Chương 17

Chương 17: Thư ngân giao

Sáng sớm hôm sau tôi vừa đến thỉnh an Hoàng hậu thì Hoàng hậu đã tươi cười hạ lệnh cho cung nhân ngăn tôi lại, nói: “Hoàng thượng đã bảo rồi, không để cho ngươi hành lễ nữa, cứ ngồi yên ở đó là được.” Tôi đành phải vâng theo, Hoàng hậu lại nói tiếp: “Sáng nay, Hoàng thượng đích thân báo cho Thái hậu tin ngươi mang thai, Thái hậu rất vui mừng, lát nữa ngươi hãy theo bản cung đi thỉnh an Thái hậu.”

Tôi cúi đầu vâng dạ. Đến Di Ninh cung, Thái hậu rất vui vẻ, đang đích thân cầm bình nước tưới cho hoa cỏ ngoài vườn, thấy tôi và Hoàng hậu cùng đến thì càng vui mừng, rửa tay rồi cùng vào bên trong.

Tôi theo lễ đứng hầu trước mặt Thái hậu. Thái hậu nói: “Người khác đứng đó còn được, ngươi đang mang thai, hãy ngồi xuống đi!”

Lúc ấy, tôi mới tạ ơn rồi ngồi xuống. Thái hậu hỏi Hoàng hậu: “Ngày hôm sau là ngày sắc phong rồi phải không, đã chuẩn bị đến đâu rồi?” Nói xong, bà liếc nhìn tôi rồi nói với Hoàng hậu: “Quý tần có thể tính là chủ tử thực sự rồi, phải thi hành lễ sắc phong, chỉ có điều ngày quá cận kề, không khỏi có phần vội vã.”

Tôi vội đứng dậy, thưa: “Thần thiếp không dám đòi hỏi gì quá đáng, tất cả đều nghe theo ý chỉ của Thái hậu và Hoàng hậu.”

Thái hậu nói: “Ngươi cứ ngồi xuống đi, ai gia biết ngươi là người hiểu chuyện, chỉ có điều, tuy thời gian cấp bách thật nhưng không thể làm mất thể diện được.”

Hoàng hậu cười bồi. “Mẫu hậu an tâm. Thần thiếp đã chuẩn bị đâu vào đó cả rồi. Chỉ có lễ phục và mũ miện cho lễ sắc phong Hoàn Quý tần là không làm kịp, thần thiếp bèn lệnh cho Lễ bộ dùng tạm lễ phục và mũ miện của Kính Phi lúc được tấn phong thục nghi, sửa lại một ít là xong.”

“Được!” Thái hậu gật đầu, nói: “Hoàng hậu làm vậy rất tốt, việc gấp thì phải tòng quyền, lại không ảnh hưởng đến lễ nghi.” Nói xong, bà ra hiệu cho cung nữ bưng ra chiếc mâm bạc có lót một tấm lụa đỏ rực, bên trên đặt một chiếc trâm hợp hòa như ý bằng vàng ròng có khắc hoa văn hình hoa sen, chữ song hỷ và hình dơi, ở đầurâm có chạm hình Hợp hòa nhị tiên, nhìn kĩ thì chính là cây trâm mà Thái hậu từng ban cho My Trang lúc tỷ ấy mang thai. Ngày đó, Huyền Lăng trong cơn tức giận đã ném nó xuống đất khiến một góc trâm bị vỡ, hiện giờ đã dùng ngọc bích chạm lại như cũ. Thái hậu vẫy tay gọi tôi bước tới gần rồi tươi cười, nói: “Lúc Đỗ Lương viện mang thai, ai gia ban cho nàng ta một đôi vòng hương châu ngọc bích, bây giờ thì ban cho ngươi chiếc trâm hợp hòa như ý bằng vàng ròng này vậy.”

Tim tôi chợt giật thót, lập tức nghĩ đến bao nhiêu tai họa My Trang gặp phải khi tưởng là mình mang thai, chỉ cảm thấy cây trâm này có chút không may mắn. Nhưng trong lúc tôi đang ngẩn người, Thái hậu đã cài cây trâm lên mái tóc của tôi rồi cười, khen: “Đúng là đẹp thật!”

Tôi vội định thần, nhún mình tạ ơn. Hoàng hậu cười, nói: “Mẫu hậu đúng là thương Hoàn Quý tần quá. Năm xưa Cẩn Phi mang thai, mẫu hậu chỉ thưởng cho nàng ta một miếng ngọc bội.”

Cứ như vậy trò chuyện hồi lâu, Thái hậu còn dặn dò tôi mấy chuyện giữ thai, bồi bổ rồi mọi người mới chia tay, ai về cung người nấy.

Quay trở lại Oánh Tâm đường, tôi đang định thay bộ y phục thường ngày thì phát hiện trên bàn trang điểm có rất nhiều chai lọ, nổi bật nhất là một chiếc hộp nhỏ bằng ngọc đen, bề mặt nhẵn nhụi có vẽ hình hoa cúc bằng bột phấn màu xanh biếc. Tôi mở ra xem thì hóa ra là một hộp thuốc mỡ trong suốt, có mùi hương thơm mát, bất giác lên tiếng hỏi: “Đây là thứ gì?”

Cận Tịch mỉm cười, thưa: “Đây là Ngọc lộ quỳnh chi cao, Hoàng thượng vừa sai người đưa đến, nghe nói dùng để trị sẹo rất tốt.” Lại chỉ sang một chiếc hộp nhỏ màu hồng khác. “Đây là Phục nhan như ngọc sương, dùng để cầm máu.” Nàng ta lần lượt mở từng chiếc lọ, giải thích cho tôi, đa phần đều là thuốc để chữa vết thương trên mặt, tất cả đều do Huyền Lăng ban tặng.

Tôi ngồi xuống trước gương, vuốt ve vết thương trên mặt. Cũng may hôm qua Tùng Tử không đâm thẳng vào người tôi, lực đạo giảm đi đôi chút nên vết cào này cũng không sâu lắm. Chỉ có điều, hai vết thương đỏ sậm nằm ngang bên dưới tai trái, nhìn thật đáng sợ, chẳng khác gì hai vết máu bẩn trên mặt tuyết trắng trong.

Cận Tịch trầm lặng hồi lâu rồi thưa: “Chuyện hôm qua, đến giờ nô tỳ nghĩ lại vẫn còn thấy sợ. Nương nương đã mang thai rồi, về sau chuyện gì cũng phải thật cẩn thận mới được!”

Tôi “ừ” một tiếng rồi đưa mắt nhìn nàng ta, nàng ta hiểu ý, đáp ngay: “Thức ăn nước uống của nương nương, nô tỳ sẽ đặc biệt để ý. Hôm qua Hoàng thượng đã điều một tay đầu bếp từ Ngự thiện phòng sang đây, chuyên lo liệu nấu nướng cho nương nương, tuyệt đối không qua tay bất cứ kẻ nào khác. Thuốc mà nương nương dùng cũng do một tay Chương thái y chuẩn bị. Chương thái y là người lão luyện, từng trải, hẳn là sẽ không sơ sót gì đâu.”

Nghe vậy tôi mới an tâm, thay chiếc áo ngắn tay bằng sa mỏng màu khói lam nhạt, dưới vận chiếc váy lụa màu hồng đào thướt tha, dịu dàng. Ngắm hoa một hồi, tôi cảm thấy hơi mệt bèn ngả người xuống giường quý phi nghỉ ngơi một lát. Trong lúc mơ màng, tôi cảm thấy trước mặt thấp thoáng có bóng người đang ngồi, mở mắt nhìn kĩ, thân hình gầy guộc đó chính là Lăng Dung.

Nàng ta mỉm cười. “Thấy tỷ tỷ ngủ ngon quá, muội muội không dám đánh thức tỷ dậy.”

Tiết trời mùa xuân se lạnh, Lăng Dung chỉ mặc chiếc áo màu xanh sẫm đơn giản, nhìn kĩ mới thấy hoa văn chìm màu trắng xanh. Nàng ta búi tóc thành hình xoắn ốc đơn giản nhất, trên có cài chiếc trâm bạc hình hoa phẳng chạm mã não đỏ sậm và vài đóa châu hoa li ti màu trắng bạc, trông càng giống liễu mềm đong đưa trong gió, yếu ớt đáng thương.

Nàng ta vừa dứt lời, tôi bất ngờ kinh hãi đến biến sắc mặt. Lăng Dung vốn nhờ tiếng ca mà được sủng ái, giọng nói uyển chuyển tựa chim hoàng oanh líu lo, không ngờ trận phong hàn này lại nặng đến mức khiến cổ họng của nàng ta bị hỏng nặng, giọng khàn khàn khó nghe chẳng khác nào ống sáo bị rè.

Lăng Dung tựa hồ cũng nhìn ra vẻ kinh ngạc của tôi, nét mặt sa sầm như tự thương thân mình rồi chậm rãi lên tiếng: “Làm tỷ tỷ giật mình rồi! Bộ dạng Lăng Dung thế này thực sự là không nên ra khỏi cửa.”

Tôi vội nắm lấy tay nàng ta, hỏi: “Sao chỉ bị bệnh phong hàn thôi mà lại tệ như thế này chứ? Thái y cũng không chữa được sao?”

Nàng ta khẽ gật đầu, mắt hơi đỏ, miễn cưỡng mỉm cười, đáp: “Thái y nói bị bệnh phong hàn dây dưa không dứt nên dùng thuốc nặng một chút, kết quả là cổ họng thành ra thế này.”

Tôi tức giận nói: “Thái y gì mà hồ đồ như vậy! Muội vốn đã ốm yếu, sao có thể sử dụng loại thuốc hổ lang đó chứ? Giờ biết phải làm sao đây? Tỷ phải lập tức bẩm báo với Hoàng hậu, đuổi tay thái y đó đi!” Nói xong, tôi liền xoay người ngồi dậy, tìm hài mang vào.

Lăng Dung vội cản tôi lại, khuyên: “Tỷ tỷ đừng đi mà, là do muội sốt ruột muốn khỏi bệnh sớm nên mới nhờ thái y dùng thuốc nặng, không liên quan đến thái y đâu.”

Tôi thở dài. “Nhưng giọng muội thành ra thế này… Hoàng thượng nói thế nào?”

Lăng Dung cười khổ, vuốt ve vạt áo rồi thờ ơ đáp: “Bệnh phong hàn vừa khỏi được hai hôm, Hoàng thượng có triệu muội đến Nghi Nguyên điện ca hát, chỉ tiếc là muội không cất tiếng hát được, Hoàng thượng liền lệnh uội chịu khó nghỉ ngơi, cứ lặp lại hai lần như vậy, Hoàng thượng không triệu muội đến nữa.” Giọng nói của nàng ta hết sức lãnh đạm, bình hòa, tựa hồ đang thao thao kể chuyện của một người chẳng liên quan đến mình.

Tôi giật mình hỏi lại: “Chuyện xảy ra lúc nào? Thế mà tỷ chẳng hay biết gì cả.”

Lăng Dung bình tĩnh đáp: “Chẳng phải chuyện tốt đẹp gì, sao phải để mọi người biết chứ!”

Tôi không khỏi đau lòng. “Nhưng như vậy thì khổ uội quá!”

Hai người chúng tôi ngồi đối diện nhau hồi lâu, ai cũng ôm bầu tâm sự của riêng mình. Lăng Dung đột nhiên mỉm cười, nói: “Cứ mãi nói chuyện của muội khiến cho tỷ tỷ đau lòng, suýt quên lý do muội ghé qua hôm nay.” Nàng ta đứng dậy, nhún mình hành lễ: “Nghe nói tỷ tỷ đã mang thai, muội muội trước tiên xin chúc mừng tỷ tỷ!”

Tôi cười, nói: “Tỷ muội ta mà còn khách sáo làm gì cơ chứ?”

Lăng Dung lại nói tiếp: “Hôm qua nghe nói tỷ tỷ bị thương, muội sợ hết hồn, không biết nên làm sao mới phải. Muội vốn định lập tức chạy đến thăm tỷ tỷ nhưng lại vừa uống thuốc nên không thể ra gió, đành nhẫn nhịn đợi đến giờ mới sang được, tỷ tỷ đừng trách muội nhé! Tỷ tỷ đã đỡ hơn chút nào chưa?”

Tôi đang soi gương chải mái tóc dài bồng bềnh như mây, nghe nàng ta nhắc đến chuyện kinh hãi hôm qua, trong lòng hậm hực, gõ mạnh chiếc lược “cộp” một tiếng xuống bàn trang điểm bằng gỗ hoa lê, dư âm dai dẳng. Lăng Dung vội lên tiếng khuyên nhủ: “Tỷ tỷ đừng tức giận, con súc sinh Tùng Tử đó đã bị đánh chết rồi, nghe nói Đỗ Lương viện bị sợ hãi một phen, để trả hận, nàng ta lệnh cho người băm nát cả bốn móng vuốt của nó.”

