắt buồn thương u uẩn của Bát Tư Ba dõi theo chúng tôi từ nãy đến giờ, sau khi nghe những lời này của tôi, chàng thở dài ảo não.
Trong ngày pháp hội ở Chumig, thằng bé khoác áo cà sa màu đỏ sẫm, ngồi khoanh chân trên tòa thuyết phép rộng lớn. Vẻ mặt điềm tĩnh, pháp tướng trang nghiêm, cất giọng rành rọt, thuyết giảng kinh Hỷ Kim Cang tục đệ nhị phẩm. Nước mắt tôi cứ thế trào ra, năm xưa, khi ngài Ban Trí Đạt tổ chức pháp hội, Bát Tư Ba mới lên chín, cũng thuyết giảng cuốn kinh này.
Giọng nói trong trẻo, thanh thoát của thằng bé lanh lảnh cất lên, thu hút sự chú ý của đông đảo người nghe. Những người trước đó tỏ ra xem thường, khinh bỉ giờ thì càng lúc càng gật đầu tấm tắc. Cảnh tượng này giống hệt ba mươi năm về trước. Cũng là đứa trẻ còn non nớt ấy, cũng là trí tuệ vượt trội ấy, trong thoáng chốc, hình ảnh của Bát Tư Ba và Dharma hòa quyện vào nhau, khiến tôi như đắm chìm trong ảo giác mơ hồ. Thì ra, người nay đã khác xưa, đang từng ngày già cỗi, thời gian như bóng câu qua thềm, tháng năm như giấc mộng thoáng qua.
Pháp hội lần này diễn ra trong vòng mười bốn ngày, phân nửa số tăng nhân đất Tạng đã đến tham dự. Chỉ riêng các nhà sư đã hơn bảy mươi nghìn người, nếu tính cả đám đông quần chúng, có lẽ phải tới hơn một trăm nghìn người. Ở một nơi mà dân số toàn vùng chỉ chừng sáu trăm nghìn người như đất Tạng thì buổi pháp hội lần này có thể nói là đông đảo chưa từng có. Bát Tư Ba thết đãi hơn vạn nhà sư một bữa cơm thịnh soạn, tặng cho mỗi vị một đồng tiền vàng và một bộ tam y [1], dù rất yếu, chàng vẫn đăng đàn thuyết pháp. Bát Tư Ba đã hiến tặng cho lần pháp hội này hàng nghìn lạng vàng, bạc nén và vô số lụa là, gấm vóc, lúc mì, dầu bơ...
Thái tử Chân Kim được xem là vị khách tôn quý nhất của pháp hội, đại diện cho Hốt Tất Liệt, ban tặng cho mỗi vị tăng nhân ba đồng tiền vàng. Kể từ khi Mông Cổ cai trị đất Tạng đến nay, chưa từng có một vương gia Mông Cổ nào đến vùng đất xa xôi này. Bởi vậy, sự có mặt của Chân Kim, với tư cách là nhà thống trị tương lai của đế quốc Mông Cổ, mang lại niềm vinh dự khôn tả cho các tăng sĩ đất Tạng. Mọi người đều hết lời ca tụng công đức của Chân Kim.
Vào ngày cuối cùng diễn ra pháp hội, Bát Tư Ba đã tuyên bố trước đông đảo quần chúng vùng Wusi rằng, cháu trai của chàng, Dharma sẽ là người kế thừa pháp thống của giáo phái và gia tộc họ Khon. Chú bé loắt choắt khoác lên mình chiếc áo cà sa thêu kim tuyến lấp lánh, lộng lẫy, đội mũ ngũ sắc rộng thênh thang, ngồi xếp bằng trên đài sen, thần thái trang nghiêm, đĩnh đạc khi tiếp nhận nghi lễ vái lạy tôn vinh của tín đồ và quần chúng.
Tôi nhìn thấy rất rõ ràng, ánh mắt hình mũi tên chĩa thẳng vào Dharma từ một góc khuất trong Phật điện. Đó là ánh mắt của Dani.
Cũng trong ngày hôm đó, khi mà Kunga Zangpo đang hả hê vì tin rằng mọi thứ vẫn nằm trong vòng kiểm soát của hắn, rằng một người đau yếu, bệnh tình nguy kịch như Bát Tư Ba chẳng thể làm gì được hắn thì Senge đã dẫn theo bảy mươi nghìn quân Mông Cổ, đột ngột ập vào Khanochang. Sau khi theo Bát Tư Ba vào cung bái kiến Hốt Tất Liệt, tài năng, trí tuệ của Senge lập tức thuyết phục được Nhà vua và lúc này Senge đang giữ cương vị là sứ giả của Tổng chế viện. Hốt Tất Liệt lệnh cho cậu ta dẫn theo bảy mươi nghìn quân Mông Cổ tiến vào đất Tạng, trợ giúp Bát Tư Ba tiêu diệt tên gian tặc Kunga Zangpo.
