Chương 18
Chương 18: Hoa lê
Đầu tháng Tư vốn là lúc hoa hải đường chớm nở, khí đất ở Đường Lê cung hơi lạnh nên đây cũng là lúc hoa lê ngoài vườn đồng loạt nở rộ. Bởi vết thương trên mặt vẫn chưa lành hẳn, không tiện ra ngoài, lại mang thai gần hai tháng nên tôi càng lúc càng lười biếng, cả ngày ngủ gà ngủ gật trên sạp, hoặc ngồi hoặc nằm để giết quãng thời gian rảnh rỗi dài dằng dặc. Huyền Lăng thỉnh thoảng đến bồi bạn với tôi, nhưng chỉ kể vài chuyện thú vị để chọc tôi cười. Theo lời dặn dò của thái y, y không nghỉ lại ở cung của tôi. Các món đồ chơi cùng vàng bạc, lụa là không ngừng được đưa tới Đường Lê cung. Tiểu Doãn Tử thường hay đùa rằng: “Hoàng thượng còn ban thưởng thêm nữa thì bọn nô tài chẳng những bưng bê đến mỏi cả tay mà trong cung này cũng hết chỗ chứa.” Thế nên tôi chỉ chọn vài thứ mình thích để lại ngắm nghía, ngoài ra, tôi còn theo địa vị, chọn một số món tặng cho Hoàng hậu, phi tần, số còn lại được chuyển vào kho ở Ẩm Lục hiên.
Một ngày nọ, tiết trời sáng sủa, ấm áp, vừa gội đầu xong, tôi bèn tiện tay vấn thành búi lỏng, dùng đôi trâm hình trăng non bằng thủy tinh tím dài hơn tấc để cố định lại. Sau khi thoa Thư ngân giao do Lăng Dung tặng lên vết sẹo, tôi lại lấy lụa giao mỏng để che mặt. Lụa giao nhẹ kín, mềm mại, có thể chắn được gió bụi lại không cản trở tầm nhìn, dùng làm khăn che mặt thì rất thích hợp.
Tôi lệnh cho người chuyển sạp quý phi xuống dưới gốc lê sau sảnh, nghiêng người ngồi đó thêu chiếc yếm dành cho trẻ con. Nền vải màu vàng hoa hạnh, chỉ thêu màu đỏ hoa lựu, thêu hình bách tử bách phúc, mỗi đường kim mũi chỉ đều đong đầy niềm vui của lần đầu tiên làm mẹ cùng quyến luyến dành cho đứa trẻ trong bụng tôi. Thêu được vài mũi, khóe môi tôi bất giác cong lên, thấp thoáng nét cười vui sướng, an lành…
Thêu đã mệt, ngước mắt lên thấy hoa lê nở rộ như những cụm mây trắng muốt bồng bềnh, những đóa hoa trắng như tuyết chi chít trên cành, duyên dáng, yêu kiều rọi bóng xuống chiếc váy đỏ tươi, lộng lẫy của tôi, đỏ đỏ trắng trắng vô cùng mỹ lệ, chói mắt. Mỗi khi gió thổi qua, những cánh hoa tựa như vô số mảnh lụa trắng phất phơ rơi xuống, ngát hương, rơi trên vạt áo như có một lớp tuyết sương tinh khiết.
Có một đứa trẻ đang hình thành trong bụng, lòng tôi như mềm đi vì hạnh phúc, đến y phục cũng chọn loại có màu sắc sặc sỡ. Lúc trước, tôi thích những màu nhạt tao nhã nhưng giờ lại mê màu đỏ tươi, tựa như màu hạnh phúc không cần che giấu. Chiếc váy lụa phủ dài từ sạp quý phi buông rủ xuống đất, phong thái như ráng chiều bềnh bồng.
Rượu có thể giải sầu, nhưng giờ thì nó lại giúp tôi thêm phần hứng thú. Tôi gọi Cận Tịch: “Đi mang rượu lại đây!”
Cận Tịch bưng Lê hoa bạch lại, tươi cười thưa: “Nô tỳ biết con sâu rượu của nương nương lại trỗi dậy rồi. Mấy ngày trước, vết thương trên tay chưa lành, không được động đến rượu, bây giờ thoải mái một chút cũng không sao. Rượu này được chế từ hoa lê hái năm ngoái, chôn dưới đất trong vò sứ đến hôm qua là được đúng một năm, nương nương nếm thử xem sao.”
Mắt ngắm hoa lê băng thanh ngọc khiết, miệng nhấm nháp Lê hoa bạch đúng là rất thú vị, tôi nâng chén uống cạn một hơi. Cận Tịch mỉm cười rời đi, để tôi lại một mình tự rót tự uống, ung dung, nhàn tản.
Khu vườn yên tĩnh, hoa nở hoa rơi không một tiếng động, đúng là chút bình yên hiếm có trong kiếp phù sinh. Uống được mấy chung, hơi rượu từ từ dâng lên khắp người. Tôi bèn uể oải xoay người, nhắm mắt dưỡng thần.
Có tiếng bước chân rón rén lại gần tôi, là bước chân của nam giới, không cần nghĩ cũng biết đó là y, trừ y ra, trong hậu cung này còn nam nhân nào có thể đường hoàng tiến vào cung của tôi thế này cơ chứ? Tôi cố ý không đứng dậy nghênh tiếp, vẫn nằm yên vờ ngủ, muốn xem y sẽ làm gì.
Y ra hiệu bảo Cận Tịch im lặng không cần thỉnh an, vẫy tay cho nàng ta lui xuống rồi một mình ngồi xuống cạnh tôi. Gió nhẹ hiu hiu thổi, hoa lê rơi lả tả như mưa. Trong lúc mơ màng, có một đóa hoa lê rơi xuống trán tôi. Y khẽ “ồ” lên một tiếng, hơi thở nóng hổi ập thẳng vào mặt, môi y chạm vào trán tôi, khẽ hôn lên cánh hoa vừa rơi.
Y giở tấm sa trên mặt tôi ra, nụ hôn lướt nhẹ từ trán đến khóe môi, nhả cánh hoa đang ngậm vào miệng tôi. Y cúi xuống hôn lên xương quai xanh và phần vai để hở của tôi, cách một lớp cánh hoa lành lạnh, râu của y cọ cọ khiến mặt tôi ngưa ngứa. Tôi không nhịn được nữa, mở to mắt, khẽ cười thành tiếng. “Tứ lang thích ăn hiếp người ta…”
Mắt Huyền Lăng đong đầy ý cười, y nhéo mũi tôi, nói: “Ta biết là nàng vờ ngủ mà, giả vờ mà cũng không đúng, lông mi cứ động đậy mãi.”
Tôi nhõng nhẽo: “Rõ ràng thiếp là người thành thực mà, tứ lang chỉ biết ăn hiếp người thành thực mà thôi!”
Y chăm chú quan sát vết sẹo trên mặt tôi rồi cười, nói: “Hình như đã nhạt hơn một ít rồi!”
Tôi vội dùng tay che vết sẹo rồi quay đầu vờ giận dỗi. “Bây giờ thiếp đã giống như Vô Diệm, Đông Thi rồi, tứ lang đừng nhìn nữa!”
Huyền Lăng cười, hỏi: “Dược cao trẫm ban cho nàng, nàng có dùng không? Đợi vài ba ngày nữa là sẽ lành sẹo thôi. Tuyệt thế dung nhan của Hoàn Hoàn, không biết trên đời này còn ai có thể sánh bằng?”
Tôi chợt nảy ra một ý tinh nghịch, mỉm cười, nói: “Hoàn Hoàn có một muội muội tên là Ngọc Nhiêu, có thể xưng là quốc sắc, tuyệt đối không kém thần thiếp đâu.”
“Vậy ư?” Huyền Lăng lộ vẻ hứng thú, hỏi. “Còn có người sánh được với Hoàn Hoàn cơ à? Trẫm phải xem thử mới được.”
Tôi vờ sốt ruột: “Vậy thì không được đâu, tứ lang mà thấy nhan sắc của muội muội thì nhất định sẽ vội vàng nạp làm phi ngay! Khi đó, trong lòng chẳng còn chỗ nào cho Hoàn Hoàn nữa.”
Y thấy tôi nóng nảy như vậy thì vẻ đùa cợt càng thêm đậm. “Có thể khiến nàng ăn nhiều dấm chua như vậy thì nhất định là một bậc giai nhân thế rồi. Xem ra trẫm quả thật phải nạp thêm tân phi mất. À, nàng nghĩ xem, nên phong muội muội của nàng là gì nào? Quý nhân? Quý tần? Hay là trực tiếp phong phi?”
Tôi không nhịn được nữa, phá lên cười đến gập cả người, khó khăn lắm mới dừng lại được, nói: “Muội muội của Hoàn Hoàn năm nay vừa tròn bảy tuổi, mong bệ hạ vui lòng nhận lấy.”
Huyền Lăng vờ tỏ vẻ đột nhiên hiểu ra, choàng tay ôm lấy tôi đặt lên gối, cắn vào tai tôi, mắng: “Đồ a đầu ranh mãnh!”
Tôi cười đến co rúm cả người, cố né tránh y. “Đừng làm loạn, thái y nói phải tĩnh dưỡng, không được cử động tùy tiện mà.”
Y đặt tôi nằm ngay ngắn xuống sạp quý phi, cúi người áp sát mặt vào bụng tôi, lộ vẻ chăm chú lắng nghe. Cảnh tượng trước mắt vừa gần gũi vừa ấm áp, y trông hệt như một người chồng yêu thương, trân trọng vợ con. Tôi không kìm lòng được, giơ tay vuốt ve cổ y. Hoa nở hương ngan ngát, tôi nghĩ bụng, cuộc đời yên bình, hoàn hảo hẳn là như thế này đây.
Khóe môi tôi bất giác nhếch lên, để lộ nụ cười tươi rói, khẽ lên tiếng: “Giờ có nghe được gì đâu cơ chứ?”
Y đột ngột đứng dậy, ôm ngang người tôi, xoay liền mấy vòng, cho đến khi đầu tôi choáng váng thì phá lên cười: “Hoàn Hoàn, Hoàn Hoàn! Nàng đã mang thai đứa con của chúng ta rồi, nàng có biết là trẫm vui sướng đến nhường nào không?”
Tôi cười khúc khích, tiếng cười khiến hoa rơi lả tả như tuyết, tỏa hương ngào ngạt. Tôi ôm chặt lấy cổ y, dịu giọng thỏ thẻ: “Vâng, thiếp cũng hạnh phúc vô cùng.”
Y thuận tay nhặt mấy cánh hoa lê rơi trên gối, ướm lên ấn đường của tôi rồi nói: “Hoa lê trắng trong có thể sánh bằng với tuyết, hoa rơi giữa lông mày như chẳng có màu sắc gì, có thể thấy làn da của Hoàn Hoàn còn trắng hơn cả tuyết.”
Tôi mỉm cười tựa vào ngực y, cầm một nắm hoa lê trong lòng bàn tay, quả nhiên trong trắng như chẳng có gì, tôi bèn hài lòng mỉm cười, nói: “Con gái của Tống Vũ đế Nam triều là Thọ Dương công chúa, ban ngày ngồi chơi ở Hàm Chương điện, ngoài vườn mai đỏ đang nở rộ, một đóa hoa rơi xuống ngay giữa ấn đường của nàng ta, năm cánh hoa xòe ra đều đặn, vô cùng mỹ lệ, cung nhân phủi đi không được, ba ngày sau rửa mặt mới trôi. Nữ nhân trong cung nhìn thấy đều luôn miệng thán phục, bèn nhao nhao bắt chước, vẽ hình hoa mai trên trán để tôn lên vẻ đẹp, gọi là Mai hoa trang. Chỉ có điều màu hoa lê quá nhạt, không tiện vẽ lên trán, đúng là đáng tiếc thật.”
Huyền Lăng nói: “Nếu muốn vẽ thật thì cũng chẳng khó gì.” Nói xong, y dắt tay tôi đi vào nhà sau, ngồi xuống trước gương đồng, ướm một đóa hoa lê lên ấn đường của tôi rồi cầm bút lông chấm vào son môi đỏ thắm mà vẽ thành hình dáng đóa hoa, lại lấy phấn bạc tô điểm nên nhị hoa. Vẽ xong, y tủm tỉm cười, hỏi: “Hoàn Hoàn, nàng thấy thế nào?”