Tôi đặt chiếc lược xuống, nói: “Tỷ không hận Tùng Tử, tỷ hận là có kẻ sai khiến Tùng Tử đâm bổ vào người tỷ.”

Lăng Dung ngẫm nghĩ hồi lâu rồi lên tiếng: “Sau khi dò hỏi đầu đuôi câu chuyện, muội muội suy nghĩ cả nửa ngày trời, nếu chuyện này không phải là bất trắc ngoài ý muốn thì nhất định có người xúi giục. Chỉ là muội vẫn không hiểu, các vị nương nương và tiểu chủ đều có mặt ở đó, vì sao Tùng Tử trong tay Cẩn Phi chỉ nhào vào người Đỗ Lương viện, chẳng lẽ trên người Đỗ Lương viện có gì khác thường hay sao?”

Tôi cúi đầu suy nghĩ hồi lâu rồi vỡ lẽ kêu lên: “Tỷ từng ngửi thấy mùi hương trên người Đỗ Lương viện rất đặc biệt, nghe nói là Hoàng thượng ban cho nàng ta hồi tháng trước, chỉ mỗi mình nàng ta là có mùi hương ấy mà thôi.”

Lăng Dung đáp: “Thế thì đúng rồi. Cẩn Phi nương nương am hiểu cách huấn luyện mèo, các nương nương, tiểu chủ khác nếu sinh được con trai thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoàng trưởng tử. Cẩn Phi nương nương là mẹ ruột của hoàng trưởng tử, đương nhiên sẽ không chịu ngồi yên. Đó chỉ là suy đoán của muội muội mà thôi, nhưng sau này tỷ tỷ phải thật cẩn thận mới được. Hôm qua là Đỗ Lương viện, về sau chỉ e bọn họ sẽ chăm chăm nhắm vào tỷ.”

Tôi thấy nàng ta nói cũng có lý, không khỏi cảm thán Lăng Dung ngây thơ thuở trước nay tư duy đã sắc bén hơn rồi. Tôi bất giác chăm chú nhìn nàng ta một hồi rồi gật đầu đồng ý.

Lăng Dung thấy tôi nhìn như vậy thì có chút ngượng ngùng, bối rối thưa: “Lời của muội muội chỉ là suy nghĩ hồ đồ của bản thân, tỷ tỷ có gì mà không biết cơ chứ? Muội muội chẳng khác gì giở trò múa búa trước cửa Lỗ Ban[1].”

[1] Có nghĩa là múa rìu qua mắt thợ.

Tôi chậm rãi thốt lên: “Nếu không phải muội gần gũi với tỷ thì đương nhiên đã chẳng nói những lời này rồi, sao lại hồ đồ cơ chứ!”

Nghe vậy, Lăng Dung hơi cúi thấp đầu, lúc ngẩng lên thì trên môi đã nở một nụ cười bình đạm. Nàng ta nhích người lại gần, quan sát vết thương của tôi rồi nói: “Đã bắt đầu lên da non rồi, chỉ cần không lưu lại sẹo thì tốt!”

Tôi sờ vào vết thương trên mặt, nói: “Không có gì đáng lo đâu, thái y đã xem qua rồi, Hoàng thượng cũng ban thuốc mỡ cho tỷ, chắc chỉ cần bôi vài ba hôm là lành lại thôi.”

Lăng Dung hơi ngẩn người, nhìn qua đám thuốc mỡ Huyền Lăng ban thưởng cho tôi rồi nói: “Thuốc do Hoàng thượng ban thưởng thì hẳn là thứ tốt rồi, chỉ có điều một là tỷ tỷ đang mang thai, không phải loại thuốc nào cũng có thể tùy ý sử dụng, hai là thuốc của Hoàng thượng có vài loại là do phiên bang tiến cống, chưa hẳn đã hợp với thể chất của chúng ta, tỷ tỷ nói như vậy có đúng không?”

Tôi nghĩ một lát, thấy cũng có lý, bèn gật đầu, nói: “Muội nói vậy cũng đúng!”

Nàng ta lấy một chiếc hộp sứ tròn nhỏ bằng men có vẽ hoa tinh cảo từ trong tay áo ra, nói: “Hộp Thư ngân giao này là loại thuốc gia truyền của nhà Lăng Dung. Nghe đồn năm xưa ái phi Đặng phu nhân của Ngô chủ Tôn Hòa bị ngọc như ý làm bị thương ở mặt, cũng nhờ vào loại thuốc này mà giữ được nhan sắc. Theo phương thuốc cổ thì lấy keo xương cá, hổ phách, bột trân châu, tủy rái cá, ngọc vụn và mật ong tán nhỏ, trộn với nhau, thêm vào nước hoa đào để lắng rồi chế thành.” Nàng ta kể vanh vách từng thứ một. “Hoa đào và bột trân châu làm sáng và ẩm da, giúp làn da thêm đẹp, keo xương cá, mật ong giúp da bóng láng, ngọc vụn và hổ phách làm liền vết thương, phẳng vết sẹo, trong đó thì tủy rái cá là quý giá nhất, có tác dụng làm mờ sẹo.”

Nắp hộp sứ được vẽ hình hoa nở bốn mùa bằng mực vàng, nét vẽ hết sức tinh xảo. Bên trong hộp là thuốc mỡ màu trắng muốt gần như trong suốt, mùi hương thơm mát. Chạm tay vào thì thấy mát lạnh. Tôi không khỏi kinh ngạc. “Những thứ khác không nói đến, tủy rái cá vốn rất hiếm có, chỉ e trong cung cũng chẳng tìm được. Rái cá chỉ sinh sống ở sông Phú Xuân, bản tính nhút nhát, thấy có người đến là nhảy ngay xuống hốc đá dưới đáy nước, rất khó bắt. Chỉ vào dịp tế cá hằng năm, đám rái cá vì tranh đoạt bạn tình nên thường đấu đá nhau, có con vì thế mà chết, xương vụn nằm lại trong hốc đá, lúc đó mới lấy được một ít tủy xương. Còn phải chọn đúng thời điểm, nếu không thì chỉ còn lại bụi xương mà thôi, tuy cũng có tác dụng nhưng dược lực kém tủy xương rất nhiều.”

