Chương 18
Vượt qua Bích sơn đi vào miền trung nước Trần.
Chúng tôi từ bỏ ý định đi qua nước Khương, quyết định từ phía đông nước Trần vòng qua nước Triệu đến nước Trịnh để đánh lạc hướng Mộ Nghi và toán hộ vệ áo đen, cuối cùng thành công.
Suốt dọc đường bôn ba như vậy vốn rất mệt mỏi, nhưng do đi cùng Mộ Ngôn tôi chẳng thấy mệt chút nào. Trong thâm tâm tôi còn mong hành trình dài hơn chút nữa, nhưng không có Tiểu Hoàng vướng chân, nguyện vọng đó không dễ thực hiện, tôi cũng cố tình dềnh dàng nhưng vẫn nhanh chóng đến biên giới hai nước Trịnh, Triệu.
Trăng treo giữa trời tỏa sắc vàng óng ánh, chúng tôi tìm một lữ quán, ai về phòng nấy ngủ. Tôi nằm trên giường vừa tính lộ trình đến thành Tứ Phương nước Trịnh, vừa âm thầm nhớ Tiểu Hoàng, trong lòng hơi oán thán, tại sao họa hoằn mới có lần cần đến nó thì nó lại không có mặt, đúng là một con hổ đáng ghét.
Sáng sớm hôm sau, rửa mặt súc miệng xong xuôi, xuống lầu ăn sáng đã thấy Mộ Ngôn đợi ở phòng lớn lữ quán. Chàng đã thay áo chùng gấm màu lam óng ánh, trong ánh sáng buổi sớm trong như ngọc bích, toàn thân chàng như phủ màn khói lam mờ. Tôi dừng chân thầm nghĩ, trên đời có lẽ không ai hợp với màu lam hơn chàng, ai dám mặc màu lam trước mặt chàng là tự biến mình thành kệch cỡm.
Lại nghĩ, lần sau gặp Quân Vỹ nhất định phải khuyên anh ta nên kiên trì màu trắng hiệp sỹ, không nên thấy màu lam không dễ bắt bụi mà chuyển sang mặc màu lam. Ngắm nhìn lam y trên người Mộ Ngôn, lại nhìn lam y trên người Quân Vỹ, e sẽ thấy ngay sự khác biệt.
Nghĩ xong đi tiếp xuống lầu, nhân tiện chỉnh lại cái váy, ngẩng đầu nhìn thấy Mộ Ngôn vốn đang nghiêng đầu nhìn ra cửa sổ, không biết từ lúc nào đã chuyển sang nhìn tôi, khi ánh mắt gặp nhau, chàng mỉm cười với tôi, hậu quả trực tiếp là tôi ngã lăn xuống cầu thang.
Cho dù Mộ Ngôn thân thủ phi phàm, lần này cũng không giải cứu thành công, bởi vì không phải là khoảng cách từ tầng bảy xuống tầng một, chỉ là từ bậc cầu thang thứ bảy xuống mặt đất, khoảng cách của tôi với mặt đất quá gần, trong khi khoảng cách với chàng lại quá xa, ấy là chưa nói giữa đường còn có những vật cản như bàn ghế.m
Điều đáng buồn là trong khoảnh khắc tiếp đất nhanh như tia chớp, đầu tôi đang nghĩ liệu cái váy có bị lấm bẩn, nhưng trong họa có phúc, trong đầu lóe lên ý nghĩ, cú ngã này hóa ra lại tốt, tôi sẽ có lý do giả bệnh, nấn ná ở lại thị trấn nhỏ vùng biên này là có thể, là có thể ở bên Mộ Ngôn lâu hơn nữa.
Chỉ bực từ trước không nghĩ ra biện pháp tự lực cánh sinh như vậy, một lòng gửi gắm hy vọng vào Tiểu Hoàng cách xa nghìn vạn dặm không biết giờ đang làm gì. Nhưng giả bộ đau đớn cũng không đơn giản, bởi vì bây giờ tôi đã không còn cảm giác đau đớn thể xác nữa, chỉ cố nhớ lại cảm giác ngày xưa, đang nghĩ như vậy thì bị Mộ Ngôn nâng dậy: "Đi cầu thang cũng ngã, cô bao nhiêu tuổi rồi?".
Tôi giả bộ xuýt xoa rên rỉ, tỏ ra mình rất đau.
Chàng cau mày điều chỉnh tư thế ôm tôi: "Đau ở đâu?".
Tôi khổ não nhìn chàng: "Chỗ nào cũng đau".
Chàng dừng lại: "Vậy phải đến y quán gặp đại phu".
Tôi hốt hoảng, thầm nghĩ trò đùa này hơi quá rồi, vội vã vùng khỏi lòng chàng, cười cười: "Chẳng đau ở đâu hết, không đi y quán, tôi đùa huynh đấy".
Chàng nhìn tôi không chớp mắt.
Tôi lau mồ hôi trên trán, vẫn cười cười: "Đến y quán thì to chuyện quá, huynh xem, tôi rất khỏe, đùa huynh tí thôi, hồi nhỏ tôi ngã liên tục, quen rồi, chẳng đau tẹo nào".
Chàng cau mày: "Thật không?".
Tôi gật lia lịa: "Thật".
Chàng vẫn cau mày, "Lúc nhỏ là thời kỳ cơ thể phát triển, nếu bị trật xương sau này sẽ rất phiền phức".
Tôi trả lời: "Tôi mười bảy rồi".
Chàng mỉm cười bất lực, lát sau đã chuyển chủ đề: "Không sao thì tốt, đi ăn sáng thôi". Mới bước hai bước lại hỏi: "A Phất, bữa sáng cô muốn ăn gì?".
Cuối cùng Mộ Ngôn không đưa tôi đến y quán khám bệnh, nhưng tôi vẫn phấp phỏng, mặc dù tỏ ra hùng hổ mạnh mẽ, nhưng lúc bước đi quả thật cũng hơi tập tễnh, có điều nếu không tỏ ra hùng hổ mạnh mẽ sẽ bị đưa đến y quán, sau đó bị phát hiện là một người chết, rồi bị đưa đến một cơ quan nghiên cứu những sinh vật kỳ lạ thì phiền phức to.
Có lẽ tôi nhảy nhót quá mạnh, cứ như hồi quang phản chiếu ấy, Mộ Ngôn càng cho là tôi cần nghỉ ngơi, quyết định lưu lại một đêm ở thị trấn vùng biên này.
Thị trấn rất sầm uất, bán đủ thứ, có đồ chơi hình thiếu nữ bằng lông vũ, kết tóc kiểu như ý, có cả một chiếc khăn quàng nghe nói là của một người đàn ông phong lưu rất điển trai nào đó qua đời đã lâu, còn có cả bạch trùng tử phơi khô, đặc sản của nước Triệu, nghe nói đem pha nước uống có thể chữa được bệnh tương tư.
Tôi rất hứng thú với bạch trùng tử đó, thầm nghĩ nếu đúng có công hiệu như vậy, có thể mua một ít nghiền nhỏ cho vào thức ăn của Mộ Ngôn, để chàng quên Tử Yên cô nương, để làm lại từ đầu.
Nhưng hỏi thăm tiểu nhị, phát hiện cái đó chỉ có thể pha nước uống, không thể đem một con bạch trùng tử đó pha nước, đổ vào bát cơm của Mộ Ngôn và nói với chàng: "Nào, cho huynh ăn món này, huynh xem, hình như trùng tử này... thực ra nó đúng là trùng tử, nhưng không phải là trùng tử thường...".
Có lẽ tôi còn chưa nói hết, chàng đã đổ sạch cơm, như vậy e quá lãng phí.
Người biên giới rất giỏi nấu rượu, bữa trưa dùng rượu hoa mai pha tuyết, vẫn là Mộ Ngôn trả tiền, sau đó được chàng dẫn đi nghe kể chuyện ở một trà quán rất trang nhã gần khu chợ. Chúng tôi không đi dạo phố nữa.
Tôi còn nhớ Quân Vỹ có một quan điểm, anh ta cho là, đàn ông hầu hết đều không thích đưa các cô gái đi chơi, bởi vì nếu cô gái thích thứ gì nhất định đàn ông phải trả tiền, đàn ông chẳng qua chỉ là cái túi tiền mà thôi, còn giả sử cô gái không thích gì... điều này không bao giờ xảy ra, quả thực không bao giờ xảy ra. Đương nhiên quan điểm hẹp hòi đó không thể áp dụng đối với tôi và Mộ Ngôn, chúng tôi đến trà quán nghe kể chuyện chỉ là do lúc đó bên ngoài đang là nắng tháng sáu, bỏng rát đầu.
Trong quán trà không còn chỗ trống, đành phải ngồi ké với một người khách ở chân cầu thang, Mộ Ngôn rút trong ống tay áo một cái quạt gấp, xòe ra đủ mười hai nan, quạt phe phảy, hơi gió mát thoảng qua mặt. Lão tiên sinh kể chuyện ngồi ngay ngắn đang kể đến một trường đoạn rất thê lương: "Mười lăm tháng năm là một đêm trăng, nhị công tử Tô Tạ nghe nội giám truyền mật báo, nói: "Trần hầu vương bệnh trọng đã lâu, hiện đã trút hơi thở cuối cùng, lúc tạ thế chỉ có tể tướng Doãn Từ phục hầu trước long sàng, nửa khắc trước, Doãn Từ đã sai tâm phúc đi đón thế tử Tô Dự đang ở cách xa tám trăm dặm về cung kế thừa vương vị, nhị công tử nếu muốn khởi sự, đêm nay là thời cơ tốt nhất, nếu để thế tử trở về, cục diện khó bề vãn hồi". Tô Tạ bao năm khổ công chính là chờ đợi ngày này, phụ hoàng đã cưỡi hạc tây quy, huynh trưởng kế vị đang bị trọng thương, lang thang cách cả gần ngàn dặm chưa về, thời cơ thuận lợi hiếm có. Vậy là, đêm đó Tô Tạ khởi sự bức cung, thế mạnh như chẻ tre, chém giết, xông thẳng vào vương cung, vệ úy Quang Lộc Huân trở giáo đầu hàng, Hạo thành bị đốt, lửa ngùn ngụt sáng rực suốt bảy chục dặm, cả vương đô mù mịt mùi khói lẫn mùi máu tanh. Trong vụ chính biến ở vương cung, do thế tử kế vị vắng mặt, ai cũng tưởng đại cục đã định, người kế vị Trần hầu vương đương nhiên là nhị công tử Tô Tạ. Nhưng sự đời thay đổi khó lường, khi Tô Tạ còn chưa kịp tra thanh bảo kiếm dính máu vào bao, cánh cổng vương cung đóng chặt đột nhiên từ từ mở ra...".
Tôi nói: "Cánh cổng đó nhất định là nhiều năm không bảo dưỡng". Vừa dứt lời, hoảng hốt nhận ra lão tiên sinh đã rất mệt mỏi đang uống nước lấy lại sức, trong khi mọi người xung quanh vẫn ngồi im phăng phắc, đắm chìm trong bầu không khí căng thẳng của cuộc binh biến trong cung, cả lầu hai trà quán im lặng rất lâu, lời nói của tôi nghe rõ mồn một.
Mộ Ngôn phe phẩy quạt, trong mắt hơi cười cười, nhưng không nói gì. Tôi lè lưỡi, cúi mặt xuống bàn, chấp nhận những ánh mắt bất bình của mọi người.
Bên ngoài, nắng vẫn gay gắt, lá liễu mỏng manh bị nắng đốt khô vàng, cong queo, tiếng ve trong tán lá dày khàn đặc như kiệt sức. Lão tiên sinh uống nước xong, tiếp tục kể: "Nghe đồn, Trần thế tử Tô Dự có một đội quân riêng gồm ba trăm thiết vệ, mỗi người là một thanh lợi kiếm vô cùng lợi hại, trở thành đội kỵ binh dũng mãnh không gì ngăn được. Trước đó, chuyện về đội quân bí mật của thế tử Tô Dự đa phần chỉ là đồn đại, nhưng chính lúc nhị công tử Tô Tạ tạo biến, đại cục sắp ổn định, từ phía sau cổng cung mở rộng, ba trăm thiết vệ cưỡi ngựa vó bọc sắt lần đầu xuất hiện. Từ dưới vó sắt của đội kỵ binh quét ra một đường máu thảm đạm, từ cổng chính đồ sộ màu nhạt của vương cung, một con hắc mã chân đạp tuyết thong thả đi vào, thế tử Tô Dự vốn tưởng đang ở cách vạn dặm lại đường hoàng cưỡi trên lưng chiến mã, trong tay cầm thủ cấp đẫm máu của trưởng cấm vệ quân Hình Vô Giai. Tình thế lập tức xoay chuyển, mấy phó cấm vệ quân phần lớn là do Tô Dự bí mật tiến cử giờ đã đứng về phía Tô Dự, Tô Tạ dù có là hổ mọc cánh thì lúc này cũng không thể khống chế cục diện".
Tôi cảm thấy mình sắp ngủ gật đến nơi, tiếng kể chuyện như tiếng ru ngủ bên tai, tôi gắng chống đầu khẽ nói: "Câu chuyện này dài ghê".
Mộ Ngôn vừa uống trà vừa hỏi: "Cô đã nghe đoạn kết chưa? Kết cục rất đơn giản, Trần hầu vương thực ra không chết, chỉ hôn mê một thời gian, khi tỉnh dậy thấy đứa con bất hiếu nhân lúc mình bệnh nặng làm phản, lập tức ban cho cái chết. Nhị công tử Tô Tạ bị xử tử chưa được mấy ngày, nước Đường, láng giềng của Trần bị nước Tấn xâm lấn, bèn cầu viện Trần. Trần hầu vương vừa ốm dậy, lại phiền não vì vụ binh biến của nhị công tử, hơn nữa thâm tâm cho rằng, trong cuộc chiến Đường - Tấn, tốt nhất Trần nên đứng ngoài cuộc, vì vậy không muốn xuất binh trợ Đường. Thế tử Tô Dự lại dâng biểu xin dẫn binh viện Đường, bàn luận mấy ngày, cuối cùng Trần - Đường liên thủ đánh bại Tấn". Nói xong ngước nhìn tôi, "Những chuyện đánh nhau liên miên như vậy, cô còn nhỏ chắc là không muốn nghe?".
Tôi nhìn chàng suýt khóc: "Tôi chỉ cảm thấy câu chuyện hơi dài, đâu phải tôi không muốn nghe, tại sao huynh lại coi thường tôi thế, lại còn coi thường lộ liễu như vậy, tôi hận huynh muốn chết!!!".
Mộ Ngôn: "...".
Một ấm trà sắp uống hết, lão tiên sinh cũng sắp kể đến đoạn kết cuộc chiến Đường - Tấn, bên ngoài nắng đã nhạt, ánh nắng lọt qua kẽ lá liễu dịu dàng tỏa xuống, hắt bóng nhảy nhót lên tường. Sau khi bị Mộ Ngôn chọc tức, tôi không còn thấy buồn ngủ nữa, gục đầu trên bàn lơ đãng quan sát nhân tình thế thái.
Lát sau, Mộ Ngôn đột nhiên nói: "Chuyện kể ở đây rất hay, mặc dù đa phần là nói quá, coi như nghe câu chuyện ly kỳ, cũng thấy thú vị".
Đang nói đến đây, một chàng trai có vẻ rất hăng máu hét lên: "Tô Dự chẳng qua cũng chỉ có thế, nếu là tôi, cuộc chiến Đường - Tấn, vũng nước đục đó nhất định tôi sẽ không đi, đợi khi cả hai đại bại mới nhảy vào kiếm chác, chẳng phải quá tốt sao?".
Xung quanh có người phụ họa.
Tôi lắc đầu, giơ tay cầm ấm trà, tỏ vẻ không tán đồng quan điểm đó.
Mộ Ngôn thong thả gập cái quạt trong tay: "Cô định nói gì à?".
Tôi liếc nhanh chàng một cái, cúi đầu ấp úng: "Thôi".
Chàng vừa rót trà cho tôi, vừa gặng hỏi: "Sao thế?".
Tôi nói, "Bởi vì nói ra dài lắm, sau đó huynh lại bắt tôi ăn bánh bao, bánh chẻo gì đó, ăn xong tôi lại quên mất định nói gì".
Bàn tay rót trà của chàng hơi run, bật cười: "Lần này tôi không bắt cô ăn, cô muốn nói gì cứ nói".
Tôi nói: "Ồ, mà cũng chẳng có gì, chỉ là muốn bộc bạch một chút, định nói là thực ra cuộc đời giống như chiếc đồng hồ quả lắc, có vẻ như chỉ có hai khả năng, bên phải và bên trái, thực ra đúng là chỉ có hai khả năng bên phải và bên trái... huynh có thể nói trong quá trình quả lắc dao động diễn ra bao nhiêu khả năng, nhưng đều không phải là khả năng, chỉ là con đường dẫn tới khả năng, cuối cùng không ở bên phải thì ở bên trái. Tất cả đều có khả năng, nhưng cái gọi là tất cả đó chẳng qua cũng chỉ có hai khả năng hoặc bên phải, hoặc bên trái, chỉ có sự bất biến trong đó là không thể có, trừ phi đồng hồ hỏng, đó là hình dáng của sự sống dừng lại". Nói xong liếm môi, hỏi chàng: "Huynh có hiểu không?".
Chàng lắc đầu.
Tôi nghĩ phải nói thế nào đây, nghĩ hồi lâu cuối cùng nghĩ ra một ví dụ để đơn giản hóa ý của mình: "Thực ra chính là nói, giống như thế gian này, thế gian này không là đàn bà thì là đàn ông, đương nhiên nhân yêu cũng không phải không có, nhưng nếu anh ung dung làm một nhân yêu, nhất định sẽ bị xã hội kỳ thị, hơn nữa rất khó tìm bạn đời". Tôi liếm môi hỏi, "Huynh hiểu không?".
Chàng nói không hiểu.
Tôi bực mình "Thực ra rất đơn giản, ý tôi muốn nói chuyện này rất giống cảnh ngộ của Tô Dự, giả sử anh ta giữ thái độ trung dung, đứng ngoài cuộc, thì sau này anh ta sẽ rất khó tìm đồng minh trong các nước chư hầu. Những người kia đều suy nghĩ quá đơn giản, họ không biết thế sự rối loạn cũng giống như cuộc đời, không anh thì tôi, không tôi thì anh, nếu bản thân nước mình không đủ mạnh, về cơ bản không có tư cách trung dung, minh quân thánh chủ trong thời loạn thế lập trường phải rõ ràng. Đương nhiên nếu minh quân thánh chủ này đã là bá chủ một phương thì chẳng còn gì để nói". Tôi nghiến răng: "Lần này huynh hiểu chưa?".
Mắt chàng như cười, nhìn tôi: "Hay là chúng ta ăn chút gì đi, ăn xong hãy nói".
"...".
Nhớ lại thì đây là lần thứ hai tôi nghe thiên hạ bàn tán về Tô Dự ở chỗ đông người.
Nửa năm trước, con người đó dẫn mười vạn thiết binh nhẹ nhàng đánh bại Vệ quốc trong nụ cười nhạt, chứng tỏ dụng binh hết sức cơ mưu lại rất ung dung, trong cuộc khảo thí tuyển chọn quan lại ở đế đô, anh ta đã ra đề thi liên hệ với tình hình thời cuộc rất hóc búa, khiến cho những người hỏng thi vô cùng căm hận, người đó vinh hạnh trở thành nhân vật hoàng tộc bị giới nhân sĩ trí thức không ưa nhất trong năm.
Từ đó có thể thấy con người Tô Dự nhất định sau này sẽ làm nên nghiệp lớn, nhưng không phải là nói anh ta còn trẻ đã quyền cao chức trọng, hoặc có tài huấn luyện binh mã, chỉ có điều trong lịch sử, những người có thể ảnh hưởng đến tuyển lựa người làm quan cho triều đình đã chết sạch, anh ta là người sống duy nhất, khiến thiên hạ nhìn bằng con mắt khác. Hơn nữa có thể đồng thời bị nhiều người ghét như vậy cũng là một minh chứng, minh chứng anh ta hoặc là có ngoại hình xuất chúng, hoặc là nhà rất giàu sang, hoặc là rất có tài gì đó. Cho dù cả ba điều này đều không phải, ít nhất cũng chứng minh sự hiện hữu của con người anh ta rất nổi bật.
Nhưng bất luận thế nào, ngày hôm nay cũng là một ngày vô cùng viên mãn.
Đêm đen, gió vô tình khơi gợi tâm tư, tôi ngồi chong đèn viết những điều tâm đắc ngày hôm nay rồi thu xếp dọn dẹp chuẩn bị đi ngủ. Vừa tắt nến, ngoài cửa sổ cách giường hai bước đột nhiên có những tiếng động rất gấp, rồi có người rơi xuống đất, nền nhà bằng gỗ đàn hơi rung, tôi nghiêm giọng hỏi: "Ai?"
Có vật gì lạnh ngắt chớp mắt đã kề cổ tôi, lúc này tay tôi đang mò tìm cái đánh lửa trong người. Về sau bao nhiêu lần nhớ lại cảnh đó, tôi cảm thấy mình đúng là đã thể hiện chí khí anh hùng, lúc nguy biến không hề sợ hãi. Nhưng thực ra chỉ là không biết vật kề cổ mình rút cục là vật gì. Sau đó xoẹt một cái, lửa lóe lên, tôi thận trọng cúi nhìn, một con dao găm sáng loáng.