26

- Mọi sự chuẩn bị của tôi đã hoàn tất, - Hercule Poirot nói.

Khẽ thở dài, ông bước lùi lại vài bước và ngắm nghía những thứ đã sắp sẵn trong một căn phòng bỏ trống của khách sạn.

Đại tá Carbury, ngả người bừa trên chiếc giường đã được đẩy vào sát chân tường khẽ mỉm cười và rít một hơi thuốc tẩu.

- Poirot, anh không định làm trò cười đấy chứ ? - Ông hỏi : - Cứ như là anh đang sắp, xếp sân khấu kịch vậy.

- Có thể là đúng thế đấy, - viên thám tử nhỏ bé thừa nhận. - Nhưng , thực ra công việc này không được làm bởi sự đam mê môn kịch. Nếu một người muốn đóng kịch, thì trước tiên anh ta phải dựng cảnh đã.

- Đây là một vở hài kịch sao ?

- Nếu nó có là một vở bi kịch thì cũng vẫn phải vậy thôi, bối cảnh phải luôn luôn đúng.

Đại tá Carbury nhìn Poirot tò mò.

- Thôi được, - ông nói ; - Mọi việc là do anh quyết định ! Tôi không hiểu là anh định lái câu chuyện này tới đâu, Dù vậy, tôi công nhận là anh đã có một điều gì đó.

- Tôi lấy làm vinh hạnh được trình bày với ngài điều mà ngài đã yêu cầu ở tôi. Đó là sự thật !

- Anh nghĩ là chúng ta có thể tuyên án rồi sao ?

- Chuyện đó, ông bạn của tôi ơi, tôi không hề hứa với ông.

- Đúng vậy. Nhưng có lẽ tôi sẽ lấy làm vui hơn nếu anh không tìm ra điều gì cả. Vì chuyện này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.

- Những kết luận của tôi được rút ra chủ yếu từ các yếu tố tâm lý, Poirot nói.

Đại tá Carbury thở dài.

- Tôi e là như vậy.

- Nhưng chúng sẽ thuyết phục được ông đấy, - Poirot trấn an ông đại tá. - Ồ, Đúng vậy, chúng sẽ thuyết phục được ông. Cái sự thật mà tôi luôn luôn nghĩ tới, nó rất đẹp và rất lỳ lạ.

Đại tá Carbury đế thêm :

- Và đôi khi, nó còn loại bỏ được những điều khó chịu.

- Không không, - Poirot sốt sắng trả lời. - Ngài đại tá, ông đang đề cập tới câu chuyện này trên quan điểm cá nhân của mình. Ngược lại, ông hãy xem xét nó từ những dự kiện rời rạc và trừu tượng đi, rồi ông sẽ thấy một lô gíc rõ ràng, mạch lạc giữa các sự kiện đó.

- Được rồi tôi sẽ thử nhìn nhận vấn đề theo cách đó xem sao, - Đại tá trả lời.

Poirot liếc nhìn đồng hồ đeo tay. Đó là một chiếc đồng hồ màu sáng bạc to, và rất thô.

- Đồ gia truyền à ? - Đại tá thích thú hỏi.

- Vâng, thật ra nó là của ông nội tôi.

- Tôi cũng nghĩ như thế.

- Thôi, đã đến lúc chúng ta bắt đầu rồi đấy, - Poirot nói.

- Ngài đại tá, ông sẽ ngồi ở đây đằng sau cái bàn này, đúng ở vị trí này.

- Ồ, được thôi, - Carbury lẩm bẩm. - Anh không cần tôi mặc đồng phục vào đấy chứ ?

- Không, không cần đâu. Nếu ông cho phép tôi sẽ kéo cái cà vạt thẳng ra một chút.

Vừa nói, Poirot vừa đưa tay kéo lại cái cà vạt của đại tá. Đại tá Carbury khẽ ừ hừ gì đó và ngồi xuống chiếc ghế mà Poirot đã chỉ cho ông, và chỉ một lúc sau đó, gần như là vô thức, ông đưa tay kéo lệch chiếc cà vạt của mình chếch về phía dưới tai trái như cũ.

- Còn đây, Poirot nói và nhẹ nhàng di chuyển vị trí của những chiếc ghế, chúng ta để gia đình Boynron ngồi đây, còn ở đằng này, - ông nói tiếp, - Là ba vị khách có liên quan đến vụ án. Tiến sĩ Gerard, người đã đưa ra các chứng cớ rất cần thiết cho vụ án. Cô Sarah King, người có hai mối quan tâm khác nhau trong cùng một vụ án, một mang tính chất cá nhân, còn một với tư cách là bác sĩ. Và ông Jeffreson Cope, người có mối quan hệ thân mật với gia đình Boynton và có thể miêu tả ông ta là một người rất vô tư.

Poirot bỗng ngừng lại, rồi kêu lên.

- A, họ đến đây rồi.

Ông bước ra mở cửa cho đoàn người bước vào.

Lennox Boynton cùng vợ Nadine Boynton bước vào đầu tiên. Tiếp theo là Raymond và Carol. Ginevra đi một mình, trên môi vẫn nở nụ cười nhợt nhạt, lúc nào cũng xa vắng. Tiến sĩ Gerard và Sarah King đi đàng sau. Còn ông Jefferson Cope tới muộn vài phút, ông ta vừa bước vào phòng vừa xin lỗi rối rít.

Khi ông Cope đã yên vị. Poirot bước lên, trịnh trọng lên tiếng:

- Thưa tất cả quý ông, quý bà, - ông nói: - đây hoàn toàn là một cuộc gặp mặt có tính chất thân mật. Câu chuyện về bà Boynton xảy ra rất tình cờ đúng lúc tôi có mặt ở Amman này. Đại tá Carbury đã cho tôi cái vinh dự được quan tâm tới vụ án này ...

Câu nói của Poirot bị đột ngột cắt ngang bởi một giọng nói cất lên từ phía những người mà Poirot không nghĩ rằng sẽ có phản ứng. Lennox Boynton đột ngột cất giọng gây gỗ:

- Tại sao? Thế quái quỷ nào khiến ông ta lại đưa ông dính dáng vào chuyện này?

Poirot bình tĩnh khoát tay.

- Tôi luôn luôn bị triệu tập trong những vụ đột ngột như thế này.

Lennox Boynton tiếp tục:

-Các bác sĩ đã để cho ông điều tra ngay cả khi người đó chết vì bệnh tim sao?

Bệnh tim là một khái niệm rất rộng và không khoa học. - Poirot nhẹ nhàng trả lời anh ta.

Đại tá Carbury hắng giọng. Đó là một tiếng động duy nhất trong căn phòng lúc đó. Ông trịnh trọng lên tiếng:

- Tốt hơn cả là nên làm rõ ràng mọi chuyện. Hoàn cảnh xảy ra cái chết đã được báo lên chỗ chúng tôi. Mọi việc xảy ra dường như là rất tự nhiên. Thời tiết nóng nực bất thường, chuyến đi đầy thử thách đối với một người phụ nữ lớn tuổi mà sức khoẻ lại kém. Mọi chuyện có vẻ như rất rõ ràng. Tuy nhiên, tiến sĩ Gerard lại đến gặp tôi và tình nguyện nói ra một chuyện ...

Ông đưa mắt nhìn Poirot vẻ dò hỏi. Poirot gật đầu đồng tình.

- Tiến sĩ Gerard là một con người tài ba, danh tiếng của ông lẫy lừng cả thế giới. Bất kỳ câu nói nào của ông một khi đã được tuyên bố ra sẽ khiến tất cả mọi người chú ý. Và câu nói của tiến sĩ Gerard như sau: Vào buổi sáng sau hôm bà Boynton chết, ông nhận ra rằng một lượng lớn độc dược có tác dụng tới tim đã bị đánh cắp từ túi thuốc của ông. Còn vào buổi chiều hôm trước, thì ông nhận thấy một chiếc sy - lanh đã biến mất. Nhưng ông lại tìm thấy nó vào ngay đêm đó. Điểm cuối cùng, đó là trên cổ tay của người chết có một vết tương đương với vết kim tiêm.

Đại tá Carbury ngừng lời.

- Trong hoàn cảnh như vậy, tôi nhận thấy rằng đó là nghĩa vụ của những người có trách nhiệm như tôi cần phải xem xét chuyện này. Ông Hercule Poirot đây là khách của tôi và ông đã rất thận trọng tiến hành các biện pháp chuyên môn của mình. Tôi giao cho ông ấy toàn quyền tiến hành các cuộc điều tra mà ông ấy thấy cần. Còn bây giờ, tất cả chúng ta có mặt ở đây để nghe ông ấy báo cáo về những gì mà ông ấy đã tìm ra.

Những lời nói của ngài đại tá kết quả là đã gây ra một sự im lặng. Một sự im lặng nặng nề đến nỗi dường như người ta có thể nghe được cả tiếng chiếc kim khâu bị đánh rơi vậy. Nhưng thật ra ai đó ở phòng bên cạnh đã đánh rơi một vật, hình như là một chiếc giầy.

Trong cái không khí tĩnh lặng như thế, một tiếng động nhỏ nghe cũng giống như tiếng đại bác.

Poirot đưa mắt liếc nhìn nhóm nhỏ ba người đang ngồi bên phải của ông, sau đó ông quay sang nhìn nhóm năm người ngồi túm tụm bên phía trái của mình. Họ ngồi đó, những ánh mắt đầy vẻ sợ hãi.

Poirot nghiêm nghị nói:

- Khi đại tá Carbury nói với tôi về chuyện này, với tư cách là một chuyên gia trong lĩnh vực này, tôi cũng đã trình bày với đại tá ý kiến của mình. Tôi có nói với ông ấy rằng có thể không cần phải đưa ra chứng cớ tức là những chứng cớ có giá trị trước tòa mà tôi hoàn toàn tin chắc rằng mình sẽ tìm ra được sự thật chỉ đơn giản là bằng cách thẩm vấn những người có liên quan. Vì vậy, tôi xin trình bày với các vị, những người bạn của tôi như thế này, để điều tra ra một tội ác thì chỉ cần để cho tên tội phạm, hay những kẻ phạm tội tự nói ra. Bao giờ cũng vậy, cuối cùng thì họ cũng phải nói ra tất cả những gì mà các bạn muốn biết!

Ông ngừng lời một chút.

- Vì thế trong trường hợp này, cho dù các vị ở đây, tất cả đều đã nói dối tôi, nhưng các vị cũng đã vô tình nói ra một sự thật.

Ông nghe có tiếng thở dài não nề, tiếng kéo ghế ken két vang lên từ phía bên phải, nhưng ông không hề quay sang nhìn. Ông vẫn tiếp tục nhìn thẳng về phía các thành viên trong gia đình Boynton.

- Đầu tiên, tôi kiểm tra các khả năng cho rằng bà Boynton đã chết một cái chết tự nhiên, và tôi đã quyết định là không phải như vậy. Một lượng thuốc, một cái sy -lanh bị mất và trên tất cả, là thái độ của gia đình bà ta đã thuyết phục tôi rằng cái giả thuyết trên là hoàn toàn không đúng.

- Không những bà Boynton bị giết một cách có chủ tâm, mà con cái của bà ta cũng nhận biết được chuyện này! Và họ đã xử sự như những kẻ tội phạm vậy.

- Nhưng mức độ phạm tội cũng lại khác nhau. Tôi đã kiểm tra các chứng cớ một cách cẩn thận với quan điểm là để biết chắc rằng vụ giết người. Vâng, đó có phải là một vụ giết người do các thành viên trong gia đình bà Boynton cùng tiến hành hay không?

- Tôi có thể nói rằng một lý do nổi bật trong vụ án này là tất cả, không trừ một ai trong gia đình Boynton đều được hưởng lợi từ cái chết của bà mẹ. Một mặt là về tài chính vì họ ngay lập tức sẽ được độc lập về tài chính và hoàn toàn có thể sung sướng mà hưởng thụ sự giàu có. Mặt khác, họ sẽ hoàn toàn thoát khỏi cái mà đã trở thành một sự áp đặt gần như là không thể chịu đựng nổi của bà mẹ.

- Tôi xin nói tiếp; tôi đã quyết định, gần như là ngay lập tức, rằng những lập luận về một kế hoạch chung của cả gia đình để giết bà mẹ đã không thể đứng vững được. Những lời khai của gia đình Boynton đã hoàn toàn không ăn khớp với nhau và không một chứng cớ ngoại phạm khả thi nào được sắp đặt sẵn. Mà các chứng cớ dường như nói lên một điều, rằng một mà cũng có thể là hai thành viên trong gia đình Boynton đã làm việc ấy và rằng những người khác trong gia đình bị biến thành tòng phạm theo các chứng cớ đó mà thôi.

- Tiếp đó tôi xem một thành viên hay những thành viên cụ thể nào trong gia đình mà theo các chứng cớ là đã làm việc đó. Và ở đây, tôi phải nói là mình đã có khuynh hướng thiên về những chứng cớ mà chỉ một mình tôi được biết.

Và Hercule Poirot kể lại những gì ông nghe đưọc ở Jerusalem.

- Rõ ràng là câu chuyện này đã làm tôi nghĩ rằng chính Raymond Boynton là kẻ tình nghi đầu tiên trong vụ án. Nghiên cứu kỹ gia đình Boynton, tôi đi đến kết luận rằng người có khả năng tiếp thu cái nghị lực của Raymond đêm hôm đó, không ai khác chính là em gái anh ta, Carol. Họ hết sức giống nhau cả về bề ngoài lẫn tính nết, vì thế chắc chắn họ sẽ dễ dàng thông cảm với nhau hơn, vì họ đều có chung một tâm trạng căng thẳng dễ nổi loạn, sẵn sáng chấp nhận một hành động như vậy. Còn có một điều khiến họ biến cái kế hoạch giết người của mình trở nên hợp lý đó là vì những động cơ không hề mang lợi ích cá nhân. Họ muốn giải phóng cho cả gia đình, mà đặc biệt là cho cô em út.

Poirot ngừng lời.

Raymond Boynton mở miệng toan nói điều gì đó, nhưng rồi lại thôi. Đôi mắt anh nhìn Poirot chăm chú, trong đó có cả nỗi thống khổ không thốt lên lời.

- Trước khi vào phần buộc tội Raymond Boynton, tôi xin phép đọc cho quý vị sanh sách những điểm đáng lưu ý mà tôi đã tóm lược ra và đã trình cho đại tá Carbury xem chiều này.

NHỮNG ĐIỂM ĐÁNG LƯU Ý

1- Bà Boynton đã tiêm một hỗn hợp thuốc có chứa chất digitalin.

.......

10 - Tiến sĩ Gerad mất một sy -lanh tiêm.

11 - Bà Boynton rất thoải mái khi cho phép con cái mình vui chơi với những người khác.

12 - Bà Boynton, vào buổi chiều hôm đó, khuyến khích con cái mình đi chơi, mà không cần phải lo lắng gì cho bà ta.

13 - Bà Boynton là người có bệnh về thần kinh.

14 - Khoảng cách từ lều lớn tới chỗ bà Boynton ngồi là (xấp xỉ), hai trăm thước.

15 -Lennox Boynton lúc đầu nói là không biết quay trở về khu trại lúc mấy giờ, nhưng sau đó lại nhận là có chỉnh lại thời gian ở chiếc đồng hồ đeo tay của mẹ anh ta.

16 - Tiến sĩ Gerard và cô Ginevra Boynton sống ở hai chiếc lều cạnh nhau.

17 - Lúc sáu giờ ba mươi, khi bữa tối đã dọn sẵn, một người hầu được cử đi mời bà Boynton tới.

Mặc dù đã đánh số riêng rẽ các điểm đáng lưu ý trên, nhưng đôi khi chúng lại dấu ngoặc đôi vào với nhau. Ví dụ như ở hai điểm lưu ý đầu tiên: Bà Boynton đã sử dụng một hỗn hợp thuốc có chứa chất digitalin. Tiến sĩ Gerard bị mất một sy - lanh kim tiêm. Hai điểm này là hai điểm đầu tiên làm tôi lưu ý tới vụ án này, và tôi xin nói với quý vị rằng tôi đã thấy chúng rất khác thường và hoàn toàn có liên quan tới nhau. Các vị không hiểu ý tôi phải không? Không sao cả. Tôi sẽ quay trở lại vần đề này ngay đây. Các vị chỉ cần hiểu là tôi đã chú ý tới hai điểm đó vì chúng là điểm nghi vấn cần phải có lời giải đáp thỏa đáng.

- Bây giờ, tôi sẽ kết luận việc điều tra về khả năng phạm tội của Raymond Boynton. Sau đây là các dự kiện:

- Anh ta đã bị phát hiện khi đang bàn bạc kế hoạch giết bà Boynton. Anh ta ở trong tình trạng thần kinh bị kích thích cực độ. Và anh ta đã ... xin cô thứ lỗi, - ông cúi đầu về phía Sarah, - anh ta vừa trải qua một đợt khủng hoảng tinh thần rất trầm trọng. Đó là vì, anh ta đang yêu. Sự rung động đó có thể dẫn dắt anh ta hành động theo một trong số cách sau. Một là anh ta có thể sẽ trở nên vui vẻ và sẽ tỏ ra dịu dàng với tất cả mọi người xung quanh, kể cả với bà mẹ kế của mình. Hai là anh ta sẽ trở nên can đảm, và cuối cùng sẽ trở nên coi thường bà mẹ kế và muốn rũ bỏ mọi ảnh hưởng của bà ta hoặc cũng có thể anh ta sẽ tìm thêm được nghị lực để biến cái tội ác vốn dĩ chỉ tồn tại trên lý thuyết của mình trở thành hành động thật sự. Đó chính là phương pháp tâm lý học! Còn bây giờ chúng ta sẽ xem xét các dự kiện có liên quan tới Raymond.

- Raymond Boynton rời khu trại đi dạo cùng với mọi người lúc 3giờ 15. Bà Boynton lúc đó vẫn còn sống và hoàn toàn bình thường. Trước đó Raymond và Sarah King đã có cuộc nói chuyện tête à tête (riêng với nhau). Sau đó thì anh ta bỏ về trước. Theo như lời anh ta nói, anh ta về đến khu trại lúc 6 giờ kém mười phút. Anh ta đến thẳng chỗ mẹ mình, hỏi thăm vài câu, sau đó thì đi về liều của mình và cuối cùng là đi xuống lều lớn. Anh ta nói rằng vào lúc sáu giờ kém mười bà Boynton vẫn còn sống và bình thường.

- Còn bây giờ chúng ta sẽ xem xét đến một dự kiện đi ngược lại hoàn toàn với những gì anh ta nói. Lúc sáu giờ ba mươi phút. Một người phục vụ phát hiện ra cái chết của bà Boynton. Cô King một người đã có bằng về y khoa; đã khám nghiệm cho bà ta và cho dù không chú ý mấy đến thời gian xảy ra cái chết, lúc đó cô ấy vẫn dứt khoát thề rằng cái chết đã xảy ra chắc chắn là trước đó độ một tiếng (mà cũng có thể lâu hơn thế nhiều).

- Ở đây, các vị thấy có hai lời khai hoàn toàn mâu thuẫn với nhau không? Hãy khoan chưa tính tới khả năng cô King có thể đã nhầm lẫn...

Sarah đột ngột cắt ngang lới Poirot:

- Tôi không hề nhầm lẫn. Mà nếu có nhầm lẫn thì tôi sẽ thừa nhận.

Cô cứng cỏi nói to rõ ràng như thế.

Poirot cúi đầu lịch thiệp về phía cô.

- Thế thì chỉ có hai khaả năng. Cả ông Raymond Boynton và cô Sararh King đều đang nói dối! Chúng ta hãy xem xét những lý do để ông Raymond Boynton làm như vậy. Và chúng ta hãy giả định là cô King không nhầm lẫn và không cố tình nói dối. Vậy thì sự liên tục của các sự kiện này là gì? Raymond Boynton trở về khu trại, thấy mẹ mình đang ngồi trước cửa lều, anh ta đi tới chỗ mẹ mình đã chết. Thế anh ta làm gì? Anh ta có gọi ai tới giúp không? Anh ta có ngay lập tức thông báo cho khu trại biết về việc xảy ra không? Không, anh ta đợi thêm một vài phút, rồi đi về lều của mình, sau đó tới ngồi cùng với những người khác trong gia đình ở lều lớn và chẳng nói điều gì cả. Một hành động như vậy có là hết sức kỳ quặc không?

Raymond trả lời ông bằng một giọng nói lo lắng nhưng sắc sảo:

- Tất nhiên, thật ngu xuẩn. Đáng ra phải chỉ cho ông thấy rằng mẹ tôi còn sống và bình thường. Cô King đã quá hoang mang, bối rối nên đã nhầm lẫn.

- Một người phải tự hỏi mình, - Poirot điềm tĩnh nói - xem liệu có khả năng nào đó biện minh cho một hành động như vậy không chứ? Bề ngoài, có vẻ như là Raymond Boynton là không hề có tội, bởi vì người ta chỉ thấy có mỗi một lần anh ta tới chỗ mẹ mình chiều hôm ấy, mà ta ta thì đã chết trước dó một thời gian rồi. Vì thế, giả dụ như bây giờ Raymond Boynton vô tội, chúng ta sẽ giải thích hành động của anh ta như thế nào?

Tôi cho rằng chúng ta sẽ giải thích được câu hỏi đó dựa trên giả thuyết là anh ta không phạm tội! Vì tôi có nhớ một đoạn trong câu chuyện mà tôi nghe được đó là : "Em cũng biết rằng bà ta đáng bị giết chết đúng không?". Anh ta đi dạo về và thấy mẹ mình đã chết và cái tư tưởng tội lỗi của anh ta ngay lập tức dự tính ra một khả năng. Cái kế hoạch mà anh ta dự tính đã được thực hiện. Nhưng không phải do anh ta mà do người đồng mưu với anh ta. Tout simplement, tất cả đều rất đơn giản. Anh ta ngờ rằng em gái mình, Carol Boynton là người đã làm việc đó.

- Điều đó là dối trá, - Raymond kêu lên bằng một giọng trầm run rẩy.

Poirot nói tiếp :

- Còn bây giờ chúng ta sẽ xem xét khả năng Carol Boynton là kẻ giết người. Những chứng cớ nào chống lại cô ta ? Thần kinh của Carol Boynton cũng luôn căng thẳng, sự căng thẳng đó có thể dẫn cô ta tới chỗ làm một việc mà đã được tô vẽ rằng đó sẽ là một cử chỉ anh hùng. Chính Carol là người mà Raymond Boynton đã cùng nói chuyện vào cái đêm ở Jerusalem. Carol Boynton quay trở về khu trại lúc năm giờ mười phút. Theo như lời khai của cô ta thì cô ta đến thẳng chỗ mẹ mình nói chuyện. Không ai trông thấy cô ta làm việc đó. Khu trại hoàn toàn vắng vẻ. mọi người phục vụ đều đã đi ngủ. Bà Westholme, cô Pierce và ông Cope đang đi khám phá những hang động rất xa khu trại. Chẳng hề có một ai chứng thực cho hành động đó của Carol. Thời gian cũng rất phù hợp. Vì thế khả năng cho rằng Carol Boynton là kẻ giết người hoàn toàn có thể.

Ông ngừng lời. Carol đã ngửng đầu lên. Đôi mắt cô nhìn ông nghiêm nghị mà buồn bã.

- Còn một điểm đáng lưu ý nữa. Vào buổi sáng hôm sau, ngay từ rất sớm người ta đã nhìn thấy Carol Boynton ném một vật gì đó xuống suối. Do đó có lý do để tin ràng cái vật mà Carol đã ném xuống suối là một sy-lanh.

- Comment,( Sao cơ )? - Tiến sĩ Gerard nhìn ông kinh ngạc, nhưng chiếc sy -lanh của tôi đã được đem trả lại rồi mà. Đúng thế, bây giờ tôi đang cầm nó đây này.

Poirot gật đầu mạnh mẽ.

- Đúng, chiếc sy -lanh thứ hai, thật lạ lùng mà cũng rất thú vị. Theo như tôi được biết thì chiếc sy - lanh đó thuộc về cô King, có đúng không ạ ?

Sarah im lặng.

Carol vội vã nói:

- Đó không phải là chiếc sy - lanh của cô King, - Cô nói.- Nó là của tôi.

- Cô thừa nhận là đã ném nó đi đúng vậy không. Thưa cô?

Carol hơi lưỡng lự.

- Vâng, tất nhiên rồi, tại sao tôi lại không dám nhận chứ?

- Carol! Đó là tiếng kêu của Nadine. Cô vươn người ra phía trước, mắt mở to, đau đớn. - Carol. Ồ, tôi chẳng hiểu gì cả?

Carol quay đầu lại nhìn Nadine. Trong mắt cô hiện lên vẻ thù địch rõ rệt.

- Chẳng có gì cần phải hiểu ở đây cả! Tôi ném chiếc sy-lanh cũ của mình đi. Tôi chưa bao giờ đụng tới chất độc.

Sarah bật kêu lên.

- Ông Poirot, những gì mà cô Pierce nói với ông là hoàn toàn đúng. Đó là chiếc sy-lanh của tôi.

Poirot mỉm cười.

- Thật là khó hiểu quá nhỉ. Chuyện chiếc sy-lanh này. Tuy vậy tôi nghĩ là vẫn có thể giải thích được. À, thế là chúng ta đã làm rõ được hai chuyện rồi nhé. Một là chuyện Raymond Boynton vô tội và hai là tội lỗi của em gái anh ta. Carol Boynton. Nhưng mà tôi lại là một người rất công bằng. Tôi luôn luôn xem xét một vấn đề từ hai phía. Nào chúng ta hãy xem liệu cái gì xảy ra nếu như Carol Boynton.

- Cô ta trở về khu trại, đi thẳng tới chỗ bà mẹ, và cô ta thấy - nói như thế nào nhỉ - Rằng bà ta đã chết! Vậy cô ta sẽ nghĩ tới điều gì đầu tiên? Cô ta sẽ nghi ngờ rằng chính anh trai mình là Raymond Boynton có thể đã giết bà ta. Cô ta không biết làm gì cả. Vì vậy mà cô ta cũng chẳng nói gì. Và ngay sau đó, khoảng một tiếng sau, Raymond Boynton quay trở về khu trại và có lẽ là đã nói chuyện với mẹ mình. Anh ta cũng chẳng nói gì về chuyện không hay đó cả. Các vị không nghĩ rằng những nghi ngờ của cô ta sau này đã trở thành điều chắc chắn sao? Có thể là cô đã tới lều của anh trai mình và đã tìm thấy một chiếc sy -lanh. Và cô ấy đã hoàn toàn tin chắc chắn rằng anh trai mình đã làm việc đó! Rất nhanh nhẹn, cô ta cầm lấy chiếc sy-lanh và giấu đi. Vào sáng sớm hôm sau, cô ta cố ném nó đi thật xa.

- Còn có một chứng cớ nữa chứng minh sự vô tội của Carol Boynton. Cô ta đã quả quyết với tôi rằng; khi tôi thẩm vấn cô ta, rằng cô ta và anh trai mình chưa bao giờ có ý định nghiêm túc là sẽ tiến hành kế hoạch của mình cả. Tôi yêu cầu cô ta phải thề và cô ta thề ngay lập tức với một vẻ trang nghiêm rằng cô ta không hề tội! Các vị thấy đấy, đó là cái cách cô ta chứng tỏ mình vô tội. Cô ta không thề rằng họ vô tội. Mà cô ta chỉ thề là cô ta vô tội chứ không phải plà anh trai cô ta vô tội và cô ta cho rằng tôi sẽ không chú ý tới chi tiết đó.

- Et bien, vâng được rồi, đó là việc chứng minh cho sự vô tội của Carol Boynton. Còn bây giờ chúng ta sẽ quay lại một chút để xem xét lại. Lần nàykhông phải là sự vô tội mà là khả năng phạm tội của Raymond. Chúng ta hãy giả sử rằng Carol đã nói sự thật, rằng vào lúc năm giờ mười phút, bà Boynton vẫn còn sống và mạnh khoẻ. Trong hoàn cảnh như vậy, có thể nào Raymond Boynton là kẻ phạm tội không? Chúng ta cũng giả sử rằng anh ta tiến hành việc giết bà mẹ lúc sáu giờ kém mười khi mà anh ta tới chỗ bà ấy nói chuyện. Người phục vụ ở khắp xung quanh khu trại, điều đó là sự thật, nhưng lúc đó trời cũng đang bắt đầu tối. Cứ cho rằng là anh ta đã cố gắng làm điều đó, nhưng thế có nghĩa là cô King nói dối. Các vị hãy nhớ rằng cô King chỉ về sau Raymond có 5 phút. Và từ xa cô ta cũng có thể thấy rõ là Raymond đang tiến về chỗ mẹ mình. Sau đó, khi phát hiện ra bà ta đã chết, cô King nhận ra rằng Raymond đã giết bà ta, để tự cứu mình, và cô ta nói dối. Cô ta biết rằng tiến sĩ Gerard đang lên cơn sốt và không thể phát hiện ra sự nói dối của cô ta!

- Tôi không hề nói dối! Sarah nói rõ ràng.

- Còn có một khả năng nữa. Cô King, như tôi đã nói ở trên, về tới khu trại chỉ vài phút sau Raymond. Nếu như Raymond thấy mẹ mình còn sống, thì chỉ có thể là chính cô King là người đã chích cái mũi tiêm chết người đó mà thôi. Cô ta tin rằng bà Boynton là một con quỷ. Cô tự cho mình là một người đao phủ chân chính. Điều đó cũng có thể giải thích rõ ràng chuyện cô ta nói dối về thời gian cái chết đã xảy ra.

Khuôn mặt Sarah đã trở nên tái xanh. Cô trầm giọng nói :

- Sự thật là tôi đã nói rằng cái chết của một người sẽ cứu vớt những người khác. Trong tôi đã nảy ra cái ý nghĩ đó khi đứng ở Nơi tế lễ. Nhưng mà tôi xin thề với ông rằng tôi chưa bao giờ làm hại tới người đàn bà đáng ghê tởm đó cũng như là chưa bao giờ trong tôi xuất hiện cái ý tưởng như vậy !

- Tuy vậy - Poirot nhẹ nhàng nói - một trong hai người chắc hẳn đã nói dối.

Raymond Boynton cựa quậy trên ghế. Anh bật kêu lên dữ dội.

- Vâng, ông đã thắng, ông Poirot! Tôi chính là kẻ nói dối. Mẹ tôi đã chết khi tôi tới gần bà ta. Chuyện đó ... chuyện đó đã làm tôi rất sửng sốt. Ông biết đấy, tôi đã định tới để nói ra tất cả với bà ta. Để nói với bà ta rằng từ nay trở về sau tôi là một con người tự do. Ông hiểu là tôi định nói như vậy. Nhưng mà bà ta ngồi đó ... đã chết! Tay bà ta lạnh và mềm nhũn. Và tôi đã nghĩ ... nghĩ điều giống như ông vừa nói đấy. Tôi đã nghĩ có thể là Carol đã làm chuyện này. Ông biết là trên cổ tay của bà ta có vết kim đâm.

Poirot nói nhanh:

- Đó là một điểm mà tôi chưa thể chứng minh một cách rõ ràng được. Cái phương pháp mà các anh định tiến hành là gì ? Anh đã có một phương kế và nó có liên quan tới chiếc sy-lanh. Tôi biết chắc là như vậy. Nếu anh muốn tôi tin anh, thì anh phải nói với tôi tất cả.

Raymond hối hả nói :

- Đó chính là cái cách mà tôi đọc được trong sách, một cuốn truyện trinh thám của Anh. Tiêm một chiếc sy-lanh trống rỗng vào một người và nó sẽ đánh lừa được mọi người. Mọi việc nghe có vẻ rất khoa học. Tôi ... tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ làm theo cách đó.

- A, - Poirot nói. - Tôi hiểu rồi. Và anh đi mua một chiếc sy-lanh ?

- Không, thật ra chúng tôi đã lấy của Nadine.

Poirot đưa mắt liếc nhìn Nadine.

- Chiếc sy-lanh đó đang để trong va li của bà ở Jerusalem cơ mà ? - ông hỏi.

Khuôn mặt người phụ nữ trở nên nhợt nhạt.

- Tôi ...tôi không chắc lắm tại sao lại như vậy, - cô nói.

Poirot lẩm bẩm :

- Bà lanh trí lắm, thưa bà.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện