Chương 9

Hòa lé lại vùng lên.

Sau một thời gian "bại liệt", nó bắt đầu gượng dậy và tập tễnh đi tiếp con đường tình dang dở. Nó có vẻ quyết tâm thực hiện lời hứa "trường kỳ" của mình.

Nhưng lần này, Hòa rút kinh nghiệm. Nó không dám sử dụng tia phóng xạ của đôi mắt nó vào mục đích tình cảm nữa. Nó xài vũ khí cao cấp hơn: âm nhạc!

Ngay từ năm lớp mười, với chất giọng trầm ấm, mượt mà, Hòa đã là giọng ca vàng và là niềm tự hào của lớp tôi trong những cuộc thi văn nghệ toàn trường. Năm nay, lại thêm Gia Khanh hát cặp với nó. Thật hạnh phúc hết biết!

Thoạt đầu, khi xây dựng hoạt cảnh "Trầu Cau" chuẩn bị tham gia liên hoan văn nghệ tất niên của các khối lớp, ban văn nghệ lớp tôi định "kéo" Gia Khanh vào để làm... king. Không đứa nào biết Gia Khanh hát hò ra sao nhưng thằng Châu, trưởng ban văn nghệ kiêm đánh trống, cứ nằng nặc đòi phải "chiêu mộ" cho bằng được Gia Khanh. Theo nó, Gia Khanh không cần hát. Chỉ cần Gia Khanh đứng trên sân khấu và mấp máy môi theo những đứa khác là đạt yêu cầu "biểu diễn" rồi.

Châu là chúa ba hoa. Nghe nó lý luận một hồi, mấy đứa kia bùi tai nghe theo liền. Hòa lé thì đồng ý ngay từ đầu. Nó còn tán thêm:

- Hễ Gia Khanh xuất hiện, sân khấu nó "sáng" liền! Tiết mục của mình đoạt giải là cái chắc!

Khi mời Gia Khanh tham gia, dự định của ban văn nghệ là như vậy. Không ngờ lúc tập dượt, Gia Khanh mới hát thử vài câu, cả đám đứng chết sững.

Hóa ra Gia Khanh hát hay tuyệt vời.

Giọng nó trong trẻo, mềm mại và truyền cảm đến mức sau này nhà thơ Ngu Kha phải làm tổng cộng đến mười bài lục bát và sáu bài tứ tuyệt để ca ngợi mà vẫn cảm thấy "không lột tả hết" như tác giả bất lực thú nhận.

Thằng Châu thì chẳng cần thơ thẩn gì. Vừa nghe Gia Khanh thử giọng một, hai câu, nó rùng mình nức nở khen:

- Thật bất ngờ! Đây là tiếng hát vượt... bức tường âm thanh!

Tiếp đó, ban văn nghệ xúm vào, mỗi người khen một câu.

Riêng Hòa lé chẳng bình luận gì. Nó ngồi im trên bục gỗ lặng lẽ cười ruồi. Chỉ có đôi mắt nó là long lanh tinh quái. Chắc nó hiểu: dịp may đã đến!

Kể từ lúc đó Hòa lĩnh xướng bên nam, Gia Khanh lĩnh xướng bên nữ. Và cả hai bao giờ cũng đứng cặp với nhau trong những tiết mục song ca.

Khách quan mà nói, đó là đôi song ca sáng giá nhất trường. Từ khi đứng chung với nhau, Hòa và Gia Khanh đem về cho lớp hết giải thưởng này đến giải thưởng khác.

Thành công vang dội đó khiến cho hầu hết thành viên của lớp nở mày nở mặt. Dĩ nhiên, bên cạnh đa số hân hoan vẫn lấp ló những khuôn mặt ỉu xìu như bánh đa nhúng nước. Như nhà thơ Ngu Kha chẳng hạn.

Xem Hòa và Gia Khanh biểu diễn trên sân khấu, Ngữ hừ mũi bình luận:

- Thằng Hòa nó cà giựt cứ y như khỉ mắc phong!

Thấy Hòa đứng sát rạt Gia Khanh, tôi bực bội không thua gì Ngữ, liền cay cú đế thêm:

- Nó còn đụng cả vào tay Gia Khanh nữa kìa!

Như lửa được đổ thêm dầu, Ngữ sầm mặt rít qua kẽ răng:

- Đồ ma giáo!

Một lát, tôi lại kêu lên:

- Trời, coi cặp mắt nó kìa! Hát không lo hát, nó cứ liếc Gia Khanh hoài!

Ngữ lại cau mặt:

- Đồ... đồ... lé kim!

Hòa không biết tôi và Ngữ đang thi nhau chửi nó. Nó lại nhoẻn miệng cười duyên và nghiêng đầu về phía Gia Khanh một cách tình tứ. Tôi vội bấm Ngữ:

- Trời ơi, coi nó ngả ngớn chưa kìa!

Ngữ nghiến răng và thu nắm tay lại. Nhưng lần này không tìm ra từ ngữ cay độc nào để gán cho Hòa, Ngữ cứ cà lăm:

- Đồ... đồ... đồ...

Ngữ cứ "đồ" hoài khiến tôi sốt cả ruột. Mãi một lúc lâu, Ngữ mới xổ được nỗi ấm ức:

- Đồ... xướng ca vô loài!

Tôi giật mình liếc Ngữ:

- Quan niệm đó cổ lỗ rồi mày!

Ngữ nhún vai:

- Cổ lỗ nhưng áp dụng vào trường hợp thằng Hòa thì đúng chóc! Nó lợi dụng chuyện hát hỏng để tán tỉnh em Gia Khanh. Nó làm vẩn đục sự thánh thiện của âm nhạc. Tao phải... móc mắt nó!

Tôi tái mặt:

- Giỡn chơi mày!

Thấy tôi hốt hoảng, Ngữ nhe răng cười:

- Thì giỡn chơi chứ sao! Tao không móc mắt, nhưng tao sẽ "ngáng chân" nó. Rồi mày coi, nó sẽ ngã nhào!

Tôi thở phào. Ngữ không đòi móc mắt Hòa, tôi cảm thấy yên tâm. Ngữ dọa "ngáng chân" Hòa, tôi lại càng phấn khởi.

Từ ngày được thượng đế sắp xếp đứng cạnh Gia Khanh, Hòa bắt đầu sửa tướng. Ra sân khấu, nó làm điệu hết biết. Mỗi lần nhìn nó õng a õng ẹo, tôi thấy xốn con mắt quá chừng. Đã vậy, mặt nó lúc nào cũng nhơn nhơn tự đắc, làm như trái tim của Gia Khanh đã ở sẵn trong túi nó vậy. Đang bực mình, chưa nghĩ ra cách nào để "hại" thằng Hòa bỗng nghe Ngữ xung phong đòi "phá đám", tôi ủng hộ liền. Mặc dù suy cho cùng, Ngữ cũng chẳng tốt lành gì hơn Hòa. Nó trách Hòa dùng lời ca tiếng hát để phục vụ cho những ý đồ "hắc ám" trong khi nó lén lút sử dụng thi ca vào những mục đích cũng "hắc ám" không kém. Nhưng tôi không buồn thắc mắc, vặn vẹo. Trước nguy cơ đang đến từ âm nhạc, tôi cần phải chung lưng đấu cật với Ngữ. Tôi nói:

- Ừ, mày ngáng chân nó đi!

Ngữ gật gù:

- Tao sẽ ngáng.

Tôi không nén được tò mò:

- Mày ngáng bằng cách nào?

Ngữ liếm môi:

- Cách nào à? Hừm, dĩ nhiên là bằng... thơ.

Tôi há hốc miệng:

- Thơ?

- Thì thơ chứ sao! Đó là vũ khí sở trường của tao mà!

Tôi vẫn chưa hết ngạc nhiên:

- Nhưng thơ làm sao "ngáng" được?

Ngữ khoát tay:

- Được tuốt!

- Được tuốt?

- Ừ. Tao sẽ làm thơ, ký tên Ngu Kha.

Tôi thất vọng ra mặt:

- Hừ! Tưởng sao! Thì trước nay mày vẫn đăng thơ của Ngu Kha vậy!

Ngữ tặc lưỡi:

- Mày ngốc quá! Thơ đó thì ăn thua gì! Muốn "ngáng chân" thằng Hòa, tao phải đăng những bài thơ tình thống thiết của Ngu Kha. Trước nay Ngu Kha sợ bạn bè bắt thóp nên chỉ dám "công bố" những bài thơ về tình bạn, tình thầy trò hoặc những bài tả cảnh vớ vẩn. Lần này Ngu Kha sẽ xuất hiện với gương mặt tình yêu.

- Mày không sợ tụi kia biết?

Ngữ khịt mũi:

- Mặc tụi nó! Tình thế đã đến nước này, tao đành phải liều. Hơn nữa, em Gia Khanh đã biết Ngu Kha là tao, tao không thể câm miệng hến mãi.

Tôi nhìn Ngữ, băn khoăn:

- Nhưng liệu những bài thơ của mày có ngáng cẳng được thằng Hòa không?

Ngữ trợn mắt:

- Đừng đụng chạm đến tự ái anh em, mày! Chẳng lẽ một nhà thơ như tao lại không có sức thu hút hơn thằng Hòa lé! Chắc chắn khi đọc được những vần thơ tỏ tình ướt át của tao, em Gia Khanh sẽ bỏ mặt thằng Hòa đứng lẻ loi một mình trên sân khấu. Em sẽ chạy bổ về phía tao và thổn thức kêu lên "hỡi hoàng tử của lòng em, anh chính là người mà em tìm kiếm bấy lâu nay...". Sau đó em sẽ âu yếm ngã vào...

Giọng Ngữ nửa đùa nửa thật. Ngôn ngữ của nó hồ quảng pha cải lương. Nhưng dù nó đùa hay thật, lòng tôi vẫn thấy nhói đau. Trước đây, thấy Hòa cặp kè với Gia Khanh, tôi rầu đứt ruột. Vì vậy, khi Ngữ tuyên bố "ngáng cẳng" Hòa, tôi liền hăng hái a dua theo. Lúc đó tôi không kịp nghĩ đến những diễn biến quỷ quái tiếp theo. Chứ nếu biết Ngữ định đẩy Hòa ra khỏi trái tim Gia Khanh để nhảy vô giành vị trí béo bở đó, còn tôi thì nó "bố trí" cho đứng bên ngoài... vỗ tay lược trận, thì tôi đâu về hùa với nó làm gì. Càng nghĩ càng tức, không đợi cho Ngữ ba hoa hết câu, tôi cà khịa liền:

- Mày bảo mày ngáng cẳng thằng Hòa, sao Gia Khanh lại ngã? Hay là mày ngáng lộn?

Ngữ không ngờ tôi kê tủ đứng vào miệng nó. Nó cụt hứng, quắc mắt sẵng giọng:

- Chơi trò gì dễ xa nhau vậy mày? Hay mày là gián điệp của thằng Hòa?

Tôi bĩu môi:

- Bậy! Tao mà thèm về phe với nó!

Mặt Ngữ dãn ra. Nó lấy lại vẻ tươi tỉnh, hỏi:

- Vậy là mày luôn luôn đứng về phía tao chứ gì?

Tôi gật đầu:

- Ừ.

Tôi "ừ" xạo mà Ngữ đâu có biết. Nó lại hỏi:

- Mày phe tao sao còn "chơi" tao?

- "Chơi" gì đâu?

- Khi nãy đó. Tao đang thao thao bất tuyệt, mày nhảy vô miệng tao mày ngồi... chồm hổm. Mày làm tan vỡ giấc mơ đẹp của tao.

Thấy Ngữ chưa hết giận dỗi, tôi cười cười hạ giọng:

- Tao xin lỗi mày. Khi nãy tao giỡn.

Ngữ nghiêm giọng:

- Lần sau không được giỡn như vậy nữa nghen! Cùng phe mà giỡn kiểu gì nghe muốn... tăng huyết áp!

Tội nghiệp thằng Ngữ, nó cứ tưởng tôi là đồng minh của nó. Nó đâu có biết tôi chẳng đứng về phe Hòa, cũng chẳng đứng về phe nó. Tôi chỉ đứng về phe... tôi.

Từ lâu tôi đã lén lút cởi áo cà sa. Tôi đã thôi lần tràng hạt. Tôi chẳng buồn qua Tây phương thỉnh kinh nữa. Nói tóm lại, tôi chán làm phật. Làm phật, suốt ngày ngồi xếp bằng một mình trên tòa sen, buồn chết được. Dạo này, tôi thích nghĩ ngợi vẩn vơ hơn.

Những ngày gần đây, Gia Khanh thường len lỏi vào giấc mơ tôi. Tôi không biết nó lẻn vào bằng cách nào, nhưng hễ chợp mắt là tôi thấy nó. Đây là lần thứ hai tôi mơ thấy "kẻ thù" của tôi. Lần trước là nhỏ Hồng. Nhưng nhỏ Hồng chỉ xuất hiện trong giấc mơ tôi có mỗi một lần. Còn Gia Khanh thì lui tới thường xuyên như... đi chợ.

Tất cả những giấc mơ về Gia Khanh đều là những giấc mơ đẹp. Khác với vẻ hung hăng của nhỏ Hồng, Gia Khanh đến với tôi đằm thắm và dịu dàng. Nó không mang theo bờm sư tử và những chiếc nanh nhọn. Nó cũng không tỏ vẻ gì muốn ngoạm đứt đầu tôi. Nó chỉ mỉm cười thân thiện:

- Khoa cho Gia Khanh mượn cây thước kẻ chút nghen.

Gia Khanh làm tôi ngạc nhiên quá chừng. Tôi tròn mắt:

- Gia Khanh có thước rồi mà?

Gia Khanh gật đầu:

- Ừ. Nhưng Gia Khanh thích kẻ bằng thước của Khoa hơn.

Tôi đoán mò:

- Thước của Gia Khanh bị cong hả?

- Sao Khoa biết? - Gia Khanh chớp mắt nhìn tôi.

Tôi liếm môi:

- Khoa chỉ đoán vậy thôi!

- Khoa giỏi ghê!

Vừa nói, Gia Khanh vừa cười chúm chím. Còn tôi thì mặt mày đỏ ửng. Nhưng tôi mặc kệ. Khi sung sướng ai mà chẳng đỏ mặt.

Nhưng cây thước dễ ghét của Gia Khanh chỉ cong trong giấc mơ. Sáng ra, nó thẳng trở lại. Vì vậy đến lớp, Gia Khanh đâu có buồn quay xuống mượn thước tôi.

Bởi những lẽ đó mà tôi thích gặp Gia Khanh trong giấc mơ hơn. Trong những giấc mơ ma mãnh của tôi, thước của nó bao giờ cũng cong, gôm của nó bao giờ cũng mất. Và tôi được dịp phơi bày lòng hào hiệp. Tiếc rằng trên thực tế, người ta ít đầu tư vào việc sản xuất những cây thước phế phẩm và bọn học trò chúng tôi lại tỏ ra đứng đắn quá đáng khi không chịu đánh cắp những cục gôm của nhau.

Tất nhiên tôi không hài lòng hoàn toàn về những chi tiết trong giấc mơ. Chẳng hạn, Gia Khanh không bao giờ xuất hiện một mình. Lúc thì nó đi với Hòa lé, lúc thì nó đi với thằng Ngữ. Dĩ nhiên, Gia Khanh không đi chung với hai tên si tình kia. Gia Khanh đi trước cả mấy chục thước, Hòa lẽo đẽo theo sau. Mắt nó chiếu hào quang như đèn pha xe hơi, sáng trưng cả... dương gian, địa phủ. Nhà thơ Ngu Kha cũng chẳng hơn gì. Khi Gia Khanh trò chuyện với tôi, nó đứng lấp ló tít đằng xa, mồm lẩm nhẩm đọc thơ.

Tôi không nghe rõ những lời thì thầm tha thiết của Ngữ nhưng tôi đoán nó đang đọc bài thơ "Chùa Hương" của Nguyễn Nhược Pháp. Hẳn là Ngữ đang rên rỉ: "Em đi, chàng theo sau. Em không dám đi mau. Sợ chàng chê hấp tấp. Số gian nan không giàu". Đó là đoạn thơ ưa thích của Ngữ và được nó đem ra sử dụng thường xuyên. Bao giờ cũng vậy, hễ tò tò đi sau lưng tụi con gái (tất nhiên trong trường hợp vắng mặt nhỏ Hồng) là Ngữ gân cổ rống lên bốn câu ác liệt đó.

Mọi khi, thấy Ngữ đọc thơ, đọc vè chọc tụi con gái, tôi thường mỉm cười a dua với nó. Nhưng lần này, mặt tôi cau lại. Không những tôi cười không nổi mà tôi còn muốn nhặt đá ném cho nó một phát bể đầu chơi. Nhưng tôi không tài nào tìm được lấy một viên đá nhỏ, thậm chí ngay cả một hạt bụi cũng không. Trong giấc mơ tôi, chỉ lung linh một đóa hồng tươi thắm: đóa hồng đến từ một xứ sở xa xôi.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện