Chương 2 - Chứng mặc cảm Oedipus bệnh hoạn
Lưu Trí Phố thường xuyên thay bạn gái, trong vòng một tháng có thể thay tới ba lần. Trong học viện có rất nhiều giáo viên nữ từng qua lại với anh ta, nghe nói có người còn từng có thai với anh ta nữa, nhưng anh ta dường như chưa từng nghĩ đến chuyện kết hôn.
Do đêm qua không ngủ đủ giấc, tôi không kìm được ngáp dài một cái.
Diệp Thu Vi đưa mắt nhìn thoáng qua tôi, rồi nói tiếp: "Hôm đó, nghi thức khởi động cho hoạt động kỷ niệm ngày thành lập trường được cử hành, nội dung về cơ bản chỉ có lãnh đạo phát biểu, sau đó đến lượt thầy trò trong trường lên bày tỏ cảm xúc. Nhân viên tổ chức vốn không có chỗ ngồi, nhưng Phương Tự Lập đã cất công tìm cho tôi một chỗ, hơn nữa vị trí còn khá tốt, rất gần với sân khấu chính. Tôi ngồi phía dưới và quan sát, dần dần đã có được những ấn tượng bước đầu về Lưu Hướng Đông. Ông ta vóc người gầy guộc, đeo một chiếc kính khá cũ và lỗi mốt, phần lớn thời gian đều cúi đầu nhìn bàn, dù thỉnh thoảng có ngẩng lên thì ánh mắt cũng vật vờ bất định."
"Vật vờ bất định?" Tôi suy nghĩ một chút rồi hỏi: "Giống như biểu hiện của Vương Vĩ lúc ở nhà Trần Hy đó ư?"
"Cũng gần như thế." Diệp Thu Vi phân tích. "Có điều lúc ở nhà Trần Hy, Vương Vĩ tỏ ra như vậy là bởi vì chuẩn bị lấy trộm đồ cho nên chột dạ, còn ánh mắt Lưu Hướng Đông có vẻ vật vờ là do căng thẳng khi bị mấy nghìn người phía dưới nhìn vào. Chột dạ và căng thẳng đều có nguồn gốc từ nỗi sợ hãi, tôi cho rằng nỗi sợ hãi của Vương Vĩ bắt nguồn từ sự ràng buộc của pháp luật và đạo đức xã hội, còn nỗi sợ hãi của Lưu Hướng Đông thì bắt nguồn từ đám đông phía dưới.”
"Đám đông phía dưới?" Tôi buột miệng hỏi: "Ý cô là ông ta mắc chứng ám ảnh sợ xã hội1 ư?"
Diệp Thu Vi khẽ gật đầu, hờ hững nói: "Cúi đầu trong một thời gian dài, khi ngẩng lên thì ánh mắt vật vờ bất định, hiển nhiên là ông ta muốn né tránh ánh mắt của mấy nghìn người bên dưới sân khấu, đây là một biểu hiện điển hình của tình trạng thiếu tự tin đối với bản thân cũng như các mối quan hệ xã hội. Loại học giả thế này không hề hiếm gặp, bọn họ khi ở trong phòng thí nghiệm thì thét ra lửa, không việc gì là không làm được, nhưng trong cuộc sống thường ngày, khi cãi nhau với người lạ thì lại ấp a ấp úng, nói năng ngốc nghếch, còn khi ở trước đám đông, bị nhiều người nhìn vào, bọn họ thậm chí chỉ muốn tìm một cái lỗ nẻ mà chui xuống."
"Cho nên mọi người mới nói ông ta là một học giả vô cùng thuần túy." Tôi suy nghĩ một chút rồi bèn nói: "Ông ta thường ngày kín tiếng, cuộc sống chỉ xoay quanh hai địa điểm với một tuyến đường, lại rất ít khi tham gia các hoạt động công khai, đó đều là biểu hiện của chứng ám ảnh sợ xã hội."
Diệp Thu Vi tiếp tục phân tích: "Có điều ông ta dù gì cũng đã hơn năm mươi tuổi, lại từng lăn lộn trong Công ty E nhiều năm, thế nên vào những lúc cần thiết thì vẫn có thể bấm bụng làm những việc mà mình không thích, chẳng hạn như là thỉnh thoảng lại đi giảng một vài tiết học công khai ở Đại học C hoặc là quay về dự lễ kỷ niệm ngày thành lập trường. Có thể nói, một người dù cố gắng né tránh đến mấy thì cũng không thể nào hoàn toàn thoát khỏi sự ràng buộc của xã hội." Hơi dừng một chút, cô ta nói tiếp: "Đương nhiên, những điều này đều chỉ là cảm nhận trực quan của tôi khi nhìn thấy ông ta, có điều, những biểu hiện của ông ta về sau đã chứng minh cảm nhận của tôi là hoàn toàn chính xác."
Tôi nhanh chóng ghi lại những lời cô ta nói vào trong sổ tay, sau đó liền tựa lưng vào ghế tỏ ý mời cô ta nói tiếp
1. Ám ảnh xã hội là một dạng trong nhóm bệnh rối loạn lo âu được mô tả bởi đặc điểm sợ hãi quá mức trong các tình huống xã hội thông thường. Biểu hiện thể chất thường thấy là tim đập nhanh, đỏ mặt, đổ mồ hôi, khó chịu dạ dày, buồn nôn. Người bệnh bộc lộ nỗi sợ hãi mãnh liệt và dai dẳng khi người khác nhìn mình hoặc bị phê bình, luôn sợ rằng hành vi của mình sẽ khiến bản thân rơi vào tình huống khó xử hoặc bị bẽ mặt. Sự sợ hãi của họ có thể mạnh đến nỗi nó can thiệp nghiêm trọng vào công việc, học tập hay những hoạt động khác – ND
.
"Sau khi đưa ra phán đoán bước đầu, tôi rất nhanh đã lại để ý tới một chi tiết khác." Diệp Thu Vi nói: "Trong nghi thức khởi động, trên sân khấu chính tổng cộng có chín người. Về mặt nguyên tắc thì Đảng ủy trường không tham gia vào hoạt động kỷ niệm ngày thành lập trường, do đó người ngồi ở chính giữa là Hiệu trưởng, ngổi bên trái Hiệu trưởng là Hiệu phó thường trực, ngồi bên phải thì chính là Lưu Hướng Đông, xa dần về hai bên thì mới tới lượt hiệu phó khác và một số vị chủ nhiệm."
Tôi bất giác sững người. "Ông ta dựa vào đâu mà được xếp ngồi ở vị trí hạng ba 1 như thế?"
"Đúng vậy, ông ta chỉ là một cựu sinh viên của trường dựa vào cái gì mà được xếp chỗ ngồi ở trên cả một vài vị hiệu phó như thế chứ?" Diệp Thu Vi phân tích: "Đơn giản thôi, bởi vì địa vị của Lưu Hướng Đông quả thực rất cao.”
Được cô ta nhắc nhở như vậy, tôi ít nhiều đã hiểu ra được một chút. "Phải chăng ý của cô là Đại học C xếp cho ông ta chỗ ngồi như vậy là vì nể mặt Tập đoàn A?"
Cô ta ngồi thẳng người dậy, hai tay để ngang trên hai chân, chậm rãi nói: "Một trường đại học tổng hợp cấp sở mà khi sắp xếp chỗ ngồi lại phải nể mặt một doanh nghiệp tư nhân, từ chuyện này có thể nhìn ra được hai điều: Thứ nhất, Tập đoàn A có một chỗ dựa rất phức tạp và vững chắc; thứ hai, địa vị của Lưu Hướng Đông trong Tập đoàn A nhất định là rất không tầm thường."
Tôi khẽ gật đầu, trầm ngâm nói: "Một học giả mắc chứng ám ảnh sợ xã hội như Lưu Hướng Đông ắt hẳn là không giỏi lắm về quyền mưu, ấy vậy mà lại có được một địa vị không tầm thường trong Tập đoàn A, xem ra nguyên nhân chỉ có thể là ông ta đang nắm trong tay một thứ lợi ích cốt lõi nào đó của tập đoàn này mà thôi."
"Khi đó tôi cũng có phán đoán như vậy." Diệp Thu Vi nói: "Nhưng con người Lưu Hướng Đông không ngờ còn phức tạp hơn so với trong tưởng tượng của tôi."
1. Trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, chỗ ngồi càng ở giữa thì thể hiện địa vị càng cao, ngoài ra chỗ ngồi bên trái được coi trọng hơn chỗ ngồi ở bên phải - ND.
Tôi thoáng lộ vẻ đăm chiêu, gật đầu nói: "Xin hãy tiếp tục đi.
"Kế đến là chi tiết thứ hai." Cô ta lại nói tiếp. "Khi Hiệu trưởng đứng ra phát biểu, Lưu Hướng Đông vốn luôn cúi đầu không ngờ lại ngẩng đầu lên nhìn chằm chằm vào Hiệu trưởng, hai mắt mở to, sáng ngời rạng rỡ hơn trước đó rất nhiều."
"Khi nhìn thấy thứ gì đó mà mình thích, đồng tử của người ta sẽ nở rộng, ánh mắt theo đó mà sáng lên rất nhiều." Tôi bất giác có chút nghẹn lời. "Lẽ nào... ông ta thích Hiệu trưởng? Hình như Hiệu trưởng trường Đại học C là đàn ông đúng không?"
Diệp Thu Vi chợt hỏi tôi: "Anh Trương, anh có con rồi nhỉ? Là con trai hay con gái vậy?"
"Con trai."
"Anh nhất định là từng đưa thằng bé đến cửa hàng đồ chơi rồi. Nếu nó rất muốn có một món đồ chơi nào đó, ánh mắt của nó khi nhìn vào món đồ chơi đó như thế nào?"
"Khao khát." Nhớ đến con trai mình, tôi bất giác nở một nụ cười vui vẻ. "Nếu có thể lấy được thứ đó, nó nhất định sẽ nắm chặt trong tay, còn nếu như không, nó sẽ nhìn chằm chằm vào đó, mắt không chớp lấy một lần, cực kỳ chăm chú, hơn nữa…” Nói tới đây, tôi hơi dừng lại một chút, nhanh chóng hiểu ra ý của cô ta. “Hơn nữa còn sáng ngời rạng rỡ. Ý của cô là ánh mắt sáng ngời đó của Lưu Hướng Đông không phải xuất phát từ sự yêu thích mà xuất phát từ sự khao khát ư?”
“Sự khao khát bắt nguồn từ niềm yêu thích, nhưng yêu thích chưa chắc đã có thể làm nảy sinh khao khát.” Diệp Thu Vi giải thích. “Khi con người ta thích một thứ gì đó thì sẽ nảy sinh ham muốn chiếm hữu, và chúng ta nói là anh ta có khao khát đối với thứ này. Khi đối mặt với một thứ mà bản thân khao khát sở hữu, con người ta sẽ vô thức sinh ra những sự liên tưởng có liên quan tới nó, hoặc cũng có thể là ảo tưởng. Biểu hiện bên ngoài của tình trạng ảo tưởng này chính là ánh mắt trở nên say sưa. Sau đó, cho dù không thể có được thứ này, chỉ cần ảo tưởng thôi là tâm lý của người đó sẽ nhận được sự thỏa mãn và cảm thấy thư thái, mà biểu hiện bên ngoài của sự thư thái trong tâm lý chính là đồng tử mở rộng, hai mắt sáng lên.”
Tôi vẫn cảm thấy rất khó hiểu. “Nói đi nói lại thì việc đôi mắt của Lưu Hướng Đông sáng lên vẫn là biểu hiện của sự yêu thích và khao khát của ông ta đối với Hiệu trưởng Đại học C mà.”
“Thứ Lưu Hướng Đông yêu thích và khao khát có thể là bản thân Hiệu trưởng, nhưng cũng có thể là một thứ gì đó mà Hiệu trưởng đang sở hữu.” Diệp Thu Vi tiếp tục giải thích. “Tôi tiếp tục quan sát Lưu Hướng Đông, rồi liền phát hiện ra một chi tiết mới. Ban đầu, lời phát biểu của Hiệu trưởng khá nhạt nhẽo, chẳng qua là điểm lại lịch sử của Đại học C và liệt kê ra một số nhân vật nổi tiếng từng theo học tại trường. Sau khi nói xong những lời này, ông ta bắt đầu nói tới trách nhiệm cụ thể của lãnh đạo trong thời gian kỷ niệm ngày thành lập trường. Tôi phát hiện, trong quá trình này, ánh mắt của Lưu Hướng Đông rõ ràng đã sáng hơn trước rất nhiều, chứng tỏ cảm giác thư thái của ông ta đã tăng lên không ít. Sau khi nói xong phần sắp xếp trách nhiệm cụ thể, Hiệu trưởng nói thêm hai phút nữa, có điều lần này lại toàn là những lời nói sáo rỗng, đại ý là hy vọng mọi người ghi nhớ khẩu hiệu của trường, mong rằng hoạt động kỷ niệm ngày thành lập trường lần này thành công tốt đẹp. Trong vòng hai phút này, tuy ánh mắt Lưu Hướng Đông vẫn rạng ngời, nhưng so với trước đó thì rõ ràng là đã ảm đạm đi nhiều.”
Tôi không kìm được nhìn cô ta bằng ánh mắt sợ hãi. “Thật không ngờ ngay đến cả độ sáng của ánh mắt mà cô cũng có thể phân biệt rõ ràng như vậy…Có điều, sau khi trải qua bước ngoặt tâm lý lần đó, điều này đối với cô mà nói đã trở nên rất dễ dàng rồi đúng không?”
“Tôi thực ra cũng đã phải cố hết sức mình.” Diệp Thu Vi nói. “Tuy tâm lý có những sự biến hóa nhất định nhưng tôi dù sao vẫn là một con người, phân biệt độ sáng của ánh mắt như thế đã là cực hạn mà tôi có thể làm được.”
Tôi đưa mắt nhìn thoáng qua đôi mắt của cô ta, rồi nhanh chóng cúi đầu xuống. “Xin hãy tiếp tục đi.”
“Nhìn vào sự biến hóa trong độ sáng ánh mắt của Lưu Hướng Đông mà xét, thứ ông ta thích không phải là bản thân Hiệu trưởng, mà là một thứ nào đó Hiệu trưởng nắm giữ." Diệp Thu Vi tiếp tục giải thích: "Rất hiển nhiên, thứ này từ đầu đến cuối luôn nằm trên người Hiệu trưởng, mà khi Hiệu trưởng tuyên bố phần an bài trách nhiệm cụ thể của các lãnh đạo trong thời gian diễn ra hoạt động kỷ niệm ngày thành lập trường thì nó được thể hiện ở mức lớn nhất. Anh Trương..." Cô ta đưa mắt nhìn tôi chăm chú. "Theo anh thì đó là thứ gì?"
Tôi suy nghĩ suốt một hồi lâu rồi mới thử đưa ra phán đoán của mình: “Là quyền lực ư?"
"Rất có thể là quyền lực." Ánh mắt đột nhiên hơi sáng lên một chút, Diệp Thu Vi dường như rất hài lòng với phán đoán này của tôi. "Vừa nãy tôi đã nói rồi, khi con người ta khao khát một thứ gì đó thì sẽ vô thức nảy sinh những sự ảo tưởng có liên quan. Ảo tưởng có thể làm tâm lý thỏa mãn, từ đó khiến con người ta cảm thấy thoải mái, ánh mắt thì sáng rực lên. Nói cách khác, trong trạng thái khao khát, việc đôi mắt sáng lên có liên quan mật thiết tới sự ảo tưởng. Cảm giác thỏa mãn do ảo tưởng mang tới càng mãnh liệt thì sự thoải mái sau đó sẽ càng mãnh liệt, và ánh mắt cũng sẽ càng sáng hơn... Đương nhiên, sự dãn nở của đồng tử không phải là không có giới hạn."
Tôi vừa ghi chép vừa dựa theo dòng suy nghĩ của cô ta mà phân tích: "Tôi hiểu rồi. Việc phát biểu trong nghi thức khởi động của một hoạt động quy mô lớn như thế thể hiện rõ quyền uy của Hiệu trưởng, mà phần an bài trách nhiệm của các lãnh đạo thì lại càng thể hiện quyền uy tới mức tận cùng. Thứ mà Lưu Hướng Đông khao khát chính là quyền lực mà Hiệu trưởng trường Đại học C đang nắm giữ." Nói tới đây, tôi không kìm được hơi cau mày lại. "Nhưng ông ta là một học giả chỉ biết chuyên tâm nghiên cứu khoa học, thậm chí còn mắc chứng ám ảnh sợ xã hội nữa, lẽ nào lại cũng khao khát quyền lực?"
"Cho nên vừa rồi tôi mới nói ông ta phức tạp hơn so với trong tưởng tượng của tôi." Diệp Thu Vi lại kể tiếp. “Tóm lại, đây là những phân tích và phán đoán bước đầu của tôi về ông ta. Sau khi Hiệu trưởng phát biểu xong, Hiệu phó thường trực liền lên giới thiệu về các hạng mục cụ thế cũng như quy trình của hoạt động kỷ niệm, trong thời gian này, Lưu Hướng Đông lại khôi phục bộ dạng như trước đó 1à một mực cúi đầu, thỉnh thoảng ngẩng lên thì hoặc là ánh mắt vật vờ bất định, hoặc là quay sang nhìn và nói chuyện với Hiệu trưởng. Sau khi Hiệu phó thường trực nói xong thì đến lượt Lưu Hướng Đông thay mặt các cựu sinh viên của trường lên phát biểu. Ông ta cầm giấy đi lên bục phát biểu, sau đó bắt đầu đọc từng câu từng chữ, ngữ điệu đều đều không mang một chút tình cảm nào, thậm chí thỉnh thoảng còn nói lắp vài câu nữa."
Tôi khẽ gật đầu. "Xem ra phán đoán ban đầu của cô là chính xác, ông ta bị mắc chứng ám ảnh sợ xã hội rất nghiêm trọng."
"Trong quá trình này tôi còn phát hiện ra một chi tiết mới." Diệp Thu Vi nói. "Khi phát biểu, cứ khi nào nói lắp là ông ta lại đưa tay lên sờ răng cửa của mình. Trong quãng thời gian phát biểu kéo dài năm phút, ông ta tổng cộng đã sờ hai mươi ba lần, bình quân chưa tới mười lăm giây một lần.”
Tôi vô thức đưa tay lên sờ răng cửa của mình một chút rồi bèn cười gượng, nói: "Ở trước mặt bao nhiêu người mà làm ra hành vi như vậy thì hình như không được lịch sự cho lắm thì phải." Sau đó tôi lại hơi ngẩn ra, thử hỏi dò: "Ông ta còn mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế nữa ư?"
"Chỉ cần đưa tay lên sờ răng cửa một chút ông ta liền tạm thời loại bỏ được sự căng thẳng, từ đó tiến vào trạng thái buông lỏng." Diệp Thu Vi nói. "Nhìn vào hiệu quả loại trừ lo lắng mà xét, ông ta quả thực rất có khả năng mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế."
Tôi đưa tay sờ cằm, trầm ngâm nói: "Xem ra, điều này hẳn sẽ trở thành một trong những điểm mấu chốt để sau này cô có thể khống chế ông ta trong lòng bàn tay."
Diệp Thu Vi nở một nụ cười tuy rõ ràng nhưng lại khá phức tạp, rồi kể tiếp: "Những điều kể trên chính là toàn bộ tin tức mà tôi quan sát được trong quá trình diễn ra nghi thức khởi động. Đến tối hôm đó, trong nhà ăn dành cho nhân viên nhà trường có tổ chức một bữa tiệc giao lưu học thuật. Đương nhiên, Phương Tự Lập đã lại giúp tôi kiếm được giấy mời tham dự. Bữa tiệc chính thức bắt đầu vào lúc sáu giờ, Phương Tự Lập dẫn tôi đến ngồi vào một góc của hội trường, mấy giáo viên ngồi cùng bàn không ngừng nói đùa với Phương Tự Lập, hiển nhiên đều nghĩ rằng tôi là hồng nhan tri kỷ của anh ta. Phương Tự Lập đã có gia đình, do đó không ngừng giải thích rằng chúng tôi chỉ là bạn, nhưng tôi có thể nhìn ra được, anh ta hiển nhiên là có ham muốn về thể xác đối với tôi."
Tôi nói "Nếu anh ta thực sự là một người đàn ông, không có ham muốn thì mới là điều bất thường đấy."
Diệp Thu Vi bình tĩnh nói: "Hiệu trưởng không tham dự bữa tiệc đó, có lẽ là để tránh những rắc rối không cần thiết. Khi bữa tiệc bắt đầu, Lưu Hướng Đông ngồi cùng bàn với mấy vị lãnh đạo của trường. Tôi để ý thấy người ngồi bên tay trái ông ta là Hiệu phó thường trực, song người ngồi bên tay phải thì không ngờ lại là một người đàn ông trẻ tuổi. Phương Tự Lập rất nhanh đã nói cho tôi biết, người đàn ông đó tên là Lưu Trí Phổ, là con trai của Lưu Hướng Đông."
Tôi hỏi: "Con trai ông ta làm việc ở Đại học C ư?"
"Đúng vậy." Diệp Thu Vi nói. "Khi đó có đông người, Phưong Tự Lập không nói rõ, chỉ bảo rằng Lưu Trí Phổ cũng là giáo viên trong trường. Khi nhắc đến Lưu Trí Phổ, anh ta vô thức nheo mắt lại, đôi môi mím chặt, khóe môi nhếch ra và hơi trĩu xuống, mũi bật hơi khá mạnh, hiển nhiên là mang lòng bất mãn và xem thường."
"Chắc là ghen tị rồi, Lưu Hưóng Đông ắt hẳn đã dọn sẵn cho con trai mình một con đường tiến thân bằng phẳng." Tôi suy nghĩ một chút rồi nói: "Ai cũng nói Lưu Hướng Đông là người kín tiếng, nhưng trong một bữa tiệc giao lưu học thuật như vậy mà ông ta lại để con trai ngồi cùng bàn với mình, thế thì đâu còn gọi là kín tiếng được."
Diệp Thu Vi lại kể tiếp: "Sau khi các vị lãnh đạo lần lượt phát biểu, bữa tiệc chính thức bắt đầu. Lúc tám giờ, Hiệu phó thường trực đi chúc rượu từng bàn, sau đó thì tới lượt Lưu Hướng Đông."
Tôi khẽ "hừ" một tiếng. "Ông ta đâu phải là người của Đại học C, làm như vậy rõ ràng là không thích hợp."
"Khi ông ta đi chúc rượu, tôi để ý quan sát phản ứng của các giáo viên trong trường, nhưng xét từ vẻ mặt cũng như động tác của bọn họ, phần lớn mọi người thậm chí còn kính trọng Lưu Hướng Đông hơn cả Hiệu phó thường trực.” Diệp Thu Vi phân tích: "Kết hợp điều này với việc sắp xếp vị trí ngồi trong nghi thức khởi động, tôi cảm thấy, Lưu Hướng Đông tuy sớm đã rời khỏi Đại học C, nhưng giữa ông ta và Đại học C vẫn có những mối liên hệ nội tại vô cùng sâu sắc."
Tôi lẳng lặng gật đầu.
Diệp Thu Vi lại nói tiếp: "Ngồi cùng bàn với tôi khi đó toàn là các giáo viên trẻ, tuổi tác chỉ vào chừng xấp xỉ ba mươi. Sau khi qua đó, Lưu Hướng Đông đã nói ra những lời như thế này: "Các bạn ai nấy đều trẻ tuổi tài năng, việc xây dựng Đại học C không thể thiếu sự cố gắng của các bạn, tương lai của Đại học C nằm cả trong tay người trẻ tuổi, những chương sử vẻ vang mới của Đại học C đang chờ các bạn viết ra, công cuộc giáo dục của nước nhà còn cần các bạn vô tư cống hiến. Tôi thay mặt các cựu sinh viên thuộc đủ tầng lớp trong xã hội mời các bạn một chén, các bạn xin hãy cứ tự nhiên." Khi đó ông ta đã uống không ít rượu, do đó không hề tỏ ra quá căng thẳng như trong nghi thức khởi động. Có điều, dù như thế nhưng ông ta vẫn nói lắp một lần, đồng thời đưa tay lên sờ răng cửa.”
“Trong trường hợp như thế mà vẫn không kiềm chế được bản thân, xem ra ông ta quả thực mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế rồi.” Tôi phân tích.
“Vẫn chưa thể tùy tiện đưa ra kết luận được, hơn nữa đây cũng không phải là điểm mấu chốt.” Diệp Thu Vi nói: “Điểm mấu chốt là những lời mà ông ta đã nói. Tôi phát hiện trong khi chúc rượu, ông ta tổng cộng đã ngắt nghỉ sáu lần, cho nên lời chúc có thể chia làm bảy câu, trong đó có sáu câu dùng cách xưng hô “các bạn”, chỉ có một câu là dùng cách xưng hô “người trẻ tuổi”.”
Tôi không hề ghi lại lời chúc rượu của Lưu Hướng Đông, thế là liền ngượng ngùng nói: “Nguyên văn lời chúc của ông ta là gì, cô có thể nói lại một lượt không?”
Diệp Thu Vi nói lại một lần nữa, tôi cẩn thận ghi không sót một chữ vào trong sổ tay, sau đó trầm ngâm nói: “Quả thực, tổng cộng có bảy câu nói mà chỉ có câu thứ ba là dùng cách xưng hô “người trẻ tuổi”, mấy câu còn lại thì đều là “các bạn”. Nhưng, chuyện này chứng tỏ được điều gì chứ?”
“Trong tình huống bình thường, cách xưng hô luôn có tính nhất quán trong thời gian ngắn, sự thay đổi đột ngột có thể phản ánh ra những biến hóa vi diệu trong tâm lý của người nói. “Cô ta giải thích. “Chẳng hạn như trong một lần trò chuyện về nghiệp vụ, nhân viên ngân hàng vốn luôn gọi khách hàng là “ngài”, nhưng trong một câu nói lại đột ngột đổi cách xưng hô thành “anh”, điều này chứng tỏ câu nói trước đó của khách hàng có thể đã khiến anh ta (hoặc cô ta) cảm thấy không vui. Lại như khi anh nói chuyện với một người bạn nào đó của anh, bạn anh luôn dùng cách xưng hô “cha tôi” để nói tới cha mình, nhưng tới một câu nói thì đột nhiên lại đổi sang dùng “phụ thân tôi”, điều này chứng tỏ chuyện mà các anh nhắc tới trước đó, hoặc cũng có thể là một suy nghĩ nào đó, một đoạn ký ức nào đó trong lòng anh ta đã khơi dậy niềm kính trọng của anh ta với cha mình. Còn có một ví dụ khác thường thấy hơn, đó là khi các cặp tình nhân cãi nhau, ban đầu họ còn gọi nhau là “anh”, “em”, nhưng khi cơn giận đạt tới một mức độ nào đó, những từ như là “mày”, “tao”, thậm chí là tục hơn nữa, đều có thể được sử dụng. Tóm lại, đối với người bình thường, sự thay đổi đột ngột trong cách xưng hô với người khác chính là cột mốc đánh dấu rõ ràng cho sự biến hóa trong tâm lý.”
Tôi khẽ gật đầu.
“Lưu Hướng Đông đã nói những lời chúc rượu đó trong một khoảng thời gian chừng hai mươi giây.” Diệp Thu Vi tiếp tục phân tích: “Trong vòng hai mươi giây mà phải nói ra những lời như vậy, người bình thường tuyệt đối không có đủ tâm sức để suy nghĩ quá sâu về nội dung của những điều mình nói. Hay nói cách khác, bảy câu nói đó cùng với cách xưng hô bên trong về cơ bản đều được nói ra một cách vô thức. Tổng hợp những điều này lại có thể đoán ra được, sự xuất hiện đột ngột và ngắn ngủi của cách xưng hô “người trẻ tuổi” đã phản ánh một biến hóa nhỏ bé nào đó trong tiềm thức của Lưu Hướng Đông.”
Tôi bất giác rơi vào trầm tư.
“Sự biến hóa của tiềm thức có liên quan tới ám thị.” Diệp Thu Vi lại nói tiếp: “Nhưng khi đó, chỉ có bản thân ông ta đang nói lời chúc rượu, những người khác đều không nói chen vào một câu nào, thậm chí còn chẳng dám có động tác gì quá lớn, cho nên, sự ám thị này có lẽ là do Lưu Hướng Đông tự tạo ra cho mình, và đó là một hành vi tự kỷ ám thị. Khi đó ông ta đang nói, cho nên sự tự kỷ ám thị này nhất định là có nguồn gốc từ lời nói của ông ta - những lời chúc rượu được nói ra trước khi ông ta đột nhiên thay đổi cách xưng hô."
"Tương lai của Đại học C nằm cả trong tay người trẻ tuổi." Tôi nhìn chằm chằm vào phần ghi chép trong sổ tay, sau khi suy nghĩ một lát bèn trù trừ hỏi: "Nguồn gốc của sự tự kỷ ám thị của ông ta chính là cụm từ "tương lai của Đại học C ư?"
"Hoàn toàn chính xác." Diệp Thu Vi bình tĩnh nhìn tôi. "Trong bảy câu nói liền mạch đó, cách xưng hô chỉ thay đổi trong câu thứ ba, ngay sau khi cụm từ "tương lai của Đại học C" được nói ra khỏi miệng. Điều này chứng tỏ "tương lai của Đại học C" đã tạo thành một sự tự kỷ ám thị đối với Lưu Hướng Đông, từ đó khiến cho ông ta phải thay đổi cách xưng hô. Dựa theo đó mà suy luận, trong tiềm thức, Lưu Hướng Đông cho rằng tương lai của Đại học C không hề nằm trong tay "các bạn" - cũng tức là những giáo viên trẻ tuổi đang ngồi cùng bàn với tôi, mà nằm trong tay "người trẻ tuổi". Nói cách khác, trong tiềm thức của ông ta, "người trẻ tuổi" và "các bạn" có sự khác biệt rõ ràng, hai cách xưng hô ấy được dùng để chỉ những người khác nhau.”
"Những người khác nhau…' Tôi sững người, vô thức đưa tay lên một chút, sau đó lại vội vàng bỏ xuống, chăm chú nhìn cô ta. "Chẳng lẽ "người trẻ tuổi" ở đây chính là con trai ông ta?"
"Đây cũng là phản ứng đầu tiên của tôi." Diệp Thu Vi nói. "Thản nhiên để con trai ngồi cùng bàn với mình và các lãnh đạo của nhà trường, đó chẳng phải là biểu hiện của việc coi con trai là "tương lai của Đại học C" ư? Để chứng thực suy đoán này của mình, sau khi việc chúc rượu kết thúc, tôi cố tình kéo Phương Tự Lập qua một bên, hỏi han tỉ mỉ anh ta về Lưu Trí Phổ. Phương Tự Lập lén nói cho tôi biết, chuyện học tập và công việc của Lưu Trí Phố đều có rất nhiều vấn đề: Lưu Trí Phổ sinh năm 1985, đến năm 2004 mới bắt đầu học đại học, thế mà tới năm 2006 đã lấy được bằng thạc sĩ chuyên ngành hóa học rồi, đến năm 2007 thì trở thành giảng viên chính thức. Quá trình này một người bình thường phải mất tới mười năm mới có thể hoàn thành, thế mà anh ta chỉ cần có ba năm. Cùng với đó, anh ta tuy vào biên chế theo diện giáo viên, vậy nhưng thường ngày lại chỉ làm công việc hành chính là chủ yếu. Anh ta làm việc ở phòng hồ sơ thuộc ban Giáo vụ, về cơ bản chưa từng tham gia giảng dạy bao giờ, thế mà lại có mười mấy bài luận văn học thuật chất lượng rất cao được đăng trên tạp chí CN. Anh ta cũng chưa từng tham gia bất cứ hạng mục nghiên cứu khoa học cấp tỉnh trở lên nào, ấy vậy mà lại có hai bằng phát minh sáng chế cấp quốc gia và một giải thưởng thành quả khoa học kỹ thuật cấp tỉnh. Nghe nói, hồi năm 2009 anh ta thiếu chút nữa đã được đặc cách phong hàm Phó Giáo sư."
Tôi không kìm được hít sâu một hơi. "Nếu đằng sau những việc này đều có một bàn tay mờ ám, vậy thì chủ nhân của bàn tay ấy lớn gan quá rồi thì phải? Lưu Hướng Đông chấp nhận vì con trai mình mà mạo hiểm như thế ư?"
"Không chỉ lớn gan, tâm tư Lưu Hướng Đông cũng rất tinh tế nữa, ngoài ra sau lưng ông ta còn có một chỗ dựa vững vàng." Diệp Thu Vi nói. "Tình trạng thật sự của Lưu Trí Phổ chỉ có rất ít người biết mà thôi, hơn nữa vì tiền đồ và lợi ích của bản thân, những người đó ắt sẽ chẳng đi nói lung tung ra ngoài. Một vị Giáo sư của Học viện Hóa học công nghiệp khi viết luận văn thay Lưu Trí Phổ có nhờ Phương Tự Lập giúp đỡ không ít, Phương Tự Lập vì thế mới biết được những tin tức này. Còn trong mắt phần lớn các sinh viên và giáo viên của Đại học C, Lưu Trí Phổ chính là một thiên tài trăm năm khó gặp, cũng là niềm tự hào và tương lai của Đại học C."
Những thông tin này đã lại một lần nữa khiến tôi mở mang kiến thức.
"Mắc chứng ám ảnh sợ xã hội, vậy mà lại có thể hô mưa gọi gió trong giới giáo dục để rồi làm ra một chuyện đổi trắng thay đen thế này." Tôi không kìm được cất lời cảm thán: "Xem ra Lưu Hướng Đông quả là phức tạp."
Diệp Thu Vi lại kể tiếp: "Lúc chín giờ tối, bữa tiệc về cơ bản đã kết thúc, các giáo viên tới tham dự cho đủ số sớm đã rời đi quá nửa, tôi và Phương Tự Lập vẫn ở lại hội trường tiếp tục trò chuyện. Khi chúng tôi đang tán gẫu vẩn vơ, Lưu Trí Phổ đi tới vỗ vai Phương Tự Lập, lại nhìn thoáng qua tôi một chút rồi khẽ cười, nói: "Muộn thế này rồi mà anh Phương còn có vẻ hào hứng quá nhỉ! Nếu để chị dâu nhìn thấy cảnh anh trò chuyện với một chị gái xinh đẹp thế này, sau khi quay về anh nhất định sẽ phải ngủ ở xô pha cho mà xem." Dứt lời lại quay sang nhìn tôi và hỏi: "Chẳng hay chị gái xinh đẹp này là ai vậy?" Phưong Tự Lập vội vàng giải thích: "Là bạn cũ của anh, vì cô ấy rất ngưỡng mộ Giáo sư Lưu nên anh mới dẫn cô ấy qua đây. Trí Phổ, để anh giới thiệu với chú, đây là Diệp Thu Vi đừng thấy người ta trẻ tuổi mà nhầm, thực ra cô ấy đã là Phó Giáo sư của Đại học Z rồi đấy." Lưu Trí Phổ bắt tay tôi, lại kéo ghế ngồi xuống, tỏ ra rất có hứng thú với tôi. Mới lần đầu gặp mặt, chúng tôi đương nhiên không tránh khỏi phải tâng bốc nhau một chút. Tôi gọi Lưu Trí Phổ là "Thiên tài ngàn năm hiếm gặp", anh ta tỏ ra rất vui sướng, sau khi trò chuyện một lát liền xin số điện thoại của tôi. Không lâu sau, Lưu Hưóng Đông quay qua phía bàn tôi mà vẫy tay, còn gọi tên Lưu Trí Phổ nữa. Đôi hàng lông mày của Lưu Trí Phổ lập tức trĩu xuống, sắc mặt trở nên cau có khó coi. Cùng lúc ấy, đầu anh ta chẳng chuyển động chút nào, chỉ liếc mắt nhìn thoáng qua cha mình một chút."
"Đó là những biểu hiện của sự chán ghét, khó chịu." Tôi nói. "Anh ta hình như không thích cha mình lắm thì phải."
"Đúng vậy." Diệp Thu Vi nói. "Ngay sau đó, anh ta đã làm ra một động tác cực kỳ thú vị."
Tôi cầm bút lên, nín thở chờ đợi.
"Nhà ăn là một hình chữ nhật nằm trên trục đông tây, còn bàn của tôi thì nằm tại góc đông bắc." Diệp Thu Vi miêu tả: "Vị trí của chúng tôi khi đó được phân bố như thế này: Tôi ngồi ở hướng đông quay mặt về hướng tây, Phương Tự Lập ngồi sát cạnh tôi, mặt quay về hướng tây nam, Lưu Trí Phô’ thì ngồi sát Phương Tự Lập, lưng quay về hướng tây bắc, mặt quay về hướng đông nam, còn bàn lãnh đạo của Lưu Hướng Đông thì nằm ở góc tây nam của nhà ăn, về cơ bản có thể tính là nằm về bên phải của Lưu Trí Phổ. Nghe thấy tiếng gọi của cha mình, Lưu Trí Phổ đứng dậy, thế nhưng lại không đi sang phía bên phải của chiếc ghế mà đi qua bên trái, lại vòng nửa vòng quanh chiếc ghế rồi mới đi về phía cha mình."
"Đây là hành vi né tránh đích đến." Tôi nói. "Điều này thì tôi hiểu. Khi có tâm lý né tránh đối với một người hoặc một vật ở đích đến, con người ta thường sẽ vô thức lựa chọn đi đường vòng."
"Đúng vậy." Diệp Thu Vi nói. "Kết hợp với biểu cảm trên mặt của anh ta trước đó, có thể dễ dàng đoán ra được Lưu Trí Phổ không hề thích cha mình, trong lòng còn có tâm lý né tránh hết sức rõ rệt đối với cha mình nữa."
"Nhìn vào biểu cảm và hành vi của anh ta mà xét thì quả đúng là như vậy." Tôi không khỏi cảm thấy có chút khó hiểu. "Nhưng, Lưu Hướng Đông đã vì anh ta mà phải bỏ ra biết bao nhiêu công sức, tại sao anh ta lại nảy sinh tâm lý né tránh đối với cha mình chứ?"
"Tôi lập tức nhớ tới ánh mắt vật vờ bất định, khi tối khi sáng của Lưu Hướng Đông trong nghi thức khởi động." Diệp Thu Vi nói. "Lưu Hướng Đông khao khát quyền lực, dốc hết tâm sức bồi dưỡng con trai mình, trong tiềm thức còn coi con trai là "tương lai của Đại học C", hiển nhiên là hy vọng con trai có thể thay mình thực hiện ước mơ quyền lực. Ước mơ này không nhỏ chút nào, nếu Lưu Hướng Đông gửi gắm toàn bộ hy vọng lên người con trai, vậy thì con trai ông ta ắt hẳn sẽ cảm nhận được áp lực, mà áp lực một khi lớn tới mức độ nào đó thì tâm trạng né tránh sẽ xuất hiện một cách rất tự nhiên. Khi đó Lưu Trí Phổ chỉ mới hai mươi tư tuổi, quả thực vẫn còn quá trẻ.”
Tôi ghi chép tường tận những điều này lại, không dám bỏ sót chút nào. "Một người thì gửi gắm hy vọng, một người thì né tránh áp lực, sự mâu thuẫn tiềm tàng giữa cặp cha con này hẳn sẽ trở thành một thứ vũ khí quan trọng mà sau này cô cần dùng đến."
Diệp Thu Vi khẽ gật đầu, rồi lại kể tiếp: "Tối đó lúc chia tay, Phương Tự Lập lại nói cho tôi biết một số chuyện khác có liên quan tới Lưu Trí Phổ."
Tôi ngẩng đầu lên. Khi đó, ánh bình minh vừa khéo rọi vào qua ô cửa sổ sau lưng Diệp Thu Vi, chiếu lên bức tường thủy tinh. Tôi nhìn thoáng qua bức tường loang lổ những mảng ánh sáng rực rỡ một chút, rồi lại nhanh chóng cúi đầu, mắt hơi hoa đi.
"Lúc chín rưỡi, Phương Tự Lập lái xe đưa tôi về nhà." Diệp Thu Vi kể tiếp. "Vừa mới lên xe, anh ta đã nói với tôi: "Thu Vi, cậu nhớ phải cẩn thận với Lưu Trí Phổ đấy." Tôi hỏi tại sao lại vậy, anh ta liền đáp Lưu Trí Phổ tính tình không được đứng đắn cho lắm. Tôi lại hỏi thêm cho rõ ngọn ngành, mãi anh ta mới chịu kể lại nguồn cơn mọi sự. Anh ta nói cho tôi biết, đời sống tình cảm của Lưu Trí Phổ rất không ổn định. Đương nhiên, đây chỉ là một cách nói mềm mỏng thôi, ẩn ý bên trong là cuộc sống riêng tư của Lưu Trí Phổ rất hỗn loạn. Kế đó, Phương Tự Lập lại kể cho tôi nghe về chuyện tình cảm của Lưu Trí Phổ: Lưu Trí Phổ thường xuyên thay bạn gái, dịp cao điểm nhất, trong vòng một tháng đã thay tới ba lần. Trong học viện ít nhất cũng có mười mấy giáo viên nữ từng qua lại với anh ta, nghe nói có năm người còn từng có thai với anh ta nữa, nhưng anh ta dường như chưa từng nghĩ đến chuyện kết hôn."
Tôi chậm rãi hít vào một hơi, gật đầu, nói: "Có lẽ anh ta mắc chứng rối loạn nhân cách về phương diện tình cảm và quan hệ xã hội."
"Đây cũng là phản ứng đầu tiên của tôi." Diệp Thu Vi ngẩng đầu lên, chỉnh lại gọng kính một chút, rồi nhìn tôi chăm chú. "Chứng rối loạn nhân cách nhất định là có liên quan tới sự tác động từ cha mẹ. Tôi nghĩ, trực tiếp tiếp xúc với Lưu Hướng Đông chẳng dễ dàng chút nào, bắt tay vào điều tra từ con trai ông ta có lẽ là một lựa chọn sáng suốt hơn."
"Nhìn vào việc có năm người phụ nữ từng mang thai với Lưu Trí Phổ mà xét, một trong những đặc trưng tâm lý trong suy nghĩ về tình dục của anh ta chính là bất chấp hậu quả.” Tôi tiếp tục phân tích: "Hành vi tình dục bất chấp hậu quả phản ánh sự khao khát đến mức bệnh hoạn với tình dục, mà sự khao khát đến mức bệnh hoạn thường đồng nghĩa với sự ỷ lại nghiêm trọng trong tâm lý, sự ỷ lại trong tâm lý thì rất có thể phản ánh sự thiếu tự tin trong việc duy trì tình cảm của anh ta. Anh ta hy vọng có thể xây dựng một mối quan hệ thân mật với nữ giới, nhưng lại chẳng có chút lòng tin nào, thế nên mới vô thức coi tình dục là một phương thức để duy trì quan hệ. Tổng hợp những điều này lại mà xét, trong quá trình trưởng thành, anh ta rất có thể đã từng phải trải qua một sự thiếu thốn về mặt tình cảm ở một mức độ nhất định.”
Diệp Thu Vi nhìn chằm chằm vào tôi, trên mặt vẫn nguyên vẻ bình tĩnh, nhưng trong ánh mắt lại ẩn chứa sự kinh ngạc. Đôi bờ vai hơi lay động, cô ta đưa tay gạt mấy sợi tóc rối ra sau tai, nói một câu mà tôi vẫn thường hay nói: “Xin hãy tiếp tục đi.”
Nghe cô ta nói ra mấy chữ này, tôi không khỏi cảm thấy hơi tức cười, cảm giác bức bối vốn chất chứa trong lòng từ lâu sau nháy mắt đã tan đi hẳn. Tôi khẽ ho một tiếng, cười nói: “Tôi chỉ có thể phân tích được tới mức này thôi.”
Diệp Thu Vi im lặng trong chốc lát, thế rồi hơi cựa quậy người, chậm rãi tựa lưng vào ghế, kể tiếp: “Khi đó tôi cố tình tỏ ra kinh ngạc, nói: “Cậu ta mới chỉ hai mươi tư tuổi thôi, thật không ngờ đã là một cao thủ tình trường như vậy, xem ra tớ đã xem thường cậu ta rồi.” Phương Tự Lập nghiêm túc nói: “Cậu nhất định phải cẩn thận đấy, theo như sự hiểu biết của tớ về cậu ta, sau khi xin được số điện thoại của cậu rồi, cậu ta nhất định sẽ có hành động tiếp theo.” Tôi cố tình làm ra vẻ ngây thơ nói: “Tớ bây giờ đã hơn ba mươi tuổi, lẽ nào cậu ta còn có hứng thú với một người phụ nữ già như tớ sao?” Phương Tự Lập nói: “Đây mới chính là điều tớ lo lắng nhất. Cậu không biết đâu, những người phụ nữ từng qua lại với Lưu Trí Phổ đều lớn tuổi hơn cậu ta, người lớn nhất thậm chí còn là một nữ Giáo sư sinh năm 1965, lớn hơn cậu ta những hai mươi tuổi.”.”
Tôi đưa tay lên mân mê cằm. "Liệu có khi nào anh ta bị mắc chứng mặc cảm Oedipus1 không?"
"Chỉ có thể nói là có khả năng này thôi." Diệp Thu Vi nói. "Tình hình cụ thể thì còn phải kết hợp với những chuyện mà anh ta đã từng trải qua hồi nhỏ thì mới có thể phân tích và phán đoán được. Tôi hỏi Phương Tự Lập là có biết gì về quá trình trưởng thành của Lưu Trí Phổ không, Phương Tự Lập nói là không biết chút nào cả. Tôi lại hỏi về mẹ của Lưu Trí Phổ, Phương Tự Lập liền nói cho tôi biết, mẹ của Lưu Trí Phổ tên là Cát Khánh Hà, là một chuyên gia tâm lý học trẻ em kiêm tác giả viết sách, đã từng xuất bản mười mấy cuốn sách phổ biến khoa học về đề tài tâm lý học trẻ em.”
Tôi khẽ thở dài, nói: "Con trai của chuyên gia tâm lý học trẻ em mà lại xảy ra vấn đề trong quá trình phát triển tâm lý tình dục, đây quả là một chuyện mang đầy tính trào phúng."
"Quả đúng vậy.” Diệp Thu Vi phụ họa một chút sau đó lại kể tiếp: 'Tôi lại hỏi tiếp về mối quan hệ giữa Lưu Trí Phổ và Cát Khánh Hà. Phương Tự Lập ban đầu đáp rằng mình không rõ lắm, nhưng một phút sau đó thì đột nhiên sững người ra trong phút chốc, thế rồi liền kể cho tôi nghe một chuyện. Theo đó hồi cuối năm 2008, anh ta và mấy giáo viên nam có quan hệ khá tốt đã ra ngoài tổ chức liên hoan với nhau, Lưu Trí Phổ cũng nằm trong số đó. Trong lúc dùng bữa, điện thoại của Lưu Trí Phổ liên tục đổ chuông hai lần, nhưng anh ta đều không nghe, sau khi tiếng chuông vang lên lần thứ hai, anh ta còn điều chỉnh điện thoại về chế độ im lặng. Khi đó, Phương Tự Lập ngỡ rằng người gọi tới là một nữ giáo viên nào đó bị Lưu Trí Phổ ruồng rẫy, thế nên cảm thấy khá tò mò. Không lâu sau, màn hình điện thoại của Lưu Trí Phổ lại sáng lên lần nữa, Lưu Trí Phổ ngó qua một chút, nhưng vẫn không bắt máy. Trong khi đó Phương Tự Lập cũng lén lút đưa mắt liếc nhìn, phát hiện trên màn hình điện thoại hiển thị người gọi đến là "Mẹ".
Tôi bất giác trầm ngâm nói: "Mẹ gọi điện thoại tới mấy lần mà vẫn không bắt máy, xem ra quan hệ giữa Lưu Trí Phổ và mẹ anh ta rất có vấn đề."
1. Trong thần thoại Hy Lạp, Oedipus là con trai của nhà vua Laius và hoàng hậu Jocasta thành Thebes (Hy Lạp). Từ trước khi chàng ra đời có một lời sấm cho rằng chàng là người sẽ giết vua cha và cưới mẹ chàng. Vì vậy, Laius lo sợ và ông đã bàn với hoàng hậu là phải giết Oedipus. Cuối cùng, Oedipus lại được giấu đi, và được một người khác nuôi. Khi chàng lớn lên, xứ Thebes gặp một tai họa lớn, có một con nhân sư quái ác thường ra một câu đố oái oăm, ai không trả lời được thì nó xé xác. Vua Laius nghe tin, ông đi tới trả lời câu hỏi của nó, ở đây Oedipus gặp Laius, họ tranh cãi về hướng đi rồi Oedipus giết Laius mà không biết đó là cha của mình, sau đó Creon, anh trai của hoàng hậu Jocasta lên ngôi. Oedipus gặp nhân sư, nó hỏi: "Con gì sáng đi bằng bốn chân, trưa đi bằng hai chân, tối đi bằng ba chân?" Oedipus liền nói: "Đó là con người." Con nhân sư biết mình đã thua, nó đổ xuống bức tường mà chết. Về phần hoàng hậu Jocasta, nhờ mang chiêc vòng thanh xuân nên vẫn giữ lại được sự trẻ trung và nhan sắc của mình. Sau đó Oedipus đã gặp và cưới Jocasta mà không hay biết đó là mẹ chàng rồi lên ngôi vua Thebes. Lời nguyền về việc Oedipus giết cha, cưới mẹ hoàn tất mà chàng không hay biết. Ngày kia, có một hầu cận già của vua Laius đã cho biệt Oedipus là kẻ giết vua cha. Ông đau khổ, khi đó hoàng hậu Jocasta tự tử. Oedipus lấy cái trâm trên đầu hoàng hậu mà chọc đui mù mắt mình và bỏ đi. Oedipus sống trong sự đau khổ đến khi ông chết.
Nhà phân tâm học Sigmund Freud đã mượn truyền thuyết này để đặt tên cho một đặc điểm tâm lý thường thấy ở trẻ nhỏ từ ba đến năm tuổi là mặc cảm Oedipus. Theo từ điển, đây là tập hợp các cảm xúc (thường là vô thức) liên quan đến những mong muốn tình dục của một đứa trẻ (đặc biệt là con trai) đối với bậc phụ huynh khác giới tính của nó, thường đi kèm sự đố kỵ và căm ghét đốì với bậc phụ huynh cùng giới tính – ND
"Đúng vậy.” Diệp Thu Vi nói. "Có điều những lời tiếp theo đó của Phương Tự Lập đã khiến tôi lờ mờ hiểu ra vấn đề rốt cuộc là nằm ở đâu. Anh ta nói, sau khi nhìn thấy chữ "Mẹ" trên màn hình điện thoại, anh ta khẽ hỏi Lưu Trí Phổ: "Trí Phổ, màn hình điện thoại của chú lại sáng rồi kìa, không bắt máy cũng không có vấn đề gì chứ?" Để chứng minh là mình không nhìn trộm, Phương Tự Lập lại vô thức hỏi thêm một câu nữa, rốt cuộc là ai mà gọi điện thoại tới nhiều vậy? Lưu Trí Phổ thẳng thừng tắt điện thoại đi, sau đó lạnh lùng nói, không có gì, chỉ là một người không quen thân lắm mà thôi."
"Không thân quen lắm?" Tôi viết lại mấy chữ này vào trong sổ tay. "Thái độ của Lưu Trí Phổ với mẹ mình rất lạnh lùng, như vậy rõ ràng là mâu thuẫn với chứng mặc cảm Oedipus có khả năng tồn tại."
"Chính nhờ vào sự mâu thuẫn rõ ràng này nên tôi mới nảy ra một dòng suy nghĩ mới." Diệp Thu Vi nói. "Trong quá trình phát triển tâm lý tình dục, chứng mặc cảm Oedipus thực ra là một hiện tượng tâm lý hết sức bình thường. Theo như quan điểm của Sigmund Freud, trẻ con từ lúc ba, bốn tuổi đã bắt đầu có thể phân biệt được hai giới tính, đồng thời có hứng thú với cơ quan sinh dục của người khác giới, từ đó nảy sinh ham muốn tình dục vô thức đối với cha hoặc mẹ của mình, đó chính là chứng mặc cảm Oedipus. Trong tình huống bình thường, do sự sợ hãi đối với người cha hoặc người mẹ cùng giới tính của mình, chứng mặc cảm Oedipus ở trẻ sẽ tiêu giảm dần trong vòng vài năm, giai đoạn đầu của quá trình phát triển tâm lý tình dục cũng theo đó mà kết thúc.” Nói tới đây, cô ta hơi dừng lại một chút rồi hỏi: "Anh Trương, những điều mà tôi nói anh có hiểu được không?"
Tuy không nghiên cứu quá nhiều về bộ môn phân tâm học, vậy nhưng các lý luận về quá trình phát triển tâm lý tình dục của Sigmund Freud thì tôi ít nhiều cũng biết được một chút.
"Tôi hiểu." Tôi khẽ gật đầu, rồi lại một lần nữa trầm giọng nói: "Xin hãy tiếp tục đi."
Cô ta lại kể tiếp: "Sự tiêu giảm của chứng mặc cảm Oedipus bắt nguồn từ sự sợ hãi đối với người cha hoặc người mẹ cùng giới tính của trẻ, do đó, trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển tâm lý tình dục, nếu bé trai mà mất cha, bé gái mà mất mẹ, tâm lý tình dục của trẻ rất có khả năng sẽ mãi mãi dừng lại ở giai đoạn đầu này, và đây cũng chính là nguyên nhân thường thấy nhất khiến cho chứng mặc cảm Oedipus xuất hiện ở người trưởng thành."
Tôi lẳng lặng gật đầu.
"Nhưng các lý luận đã nói ở trên đều được thành lập trên cơ sở là trẻ ít nhất cũng phải có cha hoặc là mẹ." Diệp Thu Vi nói. "Nếu một đứa bé đang ở trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển tâm lý tình dục mà lại mất đi cả cha lẫn mẹ, vậy thì tâm lý của nó sẽ phát triển theo hướng như thế nào đây?"
"Điều này thì tôi chưa từng nghĩ đến bao giờ, nhưng theo lý mà nói, chắc chắn là sẽ xảy ra vấn đề." Tôi vô thức đưa tay lên gãi đầu. "Loại giả thiết này rốt cuộc có ý nghĩa gì đây? Cha mẹ Lưu Trí Phổ đều còn sống cả mà."
"Tôi đâu có nói là họ đã chết." Diệp Thu Vi nói. "Vừa nãy anh cũng phân tích rồi mà, trong quá trình trưởng thành, anh ta rất có thể đã từng phải trải qua một sự thiếu thốn về mặt tình cảm ở một mức độ nhất định."
Tôi sững người, rồi rất nhanh sau đó đã hiểu ra ý của cô ta. "Lẽ nào cô hoài nghi khi Lưu Trí Phổ đang ở trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển tâm lý tình dục, cha mẹ anh ta đều không ở bên cạnh anh ta? Nếu quả thực như thế thì đây có lẽ chính là nguồn cơn gây ra chứng rối loạn nhân cách của anh ta về phương diện tình cảm cũng như quan hệ xã hội."
Diệp Thu Vi khẽ gật đầu, hờ hững nói: "Thứ nhất, đúng như anh đã nói, anh ta rất có thể đã từng phải trải qua một sự thiếu thốn về mặt tình cảm ở một mức độ nhất định. Thứ hai, theo như sự miêu tả của Phương Tự Lập, quan hệ giữa Lưu Trí Phổ và mẹ anh ta không thể coi là tốt. Thứ ba, trong việc lựa chọn bạn tình, Lưu Trí Phổ thể hiện ra một số dấu hiệu của chứng mặc cảm Oedipus. Kết hợp yếu tố thứ nhất và thứ hai lại mà phân tích, trong quá trình trưởng thành, Lưu Trí Phổ rất có thể từng bị tách khỏi mẹ mình một thời gian. Cùng với đó, nếu phân tích theo yếu tố thứ nhất và thứ ba, khi Lưu Trí Phổ đang ở trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển tâm lý tình dục, cha anh ta rất có thể là không ở bên cạnh anh ta. Tổng hợp những điều này lại, Lưu Trí Phổ có lẽ từng phải trải qua một cuộc sống mà cả cha lẫn mẹ đều không ở bên cạnh mình, mà quãng thời gian đó rất có thể chính là vào thời điểm anh ta từ ba đến sáu tuổi, cũng chính là giai đoạn đầu của quá trình phát triển tâm lý tình dục. Dấu hiệu của chứng mặc cảm Oedipus xuất hiện ở anh ta có lẽ bắt nguồn từ một người thân khác ngoài mẹ chẳng hạn như bà nội hoặc là bà ngoại."
Tôi lẳng lặng gật đầu. Hiện nay, các bậc cha mẹ thường vì rất nhiều nguyên nhân mà gửi gắm con cái cho ông bà nội hoặc ông bà ngoại chăm sóc, việc này đã trở thành một hiện tượng xã hội rất phổ biến. Họ đâu hay, giai đoạn phát triển tâm lý quan trọng nhất chính là quãng thời gian trẻ dưới mười hai tuổi, sự xa rời của cha mẹ ắt sẽ dẫn đến việc tâm lý của trẻ không thể phát triển một cách kiện toàn. Muốn làm một người cha hay một người mẹ hợp chuẩn, bạn không thể chỉ nuôi con lớn rồi coi như thôi, còn cần giúp con mình hình thành một tâm lý khỏe mạnh nữa.
Tôi trầm tư suy nghĩ suốt một hồi lâu, cuối cùng thở dài nói: "Xin hãy tiếp tục đi."
"Phân tích đến lúc này, tôi đã có được một sự hiểu biết cơ bản về tình trạng tâm lý của Lưu Trí Phổ, do đó đã sẵn sàng để tiếp xúc với anh ta thêm một lần nữa." Diệp Thu Vi kể tiếp: “Phương Tự Lập đã nói, Lưu Trí Phổ ắt hẳn sẽ chủ động liên lạc với tôi, thế nên điều mà tôi cần làm khi đó chỉ là chờ đợi. Sáng ngày hôm sau, Lưu Trí Phổ quả nhiên đã gửi tin nhắn cho tôi: Chị Thu Vi, đêm qua tôi đã nằm mơ thấy chị đấỵ."
Tôi ngồi thẳng người dậy, khẽ kéo cổ áo một chút, sau đó liền hít sâu một hơi và nhanh chóng thở ra. Nghe thấy việc một người đàn ông khác gửi cho Diệp Thu Vi một tin nhắn ám muội như vậy, tự đáy lòng tôi cảm thấy rất không thoải mái, nhưng khi đó tôi hãy còn chưa ý thức được điều này.
Diệp Thu Vi chăm chú nhìn tôi trong im lặng, một lát sau mới chậm rãi nói: "Để có thể nhanh chóng chứng thực phán đoán của mình, tôi đáp lại: Đêm qua tôi nằm mơ thấy bà ngoại của mình. Anh ta hỏi: Chị rất thân với bà ngoại của mình ư? Tôi trả lời: Đương nhiên, hồi nhỏ tôi đã ở quê với bà ngoại suốt mấy năm liền đấy. Anh ta nhanh chóng gửi tin đến tiếp: Thật trùng hợp, hồi nhỏ tôi cũng từng sống ở quê mấy năm, có điều không phải là với bà ngoại mà là với bà nội. Tôi hỏi anh ta: Cậu sống với bà nội ở quê hồi mấy tuổi vậy?Anh ta trả lời: Từ hồi ba tuổi rưỡi tới tận khi vào lớp một.”
"Trẻ con vào lớp một thường là lúc sáu hoặc bảy tuổi." Tôi nói: "Xem ra quãng thời gian anh ta sống ở quê vừa hay bao trọn giai đoạn đầu của quá trình phát triển tâm lý tình dục." ' .
"Đúng thế." Diệp Thu Vi nói: "Tôi lại nhắn cho anh ta một tin nhắn nữa: Ông bà nội cậu nhất định đều rất thương yêu cậu đúng không? Anh ta trả lời: Ông nội tôi mất từ lúc tôi còn chưa ra đời cơ. Trong mấy năm sống ở quê, chỉ có bà nội chăm sóc cho tôi thôi.”
"Thì ra là thế trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển tâm lý tình dục anh ta đã sống với bà nội của mình, lại không có sự can thiệp từ ông nội hoặc những người thân cùng giới khác, thế là sự phát triển của tâm lý tính dục đã dừng lại tại giai đoạn đó." Tôi khẽ gật đầu, nhưng rồi ngay sau đó lại nảy sinh một điều nghi vấn mới. "Cha mẹ anh ta đều là người có học thức, tại sao không những không đón mẹ mình lên thành phố sống cùng mà còn vứt con về quê cho bà nội trông nom suốt mấy năm liền như thế chứ?"
"Tôi cũng đã hỏi chuyện này rồi." Diệp Thu Vi nói "Nhưng Lưu Trí Phổ căn bản không chịu trả lời. Mãi đến mười một giờ sáng anh ta mới gọi điện thoại cho tôi, hẹn tôi buổi trưa ra ngoài ăn cơm."
Tôi lại một lần nữa đưa tay lên kéo cổ áo, cảm thấy trong cổ họng như bị mắc một thứ gì đó, hết sức khó chịu.
"Tôi giả bộ thoái thác mấy lần, cuối cùng mới chấp nhận lời mời của anh ta." Diệp Thu Vi nói. "Lúc mười một rưỡi, chúng tôi gặp nhau trong một nhà hàng Trung Quốc. Anh ta cao khoảng một mét bảy bảy, vóc người hơi gầy, mái tóc khá dài, có dấu hiệu từng được hấp, làn da thì rất trắng, nhưng hơi thô ráp. Ánh mắt anh ta thoạt nhìn toát ra vẻ lạnh lùng, vậy nhưng tại nơi sâu trong đồng tử thì lại ánh lên những tia sáng rực. Hơi thở của anh ta rất nhẹ, phần lớn thời gian đều cười không hở răng. Xét về tổng thể, đó là một con người tuy nội tâm nóng bỏng nhưng lại cố kìm nén bản thân."
Tôi vừa ghi chép vừa lặng lẽ gật đầu.
"Trong khi chờ thức ăn được đưa lên, chúng tôi trò chuyện qua loa với nhau một chút. Anh ta một mực cúi đầu, chỉ thỉnh thoảng mới lén đưa mắt nhìn tôi, bộ dạng hệt như một bé trai vừa mới chớm nụ tình.” Diệp Thu Vi kể tiếp: "Để làm dịu bớt sự lúng túng của anh ta, tôi chủ động nhắc tới rất nhiều chuyện, nhưng phần lớn thời gian anh ta chỉ lắng nghe và phụ họa theo, rất ít khi đưa ra ý kiến của riêng mình. Trong khi nói chuyện, hai tay anh ta không ngừng cọ vào nhau, hơi thở rõ ràng đã trở nên dồn dập hơn trước đó rất nhiều, sắc mặt thì từ trắng biến thành ửng đỏ.”
"Bị động, cẩn thận, lo lắng.” Tôi vừa viết những từ này vào sổ tay, vừa gật đầu nói: "Nếu trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển tâm lý tình dục mà xảy ra vấn đề, đứa trẻ sau khi trưởng thành rất có thể sẽ xuất hiện tình trạng tự ti hoặc tự tin quá độ khi đối mặt với người khác giới.” Tôi suy nghĩ một chút rồi lại hỏi: "Khi nói chuyện với cô trong bữa tiệc hôm trước, anh ta có tỏ ra như vậy không?"
"Hoàn toàn không." Diệp Thu Vi nói. "Trong bữa tiệc đó, khi trò chuyện với tôi, anh ta tỏ ra rất nhiệt tình, thẳng thắn và bộc trực, rõ ràng là một cao thủ xã giao, căn bản chẳng giống với mọi ngừơi ở trong nhà hàng chút nào.”
"Thế thì lạ thật." Tôi nói. "Sự khác biệt như thế hình như lớn quá rồi thì phải?"
"Chuyện này thực ra không hề khó giải thích." Diệp Thu Vi phân tích: "Sự biểu hiện tiền hậu bất nhất của một người trong việc giao tiếp thông thường có liên quan tới hoàn cảnh và đối tượng. Trong bữa tiệc và trong nhà hàng, đối tượng giao tiếp của anh ta đều là tôi, do đó vấn đề tất nhiên là nằm ở hoàn cảnh. Sau khi so sánh và phân tích kĩ càng, tôi phát hiện sự khác biệt lớn nhất trong hai hoàn cảnh giao tiếp chính là con người: Trong bữa tiệc kia có mặt Phương Tự Lập, còn trong nhà hàng thì không.”
"Ồ.” Tôi ít nhiều đã hiểu ra được một chút. “Ý cô là Phương Tự Lập đã mang lại cho anh ta sự tự tin khi giao tiếp với người khác giới ư?"
"Không phải Phương Tự Lập, mà là giới tính của Phương Tự Lập.” Diệp Thu Vi nói. "Hơn một tiếng đồng hồ đầu tiên trong bữa tiệc, Lưu Trí Phổ vẫn luôn ngồi ở bàn lãnh đạo. Khi đó, ở bàn lãnh đạo cũng có hai người là nữ, trong đó có một người còn ngồi ngay sát Lưu Trí Phổ, nhưng Lưu Trí Phổ không những không hề tỏ ra lo lắng, còn ung dung trò chuyện với vị lãnh đạo nữ đó. Lúc ấy Phương Tự Lập không hề ở bên anh ta, do đó người mang lại sự tự tin để anh ta giao tiếp với người khác giới có lẽ chính là Lưu Hướng Đông cùng với mấy người đàn ông khác ngồi cùng bàn.”
Tôi thay cô ta đưa ra lời tổng kết sơ lược: "Như vậy xem ra vì vấn đề xuất hiện trong quá trình phát triển tâm lý tình dục mà khi phải đối mặt với nữ giới, Lưu Trí Phổ sẽ nảy sinh tâm lý tự ti, từ đó cảm thấy lo lắng, nhưng nếu có những người đàn ông khác - đặc biệt là người quen của anh ta - ở bên cạnh, anh ta sẽ tỏ ra hết sức tự tin."
Diệp Thu Vi im lặng một chút rồi mới nói: "Đại khái là như vậy.”
"Đúng là một hiện tượng tâm lý thú vị." Tôi nói. "Xin hãy tiếp tục đi."
"Để có thể làm rõ trạng thái tâm lý của anh ta, tôi đã chuyển dần chủ đề sang người thân và gia đình." Diệp Thu Vi hờ hững nói: "Anh ta tỏ ra rất có hứng thú với chủ đề này, nhưng bởi vì căng thẳng và lo lắng nên khi nói chuyện, anh ta rất hay bị vấp. Tôi cố gắng tỏ ra dịu dàng và dễ gần hết mức có thể, nhưng vẫn không cách nào loại trừ được sự căng thẳng của anh ta. Sau khoảng bảy, tám phút, khi tôi đang không biết nên làm thế nào, anh ta bỗng thay đối hẳn, không chỉ không còn căng thẳng nữa, mà còn tỏ ra hết sức tự tin. Trước đó, tôi vẫn luôn là người gợi chuyện vậy nhưng bắt đầu từ khoảnh khắc ấy, bàn ăn liền trở thành bục diễn giảng của anh ta."
Tôi hỏi vẻ khó hiểu: "Anh ta đột ngột thay đổi ư? Tại sao lại như vậy?"
"Tôi nhanh chóng nhớ lại những lời nói, cử chi của mình trước đó cùng với các phản ứng của anh ta, thế rồi rất nhanh sau đó đã phát hiện ra điểm mấu chốt khiến anh ta thay đổi." Diệp Thu Vi uống một ngụm nước, chậm rãi nói: "Việc anh ta đột ngột thay đổi bắt nguồn từ một cử chỉ vô ý của tôi. Khi đó, tôi gắp cho anh ta một miếng khoai từ, đồng thời tiện miệng nói: "Sang thu rồi, ăn khoai từ rất tốt cho sức khỏe, có thể giúp nhuận phế sinh tân1.” Lời của tôi còn chưa dứt thì anh ta đã nhìn chằm chằm vào tôi, những tia sáng ẩn sâu trong mắt bừng lên rạng rỡ, thân thể sau nháy mắt đã hoàn toàn buông lỏng.”
Tôi viết vào sổ tay hai chữ "khoai từ".
"Sau khi nhớ lại chi tiết này, tôi tìm cơ hội chuyển chủ đề qua khoai từ." Diệp Thu Vi lại nói tiếp. "Tôi hỏi anh ta là có phải anh ta thích ăn khoai từ không, anh ta liền đáp là rất thích. Tôi truy hỏi nguyên nhân, anh ta trả lời rằng khoai từ khiến anh ta nhớ đến bà nội của mình. Tôi lại gắp cho anh ta một miếng khoai từ nữa, đồng thời nói ra những lời mà khi nãy mình vừa mới nói, thế là ánh mắt của anh ta liền nhanh chóng sáng lên, cứ như thế có hai ngọn lửa đang cháy hừng hực bên trong vậy, kèm với đó còn là một nụ cười vô cùng hạnh phúc bên khóe môi. Anh ta bỏ miếng khoai từ đó vào miệng và bắt đầu nhai, rồi kể cho tôi nghe một câu chuyện
1- Lời trong Đông y, nghĩa lằ bôi trơn cho phổi, làm sinh nước bọt - ND.
Hồi nhỏ anh ta sống với bà nội ở quê đó là một xóm núi nhỏ ở khu vực phía bắc của tỉnh, vô cùng hẻo lánh, cửa tiệm gần nhất cũng phải cách đó tới cả năm cây số. Mùa thu năm 1990, Lưu Trí Phổ đột nhiên mắc một căn bệnh lạ, đó là ban ngày cứ ho khan không ngừng, toàn thân đều kiệt sức, đến tối thì không sao ngủ được. Một ông cụ có chút hiểu biết về Đông y trong xóm đã xem bệnh cho anh ta, nói rằng anh ta bị mắc chứng phế âm hư1, còn kê đơn thuốc, nhưng lại không thể cung cấp dược liệu. Không còn cách nào khác, bà nội đành cõng Lưu Trí Phổ lên núi tìm thuốc, đến cuối cùng thuốc thì không tìm được, nhưng lại đào được một củ khoai từ dại. Bà nội nấu cho Lưu Trí Phổ một nồi cháo khoai từ, còn nói với anh ta: "Trí Phổ, sang thu rồi ăn khoai từ rất tốt cho sức khỏe, có thể giúp nhuận phế sinh tân." Sau khi ăn cháo xong, Lưu Trí Phổ quả nhiên đã có thể ngủ một cách ngon lành, sang ngày thứ hai thì không còn ho nữa. Để cháu nội mình có thể khỏe hẳn, suốt mấy ngày sau đó bà nội anh ta đều lên núi đào khoai từ, có một lần khi xuống núi đã không cẩn thận trượt chân ngã xuống khe núi, thắt lưng bị đập vào đá, kể từ đó liền bị chứng bệnh đau thắt lưng hành hạ. Đến năm 1992, bà cụ qua đời vì bệnh thận, thế là cha mẹ Lưu Trí Phổ mới đón anh ta về nuôi.”
1. Phế âm hư tức là chứng âm hư ở phổi. Còn về âm hư thì theo Đông y, cơ thể người được cấu thành từ hai bộ phận âm dương/ âm dương phải cân bằng thì con người ta mới có thể khỏe mạnh, âm hư tức là phần âm bị hư tổn. Trong trường hợp này, một trong các căn nguyên gây ra chứng phế âm hư chính là âm dịch không đủ, mà âm dịch ờ đây chính là tân dịch tức nước bọt - ND.
"Vậy thì chẳng trách.” Tôi thở dài, nói. "Đối với Lưu Trí Phổ, khoai từ là vật tượng trưng cho tình yêu cao cả của bà nội. Cô gắp khoai từ cho anh ta, còn nói ra những lời giống hệt với bà nội của anh ta nữa, anh ta thông qua cô mà cảm nhận được tình yêu của bà nội, do đó mới tỏ ra thư thái và hạnh phúc."
"Đúng vậy." Diệp Thu Vi nói. "Khi nhắc đến bà nội, hai mắt anh ta thoáng vẻ ngẩn ngơ, khuôn mặt thì đầy vẻ nhẹ nhõm và hạnh phúc. Khi đó tôi lập tức hiểu ra, anh ta qua lại với những người phụ nữ lớn tuổi hơn mình như thế rất có thể chính là để truy cầu cảm giác an toàn và hạnh phúc trong tiềm thức do bà nội mang lại cho mình."
Tôi hít sâu một hai, sau khi suy nghĩ giây lát bèn hỏi: "Phải rồi, tại sao cha mẹ anh ta lại để anh ta ở quê cho bà nội trông? Chuyện này cô có hỏi không vậy?"
'Tôi hỏi rồi." Diệp Thu Vi nói. "Nguyên nhân rất đơn giản, bởi vì công việc của bọn họ quá bận rộn. Khi đó, Lưu Hướng Đông đang ở tỉnh ngoài học tiến sĩ, cho rằng mình là đàn ông nên không tiện mang theo trẻ con bên cạnh. Cùng với đó, Cát Khánh Hà khi ấy đã khá nổi tiếng, thường xuyên phải chạy đi chạy lại khắp nơi trong toàn quốc, cũng không có thời gian trông con. Hai người bọn họ bàn bạc với nhau một chút, cuối cùng quyết định đưa con về quê."
Tôi thở dài, nói: "Cát Khánh Hà còn là chuyên gia tâm lý học trẻ em nữa cơ đấy, chẳng lẽ bà ta không biết tầm quan trọng của giai đoạn đầu trong quá trình phát triển tâm lý tình dục ư?"
Diệp Thu Vi bình tĩnh nói: "Điều này thì dễ hiểu thôi. Có rất nhiều nhà tâm lý học không tán đồng với lý luận về sự phát triển tâm lý của Sigmund Freud, ở Trung Quốc thời điểm đó lại càng là như thế."
Tôi lại thở dài thêm tiếng nữa. "Nói vậy cũng phải."
"Tôi với Lưu Trí Phổ đã trò chuyện suốt cả buổi trưa từ đó có được một sự hiểu biết sâu sắc và toàn diện hơn về trạng thái tâm lý cũng như các mối quan hệ trong gia đình anh ta." Diệp Thu Vi lại nói tiếp: "Năm 1992, bà nội qua đời, Lưu Trí Phổ quay trở lại bên cạnh cha mẹ mình. Trong vòng hơn ba năm trước đó, anh ta chỉ có thể gặp mặt cha mẹ mình vào dịp Tết, có năm thậm chí ngay cả trong dịp Tết cũng không gặp được. Đột nhiên phải trở lại bên cạnh cha mẹ, môi trường sống phát sinh những biến đổi to lớn, tính cách anh ta cũng theo đó mà trở nên hướng nội, bắt đầu sợ giao tiếp với người khác. Hồi nhỏ anh ta còn rất sợ mẹ nữa, tôi nghĩ, đây chính là nguyên nhân khiến mối quan hệ giữa anh ta với mẹ mình không được tốt."
Tôi khẽ gật đầu. "Trong quá trình phát triển tâm lý của anh ta, bà nội đóng vai mẹ, thế nên mẹ anh ta đã mất đi vị trí lẽ ra phải có trong lòng anh ta. Nói một cách nghiêm túc, đây cũng là một sự loạn luân.”
"Đúng vậy." Diệp Thu Vi nói. "Đến lúc này, tôi đã có thể đưa ra tổng kết sơ bộ về tình trạng tâm lý của Lưu Trí Phổ: Sau khi bước vào giai đoạn đầu của quá trình phát triển tâm lý tình dục, trẻ con sẽ nảy sinh sự tò mò bước đầu đối với tình dục, đồng thời còn bắt đầu nhận được khoái cảm thông qua cơ quan sinh dục. Đối với bé trai, đối tượng tình dục đầu tiên của nó chính là mẹ mình, và đây cũng chính
là chứng mặc cảm Oedipus. Nhưng Lưu Trí Phổ lại không
ở cùng với mẹ mình, người thân duy nhất là nữ giới ở bên
cạnh chính là bà nội, cho nên đối tượng tình dục trong tiềm
thức của anh ta chính là bà nội mình. Cùng với đó, bởi vì
chỉ có hai bà cháu ở với nhau nên Lưu Trí Phổ không hề có
"nỗi lo bị thiến1" do sự uy hiếp đến từ những người thân
nam giới khác, cũng vì nguyên nhân này nên anh ta không
thể thuận lợi trải qua giai đoạn đầu của quá trình phát triển
tâm lý tình dục, tâm lý tình dục cũng theo đó mà dừng lại ở
giai đoạn này, chứng mặc cảm Oedipus đối với bà nội của
mình không hề biến mất, còn trở thành một trong các đặc
trưng tâm lý tình dục của anh ta sau khi trưởng thành.”
Tôi vừa ghi chép vừa không ngớt gật đầu.
'TÌnh yêu đối với bà nội đã làm ảnh hưởng tới thái độ của anh ta với nữ giới cũng như cách lựa chọn bạn tình."
Diệp Thu Vi tiếp tục phân tích. "Anh ta nhất định đã phát
hiện mẹ mình và bà nội là hai kiểu phụ nữ hoàn toàn khác
nhau, thế nên mới nảy sinh sự phản cảm và sợ hãi từ trong
xương tủy đối với mẹ, đây chính là nguồn cơn khiến quan hệ giữa hai mẹ con họ không được tốt. Bà nội đã qua đời, anh ta nhất định phải tìm đến những người phụ nữ khác thì mới có thể giải tỏa tình yêu cũng như ham muốn tình dục của mình. Khi lựa chọn bạn tình, anh ta sẽ nghiêng về những người phụ nữ có đặc điểm giống với bà nội, trong đó tuổi tác là một trong các yếu tố quan trọng nhất, ngòai ra trên người những người phụ nữ mà anh ta từng qua lại nhất định là còn có nhiều điểm khác tương tự với bà nội của anh ta."
1. Nỗi lo bị thiến: Trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển tâm lý tình
dục, đối tượng tình dục đầu tiên của bé trai chính là mẹ mình, đây cũng
chính là chứng mặc cảm Oedipus. Cùng với đó, do quan sát thấy các bé gái không có cơ quan sinh dục của nam giới, lại lo rằng tình yêu của mình với mẹ sẽ bị cha trả thù, thế là bé trai sẽ nảy sinh một thứ tâm lý tiềm thức sợ bị cha mình thiến, và đó chính là "nỗi lo bị thiến". "Nỗi lo bị thiến" sẽ kìm nén ham muốn tình dục tiềm tàng của bé trai với mẹ mình, khiến bé trai tiếp nhận sự ràng buộc từ luân lý và đạo đức xã hội, chứng mặc cảm Oedipus cũng vì thế mà bị tiêu trừ dần đi, giai đoạn đầu của quá trình phát triển tâm lý tình dục theo đó mà kết thúc. Nếu chứng mặc cảm Oedipus không bị "nỗi lo bị thiến" kìm nén, nó rất có khả năng sẽ được lưu giữ tại lúc trưởng thành, từ đó biến thành chứng mặc cảm Oedipus bệnh hoạn – Tác giả.
Tôi dừng bút, trầm giọng nói: "Những điểm tương tự này có lẽ trên người cô cũng có đấy."
Diệp Thu Vi nhìn thoáng qua tôi một chút, sau đó lại tiếp tục phân tích: "Để có thể nhận được sự thỏa mãn về thể xác và tinh thần, anh ta đã phát sinh quan hệ với những người phụ nữ mà mình có qua lại, đồng thời trong tiềm thức còn coi đối phương là bà nội của mình. Có điều, sau một thời gian đi sâu vào mối quan hệ, đặc biệt là khi đối phương đã để lộ ra một khuyết điểm nào đó, ảo tưởng trong tiềm thức về bà nội của anh ta sẽ sụp đổ hoàn toàn, kể từ đó anh ta nảy sinh một sự sợ hãi và ghê tởm từ trong xương tủy đối với đối tượng mà mình từng qua lại. Thế cho nên anh ta mới không ngừng làm quen với những người phụ nữ lớn tuổi hơn mình, sau đó thì lại liên tục vứt bỏ họ và đi tìm mục tiêu mới."
Tôi thở dài, nói: "Hành vi của anh ta rõ ràng là không đúng, nhưng có lẽ anh ta mới chính là người đau khổ nhất.”
"Người đáng giận bao giờ cũng có chỗ đáng thương, còn người đáng thương thì luôn có chỗ đáng giận.” Diệp Thu Vỉ hơi nhếch khóe môi để lộ một nụ cười lạnh lùng. "Bất cứ sự thương hại nào cũng đều là không công bằng."
Tôi há miệng ra nhưng lại chẳng biết nên phản bác thế nào, cuối cùng thở ra một hơi thật dài, nói: "Xin hãy tiếp tục đi, sau khi phân tích những điều này, bước tiếp theo cô định làm thế nào? Thông tin về tình trạng tâm lý của Lưu
Trí Phổ có giá trị gì đối với cô?"
"Hiểu được tâm lý của Lưu Trí Phổ rồi, tôi sẽ có thể thông qua một số thủ đoạn nhất định để khống chế anh ta, kế đó thông qua anh ta để tiếp cận Lưu Hướng Đông và tiến hành điều tra ông ta." Diệp Thu Vi nói. "Có điều, phân tích tình trạng tâm lý chỉ là bước đầu tiên để khống chế tâm lý của anh ta thôi, công tác chuẩn bị mà tôi cần làm hãy còn rất nhiều."
Nói đến đây, Diệp Thu Vi bỏ kính xuống, dùng khăn lau kính lau rất cẩn thận, sau đó lại xoay người về phía sau, đưa chiếc kính về hướng cửa sổ, quan sát xem nó đã sạch hẳn hay chưa. Cô ta không ngừng thay đổi góc độ giữa mắt kính và mặt trời, có mấy lần ánh mặt trời chiết xạ hoặc phản xạ qua mắt kính, rọi lên bức tường thủy tinh mấy mảng ánh sáng mơ hồ. Những mảng ánh sáng đó hơi lay động, đương nhiên là thu hút ngay lấy sự chú ý của tôi. Tôi nhìn chằm chằm vào những mảng ánh sáng, đầu còn bắt đầu lắc lư theo sự di chuyển của chúng, rồi đột ngột nảy sinh một thứ cảm giác kỳ lạ.
Những mảng ánh sáng kia dường như đang kể lại cho tôi nghe câu chuyện về một thời vô cùng xưa cũ.
Tôi hít sâu một hơi, khẽ ho một tiếng, bất ngờ phát hiện mình đã bị những tia sáng không hề rực rỡ kia làm cho chói mắt đến nỗi nhòe lệ. Tôi nhắm mắt lại, cố gắng day mạnh mí mắt, nhưng vẫn cảm thấy mắt rất cay.
"Xem ra cô muốn làm rõ cảm giác mà bà nội Lưu Trí Phổ mang lại cho anh ta rồi.” Tôi mở mắt ra, sau khi bình tĩnh trở lại bèn chậm rãi nói: "Sau đó cô sẽ dùng biện pháp ám thị để mang lại cho Lưu Trí Phổ những cảm giác tương tự, từ đó nhận được sự thương yêu và tin tưởng sâu sắc từ anh ta."
Diệp Thu Vi ngoảnh đầu lại, từ từ đeo kính lên mắt, sau đó nói: "Đúng vậy, nếu anh ta chịu tin tưởng và ỷ lại vào tôi giống như đã tin tưởng và ỷ lại vào bà nội anh ta, anh ta nhất định sẽ trở thành một trợ thủ trung thành nhất của tôi."
Tôi tiếp tục phân tích: "Có điều, bà nội anh ta sớm đã qua đời rồi, muốn trực tiếp thông qua bà ấy để làm rõ bà ấy đã mang lại cho Lưu Trí Phổ cảm giác như thế nào là điều không thể. Điều duy nhất mà cô có thể làm chính là tìm hiểu về những người phụ nữ mà Lưu Trí Phổ đã từng qua lại, sau đó tìm điểm chung trên người bọn họ, từ đó tổng kết và suy đoán ra cảm giác mà bà nội Lưu Trí Phổ đã mang lại cho anh ta. Đây không phải là một chuyện đơn giản, do đó công tác chuẩn bị mà cô cần thực hiện quả thực là rất nhiều." Tôi im lặng một lát, rồi đột nhiên nhớ tới một chi tiết nhỏ, bèn tiện miệng phân tích: "Phải rồi, trước đó cô đã nói Lưu Trí Phổ khi ở riêng một chỗ với nữ giới sẽ nảy sinh tâm trạng lo lắng hết sức rõ ràng, tôi nghĩ điều này rất có thể là có liên quan tới tính cách của mẹ anh ta.
Năm 1992, bà nội đột ngột qua đời, môi trường sống bỗng dưng thay đổi, nhưng chứng mặc cảm Oedipus đối với bà nội của anh ta thì vẫn còn đó. Dưới sự tác động của tâm trạng này, Lưu Trí Phổ rất cần một người phụ nữ mới làm nơi gửi gắm tình yêu, hoặc cũng có thể nói là vật tiếp nhận chứng mặc cảm Oedipus. Trong tình huống này, mẹ chính là người phụ nữ đầu tiên mà anh ta sống chung trong một thời gian dài, nếu mẹ có thể mang lại cho anh ta cảm giác tương tự như bà nội, tôi nghĩ theo thời gian, chứng mặc cảm Oedipus rất có thể sẽ chuyển dời đối tượng từ bà nội sang mẹ anh ta. Nhưng, nếu mẹ không thế mang lại cho anh ta cảm giác tương tự như bà nội - thậm chí là mang lại những cảm giác hoàn toàn trái ngược, anh ta sẽ chỉ có thể đè nén chứng mặc cảm Oedipus xuống tận đáy lòng. Sau khi anh ta trưởng thành, hành vi đè nén này chính là nguyên nhân khiến anh ta cảm thấy lo lắng khi đối mặt với nữ giới.” Tôi khẽ hít vào một hơi, chậm rãi tổng kết: "Từ điểm này mà xét, giữa mẹ và bà nội anh ta có lẽ có một sự khác biệt rất lớn về tính cách cũng như quan niệm. Kết hợp với nghề nghiệp cũng như thành tựu của Cát Khánh Hà để suy đoán, tôi nghĩ, bà ta nhất định không phải là một người mẹ bao dung và quan tâm tới gia đình.”
Diệp Thu Vi nhìn tôi, khẽ gật đầu. Tôi phát hiện, lần này tần suất gật đầu của cô ta nhanh hơn hẳn tất cả những lần trước đó.
Tôi lại bổ sung: "Chính vì nguyên nhân này, chứng mặc cảm Oedipus của Lưu Trí Phổ vẫn luôn cần có một đối tượng để gửi gắm, nếu cô có thể trở thành đối tượng này, khiến anh ta nảy sinh cảm giác không thể rời khỏi cô được, chắc hẳn anh ta sẽ nghe theo mọi sự chỉ huy của cô. Cô Diệp..." Tôi chăm chú nhìn cô ta, lại khẽ gật đầu một cách nghiêm túc. "Cô sớm đã nhìn thấu những điều này rồi đúng không? Tâm tư của cô còn sâu sắc hơn cả trong tưởng tượng của tôi nữa."
"Phân tích rất hay." Diệp Thu Vi im lặng một lát rồi mới lại nói tiếp: "Những người đàn ông đã trưởng thành mà còn mắc chứng mặc cảm Oedipus thì thường rất ít khi gặp vấn đề trong khi giao tiếp với nữ giới. Đúng như anh đã nói, tình trạng của Lưu Trí Phổ khá đặc biệt, bà nội anh ta tượng trưng cho những người phụ nữ tốt đẹp, còn mẹ anh ta thì hoàn toàn ngược lại, thế nên anh ta mới cảm thấy thất vọng và sợ hãi đối với những người phụ nữ mà mẹ anh ta đại diện, sự sợ hãi này chính là nguồn cơn dẫn đến nỗi lo lắng của anh ta khi ở riêng một chỗ với tôi."
"Nguồn cơn của nỗi lo lắng khi ở riêng với nữ giới không khó phát hiện, nhưng sự tự tin trong giao tiếp do nam giới mang lại thì phải giải thích thế nào?" Tôi hít sâu một hơi, vô thức đưa tay lên sờ cằm. "Đây cũng là một trong các đặc trưng tâm lý quan trọng của anh ta, hơn nữa tôi cho rằng việc này rất có thể có liên quan tới mối quan hệ giữa cha con anh ta. Đương nhiên, cô chắc chắn cũng biết điều này. Buổi trưa hôm đó cô có tiến hành thăm dò về vấn đề này không vậy?"
Khi nói tới đây, cây bút trong tay tôi đột nhiên rơi xuống đất. Khi cúi người xuống nhặt, tôi nhớ lại những lời mà mình vừa mới nói, bất giác cảm thấy hết sức khó tin. Tôi ngồi thẳng người trở lại, nhìn chằm chằm vào Diệp Thu Vi, cảnh tượng trước mắt bỗng trở nên mơ hồ.