Chương 15: Táo quân trở mặt (Nửa chương cuối)
Năm
Trang Bát Bối Nhi khởi đầu bán dê thập cẩm ở góc tây bắc, năm nay vừa mới chuyển đến khu cửa Tây. Khi đó đèn đường còn ít, đêm ngày hôm đó trời lại tối mịt mùng, không có lấy một ánh trăng sao, trên đường tối đen. Quách sư phụ nghe thấy ven đường vang lên tiếng loạt xoạt rõ mồn một, nếu nghe cho kỹ thậm chí còn giống như có ai đang khẽ nói chuyện, nhưng trên đường rõ ràng không có một bóng người. Trong lòng cảm thấy kỳ quái, ông ta tháo cây đèn bão xuống qua bên đó xem rốt cuộc là kẻ nào. Ông ta giơ đèn lên soi, hóa ra là mười người tí hon, mỗi người chỉ cao tầm năm sáu tấc (50-60 cm), đang lén lút nhặt xương dê người ta ném đi. Ông ta là người can đảm, tóm lấy que cời lò đâm thẳng vào một tên trong số đó. Người tí hon kia kêu thảm thiết một tiếng rồi ngã gục xuống, đám còn lại lập tức bỏ chạy tứ tán. Ông ta lại giơ đèn lên xem xét, có mấy con hồ ly đang ngậm xương xẩu trong miệng chạy trốn, con bị que cời lò đâm trúng trợn trắng mắt giả chết phát hiện ra ánh đèn chiếu tới, cũng vội nhảy dựng lên chạy theo.
Quách sư phụ cảm thấy kinh sợ, vội hỏi Trang Bát Bối Nhi bán dê thập cẩm: "Ông có nhìn thấy gì không?"
Trang Bát Bối Nhi đáp lại: "Hồ ly hay là sói vàng? Có gì đáng nói đâu, dạo này chúng thường đến ăn trộm xương dê mọi người ném đi."
Quách sư phụ thầm nghĩ: "Thời vận con người suy thoái, dương khí trên cơ thể đương nhiên yếu đi, cho nên sẽ nhìn thấy những vật không nên thấy. Vận khí của ta thực sự đã tận hay sao?"
Nhìn thấy sắc mặt ông ta thảng thốt, Trang Bát Bối Nhi bèn bảo: "Có lẽ Quách gia cậu quá mệt mỏi nên đã hoa mắt rồi, nửa đêm nửa hôm rồi còn gì. Cậu đấy, cứ mắt nhắm mắt mở coi như chưa nhìn thấy cái gì, vậy là ổn cả rồi. Nghe nói cậu đi khắp nơi hỏi thăm đám thợ mộc, phải chăng là muốn truy nã tên cướp bằng búa thợ mộc?"
Quách sư phụ gật đầu, thầm nhủ: "Hay thật, việc này ngay cả người bán dê thập cẩm cũng biết hay sao?"
Trang Bát Bối Nhi nói: "Ngày hôm qua Đinh gia và Lý gia đến chỗ lão ăn dê thập cẩm, nhân tiện hỏi thăm về việc đó. Cậu đừng có tưởng lão chỉ là người bán dê thập cẩm không biết gì. Trước giải phóng, trong số những khách hàng quen thuộc của cái quán dê này của lão cũng có vài vị làm nghề mộc đấy."
Quách sư phụ hỏi: "Vậy ông có biết người thợ mộc nào tầm ba mươi tuổi, bên tai trái có vết bớt màu xanh không?"
Trang Bát Bối Nhi đáp: "Vậy thì chưa từng nghe nói có ai như vậy, nhưng nếu thực sự muốn tìm một thợ mộc có vết bớt xanh bên tai trái như vậy thì không đến mức quá khó khăn."
Quách sư phụ nghe thấy bảo ngày hôm qua Đinh Mão đã tới đây hỏi thăm rồi, cho nên hỏi lại cũng là thừa hơi. Ông ta thở dài, đứng dậy định về nhà.
Ai ngờ Trang Bát Bối Nhi lại nói tiếp: "Ngày hôm qua Đinh gia đã hỏi lão, nhưng mãi đến khi về nhà cả nửa ngày lão mới nhớ ra, ngày trước có một lần hai vị sư phụ nghề mộc đến cái quán dê thập cẩm này, trong lúc nói chuyện họ đã nhắc tới một sự việc rất khiếp sợ. . ."
