Chương 88: Ngoại truyện 3: Như Ý công chúa (1)
Nàng tên là Tiêu Ý Như, là đứa con thứ mười ba của Tiêu vương đời thứ ba.
Mẫu phi của nàng chính là Như phi được hoàng đế sủng ái nhất lúc bấy giờ. Tất nhiên, muốn đoạt được sự sủng ái này là không hề dễ, giữ được sự sủng ái đó lại càng khó hơn. Trong hậu cung có bao nhiêu ánh mắt dõi theo, chờ đợi tìm ra lý do để ngáng đường không để Như phi sống dễ chịu.
Nhưng Như phi cũng không phải dễ đối phó, nàng hoài thai ngay trước khi Hoàng thượng định lập thái tử, chuyện này đã làm dấy lên một cơn sóng lớn. Người chờ xem kịch vui, người thì dựng lên một vở kịch, nhưng Như phi thực có bản lĩnh, nàng mê hoặc đầu óc Hoàng thượng, trước mặt mọi người hứa rằng nếu Như phi sinh được con trai, liền lập làm Thái tử.
Sau đó, hậu cung vẫn không yên ổn, thức ăn hằng ngày của Như phi đều được âm thầm kiểm tra, không có độc mới dùng, lúc tản bộ đều có thị vệ hộ giá chung quanh, thậm chí sợ cả vấp phải đá. Như phi làm vậy không phải không có lý, quả thực có rất nhiều người mong muốn đứa trẻ trong bụng nàng không được sinh ra.
Như phi nhờ đề phòng chặt chẽ mà hữu kinh vô hiểm vượt qua thời gian mang thai dài đằng đẵng, nhưng phiền toái rốt cuộc vẫn xuất hiện vào ngày sinh. Nàng sinh khó, sinh cả ngày vẫn chưa sinh được, đại phu nói đại nhân và hài tử xem ra chỉ có thể giữ lại một.
Như phi hiểu rõ, nếu lần này không sinh được, sau đó nàng cũng khó có thể có thai, trong cung mỹ nữ rất nhiều, một phi tử không có con, kết cục có thể như thế nào? Nhưng nếu sinh được con trai, sau này chính là cửu tôn chi vị, tận hưởng vinh hoa. Vì vậy, Như phi đánh cược, nàng liều mạng cũng phải sinh được đứa trẻ này ra.
Nhưng Như phi đã thua, nàng bỏ tính mạng, sinh một nữ nhi.
Cũng may Hoàng thượng yêu thương Như phi sâu sắc, xem nữ nhi mà nàng để lại như châu ngọc, hắn ban cho tên Tiêu Ý Như, phong làm Như Ý công chúa, giao nàng cho Hoàng hậu không có con nuôi dưỡng, mong muốn nữ nhi sau này mọi chuyện đều như ý.
Đáng tiếc Hoàng thượng đã nghĩ sai, nơi này là hậu cung, có mẹ ruột cũng chưa chắc có thể sống dễ dàng, huống chi là một công chúa mất mẹ. Như Ý công chúa theo Hoàng hậu đến sáu tuổi, tuy không nói là chịu hành hạ nhưng chuyện không như ý vẫn xảy ra, nên biết rằng năm đó Hoàng hậu hận nhất là Như phi, bây giờ thấy Như Ý công chúa càng lớn càng giống nàng ta, sao có thể yêu thương nàng được.
Lúc sáu tuổi, Hoàng hậu để Như Ý làm con thừa tự của Linh phi, Linh phi năm đó cũng từng được sủng ái một khoảng thời gian, đáng tiếc lúc đó bản thân lại sinh non, không thể sinh con được nữa, mỗi ngày đều căng thẳng vô cùng, nhăn mặt nhíu mày, rất nhanh liền căm hận Hoàng đế. Hoàng hậu ném Như Ý cho Linh phi, muốn hai người mình chán ghét ở cùng một chỗ, giữ cho mọi người được an tĩnh. Hoàng đế đối với chuyện này vốn là không đồng ý, nhưng Hoàng hậu thiệt xán liên hoa*, nói rằng tính tình Linh phi giống Như phi, cũng từng mất con, chắc chắn sẽ yêu thương Như Ý. Hơn nữa Hoàng thượng từ tận đáy lòng có chút hổ thẹn với Linh phi, nghĩ rằng đưa đứa trẻ cho nàng cũng xem như là bù đắp.
