Chương 41: Con thuyền và ông già mặc áo tơi
Dự báo thời tiết nói tối nay có mưa to, sấm chớp nhưng lúc này trăng vẫn sáng trong, dù nó lúc ẩn lúc hiện giữa mây đen. Na Lan không biết mình nên mừng hay lo.
Cô cầm ống nhòm của Giải Quýnh quan sát khắp nơi. Màn đêm vô tận.
Không thấy ngư ông mặc áo tơi đi câu tính mạng.
Thuyền dừng lại cách bờ đảo khoảng năm mét, Bế Tiểu Châu xuống thuyền, buộc chặt sợi thừng vào hòn đá nhô cao có tên là "Long tu thạch"
Na Lan đứng trên thuyền, cô hít thở sâu, nhìn khắp bốn bề. Trên mặt hồ, trong phạm vi tầm nhìn cho phép, chỉ có độc con thuyền này của họ.
Cô, Giải Quýnh và một người bạn nữa là Lưu Lợi Long nhẹ nhàng nhảy xuống nước. Sau đó cùng Bế Tiểu Châu là bốn, cùng biến khỏi mặt hồ. Hai anh khác hơi ít kinh nghiệm sông nước hơn, thì lom khom lên đảo nấp vào khe đá và cỏ tranh, làm nhiệm vụ cảnh giới.
Bốn người chưa vội lặn xuống ngay, họ lần theo tuyến đã định lượn quanh đảo nửa vòng, đến một tảng đá ghềnh nhô lên thì mới từ từ lặn xuống. Đã tập luyện ăn ý rồi, họ luôn giữ cự ly thích hợp và sẵn sàng hỗ trợ tiếp ứng cho nhau. Na Lan dẫn đầu, rọi đèn vào la bàn đeo ở cổ tay, đi theo tuyến mà cô đã thuộc. Thỉnh thoảng ngoái nhìn, thấy ba anh bạn đều rất tập trung chú ý, có thể hình dung họ đang rất trông chờ và căng thẳng nữa. Cô thầm thở dài. Nếu họ biết sự thật, biết rằng cái kế hoạch "thả con săn sắt" của cô chỉ là treo đầu dê bán thịt chó thì họ sẽ nghĩ thế nào về cô? Có phải cô đang lợi dụng họ?
Nhưng ít ra thì tấm bản đồ vẫn là sự thật. Tần Hoài đã từng dựa vào bản đồ này sục sạo quanh năm mà chẳng ăn thua gì.
Có lẽ hiện giờ không phải là lúc tự trách mình về mặt đạo đức. Biết đâu, chỉ sau buổi tối hôm nay tất cả sẽ được giải thích rành rọt.
Huống chi, cô không chỉ dùng một mà là dùng hai tấm bản đồ gần như giống hệt nhau.
Sau khi có được tấm bản đồ da dê từ chỗ Cung Tấn, cô đã nghiền ngẫm mấy ngày liền, nhưng vẫn chỉ thấy nó là tấm bản đồ hồ Chiêu Dương bình thường, hầu như chẳng khác gì tấm bản đồ của Tần Hoài cả. Có nghĩa là, bất cứ ai có tấm bản đồ này trong tay cũng sẽ loay hoay ở hồ Chiêu Dương vài năm mà chẳng nhặt được một xu, giống như Tần Hoài.
Xm bản đồ mãi, cô cảm thấy mình đã bắt đầu mê tiền bạc, thật nực cười, nhung cô không hoàn toàn từ bỏ; cái kế hoạch cô từng để tâm âp ủ đã dần sáng tỏ trước tấm bản đồ, điều cần nhất bây giờ là phải hiểu sâu sắc về bản đồ này.
Ví dụ, các chỗ đánh dấu, tại sao lại khác với bản đồ của Tần Hoài?
Rất có thể chỉ là vì dưới nước vốn dĩ có các loại đá ghềnh hoặc địa mạo khác nhau, cho nên người này vẽ bản đồ sẽ dùng ký hiệu khác với người kia.
Vào lúc Na Lan cảm thấy bí thật sự, hết cách rồi, cô đành xếp hai tấm bản đồ lên nhau để cất vào cái cặp hồ sơ...
Đúng cái lúc xếp chúng lên nhau, cô nhận ra rằng hai hòn đảo trong hai tấm bản đồ đặt trên đặt dưới là trùng khít, chỉ có các ký hiệu ở vùng ngập nước thì...
Trời ban phúc, đầu óc khôn hẳn lên. Cô chồng hai tấm bản đồ lên nhau rồi giơ ra trước cửa sổ, ánh sáng hắt lại. Các ký hiệu ở vùng ngập nước của từng tấm bản đồ vốn dĩ rời rạc bất quy tắc, thì lúc này chập lại chúng liên kết thành một tuyến đi rõ rệt.
Chính là tuyến đi mà các thành viên của nhóm Na Lan tối nay đang lần theo.
Họ xuống sâu hơn, đã nhìn khá rõ đáy hồ. Na Lan dừng lại, vỗ vào một tảng đá ngay bên cạnh. Tảng đá bị đèn rọi chiếu vào, phản chiếu một màu trắng hoe vàng, chắc hẳn nó phải có hàm lượng kim loại khá cao. Điều thú vị là tảng đá này trông hơi giống hình con gà trống.
Ba người bạn phía sau cũng cụm lại, gật gù. Chắc đây là hòn đá "Phượng Nghi thạch" mà bản đồ đã đánh dấu. Theo chỉ dẫn và suy đoán tỷ lệ của bản đồ, phía dưới, bên phải "Phượng Nghi thạch" ba trượng- xấp xỉ mười mét- là điểm kết thúc của tuyến đường.
ở đó chỉ có một khối đá cực lớn tựa sát vào thân đảo Hồ Tâm.
Na Lan biết, bên dưới tảng đá này là một cái hốc không sâu, cô đã cài sẵn vào đó vài cái túi da màu đen, bên trong nhét mấy hòn đá. Cô đương nhiên rất biết chuyến đi "thám sát báu vật" hôm nay sẽ không thu được gì, nhưng với các anh bạn này thì rất cần chứng tỏ có "thu hoạch rành rành". Đây là một trong những điểm then chốt trong kế hoạch của cô.
Ba chàng trai vây quanh tảng đá tuần tra một lượt, không thấy có gì lạ.
Na Lan không tham gia tìm kiếm. Đây đã là lần thứ tư cô đến trước tảng đá này, đã biết rõ nó chẳng có gì huyền bí, cô tuyệt đối không tin có thể tìm thấy kho báu gì ở đây, câu chuyện áo tơi trong mưa gió chỉ là chuyện vui trong kho ký sự văn học thời Minh-Thanh.
Lời nguyền áo tơi trong mưa gió thật sự, thì cả nhóm đã thấy rồi, Phàn Uyên biến thành cái cốt của người cỏ - một cơn ác mộng kinh hoàng.
Lời nguyền áo tơi trong mưa gió thật sự, cũng đã xảy ra trong cuộc sống của cô.
Đã đến lúc tỉnh lại, trở về với đời thực, trở về bến xưa.
Lưu Lợi Long liều lĩnh trườn sang bãi cỏ nước phía sau tảng đá sát với chân đảo Hồ Tâm, lập tức bị Bế Tiểu Châu kéo giật lại. Dù trong hoàn cảnh nào, cỏ nước vẫn là virus ngựa gỗ* đối với thợ lặn.
* Virus Trojan horse là một loại virus máy tính. Ý nói: có vẻ bình thường nhưng rất nguy hại.
Nhưng một ý nghĩ vụt đến với Na Lan.
Cô nhoài qua tảng đá, chăm chú nhìn đám cỏ nước. Chúng mọc từ thân đảo vươn ra, chằng chịt dày đặc. Cô bỗng cảm thấy vách đá ở đây có nét quen quen, ngoại trừ cỏ nước. Giả sử không có cỏ nước, giả sử phía sau đám cỏ nước có một khe đá, nó là lối vào, nếu luồn qua nó chui vào sẽ thấy một hang động giống như hang động bí mật của Tần Hoài tưởng niệm Quảng Diệc Tuệ...
Nếu cô chưa từng bám theo Tần Hoài bơi vào cái hang mà Tần Hoài sở hữu ấy thì cô sẽ không có cái cảm giác quen quen này. Và không bao giờ có ai nghĩ rằng phía sau đám cỏ nước rậm rạp kia có thể có một khe đá.
Đám cỏ nước!
Na Lan trườn lên, cô vẫy ba người bạn. Cô rút con dao nhỏ cắt từng búi từng búi cỏ nước. Các cọng cỏ trôi khắp nơi, dập dờn bên cạnh mọi người. Ba người bạn cũng rút dao cùng cô "diệt cỏ".
Họ nhanh chóng hiểu ra ý định của cô.
Cỏ nước đã bị cắt nhổ hết, vách đá lộ ra một khe nứt hẹp nhưng vẫn đủ cho một người lách vào.
Bốn người nhìn nhau, đầy hiếu kỳ và mong đợi nhưng không biết tiếp theo nên làm gì. Tất nhiên là vào hang. Nhưng "ưu tiên" phụ nữ, hay nam nhi nên dẫn đầu vào chốn có thể có hiểm nguy này?
Bế Tiểu Châu vỗ vai Na Lan rồi lại chỉ vào mình.. Na Lan gật đầu, hiểu ý: anh ta muốn vào trước, cô theo sau.
Bốn người lần lượt tiến vào.
Khe đá rất hẹp, rất bí, hai bên vẫn có cỏ nước bò lan tua tủa, lại rất dễ bị cộc đầu vào các mỏm đá nhấp nhô nhọn hoắt. Khi vào sâu chừng chục mét mới dần rộng ra, và cũng dần lên cao. Na Lan có cảm giác quen quen thì phải, ở đây như tái hiện cái khung cảnh buổi tối mà cô bám theo Tần Hoài hồi nọ. Đương nhiên đây không phải cái hang động dưới nước mà Tần Hoài và Quảng Diệc Tuệ phát hiện ra và "sở hữu" nó, vì cô còn nhớ rất roc ở đó không có cỏ nước che chắn, lại là nơi Tần Hoài thường xuyên ra vào ên có nhiều dấu hiệu do bàn tay con người tác dộng sửa sang.
Nhưng sự giống nhau của hai nơi vẫn khiến cô kinh ngạc: lối vào rất hẹp địa thế dần lên cao, và cả khi hết lối lên thì phần nóc cũng y hệt nhau, có một phiến đá nhẵn bóng. Có điều, gần đây mực nước hồ Chiêu Dương lên cao, khi cô lên đến đỉnh thì vẫn ngập trong nước, chứ không như cái lối lên của hang Tần Hoài, có thể thò đầu lên. Khác với các hồ nước ngọt khác, mực nước hồ Chiêu Dương lên xuống rất rõ rệt. Nguyên nhân mực nước thay đổi là gì, các nhà khoa học chưa nhất trí. Thường có hai cách lý giải: một là, hồ Chiêu Dương thông với sông Thanh An, mực nước sông Thanh An lên xuống theo mùa, sẽ ảnh hưởng đến mực nước hồ. Hai là, vì đáy hồ có rất nhiều hang hốc, phía dưới hang lại có dòng chảy ngầm, dòng chảy ngầm biến đổi cũng ảnh hưởng đến mực nước hồ.
Na Lan sờ lên nóc thăm dò, rồi ra hiệu cho Giải Quýnh đến. Cả hai cùng vần, đẩy, nâng, cuối cùng phiến đá đã bị đẩy ra, phía trên là một cửa hang hình tròn.
Thuận theo dòng nước, cô nhoài lên, chui vào hang động.
Cả ba người bạn cũng lần lượt vào, rồi đứng lên. Nước ngập đến thắt lưng.
Đèn rọi khắp lượt, hang động trống không. Na Lan vẫn kinh ngạc vì hình như khoảng không gian này và cái hang của Tần Hoài, nằm ở hai phía của đảo, là do con người cố ý đục đẽo tạo nên hai nơi giống nhau.
Bế Tiểu Châu ngạc nhiên: "Bạn đã từng vào đây à?"
Na Lan đáp: "Tôi lần đầu tiên vào đây, nếu nói dối bạn, tôi là đồ con lợn"
Giải Quýnh cười: "Mỹ nhân trư à?" Anh ta lại trầm trồ: "ở đây rộng thật, một hôm nào đó bơi lội xong, có thể đem bia và đồ nhắm vào đây nhấm nháp thì sướng mê!"
Lưu Lợi Long: "Nếu có thể vác cái bàn bi-a vào đây chơi thì càng hay!"
Bế Tiểu Châu : "Các cậu chỉ giỏi tính chuyện nhậu nhẹt ăn chơi thôi! Nhưng dù sao chuyến đi này của chúng ta cũng không vô ích, đã phát hiện ra một sân chơi đa năng, chỉ hiềm ở đây trống trơn không có gì hết. Ta đi thôi!"
"Khoan đã" Na Lan bước lên phía trước. Nếu cấu tạo nơi này giống như hang kỷ niệm Diệc Tuệ của Tần Hoài thì địa thế sẽ lên cao dần, hơi có vẻ bằng phẳng và đi sâu vào trung tâm hòn đảo. Cả bốn người bèn bì bõm lội nước một quãng. Đúng thế, địa thế cơ bản bằng phẳng nhưng hơi dốc lên cao. Cuối cùng họ đi hết cái hang. Lúc này nước chỉ ngập đến đầu gối. Na Lan soi đèn vào các vách hang. "Các bạn nhìn kỹ đi, hình như vách hang không hoàn toàn do thiên nhiên tạo nên" Cô bước lên chỉ vào vài chỗ trên vách đá "Ví dụ ở đây, hình như bị tách ra khá phẳng phiu, chỗ này thì lại có mỏm đá dài dài nhô ra như cây gậy nhẵn nhụi, hiếm khi có đá tự nhiên hình thù như thế này"
Bế Tiểu Châu cũng bước lại gần nhìn kỹ, gật đầu nói: "Có lý!" Rồi anh ta cúi xuống nhặt một mẩu đá lên, soi đèn quan sát, nói : "Bên dưới toàn là đá vụn... không thể nói đây là vách đá tự nhiên nứt ra, tôi nghĩ đây là các vụn đá rơi ra khi đục đẽo, họ chưa dọn sạch"
Giải Quýnh không hiểu Na Lan đang nghĩ gì, hỏi: "Giả sử đúng là có người bỏ công sức ra đục thành một trung tâm giải trí dưới nước, thì có thể nói lên điều gì?"
Na Lan: "Trước hết, nên thấy rằng chỗ này ở trên mực nước hồ, không phải dưới nước, và càng không phải trung tâm giải trí gì cả..."
Giải Quýnh lầu bầu: "Vẫn cố cãi"
"Tôi đoán rằng có người đã đào hang từ đáy nước thông lên mực nước hồ, chứng tỏ họ có tiềm lực. hai là, họ muốn cất giấu đồ quý gì đó nhưng không muốn bị ngập nước. Chẳng ai muốn báu vật của mình bị ngâm nước đúng không?' Na Lan vừa nói vừa rọi đèn khắp vách đá.
Giải QUÝNH đã hiểu ra: "ý bạn là... Bá Nhan giấu của, rất có thể là ở đây!" Nhưng anh ta lại ngẩng lên quan sát, rồi lắc đầu "Không thể, thứ đáng tiền nhất ở đây lúc này là mấy người thế hệ 8X chúng ta. Toàn là đá vụn, chứ không có gì khác
Giair Quýnh nhắc đến chữ "đá" đã gợi mở cho Na Lan !
Ánh đèn không rọi lên vách đá nữa soi trở lại mỏm đá "dài dài nhô ra như cây gậy" vừa nãy nhắc đến. Hình như cũng có nét quen quen?
Long tu nham?
Cái thỏi "long tu"(râu rồng) này không nhô ngang ra, mà lại hơi chếch xuống dưới.
Na Lan tiếp tục soi đèn quan sát, ánh đèn dừng lại một một mảng đá hơi lồi ra ở chỗ cao bên trên. Ánh đèn LED soi rõ màu nâu vàng. Mảng đá nhô ra ấy khá giống con gà hoặc con chim lớn.
Là Phượng Nghi Thạch?
Là gà hay chim cũng mặc, vấn đề là nó "mổ" chếch xuống dưới
"Long tu" và "cái mỏ" từ hai góc khác nhau cùng chỉ về một hướng, là một bên vách hang, chỗ cao ngang ngực con người.
Chỗ vách hang ấy không nhẵn nhụi, cũng không có ký hiệu gì, thoạt nhìn chẳng thấy gì lạ. Na Lan chiếu đèn lên, bước đến gần, thì nhận ra màu đá ở đó hơi đậm nhạt khác nhau, có thể thấy một khe rất mảnh, xung quanh khe có màu sẫm hơn, tựa như vết xi măng gắn các mảnh đá lại với nhau.
Na Lan ngoảnh lại nói với Giải Quýnh: "Đưa tôi mượn cái búa"
Một tay cầm búa gõ đập, tay kia áp vào vách, cô cảm nhận được âm thanh bồm bộp chứng tỏ bên trong vách đá có khoảng trống.
Cô trả lại búa cho Giải Quýnh, nói: "Bây giờ là lúc anh thể hiện kỹ năng thổ mộc, chứ tôi không dám múa rìu qua mắt thợ!"
Giải Quýnh hiểu ngay, anh giơ búa phang thật lực. Búa tuy không nặng nhưng vết nứt vẫn hiện ra. Sau một hồi đập phá, cả đống đá vụn rơi xuống chân, họ nhìn thấy một gian mật thất.
Tim Giải Quýnh đập như máy, anh vừa kết thúc vận động đập đá chỉ là chuyện bình thường với anh, nhưng ba người còn lại tim cũng đập không kém.
Trong mật thất hõm sâu vào vách đá có một cái hòm lớn, màu đen xỉn. Nhìn kỹ thấy nó còn có các hoa văn ánh vàng. Trên mặt hòm đặt một cái thuyền nhỏ bằng ngọc, dài khoảng 40cm, trên thuyền có một ông lão đánh cá cũng bằng ngọc, đầu đội mũ lá, khoác áo tơi, và một chiếc "cần câu trúc" chĩa ra ngoài thuyền.
Cần câu không mắc dây câu.
Chất liệu dùng để chạm trổ con thuyền là ngọc thạch trong suốt, thực không phải hạng tầm thường, kỹ thuật chạm trổ đương nhiên tinh xảo tuyệt đỉnh.
Giải Quýnh cầm búa gõ nhẹ vào cái hòm đen, tiếng kin loại vang lên.
Anh ngoảnh lại nói với ba người bạn đang trố mắt há miệng: "Đêm nay chúng ta sẽ không ngủ nghê gì hết!"