Trong lòng máy động, Quách sư phụ vội dừng bước, hỏi: "Ông kể lại sơ qua giúp con, đó là việc gì thế?"
Trang Bát Bối Nhi kể lại cho Quách sư phụ, trước giải phóng ở cửa bắc có một tiệm bán quan tài nhà họ Bạch. Quan tài còn được gọi là áo quan, là loại đồ vật bán đi một cỗ mới làm tiếp một cỗ, không ai dám tích trữ sẵn nhiều, nguyên nhân nói ra thì rất khó nghe, bởi dù sao đi nữa phải đến lúc có người chết thì mới bán đi được. Ngoại trừ những gia đình đông con nhiều cháu, người già trong nhà đã nhiều tuổi, thì mới chuẩn bị sẵn quan tài, bởi vì gỗ tốt làm quan tài không phải lúc nào cũng sẵn có. Một khi gặp loại gỗ tốt, lập tức không tiếc tiền mua ngay, sau đó bỏ tiền ra mời sư phụ của tiệm quan tài đóng thành hòm áo quan. Công việc đầu tiên cần phải lưu ý là quét vài lớp sơn lót khắp mặt ngoài, phía trong lát một lớp gỗ mỏng, hai đầu mạ vàng vẽ chữ Phúc cùng với hoa văn hình hoa sen, cuối cùng bỏ áo liệm, mũ ông thọ và nguyên một bộ chăn nệm vào bên trong. Tuy nhiên, khi quan tài làm xong không thể khiêng về nhà, mà nó được lưu giữ trong tiệm bán quan tài, có khi được đặt ở đó tám mười năm cũng là chuyện rất bình thường. Nếu như nhà khác có người chết, không tìm được quan tài loại tốt ngay, con cháu nhà hiếu có thể thương lượng lại với nhà đã chuẩn bị sẵn quan tài, mượn tạm quan tài để an táng cha ông, sau đó chiếu theo nguyên dạng đóng một chiếc quan tài khác để trả lại. Đây là việc thiện tích đức, cho nên thông thường chủ nhà đã chuẩn bị sẵn quan tài sẽ đồng ý ngay. Về phần gia đình bình thường, mặc dù không đến mức bó chiếu mang đi chôn, nhưng thực sự không đủ tiền mua loại tốt nhất, phần lớn là sử dụng những tấm gỗ bách rẻ nhất để đóng quan tài, để mộc không quét sơn, hoặc chỉ quét một lớp nước sơn. Bởi phải hoàn thành công việc trong cùng ngày cho nên tiệm quan tài quanh năm phải có sẵn nhân công và vật liệu. Lão chủ tiệm quan tài nhà họ Bạch tự tay làm công việc nghề mộc, còn mướn hai vị sư phụ nghề mộc người Sơn Đông làm công cho mình.
Mười năm trước, tiệm quan tài nhà họ Bạch đóng cửa. Buổi tối trước ngày trở về quê, hai vị sư phụ nghề mộc đến quán hàng của Trang Bát Bối Nhi uống rượu ăn dê thập cẩm. Lúc ấy, ông lão đã nghe thấy hai người này bảo ông chủ tiệm quan tài của mình đã gặp ma.
Sáu
Cửa tiệm quan tài ở cửa tây, ông chủ họ Bạch, bản thân biết làm mộc, thuê hai phụ việc, còn mướn thêm hai vị sư phụ nghề mộc. Cửa hiệu gồm ba gian mặt tiền liên tiếp, gian bên trái để quan tài, gian bên phải là phòng kế toán, gian chính giữa dùng để tiếp đãi khách hàng, kinh doanh tương đối lớn, nhưng tiệm quan tài đâu có phải hiệu ăn, không thể nào có những lúc đông như trẩy hội được. Tuy nhiên, bán quan tài có lợi nhuận cao, đặc biệt là khi có gia đình đông con nhiều cháu tới mua quan tài, khi ấy hét giá tiền bao nhiêu họ sẽ trả bấy nhiêu, chưa bao giờ trả giá. Tiệm quan tài có thể đóng cửa một tháng, nhưng chỉ cần mở cửa một lần là đủ ăn ba tháng. Sao khi lão chủ tiệm qua đời, con của ông ta là Bạch Tứ Hổ kế thừa gia sản, bao gồm một khu nhà cấp bốn, cộng thêm việc kinh doanh tiệm quan tài. Nhưng Bạch Tứ Hổ không biết đóng quan tài, chỉ biết đứng bên cạnh giám sát thợ mộc làm việc. Hắn là người không biết ăn biết nói, nhu nhược hèn nhát. Bởi vậy lợi dụng hắn không biết xem sổ sách, đám phụ việc và sư phụ nghề mộc đã thông đồng với nhau bí mật bòn rút tiền, bán ra bao nhiêu quan tài cũng vẫn lỗ lã, việc buôn bán giảm sút đi từng ngày.
Bạch Tứ Hổ buộc phải lần lượt bán đi từng gian phòng của khu nhà cấp bốn, chỉ chừa lại hai gian phòng xiêu vẹo. Hàng ngày, hắn sinh hoạt cùng hai người phụ việc ở trong tiệm đằng trước, còn hai vị sư phụ ở gian phía sau. Vào buổi chiều một ngày, đến khi làm xong quan tài chờ người đến lấy thì trời đã tối đen. Mọi người trong tiệm quan tài chuẩn bị đi ngủ thì chợt nghe thấy bên ngoài có người đang đập cửa.
Đêm hôm khuya khoắt đập cửa rầm rầm, nếu là loại cửa hàng khác, phụ việc kiểu gì cũng sẽ nổi cáu, nhưng tiệm quan tài và tiệm bán thuốc có một quy định, dù khách hàng tới trễ đến mấy cũng không có vấn đề gì. Nửa đêm chạy đến tiệm quan tài và tiệm bán thuốc gõ cửa, trong nhà người đó chắc chắn có chuyện lớn liên quan đến sống chết. Cho nên khi nghe thấy tiếng gọi cửa, người phụ việc lập tức khoác tạm quần áo rời giường. Trên cửa có khoét một ô nhỏ, mục đích là để phòng ngừa đạo phỉ, không mở cửa chính, chỉ mở ô cửa nhỏ đó ra để nhìn ra bên ngoài. Vừa ngó ra người phụ việc đã thấy bên ngoài cửa tiệm quan tài có một người cầm đèn lồng trắng đang đứng chờ, bảo rằng trong nhà có người chết, nhờ tiệm mau chóng chuẩn bị quan tài, giờ đang giữa tam phục thiên, người chết không để được lâu, đang cần dùng gấp, ngày mai sẽ đến lấy ngay. Nói xong, người đó lẳng tiền đặt cọc vào trong rồi vội vàng chạy đến những nhà thân thích báo tang.
Những người trong tiệm quan tài vừa thấy có người đến mua, không ai còn được ngủ nữa, tất cả đều phải dậy làm việc. Sau khi thắp đèn trong tiệm, hai người thợ mộc lập tức chuẩn bị vật liệu để đóng quan tài, hai người phụ việc làm công việc phụ, tất cả cùng tất bật làm việc. Theo tục lệ xưa, nếu làm việc qua đêm, ông chủ phải cung cấp bữa điểm tâm, nhưng không phải là bữa điểm tâm bình thường mà phải có cá có thịt, cơm rượu đế. Sau khi làm xong việc, thợ sẽ ăn no uống say rồi đi ngủ bù. Thấy mình chẳng có việc gì để làm, Bạch Tứ Hổ bèn đi chợ mua thức ăn. Lúc ấy đã qua canh bốn chưa đến canh năm, canh năm thì gà mới gáy, canh bốn là sau nửa đêm, trời vẫn còn chưa sáng.
Gần con mương lớn ngoài cửa tây có một cái chợ bán thức ăn. Vào đầu canh năm mới có nông dân đánh xe tới bán thức ăn, muốn mua đồ ăn sớm thì chỉ tới chỗ này mới có. Bạch Tứ Hổ ra khỏi nhà từ rất sớm, còn chưa đến chợ bán thức ăn thì trên trời đột nhiên nổi một tiếng sấm, mưa to như trút, khiến hắn ướt như chuột lột. Hắn vội vàng tìm chỗ tránh mưa. Vùng gần con mương lớn không có mấy gia đình ở, chỉ có vài căn phòng cổ từ đời nhà Thanh còn tồn tại đến bấy giờ. Thấy cánh cửa gỗ một căn phòng xiêu vẹo bên đường bên cạnh chỉ được buộc tạm bằng dây thừng, trong phòng tối ôm không đèn đóm, chắc hẳn là phòng bỏ hoang, hắn lập tức cởi dây thừng, mở cửa chui vào bên trong, nhưng đến khi muốn đóng cửa thì không khép chặt lại được nữa.
Bên ngoài gió táp mưa sa, nước mưa tạt đầy vào vào trong phòng qua khung cửa hỏng cánh. Trên cánh cửa đúng ra là có khóa bằng đồng, nhưng không biết kẻ nào đã nạy ra lấy đi mất, chỉ để lại hai lổ thủng. Hắn xuyên dây thừng qua hai cái lỗ, buộc chặt cánh cửa lại. Nhờ ánh chớp lọt qua cửa sổ, hắn trông thấy trong nhà ngoài bốn bức vách thì chẳng còn cái gì, bụi đất phủ một lớp dày, chỉ có một cái giường đất. Hắn đành đặt mông ngồi xuống giường, nhắm mắt chờ ngớt mưa. Sau khoảng thời gian chừng ăn xong một bữa cơm, toàn thân hắn đột nhiên ớn lạnh, đồng thời hắn còn nghe thấy tiếng bước chân ai đó đang đi đi lại lại ở trong nhà. Hắn mở choàng mắt ra nhìn, giật mình nhìn thấy một người phụ nữ đang cúi gục đầu đi vòng quanh nhà.
Bạch Tứ Hổ sợ hết vía. Hắn ngồi co ro trên giường gạch, miệng há hốc mắt mở trừng trừng, ngây dại không dám động đậy. Người phụ nữ trong phòng đột nhiên đi tới trước mặt hắn, đập vào mắt hắn là một gương mặt trắng bệch như tờ giấy, tóc dài, há mồm lưỡi thè ra ngoài. Trong khi Bạch Tứ Hổ đang luống cuống chân tay, đầu lưỡi người phụ nữ đã nhanh chóng quét tới, hắn lập tức ngả sang bên cạnh né tránh, nhưng đầu lưỡi vẫn kịp liếm vào vành tai trái của hắn. Hắn rú lên kinh sợ bỏ chạy, nhảy xuống giường định mở cửa chạy ra ngoài. Nhưng chẳng biết tại sao dây thừng buộc cửa thấm nước mưa, càng cởi càng chặt. Trong lúc quẫn bách không mở được cửa, hắn nhắm mắt nhắm mũi húc thẳng đầu vào cửa sổ, ôm theo cả cánh cửa bổ nhào ra bên ngoài, rồi ngất lịm. Lúc ấy đã sang canh năm, có người đi ngang qua cứu hắn tỉnh lại, nhưng tai trái hắn đã biến thành một đống bầy nhầy máu thịt. Sau ngày hắn mới biết, cách đó vài năm, có một người phụ nữ thắt cổ chết trong căn nhà đó, căn phòng lụp xụp đã bị bỏ hoang từ lúc ấy, cho tới bấy giờ, cũng chẳn có không ai dám dọn vào ở, đích thị là gặp quỷ thắt cổ rồi. Sau lần bị kinh hãi đó, đầu óc Bạch Tứ Hổ bắt đầu trở nên cực kỳ không bình thường. Không lâu sau, tiệm quan tài phải đóng cửa, phụ việc lẫn thợ mộc của tiệm đường ai nấy đi. Nghe nói Bạch Tứ Hổ đã đổi sang làm nghề đồ tể, sau này không bao giờ còn mở lại tiệm quan tài nữa.
Mười mấy năm trước, trong lúc bán dê thập cẩm, Trang Bát Bối Nhi đã được hai người thợ mộc của tiệm quan tài nói cho biết, Bạch Tứ Hổ không biết làm nghề mộc, còn vết bớt bên tai trái cũng không có sẵn từ lúc mới sinh. Trang Bát Bối Nhi thích tán chuyện, có chuyện gì cũng kể ra tuốt tuột, nhớ ra cái gì là mang ra tán dóc hết với Quách sư phụ. Ông lão còn nghe hai vị sư phụ thợ mộc đó nhắc đến, bên ngoài có lời đồn bảo rằng bên trong khu nhà cũ của tiệm quan tài cất giấu của cải. Số của cải đó do tổ tiên Bạch chôn xuống, nhắn lại với đời sau, kể cả có bị chết đói, cũng không được phép bán hai gian nhà giữa đó.
Tính toán theo thời gian, năm Canh Tý (1900) phá hủy thành Thiên Tân, nhà họ Bạch mót gạch cũ dựng nhà, như vậy hai gian nhà đó được xây vào thời ông nội của Bạch Tứ Hổ, cho tới năm 1954 bấy giờ, cũng chỉ mới được khoảng năm mươi năm. Hơn nữa, khi chôn của cải lại tiến hành trong bí mật không để lại di chúc, cho nên không ai biết được số của cải đó là những gì, Bạch Tứ Hổ đương nhiên càng không thể biết được. Hắn đã từng đào nền nhà sâu ba thước đất, nhưng chẳng tìm thấy bất cứ thứ gì.
Bảy
Tiệm quan tài của Bạch Tứ Hổ bị ăn cắp từ bên trong, thua lỗ không sao tiếp tục kinh doanh được. Mặc dù đầu óc ngu dốt, nhưng hắn vẫn ghi nhớ lời căn dặn của tổ tiên nên không chịu bán hai gian nhà giữa. Tuy vậy, hắn đã lật tung cả nhà lên mà vẫn không thấy bất kỳ thứ gì. Hai gian phòng đó nằm ở ngõ hẻm kho lương, cách nhà ga phía bắc không xa. Dù sao trước giải phóng ông lão mới ở cái vùng đó. Còn sau này thế nào, Trang Bát Bối Nhi chẳng hay biết chút gì.
Người nói vô tâm, người nghe hữu ý, Quách sư phụ càng nghe càng cảm thấy Bạch Tứ Hổ chính là tên tội phạm mà ông ta đang truy tìm. Điểm thứ nhất, tuổi tác phù hợp; điểm thứ hai, tai trái có vết sẹo. Mặc dù kẻ này chưa từng làm thợ mộc, nhưng dù sao cũng đã từng mở một tiệm quan tài. Bởi vậy mới nói, giao thiệp rộng cũng là một loại tài nguyên. Nếu như không quen biết Trang Bát Bối Nhi, ông lão làm sao có thể thoải mái nhắc tới những câu chuyện cũ Trần Chi Ma Lạn Cốc Tử* với ông ta, làm sao ông ta có thể biết được vết xanh bên tai trái tên tội phạm không phải là cái bớt hay ngày trước hắn chưa bao giờ từng làm thợ mộc. Hóa ra trước kia họ đã đi nhầm hướng hoàn toàn, chẳng trách hỏi cái gì người ta cũng không biết.
*Chuyện không đầu không đuôi, chuyện phiếm lúc trà dư tửu hậu
Quách sư phụ cảm ơn Trang Bát Bối Nhi, đứng dậy ra về. Sáng sớm ngày hôm sau, ông ta và Đinh Mão đi về vùng lân cận phía bắc hỏi thăm một chút, thực sự có một kẻ Bạch Tứ Hổ như vậy. Hàng xóm xung quanh ai cũng bảo kẻ này là người trung thực, thường ngày rất ít khi ra khỏi nhà, ngoại trừ ăn mặn, mua rất nhiều muối thì không hề có hành động gì khác thường.
Sau khi xác minh xong, Quách sư phụ không muốn đánh rắn động cỏ, trở về báo lạo với lão Lương, có một kẻ ở ngõ hẻm kho lương ở khu nhà ga phía bắc tên là Bạch Tứ Hổ, rất có thể là thủ phạm cướp của giết người bằng búa thợ mộc.
Tuy lão Lương tin tưởng Quách sư phụ, nhưng vấn đề này tương đối nan giải. Câu chuyện về "Kẻ cướp bằng búa thợ mộc" đã lưu truyền ở Thiên Tân vệ vài chục năm rồi, từ đầu đến cuối chí ít liên quan đến hai ba mươi mạng người, khiến cho lòng dân không yên, ngay cả những khu vực đông người trong thành cứ đến khi trời tối, gần những chỗ vắng vẻ là không ai dám tới. Nhưng tên thủ phạm tàn ác này gây án không có quy luật, cho tới bấy giờ nạn nhân của hắn không một ai sống sót, truy nã mười năm mà không có kết quả. Muốn bắt trộm cướp phải có tang chứng, nếu không có thì không thể nào xông bừa vào nhà bắt người được. Nếu ông không tìm ra hung khí búa thợ mộc dùng để đánh cướp, làm sao có thể nhận định là Bạch Tứ Hổ gây án?
Mặc dù vậy, nếu chính quyền muốn điều tra nhân thân thì chẳng có gì là khó, chỉ cần mượn lý do điều tra hộ khẩu tới gõ cửa nhà Bạch Tứ Hổ, trước tiên tra xét nhân thân kẻ này một chút. Trưa ngày hôm đó, chính quyền phái hai người tới nhà hắn, vừa gõ cửa còn chưa kịp hỏi han gì thì Bạch Tứ Hổ đã đột ngột xô dạt hai người ra rồi bỏ chạy. Công an viên được phái tới nhận định kẻ này làm vậy là bởi có tật giật mình, một người vội truy đuổi sát phía sau, còn một người ở lại xem xét bên trong nhà. Khi nhìn thấy bài vị của Thần sông Quách Đắc Hữu ở trong phòng, anh ta cảm thấy kỳ quái khó hiểu, mang theo tâm trạng buồn bực tiếp tục xem xét. Vừa liếc qua giường gạch, anh ta đã thấy có một người trắng tinh đang nằm trên đó, giống hệt như người tuyết, đến khi nhìn kỹ lại thì hóa ra là xác một phụ nữ ướp trong muối tinh.
Vụ án này có lẽ nghiêm trọng hơn dự tính, công an dân binh đội tuần phòng đều phải tham gia, điều động không dưới bảy tám trăm người, chia thành mấy đường đuổi bắt kẻ trốn chạy Bạch Tứ Hổ. Tên này hết đường chạy trốn, cuối cùng bị bắt tại một rãnh nước thải. Hơn hai mươi người lại lần mò dưới rãnh nước đó mất hai ngày mới tìm được cây búa thợ mộc mà Bạch Tứ Hổ đã ném xuống đó. Bằng chứng rành rành, hắn hết đường chối cãi, khai ra trước giải phóng nhìn thấy búa thợ mộc tại một hàng bán rong ở vỉa hè như thế nào, sinh ra ý tưởng đen tối ra sao, sau khi mua được cây búa đã giấu vào trong người, chọn những nơi nào để gây án. Có một lần đánh gục một phụ nữ ở tỉnh ngoài, hắn thấy cô gái này tương đối có nhan sắc, bèn nhân dịp lúc trời tối đen mang người chết về nhà, ngày nào cũng ăn nằm với các xác đó, sau một năm thì xác chết mang bầu. Kế đó xác chết bắt đầu xuất hiện dấu hiệu phân hủy, hắn sợ mùi xác chết bay ra sẽ khiến cho hàng xóm phát hiện, bèn dùng muối để bảo quản. Nghe bên ngoài đồn đại Quách sư phụ muốn bắt mình, trong lúc bản thân cảm thấy kinh hoảng không biết phải làm sao, xác cô gái đã bày cách cho, bảo hắn làm một miếng gỗ hương, viết bài vị Quách sư phụ lên trên, bái vài ngày là người này chắc chắn phải chết, không ngờ tới chỉ vài ngày sau hắn đã bị bắt về kết án.
Lão Lương cho rằng lời khai đó vô cùng ma quái, có thể thấy được tư tưởng mê tín đã cắm rễ trong đầu Bạch Tứ Hổ, xác chết cô gái làm sao có thể sinh con, lại còn nghĩ kế cho hắn nữa? Hơn nữa, lập bài vị thắp hương khấn vái là có thể khiến người khác bị chết, trên đời này làm gì có chuyện như vậy? Bị Bạch Tứ Hổ bổ vào gáy, chắc hẳn lúc ban đầu cô gái chỉ mới chết não còn trái tim vẫn còn đập, về sau cơ thể cô ta mang thai thai, rồi bắt đầu bốc mùi thì lúc ấy mới chết thực sự. Bởi vì Bạch Tứ Hổ không rõ chân tướng, cứ tưởng rằng trước khi mang về nhà thì cô gái này đã là một xác chết. Theo dân gian, người chết não được là 'hoạt thi', những gì hắn kể có lẽ là sự thực. Về phần Bạch Tứ Hổ bảo rằng mấy ngày hôm trước xác cô gái đột nhiên nói chuyện, nhất định là do chính bản thân hắn tưởng tượng ra. Cuối cùng vụ án đã được khép lại, phê duyệt hồ sơ thế nào, định án ra sao thì không nói đến nữa.
Về phần xác cô gái trong nhà Bạch Tứ Hổ, liệu có phải đã thực sự mở miệng nói chuyện vào ngày tết Đoan ngọ, bày cách cho Bạch Tứ Hổ lập bài vị thắp hương để khấn vái làm cho Quách sư phụ chết hay không?
Vậy tôi xin nói với ngài, xác cô gái bị muối tinh bao bọc kín mít, không thể nào mở miệng nói chuyện được, nhưng Bạch Tứ Hổ cũng không có nghe lầm. Ngài đừng có quên, trong ngôi nhà thừa kế lại ở ngõ hẻm kho lương của Bạch Tứ Hổ có cái gì, tại sao đã thử mọi biện pháp mà không tìm được. Trên thực tế, người đã nói chuyện với hắn không phải là cái xác cô gái mà là một kẻ hoàn toàn khác. Nếu như đây chỉ một câu truyện ngắn, vụ án "cướp bằng búa thợ mộc" tuyên cáo đã được phá, thủ phạm đã cúi đầu nhận tội và phải đền tội, thì đến đây câu chuyện của chúng ta coi như đã khép lại rồi. Nhưng câu chuyện về Thần sông lại mang tính dài kỳ, bên trong lại có tiền căn hậu quả của nó, phải đến phần nói về "Ngôi nhà bị ma ám ở ngõ hẻm kho lương" mới có thể phá giải được nút thắt lúc trước.
Tám
Hai năm tiếp theo, đầu đường cuối ngõ bàn tán xôn xao, câu chuyện chỉ xoay quanh việc Quách sư phụ phá liền ba vụ án ly kỳ "Trạm điện đài ngầm dưới sông, bom người, đánh cướp bằng búa thợ mộc", trong đó không thiếu những tình tiết nghe nhầm đồn bậy. Thí dụ như vụ án "Bom người", thực ra chỉ là dùng xác chó để vận chuyển lậu nhựa anh túc, nhưng truyền qua miệng nhiều người, chẳng hiểu tại sao lại biến thành dấu thuốc nổ trong bụng xác trẻ con, quả thật là tam sao thất bản, người ta đồn đại càng ngày càng ly kỳ.
Bản thân vụ án "cướp bằng búa thợ mộc" đã kỳ quái rồi, Bạch Tứ Hổ ru rú trong nhà, tuyệt không một ai có thể nghĩ ra hung thủ lại là hắn. Nhưng chẳng hiểu do ma xui quỷ khiến thế nào hắn mới đi tìm Quách sư phụ, cho nên mới nói hắn đáng chết, chết không ai thương tiếc.
Tên Bạch Tứ Hổ này hành xử như ma quỷ, giết chết một cô gái từ tỉnh ngoài đến rồi mang xác về nhà coi như vợ của mình. Nghe nói, xác chết đó còn sinh cho hắn một đứa con. Câu chuyện về vợ cương thi con yêu quái trong căn nhà bị ma ám trong ngõ hẻm kho lương được dân chúng đồn ầm lên, hai gian phòng đó bị đóng cửa. Ai cũng bảo đó là căn nhà ma, các hộ gia đình quanh đó cứ nghĩ đến mấy năm nay ở canh một cái xác phụ nữ được bảo quản bằng rất nhiều muối, lâu ngày muối còn kết tinh thành kén trắng, có ai mà chẳng sợ hết hồn? Cho nên tất cả đều dọn nhà đi nơi khác. Số hộ gia đình sống ở ngõ hẻm kho lương vốn dĩ đã không nhiều lắm, sau vụ án kinh hoàng đó, đã không còn tới một nửa.
Trước đây, địa danh được đặt rất bừa bãi. Trước đó, ngõ hẻm kho lương từng có một kho lương thực của nhà nước, bởi vậy mới được gọi bằng cái tên này, tên đầy đủ của nó là ngõ hẻm kho chứa lương thực, nằm cạnh nhà ga phía bắc, liền kề với "Ninh viên". Ninh viên là một khu vườn trồng cây được xây dựng vào những năm cuối triều Thanh, bên trong có hồ nhân tạo. Vào năm 1931 của thời kỳ hai mươi năm dân quốc, nó được đổi tên thành công viên Bắc Ninh. Đến tận thập kỷ năm mươi sáu mươi, mọi người vẫn quen gọi nó theo tên cũ là "Ninh viên".
Nhà của Bạch Tứ Hổ nằm ở ngõ hẻm kho lương sát Ninh viên ở khu vực nhà ga phía bắc, sau khi hắn bị bắt rồi xử bắn, bất động sản bị sung công, trên cửa dán giấy niêm phong, những gia đình ở xung quanh cũng chẳng còn lại mấy hộ. Về sau, công viên Bắc Ninh mở rộng hồ, đã phá hủy khá nhiều những căn nhà cổ. Khi ấy, hai gian phòng của Bạch Tứ Hổ cũng bị dỡ bỏ. Chuyện này sẽ nói rõ ngọn ngành sau, tạm thời để đấy không nhắc tới.
Cô gái trong nhà Bạch Tứ Hổ đã chết không dưới mười năm trước. Trước giải phóng, người ở nơi khác chạy nạn đến đó rất nhiều, chiến tranh loạn lạc, bởi vậy không điều tra ra được thân phận. Tử thi đưa đi hoả táng, căn nhà ở ngõ hẻm kho lương bị dán giấy niêm phong, vụ án này coi như đã đến hồi kết. Nhưng ngoài xã hội, rất nhiều người không rõ chân tướng, bởi vậy lời đồn tiếp tục nổi lên ở khắp nơi, mỗi người nói một kiểu.
Quách sư phụ không dám kể công, vụ án này thực sự không phải do một mình ông ta phá, mà cũng chẳng tới phiên ông ta lập công. Cuối tháng sáu năm 1954 xử bắn Bạch Tứ Hổ, trị an xã hội ngày càng đi vào nề nếp. Nhưng vận khí Quách sư phụ vẫn không thể bảo là tốt, cũng không thể đánh giá là xấu. Thời gian trôi qua ngày từng, chỉ trong chớp mắt đã đến năm 1957, trời mưa to mấy trận, mực nước Hải Hà đột ngột dâng cao. Tới mùa hè năm 1958, khí hậu biến đổi khác thường, liên tục mấy tháng không có mưa xuống. Cái nóng mùa hè oi bức, nhiều người nhảy xuống sông bơi lội, liên tiếp xảy ra chết đuối.
Có một ngày, Quách sư phụ phải vớt xác chết trôi trên sông, sau khi xong việc về đến nhà, do quá mệt mỏi nên ông ta lăn ra ngủ từ rất sớm. Nửa đêm nghe thấy gian ngoài có tiếng động, ông ta cho rằng có trộm vào nhà bèn đeo giày chạy ra xem sao. Gian ngoài không thấy có người, nhưng đến khi ông ta ngẩng đầu lên, nhìn đến bức tranh ông táo trên tường lò, ông ta chợt rùng mình đổ mồ hôi lặng ngắt toàn thân. Khuôn mặt ông táo và bà táo trong bức tranh đã biến đổi.
Sờ sờ ra đó là hai gương mặt quái dị, bốn tròng mắt đen bóng đảo loạn xạ. Quách sư phụ cầm giầy lên ném thẳng vào, chợt thấy hai con vật lông xanh xám nhảy từ mặt bếp lò xuống đất, chui qua khe cửa bên dưới chạy mất. Thì ra là hai con hồ ly trưởng thành vừa trèo lên bếp lò ngồi.
Quách sư phụ xem xét bức tranh ông táo bị giầy ném vào, thấy lưu lại dấu vết, vội vàng xoa bàn tay lau vết giầy đi. Nào ngờ bức tranh đã dán trên tường nhiều năm, giấy đã mủn lắm rồi, ông ta vừa mới xoa một cái, bức tranh rách ra luôn, không còn khả năng khôi phục lại nguyên trạng.
Mấy năm trước, lúc ăn dê thập cẩm ở quán hàng của Trang Bát Bối Nhi, ông ta đã dùng que cời than đâm trúng một con hồ ly con. Rốt cục có phải bọn chúng đến trả thù hay không, thực sự không thể nào truy xét ra được. Nhưng dù thế nào thì thế phong thủy lò bát tiên cũng đã bị phá mất, chỉ sợ không phải là dấu hiệu báo điềm lành. Nhưng bất kể ra sao, ông ta cũng không tài nào đoán trước được, một vật trong "Ngôi nhà bị ma ám ở ngõ hẻm kho lương" rục rịch muốn chui ra.