Chương 20: Ngôi nhà bị ma ám ở ngõ hẻm kho lương(Nửa chương đầu)
Một
Năm 1958, trời vẫn cứ khô hạn, mấy tháng liền không thấy một hạt mưa, Hải Hà đã sắp cạn thấy đáy. Việc không hay thì lại đồng thời xảy ra, đến đúng ngày mười sáu tháng bảy âm lịch, tại miếu Tam Nghĩa và Vương Xuyến Tràng lần lượt phát hiện hai cái xác khô, chẳng biết có phải là Hạn Bạt hay không nữa, nhưng dù sao trời cũng đổ mưa to, công việc nạo vét phòng chống lũ định kỳ phải ngừng hẳn lại. Quách sư phụ bảo Đinh Mão đi tìm Trương Bán Tiên và Lý Đại Lăng. Đúng lúc vợ không có nhà, ông ta làm vằn thắn chuẩn bị rượu, đợi ba người anh em tới rồi cùng nhau ăn sủi cảo uống rượu, đồng thời bàn tính về sự việc liến quan đến ngôi nhà bị ma ám.
Từ lúc hồ ly lẻn vào nhà, bức tranh tết trên bếp lò đã hủy, trong lòng Quách sư phụ cảm thấy không yên. Hai ngày trước, ông ta đã nhờ người ta vẽ một bức tranh táo quân mới, làm sủi cảo cúng rồi dán tranh lên trên tường bếp. Nhưng thực ra, ông ta làm việc đó không phải do mê tín tin vào phong thuỷ, mà bởi trong nhà không có tranh tết táo quân, cứ cảm giác thiếu mất cái gì đó.
Nghe nói có sủi cảo ăn, Trương Bán Tiên lập tức đến ngay. Hai người ngồi trước bếp lò nói chuyện phiếm.
Quách sư phụ không hề nói năng gì tới ngôi nhà bị ma ám ở kho lương, định đợi tới lúc Đinh Mão và Lý Đại Lăng đến thì mới đề cập đến. Ông ta định xong món sủi cảo rồi mới vào chuyện chính.
Vừa mới liếc qua bức tranh tết táo quân, Trương Bán Tiên đã giật mình kinh hãi, trên trán lấm tấm mồ hôi lạnh ngắt, quay sang hỏi Quách sư phụ: "Táo quân sao lại biến dạng như thế này?"
Quách sư phụ đáp: "Không phải tranh lúc trước đâu, bức lúc trước đã dán ở đó nhiều năm nên đã rách mất rồi, tôi vừa mới thay đổi bằng bức khác, có gì đáng ngạc nhiên đâu."
Trương Bán Tiên lại hỏi: "Quách gia, ông cũng biết là hai ba tháng chạp hàng năm táo quân lên chầu trời, nhưng cả đi và về tổng cộng là bao nhiêu ngày?"
Quách sư phụ đáp: "Thầy hỏi thế để kiểm tra kiến thức tôi đấy hả, trên bếp lò của căn nhà cấp bốn nào mà chẳng dán tranh tết, không bên trên thì ở dưới. Chuyện về táo quân thì tôi cũng thuộc làu, cứ đến hai ba tháng chạp hàng năm là ông ta lên chầu trời, ba mươi lại quay về nhà, cả đi và về khoảng bảy tám ngày. Không xác định rõ là bảy hay là tám ngày là bởi vì tháng chạp có tháng thiếu có tháng đủ, tháng thiếu đi mất bảy ngày, tháng đủ đi mất tám ngày."
Trương Bán Tiên bảo: "Ông chỉ biết một mà không biết hai, không phải lúc nào cũng dán tranh ông táo lên được đâu, nếu chưa đến ba mươi tết mà đã dán thì sẽ phạm vào điều kiêng kị, bát cơm của ông chắc chắn sẽ bể."
