Q.6 - Chương 7: Gặp Nhau Vui
Chiếc áo choàng gấm thêu hoa mềm mại được đặt vào tay tôi, vốn là mong dùng nó để xua đi cái lạnh, thế nhưng lúc này tôi lại chỉ cảm thấy lạnh hơn. Đứng trên dãy hành lang quanh co khúc khuỷu, tôi có cảm giác như mãi mãi chẳng thể tới nơi tận cùng.
Những tàu lá chuối bên dưới hành lang cong cong xanh mướt, đôi nhành hoa liễu tím bên cạnh đâm ngang, đổ bóng xuống nền hành lang được lát bằng gạch xanh cổ kính. Mắt tôi bỗng như hoa lên, ngỡ rằng từ đằng xa Thanh đang chầm chậm bước về phía mình.
Tôi không kìm được thầm cảm thán, tương tư đau đáu, không ngờ đã tới mức này rồi sao?
Mùi hoa đỗ nhược bỗng gợn lên nơi đầu mũi, vừa mới mẻ vừa quen thuộc, rồi kế đó giọng nói thoáng mang theo chút xa cách và hờ hững của y vang lên, tựa như đã bị dính nước sương đêm lạnh: “Nàng... giờ vẫn ổn chứ?”
Cổ họng tôi cơ hồ nghẹn lại, phải cố hết sức mới có thể gượng cười. “Vừa nãy đã nói rồi mà, bản cung vẫn khỏe.” Tôi dừng một chút rồi mới tiếp: “Vương gia quên rồi sao?”
Y chậm rãi lắc đầu. “Vừa nãy là vừa nãy, bây giờ là bây giờ. Thanh ở nơi Thượng Kinh mấy tháng, bây giờ gặp mặt, chỉ muốn nghe nương nương thật lòng thật ý nói rằng bản thân bình an mạnh khỏe, như vậy Thanh mới có thể yên lòng.”
Tôi hơi nghiêng đầu nhìn qua bên cạnh, những bông liễu tím đang nở hoa rực rỡ như gấm vóc, nhưng giữa tiết đầu thu này lại toát ra một nét thê lương khó tả. Tôi khẽ nở một nụ cười mà khó ai có thể nhận ra. “Thật lòng hay không không hề quan trọng, nơi này vốn dĩ chẳng có cái gọi là thật lòng, do đó bất kể thế nào ta cũng đều sẽ nói là mình vẫn bình an.”
Hoán Bích không kìm được khẽ nói: “Vương gia yên tâm, tiểu thư bây giờ đã là một trong Tam phi, lại sắp lâm bồn, Hoàng thượng hết sức quan tâm, mọi việc đều ổn cả.”
Thanh cười nhạt, lộ vẻ giễu cợt và nghi ngờ. “Là một trong Tam phi thì không có gì phải lo nữa ư? Như thế chắc Đoan Phi và Kính Phi mọi việc đều được như ý rồi.”
Tôi hờ hững nói: “Nếu Vương gia quá để tâm tới sự bình an của bản cung, chỉ e bản thân Vương gia sẽ chẳng được bình an nữa, do đó xin chớ lo nghĩ quá nhiều làm gì.” Tôi cố dằn lòng lại, nói tiếp: “Hiếm khi có dịp đoàn viên thế này, Vương gia một mình rời khỏi bữa tiệc hình như không được hay cho lắm.”
“Thanh xưa nay vẫn vậy.” Nụ cười của y chan chứa nét buồn khôn tả. “Trước đây nương nương chưa từng chỉ trích, vậy mà giờ lại nhắc tới việc này, cứ như là Thanh trước đây dù có làm gì thì bây giờ cũng đều là sai cả vậy.”
Cái ý oán trách trong lời nói của y, sao tôi lại không hiểu, thế nhưng dù hiểu đến mấy tôi cũng chỉ có thể mỉm cười đáp lại: “Vương gia vốn là bậc phong lưu tiêu sái, vậy mà cũng có lúc nói ra những lời oán hận thế này sao?”
Những vì sao rực rỡ trên bầu trời đêm tựa vô vàn viên minh châu lóng lánh, vầng trăng tròn vành vạnh thì giống như một chiếc đĩa ngọc treo giữa không trung, chiếu xuống mặt đất vô số tia sáng màu trắng bạc.
Y đã khôi phục lại dáng vẻ thong dong thường ngày, ngẩng đầu nhìn trời, khẽ nói: “Có trái tim thì mới có sự oán hận, nương nương thấy đúng không nào?”
Có trái tim thì mới có sự oán hận ư? Nhưng trong thời điểm quyết định trở về cung, tôi đã đồng ý với Cận Tịch là sẽ vứt bỏ trái tim của mình đi rồi. Tôi đột ngột ngoảnh đầu lại, nói: “Hoán Bích, chúng ta về thôi!”
Trong khoảnh khắc tôi xoay người lại, y bỗng nắm lấy tay tôi, từ bàn tay y truyền tới từng cơn nóng bỏng, làm trái tim vốn đang rối loạn của tôi bình lặng đi nhiều. Y nói: “Đừng đi!”
Tự nơi đáy lòng trào dâng những tia dịu dàng khó tả, tôi theo đó mà dừng chân lại. Hoán Bích hơi khom người một chút rồi lẳng lặng lùi qua một bên, tôi rút tay mình ra, nói với giọng yếu ớt: “Chúng ta nói chuyện với nhau như vậy, lỡ bị người khác nhìn thấy...”
Phía đằng xa tiếng đàn hát nói cười vang vọng, đêm nay là đêm của sự hoan lạc tột cùng, có ai lại muốn rời khỏi tầm mắt của Hoàng đế để một mình tới đây nhấm nháp sự cô độc trong ngày lễ đoàn viên?
Bóng dáng Huyền Thanh được bao phủ trong ánh trăng dìu dịu, lại càng toát ra một vẻ xuất chúng phi phàm. Y đưa mắt liếc nhìn khung cảnh náo nhiệt phía xa, trầm ngâm cất tiếng: “Diễm Quý nhân hiện giờ xem ra rất đắc sủng.”
Tôi nhìn mặt hồ Thái Dịch rung rinh sóng gợn, khẽ thở dài than: “Đối với cô ta mà nói, sự ân sủng như vậy chưa chắc đã là việc tốt.”
Huyền Thanh khẽ gật đầu. “Nữ tử thế gia còn chưa chắc nhận nổi sự ân sủng như thế, huống hồ là...”
Y không đành lòng nói nữa, tôi bèn tiếp lời: “Huống hồ là một nữ tử giống như cánh bèo trôi dạt, chẳng có chút căn cơ nào như cô ta, đúng vậy không?” Tôi xoay người lại, ngẩng đầu nhìn vầng trăng sáng treo cao, những tia sáng bàng bạc không ngừng từ trên đó chiếu xuống, dường như chẳng hề biết tới sự sầu khổ của nhân gian.
Lòng tôi bỗng trào dâng một nỗi niềm chua xót, mấy năm trước cũng trong một buổi Trung thu thế này, tôi và y đã đứng bên nhau, nhưng khi đó dù trong lòng tràn ngập thấp thỏm bất an với con đường phía trước, tâm trạng tôi cũng chẳng có sự thê lương mà vầng trăng không cách nào soi sáng thế này.
Dì nguyệt hiểu gì người chiếc bóng, thâu canh ánh sáng xiên song trống[11].
[11] Trích Điệp luyến hoa, Án Thù. Dịch thơ: Nguyễn Xuân Tảo. Toàn bài: Lan khóc sương, cúc buồn khói đọng, lạnh thấm màn là, cặp én bay đi thẳng. Dì nguyệt hiểu gì người chiếc bóng, thâu canh ánh sáng xiên song trống. Đêm qua gió tây, cây biếc rụng, lần bước lên lầu, nẻo chân trời xa ngóng. Tấc lụa, tờ hoa mong đến chóng, nào biết nơi đâu, núi sông rộng. Nguyên văn Hán Việt: Hạm cúc sầu yên lan khấp lộ, la mạc khinh hàn, yến tử song phi khứ. Minh nguyệt bất am ly hận khổ, tà quang đáo hiểu xuyên chu hộ. Tạc dạ thu phong điêu bích thụ, độc thướng cao lâu, vọng tận thiên nhai lộ. Dục ký thái tiên kiêm xích tố, sơn trường thuỷ khoát tri hà xứ! - ND.
Hóa ra chẳng cần gió tây thổi cây biếc rụng, nẻo chân trời sớm đã bị vận mệnh cắt đứt mất rồi, khiến con người ta chẳng có chút cơ hội nào để vẫy vùng phản kháng, dù có không cam tâm đến mấy thì cũng đành quay trở về con đường ban đầu mà gắng sức bước đi, bước đi đến lúc sức cùng lực kiệt, đến lúc lìa đời.
Khi mà lan khóc sương, cúc buồn khói đọng, những tấm màn là giữa chốn hoàng cung lẳng lặng buông lơi, nhưng vẫn chẳng thể ngăn chặn sự giá lạnh nơi lòng người. Tôi cố gắng ngoảnh đầu qua một bên, dưới mái hiên cặp én bay đi thẳng, lòng xiết nỗi thê lương, con người còn chẳng bằng chim én, có thể chắp cánh cùng bay với bạn tình của mình.
Y thấp giọng nói: “Có Diễm Quý nhân và Uẩn Dung, giờ ngay đến Thẩm Thục viện cũng đã có thai, thấy bọn họ ai nấy đều đắc sủng, ta cứ luôn cảm thấy cuộc sống của nàng chẳng dễ chịu gì, dù nghe nói rằng Vị Ương cung tựa như chốn nhà vàng xa hoa rất mực.”
“Nhà vàng khóa chặt nhốt A Kiều, Vương gia sợ ta có ngày cung Trường Môn gần sát, chẳng chịu tạm quay xe[12] sao?” Tôi khẽ cười. “Chùa Cam Lộ giống như cung Trường Môn vậy, ta là người đã trở về từ đó. Còn về việc có dễ chịu hay không, tất cả đều phụ thuộc vào ta chứ chẳng liên quan gì tới người khác.”
[12] Trích Thiếp bạc mệnh, Lý Bạch. Nguyên văn Hán Việt: Trường Môn nhất bộ địa, bất khẳng tạm hồi xa. Bài thơ này nói về quá trình từ đắc sủng tới thất sủng của Trần Hoàng hậu Trần A Kiều thời Hán Vũ Đế, ban đầu A Kiều được xây nhà vàng cho ở, trở thành Hoàng hậu vinh hiển tột cùng, nhưng về sau thì dần bị ghẻ lạnh, chẳng được nhà vua đoái hoài đến nữa. Qua bài thơ thi nhân đã phần nào lột tả vận mệnh bi thảm của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa. Câu được trích là nói về lúc A Kiều đã bị phế ngôi Hoàng hậu, bị giam lỏng trong cung Trường Môn, Hán Vũ Đế ngồi xe đi ngang qua nhưng chẳng chịu ghé vào - ND.
“Vậy sao?” Y chợt nhìn tôi chăm chú. “Nàng nhất quyết về cung là vì rất nhiều nguyên nhân, nhưng cũng có một phần là bởi con của hoàng huynh với nàng, lẽ nào nàng thấy y trái ôm phải ấp mà vẫn có thể coi như không thấy ư?”
Y nói giọng hùng hổ dọa người, tôi nhất thời nghẹn họng không nói được gì, một thoáng sau mới chợt giật mình nhận ra... không ngờ y lại đang thăm dò xem tôi có thật lòng để ý tới Huyền Lăng không.
Tôi rất nhanh đã giấu tâm trạng thật của mình đi, hờ hững nói: “Vậy Vương gia cho rằng bản cung nên ghen tuông dữ dội hay là cả ngày rửa mặt bằng nước mắt? Hoàng thượng không thể chỉ có một mình bản cung, cớ sao bản cung phải cưỡng cầu? Thương tâm cũng phải sống tiếp, mà không thương tâm cũng thế, vậy thì việc gì phải thương tâm?” Tôi nhìn sâu vào mắt y. “Có một số việc, đối với Vương gia mà nói cũng là như thế.”
Huyền Thanh nở một nụ cười thương tâm và bất lực, chợt nói sang chuyện khác: “Nói tới Diễm Quý nhân, nàng có nhớ việc trước đây ta từng đồng ý với nàng là sẽ mời nàng xem xiếc thú không?”
Tôi tất nhiên là nhớ, mỗi lời y từng nói tôi đều nhớ cả.
Tôi chợt hiểu ra. “Nữ tử huấn luyện thú mà ngày đó Vương gia nói đến chính là Diệp Lan Y?”
Cặp mắt y trong veo như nước, lộ rõ vẻ xót xa. “Ngày đó nàng ta tuy thân phận thấp kém, nhưng so với bây giờ thì tự do tự tại hơn nhiều.”
Lòng tôi bỗng trào lên một nỗi niềm chua xót. “Vương gia không phải là nàng ta, cớ sao lại biết nàng ta không thật lòng vui vẻ?”
Huyền Thanh hơi cúi xuống, ống tay áo mỏng khẽ phất qua hàng lan can sơn màu đỏ sậm. “Có thật lòng vui vẻ hay không, chưa hẳn là chỉ có bản thân mới biết.”
Tôi khẽ nở nụ cười, đưa mắt nhìn ánh trăng bàng bạc như sương như tuyết trên mặt đất. Kỳ thực không phải ánh trăng lạnh như sương tuyết, mà là lòng người ngắm trăng sớm đã đông cứng lại rồi, cho dù thấy cảnh hoa lê kiều diễm nở đầy cành thì cũng chỉ cho rằng là băng tuyết trắng phau đậu ở đó mà thôi. “Nếu không thể thật lòng, con người ta đúng là khó có cách nào vui vẻ được.” Rồi tôi lại hỏi: “Hai người quen nhau lâu chưa?”
“Cũng chưa lâu lắm, chẳng qua là năm đó nàng ta bị thương khi huấn luyện thú, ta đã mời thái y chữa trị cho nàng ta.” Y cất lời cảm khái: “Nhớ khi xưa Diễm Quý nhân tuy chỉ là một nữ tử cô độc nhưng vẫn còn có được tấm thân tự do, còn bây giờ đã là Quý nhân nhưng mỗi hành động đều bị người ta để ý, qua đó đủ thấy sự đời nhiều biến chuyển, không phải chỉ có một người quay cuồng giữa những sự khổ đau.”
Tôi cũng không nghĩ nhiều, chỉ lẳng lặng nhấm nháp mấy chữ “sự đời nhiều biến chuyển” mà y vừa nói, lòng thầm chua chát không thôi, tựa như vừa ăn phải một quả mận còn xanh ngắt. “Trăng còn có khi tròn khi khuyết, huống chi là đời người vốn lắm sự bể dâu.”
Cặp mắt màu hổ phách của y như bị nỗi ưu sầu bao phủ. “Con người còn chẳng bằng được vầng trăng, bởi mỗi tháng vầng trăng còn được tròn vành vạnh một lần. Cho dù là Ngưu Lang, Chức Nữ mỗi năm cũng được gặp gỡ một lần vào ngày Thất Tịch, có thể thoải mái chuyện trò, bộc bạch nỗi tương tư.”
Dưới mái hiên của hành lang, những nhành tử đằng uốn lượn thướt tha, thỉnh thoảng lại có vài giọt sương tụ lại chảy xuống từ trên đó, rơi vào mái tóc tôi, khiến mái tóc bất giác thoang thoảng hương thơm thanh đạm của tử đằng. Khi những giọt sương lạnh băng chạm vào da thịt, tôi có cảm giác như trái tim mình đang bị vô số lưỡi dao mảnh cứa vào, sau nháy mắt đã bị xẻ tan ra thành muôn vàn mảnh vụn. Cúi xuống nhìn nơi chiếc bóng của tôi và y đan vào nhau, tôi buồn bã thầm nghĩ, nếu không có những chuyện xưa kia, có lẽ tôi và y vẫn có thể như bóng với hình. Sau một hồi lâu trầm lặng, tôi khẽ nói: “Có lẽ, làm người mới là việc khó khăn, vất vả nhất. Nếu có kiếp sau, ta muốn làm một cơn gió, muốn đi đâu thì mặc sức đi, không ai ngăn cản được.”
Một làn gió đêm se se lạnh thổi tới khiến mấy lọn tóc bên tai y đung đưa nhè nhẹ, tiếng đàn ca nói cười vang vọng phía đằng xa tựa như những âm thanh huyên náo nơi trần thế. Xung quanh chúng tôi, các cung điện đều thắp đèn sáng trưng, tựa như đang cùng những vì sao lấp lánh đầy trời đua nhau tỏa sáng, ánh trăng và ánh đèn hòa quện vào nhau, khiến Tử Áo Thành bị bao phủ trong một tầng ánh sáng mông lung không hề chân thực. Vì tầng ánh sáng ấy, tất cả mọi cảnh vật đều trở nên mơ hồ. Tôi vẫn nhớ mãi quãng thời gian được ở riêng bên y, nó thật bình yên biết mấy, bên trong chất chứa những nỗi mừng vui mà giờ đây tôi không sao có được. Thế nhưng những tiếng đàn ca phía xa kia lại không ngừng nhắc nhở tôi, rằng sau này sẽ khó mà có cơ hội được trò chuyện với y như thế này nữa.
Đứng trước mặt y, tôi cố hết sức tỏ ra bình tĩnh, cất giọng nhẹ nhàng: “Chúng ta nếu còn chậm trễ thêm nữa, chỉ e sẽ làm kinh động tới Hoàng thượng mất.”
Y dừng ánh mắt trên cái bụng đã nhô cao của tôi, dịu dàng nói: “Còn hai tháng nữa là đến ngày lâm bồn rồi, Hoàn Nhi... nương nương, nhớ phải bảo trọng đấy.”
Cổ họng tôi bỗng như nghẹn lại, không sao có thể thở nổi, y trước giờ vẫn luôn cho rằng cái thai này là của tôi với Huyền Lăng. Tôi vì cái thai này mà rời bỏ y, vậy mà y lại vẫn chân thành nói với tôi những lời như thế.
Tôi gật đầu thật mạnh, cố kìm nén để nước mắt không rơi. “Nhất định rồi.” Rồi tôi ngẩng đầu nhìn y, nghẹn ngào nói tiếp: “Thanh, huynh cũng nhớ bảo trọng!”
Tất cả mọi lời tôi đều chẳng thể nói ra, muôn vàn nỗi niềm tâm sự đến cuối cùng chỉ có thể biến thành một câu “bảo trọng”.
Y khẽ gật đầu, lùi về phía sau hai bước. “Để tránh bị nghi ngờ ta sẽ quay về trước, nương nương hãy chờ thêm một lát rồi vào.”
Nhìn theo bóng lưng y, nỗi buồn trong lòng tôi lại càng thêm nồng đậm. Bóng cây bên cạnh chợt khẽ đung đưa, dường như có ai vừa đi qua đó. Tôi thầm hoảng hốt, vội vàng ngoảnh đầu nhìn lại, đồng thời gọi khẽ: “Hoán Bích...” Hoán Bích nghe tiếng gọi liền vội vàng chạy lại, tôi hỏi: “Vừa rồi muội canh chừng ở phía bên kia có thấy người nào qua đây không?”
Hoán Bích lập tức đáp ngay: “Nô tỳ vẫn luôn cẩn thận để ý, nhưng không thấy có người nào đi ngang qua cả.” Rồi lại nôn nóng hỏi: “Tiểu thư đã nhìn thấy gì sao?”
Tôi cố đè nén nỗi bất an trong lòng, cười nói: “Có lẽ là tiếng gió thôi, cũng có thể là ta đã nghe nhầm.”
Hoán Bích giúp tôi buộc chặt lại chiếc áo choàng, khẽ nói: “Vậy chúng ta mau quay về đi thôi.”
Khi tôi trở lại bữa tiệc thì Huyền Thanh đã ngồi yên vị, đang kể với Huyền Lăng một số chuyện về Thượng Kinh. Huyền Lăng quay qua hỏi tôi: “Sao mãi tới giờ nàng mới quay lại thế?”
Tôi vội cười đáp: “Vừa nãy thần thiếp bỗng cảm thấy hơi mệt, do đó phải nghỉ ngơi một lát rồi mới có thể trở lại đây.”
Y nắm lấy bàn tay tôi, thấp giọng ân cần hỏi: “Vẫn ổn chứ? Có phải là đứa bé lại quậy phá không?”
Tôi không muốn quá mức gần gũi với Huyền Lăng trước mặt Huyền Thanh, liền khẽ đáp: “Dạ, không việc gì, nghỉ ngơi xong thần thiếp đã khỏe lại rồi.”
Tôi nhìn quanh bốn phía, chợt thấy chỗ ngồi của Diễm Quý nhân và Hồ Chiêu nghi gần đó đều bỏ trống. Huyền Lăng cười, nói: “Uẩn Dung làm sao ngồi yên một chỗ được, đã đi thay đồ rồi.” Tôi không nói gì thêm, chỉ chăm chú lắng nghe giọng nói êm đềm như dòng nước suối của Huyền Thanh, đầu óc như quay trở về lần tôi cùng y lên Thượng Kinh du ngoạn, vô số ký ức ngọt ngào bất giác trào dâng.
Nhớ dịp mấy năm trước, cũng là trong một bữa tiệc Trung thu tương tự thế này, tôi với y ngồi cách nhau rất xa, giữa chúng tôi là tiếng đàn ca cùng với rất nhiều người, y chậm rãi kể về chuyến đi tới đất Thục, sau đó lại cùng tôi trò chuyện về cảnh mưa đêm ở núi Ba.
Khung cảnh thì vẫn như xưa, trong chén cũng vẫn là rượu quế hoa mà tôi tự tay ủ, nhưng người thì đã không còn là người của năm xưa nữa rồi.
Đang lúc lắng nghe, Bình Dương Vương vốn ngồi cạnh Huyền Thanh chợt cất giọng sang sảng: “Đệ thực hâm mộ lục ca quá, các vùng đại giang nam bắc đều đã từng được đi qua.”
Huyền Thanh hết sức thương yêu vị ấu đệ này, tuy không phải là cùng một mẹ, thân mẫu của Bình Dương Vương thân phận cũng thấp kém, thế nhưng lại luôn coi y như huynh đệ thủ túc. Huyền Lăng cười, nói: “Bây giờ lão cửu cũng lớn rồi, không chỉ cần ra ngoài đi lại, còn phải nghĩ tới việc cưới một vị Vương phi về nữa.”
Bình Dương Vương thẹn thùng nói: “Hoàng huynh nói đùa rồi, lục ca hãy còn chưa thành thân, thần đệ làm sao dám tranh phần trước.”
Huyền Lăng không kìm được vỗ tay cười rộ, chỉ tay vào Huyền Thanh, nói: “Xem cái tấm gương xấu mà đệ bày ra kìa, bây giờ ngay tới lão cửu cũng không chịu thành thân rồi đấy.”
Huyền Thanh khẽ nở nụ cười. “Đại Chu có hoàng huynh rộng đường con cái là đủ rồi, bọn thần đệ vừa hay có thể lười nhác một chút.”
Vừa mới nói xong, chợt Hồ Chiêu nghi trong bộ cung trang màu đỏ lộng lẫy vừa thay quay trở lại bữa tiệc, nghe thấy thế liền không kìm được bật cười một tiếng, Huyền Lăng cũng cất tiếng cười rộ. “Bây giờ lão lục cũng biết nói linh tinh rồi.” Sau đó lại quay sang nói với Bình Dương Vương: “Chớ nghe lời lão lục, đợi năm sau nếu có đợt tuyển tú trẫm nhất định sẽ để ý giúp đệ, dù không chọn được chính phi thì ít nhất cũng phải kiếm lấy mấy phòng thị thiếp hoặc là trắc phi, không thể trái với quy củ được.”
Bình Dương Vương bất giác ửng hồng hai má. “Thần đệ kỳ thực không hề lười nhác, cũng không dám phiền hoàng huynh nhọc lòng như vậy, chẳng qua thần đệ ôm lòng như lục ca, muốn tìm được một người mà mình yêu.”
Huyền Lăng còn đang định nói tiếp, My Trang vốn một mực ngồi im lặng kế bên đột nhiên cất tiếng: “Mỗi người đều có duyên phận của mình, Hoàng thượng ở đây nhọc lòng nhọc sức, chưa biết chừng cửu Vương gia lại đã có người trong lòng rồi.” My Trang vốn luôn đoan trang, hiền thục, dù là trong ngày vui cũng vẫn cười chẳng hé răng, vô cùng nền nã, khiến người dù khó tính đến đâu cũng phải vừa lòng.
Huyền Lăng khẽ mỉm cười, nói: “Thục viện nói rất phải, là trẫm đã lo lắng quá mức rồi. Không phải oan gia không tụ hội, trẫm thực mong chờ ngày này của hai người bọn họ lắm.” Mọi người nghe thế đều cất tiếng cười vang, Bình Dương Vương thì xấu hổ đến nỗi đỏ bừng hai má.
Bình Dương Vương Huyền Phần năm nay hai mươi hai tuổi, nhỏ nhất trong số các con trai của tiên đế. Thân mẫu của y - Ân Tần xuất thân hàn vi, dung mạo cũng kém, tính tình thì hết sức trầm lặng. Bà ta chẳng qua chỉ được tiên hoàng sủng hạnh đôi lần, sau khi may mắn có thai thì được phong làm cung tần, thế nhưng vì tiên đế có rất nhiều con cái, do đó trong suốt cả triều Long Khánh, bà ta vẫn chỉ dừng lại ở ngôi Tần, mãi đến sau này khi tiên đế qua đời mới được tiến phong làm Thuận Trần thái phi theo như phép tắc tổ tiên để lại. Vì vấn đề xuất thân của Thuận Trần thái phi, Huyền Phần ngay từ nhỏ đã được giao cho Trang Hòa Đức thái phi vốn mất con từ sớm nuôi nấng. Thuận Trần thái phi xuất thân thấp kém, Trang Hòa Đức thái phi thì không mấy đắc sủng, thành ra người trong cung khó tránh khỏi có ý xem nhẹ vị tiểu Vương gia này. Do đó Huyền Phần tuổi tuy còn trẻ nhưng nơi đuôi mắt đã thấp thoáng mấy tia kiên nghị, khiến người ta không thể xem thường.
Tôi khẽ thở dài, tính ra thì Ngọc Diêu và Ngọc Nhiêu cũng không còn nhỏ nữa. Ngọc Diêu đã hai mươi mốt, Ngọc Nhiêu thì cũng mười sáu tuổi rồi, ở xa tận đất Xuyên Thục tất nhiên khó mà tìm được lang quân hợp ý, hơn nữa nghe cha tôi và Huyền Thanh kể lại thì Ngọc Diêu sau nỗi nhục phải chịu vì Quản Khê đã lạnh lòng, không muốn lấy chồng nữa. Tôi lại nhìn sang bên cạnh, nghĩ tới việc Hoán Bích cũng bị lỡ dở chuyện chung thân đại sự, lòng bất giác càng buồn hơn.
Hoàng hậu đêm nay dường như chỉ ngồi cho có, tuy thân phận tôn quý nhất nhưng cả buổi lại đều lặng im chẳng nói năng gì. Lúc này nàng ta chợt ngoảnh đầu qua, cười điềm đạm, nói: “Hoàng thượng không nên chỉ quan tâm tới hai vị hoàng đệ như thế, cũng phải suy nghĩ cho bản thân nữa mới được.” Sau đó liền đưa mắt nhìn qua phía kế bên Từ Tiệp dư.
Đứng bên cạnh Từ Tiệp dư lúc này là bốn thị nữ của nàng ta, ngoài Xích Thược mặc một bộ đồ màu đỏ cam đặc biệt bắt mắt ra thì những người còn lại đều vận đồ cung nữ màu xanh lam giản dị.
Hoàng hậu khẽ nở nụ cười, chiếc bộ dao vàng ròng hình phượng hoàng trên búi tóc nhè nhẹ đung đưa, ánh lên những tia sáng màu vàng kim bắt mắt. “Không phải thần thiếp muốn cười chê gì đâu, nhưng suốt cả buổi tối ánh mắt Hoàng thượng đều dừng ở đó cả. Từ Tiệp dư tri thư đạt lễ, chắc người dưới cũng đều là hạng bất phàm, bằng không đã chẳng được Hoàng thượng xem trọng như thế. Dù sao hôm nay cũng là ngày vui, chi bằng Hoàng thượng hãy ban cho Xích Thược một ân điển, vậy cũng coi như là kết thúc một mối tâm sự.”
Hoàng hậu đã mở lời, còn trúng với tâm ý của Huyền Lăng, sao y có thể không đồng ý, thế là bèn cười nói ngay: “Hoàng hậu việc gì cũng đều thay trẫm suy nghĩ chu toàn như thế cả.”
Diễm Quý nhân lúc này đã quay trở lại, Hồ Chiêu nghi thì hơi nhướng mày lên, bật cười khúc khích một tiếng. “Biểu tỷ quả là hiền đức!”
Huyền Lăng khẽ ho một tiếng lộ vẻ không vui, Hoàng hậu thì chẳng buồn để bụng chút nào, thản nhiên nhìn Huyền Lăng, cười nói: “Phân ưu cho Hoàng thượng vốn là bổn phận của thần thiếp.” Sau đó lại chợt nghĩ tới điều gì, bèn đưa mắt nhìn qua phía Từ Tiệp dư, chậm rãi nói: “Xích Thược dù sao cũng là người bên cạnh Tiệp dư, Tiệp dư có ý kiến gì thì hãy nói luôn đi.”
Sắc mặt Từ Tiệp dư lúc trắng lúc đỏ, đứng dậy, cúi đầu nói: “Mọi việc Hoàng hậu cứ làm chủ là được.”
Hoàng hậu đặt đũa qua một bên, cười nói: “Lời này nghe cứ như là không bằng lòng lắm vậy. Cung nữ của Tiệp dư dù gì cũng cần Tiệp dư gật đầu mới được, bằng không bản cung thực không dám tùy tiện làm chủ.”
Huyền Lăng vội vàng cười nói: “Yến Nghi vốn là người hiểu chuyện, việc này trẫm chưa nói ngay chỉ bởi vì sợ làm tổn thương đến thai nhi thôi, cứ để từ từ rồi tính cũng không sao cả.” Lời này của Huyền Lăng vừa mới ra khỏi miệng, Xích Thược lập tức đỏ bừng hai má, ấm ức cắn chặt bờ môi, chỉ còn thiếu nước rơi lệ.
Hoàng hậu ôn tồn cất tiếng: “Thân là phi tần của thiên tử, việc như thế này sớm muộn gì cũng sẽ gặp phải thôi, đâu có thể tính là việc lớn gì.”
Những ánh mắt sắc lẹm như đao kiếm của mọi người đồng loạt đổ dồn về phía Từ Tiệp dư, nàng ta mím chặt bờ môi, sắc mặt tái nhợt, nói: “Dạ phải, thần thiếp cũng cảm thấy như vậy rất tốt, tạ ơn nương nương đã làm chủ cho Xích Thược.”
Huyền Lăng thở phào một hơi, cười nói: “Đi lấy cây gậy như ý tử đàn của trẫm tới đây thưởng cho Tiệp dư.” Lý Trường vội vâng lời rời đi.
Hoàng hậu lại quay qua nhìn Xích Thược. “Còn không mau tạ ơn?” Xích Thược mừng đến nỗi ngây ra, rốt cuộc vẫn là Kết Ngạnh đỡ Từ Tiệp dư đứng dậy tạ ơn trước, sau đó thì tới lượt Xích Thược lần lượt khấu đầu trước Hoàng đế, Hoàng hậu và chủ cũ Từ Tiệp dư. Dựa theo tổ chế, thị được phong làm Canh y, lại được cho vào ở trong Ủng Thúy các. Vì Xích Thược vốn họ Vinh, do đó liền được mọi người gọi là Vinh Canh y.
Hồ Chiêu nghi đứng kế bên cười lạnh, nói: “Chủ nhân ở tại Không Thúy đường, nô tỳ thì ở trong Ủng Thúy các, quả đúng là người thế nào thì ở nơi như thế!”
Lúc này Huyền Thanh sớm đã ngưng lời, ánh mắt nhìn qua phía Từ Tiệp dư lộ rõ vẻ thương tiếc, xót xa. My Trang cũng khẽ lắc đầu buồn bã, thoáng đưa mắt liếc qua phía tôi. Tôi làm gì mà chẳng biết, có Ủng Thúy các rồi, chỉ e sự ân sủng dành cho Không Thúy đường sẽ lại càng ít ỏi.