Q.7 - Chương 16: Rượu Mai Ta Ủ Mừng Xuân Tới
Kể từ ngày Ngọc Ẩn xuất giá, nụ cười bên khóe môi Ngọc Nhiêu ngày một nhiều hơn, mỗi lần ngắm trăng ngắm hoa là những nét vui tươi, phấn chấn lại giống như cánh bướm đậu trên bờ mi chẳng chịu rời đi. Ngoài ra, Ngọc Nhiêu còn có thêm một sở thích mới là ủ rượu, muội ấy thường ngâm những bông hoa đúng mùa vào trong rượu để ủ thành rượu ngon, mà thứ rượu gốc được dùng tới chính là rượu Phần, loại rượu ngon nhất được ủ ra là Mai Hinh Nhưỡng ủ bằng hoa mai đỏ.
Tôi từng cất lời dò hỏi, Ngọc Nhiêu chỉ trả lời là phụ thân và ca ca vừa được rửa oan, bản thân tất nhiên vui mừng. Rồi muội ấy còn cười, nói: “Không phải tỷ tỷ cũng thích ủ rượu hoa quế đó ư?” Cùng với đó, số lần Ngọc Nhiêu rời khỏi Vị Ương cung cũng ngày một nhiều lên. Một hôm, tôi và Ngọc Nhiêu vừa trở ra từ cung của Thái hậu sau khi thỉnh an, Huyền Phần thì đi theo Đức thái phi tới trò chuyện với Thái hậu, khi tôi đang đứng hàn huyên với Đức thái phi mấy câu thì Huyền Phần và Ngọc Nhiêu thỉnh thoảng lại lén đưa mắt nhìn nhau âu yếm, tới lúc này tôi mới xua tan được nỗi nghi hoặc trong lòng. Tôi không kìm được nở nụ cười mỉm, mấy thiếu niên thiếu nữ vừa chớm nụ tình thì sao biết cách che đậy tình cảm của bản thân.
Vừa về tới Nhu Nghi điện, tôi liền đuổi hết mọi người ra, hỏi: “Là chuyện từ bao giờ vậy?”
Nét ửng hồng trên khuôn mặt Ngọc Nhiêu đã cho tôi một đáp án hết sức rõ ràng, hoàn toàn khác với những lời hàm hồ của muội ấy lúc này: “Tỷ tỷ nói gì thế?”
“Cửu Vương gia.” Tôi lại hỏi thêm lần nữa: “Chuyện bắt đầu từ bao giờ vậy?”
Ngọc Nhiêu cúi đầu mân mê mép váy, sau một hồi trầm ngâm suy nghĩ mới khẽ nói: “Đại khái... Muội cũng không nhớ nữa.”
Tôi mỉm cười phán đoán: “Là ngày y bịt mắt muội ở Chiêu Dương điện hay là hôm y bắn rơi chiếc thoa phượng của muội ở Quan Võ đài?” Tôi suy nghĩ một chút rồi hỏi: “Muội không ngại cửu Vương gia xuất thân hàn vi ư?”
Ngọc Nhiêu đưa tay gạt mấy lọn tóc rối ra sau tai, hai mắt ánh lên mấy tia mơ màng, khẽ nói: “Phần cũng chưa từng chê muội là con gái của tội thần.”
“Phần?” Tôi ngẩn ngơ nhớ lại, mấy năm trước trên đỉnh Lăng Vân, mình cũng từng gọi nam tử kia là Thanh như thế. Rất nhanh sau đó tôi đã tỉnh táo trở lại, mỉm cười, nói: “Gọi y như thế chứng tỏ tình cảm của muội với y đã rất sâu đậm rồi.” Rồi tôi cất tiếng trêu Ngọc Nhiêu: “Ta nhớ có người từng nói là thà lấy hạng thất phu sống qua loa cả đời cũng quyết không bước chân vào cửa cung đình hay vương phủ nửa bước cơ mà! Không biết người đó là ai vậy?”
Ngọc Nhiêu bất giác thẹn đỏ mặt, khẽ lay cánh tay tôi, nói: “Tỷ tỷ chớ trêu muội nữa.” Sau đó lại cắn chặt môi. “Y thật sự không giống với Hoàng thượng và Kỳ Sơn Vương. Y... rất tốt.”
“Tâm ý của y muội có khẳng định được không?”
Ngọc Nhiêu gật đầu. “Ngày đó muội tiễn nhị tỷ tới phủ Thanh Hà Vương, y cũng có mặt. Y nói, y nói...” Ngọc Nhiêu không nói tiếp được nữa, thẹn thùng giậm chân, gắt: “Dù sao muội cũng biết rõ mà.”
“Nếu bọn muội thật sự có ý này, ta cũng có thể đi hỏi ý Thái hậu để xin lão nhân gia người ban hôn. Có điều muội không được phép lén chạy ra ngoài nữa đâu đấy, bị người ta biết ắt sẽ trở thành trò cười cho xem.”
Ngọc Nhiêu thẹn thùng đáp “vâng” một tiếng, vội vàng chạy về Vĩnh Bảo đường.
Đợi Ngọc Nhiêu đi rồi, Cận Tịch liền hỏi tôi: “Nương nương đã hạ quyết tâm rồi ư?”
Tôi trịnh trọng gật đầu, trầm ngâm nói: “Chuyện Hoàng thượng có ý với Ngọc Nhiêu hai chúng ta đều biết rõ, tranh thủ bây giờ sự việc còn dễ giải quyết, nếu có thể gả Ngọc Nhiêu đi được là tốt nhất. Ta nghĩ kĩ rồi, nếu gả vào gia đình bình thường nào đó thì chẳng ích gì, chỉ có gả cho huynh đệ ruột thịt của Hoàng thượng thì mới có thể khiến Hoàng thượng dứt hẳn suy nghĩ đó, bằng không thì thực là hậu họa vô cùng.”
Cận Tịch nghiêm túc nói: “Như vậy cũng tốt. May mà tứ tiểu thư và cửu Vương gia tình đầu ý hợp, những mối phiền phức hẳn sẽ bớt đi nhiều.”
Hôm ấy gió lạnh kéo về, tôi khoác lên mình một chiếc áo choàng thêu hình hoa mẫu đơn màu mật ong rồi dẫn theo ba đứa bé tới cung của Thái hậu thỉnh an. Thái hậu bế Hàm Nhi và Nhuận Nhi trong lòng ngắm nghía một hồi, không kìm được mừng rỡ nói: “Nhuận Nhi ngày càng khỏe mạnh hơn rồi, qua đó đủ thấy con chăm sóc thằng bé rất tận tâm, Đức phi ở trên trời có linh thiêng hẳn sẽ được an ủi rất nhiều.” Nói xong liền kêu Phương Nhược mang đồ điểm tâm tới ấy đứa bé ăn.
Tôi cởi áo choàng ra, bên trong chỉ mặc một chiếc áo dài cân vạt màu tím nhạt thêu hình hoa mai, cổ áo dựng đứng tinh tế lại càng làm tôn lên khí chất hiền hòa. Thái hậu cười, nói: “Chiếc áo choàng vừa rồi rất đẹp, có điều chiếc áo mặc bên trong này màu sắc thực có phần lạnh lẽo quá. Giữa ngày đông con nên mặc những chiếc áo sẫm màu, hoa lệ một chút, có như vậy nhìn mới có sức sống.” Bà ta chăm chú nhìn một lát, không kìm được hỏi: “Ta nhớ chiếc áo này của con được làm từ mùa đông năm ngoái, sao bây giờ vẫn còn mặc vậy?”
Tôi cười, nói: “Vào những dịp lễ tết, tất nhiên cần ăn mặc trông có sức sống một chút, có điều bây giờ là đi thỉnh an Thái hậu, đã là người một nhà rồi đâu cần chăm chút quá làm gì, hơn nữa chiếc áo này cũng chưa cũ.”
Bà ta cười tủm tỉm, nói: “Rốt cuộc vẫn là con biết tiết kiệm, Chức tạo phường giờ đang phải may váy áo cho Mẫn Phi cũng đủ bận rộn rồi.” Dừng một chút rồi lại hỏi: “Hoàng thượng gần đây vẫn thường xuyên tới chỗ An thị sao?”
“Cũng không phải là thường xuyên, một tháng chỉ tới chừng hai, ba lần thôi.”
Thái hậu gật đầu, nói: “Vậy thì còn được.”
Tôi đang suy nghĩ xem nên mở miệng thế nào, bức rèm bên ngoài bỗng nhiên được vén lên, kế đó Trang Hòa Đức thái phi bám vào tay một cung nữ chậm rãi đi vào, vừa nhìn thấy tôi liền mím môi cười, nói: “Thì ra Thục phi cũng ở đây.” Tôi vội vàng đứng dậy hành lễ bái kiến.
Hàn huyên được một lát, vì hôm nay thái phi mặc một chiếc áo mới màu tím thêu hình mây màu ngũ sắc cùng mấy bông hoa lạc tiên rất đẹp nên mọi người đều không kìm được khen ngợi mấy câu, lại nói thái phi mặc chiếc áo này quả là rất hợp, trông tràn đầy sức sống. Thái phi cười đến nỗi không khép miệng lại được. “Ngày đó ta tới Chức tạo cục chọn vải thì vừa hay gặp tứ tiểu thư của nhà Thục phi, chính cô bé đó đã thay ta chọn màu này đấy. Ta vốn nói mình đã đến tuổi này rồi không mặc nổi áo màu tím, kiểu vải này cũng có vẻ khá bình thường, cô bé đó liền nói chỉ cần thêu thêm hoa văn mây màu ngũ sắc lên là đẹp hơn ngay. Hôm nay áo làm xong ta mặc thử thấy quả là không tệ, xem ra nhãn lực của tứ tiểu thư thực không kém chút nào.”
Tôi vội nói: “Thái phi quá khen rồi, trẻ con thì có biết cái gì đâu.”
Thái phi mỉm cười, đưa mắt nhìn tôi. “Một nha đầu thông minh, lanh lợi như vậy mà Thục phi còn nói là không tốt, nếu Thục phi chê thì chớ trách ta đưa cô bé đó về làm nhi tức.” Tôi thầm máy động trong lòng, quả nhiên thấy thái phi nháy mắt với tôi một cái, lập tức hiểu ngay là bà có ý cầu hôn cho Huyền Phần. Rồi thái phi mỉm cười, nói với Thái hậu: “Phần Nhi tuổi cũng đã lớn, hôm đó nhìn thấy thằng bé Huyền Thanh cưới Trắc phi thì khó tránh khỏi cũng sinh ra tâm tư này. Phần Nhi không phải con ruột của thần thiếp, thần thiếp thực không dám làm lỡ dở chuyện chung thân của nó kẻo khiến Thuận Trần thái phi oán trách, do đó đã bắt đầu để ý tìm. Thần thiếp thấy Chân tứ tiểu thư thông minh, ngoan ngoãn, thực là một lựa chọn không tệ chút nào.”
Thái hậu đưa mắt nhìn qua một chút rồi mỉm cười, nói: “Ai gia cũng rất thích nha đầu Ngọc Nhiêu đó, hiện giờ nhà họ Chân đã hưng vượng trở lại, bậu cửa cũng cao lên, người tới cầu thân quả thực không ít. Hai hôm trước lão thái phi nhà Thụy An Quận vương vừa tới gặp ai gia, trong khi trò chuyện có nói là Thụy An Quận vương tuổi đã không còn nhỏ nữa, ai gia liền có ý tác thành cho y và Ngọc Nhiêu. Sao muội muội không chịu nói sớm? Nếu ta mà biết muội có tâm tư này thì ắt đã không nói việc đó với lão thái phi rồi.”
Đức thái phi nghe thế liền có chút lúng túng: “Thần thiếp không biết Thái hậu đã có lòng này, thực là mạo muội, có điều đất phong của Thụy An Quận vương hình như ở xa mãi tận Thanh Hải.”
Tôi thầm kinh hãi, vừa định mở lời thì Thái hậu đã đưa mắt nhìn xa. “Thanh Hải tuy có hơi xa nhưng vương phủ dù sao cũng là nơi cao sang, tôn quý, không tính là bạc đãi gì nha đầu đó.” Rồi bà ta lại cười, nói: “Nhị muội của Thục phi vừa gả cho lão lục xong, nếu lại gả thêm một muội muội nữa tới thì há chẳng phải các cô nương tốt của nhà họ Chân đều vào nhà chúng ta hết? Có thứ gì tốt thì cũng đừng nên một mình hưởng hết mới phải! Chờ đến mùa xuân, ai gia sẽ để ý tìm một vị tiểu thư danh môn cho Phần Nhi.”
Đức thái phi nghe thấy lời này thì cũng không tiện nói gì nữa, sau khi ngồi thêm một lát liền đứng dậy cáo từ.
Thái hậu thấy chỉ còn lại tôi thì mới chậm rãi nói: “Ngọc Nhiêu là muội muội của con, ai gia rất muốn nghe thử ý kiến của con xem thế nào, con thấy gả nha đầu đó cho ai thì tốt hơn?”
Tôi trầm ngâm không nói, chỉ thầm phán đoán xem trong việc này Thái hậu đã biết được bao nhiêu. Một cơn gió lạnh chợt thổi vào qua ô cửa sổ khép hờ, hơi lạnh cùng sự khô hanh của mùa đông nhanh chóng tràn khắp trong điện. Giọng nói của Thái hậu lúc này dường như cũng thấp thoáng mấy tia lạnh lẽo: “Con thông minh như thế, chắc cũng biết được tâm tư của Hoàng thượng với muội muội con rồi.”
Tôi như bị một chậu nước lạnh giội thẳng xuống đầu, không kìm được rùng mình một cái, chẳng biết phải nói gì.
Thái hậu thở dài, than: “Con trai ai gia có tâm tư thế nào, ai gia làm gì mà chẳng rõ. Ai gia cũng biết Ngọc Nhiêu là một đứa bé tốt, có điều...” Trên khuôn mặt nhăn nhúm đầy vẻ già nua của bà ta lộ ra một tia xót xa hết sức nặng nề. “Nha đầu ấy quá giống Thuần Nguyên Hoàng hậu đã qua đời, tính tình thì từa tựa Hoa Phi hồi mới vào cung. Ai gia sợ Hoàng thượng không thể kiềm chế nổi bản thân, trước đây đã có một Phó Như Kim rồi, ai gia thực không dám mạo hiểm thêm lần nữa.”
Tôi cung kính quỳ xuống, bình tĩnh nói: “Thái hậu, Ngọc Nhiêu không hề muốn trở thành phi tần của Hoàng thượng, thậm chí còn chưa từng nghĩ tới việc ấy.”
“Ai gia biết chứ, ai gia còn biết nếu không vì Huyền Phần có ý với muội muội của con thì hôm nay Đức thái phi đã chẳng tới đây mở lời rồi.”
“Cửu Vương gia với Ngọc Nhiêu quả thực tâm đầu ý hợp.”
Thái hậu đứng dậy đi tới bên cửa sổ, đưa mắt nhìn những cành trúc trơ trọi đã rụng hết lá. “Chính bởi vì là cửu Vương gia nên ai gia mới không thể đồng ý mối hôn sự này, việc huynh đệ vì nữ nhân mà nảy sinh phân tranh, ai gia tuyệt đối không bao giờ chấp nhận.” Bà ta cất giọng kiên quyết mạnh mẽ, từng câu từng từ đều như gõ vào lòng tôi. “Muội muội của con nếu được gả ột thần tử bình thường ở kinh thành thì khó đảm bảo rằng Hoàng thượng sẽ không còn quyến luyến nữa, trong khi đó Thụy An Quận vương là biểu đệ của Hoàng thượng, lại ở xa mãi tận Thanh Hải, dù Hoàng thượng có muốn thì cũng chẳng thể đến đó cướp người về được, do đó gả Ngọc Nhiêu cho Thụy An Quận vương chính là cách tốt nhất.”
Tôi thầm chấn động trong lòng, nôn nóng kêu lên: “Thái hậu!”
“Ai gia biết là con không nỡ.” Bà ta đi tới đỡ tôi đứng dậy. “Nhưng Hoàng thượng không thể nạp Ngọc Nhiêu vào cung được, nạp vào rồi thì khó đảm bảo rằng sẽ không xảy ra mối tai họa như Phó Như Kim. Hơn nữa như con vừa nói, Ngọc Nhiêu không có ý gì với Hoàng thượng, nếu bị bức ép quá thì sự an toàn của Hoàng thượng thực khó mà đảm bảo. Do đó việc này ai gia chỉ thông báo cho con biết trước thế thôi, chờ đến mùa hạ khi Thụy An Quận vương tiến kinh, ai gia sẽ tự có an bài.”
Sống lưng tôi ngứa ngáy như bị gai đâm, khóe miệng hơi máy động nhưng rốt cuộc vẫn không nói gì, buồn bã cáo lui.
Tôi không nói một lời, trở về Vị Ương cung liền vội vàng sai Tiểu Liên Tử đi mời Ngọc Ẩn vào cung.
Ngọc Ẩn khi mới tới nơi thì còn chưa biết là có chuyện gì xảy ra, nghe tôi kể xong liền không kìm được cau mày lại. “Thái hậu đã có ý này rồi thì chỉ e là không dễ giải quyết. Nhưng trưởng tỷ, Ngọc Nhiêu và cửu Vương gia bây giờ tâm đầu ý hợp, thực không nên chia tách bọn họ, vả lại nếu tứ muội phải gả đến một nơi khỉ ho cò gáy như Thanh Hải, chỉ e sau này muốn trở về kinh thành một chuyến cũng chẳng dễ dàng gì.”
Ngọc Nhiêu nghe xong thì chỉ im lặng không nói gì, mãi một hồi lâu sau mới nói: “Muội sẽ không đi đâu.”
Tôi nói: “Ta đương nhiên biết là muội sẽ không đi, bằng không đợi đến sang năm khi rượu mới của muội ủ xong, lẽ nào Mai Hinh Nhưỡng còn phải đưa từ Thanh Hải về đây hay sao?”
Ngọc Ẩn cau mày lo lắng, trầm ngâm nói: “Nếu biết tin này, cha mẹ không cuống lên mới là lạ, tạm thời đừng nên nói gì với họ thì hơn.”
Tôi nói: “Tất nhiên là vậy rồi. Việc này Thái hậu còn đang suy nghĩ, chưa biết chừng còn có thể thay đổi được. Chúng ta tạm thời đừng nôn nóng, tệ nhất thì cũng phải tới mùa hè sang năm Thụy An Quận vương mới vào kinh. Điều quan trọng nhất là trong vòng nửa năm sắp tới đừng để Hoàng thượng mở lời với Ngọc Nhiêu, vậy thì mới có thể từ từ tìm cách được.”
Tôi bắt đầu thầm trù tính, Bình Dương Vương Huyền Phần là con út của tiên hoàng, thân mẫu Thuận Trần thái phi xuất thân hàn vi, vốn chỉ là cung nữ chuyên việc may vá ở Tú viện, khi tiên hoàng còn tại thế, ngôi vị cao nhất của bà ta chẳng qua chỉ là Ân Tần, về sau tuy được tấn phong làm thái phi nhưng hoàn toàn là nhờ vào con trai, ngoài ra Bình Dương Vương từ khi còn nhỏ đã được giao cho Trang Hòa Đức thái phi vốn là mẹ của ngũ Hoàng tử đã qua đời sớm nuôi nấng trưởng thành. Hiện giờ nhà họ Chân tuy nhân đinh ít ỏi nhưng xét trong các gia tộc ngoại thích thì chỉ thua kém duy nhất nhà họ Chu. Tôi thân là thục phi chính nhất phẩm, nắm quyền quản lý hậu cung, lại đang có nhiều con cái nhất với hai vị công chúa, một vị hoàng tử, ngoài ra còn nuôi thêm một hoàng tử khác là Dư Nhuận do My Trang để lại, trong mắt người ngoài, bất kể xét về hiện tại hay tương lai, tôi đều rất đáng để bợ đỡ.
Thuận Trần thái phi vì tiền đồ của con trai mình đương nhiên rất hy vọng Ngọc Nhiêu và Huyền Phần có thể đến với nhau, còn Trang Hòa Đức thái phi thì không có con ruột, hẳn cũng quan tâm tới Huyền Phần vô cùng, tuy không dám chống đối Thái hậu nhưng trong lòng nhất định mười phần tán thành mối hôn sự giữa Huyền Phần và Ngọc Nhiêu, bằng không thì hôm nay đã chẳng chủ động đi gặp Thái hậu để nhắc tới việc này. Hiện giờ khó qua nhất vẫn là cửa của Thái hậu, trừ phi... Tôi bất giác thầm máy động trong lòng.
Hiện giờ tôi nắm quyền quản lý lục cung, muốn gặp Huyền Phần một chút tất nhiên không có gì là khó khăn cả, có điều Thái hậu đã biết việc giữa y và Ngọc Nhiêu, để tránh mối hiềm nghi và không làm Thái hậu bực mình, tôi tuyệt đối không thể ra mặt. Hơn nữa, câu này nhất định phải do người chí thân hỏi mới xong. Huyền Lăng tất nhiên là không được rồi, Kỳ Sơn Vương thì tuy lớn tuổi nhưng lại là người rất sợ chuyện, ắt không chịu đắc tội với Thái hậu, do đó cũng chẳng cần xét tới làm gì.
Tôi suy đi nghĩ lại, bây giờ người chịu giúp đỡ và có thể giúp được chỉ có mình y thôi. Tôi bất giác khẽ thở dài một tiếng, Huyền Thanh, muội quả thực không muốn mang tới cho huynh chút phiền phức nào kẻo huynh lại lo lắng uội, nhưng rốt cuộc vẫn có những chuyện không thể không phiền tới huynh.
Tôi thoáng ưu sầu trong khoảnh khắc, ngay sau đó liền dằn lòng lại, đưa tay đỡ Ngọc Ẩn đứng dậy, nói bằng giọng rất khẽ: “Chuyện này chỉ đành nhờ muội và lục Vương gia giúp đỡ thôi, ngoài ra chúng ta còn phải đi gặp cửu Vương gia hỏi lấy một lời khẳng định nữa.”
Lời khẳng định ấy Huyền Thanh đã hỏi được từ chỗ Huyền Phần, đó là một câu nói khiến cả tôi và Ngọc Nhiêu đều cảm thấy yên tâm: “Lòng ta son sắt, quyết không lay chuyển.”
Y đã có tâm tư như thế với Ngọc Nhiêu, dù phải dốc hết tâm cơ cũng hoàn toàn xứng đáng.
Ngọc Nhiêu khi nghe thấy câu nói đó cũng mười phần cảm động, thế nhưng lại không rơi lệ mà chỉ cười tủm tỉm, nói với tôi: “Muội đã sớm biết tâm ý của y rồi mà.”
Vẻ chắc nịch ấy khiến tôi và Ngọc Ẩn đều cảm thấy vững dạ và thoải mái hơn nhiều.
Trong cung tạm thời không có việc tuyển tú. Tết đến, khi các phi tần triều kiến không có người mới nào, thêm vào đó An Lăng Dung đã dần có vẻ thất sủng, hiện giờ người bầu bạn bên cạnh Huyền Lăng nhiều nhất là Mẫn Phi và Dư Dung Nương tử. Ngọc Ẩn dùng thân phận là trắc phi của Thanh Hà Vương liên hệ với vương phi của các thân vương, mỗi phủ chọn lấy một nữ tử xinh đẹp, trẻ tuổi đưa vào cung. Do là người mà các vương phủ tiến cử nên tôi cũng không bạc đãi, đi xin thánh chỉ phong cho tất cả làm thường tại. La thị do phủ Kỳ Sơn Vương tiến cử trở thành Xuân Thường tại, Chúc thị do phủ Thanh Hà Vương tiến cử trở thành Dực Thường tại, còn Bình Dương Vương thì vì chưa thành thân nên được Đức thái phi thay mặt tiến cử Giang thị, hiện giờ đã trở thành Anh Thường tại.
Ba vị Thường tại vào cung là việc mừng, mà nữ tử do các vương phủ tiến cử đều đã được chọn lựa rất kĩ, Xuân Thường tại giỏi gảy đàn nguyệt, Anh Thường tại có sở trường về nhảy múa, còn Dực Thường tại thì hát Côn khúc rất hay. Sau khi vào cung, cả ba đều được cho vào ở trong Ngọc Bình cung. Ba nữ tử này đều trẻ trung, xinh đẹp, Huyền Lăng lại thích cái sự mới mẻ ở bọn họ, thế là những khi có thời gian rảnh rỗi thường tới Ngọc Bình cung, cũng vì thế nên cả ba mới vào cung được hai tháng đã lần lượt trở thành tài nhân, mỹ nhân và giờ là quý nhân chính lục phẩm, trong đó Dực Quý nhân Chúc thị là đắc sủng nhất. Vừa khéo lúc này, Trinh Quý tần vốn đổ bệnh đã lâu nay hoàn toàn bình phục, Huyền Lăng trong cơn mừng rỡ liền phong nàng ta làm thục dung, Từ Yến Nghi từ đó liền trở thành một trong cửu tần. Thế nhưng mọi người trong cung vẫn bàn luận xôn xao, nói An Lăng Dung giờ đã không còn được ân sủng như trước, thế mà Lữ Chiêu dung là mẹ ruột của trưởng nữ và Từ Thục dung là mẹ ruột của Hoàng tử lại đều phải xếp sau nàng ta, thực là không công bằng.
Mà sau khi sang năm mới, Dư Dung Nương tử cũng được tấn phong làm quý nhân, ngay đến phong hiệu cũng không thay đổi, trở thành Dư Dung Quý nhân, cực kỳ nổi bật. Có lẽ chỉ từ phong hiệu hai chữ đó thôi cũng đủ thấy được sự sủng ái của Huyền Lăng đối với nàng ta, mà kể từ sau cuộc đua ngựa ở Quan Võ đài, Huyền Lăng ngày càng yêu quý nàng ta, dù có ba mỹ nữ mới vào cung nhưng sự ân sủng dành cho nàng ta vẫn không hề suy giảm.
Huyền Lăng có thêm ba sủng phi mới, thời gian tới cung của tôi tất nhiên ít hẳn đi. Năm mới sự vụ rất nhiều, hậu cung là thế mà tiền triều cũng là như thế. Ngày mùng Một Tết, Huyền Lăng hạ chỉ lập Dư Ly làm Tề Vương, Dư Bái làm Tấn Vương, Dư Hàm làm Triệu Vương, Dư Nhuận làm Sở Vương. Lần này bốn vị Hoàng tử cùng được phong vương, trưởng tử bị đặt ngang hàng với ba đứa bé còn chưa dứt sữa, những ý kiến trước đó về việc lập trưởng tử Dư Ly làm thái tử lập tức giảm đi hẳn.
Thời gian vùn vụt trôi qua, thoắt đó mà một mùa xuân mới đã lại tới.