Dù tường bao của trang viên Khanochang có kiên cố cỡ nào, cũng không thể chống lại sức công phá mãnh liệt của hỏa pháo Mông Cổ. Võ tăng của Khanochang có đông đảo chừng nào, cũng không thể địch nổi sức mạnh vô địch của kỵ binh Mông Cổ. Do vậy, chưa đầy một ngày, cuộc chiến đã kết thúc. Binh linh của Senge tóm được Kunga Zangpo ở cửa phía đông khi trang viên Khanochang khi hắn vờ cải trang thành Dugong để bỏ trốn. Quân lính đã bắt trói hắn và đám người ủng hộ hắn, giải tất cả về Sakya.
- Kunga Zangpo, ngươi nói đi, ta và Kháp Na đối đãi với ngươi thế nào?
Bát Tư Ba gượng ngồi dậy, gương mặt chàng tái xám vì ốm yếu, bệnh tật nhưng vẫn trừng trừng nhìn Kunga Zangpo đang quỳ mọp dưới đất.
Đám áo quần trên người Kunga Zangpo xô lệch, nhàu nhĩ, trên gương mặt hắn xuất hiện nhiều vết thương, một bên má sưng húp. Hắn không dám nhìn thẳng vào Bát Tư Ba mà cúi sát đầu xuống đất, lí nhí đáp:
- Công ơn của pháp vương và cậu chủ Kháp Na đối với tôi vô cùng to lớn. Dù tôi có phải chết ngàn vạn lần cũng không báo đáp được ơn nghĩa của hai vị!
Đôi mắt Bát Tư Ba vằn vện những tia đỏ, chàng run lên vì giận dữ, trỏ thẳng vào mặt Kunga Zangpo:
- Vậy thì vì sao ngươi giết hại Kháp Na?
Kunga Zangpo vừa gào khóc thảm thiết vừa ra sức đập đầu xuống đất, máu tươi túa ra trên trán hắn:
- Tôi đâu có muốn! Sao tôi có thể đang tâm hãm hại cậu chủ? Cậu ấy là người tốt với tôi nhất trên đời này! Tôi thật sự không muốn làm việc đó! Tôi có một người vợ hiền, một đứa con ngoan, tôi muốn được sống yên ổn lắm chứ! Nhưng Chung Dorje và Yeshe đã ép buộc tôi. Nếu tôi không nhận lời, bọn chúng sẽ phơi bày thân phận thật sự của tôi, tôi sẽ mất tất cả, con gái tôi từ thân phận cô chủ sẽ trở thành nô lệ. Tôi không thể không vì mẹ con họ.
=== ====== ====== ====== ====== ====== ===
[1] Tam y là áo cà sa các nhà sư mặc khi tham dự pháp hội.
59.2
Tôi ngồi yên bên Bát Tư Ba từ nãy giờ, không nhẫn nhịn nổi, lên tiếng:
- Nên ngươi đã vong ân bội nghĩa, gây ra việc tàn ác trời không dung đất không tha ấy!
Hắn nhìn tôi, hoang mang lo sợ, không dám cự lại, chỉ cúi đầu giảo biện:
- Kể từ ngày cậu chủ ra đi, không đêm nào tôi được yên giấc, những cơn ác mộng hành hạ, giày vò tôi hằng đêm. Tôi sống đến bây giờ cũng chỉ để chuộc tội mà thôi. Mấy năm qua, trên cương vị bản khâm, tôi đã lao động, cống hiến rất cần mẫn, chăm chỉ, hết mình vì giáo phái. Trong suốt thời gian xây dựng công trình đền Nam Sakya, tôi đã giám sát đêm ngày để không xảy ra bất cứ sai sót nào. Nhờ vậy mà chỉ trong vòng sáu năm, tôi đã hoàn thành công trình Phật điện đồ sộ, nguy nga như hiện nay. Tôi còn giúp giáo phái chiếm cả vùng Ali rộng lớn, nâng phạm vi cai quản của Sakya lên gấp đôi so với trước đó. Toàn bộ số đất đai này đều thuộc quyền sở hữu của phái Sakya, tôi không hề tư lợi.
Hắn rất khéo ăn khéo nói, khéo thuyết phục, hai mắt đỏ hoe, dập đầu thành khẩn.
- Tôi có tội với cậu chủ, tôi biết rằng dù tôi có làm gì cũng không thể chuộc được tội lỗi của mình nên mấy năm qua, tôi đã chăm chút cho Thế tử từng li từng tí, yêu thương hơn cả con ruột của mình, không để cậu bé phải chịu bất cứ thiệt thòi nào. Từ lúc ra đời, Thế tử đã rất yếu, lại thường xuyên đau ốm. Mỗi lần Thế tử ngã bệnh, tôi đều thức trắng đêm, tận tâm chăm lo, săn sóc. Thực lòng mà nói, nếu tôi và Zhouma không hết lòng chăm sóc, phục dịch thì với sức khỏe yếu ớt của Thế tử, e là khó chống chọi được với số mệnh.
Những gì hắn nói đều là sự thực, nhưng dù vậy cũng không thể chuộc được tội lỗi của hắn. Gương mặt trắng bệch của Bát Tư Ba phủ một màn sương ảm đạm.
- Nhưng ngươi đã giết người diệt khẩu, tàn sát toàn bộ phái Drikung.
Kunga Zangpo ngẩng lên, ánh mắt phẫn uất, nghiến răng nghiến lợi rủa xả:
- Tôi căm thù Chung Dorje. Chính hắn đã hủy hoại cuộc đời tôi! Tờ giấy bán thân còn nằm trong tay hắn thì tôi sẽ bị hắn điều khiển cả đời. Tôi dẫn theo võ tăng Sakya tấn công Drikung, mục đích là để ép hắn giao nộp tờ giấy đó, cũng là để trả thù cho cậu chủ Kháp Na. Tôi không định giết hại nhiều người, nhưng lão tặc Chung Dorje vô cùng gian ngoan, xảo quyệt, hắn muốn chống cự đến cùng. Cuộc chiến nào cũng gây thương tổn, đã làm thì phải làm triệt để, tôi mới quyết định thiêu cháy đền Drikung, thiêu luôn tờ giấy bán thân đó. Nhưng tôi không tìm thấy tờ giấy đâu, thi thể của Chung Dorje cũng biến mất. Về sau, nhận được thư của pháp vương bãi bỏ chức vị bản khâm của tôi, tôi mới biết sự việc đã bị bại lộ.
Hắn khóc lóc thảm thiết, ngữ điệu thương tâm:
- Tôi đã sắp đặt mọi thứ: lôi kéo người của phái Sakya đi theo mình, mang theo của cải và cả Thế tử. Nhưng tôi làm vậy cũng chỉ để tự vệ, tôi chưa bao giờ muốn đối đầu với Sakya. Khi pháp vương trở về, với số lượng binh sĩ trong tay, tôi hoàn toàn đủ sức để bao vây tấn công Sakya, nhưng tôi chưa bao giờ có ý định làm vậy. Những gì tôi nợ Sakya, tôi đều đã nghĩ đủ mọi cách để hoàn trả.
Chân Kim bực tức lên tiếng:
- Miệng lưỡi lanh lợi, nhanh nhảu lắm thay! Nghe như thể tất cả chúng ta đều phải biết ơn ngươi vậy! Khi chúng ta vừa tới Sakya, đúng là ngươi đủ sức vây khốn chúng ta. Nhưng ngươi có dám làm vậy không? Pháp vương Sakya là đế sư đương triều, còn ta đường đường là thái tử nhà Nguyên, ngươi đủ sức đối địch với cả triều đình Đại Nguyên hay sao? Theo ta, ý đồ sâu xa của ngươi là chờ khi pháp vương viên tịch, sẽ lung lạc Dharma, biến Thế tử thành bù nhìn trong tay ngươi thì đúng hơn.
Kunga Zangpo co rúm người lại, rồi như sực nhớ ra điều gì, tiếp tục biện hộ:
- Nhưng tôi còn giúp cậu chủ trừ bỏ tên Yeshe thâm độc!
Cả tôi và Bát Tư Ba đều sững sờ, tôi liền tra hỏi:
- Ngươi đã giết Yeshe? Hắn chết trong vụ phản loạn ở phủ Vân Nam Vương kia mà?
Kunga Zangpo đắc ý cười khẩy:
- Từ lâu tôi đã cử người đi Vân Nam, tìm cơ hội ám sát Yeshe, nhưng hắn rất giảo quyệt, hạn chế xuất đầu lộ diện nên người của tôi không ra tay được. Chẳng ngờ ông trời đã giúp tôi, Vương phủ Vân Nam đột nhiên xảy ra phản loạn, người của tôi đã thừa dịp trà trộn vào bên trong và giết chết Yeshe. Người ngoài không biết cứ tưởng hắn bị thiêu cháy.
Nhưng tôi chẳng mảy may xúc động trước việc làm của hắn:
- Yeshe cũng biết được thân phận thực sự của ngươi, ngươi giết hắn là để bịt miệng hắn.
Bát Tư Ba không đủ sức tiếp tục cuộc tra vấn nữa, chàng ngả người lên đệm nghỉ ngơi một lát rồi nói:
- Ngươi vì lợi ích cá nhân mà gây nên bao nghiệp chướng. Sau khi chết đi, ngươi sẽ bị đày xuống tầng địa ngục thứ mười tám, linh hồn ngươi vĩnh viễn không được siêu thoát!
Kunga Zangpo run rẩy sợ hãi, cúi đầu khẩn cầu:
- Tôi phải đền mạng cho cậu chủ, chết đi bị đày xuống địa ngục cũng là đáng tội, nhưng xin đừng trừng phạt vợ và con gái tôi. Zhouma là một phụ nữ tốt bụng, cô ấy không hề hay biết những chuyện này. Tôi có lỗi với cô ấy.
Bát Tư Ba gật đầu:
- Ngươi đừng lo, Zhouma là em gái ta, phái Sakya sẽ chăm lo cho mẹ con muội ấy.
Senge lôi Kunga Zangpo ra ngoài. Đêm đó, hắn đã thắt cổ tự vẫn bằng một vuông lụa trắng.
- Cảm ơn Lam phu nhân đã đến thăm người đàn bà tội lỗi này.
Hai mắt Zhouma sưng húp, đờ đẫn nhìn tôi. Khay đồ ăn trước mặt cô ấy vẫn còn nguyên.
Tôi lấy làm thương hại, bèn an ủi:
- Zhouma, tội lỗi của Kunga Zangpo không liên quan đến cô. Dù thế nào, cô vẫn là đại tiểu thư của phái Sakya. Hai mẹ con co cứ yên tâm ở lại đây.
Cô ấy ngồi bệt trên nền đất, tựa tấm thân mòn mỏi vào tường, khóc nấc lên:
- Huynh ấy là người chồng mà tôi rất đỗi hãnh diện, tự hào. Tuy xuất thân thấp kém nhưng huynh ấy rất thông minh, chăm chỉ. Dù huynh ấy có gây ra lỗi lầm gì, đối với tôi và con gái, huynh ấy vẫn luôn là một người chồng tuyệt vời, một người cha mẫu mực.
Tôi không biết phải nói sao, đành tìm cách đổi đề tài:
- Cô cho người hầu đến tìm ta, hẳn là có chuyện muốn nói.
Zhouma bất ngờ quỳ sụp xuống trước mặt tôi, gào khóc thảm thiết:
- Lam phu nhân, cầu xin cô hãy chăm sóc con gái tôi, sai lầm của cha mẹ không nên trút lên đầu con trẻ.
Tôi vội vàng bước lại, kéo cô ấy lên:
- Cô có quyền chăm sóc cho con gái mình kia mà, Lâu Cát không hề hạn chế tự do của mẹ con cô.
- Tuy nó và Dharma rất thân nhau, Dharma thường bảo rằng sau này lớn lên sẽ cưới nó làm vợ nhưng tôi biết, Dharma không thể kết hôn với nó được nữa.
Cô ấy không chịu đứng lên, cứ nắm chặt gấu váy tôi, cầu xin khẩn thiết:
- Ngày sau, khi nó trưởng thành, cúi mong Lam phu nhân chọn cho nó một gia đình trung lưu tốt bụng, không nuôi dã tâm, không quá mẫn cán. Tôi chỉ có mình nó, xin phu nhân giúp cho!
59.3
Tôi bỗng thấy chột dạ, cô ấy hình như đang nói lời trăng trối. Tôi gật đầu ngay tức khắc:
- Cô đừng lo, tôi hứa với cô. Mau đứng lên đi, nền nhà lạnh lắm!
Lúc này cô ấy mới bình tâm lại và chịu đứng lên. Tôi động viên cô ấy ăn uống nhưng cô ấy chỉ gật đầu lấy lệ. Rồi nhân lúc tôi không để ý, cô ấy xoay người nhanh như cắt, ra sức đập đầu vào bức tường bên cạnh. Khi tôi kịp nhận ra thì thân thể cô ấy đã đổ xuống đất, một vệt máu dài còn nguyên trên bức tường màu trắng.
Tôi ôm cô ấy vào lòng, gào thét, hô hoán nhưng cô ấy đã tắt thở. Tôi đau xót, lau vết máu trên trán cô ấy, khẽ thì thào, nức nở:
- Cô hãy yên lòng, tôi sẽ chăm lo cho Jumodaban. Ngày sau, nếu Dharma thích nó, tôi sẽ sắp xếp cho hai đứa ở bên nhau.
Thi thể của Kunga Zangpo và Zhouma được quấn bọc vải trắng, thả trôi theo dòng nước xiết trên dòng sông Trum-chu, chớp mắt, đã không còn dấu vết. Bát Tư Ba rất yếu, Dharma còn quá nhỏ, tôi không muốn họ phải chứng kiến cảnh tượng đau lòng này. Vài người đến đưa tiễn, họ nhanh chóng tản mác mỗi người một hướng. Bên bờ sông ngập đá sỏi chỉ còn lại tôi và Chân Kim. Lúc này đã là đầu mùa xuân, băng tuyết đang tan dần. Bầu trời xanh thăm thẳm, chim ưng sải cánh bay lượn, tôi hít vào lồng ngực luồng khí lạnh tê tái, ngẩng đầu ngắm nhìn bánh xe pháp luân đồ sộ trên đỉnh điện thờ Lakhang. Đó là nơi ở của Bát Tư Ba.
- Ta lệnh cho Senge chỉ huy quân đội Mông Cổ xây dựng một gian điện của đền Nam Sakya, chẳng ngờ bọn họ lại thiết kế theo phong cách của người Hán.
Giọng nói trầm ấm của Chân Kim vang lên sau lưng tôi. Tôi quay đầu lại, đã thấy cậu ta đứng bên cạnh, nhìn tôi đăm đắm.
Tôi né tránh ánh mắt rạo rực của cậu ta, rảo bước về phía điện thờ Lakhang.
- Họ không thông hiểu về phong cách kiến trúc của người Tạng, xây dựng theo kiểu kiến trúc của người Hán cũng hay mà.
- Tiểu Lam... – Cậu ta gọi tôi lại, rồi khẽ thở dài. – Ta phải về Đại Đô.
Tim tôi đập rộn, tôi thẫn thờ nhìn cậu ta.
- Ta sẽ để lại một cánh quân làm nhiệm vụ bảo vệ Dharma, không kẻ nào được phép xâm phạm đến Thế tử. Những kẻ đứng về phía Kunga Zangpo trong cuộc chiến vừa rồi, ta sẽ lưu đày tất đến Giang Nam xa xôi, suốt đời không được phép quay lại đất Tạng.
Tôi cúi đầu, hích mũi chân vào mấy viên đá nhỏ, khe khẽ đáp lại:
- Cảm ơn cậu, Chân Kim.
Cậu ta lại gần bên tôi, đôi mắt buồn ảo não:
- Hai năm tám tháng gian nan trên đường từ Lâm Thao đến Sakya, cộng thêm bốn tháng ở lại Sakya, tổng cộng, ta đã ở bên em ba năm. Tình cảm ta dành cho em thế nào, ta tin là em hiểu.
Tôi quay mặt đi, hướng mắt về phía dòng nước chảy xiết:
- Chân Kim, tôi hiểu nhưng tôi còn con trai...
Cậu ta cúi đầu, buồn bực giẫm mạnh lên lớp tuyết trắng muốt:
- Tiểu Lam à, ta rất muốn ở lại với em vì ta tin rằng, sau khi đế sư qua đời, chắc chắn một ngày nào đó em sẽ chấp nhận tình cảm của ta. Nhưng ta là thái tử một nước, gánh vác trên vai trọng trách nặng nề, ta không thể bỏ mặc tất cả.
Rồi cậu ta ngẩng lên, nhìn tôi tha thiết, ánh mắt như mặt trời giữa trưa:
- Trở về Đại Đô không có nghĩa ta từ bỏ em. Chờ khi Dharma kế vị đế sư, Phụ hoàng chắc chắn sẽ cho vời cậu ấy đến Đại Đô, ta sẽ chờ em ở đó.
Tôi kinh ngạc:
- Nếu vậy sẽ phải chờ rất nhiều năm nữa...
Cậu ta ngắt lời tôi, giọng nói quyết liệt:
- Ta sẽ giữ lời hứa với em, sau khi về Đại Đô, sẽ không nạp thêm bất cứ thê thiếp nào nữa.
Tôi vừa bực mình vừa buồn cười:
- Dù cậu có làm vậy đi nữa, tôi cũng không yêu cậu.
- Yêu hay không là lựa chọn của em. – Cậu ta khẽ thở dài, nhưng giọng nói thì chắc nịch. – Ta cũng có quyền giữ lời hứa của mình.
Tôi chỉ im lặng. Ánh hoàng hôn đổ dài trên dáng hình cao lớn, vạm vỡ của cậu ta. Cậu ta quay mặt vào vùng tối nên tôi không thấy rõ gương mặt, nhưng giọng nói trầm ấm, quyết liệt của Chân Kim khiến nhiều năm sau vẫn còn văng vẳng bên tai tôi.
Tháng 4 năm 1277, Chân Kim và Senge dẫn theo đại quân Mông Cổ rời Sakya, trở về Trung Nguyên. Nội loạn đã được dẹp bỏ, đất Tạng khôi phục lại trật tự cũ. Địa vị thống lĩnh đất Tạng của Bát Tư Ba được củng cố vững chắc chưa từng có. Nhưng đây cũng là lúc, sinh mệnh của chàng chỉ còn đếm được từng ngày.
~.~.~.~.~.~
- Bắt đầu từ thời điểm này, trong vòng ba năm, Bát Tư Ba tập trung toàn bộ sức lực còn lại của chàng vào việc sưu tầm, chỉnh lý sách cổ và kinh văn Phật giáo bằng tiếng Tạng. Sưu tầm được cuốn sách nào, chàng lập tức sai người chép lại. Những năm qua, mỗi dịp đi lại giữa Trung Nguyên và đất Tạng, đến bất cứ đâu chàng cũng ra sức sưu tầm sách cổ của địa phương rồi sai người chép lại, lưu trữ trong kho sách ở Sakya. Riêng với những kinh văn quan trọng, chàng sẵn sàng bỏ ra rất nhiều vàng khối, sai người nghiền nhỏ thành bột, trộn với mực để viết, làm vậy để lưu giữ kinh văn được lâu bền. Có lần chàng đã bỏ ra hơn bốn nghìn lạng vàng để chép lại cuốn kinh Cam Châu Nhĩ (Ganggyur) thuộc bộ kinh Đại Tạng. Niềm đam mê của Bát Tư Ba đã lan sang cả Chân Kim, nên ngay khi đặt chân đến Sakya, cậu ta lập tức đổ công sức và kinh phí vào việc chép lại kinh văn bằng bột vàng, sau đó đề nghị Bát Tư Ba ghi lời đề tặng.
Chàng trai trẻ tấm tắc ca ngợi:
- Bát Tư Ba muốn tận dụng chuỗi thời gian còn lại để gìn giữ những di sản văn hóa phong phú cho thế giới này.
Tôi gật đầu:
- Bát Tư Ba đánh giá rất cao việc chép lại các thư tịch và kinh văn cổ xưa, chàng có được sự hỗ trợ to lớn về mặt kinh phí từ triều đình nhà Nguyên, bởi vậy, đền Sakya đã trở thành một thư viện sách Tạng đồ sộ. Nhiều Phật điện của ngôi đền này đều có những bức tường sách. Những giá sách ngồn ngộn kinh văn xếp cao chất ngất, che kín những mảng tường cao vút trong điện thờ.
Chàng trai trẻ tò mò:
- Bây giờ còn đọc được những kinh văn quý giá đó nữa không?
Tôi lắc đầu rồi lại gật đầu:
- Đáng tiếc là đền Bắc Sakya đã bị hủy hoại hoàn toàn trong cuộc Cách mạng Văn hóa, những kinh văn trong ngôi đền này cũng theo đó mà tiêu tan. Hiện chỉ còn đền Nam Sakya là lưu giữ được khoảng hơn hai mươi nghìn cuốn kinh tiếng Tạng. Nhiều học giả cho rằng những pho sách tiếng Tạng trong đền Sakya có thể sánh ngang với kinh văn ở Đôn Hoàng. Sakya được xem là Đôn Hoàng thứ hai. Những tài sản quý giá này đều nhờ vào công đức của Bát Tư Ba.
--- ------ -------