Quách sư phụ nói: "Tôi chẳng qua chỉ là một kẻ vớt xác trôi sông, cả ngày làm bạn với xác chết, bát cơm như vậy bị đập bể cũng không đáng tiếc."
Trương Bán Tiên lại nói: "Bát cơm bị đập bể thì không nói làm gì, không đáng vì điều đó mà phát sầu, nhưng còn một điều phạm húy khác nghiêm trọng hơn nhiều. Quách gia, tôi lại hỏi ông, khi táo quân lên chầu trời đi theo cửa trước hay là cửa sau?"
Quách sư phụ đáp: "Bán Tiên thầy hỏi đi đâu thế, hỏi vậy ngang với đánh đố tôi rồi. Tôi nào có biết táo quân đi theo cửa trước hay là cửa sau."
Trương Bán Tiên nói: "Tôi không hỏi đánh đố đâu, có nguồn cơn cả đấy."
Quách sư phụ ngạc nhiên: "Như thế mà cũng có nguồn cơn sao? Vậy thầy thử nói xem, táo quên lên chầu trời bằng cửa trước hay cửa sau?"
Trương Bán Tiên nói: "Táo quân chẳng đi theo cửa nào cả, bởi vì cửa nào cũng có thần canh cửa. Cửa trước là Tần Quỳnh Tần Thúc Bảo ôm song giản, cửa sau là Uất Trì Kính Đức cầm roi đồng, nếu cửa trước cửa sau đều có thần coi giữ, vậy thì cả hai đều không phải là lối đi của táo quân. Táo quân sẽ chui vào trong lòng bếp, mồi lửa tạo ra khói xanh, rồi theo làn khói đó lên trời."
Quách sư phụ thử hình dung lại: "Đúng là có chuyện như vậy thật!. Những chi tiết vụn vặt như thế này, không ai có thể tinh thông hơn Trương Bán Tiên, nhưng vấn đề táo quân đi theo cửa nào thì có liên quan gì đến tôi?"
Trương Bán Tiên bảo: "Táo quân theo khói bay lên trời, cho nên hình vẽ của ngài trong bức tranh phải ứng với chiều khói bay lên, ông lại dán bức tranh tết bị lệch đi, thế chẳng phải là chặn đường ông táo hay sao?"
Nghe Trương Bán Tiên nói vậy, Quách sư phụ nhìn lại bức vẽ, quả thật là hơi lệch, dù nghĩ nát óc cũng không hiểu trong đó bao hàm vấn đề gì, nhưng nhất định không phải điềm may.
Vừa rồi Trương Bán Tiên đã nhìn ra điềm xấu, lại hỏi Quách sư phụ dán bức tranh tết lên vào giờ nào. Chân đứng theo bát quái, tính toán chính xác phương vị, anh ta nhắm mắt lại bấm ngón tay suy tính, đột nhiên lớn tiếng hô "Hỏng rồi!!!".
Hai
Quách sư phụ và Trương Bán Tiên đang nói chuyện về bức tranh tết dán không cân xứng, hễ là điều gì vượt quá lẽ thường thì luôn luôn là điềm gở.
Âm vang câu nói còn chưa dứt, Đinh Mão đã xộc vào bảo Quách sư phụ: "Lý Đại Lăng đã xảy ra chuyện!"
Sau giải phóng, ban đầu Lý Đại Lăng đến nhà ga làm bốc vác, năm ngoại lại đi làm muối ở Ninh Hà. Công việc không những nhàn nhã mà còn kiếm được không ít. Sau khi muối kết tinh thành hạt thì cho vào bao tải, chất lên xe ngựa để chở đi. Khu vực sản xuất ra muối đương nhiên là đất nhiễm mặn, không mưa thì còn đỡ, nếu gặp phải mưa to, bùn đất quánh lại như mạch nha, cứ giẫm chân xuống là bị lún chặt. Ngày hôm đó có một xe ngựa chở bao tải muối bị kẹt chặt dưới bùn, Lý Đại Lăng và năm sáu người khác đẩy xe ở phía sau, nhưng dù họ đã dốc hết sức lực, bánh xe vẫn không chịu nhúc nhích. Trong lúc mọi người đang loay hoay tìm cách đẩy xe ngựa ra khỏi vũng bùn, nào ngờ trục xe đột ngột gãy đôi, chiếc xe trôi dần về phía sau. Thấy không ổn, Lý Đại Lăng định né tránh, nhưng hai chân dính chặt dưới bùn không sao nhấc lên được, bị bánh xe cán thẳng qua người, mất mạng ngay tại chỗ.
Người ta thường nói "Gió mưa dễ đoán, sống chết khó lường". Nghe kể lại việc đó, Quách sư phụ và Trương Bán Tiên rất lâu sau vẫn còn chưa hồi phục lại. Những năm qua, mấy anh em vẫn luôn gắn bó với nhau, mối quan hệ rất mật thiết, Lý Đại Lăng đột ngột ra đi, ai có thể không đau lòng đây?
Ba người than thở khôn nguôi. Lý Đại Lăng là một kẻ lưu manh, không nhà không người thân, chỉ có thể lén lút đốt thêm cho gã ít tiền vàng mã vào tam tiết lưỡng cung*.
*Còn gọi là tam tiết lưỡng thọ. Tam tiết là tết Đoan ngọ, Tết Trung thu và Tết Nguyên đán. Lưỡng thọ là ngày sinh nhật của Khổng Tử và thày dạy học của mình.
Vào ban đêm, ba người Quách sư phụ không còn tâm tư ăn sủi cảo, mỗi người ngồi riêng một góc lặng lẽ cúi đầu uống rượu giải sầu. Nhưng sự việc liên quan đến vật trong căn nhà bị ma ám ở ngõ hẻm kho lương thực sự không phải là chuyện nhỏ, dù bấy giờ không còn Lý Đại Lăng, ba người họ vẫn bắt buộc phải làm.
Quách sư phụ bèn mượn rượu, nói ra đầu đuôi nguyên nhân hậu quả. Vào lúc phá hủy thành Thiên Tân, chưởng quầy tiệm quan tài nhà họ Bạch đã nhặt thành gạch về xây nhà. Nghe nói, trong nhà cất dấu một thứ rất giá trị. Nhưng sau khi trải qua vài chục năm, ngay cả con cháu nhà họ Bạch bao gồm cả Bạch Tứ Hổ, không một ai có thể tìm kiếm được vật đã được tổ tiên dấu trong nhà. Lục soát từ trên xuống dưới thậm chí đào sâu ba thước, dò xét không sót một phân bốn bức tường cũng không thấy vật thần kỳ nào cả. Bạch Tứ Hổ dùng búa thợ mộc ăn cướp, giết hại rất nhiều người, đến năm 1945 đã bị bắt rồi xử bắn. Người ta đã tìm thấy một cái xác cô gái trong nhà hắn, cái xác đó được ướp bằng muối, để ở trong nhà cả mười năm vậy mà vẫn không phân hủy bốc mùi. Kể từ đó, mọi người đều bảo rằng ngôi nhà đó bị ma ám. Thế nhưng, cái xác trong ngôi nhà bị ma ám đâu có phải do tổ tiên nhà họ Bạch để lại. Những năm vừa qua, kẻ đến ngôi nhà này ăn trộm bảo vật đâu có ít, nhưng không một kẻ nào được toại nguyện. Trước đó không lâu, có một kẻ không làm việc đàng hoàng là Đại Ô Đậu, kẻ này lòng tham vô đáy, đêm hôm khuya khoắt lẻn vào ngôi nhà bị ma ám ở ngõ hẻm kho lương một chuyến. Nhưng vì gánh tội giết người, hắn đã phải tay trắng trở về, vừa về đến nhà thì bị công an tóm sống, sau đó đã cung khai, trong ngôi nhà bị ma ám ở ngõ hẻm kho lương hắn đã nhìn thấy một đôi mắt, to bằng cỡ khay trà. Nhưng sau khi lục soát, trong phòng quả thực là không có một vật gì, hoặc là Đại Ô Đậu có tật giật mình nên đã hoa mắt, hoặc là hắn vòng vo bịa chuyện, nói tóm lại là không một ai tin tưởng.
Nhưng cho tới hôm ấy, Quách sư phụ đã tin đó là sự thực, rất có thể vật tồn tại bao năm nay trong ngôi nhà bị ma ám ở ngõ hẻm kho lương là yêu quái, đã có đạo hạnh, sau này sẽ gây ra lũ lụt. Một câu chuyện ly kỳ như vậy, quan cũng được, mà dân cũng vậy, không một ai dám tin. Nếu vậy, ba người Quách sư phụ, Đinh Mão và Trương Bán Tiên cũng chỉ còn cách tự đi mà làm.
Trương Bán Tiên nói: "Quách gia, tôi không có ý làm ông nhụt chí, nhưng vật bên trong ngôi nhà bị ma ám ở ngõ hẻm kho lương nhiều khả năng là rắn đã hóa rồng, đạo hạnh không dưới vạn năm, chỉ bằng ba anh em chúng ta, làm thế nào có thể đối phó được nó?"
Quách sư phụ móc dưới gầm giường ra mấy cây đinh đóng quan tài lúc trước rồi bảo: "Khó nhất là không biết vật kia ở chỗ nào, chỉ cần tìm ra nó, tôi có thể làm cho nó trọn đời không thoát thân ra được."
Sau khi trầm ngâm một lúc lâu, Trương Bán Tiên mới mở miệng: "Nếu Quách gia ông đã dám nói như vậy, tôi sẽ giúp ông tìm ra vật đang trốn ở trong ngôi nhà bị ma ám ở ngõ hẻm kho lương."
Ba
Mưa dầm không ngớt, từ sáng sớm đến đêm khuya. Ba người mải bàn chuyện, đến nửa đêm còn chưa ăn gì, bụng cả ba đều sôi lên sùng sục. Đinh Mão hâm nóng lại chỗ sủi cảo đã nguội ngắt, ba người ăn qua quýt mấy miếng cho xong bữa, sốc lại tinh thần, tính toán làm cách nào tìm ra được vật đang trốn trong ngôi nhà bị ma ám.
Trương Bán Tiên nói: "Ngôi nhà bị ma ám ở kho lương chỉ có một điều kỳ quái, đó chính là dù xuất hiện lời đồn trong nhà chôn dấu bảo vật, thế nhưng lại không có một ai có thể tìm thấy. Nghe nói, kẻ ăn cướp bằng búa thợ mộc Bạch Tứ Hổ có đầu óc không bình thường. Tổ tiên nhà họ Bạch chôn dấu bảo vật bằng cách nào, đến đời Bạch Tứ Hổ thì đã thất truyền rồi, mà cũng có khả năng là chẳng truyền lại gì cho đời sau."
Đinh Mão nói: "Cứ ngồi một chỗ mà nói suông thì có tác dụng gì, chi bằng để tôi tới ngõ hẻm kho lương một chuyến. Mắt tôi sắc bén, biết đâu có thể nhìn ra một vài dấu vết còn lưu lại, tìm hiểu đến tận gốc rễ xem thực ra là cái chết mẹ gì."
Quách sư phụ lắc đầu bảo: "Ai mà chả muốn tới ngôi nhà bị ma ám cướp đoạt bảo vật. Thế nhưng, hai gian phòng ở ngõ hẻm kho lương đó chỉ thiếu mỗi phá trần đục tường nữa thôi, chỗ cần lục soát người ta đã lục soát cả rồi, chỗ cần tìm người ta cũng chẳng bỏ qua chỗ nào. Chúng ta không biết manh mối, dù có đi bao nhiêu chuyến cũng chỉ là uổng công."
Trương Bán Tiên nói: "Quách gia Đinh gia, các vị thử ngẫm lại xem, ngôi nhà bị ma ám ở ngõ hẻm kho lương là nơi ở của lão chưởng quầy tiệm quan tài nhà họ Bạch. Theo tôi thấy, mặc dù tiệm quan tài kinh doanh có lãi đến mấy thì cũng không thể nào giàu bằng Bát đại gia ngày trước. Hơn thế nữa, Bát đại gia của Thiên Tân vệ lại chẳng hề để lại cho con cháu vật gì quý báu cả, vậy một thương gia bán quan tài như ông ta thì có thể để lại vật gì đáng giá đây?"
Quách sư phụ tiếp lời: "Tiệm quan tài chỉ bán mỗi quan tài, cũng như mọi cửa tiệm khác mà thôi. Nếu gặp dịp có nhiều người chết, bán quan tài cũng có thể phát tài. Dù sao đi nữa, tiệm quan tài kiểu gì cũng lắm tiền, có bảo vật nào đó cũng chẳng biết chừng."
Đinh Mão nói: "Năm Canh tý phá hủy thành Thiên Tân, chưởng quầy tiệm quan tài đã nhặt gạch xây thành về dựng nhà. Nghe lớp người già nói, gạch xây thành thực ra là bảo vật đấy."
Trương Bán Tiên phản đối: "Không phải vậy đâu! Gạch xây thành vừa to vừa khó vỡ, nếu dùng để xây nhà thì tốt hơn rất nhiều so với gạch bình thường, gặp lũ lụt cũng không bị đổ, bởi vậy dân gian mới bảo gạch xây thành là bảo vật. Đó chẳng qua chỉ là cách nói ví von, sao có thể coi là đúng."
Đinh Mão nói: "Tôi thật sự không nghĩ ra được cái gì. Nếu như là vật nhìn không thấy sờ không được, dù cho có phá sập toàn bộ nhà ở ngõ hẻm kho lương cũng chỉ là công cốc, tại sao lại có thể xảy ra sự việc bất thường như vậy?"
Trương Bán Tiên ngửa mặt đau đầu suy ngẫm, bụng bảo dạ: "Trong nhà lão chưởng quầy tiệm quan nhà họ Bạch có thể có bảo vật gì chứ? Ngôi nhà bị ma ám ở ngõ hẻm kho lương trống không, nhưng vật kia lại chẳng ở nơi nào khác mà rõ ràng là ở trong ngôi nhà đó, thế nhưng dù có trợn tét mi mắt ra cùng không tìm thấy, nó thực ra cái thứ gì?"
Quách sư phụ là người điềm tĩnh già đời. Tuy là công an đường thủy, nhưng trong đời mình ông ta đã từng phá không ít những vụ án kỳ lạ, kinh nghiệm phong phú hơn người. Đinh Mão lanh lợi lão luyện, xưa nay là trợ thủ đắc lực của Quách sư phụ. Cộng thêm một kẻ trong đầu chứa đầy kiến thức tạp nham, được người ta gọi Trương Bán Tiên không gì không biết. Ba người họ tập hợp thành một nhóm, coi như cũng vượt quá nửa một anh Gia Cát Lượng rồi. Nhưng từ nửa đêm đến tận hừng đông, dù họ có suy nghĩ theo lối nào thì cũng đều đi vào ngõ cụt. Quách sư phụ cảm thấy lời nói của Trương Bán Tiên còn ẩn giấu ý nghĩa khác. Ông ta thừa biết anh chàng này cái gì cũng khư khư giữ ở trong lòng, rõ ràng đã biết điều gì đó nhưng lại lo lắng sẽ tiết lộ Thiên Cơ, suy tính ra rồi nhưng vẫn ra vẻ hồ đồ. Nếu như Trương Bán Tiên không chịu phá vỡ bức tường tâm lý của mình, dù có bàn luận cả ngày cũng chẳng có tác dụng gì.
Quách sư phụ thầm nghĩ: "Trước khi xảy ra lũ lụt, phải tìm mọi cách tìm ra vật trong ngôi nhà bị ma ám ở ngõ hẻm kho lương. Năm nay đại hạn, qua rằm tháng bảy, thời kỳ lũ định kỳ cũng đã qua, tuy rằng sẽ có mưa, nhưng sẽ không đến mức xảy ra lũ lụt, vẫn còn nhiều thời gian, việc này không đến nỗi quá gấp." Ông ta định qua mấy ngày nữa sẽ đi tìm Trương Bán Tiên hỏi cho ra nhẽ, nhưng lại quên bẵng khi anh chàng này nhìn bức tranh tết ông táo đã nhìn ra điềm báo -- sẽ mất chén cơm.
Bốn
Lúc bấy giờ có người tố cáo lên trên, bảo rằng ngoài đường có rất nhiều lời đồn vô căn cứ, toàn bộ đều xuất phát ra từ bản thân Quách sư phụ, ảnh hưởng vô cùng xấu. Rất may là lão Lương đã đứng ra nói đỡ cho ông ta, nhưng người ta không thể để Quách sư phụ và Đinh Mão tiếp tục làm công an đường thủy được nữa, Đinh Mão bị điều tới vùng trũng phía nam, Quách sư phụ thì lập tức bị phái đến Bàn Sơn canh đập chứa nước. Thực ra, công việc vớt xác trôi sông của công an đường thủy mang nặng tính bất ổn, không phải là công việc sung sướng gì cả. Xác chết ngâm lâu nước phân hủy, hôi thối không ngửi được, thời buổi này chẳng còn ai muốn làm công việc này. Mặc dù bảo rằng có thể tích âm đức, nhưng trên trần thế lại chỉ thấy người sống chịu cực hình, có ma quỷ nào gánh đỡ cho đâu?
So ra, gác đập chứa nước nhẹ nhõm hơn rất nhiều, mỗi tội là nơi đó vắng vẻ, điều kiện gian khổ, ăn uống được chăng hay chớ. Khu vực quanh đập chứa nước giữa rừng sâu hiếm có người lui tới, muốn tới thôn gần nhất thì phải đi băng qua ít nhất là hai mươi dặm đường rừng, mười ngày nửa tháng không thấy một bóng người. Công việc gác đập chứa nước chủ yếu là trông coi không cho người dân ở các thôn gần đó vào bắt cá. Quách sư phụ đã làm công an đường thủy nửa đời người, không ngờ bị người ta cho nghỉ việc, bắt vào đập chứa nước Bàn Sơn làm bảo vệ. Tuy nhiên, mọi việc trên đời này thường chẳng biết được là cát hay là hung, là phúc hay là họa. Nếu chỉ xét một cách đơn thuần, canh đập chứa nước Bàn Sơn không thể nào bằng làm công an đường thủy ở Thiên Tân vệ; Nhưng, nếu như xem xét theo chiều hướng lâu dài, năm 1959 bắt đầu bước vào thời kỳ ba năm khó khăn, toàn quốc thực hiện tiết kiệm lương thực nhịn đói, mọi người ăn không đủ no, lá cải dập nát rơi trên đường cũng bị người ta tranh nhau nhặt về ăn. Mấy năm đó, ông ta dựa vào đập chứa nước Bàn Sơn mà sống. Bên trong đập chứa nước có cá, trên núi có rất nhiều cây linh lăng, là một loại thực vật có thể ăn được. Bởi vậy, dù có nói như thế nào, ít nhất ông ta cũng không phải chịu đói. Quách sư phụ thừa biết mọi người đã đói vàng cả mắt, cho nên khi nhìn thấy người dân những thôn quanh đó đến đập chứa nước đánh trộm cá, ông ta chỉ mắt nhắm mắt mở cho qua, không đành lòng ngăn cấm, bởi thế đã phải gánh không ít tiếng xấu thay cho người khác. Sau một thời gian, cá bên trong đập chứa nước đã bị người ta ăn sạch.
Ban đầu, Quách sư phụ luôn canh cánh trong lòng về ngôi nhà ma ám ở ngõ hẻm kho lương. Nhưng vài năm tiếp theo, cơm cũng chẳng đủ no, ông ta lại phải trông coi đập chứa nước chết dí một chỗ. Hơn nữa, trời khô hạn nhiều mưa ít, không hể có dấu hiệu xảy ra lũ lụt, ông ta tự cho rằng mình đã quá cả nghĩ, trong căn nhà đó chẳng có cái gì sất, dần dần quên bẵng chuyện này đi, cũng không hay biết về sau ngôi nhà bị ma ám ở ngõ hẻm kho lương có bị phá hủy hay không.
Chúng ta sẽ chỉ nói đến chuyện chính, lược bớt những gì không liên quan, giờ sẽ nói một cách ngắn gọn chi tiết. Sau thời kỳ vài năm tiết kiệm lương thực nhịn đói đó là bước vào năm 1963, đó là năm xảy ra lũ lụt. Theo sách vở ghi lại, trận lũ lụt năm 1963 là một trong những vụ thiên tai nặng nề nhất trong vòng hai ba trăm năm trở lại đây. Mùa hè năm ấy, khí hậu biến đổi khác thường, vào tháng nóng nhất của mùa hè, nhiệt độ bình quân lên tới bốn mươi độ, dông tố xảy ra liên tục. Từ vùng Hà Nam, có một đàn châu chấu đông nghìn nghịt bay sang, kéo theo lũ chim sẻ che kín cả bầu trời. Châu chấu thật sự rất nhiều, cả bầu trời biến thành một màu vàng úa. Còn xuất hiện cả hiện tượng "Cá trắng ao", trên mặt sông thường xuyên có cá chết phơi bụng trắng cả một vùng. Thời xưa, người ta cho rằng "Sông mù sương, cá trắng ao, gà gáy đêm, chó sủa mây", hiểu theo đúng nghĩa là "Chó nhắm vào mây trên trời sủa ông ổng, gà trống gáy vang giữa đêm khuya, nước sông chẳng hiểu tại sao biến thành đục ngầu, cá chết hàng loạt nổi trên mặt nước", tất cả đều là dấu hiệu báo trước có động đất, dù có tính khoa học nhất định, nhưng không phải lúc nào cũng tuyệt đối chuẩn xác. Ví như "Cá trắng ao" chẳng hạn, chưa chắc đã là dấu hiệu động đất, mà có lẽ là bởi nguyên nhân khác.
Năm 1963, trên đoạn Hải Hà chảy qua Thiên Tân vệ xuất hiện hiện tượng cá chết hàng loạt, bởi trước kia chưa từng xảy ra sự việc như thế này, nên điều đó đã khiến cho lòng người bàng hoàng. Cấp trên muốn tìm người giàu kinh nghiệm để nghiên cứu, rốt cục là đã xảy ra chuyện gì, bởi vậy Quách sư phụ đã bị triệu hồi trở về, lại tiếp tục đảm nhận công việc tạm thời ở công an đường thủy, nhà cửa người thân vẫn ở lại đập chứa nước Bàn Sơn. Quách sư phụ thầm mắng, các vị làm thế này rõ ràng là "Cần người thì 'cách sông thì phải lụy đò', xong việc thì 'qua sông đấm bòi vào sóng'". Nhưng trên dòng Hải Hà xuất hiện sự việc bất thường, ông ta không thể nào đứng bàng quan. Đột nhiên xuất hiện nhiều cá chết như vậy, một dòng sông không xảy ra biến động, hai không có người nổ mìn đánh cá, có thể suy đoán ra dưới sông đã xuất hiện vật trái với quy luật.