Tôi nhìn vào gương ngắm nghía, quả nhiên màu sắc rực rỡ, nhiều nét quyến rũ, hơn hẳn vẻ cứng nhắc của hoa cài đầu, ngược lại còn có thêm phong thái dịu dàng, uyển chuyển, bèn hài lòng đáp: “Đẹp thì đẹp thật, chỉ có điều hoa lê màu trắng, dùng son môi đỏvẽ hoa thì lại không giống rồi!”
Y ngắm tôi một lát rồi nói: “Vậy thì trẫm cũng bó tay rồi, chỉ có thể làm được thế này thôi. Chỉ có điều, nếu quả thực vì màu trắng mà không thể vẽ lên trán để trang điểm thì đúng là uổng phí thật!”
Tôi mỉm cười. “Chuyện tốt khó đi thành đôi, độc chiếm được một vẻ đẹp vốn đã là chuyện không dễ dàng rồi!”
Huyền Lăng bèn nói: “Nếu chỉ cần đẹp là được thì trang điểm vốn chỉ lấy ý tứ chứ chẳng phải cầu cho thật giống. Cách trang điểm thế này gọi là Giảo lê trang, có được không?”
Mắt tôi lúng liếng đưa tình, nụ cười đầy hân hoan. “Tứ lang vẽ rồi lại đặt tên, đúng là phong nhã thật!”
Y cũng lộ vẻ vui sướng, tự đắc, nói: “Vậy trẫm lệnh cho nàng ngâm một câu thơ có nhắc đến hoa lê để trợ hứng.”
Buổi trưa cửa cung đóng chặt, tôi chăm chú nhìn hoa lê bên ngoài cửa sổ, không nghĩ nhiều đã thuận miệng đọc một câu: “Xuân đã sắp tàn sân quạnh quẽ. Hoa lê đầy đất cửa cài then[1].”
[1] Bài Xuân oán của Lưu Phương Bình. Dịch thơ Phụng Hà. Nguyên tác: “Tịch mịch không đình xuân dục vãn, lê hoa mãn địa bất khai môn.”
Vừa đọc xong câu thơ, tôi lập tức giật mình, không khỏi có phần gượng gạo, thầm trách mình lỡ lờ, trước mặt quân vương sao có thể đọc một câu thơ thương thân trách phận như vậy được? Huống gì đây lại là tâm tình của tần phi bị thất sủng, đột ngột đọc ra thế này đúng là điềm không may.
Nhưng Huyền Lăng chẳng hề để ý, chỉ nói: “Đúng là vào tiết xuân, cửa cung đóng chặt, hoa lê lại nở đầy, chỉ có điều có trẫm và nàng sóng vai ngồi cạnh nhau, sao có thể nói là quạnh quẽ được? Tuy hợp cảnh nhưng chẳng hợp thời, phải phạt mới được.” Y quay đầu nhìn thấy một bình Lê hoa bạch đang uống dở trên án dưới cửa sổ, bèn thuận tay cầm lấy, nói: “Phạt nàng uống một chén rượu.”
Tôi đón lấy chén rượu, tươi cười uống một ngụm rồi nhìn thẳng vào mắt y. “Bữa ăn uống rượu cho say…”
Y lập tức tiếp lời: “Hẹn ngay chung sống đến ngày tóc sương[2].” Nói xong, choàng tay qua tay tôi, cùng uống cạn một hơi.
[2] Bài thơ Nữ viết kê minh 2 trong Thi kinh của Khổng Tử, dịch thơ Tạ Quang Phát, nguyên tác: “Nghi ngôn ẩm tửu, dữ tử giai lão.”
Y cười tủm tỉm, hỏi tôi: “Là tư thế uống rượu giao bôi phải không?”
Thâm cung tĩnh lặng thật, nhưng cũng không đến nỗi hoàn toàn quạnh quẽ, trong cảm giác tịch mịch vẫn còn những giây phút yên bình, hạnh phúc thế này. Trong lòng tôi trào lên cảm giác ngọt ngào khôn xiết, hơi rượu khi nãy vẫn còn lâng lâng, nay lại uống thêm nữa, bất giác hai má ửng hồng, bóng ở trong gương như mây màu chiếu rọi, hoa đào soi bóng.
Tôi gục người trên án, mỉm cười, nói với y: “Thần thiếp đã đọc thơ xong rồi, đến lượt tứ lang đấy. Đừng quên là phải có hai chữ hoa lê nhé!”
Y nghĩ một lúc, mặt lộ nụ cười ranh mãnh, chậm rãi đọc: “Chăn uyên ương ấy một đêm, hoa lê một gốc đè lên hải đường[3].”
[3] Bài Nhất thụ lê hoa của Tô Đông pha. Nguyên tác: “Uyên ương bị lý thành song dạ, nhất thụ lê hoa áp hải đường.” Dịch thơ: Mặc Nhiên Đường.
Tôi nghe xong thì xấu hổ đến nỗi mặt nóng bừng, cười phì một tiếng. “Đúng là người chẳng đàng hoàng chút nào!”
Y cố nhịn cười, hỏi lại tôi: “Sao lại thế?”
“Gái xoan lấy lão làm chồng, tóc sương lại có má hồng kề bên[4]. Như thế mới tính là hoa lê một gốc đè lên hải đường chứ!”
[4] Nguyên tác: “Thập bát tân nương bát thập lang, thương thương bạch phát đối hồng trang.” Dịch thơ: Mặc Nhiên Đường.
Y nói: “Trẫm nguyện chung sống đến ngày tóc sương, dung nhan của Hoàn Hoàn không thay đổi, trẫm già nhưng vẫn tráng kiện, chẳng phải đúng là gái xoan lấy lão làm chồng ư?” Y choàng tay ôm bổng tôi lên rồi nhẹ nhàng đặt tôi nằm xuống giường, tôi hiểu ý của y bèn đẩy tay y ra. “Không cho làm bậy!”
Y cúi đầu, ý cười càng đậm. “Khi nãy vừa lôi muội muội của nàng ra trêu trẫm, giờ hãy mở mắt ra xem trẫm làm thế nào để xử trí a đầu ranh mãnh nhà nàng…”
Tôi vừa cười vừa cố né tránh y. “Ôi chao! Tứ lang sao lại thù dai đến thế?”
Y giữ chặt lấy hai tay tôi, ôm tôi vào lòng. “Quân tử báo thù mười năm chưa muộn mà.”
Màn gấm rèm hoa nửa khép nửa mở, vừa khéo hướng thẳng ra phía hoa lê trắng trong như trăng sáng bên ngoài cửa sổ. Vô số cánh hoa và tơ liễu mềm mại quấn quýt, phất phơ bay giữa không trung. Tôi mơ màng nhớ lại vẻ đẹp của nhụy hoa lê cùng màu hồng nhạt ở giữa những cánh hoa, phong thái thanh thoát mê người như băng như ngọc, thực ra chúng cũng rất giống hoa hạnh buổi đầu tôi và Huyền Lăng tình cờ gặp gỡ.
Ánh mặt trời vàng óng luồn qua nhành cây kẽ lá, những đóa hoa trắng muốt nở rộ động lòng người. Gió lướt êm ru qua cửa sổ, hoa lê phấp phới bay trong tĩnh lặng. Bên trong nhà cũng im phăng phắc, động tác của y dịu dang, nhẹ nhàng, như sợ làm tổn thương đến sinh mệnh tuy yếu ớt nhưng vẫn đang vùng lên mạnh mẽ trong bụng tôi. Ánh mặt trời ấm áp chiếu rọi, gió mát hắt hiu, cánh hoa xòe nở, lúc ôm lấy thân thể y, tôi suýt đã chìm vào giấc ngủ an bình, say sưa giữa biển hoa lê trắng như tuyết.
Ngày hôm sau, sau buổi chầu sớm, Huyền Lăng lại ghé thăm tôi. Tôi vừa uống xong thuốc dưỡng thai, đang nằm ườn lười biếng trong chăn, mùi hương ngọt ngào của An tức hương thắp trong phòng tối qua vẫn chưa phai hẳn, diềm màn thêu chi chít hình dơi như ý cùng vô số chữ vạn, phối với tấm màn tơ tiêu hồng nhạt với tua rua buông rủ, nhìn sao cũng thấy lộ vẻ lả lơi, uể oải.
Huyền Lăng bước vào phòng, y vừa hạ triều liền thay y phục, lúc này chỉ mặc chiếc áo dài bằng lụa mỏng thêu chỉ vàng, càng tôn lên đôi mắt đen sắc sảo, phong thái hiên ngang. Y thấy tôi tóc tai rũ rượi nằm đó thì cười, nói: “Càng ngày càng lười biếng, mặt trời lên ba con sào rồi mà nàng vẫn nằm dài.”
Tôi đáp: “Người ta tuân theo ý chỉ của người và Thái hậu, ngoan ngoãn nghỉ ngơi, thế mà còn bị châm chọc, mỉa mai. Thiếp đang phiền cả ngày nằm dài quá buồn chán đây.” Nói xong, tôi làm bộ muốn đứng dậy hành lễ, y vội ngăn tôi lại, cười nói: “Được rồi, trẫm mới đùa có một câu mà nàng đã tưởng thật rồi, ngoan ngoãn nằm yên nghỉ ngơi đi!”
Tôi không kìm được, cười. “Đó là lời vàng của Hoàng thượng đích thân nói ra đấy, lát nữa đừng có quên mất rồi lại chỉ trích thần thiếp nữa nhé!”
Y véo véo mũi tôi, đá tung đôi giày đang mang, để lộ đôi tất bằng đoạn màu lam thêu rồng bằng chỉ vàng, kéo chăn lên, cười hì hì, nói: “Trẫm cũng nằm nghỉ với nàng một lát!”
Tôi lấy chiếc gối sa mới màu lá sen non bên trong có cánh hoa cúc dại và thược dược đặt dưới cổ y, rồi thuận thế rúc vào nách y, ngắm nghía đôi tất. “Đôi tất này thêu tinh xảo quá, hình như là do An muội muội làm thì phải.”
Y cúi đầu ngắm kĩ một lát rồi đáp: “Trẫm cũng không nhớ rõ nữa, hình như là thế. Tài may vá, thêu thùa của nàng ta không tệ.”
Tôi không biết nói gì thêm, đành hỏi: “Hoàng thượng khi nãy từ đâu đến đây?”
Y thuận miệng đáp: “Sang thăm Thẩm Dung hoa.”
Tôi tủm tỉm cười. “Nghe nói tỷ tỷ đã khỏe rồi, có thể ngồi dậy được, một ngày hai lượt sai người sang thăm hỏi thiếp.”
Y lấy làm lạ, nói: “Vậy ư? Lúc trẫm tới thì nàng ta vẫn chưa ngồi dậy được để tiếp giá mà?”
Trong lòng tôi vô cùng nghi hoặc. Hôm qua Thải Nguyệt đến vấn an, nói rằng My Trang có thể xuống giường đi lại được rồi, chỉ là không thể ra khỏi cửa mà thôi. Xem ra vì chuyện bị giam lỏng mà tỷ ấy vẫn có chút oán hận Huyền Lăng, không muốn ngồi dậy tiếp đón, tôi bèn nói vuốt đuôi: “Bệnh tình của tỷ tỷ vốn hay thay đổi, bệnh dịch đâu phải dễ dàng chữa khỏi đâu.”
Y “à” một tiếng, không nói gì thêm, hồi lâu sau mới lên tiếng: “Nhắc đến bệnh dịch, trẫm lại nghĩ tới một chuyện bực cả mình.”
Tôi thỏ thẻ khuyên: “Hoàng thượng đừng tức giận mà, có thể kể cho thần thiếp biết được không?”
Ngón tay cái và ngón trỏ của y giữ lấy một góc chăn gấm, chậm rãi kể: “Hôm trước trẫm nghe Kính Phi nói, hai tên Giang Mục Dương và Giang Mục Y chữa bệnh dịch tuy có chút kết quả nhưng lại ngấm ngầm nhận tiền ối lộ của không ít cung nữ và nội giám. Kẻ có tiền thì được chữa trước, kẻ không có tiền thì chẳng được nhìn ngó đến, bị bỏ mặc cho tự sinh tự diệt. Đúng là hèn hạ mà!”
Tôi ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói: “Người hành nghề y có tấm lòng như cha mẹ, hành động như thế thực sự là có y thuật mà không có y đức. Thần thiếp thực sự coi thường loại người như thế.” Tôi yên lặng một lát rồi hỏi: “Hoàng thượng còn nhớ chuyện bọn họ hãm hại Thẩm Dung hoa khi xưa không?”
Lông mày Huyền Lăng chau lại nhưng vẫn chẳng biết làm sao. “Trẫm không quên đâu, chỉ có điều hiện giờ bệnh dịch chưa hết, vẫn chưa giết chúng được.”
Tôi hơi ưỡn người dậy, thưa: “Thần thiếp xin tiến cử với Hoàng thượng một người có thể chữa khỏi bệnh dịch, thái y Ôn Thực Sơ.”
Y “ồ” lên một tiếng, ánh mắt lập tức lấp lánh có thần, hứng thú nói: “Nàng nói rõ hơn đi!”
“Ôn thái y chữa bệnh cho tỷ tỷ rất hiệu quả, hơn nữa thần thiếp nghe nói phương thuốc của hai tên Giang Mục Dương và Giang Mục Y vốn xuất phát từ tay của Ôn thái y. Hoàng thượng nghĩ kĩ mà xem, hai tên Giang Mục Dương, Giang Mục Y vốn thiện trường chữa bệnh cho đàn bà và trẻ con, vì sao đột nhiên lại biết cách chữa bệnh dịch cơ chứ? Tuy nói người học y thuật thứ gì cũng biết một chút, nhưng dẫu có bắt đầu nghiên cứu từ đầu thì cũng chỉ biết võ vẽ mà không thể tinh thông. Hơn nữa, Ôn thái y vốn thiện trường chữa bệnh ôn dịch mà.”
Huyền Lăng im lặng suy nghĩ hồi lâu, nói: “Trẫm phải gặp tay Ôn Thực Sơ này một lần mới được, nếu đúng như lời nàng nói thì hai tên Giang Mục Dương, Giang Mục Y tuyệt đối không thể tha mạng.”
Tôi gối lên ngực y, dịu giọng thưa: “Hoàng thượng nói đúng lắm. Chỉ có điều, hiện giờ bệnh dịch trong cung có dấu hiệu chuyển biến tốt, người trong cung ai cũng cho rằng đó là công lao của bọn chúng, nếu bây giờ lấy cớ ăn hối lộ mà giết hai tên ấy, chẳng những người trong lục cung dèm pha Hoàng thượng vì nhỏ bỏ lớn, không để ý đến đại cục, mà e là ngự sử bên ngoài cũng nghe ngóng được tin tức, ảnh hưởng xấu đến thanh danh. Hoàng thượng, người thấy sao?”
“Nói cho cùng bọn chúng cũng là người của Hoa Phi, trẫm không thể không dè chừng Hoa Phi và gia tộc sau lưng nàng ta.” Y khẽ cười lạnh. “Nếu muốn giết thì thiếu gì cách cơ chứ? Đương nhiên không để người đời dèm pha rồi!”
Thân là quân vương, nhẫn nhịn, kiềm chế càng nhiều, tương lai khí oán bốc lên càng mạnh mẽ, bởi vì lòng tự phụ và tự tôn của họ vốn hơn xa người thường. Tôi đạt được mục đích, mỉm cười nhàn nhạt, dùng tay che lỗ tai, lắc đầu giận dỗi. “Cái gì mà giết hay không giết cơ chứ, thần thiếp nghe mà giật cả mình. Hoàng thượng không được nói như vậy nữa!”
Y vỗ về bờ vai tôi. “Được rồi, chúng ta sẽ không nói chuyện này nữa. Ngày Mười hai tháng Tư là sinh nhật mười bảy tuổi của nàng, chiến sự tây nam không ngừng đưa về tin thắng trận, nàng lại đang mang thai, trẫm sẽ lệnh cho bộ lễ tổ chức sinh nhật thật náo nhiệt cho nàng, vậy có được không?”
Tôi lúng liếng đưa mắt lườm y rồi dịu dàng thưa: “Hoàng thượng quyết định là được rồi!”
Y lại chìm trong suy tư, chầm chậm thốt lên hai chữ: “Hoa Phi…” nhưng rồi không nói thêm gì nữa.
Tôi chợt nghĩ ra một ý, hỏi: “Mấy ngày nay Hoàng thượng ở lì bên chỗ Hoa Phi, vì sao nàng ta chẳng có tin vui gì vậy?”
Y vẫn đang trầm tư, thuận miệng trả lời tôi: “Nàng ta sẽ không có con đâu.”
Tôi lấy làm lạ, hỏi: “Thần thiếp nghe nói Hoa Phi từng bị sẩy thai, có phải vì thế mà thân thể bị tổn thương không?”
Y tựa như nhận ra mình lỡ lời, bèn lờ đi câu hỏi của tôi, chỉ mỉm cười cho qua chuyện, hỏi thăm tình hình ăn uống, nghỉ ngơi của tôi.
Huyền Lăng bầu bạn với tôi một buổi rồi đi thăm Đỗ Lương viện. Tôi đưa mắt nhìn theo bóng y rời đi rồi mới mang hài, khoác áo ngồi dậy. Cận Tịch hầu hạ tôi uống một chén nước mơ cho tỉnh táo rồi khẽ khàng thưa: “Vào lúc này, nương nương khuyên Hoàng thượng giết chết hai tên họ Giang đó thì có phải là quá gấp gáp không?”
Tôi cười lạnh một tiếng, tay đùa nghịch chén nước, nói: “Không gấp đâu. Ta đã nói với ngươi rồi, lần trước trong cung của Hoàng hậu có người muốn đẩy ta đâm vào người Đỗ Lương viện, tuy không biết là ai nhưng có thể thấy tâm tư độc ác. Hiện giờ ta đang mang thai, càng là cái gai trong mắt bọn họ, trận dịch bệnh này đã đem lại không ít lợi ích cho hai tên họ Giang, địa vị của chúng ở Thái y viện được đề cao. Ôn đại nhân ở lì bên chỗ Thẩm Dung hoa, Chương Di là kẻ không mấy lanh lợi, ngộ nhỡ bị tên họ Giang giở trò gì với thuốc thang thì chúng ta chẳng phải là ngồi yên chờ họa hay sao? Chẳng bằng sớm giải quyết bọn chúng cho xong.” Hộ giáp dài gõ leng keng vào chiếc bát sứ, phá vỡ bầu không khí yên tĩnh của gian phòng, tôi chậm rãi nói tiếp: “Thực ra thì Hoàng thượng cũng nhẫn nhịn chúng lâu rồi, nếu không phải lúc cần dùng người thì sớm đã giết chết bọn chúng.”
Cận Tịch cười nhạt. “Kính Phi khuyên can Hoàng thượng rất đúng lúc. Nhưng mà cũng phải nhờ hai tên Giang Mục Dương, Giang Mục Y chịu chui đầu vào bẫy nữa.”
Tôi mỉm cười. “Đó là chuyện đương nhiên, loại người tham lam như bọn chúng chỉ cần có kẻ lấy vàng bạc ra làm mồi nhử là chúng động lòng ngay. Hoàng thượng chỉ tạm thời nhẫn nhịn bọn chúng thôi, bọn chúng đắc chí, vênh váo như thế đúng là tự tìm đường chết mà!”
Hai ngày sau, bên ngoài cung truyền đến tin tức rằng hai người Giang Mục Dương, Giang Mục Y trên đường rời cung về nhà bị cường đạo giết chết, đến đầu cũng bị cắt mất. Hoàng đế thương tình bọn họ đã khổ cực chữa bệnh dịch bèn ban cho trăm lượng bạc trắng để lo tang sự, coi như là khen thưởng, lại lệnh cho Ôn Thực Sơ tiếp nhận việc chữa trị dịch bệnh. Nhất thời trong cung và ngoài cung đều xưng tụng thánh thượng thương yêu thần tử, tấm lòng nhân hậu.
Lúc nhận được tin, tôi đang đứng dưới cửa sổ tỉa nhánh hoa hạnh, chỉ bình thản mỉm cười. Cũng nhờ vào trận dịch bệnh này, Ôn Thực Sơ công thành danh toại, coi như là chút báo đáp của tôi cho tình ý thuở xưa của hắn.