Nghe tôi nói xong, Lăng Dung tủm tỉm cười, khen: “Tỷ tỷ biết nhiều hiểu rộng, nói đâu đúng đó. Muội vốn còn định thêm vào chút hương liệu để mùi hương ngọt ngào hơn, nhưng nghĩ tới chuyện tỷ tỷ đang mang thai, không tiện dùng hương liệu nên dùng hoa tươi để điều chỉnh mùi hương, như thế thì tỷ tỷ sẽ không ngửi thấy mùi thuốc nữa.” Nói xong nàng ta đưa chiếc hộp sứ đến sát mũi tôi. “Tỷ tỷ ngửi thử xem có thích không?”

Tôi khẽ hít một hơi, quả nhiên mùi hương rất nồng nàn, tựa như đang đứng giữa biển hoa trong Thượng Lâm uyển ngày xuân. Tôi hài lòng mỉm cười. “Thích thì thích lắm đấy, chỉ là quý giá quá, tỷ sao dám nhận cơ chứ?”

Lăng Dung đặt tay lên tay tôi, tha thiết nói: “Thứ gì của Lăng Dung cũng là của tỷ tỷ, chỉ cần vết sẹo của tỷ tỷ lành lại thì muội đã an tâm lắm rồi. Chẳng lẽ tỷ tỷ muốn thấy muội lúc nào cũng phập phồng lo lắng hay sao?” Lăng Dung sốt ruột, giọng nói càng thêm khàn khàn.

Tôi nghe mà đau lòng, lại thấy nàng ta tha thiết như vậy, đành nhận lấy cho nàng ta vui lòng.

Lăng Dung lại dặn dò thêm: “Mặt tỷ tỷ đang bị thương, hiện giờ đang độ xuân sang, phấn hoa dính nhiều tro bụi, bệnh dịch chưa hết hẳn, trong cung chỗ nào cũng đốt lá ngải, bụi bặm bay khắp nơi, nếu không cẩn thận dính phải thì sẽ ảnh hưởng đến vết thương đang lên da non. Hơn nữa, loại Thư ngân giao này sau khi thoa lên mặt thì kỵ ra gió, tỷ tỷ nhớ che mặt lại thì tốt hơn.”

Tôi vô cùng cảm kích tấm chân tình của nàng ta, mỉm cười, nói: “Muội đúng là chu đáo thật, thái y cũng nói vết thương trên mặt tỷ kỵ bụi bặm và phấn hoa.”

Ánh mắt Lăng Dung chợt buông lơi một thoáng, tựa như từng tầng mây mù được vén lên, trong sáng ung dung. Nàng ta cười, nói: “Như thế thì tốt quá. Tỷ tỷ nghỉ ngơi cho khỏe, muội muội xin cáo từ trước!”

Ăn xong bữa tối, rảnh rỗi chẳng biết làm gì, tôi vừa cầm kim lên thêu được mấy mũi Xuân sơn đồ thì Bội Nhi chạy lại châm trà rồi thưa: “Nương nương giờ vẫn còn thêu món này sao? Vừa ảnh hưởng đến mắt lại vất vả nữa, cứ giao cho nô tỳ làm là được.”

Đúng lúc đó, Hoán Bích bước vào đổi hoa tươi cắm trên án, nàng ta vội chạy tới, dặn dò: “Tiểu thư uống ít trà thôi, Cận Tịch cô cô đã dặn rồi, nước trà không tốt cho thai nhi, đừng uống là tốt nhất.” Lại đề nghị: “Hay là làm vài thứ thức uống bổ dưỡng? Tổ yến, mật ong hay là nước sương?”

Bội Nhi đỏ bừng mặt, lầu bầu vỗ vào đầu mình. “Xem nô tỳ hồ đồ quá nên quên mất, cô cô đã dặn dò hết rồi. Cô cô còn dặn phòng bếp khi nấu ăn không được cho các loại hương liệu như hồi, hạt tiêu, vỏ quýt, ớt, ngũ vị hương, rượu cũng không được dùng nhiều, tránh xối mỡ.”

Tôi mỉm cười, nói: “Cận Tịch có phần quá cẩn thận rồi, dùng một chút thì hẳn chẳng sao đâu.”

Hoán Bích đổi nước mật ong cho tôi, đợi đến khi ấm ấm rồi mới dâng lên. “Tiểu thư được sủng ái cả một năm trời mới mang thai, chẳng những Hoàng thượng và Thái hậu hết sức trân trọng, mọi người trong cung chúng ta cũng hầu hạ cẩn thận, chỉ mong tiểu thư có thể bình an sinh hạ tiểu hoàng tử. Tiểu thư nên nghỉ ngơi dưỡng sức thì hơn, tay trái bị thương rồi, mấy việc khâu vá này cứ giao cho đám cung nhân làm là được. Huống hồ thêu thứ này cũng chẳng hợp thời chút nào.” Tôi nghe nàng ta khuyên răn tha thiết, nghĩ đến chuyện từ khi bị tôi răn dạy xong, nàng ta quả nhiên không còn xử sự hai lòng nữa. Tiểu Liên Tử ngầm để ý lâu nay cũng chưa phát hiện ra điểm gì không ổn, cho nên tôi cũng dần an tâm giao một số việc cho nàng ta làm, không còn chú ý đề phòng nữa.

Thêu Xuân sơn đồ vốn là để rèn luyện tâm tính, giữ cho tâm bình khí hòa, hiện giờ thì chẳng cần làm thế nữa, tôi bèn chiều theo ý nàng ta. “Không thêu thứ này cũng được, chỉ là cứ nằm dài mãi thì bực bội, khó chịu quá!”

Hoán Bích mím môi cười, nói: “Tiểu thư nếu cảm thấy buồn chán thì chẳng bằng cắt may vài ba bộ quần áo cho trẻ con, thêu thùa cẩn thận, tiểu hoàng tử ra đời là có thể mặc ngay.”

Lưu Chu đứng bên cũng nói góp vào: “Đúng vậy, bây giờ là phải bắt đầu khâu vá rồi, đợi đến khi bụng của tiểu thư được sáu, bảy tháng, thân thể nặng nề thì làm gì cũng không tiện.”

Tôi bị bọn họ thuyết phục, lập tức sai người xuống kho chọn vài tấm vải mềm mại, rồi mấy người chúng tôi ngồi quanh đèn, bắt đầu cắt may y phục.

Thức dậy sớm, tôi nghe thấy tiếng chim oanh líu lo bên ngoài cửa sổ. Thuần Nhi lại ghé sang thăm tôi, tôi cùng nàng ta ăn sáng xong bèn ngồi xuống nói chuyện phiếm.

Thuần Nhi nói: “Nghe nói lúc tỷ tỷ lâm bồn thì mẹ đẻ có thể vào cung bồi bạn với tỷ tỷ, có thật vậy không?”

Tôi đáp: “Đúng thế! Đến tháng cuối thì Hoàng thượng sẽ ban ân chỉ xuống.”

Thuần Nhi cúi đầu thở dài một hơi. Nàng ta trước giờ vốn vô tâm, càng không cần nói đến chuyện có tâm sự gì, cả ngày chỉ cười hì hì đùa giỡn như đứa trẻ, bây giờ lại biết thở dài, thật khiến tôi hết sức ngạc nhiên. Thuần Nhi xòe tay ra đếm: “Lâu lắm rồi muội không được gặp mẹ, tỷ tỷ thì thích rồi, chỉ cần đứa bé trong bụng lớn một chút là được gặp mẹ.”

Tôi thấy vẻ khao khát đáng thương của nàng ta, không khỏi cảm thấy xúc động, nghĩ đến ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, trong lòng chợt chua xót. Thuần Nhi nhỏ hơn tôi hai tuổi, là con gái út trong nhà, mười ba tuổi vào cung, đến giờ vẫn chưa được gặp người nhà, bảo sao nàng ta không khỏi thương tâm.

Cận Tịch thấy tôi và Thuần Nhi đều có vẻ buồn bã, sợ tôi đau lòng bèn chạy lại khuyên nhủ: “Thuần tiểu chủ sau này cũng sẽ mang thai giống như nương nương chúng tôi thì chẳng phải cũng có thể gặp lại phu nhân rồi sao? Tiểu chủ sống tốt trong cung, phu nhân ở nhà cũng cảm thấy yên tâm, phải vậy không?” Nàng ta mỉm cười, nói tiếp: “Hơn nữa, thức ăn trong cung lại ngon hơn hẳn những món bên ngoài.” Nói xong, nàng ta cười hì hì, lệnh cho Phẩm Nhi bưng món bánh bột ấu ngào sữa nóng hổi ra.

Thuần Nhi không nhìn thấy thì thôi, vừa nhìn thấy đồ ăn ngon thì lập tức sáng mắt, không còn nghĩ đến chuyện thở vắn than dài nữa. Tôi quả thực rất hâm mộ tính cách đơn thuần, ngây thơ của Thuần Nhi, chỉ cần có đồ ăn ngon thì phiền não cách mấy cũng bị vứt ra ngoài. Sách vở thường nói đến “tâm tư trong sáng”, hẳn là muốn chỉ kiểu người có tính tình giống Thuần Nhi đây. Suy nghĩ nhiều quá sẽ khiến bản thân mình phiền muộn trước tiên.

Tôi cười, nói với nàng ta: “Nghe Thúy Vũ, cung nữ của muội nói muội thích ăn bánh thơm củ ấu, tỷ bèn dặn nhà bếp chuẩn bị uội, thêm một ít sữa bò vào, rất mềm, muội ăn thử xem có thích không?”

Thuần Nhi luôn miệng vâng dạ rồi nhanh như chớp ăn hết cả một đĩa, thế mà vẫn thèm thuồng, liếm liếm ngón tay, nói: “Làm ngon hơn chỗ muội nhiều!”

Tôi thương hại nhìn sang nàng ta rồi cười, nói: “Nếu muội thích thì tỷ sẽ dặn nhà bếp chuẩn bị sẵn uội ngày, nhưng phải nhớ là không được ăn quá no.”

Thuần Nhi cười hì hì vâng theo, nhìn chằm chằm vào bụng dưới của tôi, ngẩn ngơ một hồi, sau đó nàng ta mới cẩn thận sờ sờ vào đó, hỏi: “Chân tỷ tỷ, thực sự trong bụng của tỷ đang có một đứa bé sao?”

Tôi cười, đáp: “Đúng vậy, là một đứa bé còn rất rất nhỏ, chân tay còn chưa dài ra nữa.”

Thuần Nhi ngẩn ra. “Nhỏ đến thế cơ à!” Rồi vội vàng tháo hộ giáp trên tay xuống.

Tôi cười, hỏi: “Muội làm gì vậy?”

Thuần Nhi chống cằm, đáp: “Đứa bé còn nhỏ như vậy, muội sợ hộ giáp quá nhọn làm tổn thương nó.”

Tôi cười đến mức suýt phun cả nước trong miệng ra, khó khăn lắm mới dừng lại được, bảo: “Làm sao bị thương được chứ? Muội thương đứa nhỏ như vậy, tỷ sẽ cho nó làm cháu của muội, có được không?”

Hàng lông mi dài cong vút của Thuần Nhi chớp chớp, hai mắt linh động như hai hạt châu, nàng ta sung sướng kêu lên: “Thật sao? Muội có thể làm dì của nó ư?” Nói xong, nàng ta vội vã tháo miếng ngọc bội dương chi trắng muốt trên cổ xuống. “Vậy muội tặng trước lễ vật này, về sau đứa bé phải gọi muội là dì đấy!”

Tôi đáp: “Hẳn rồi, đã nhận lễ vật thì không thể chối bay chối biến được nữa!” Tôi vuốt ve bụng, nói: “Con à, con xem dì của con thương con chưa kìa, con còn chưa ra đời mà lễ vật đã đến nơi rồi.”

Thuần Nhi cúi sát xuống bụng tôi, nói: “Cục cưng à cục cưng ơi, con phải lớn nhanh nhanh lên nhé, đợi con lớn rồi, dì sẽ để dành cho con những món bánh ngọt ngon lành nhất. Bánh đậu xanh, bánh hạt dẻ, bánh đậu hai màu, bánh đậu cuộn, mứt trái vải, mứt đào sợi, bánh xốp hồ đào, bánh táo cuộn, mứt lê cuộn, đó đều là những món ăn ngon nhất trần đời, dì sẽ nhường cho con ăn hết, sẽ không giành ăn với con đâu, con tha hồ mà ăn để trở thành một cục cưng mập mạp nhé!”

Tôi nói theo: “Còn nữa, dì của con về sau sẽ sinh thật nhiều bé cưng khác để làm bạn với con, con có thích không?”

Thuần Nhi giậm chân, cười, mắng tôi: “Tỷ tỷ không biết xấu hổ, lấy muội ra làm trò đùa.” Nói xong thì vén rèm, chạy thẳng ra ngoài.

Tôi cứ tưởng nàng ta sẽ chạy biến mất, ai ngờ lại thò đầu vào, mặt đỏ bừng, chần chừ hồi lâu rồi mới lí nhí hỏi tôi: “Muội sinh bảy, tám đứa nhỏ để chơi trốn tìm với con của tỷ, thế đã đủ chưa?”

Tôi nghe vậy thì không nhịn được cười, lỡ tay làm đổ chén nước mật ong xuống váy, ướt đẫm. Cận Tịch trước nay đoan trang, giờ cũng vừa tủm tỉm cười vừa giúp tôi thay y phục. Tiểu Doãn Tử cười đến bò lăn ra đất. Lưu Chu ôm bụng, những người khác đều quay đi, che miệng cười. Tôi cố nhịn cười, nói: “Đủ rồi, thế là đủ rồi, nhiều hơn thì bọn ta không sao lo nổi đâu.”

Thuần Nhi thấy bộ dạng của chúng tôi như vậy thì biết mình đã lỡ lời, bất giác mặt càng đỏ, chỉ biết quay người bỏ chạy.

Buổi trưa, mặt trời ấm áp, tôi bèn ngồi nghiêng trên sạp trước cửa sổ noãn các phía tây đọc sách để giết thời gian, trên người đắp một chiếc chăn mỏng bằng tơ màu xanh nhạt óng ả, bên dưới lót tấm thảm mềm vằn lông hổ dày hơn một tấc, vừa êm ái vừa ấm áp, tấm rèm vải dệt màu xanh nhạt thêu chỉ vàng được vén lên bằng móc bạc, trên sạp chất chồng ba, bốn chiếc gối lông ngỗng, vỏ bằng đoạn trắng muốt trên có thêu hoa hợp hoan, mềm mại, dễ chịu. Đọc được nửa quyển sách, tôi khép hờ mắt ngủ thiếp đi. Sau một giấc say sưa, tỉnh lại thì trời đã gần tối. Tôi lờ mờ nghe thấy bên ngoài có tiếng Tiểu Liên Tử đang nói chuyện với ai đó, hình như là giọng của Ôn Thực Sơ. Lúc này trong nhà chẳng có ai khác, cửa sổ nửa khép nửa mở, gió chiều mang theo hương hoa từ hành lang len vào khiến tấm rèm chao đảo như gợn mặt nước, những hoa văn thêu chỉ vàng liên miên như ánh mặt trời lấp lánh. Tôi lười chẳng buồn ngồi dậy, vẫn ngả người trên sạp, xoay người về phía cửa sổ, lắng nghe tiếng nói chuyện bên ngoài.

Chỉ nghe Tiểu Doãn Tử thưa: “Thất lễ với đại nhân rồi, nương nương nhà chúng tôi vẫn đang ngủ, không biết đại nhân có chuyện gì gấp không?”

Ôn Thực Sơ đáp: “Không sao, ta đứng chờ ngoài hành lang cũng được. Ta nghe nói nương nương có tin vui nên đến thỉnh an thôi.”

Tiểu Doãn Tử bèn thưa: “Vậy thì phiền đại nhân đứng chờ ở đây, nô tài xin cáo lui trước!”

Bên ngoài yên tĩnh được một lát, cửa sổ vốn được ánh nắng chiều vàng nhạt chiếu rọi, tôi chợt nghe có tiếng bước chân rón rén tiến lại gần rồi cảm thấy trước mắt tối lại. Hơi hé mắt, tôi bỗng nhìn thấy Ôn Thực Sơ đang đứng trước cửa sổ, cách hai tầng rèm cửa sổ và màn giường, hắn đưa mắt nhìn tôi đến thất thần, lẳng lặng chẳng thốt lên tiếng nào.

Đôi mi dài cong vút vội vã cụp xuống, tôi như đang ngủ, hắn cũng tưởng là tôi đang ngủ say. Được một lát, hắn nhẹ nhàng đặt tay lên tấm rèm cửa, hắn không tiến lại gần, cũng không vén rèm lên để ngắm dung nhan lúc ngủ của tôi, chỉ lẳng lặng đứng đó ngắm nhìn tôi, ánh mắt đầy vẻ quyến luyến. Thực ra, cách một tấm rèm chỉ vàng, hắn không thể nhìn thấy tôi rõ ràng được.

Tôi cảm thấy có chút khó xử, nhưng lại không tiện ngồi dậy mở miệng trách mắng, dù gì cũng phải để lại cho hắn chút thể diện để về sau còn gặp gỡ trò chuyện. Thực sự thì hắn đối xử với tôi rất tốt. Vào cung được hơn một năm, nếu ban đầu tôi không được hắn tận tình chăm sóc thì chỉ e cuộc sống sẽ không được thoải mái, dễ chịu như bây giờ.

Chỉ là tôi không muốn vì một chữ “tình” mà nợ người ta quá nhiều. Tình ý mà hắn trao tặng, tôi không thể và cũng không muốn đón nhận và đền đáp. Đương nhiên tôi chỉ còn cách dùng công danh, lợi lộc để trả ơn hắn, coi như không uổng phí công hắn vất vả vì tôi.

Chỉ có điều, hắn lẽ ra phải hiểu rõ, hoa lựu rực lửa trong cung chiếu rọi đôi mắt của tôi, cũng thắp sáng ánh mắt của hắn, nhưng bên trong và bên ngoài bức tường cung đỏ, là sự khác biệt trên trời dưới đất. Hắn có vấn vương ra sao thì cuối cùng cũng là si tâm vọng tưởng. Huống gì lòng tôi thế nào thì trước khi tôi vào cung, hắn đã biết rõ mồn một. Những lời khiến người ta nghe đau lòng, tôi thực sự không muốn lặp lại lần thứ hai.

Tôi bèn xoay người, đổi tư thế ngủ thêm lần nữa, quay lưng về phía y, giả vờ vô ý huơ tay đẩy thanh như ý bằng ngọc dùng để giữ yên giấc ngủ xuống đất. “Choang” một tiếng, ngọc vỡ tan tành, hắn tựa hồ kinh hãi, vội vã lùi ra xa. Cận Tịch nghe tiếng thì hốt hoảng chạy vào, thấy tôi vẫn ngủ say bèn rón rén dọn dẹp các mảnh ngọc vỡ rồi lui ra ngoài.

Hồi lâu sau, nghe thấy bên ngoài không còn tiếng động, tôi mới cao giọng hỏi: “Ai ở bên ngoài?”

Hoán Bích chạy vào, đỡ tôi ngồi dậy, đặt thêm hai chiếc gối lông ngỗng sau lưng tôi rồi thưa: “Tiểu thư tỉnh rồi sao? Vừa nãy Ôn Thực Sơ đại nhân có ghé qua.”

Tôi vờ lấy làm lạ, hỏi: “Sao không mời hắn vào?”

Hoán Bích cười, thưa: “Đại nhân vốn định vào thỉnh an tiểu thư nhưng nghĩ tiểu thư vẫn còn đang ngủ, Tồn Cúc đường lại cho người sang truyền lời, nói là đến giờ chẩn mạch bình an rồi, mời Ôn đại nhân sang đó.”

Tôi nói: “Vậy cũng phải! Hoàng thượng đã chỉ định Ôn thái y chữa bệnh cho Thẩm Dung hoa, hắn đã gánh vác trách nhiệm, không dễ gì thoát thân. Hắn tới có chuyện gì không?”

Hoán Bích lấy hai tờ giấy từ trong người ra, thưa: “Ôn đại nhân nghe nói tiểu thư bị thương ở mặt, có viết hai phương thuốc đưa đến, nói là nếu lỡ để lại sẹo thì dựa vào phương thuốc này điều chế phấn bôi, có thể che khuất được vết sẹo.”

Tôi đón lấy giở ra xem, một là phương thuốc chế phấn trân châu, lấy hạt hoa nhài tím giã nhỏ lấy nhân, chưng lên chế thành bột, còn loại thứ hai là phấn ngọc trâm, lấy hoa ngọc trâm cắt phần cuống rồi dồn hồ phấn bình thường vào, sau đó chưng chín chế thành phấn ngọc trâm, kế bên còn có hàng chữ nhỏ chú thích kĩ càng, phấn trân châu dùng vào mùa xuân, phấn ngọc trâm dùng vào mùa thu, ngoài ra dùng sương sớm đọng trên lá sen hòa với phấn rồi thoa lên mặt, sẽ làm tăng thêm hiệu quả… Tờ thứ hai viết phương thuốc chế dược hoàn, chọn lấy nguyên cọng cỏ ích mẫu tươi tốt vào tiết Đoan ngọ, trên cỏ không được dính chút bụi đất nào, sau khi hong nắng cho khô thì nghiền thành bột mịn lọc qua rây, thêm vào lượng nước và bột mì phù hợp, vò lại thành viên phơi khô. Chọn một chiếc lò bằng bùn vàng ba tầng kín gió, dùng lửa lớn nung khô trong vòng nửa canh giờ, sau đó để lửa riu riu hầm từ từ, khoảng một ngày một đêm, lấy dược hoàn ra, đợi cho nguội hẳn thì bỏ vào bát gốm nghiền thành bột để dùng. Chùy để nghiền cũng cần chọn lựa kĩ càng, chùy ngọc là tốt nhất, sau đó đến chùy bằng sừng hươu, ngọc, sừng hươu đều có tác dụng làm mịn da, làm mờ vết sẹo và vết nám.

Tôi lại nói: “Có hỏi thăm sức khỏe của Thẩm Dung hoa thế nào không?”

Hoán Bích giòn giã đáp ngay: “Nô tỳ đã hỏi rồi. Ôn đại nhân nói tiểu chủ vẫn ổn, chỉ là vẫn chưa xuống giường được, cần phải tĩnh dưỡng. Tiểu thư chỉ để ý đến người khác, chính mình cũng thế thôi!”

Tôi xem qua từng phương thuốc rồi tủm tỉm cười. “Cũng khổ công cho hắn lúc nào cũng lo lắng cho ta. Đợi đến tối, lệnh cho Tiểu Liên Tử theo phương thuốc này đi lấy dược về chế phấn thôi!”

Hoán Bích “vâng” một tiếng rồi lui xuống.

Ngày Hai mươi sáu tháng Ba theo lịch là ngày tốt nhất trong vòng nửa năm nay, tôi và Phùng Thục nghi đều được thụ phong vào ngày này. Từ sáng sớm tinh mơ, Oánh Tâm điện đã bận bịu tíu tít. Đám cung nữ và nội giám bưng lễ vật và nghi trượng chuyên dùng cho ngày lễ lớn đi qua đi lại như con thoi, lối đi lát đá trước điện được trải thảm lông cừu dài đỏ thắm, xe Địch phượng ngọc lộ chuyên dùng cho phi tần lúc được sắc phong đã đứng đợi trước cổng Đường Lê cung.

Tôi ngồi ngay ngắn trước bàn trang điểm, vừa rửa mặt, tắm rửa xong, nội giám hầu cận Huyền Lăng là Lưu Tích Thọ đã đích thân đến đưa y phục và trang sức cần mặc trong lễ sắc phong. Theo đúng lễ chế, trong lễ sắc phong, Hoàng hậu chải tóc theo kiểu Lăng văn, phi chải kiểu Vọng tiêu cửu hoàn, quý tần chải kiểu Tham loan, các cung tần còn lại chải tóc cao kiểu Như ý, cung nhân thì chải theo kiểu Phụng thánh. Tôi bèn vấn tóc lại theo kiểu Tham loan vừa đoan trang vừa hòa nhã.

Người phụng chỉ chải tóc cho tôi là lão cô cô Kiều thị. Bà ta mỉm cười, thưa: “Trán của nương nương cao thật, nô tỳ từng chải đầu cho nhiều vị nương nương, nhưng trán của nương nương là cao nhất, hiện giờ người lại đang mang thai, đúng là có nhiều phúc đức, người thường chẳng ai sánh kịp.”

Nữ nhân trong cung đều tin rằng trán càng cao thì phúc đức càng nhiều. Tôi trong lòng vốn đã vui sướng, nghe bà ta nói chuyện bùi tai thì càng thêm hoan hỷ, bèn hạ lệnh thưởng tiền cho bà ta.

Trâm hoa cài đầu tổng cộng có sáu cây, chia làm một đôi thoa hình chữ phúc bằng vàng nạm san hô đỏ, một đôi trâm thiên bảo khánh nghi, nổi bật nhất là đôi bộ dao phượng bằng vàng ròng có đính chuỗi hạt ngọc phỉ thúy và hạt trai. Bộ dao vốn chỉ dành riêng cho người từ địa vị quý tần trở lên, tuy Huyền Lăng sớm đã ban thưởng cho tôi nhưng hôm nay mới có thể sử dụng công khai. Chiếc bộ dao đính đầy hoa vàng hoa bạc chạm rỗng, lấy trân châu, hình dơi bằng đá thanh kim có đính phỉ thúy làm cán, treo những chuỗi hạt ngọc trai được chế tạo tinh xảo, buông rủ đến tận tai. Những đóa cung hoa sáu cánh trên đôi trâm thiên bảo khánh nghi, hoa cài đầy phỉ thúy đính hạt châu lấp lánh, hoa tai dài buông rủ khẽ lay động. Như thế còn chưa đủ, giữa búi tóc còn cài thêm một đôi hoa cài đầu bằng ngọc đỏ đính chuỗi trân châu to bằng hạt gạo, một đôi hoa cài đầu phỉ thúy khảm san hô hình tùng thạch hồ lô, một đôi hoa cài ở thái dương hình phương hồ tập thụy.

Trang điểm xong, tôi hơi nghiêng đầu, bất giác thốt lên: “Nặng thật!”

Lưu Chu đứng bên cười hì hì, thưa: “Hiện giờ mới chỉ được phong là quý tần mà tiểu thư đã chê trang sức trên đầu nặng rồi, về sau trở thành quý phi thì biết làm thế nào? Nghe nói lúc tấn phong quý phi thì chỉ riêng trâm cài đầu đã có đến mười sáu cây rồi đấy.”

Tôi quay đầu giận mắng: “Nói nhảm gì đó!”

Kiều cô cô mỉm cười, khuyên: “Cô nương nói vậy là rất đúng! Nương nương sinh hạ hoàng tử rồi, chẳng lẽ còn sợ không có ngày được phong làm quý phi sao? Trong hậu cung, có ai không biết Hoàng thượng yêu thương nương nương nhất cơ chứ?”

Tôi chỉ cười mà không đáp, dang hai tay ra để bọn họ thay lễ phục. Loan y bằng tơ tằm mỏng hai lớp màu đỏ thêu thụy thảo vân nhạn, tay áo rộng, vạt áo dài chấm đất, khăn quàng vai dệt bằng chỉ vàng thêu hoa, tua rua buông rủ, đồ án chim loan bảy màu thêu dài dằng dặc, từ trước ngực quàng lên vai rồi buông rủ đến tận vạt váy, bồng bềnh như mây. Tay áo được thêu nổi sợi vàng, đường viền thêu hoa chi chít rộng cả tấc, hơi lộ ra mười ngón tay búp măng. Ngang eo chít thắt lưng bằng lụa, trên cánh tay có khoác thêm tấm lụa màu đỏ ánh bạc lấp lánh.

Tự ngắm mình trong gương, tôi thấy mình đúng là có phong thái vô cùng đoan trang, mỹ lệ.

Phong quý tần khác hẳn với những lần sắc phong trước. Lúc trước, mỗi lần sắc phong chỉ cần Huyền Lăng nói một tiếng hoặc ban thánh chỉ thông báo cho lục cung là đủ. Các phi tử từ quý tần trở lên mới có thể coi là chính thức có địa vị cao quý trong chốn hậu cung, cần phải tế bái Thái miếu, nhận kim sách, kim ấn, kim ấn của chính nhất phẩm tứ phi được gọi là Kim bảo. Có điều, Thái miếu chỉ được mở vào những dịp tế trời, phong hậu hay những dịp lễ tết quan trọng, còn bình thường, phi tần được sắc phong chỉ cần tế bái tượng trưng trước Thái miếu từ trong cung là được.

Giờ lành đến, tôi quỳ sau lưng Kính Phi Phùng thị, tế bái trước Thái miếu từ trang trọng, nghiêm túc, nghe Ti cung nghi đọc qua lời mừng bằng văn biền ngẫu bốn sáu, chính phó sứ của lễ sắc phong là Hộ bộ thượng thư Lý Liêm Cơ và Hoàng môn thị lang Trần Hy Liệt cầm tráp sơn đỏ chạm vàng khắc hoa văn long phượng, trên có phủ khăn lụa đỏ nhũ vàng, ban xuống kim sách bốn trang, Kính Phi thì được kim sách tám trang. Sau đó đến lượt hộp gấm nhỏ đựng kim ấn, trên kim ấn bằng vàng có khắc chữ triện, rộng bốn tấc chín phân, dày một tấc hai phân, trên có núm hình chim loan. Kính Phi và tôi ba lần tung hô vạn tuế rồi sau đó đến Chiêu Dương điện vái lạy Hoàng đế, Hoàng hậu.

Hoàng hậu Chu thị mặc lễ phục thêu trăm phượng màu tía ánh vàng, tay áo rộng, ngồi ngay ngắn bên cạnh Huyền Lăng. Nơi tay áo và cổ áo để hở, lộ ra đường viền của lớp áo giữa bằng sa màu vàng đỏ, váy dài màu vàng hoa hạnh thêu chỉ vàng buông thõng mềm mại, choàng vai bằng vải sa trắng có thêu hoa văn bách bảo màu vàng hạnh, dài thướt tha, càng làm tăng thêm phong thái đoan trang, hiền hòa… Vẻ mặt vừa nghiêm túc vừa kính cẩn, Hoàng hậu cao giọng nói: “Kính Phi Phùng thị, Hoàn Quý tần Chân thị được hưởng ân trời, nhận điềm lành trong cung, từ nay về sau phải biết tu đức sửa thân, hậu cung hài hòa, kính cẩn hầu hạ thánh thượng, sinh con nối dõi.”

Tôi và Kính Phi cúi đầu bái tạ ba lượt, cung kính vâng theo: “Được Hoàng hậu dạy bảo, vui mừng khôn siết.”

Ngẩng lên, tôi nhìn thấy chiếc áo bào màu vàng rực thêu chín rồng bằng chỉ vàng của Huyền Lăng, vạt áo có thêu hoa văn sóng nước chập chùng. Ngẩng đầu lần nữa, đón lấy ánh mắt chăm chú, ấm áp như gió xuân của y, trong lòng tôi ấm áp, không khỏi bốn mắt nhìn nhau, mỉm cười vui sướng từ tận đáy lòng.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện