Chương 48
“Đại mộng thùy tiên giác, bình sinh ngã tự tri” (Mộng dài ai sớm tỉnh. Đời ta, ta biết ta)
(Chú thích: Trong tác phẩm “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, khi Lưu Bị lần thứ ba đến ngôi nhà cỏ của Khổng Minh (Tam cố thảo lư) mời ông làm quân sư cho mình, Khổng Minh đã xuất khẩu thành câu thơ này)
“Hả?” Anh ngạc nhiên: “Đại sư cũng biết điển tích “Tam cố thảo lư”?”
Câu này xuất phát từ Gia Cát Lượng, anh không ngờ lại được nghe từ miệng một vị cao tăng Phật giáo Tây Tạng.
Cao tăng tiếp tục lên tiếng: “Nhân sinh như ảo mộng, xem ai có thể nhìn thấu mà thôi. Mỗi con người từng làm chuyện gì, bất kể là việc tốt hay xấu, cũng chỉ bản thân biết rõ nhất. Tôi giải thích có sai không?”
“Không sai đâu ạ.” Không ngờ trình độ cổ văn của vị sư già lại cao như vậy.
“Câu chuyện lịch sử của các anh cũng chứa giáo lý đạo Phật, rất thú vị.” Cao tăng nhìn anh: “Người trẻ tuổi. Giống như câu nói vừa rồi, trong quá khứ anh làm điều ác hay hành thiện, chỉ bản thân anh biết rõ. Tại sao anh đến đây? Lúc nào mới rời đi? Anh không cần nói cho tôi biết.”
Nói xong, cao tăng mỉm cười.
Bốn bề lại rơi vào trạng thái vô cùng tĩnh mịch. Trình Mục Vân ngồi một lúc rồi đứng dậy đi ra ngoài. Anh đi xuyên qua nhiều cửa thấp, đi qua con đường lát đá tràn ngập ánh nắng. Cuối cùng, anh đi vào một điện thờ.
Điện thờ của ngôi chùa luôn tối tăm, bên trong gần như không có ánh mặt trời. Chỉ có ánh sáng le lói từ ngọn đèn dầu.
Các Lạt ma nhỏ tuổi ngồi trên bậc thềm cao đến đầu gối, lặng lẽ niệm kinh. Xung quanh có hành lang hai người có thể đi qua. Nơi này tương đối hẻo lánh, buổi chiều mới thỉnh thoảng xuất hiện du khách đeo ba lô đi vào. Khách ba lô và các Lạt ma nhỏ tuổi giống như người của hai thế giới, giương mắt dò xét đối phương trong ánh sáng màu hoàng hôn của ngọn đèn dầu. (Lạt ma: nhà sư thuộc Phật giáo Tây Tạng)
Chỉ có anh cụp mi mắt, đi qua hai ba du khách này.
Trong mắt những người du khách, Trình Mục Vân cũng chỉ là một Lạt ma trẻ tuổi, trên người mặc áo cà sa màu đỏ, bên ngoài khoác tấm vải màu đỏ tím, chỉ khác các Lạt ma ở đây về tuổi tác.
Anh ra khỏi đại diện, men theo con đường đá tiếp tục tiến về phía trước. Vừa đi, anh vừa không ngừng hỏi bản thân: Trình Mục Vân, tại sao cậu lại tới nơi này? Tại sao cậu muốn thuyết phục vị sư già, để cậu ẩn náu ở đây với thân phận người xuất gia? Chỉ bản thân cậu mới biết tất cả những đáp án này.
Cậu bước ra từ địa ngục, trải qua dầu sôi lửa bỏng mới có thể đứng ở đây. Một khi nhân gian chỉ là ảo mộng chân thực, vậy thì những kẻ luôn đòi lấy mạng cậu và những người muốn cậu cứu mạng bao giờ mới buông tha cậu?
Đột nhiên, một luồng sáng màu vàng vụt qua trước mắt Trình Mục Vân. Anh ngoảnh đầu theo phản xạ có điều kiện. Bên cạnh dãy “ ống kinh đồng” (1) chuyển động có một cô gái đội mũ che nắng màu trắng, tay phải cô lướt qua hàng “ống kinh đồng”, miệng lẩm bẩm câu gì đó.
Trình Mục Vân đứng ngược sáng, quan sát cô gái đi đến trước mặt anh. Cả người cô trong tư thế như chuẩn bị tấn công. Một con dao nhỏ từ tay áo của Trình Mục Vân thò ra, âm thầm rơi xuống lòng bàn tay anh.
Cuối cùng cô gái cũng xoay đến “ống kinh đồng” cuối cùng. Cô ngẩng đầu nhìn anh, nở nụ cười hết sức thân thiện, thành kính chắp hai tay trước ngực, cúi thấp người hành lễ: “Chào buổi chiều, Lạt ma.”
Ngữ điệu của cô tương đối kỳ lạ, cách dùng từ cũng không bình thường, giống người nước ngoài nói tiếng Trung.
Nhưng ngũ quan của cô đặc sệt người Trung Quốc.
Trình Mục Vân vẫn đứng ngược sáng, chậm rãi chắp hai tay trước ngực, lưỡi dao giấu trong lòng bàn tay. Anh hơi gật đầu với cô. Động tác của anh rất nhẹ nhàng, không hề có tiếng quần áo sột soạt.
Đây là lần đầu tiên Ôn Hàn gặp Trình Mục Vân.
Anh có đôi mắt “đan phượng” (2) trong sách thường miêu tả, ngoài đời rất hiếm gặp.
Lúc bấy giờ, cô tưởng anh là Lạt ma thật sự. Sau này biết rõ sự thật... Ôn Hàn vẫn cho rằng, Trình Mục Vân là người đàn ông có Phật tính nhất mà cô từng gặp. Tuy toàn thân anh tỏa ra vẻ âm u lạnh lẽo như con rắn mắt kính, một con rắn ngủ say dưới chân Phật tổ.
(1) Ống kinh đồng: những ống đồng cao một mét, hình tròn, bề mặt có hoa văn chim chóc muông thú, bên trong đựng đầy kinh Phật
(2) Mắt đan phượng: đôi mắt hẹp và dài, đầu mắt hơi chúc xuống, đuôi mắt nhếch lên. Là đôi mắt đẹp theo quan niệm của người xưa.