*Thiệt xán liên hoa: Điển cố “thiệt xán liên hoa” xuất phát từ sự tích về cao tăng Đồ Trừng thời Nam Bắc. Cao tăng truyện và Tấn thư – Nghệ thuật truyện: Phật Đồ Trừng có ghi: Triệu vương Thạch Lặc đến Tương quốc (nay là Đài Châu, Chiết Giang) triệu kiến Đồ Trừng, muốn thử đạo hạnh. Đồ Trừng bèn đem ra một bát nước, thắp hương niệm chú, không bao lâu, từ trong bát nước mọc lên một đóa sen xanh chói lọi, người ngoài nhìn vào trong lòng khoan khoái. Người đời sau mới dùng thành ngữ “thiệt xán liên hoa” để chỉ tài ăn nói.
Vì vậy Như Ý liền đến sống trong cung của Linh phi. Lúc nàng ở cạnh Hoàng hậu, Hoàng hậu dù không thích nàng cũng không thể công khai đối xử với nàng không tốt, dù sao người ở cạnh mình, nếu xảy ra chuyện thì làm sao ăn nói? Bây giờ người đã tới chỗ Linh phi cho nên Hoàng hậu cũng không cần kiêng dè nữa.
Chi tiêu sinh hoạt, đồ dùng hàng ngày của Linh phi đều không so được với những nơi khác trong cung, bọn cung nữ thái giám cũng không có thế lực, cũng phải nhìn sắc mặt trong các cung mà sống. Linh phi tuy tâm tính thiện lương, có lòng chăm sóc muốn Như Ý thật tốt, nhưng theo tình hình hiện nay của nàng, cũng chỉ có thể làm nàng ấm no, tận lực không để bị các cung khác ức hiếp.
Cũng may bên cạnh Như Ý công chúa có một vị Thôi công công trung thành và tận tâm, hắn trước kia là chưởng sự trong cung Như phi, được nhận không ít ân huệ, Như phi mất đi, hắn chỉ có thể tiếp tục lòng tận trung với tiểu công chúa này, vì vậy hắn lúc nào cũng ở bên cạnh, tương trợ mọi việc, lại nhờ Hoàng thượng đối với Như Ý quả thực có vài phần sủng ái, cho nên cũng không có chuyện gì lớn phát sinh.
Bất quá Như Ý công chúa dần dần lớn lên, nàng hiểu chuyện rồi, phải biết xem sắc mặt, phải suy xét lòng người, nàng có tư duy thông tuệ và cá tính kiên cường, nàng dám trèo cây, dám nhảy cầu, dám đánh nhau cùng các hoàng tử, dám chỉ vào phi tần mà mắng, thái giám hay cung nữ nào dám bất kính với nàng hoặc Linh phi, chi phí ăn mặc không chu toàn, nàng dám đánh, dám đá, dám hạ thủ. Nàng dám làm tất cả chuyện người trong hậu cung muốn làm nhưng không dám.
Nàng từ miệng rất nhiều người nghe được chuyện về mẫu phi thân sinh của nàng, nàng cũng biết mạng này của nàng là do mẫu phi dùng mạng của mình đổi lấy, nàng sớm hiểu rõ ở hậu cung này lắm chuyện đấu đá với nhau, nàng từ rất nhỏ đã biết ở nơi này chỉ có dũng cảm mới có thể bảo vệ chính mình.
Vì vậy danh tiếng công chúa điêu ngoa của nàng rất nhanh chóng được truyền ra, người trong hậu cung luôn nhìn chăm chăm muốn bắt được điểm sơ hở của nàng. Nhưng Như Ý không sợ, nàng nói với Thôi công công: “Ta là do mẫu phi liều mạng sinh ra, ta không thể để bị người khác ức hiếp”.
Thôi công công chỉ thở dài một tiếng nói: “Công chúa nhớ rõ, thái cương dịch chiết, thái cương dịch chiết”.
*Thái cương dịch chiết: cứng quá thì gãy.
May mắn là, tính cách mạnh mẽ của Như Ý công chúa càng làm Hoàng thượng vui vẻ, hắn từng nói ngay trước mặt chúng thần: “Nhìn xem, vị Như Ý công chúa này của trẫm là người giống trẫm nhất, có vài phần phong thái của trẫm, đây mới chính là khí thế nên có của nữ nhi của trẫm”.
Vì vậy, Như Ý công chúa ở hậu cung càng hoành hành ngang ngược, tùy tâm sở dục*. Năm nàng mười bốn, bắt đầu có phi tần, đại thần nhắc đến hôn sự của Như Ý bên tai Hoàng thượng, Hoàng thượng thấy cũng phải, nữ nhi bảo bối của hắn đã mười bốn rồi, nên bắt đầu tìm kiếm người phù hợp, hắn thử thăm dò ý tứ của Như Ý, nhưng Như Ý đối với những người được nêu ra toàn bộ đều không thuận mắt.
*Tùy tâm sở dục: tùy theo ý mình.
Như Ý nói với Hoàng thượng: “Con của Vương thừa tướng kia, được phụ thân che chở nên đắc thế, tự mình đã làm được đại sự gì? Tân khoa võ trạng nguyên, là kẻ ít học, lại là con nhà võ, vừa nhập điện đường đã bị lôi kéo kết bè kết phái, làm gì có tiền đồ? Về phần cháu họ xa của Hoàng hậu nương nương, lần trước gặp qua, mũi nhỏ mắt bé, không có chút hình thức nào, lẽ nào phụ hoàng nghĩ người như vậy lại có thể tương xứng với nữ nhi?”.
Nàng nói thực ra rất có lý, Hoàng thượng gật đầu, Như Ý lại nói: “Hơn nữa, nữ nhi tuổi còn quá nhỏ, những người này vội vã bàn chuyện hôn sự, theo nữ nhi thấy, đó là kế hoạch mưu quyền hơn kết thân, phụ hoàng trước hết gạt bọn họ sang một bên đi”.
Lời này làm Hoàng thượng cười lớn, hắn quả thực rất thương yêu sủng ái nữ nhi này, vậy thì theo ý nàng đi. Như Ý hủy bỏ được hôn sự, trong lòng thực đắc ý, nàng nói với Hoàng thượng: “Nữ nhi không vội, nữ nhi còn muốn theo bồi bên cạnh phụ hoàng thêm mấy năm nữa”.
Nhưng lời này của nàng nói ra không bao lâu, nàng liền gặp ý trung nhân của mình. Tên của người đó là Nhiếp Thừa Nham.
Năm đó nàng chưa đến mười lăm, mà hắn cũng chỉ gần mười bảy, nàng đường đường là công chúa, hắn chỉ là một thường dân. Thế nhưng Như Ý vừa liếc mắt đã biết thiếu niên này không phải là người tầm thường.
Khi đó Như Ý mang theo Thôi công công cùng nô tỳ thiếp thân Hỷ nhi và vài tiểu tỳ đi đến Ngự hoa viên, đúng lúc gặp thái tử ca ca đang dẫn theo một thiếu niên đi ra, thiếu niên kia tuấn nhã nho khí, thần thái sáng láng, một thân trường bào nguyệt nha, đỉnh quan bạch ngọc, mê hoặc lòng người. Thái tử nhìn thấy Như Ý, dừng bước giới thiệu hai người, vì vậy Như Ý mới biết hắn tên là Nhiếp Thừa Nham, là cháu của danh y Vân Vụ lão nhân, hắn xây nên một Bách Kiều thành, tập trung đông đảo danh y, nhiều loại dược thảo, uy danh lan xa, lần này vào cung là để thương thảo với triều đình về vấn đề cai quản thành.
Chẳng qua chỉ nói dăm câu, Nhiếp Thừa Nham đã để lại ấn tượng sâu sắc với Như Ý, càng khỏi phải nói đến khi hắn cúi đầu thi lễ với nàng, tư thái cung kính mà không hèn mọn, thái độ khiêm hòa cũng rất thong dong, hắn ngẩng đầu lên, mắt sáng như sao, từng chút từng chút đi vào tim Như Ý.
Thái tử nhanh chóng đưa Nhiếp Thừa Nham rời đi, nhưng Như Ý công chúa lại nhớ mãi không quên thành chủ Bách Kiều thành.
Lần đầu nàng chủ động hăng hái hỏi thăm một người với Thái tử ca ca, lần đầu tiên bất luận là lúc ăn hay lúc ngủ nàng đều nhớ đến ánh mắt kia, nàng biết nàng yêu rồi.
Thế nhưng thân là công chúa, nàng biết rõ nàng không thể hành động thiếu suy nghĩ, một khi bộc lộ tâm ý, xử trí không ổn, nhân duyên của nàng không thành cũng không sao, không chừng còn mang phiền phức đến cho Nhiếp Thừa Nham , cho nên nàng chỉ thận trọng thăm dò, lặng lẽ hành sự.
May mà Nhiếp Thừa Nham xử lý chuyện liên quan đến lập mạng lưới quan hệ còn tốt hơn nàng tưởng tượng. Hắn chỉ là một thường dân, vậy mà lại có thể khiến Hoàng thượng ban hoành phi đề biển Bách Kiều thành, còn hứa sẽ không phái quan viên đến Bách Kiều thành, hằng năm chỉ có một tuần quan đến đó xem xét qua. Điều kiện trao đổi là, nếu trong nước có thiên tai, Bách Kiều thành phải dốc toàn lực, phải cung cấp y vụ và trợ giúp cho triều đình. Đương nhiên, tiến cống hằng năm, bồi dưỡng đại phu, buôn bán dược thảo đều nằm trong điều kiện.
Như Ý thăm dò được những chuyện này, trong lòng càng yêu thích Nhiếp Thừa Nham. Nàng nghĩ nam tử như có tài có mạo có trách nhiệm như vậy, đương nhiên là lương phối được chọn. Huống chi, nàng tâm tâm niệm niệm, khó có lúc hữu tình. Vì vậy nàng quyết định đời này nếu không phải Nhiếp Thừa Nham sẽ không xuất giá.
Nhưng Nhiếp Thừa Nham ở tận Bách Kiều thành, khó mà đến kinh thành một chuyến, nhập cung đã ít lại càng ít, lúc đầu Như Ý tự mình chọn lễ vật sai người đưa đến Bách Kiều thành, vậy mà nàng lại nhận được đáp lễ của Nhiếp Thừa Nham. Nàng mừng rỡ vạn phần, lại sai người đưa lễ vật lần nữa, lần này lại nhận được một phong tín hàm cảm tạ, cũng giống như lễ vật của thái tử và các hoàng tử.
Như Ý hiểu ra, lần trước e rằng Nhiếp Thừa Nham nghĩ nàng đưa lễ vật là ý của hoàng thất, vì để giữ gìn quan hệ với hoàng thất mới ân cần đáp lễ, nhưng lần thứ hai đã hiểu ra, không thể trực tiếp từ nên mới dùng cách uyển chuyển này.
Nhưng Như Ý công chúa đương nhiên sẽ không từ bỏ lúc này, rốt cuộc cũng có một lần, nàng tìm được cơ hội, Nhiếp Thừa Nham đến kinh thành xử lý công việc, nàng tìm được chỗ ở của hắn, lặng lẽ đi tìm hắn. Đây là lần đầu tiên bọn họ đối mặt nói chuyện.
Như Ý công chúa biết dã tâm của Nhiếp Thừa Nham, biết một nam nhân như hắn cần người như thế nào trợ giúp và nâng đỡ, nàng thoải mái nói ra ưu thế của mình, là thân phận và tầm ảnh hưởng của nàng, nếu có thể lấy nàng làm thê tử, vậy quyền thế danh thanh, y giới chi tôn, phú quý vinh hoa, đương nhiên đều là dễ như trở bàn tay.
Nàng nói rất nhiều, Nhiếp Thừa Nham lắng nghe rất lễ độ, nhưng khi nàng nêu ra những lợi ích kia, Nhiếp Thừa Nham chỉ nói một câu phủ định tất cả. Hắn nói: “Gia nghiệp là Nhiếp Thừa Nham ta tự mình lập ra, nếu như thú thê, tuyệt không phải là vì thân phận quyền thế của nàng”.
Hắn cự tuyệt nàng, khéo léo nhưng lại rất rõ ràng. Hắn thực kiêu ngạo nói câu đó, rất tự nhiên, lại rất có thần thái. Như Ý công chúa bị chấn động, nàng mơ mơ hồ hồ trở về cung, trong đầu chỉ có một ý nghĩ: “Nếu có phu quân như vậy, cuộc đời này không còn gì đáng tiếc”.
Như Ý thay đổi tính cách tùy hứng đùa bỡn trước kia, nàng làm rất nhiều việc tốt, cũng âm thầm giúp đỡ rất nhiều cho việc buôn bán của Bách Kiều thành của Nhiếp Thừa Nham, thỉnh thoảng nàng tặng vài thứ cho Nhiếp Thừa Nham, cũng thường đến hỏi thăm thái tử ca ca động tĩnh của hắn, đáng tiếc lúc nàng đang làm rất nhiều chuyện thì nghe được tin Nhiếp Thừa Nham có ý trung nhân.
Tin này làm nàng tức giận phát run, nàng lại thiếu kiên nhẫn, đi tìm phụ hoàng thân yêu, thỉnh cầu phụ hoàng làm chủ cho mình. Hoàng thượng tuy đã có nghe qua gần đây nữ nhi bảo bối của mình có gì đó không đúng, nhưng không nghĩ rằng nàng lại yêu một thường dân. Vừa ưu tú vừa xuất sắc, Nhiếp Thừa Nham tuy là thường dân, lại là người rất quan trọng, người này trước kia đã cự tuyệt vào triều làm quan, chỉ muốn trông coi tòa y thành của hắn. Bách Kiều thành các kinh thành khá xa, theo như tác phong hành sự của Nhiếp Thừa Nham, e rằng không dễ triệu hắn, hôn phối của công chúa với hắn thật không dễ an bài.
Hoàng thượng cự tuyệt, tìm mọi cách khuyên giải Như Ý, còn hứa hẹn sẽ tìm cho nàng một như ý lang quân thích hợp hơn, nhưng lần này không thể xoay chuyển trái tim Như Ý đặt trên người Nhiếp Thừa Nham. Như Ý lần đầu tiên khóc lóc thảm thiết trước mặt Hoàng thượng, chuyện này làm Hoàng thượng hốt hoảng, phải biết rằng nữ nhi này dù lúc còn bé có bị ức hiếp cũng chưa từng khóc như vậy.
Hoàng thượng mềm lòng, hắn nói với Như Ý, hắn sẽ hạ chỉ tứ hôn cho nàng, nếu Nhiếp Thừa Nham không nghe theo, liền tìm một lý do bắt giam hắn. Nhưng Như Ý không đồng ý, nàng chính là sợ chuyện này, nàng đề ra một ý kiến, nói để nàng cùng với Bách Kiều thành tuần quan đi đến Bách Kiều thành, nàng sẽ nói chuyện rõ ràng với Nhiếp Thừa Nham.
Vì vậy Như Ý công chúa đến Bách Kiều thành, nàng gặp được ý trung nhân của Nhiếp Thừa Nham là Tạ Cảnh Vân, đó là một người có vẻ yếu ớt, là một mỹ nhân ôn thuần yểu điệu. Như Ý công chúa nghĩ, người này so ra còn kém hơn mình, nhưng hiển nhiên Nhiếp Thừa Nham không cho là như vậy. Lần này gặp mặt, hắn cũng không hoàn toàn khách khí với nàng, bộ dạng che chở trăm bề cho Tạ Cảnh Vân, Như Ý công chúa bỗng nhiên hiểu rõ, trong lòng hắn quả thực là đã yêu, hữu ái và vô tình, quả thực khác biệt với nhau nhiều như thế.
Như Ý công chúa ngẩng đầu ưỡn ngực, trong lòng ngậm đầy chua xót đau khổ quay về cung. Nàng nói với Hoàng thượng, nàng không thể thuyết phục được Nhiếp Thừa Nham nhưng nàng vẫn còn cơ hội. Nàng nói: “Phụ hoàng, mẫu phi của con mất sớm, bà chưa bao giờ dạy con cách từ bỏ, vì vậy con sẽ không từ bỏ”.
Hoàng thượng vỗ vỗ đầu nữ nhi, cười trừ, thầm nghĩ tiểu nha đầu này, sinh ra ở hoàng thất làm sao hiểu được tình ái, dần dần rồi cũng sẽ hiểu chuyện. Dù sao bây giờ tuổi vẫn còn nhỏ, để mặc vài năm cũng không sao, giữ bên cạnh còn có thể yêu thương nàng thêm vài năm nữa.
Như Ý công chúa từ đó đều ở trong cung, lẳng lặng chú ý mọi thứ về Nhiếp Thừa Nham, lặng lẽ lập kế hoạch làm thế nào để đoạt được tâm ý của hắn. Nàng tặng thứ gì hắn cũng không vui, hắn vào kinh ba lần, nàng đều tìm cơ hội gặp mặt hắn, đáng tiếc hắn đều phản ứng lạnh nhạt. Sau đó, nàng không gặp được hắn nữa, nghe nói hắn bị kẻ gian hãm hại, thiếu chút nữa đã mất mạng. Lại qua một khoảng thời gian, tin mới truyền đến, nói rằng đã cứu được tính mạng Nhiếp thành chủ, chỉ có điều phải tàn phế cả đời.
Chuyện này đối với Như Ý chắc chắn như sét đánh giữa trời quang, nàng mỗi ngày ăn không ngon ngủ không yên, nàng nhớ hắn. Nàng nghĩ, một người xuất chúng như thế, kiêu ngạo như thế, đối với hắn tàn phế còn đáng sợ hơn chết. Nàng viết thư an ủi hắn, nhưng cân nhắc một lúc lại sợ hắn nghĩ nhiều, sợ hắn không nhìn thấy chân tâm của nàng, hiểu lầm nàng đang lên tiếng mỉa mai hắn thì sao bây giờ?
Nàng xé thư đi, qua vài ngày trong lòng lại thấy không nỡ, lại viết một phong thư, lại chuẩn bị một chút lễ vật, sai người đưa đi. Lần này nàng không nhận được chút hồi âm nào, nàng nghĩ như vậy là không sao, tâm tình của hắn chưa bình ổn lại, lãnh đạm với người khác là chuyện bình thường. Nàng chủ động thám thính tin tức của hắn từ khắp nơi, hỏi thăm hắn bây giờ có tốt không.
Nhưng nàng suýt chút nữa đã quên, nàng đã mười tám, cô nương trong dân gian đến tuổi này đều đã sớm gả đi, cho dù nàng là công chúa tôn quý, cũng không thể lãng phí thời gian như vậy. Lại có đại thần nhắc đến hôn sự với Hoàng thượng, trong hậu cung tin đồn cũng ngày càng nhiều, Như Ý nghe được những lời này, trong lòng thầm sốt ruột, nàng biết thời gian và lợi thế của nàng đều không còn nhiều nữa.
Nàng tìm hoàng thượng, tỏ ý muốn đi Bách Kiều thành thăm Nhiếp Thừa Nham một chút, lần này thái độ của Hoàng thượng không vui, hắn hỏi: “Đó chỉ là một tên què, con còn tìm hắn làm gì?”.
Như Ý hỏi lại: “Nếu mẫu phi vẫn chưa chết, người gặp nạn, chân tàn phế, có phải phụ hoàng sẽ không quan tâm đến người nữa?”. Hoàng thượng không trả lời, hắn nhiều phi tần như vậy, đương nhiên không cần phải coi trọng một người tàn phế. Như Ý từ biểu hiện của Hoàng thượng thấy được đáp án, lòng nàng trầm xuống, hơn nửa ngày mới khó khăn trả lời: “Phụ hoàng và con không giống nhau”.
Chỉ cần một câu nói đơn giản đã kéo giãn khoảng cách giữa cha con. Hoàng thượng bắt đầu suy nghĩ có phải đã quá phóng túng cho nữ nhi này hay không, nàng tựa hồ đã quên nàng là người hoàng thất, người hoàng thất thì không cần những thứ tình ái phiền toái này. Hắn không đồng ý với thỉnh cầu ra khỏi cung để đến Bách Kiều thành của Như Ý, cũng không gặp lại nàng, hắn nghĩ cần phải lạnh nhạt với nàng một thời gian, để nàng hiểu rõ lý lẽ trong hoàng thất.
Nhưng Như Ý không ăn không uống, rất nhanh liền ngã bệnh, lần bệnh này lại bệnh rất nặng, đến mức Hoàng thượng không còn cách nào khác, cuối cùng phải đồng ý, đây là lần cuối cùng nàng đi gặp Nhiếp Thừa Nham, gặp xong rồi nàng phải trở về chuẩn bị hôn sự.
Như Ý vô cùng mừng rỡ, nhanh chóng dưỡng bệnh thật tốt, thu thập hành trang, chuẩn bị lễ vật. Nàng nghĩ, lần này cơ hội của nàng lớn hơn một chút, Nhiếp Thừa Nham bây giờ không còn đắc ý phong quang như lúc trước, là lúc cần người an ủi quan tâm, Tạ Cảnh Vân kia không ở đây, nàng vứt bỏ tất cả, vượt qua mọi áp lực, gian khổ chạy đến, lòng dạ nam nhân có cứng rắn hơn nữa cũng phải cảm động thôi.
Đáng tiếc nàng đã nghĩ sai, nàng ngàn tính vạn toán cũng không nghĩ rằng bên cạnh Nhiếp Thừa Nham lúc này lại có nàng ta, nô tỳ Hàn Tiếu.
Nhưng Hàn Tiếu và Tạ Cảnh Vân hoàn toàn không điểm tương tự, Tạ Cảnh Vân điềm đạm như nước, nhưng Hàn Tiếu lại cứng cỏi như gỗ, Tạ Cảnh Vân như hoa như ngọc, bất quá Hàn Tiếu chỉ là thanh tú một chút. Lúc trước Như Ý gặp Tạ Cảnh Vân, liền cảm giác chính mình tốt hơn nàng ta rất nhiều lần, bây giờ với Hàn Tiếu, nàng cảm thấy với nàng ta như trời với đất.
Đáng tiếc, Như Ý rất nhanh chóng nhìn rõ, trong lòng Nhiếp Thừa Nham chỉ có Hàn Tiếu, không có Như Ý.
Như Ý công chúa biết chuyến này mình đi là vô ích, nhưng nàng có không cam lòng bao nhiêu đi nữa cũng vô dụng. Trên đường hồi kinh, nàng ngồi trong xe ngựa lặng lẽ lau nước mắt. Nàng thầm oán giận, nàng thực sự là một cô nương đáng thương, từ nhỏ đã không có mẹ, còn sinh ra trong hoàng thất hiểm ác, phức tạp này, may là vẫn còn phụ hoàng yêu thương nàng.
Nàng nghĩ ngợi một chút, bỗng nhiên lại có ý chí đấu tranh, nàng không thể cứ thế mà từ bỏ được, nàng chính là Như Ý công chúa dũng cảm nhất, can đảm nhất, tài giỏi nhất, nàng không thể giống như các công chúa khác, không có tình yêu, chỉ có thể làm một công cụ trợ giúp quyền lực, nàng nghĩ tới cuộc sống mà mình muốn, nàng muốn được gả cho người mình yêu.
Nàng quyết định trở lại cung sẽ lại cố gắng chút nữa, dù sao thì phụ hoàng cũng rất thương yêu nàng, nàng muốn vì hạnh phúc của mình mà đấu tranh.
Nhưng Như Ý không biết, sủng ái của Hoàng thượng không phải là vĩnh cửu, đối với phi tử như vậy, với nữ nhi cũng như thế, khi tình thân và lợi ích xung đột với nhau, lợi ích luôn luôn thắng. Dù sao đối với Hoàng thượng mà nói, nữ nhi sao, không có người này còn có người khác. Dù sủng ái công chúa, cũng không thể mãi thách thức với sự nhẫn nại của hắn.
Như Ý cảm giác rằng chuyện với Nhiếp Thừa Nham không thể nào như ý, nhưng nàng vạn lần không nghĩ rằng, bi kịch thực sự gặp phải vẫn còn ở phía sau.