CHƯƠNG 10

Theo thói quen, Harvey tỉnh dậy vào lúc 7 giờ 30 phút. Sáng nay, gã tự cho phép mình ăn điểm tâm tại giường. Gã gọi xuống phòng ăn. Mười phút sau, người bồi xuất hiện với một chiếc bàn đẩy chất đầy thịt muối xông khói, trứng, bánh mỳ nướng, cà phê đen, nửa quả bưởi và một tờ Wall Street Journal, và các số ra buổi sáng của tờ The Times, Financial Times và International Herald Tribune - một tờ báo rất nổi tiếng trong giới kinh doanh bởi sự độc đáo của nó, do hai toà soạn New York Times và Washington Post hợp tác xuất bản. Mỗi số ra chỉ có120.000 bản, và không bao giờ phát hành sau khi Sở Giao Dịch Chứng Khoán New York đóng cửa, nhưng bất cứ một người Mỹ nào sống ở Châu Âu đều có thể mua tờ báo này. Khi tờ New York Herald Tribune bị đình chỉ vào năm 1966, thì Harvey là một trong số nhiều người khuyên John H. Whitney tiếp tục phát hành tờ International Herald Tribune. Lần này, cũng như nhiều lần trước đó, phán xét của Harvey đã tỏ ra chính xác. Sau này, International Herald Tribune đã sát nhập với đối thủ của nó là New York Times, một tờ báo chưa bao giờ được Châu Âu đánh giá cao. Kể từ đó trở đi, vị trí của tờ báo này ngày càng được khẳng định.

Với đôi mắt giàu kinh nghiệm, Harvey lướt nhanh danh mục các thị trường chứng khoán trên tờ Wall Street Journal và tờ Financial Times. Hiện nay, ngân hàng của gã còn lưu giữ rất ít cổ phiếu. Cũng giống như Jim Slater ở nước Anh, gã đang nghi ngờ chỉ số Dow Jones sắp suy giảm nên đã bán ra gần hết các cổ phiếu, chỉ giữ lại cổ phiếu viền vàng của Nam Phi và một số ít chứng khoán đã được lựa chọn kỹ càng dựa trên một số thông tin tài chính mật. Giao dịch tiền tệ duy nhất mà Harvey thực hiện trên thị trường có nhiều biến động là vay đôla để mua vàng. Như thế, gã sẽ luôn phản ứng kịp với giá đôla xuống và giá vàng lên. Hiện nay, đang có rất nhiều tin đồn rằng ở Washington, Tổng Thống Mỹ đã ra lệnh cho Bộ Trưởng Bộ Tài Chính George Schultz phải làm mọi cách để cuối năm nay hoặc đầu năm sau, người Mỹ có thể mua vàng một cách tự do trên thị trường mở. Suốt mười lăm năm nay Harvey chuyên đầu cơ tích trữ vàng. Tất cả những gì Tổng Thống sắp sửa làm sẽ “giúp” gã không vi phạm luật pháp. Harvey cho rằng, vào thời điểm mà nhiều người Mỹ đủ khả năng mua vàng, quả bóng sẽ nổ tung, giá vàng sẽ giảm. Harvey dự tính, chính trong khoảng thời gian bọn đầu cơ dự đoán giá vàng sẽ vẫn gia tăng, gã sẽ kiếm được nhiều tiền lời, bởi gã sẽ bán toàn bộ số vàng của mình trước khi cái lệnh chết tiệt kia được chính thức công bố. Một khi Tổng Thống đã để cho việc mua bán vàng trở thành hợp pháp thì Harvey không hòng kiếm được lời lãi gì.

Harvey rà soát thị trường hàng hoá ở Chicago. Hai năm trước đây, gã đã thu về những món lợi kếch xù trên thị trường đồng. Gã đã thành công rực rỡ vì có sự giúp đỡ của một nhân viên sứ quán ở Châu Phi - ông này đã tiết lộ tin tức cho rất nhiều người. Vì thế, sau này Harvey không hề ngạc nhiên khi biết tin tay nhân viên sứ quán nọ đã bị triệu hồi về và bị xử bắn.

Harvey không thể không kiểm tra lại giá cả của cổ phiếu Discovery Oil. Một cái giá thấp nhất từ trước tới nay: 0,125 đôla. Chẳng mấy chốc, thị trường của nó sẽ hoàn toàn sụp đổ bởi một lý do rất đơn giản: Có người bán mà không có người mua. Thực chất, chúng là những cổ phiếu không có giá trị. Gã mỉm cười mỉa mai rồi lật sang trang thể thao của tờ The Times: Rex Bellamy viết một bài về cuộc đua tài tranh giải quán quân Wimbledon sắp tới, ca ngợi John Newcombe là một vận động viên được ưa chuộng và Jimmy Connors - ngôi sao mới nổi của Mỹ, vừa đoạt giải vòng ngoài ở Italia, là người được đặt tiền cá cược cao nhất. Báo chí nước Anh muốn vận động viên Kem Rosewall, 39 tuổi, phải chiến thắng. Harvey vẫn còn nhớ trận chung kết giữa Drobny và Rosewall vào năm 1954, một cuộc đua với những kỷ lục đáng kinh ngạc. Cả hai vận động viên này đã thi đấu 58 trận. Cũng giống như hầu hết mọi người, Harvey cổ vũ Drobny, 33 tuổi, người đã chiến thắng sau ba tiếng đồng hồ thi đấu với điểm số 13-11, 4-6, 6-2, 9-7. Lần này, Harvey muốn lịch sử sẽ không lặp lại và Rosewall sẽ chiến thắng, mặc dù gã cũng cảm thấy cơ hội của vận động viên người Úc này thăng thiên rồi, bởi đã mười năm nay, các vận động viên chuyên nghiệp bị cấm tham gia Wimbledon. Tuy vậy, Harvey không thấy lý do nào khiến kỳ nghỉ hai tuần của gã kém thú vị. Nếu Rosewall không thể đoạt giải thì người Mỹ nào đó sẽ làm được việc này.

Trước khi ăn xong bữa sáng, Harvey đã kịp liếc nhanh qua bài điểm tin về nghệ thuật. Các đồ đạc từ thời Regency, sự phục vụ chu đáo, tao nhã và căn phòng Royal Suite không hề tác động gì đến thói quen bừa bãi của Harvey. Gã vứt báo xuống sàn nhà rồi đi loạng choạng vào toa lét để cạo râu và tắm rửa. Arlene đã từng nói với gã rằng tất cả mọi người đều làm ngược lại - tắm rồi mới ăn sáng. Nhưng Harvey lại bảo với bà ta rằng thiên hạ luôn luôn làm những việc trái ngược gã, và họ đã chẳng đạt được cái gì.

Harvey có thói quen dành toàn bộ buổi sáng đầu tiên ở Wimbledon để viếng thăm cuộc Triển Lãm Mùa Hạ ở Viện Hàn Lâm Hoàng Gia trong khu Piccadilly. Các ngày tiếp theo, gã sẽ đến thăm các phòng tranh lớn ở khu West End Agnew’s, Tooths, Marlborough, Wildenstein, các phòng tranh này đều ở gần khách sạn Claridge’s và Harvey có thể dễ dàng đi bộ tới đó.

Sáng nay cũng không phải là ngoại lệ. Điểm nổi bật trong con người Harvey là luôn luôn làm việc theo thói quen, và đó chính là đặc điểm mà Đội Chống Lừa Đảo đã nhanh chóng lần ra gã. Sau khi thay quần áo và chửi rủa phòng phục vụ thậm tệ vì không để sẵn rượu whisky trong tủ, Harvey ra khỏi phòng, đi xuống cầu thang, qua cửa quay để ra phố Davies rồi thả bộ về phía Quảng Trường Berkeley. Harvey không nhìn thấy một thanh niên đang đứng ở bên kia đường, tay cầm một chiếc máy điện đàm loại nhỏ, nhãn hiệu Pye Pocketfone.

— Hắn ta đã ra khỏi khách sạn qua cổng trên phố Davies. - Stephen nói nhỏ vào máy. - Hắn đang đi về phía cậu đấy, James.

— Stephen, tôi sẽ nhận ra ngay một khi hắn xuất hiện trên Quảng Trường Berkeley. Robin, cậu có nghe thấy tôi nói gì không?

— Có

— Ngay khi hắn xuất hiện, tôi sẽ báo cho cậu. Hãy chờ ở Viện Hàn Lâm Hoàng Gia nhé.

— Được rồi! - Robin trả lời.

Harvey chậm bước trên Quảng Trường Berkeley xuống khu Piccadilly rồi đi qua chiếc cửa tò vò kiểu Palliadian của khu Burlington. Tại đây, gã miễn cưỡng hoà nhập vào đám đông đang xếp hàng trên sân trước cửa Viện Hàn Lâm Hoàng Gia, nhích từng bước qua toà nhà Hội Thiên Văn Học và toà nhà Hội Những Người Sưu Tầm Đồ Cổ. Gã không nhìn thấy một thanh niên đứng bên cổng vào toà nhà Hội Hoá Học. Anh ta đang cắm cúi đọc tờ báo Hoá Học Nước Anh. Cuối cùng thì Harvey cũng tới được bậc thang trải thảm đỏ dẫn thẳng vào Viện Hàn Lâm Hoàng Gia. Gã đưa cho người bán vé 5 bảng và nhận lại một chiếc vé. Gã có thể dùng chiếc vé này để vào xem bất cứ một cuộc triển lãm nào trong suốt mùa hạ này. Vừa bước vào phòng trưng bày, Harvey đã nhận thấy gã sẽ còn quay trở lại đây ít nhất ba hoặc bốn lần nữa. Sáng hôm đó, gã xem được 1.182 bức tranh. Và theo đúng quy định nghiêm ngặt của Viện Hàn Lâm, không một bức nào trong số các tranh đó được xuất hiện ở một nơi nào khác trước ngày mở cửa Triển Lãm Mùa Hạ. Mặc dù quy định nghiêm ngặt như vậy nhưng vẫn có hơn 5.000 bức tranh được gửi đến và ban tổ chức đã phải dày công để chọn lựa ra những bức đáng trưng bày nhất.

Tháng trước, đúng vào ngày phòng tranh khai mạc, thông qua một người đại diện, Harvey đã mua được một bức vẽ màu nước của Afred Daniels với giá 350 bảng và hai bức sơn dầu vẽ cảnh đồng quê nước Anh của Bernard Dunstan với giá 125 bảng. Theo sự đánh giá của Harvey, cuộc Triển Lãm Mùa Hạ là cuộc triển lãm giá trị nhất thế giới. Vì vậy, trong trường hợp gã không thích các bức tranh đã mua, chúng sẽ là những món quà tuyệt vời cho người quen ở Mỹ. Những bức tranh của Daniels làm gã nhớ lại một bức tranh khác của Lowry mà gã mua cách đây khoảng hai mươi năm, cũng tại Viện Hàn Lâm này với giá 80 bảng. Đó là một vụ đầu tư rất khôn ngoan.

Harvey đặc biệt quan tâm tới tranh của Bernard Dunstan. Tất nhiên, chúng đều đã có người mua. Dunstan là một trong những họa sỹ có tranh được bán ngay trong phút đầu tiên của ngày khai mạc. Mặc dầu không có mặt tại London trong giờ mở màn đó nhưng Harvey vẫn dễ dàng mua được những gì gã muốn. Một người của gã có nhiệm vụ phải giữ chỗ đầu tiên, mua một quyển catalogue và đánh dấu tên các họa sỹ mà anh ta biết Harvey thích, nếu không thì cũng có thể bán lại một cách dễ dàng trong trường hợp anh ta sai lầm. Khi triển lãm mở cửa, vào đúng 10 giờ sáng, nhân viên này sẽ đi thẳng tới bàn bán tranh, yêu cầu mua năm hoặc sáu bức tranh đã được đánh dấu trong catalogue trước cả khi anh ta hoặc bất cứ ai, trừ nhân viên của Viện Hàn Lâm, nhìn thấy chúng. Harvey xem xét các bức tranh một cách thận trọng. Lần này, gã hài lòng giữ lại tất cả các bức tranh đã đặt. Giả dụ nếu có một bức nào đó không thực sự phù hợp với bộ sưu tập của gã, gã sẽ trả lại cho phòng tranh để họ bán và nếu không có ai chịu mua thì chính gã sẽ mua lại. Gã đã áp dụng phương pháp này suốt hai mươi năm, mua được hơn một trăm bức tranh, mà chỉ phải trả lại có mười hai bức, và chưa lần nào gặp rủi ro. Harvey luôn luôn có một hệ thống làm việc đặc biệt thích hợp với tất cả mọi thứ trên đời.

Khoảng 1 giờ chiều Harvey ra về, lòng đầy thoả mãn. Chiếc Rolls Royce màu trắng đã chờ sẵn gã ngay trên sân trước của Viện Hàn Lâm Hoàng Gia.

— Wimbledon.

— Cứt.

— Cậu nói cái gì? - Stephen thắc mắc.

— C-ứ-t. Hắn đi tới Wimbledon, vậy là công lao cả ngày hôm nay đổ xuống sông xuống biển. - Robin trả lời.

Chắc chắn, Harvey sẽ không trở lại khách sạn Claridge’s trước bảy hoặc tám giờ tối. Cần phải theo dõi gã, Robin liền lái chiếc Rover 3500V8 ra khỏi bãi đỗ xe trên quảng trường St. Jame’s, phóng thẳng về phía Wimbledon. James đã mua sẵn hai vé gần kề với lô ghế của Harvey Metcalfe.

Robin tới Wimbledon chỉ sau Harvey một vài phút. Anh tìm chỗ của mình ở sân Trung Tâm, rồi ngồi hơi thụt về phía sau một chút để đảm bảo bí mật. Không khí trên sân náo nức chuẩn bị cho trận đấu khai mạc. Wimbledon ngày càng trở nên phổ biến. Hôm nay, sân Trung Tâm đông như nêm cối. Công chúa Alexandra và Thủ Tướng cũng có mặt và đang ngồi tại lô ghế của Hoàng Gia chờ xem trận đấu. Khi trọng tài xuất hiện thì trên các tấm bảng nhỏ ghi điểm màu xanh nằm ở cuối sân hiện lên tên của hai đấu thủ: Kodes và Stewart. Đám đông bắt đầu vỗ tay cổ vũ. Hai đấu thủ mặc đồng phục trắng, đi vào sân, mỗi người đem theo bốn chiếc vợt. Wimbledon không cho phép các tuyển thủ mặc bất cứ màu nào khác với màu trắng, tuy vậy, đối với nữ giới thì linh hoạt hơn: Họ được phép mặc quần áo trắng với diềm đăng ten màu.

Mặc dầu đây là trận đấy giữa Kodes và một cầu thủ không mấy nổi tiếng của Hoa Kỳ, nhưng Robin vẫn cảm thấy thú vị. Trận đấu diễn ra căng thẳng, nhưng rồi cầu thủ Czech đã thắng 6-3, 6-4, 9-7. Robin lấy làm tiếc vì Harvey bỏ về giữa giờ. “Phải trở về với nhiệm vụ”, anh tự nhủ và lái xe đi theo chiếc Rolls Royce màu trắng về khách sạn Claridge’s. Trên đường về, anh luôn chú ý giữ một khoảng cách an toàn. Về tới khách sạn, anh gọi điện ngay tới chỗ ở của James - và cũng là trụ sở chính của đội trong thời gian ở London để báo cáo tóm tắt tình hình cho Stephen.

— Ổn rồi. - Stephen nói. - Ngày mai lại tiếp tục. Tội nghiệp cho “lão” Jean Pierre. Sáng nay, nhịp tim của “lão” phải lên tới 150.

Sáng hôm sau, Harvey lại ra khỏi khách sạn Claridge’s, đi hết Quảng Trường Berkeley, sang phố Bruton, rồi phố Bond. Khi còn cách phòng tranh của Jean Pierre chừng 50 dặm thì gã dừng lại. Gã không đi tiếp về phía tây mà lại quay về hướng đông rồi rẽ vào văn phòng của Agnew. Sáng nay, gã hẹn gặp Geoffrey Agnew, giám đốc một công ty tư nhân để trao đổi tin tức về các bức tranh ấn tượng đang có mặt trên thị trường. Nhưng Geoffrey đang chuẩn bị cho một cuộc hẹn khác nên chỉ có thể dành cho Harvey một vài phút.

Thật đáng tiếc, các tin tức ông ta dành cho Harvey chẳng có giá trị gì lớn. Để an ủi, Harvey mua một bức tranh của Rodin, với giá 800 bảng rồi ra về.

— Hắn đang đi ra, - Robin thông báo, - và đang đi về phía bên phải.

Jean Pierre nín thở. Nhưng một lần nữa, Harvey lại dừng chân. Gã rẽ vào phòng tranh Marlborough để xem cuộc triển lãm mới đây nhất của Barbara Hepworth. Gã ở lại đây chừng hơn một giờ, đánh giá rất cao các tác phẩm của Hepworth nhưng lại cho rằng giá cả quá đắt. Mười năm trước đây, gã đã từng mua hai bức của họa sỹ này với giá 800 bảng, vậy mà giờ đây, Marlborough lại định giá các tác phẩm của bà ta từ 7.000 đến 10.000 bảng.

Ra khỏi phòng tranh Marlborough, Harvey tiếp tục đi dọc theo phố Bond.

— Jean Pierre?

— Tôi đây. - Một giọng nói hoang mang cất lên.

— Hắn đã tới góc phố Conduit rồi, chỉ còn cách phòng tranh của cậu chừng 50 mét.

Jean Pierre sửa sang lại gian hàng, xếp lại bức vẽ Sông Thames và Người Lái Đò bằng màu nước của Graham Suthrland.

— Thằng con hoang. Nó lại rẽ trái rồi, - James lại lên tiếng. Anh đang đứng bên kia góc phố, nơi đối diện với phòng tranh của Jean Pierre. - Hắn đi xuống phố Bruton, phía bên tay phải.

Jean Pierre đặt trả bức tranh về lại cái giá trên cửa sổ rồi rút vào nhà vệ sinh, miệng lầm bầm:

— Ai mà đối đầu với hai thằng chó cùng một lúc cho được!

Trong khi đó, Harvey đã rẽ vào một ngõ nhỏ trên phố Bruton và đang bước trên những bậc thang dẫn tới phòng tranh Tooth, với niềm hy vọng tràn trề là sẽ tìm được một cái gì đó đáng giá trong phòng trưng bày vốn rất nổi tiếng về tranh ấn tượng. Một bức tranh của Klee, một của Picasso và hai của Salvador Dalis đều không phải những thứ mà Harvey tìm kiếm. Tranh của Klee thật hoàn hảo nhưng vẫn không đẹp bằng bức tranh mà gã có trong phòng ăn ở Lincoln, Massachusetts. Hơn thế nữa, có lẽ nó cũng không phù hợp với cách bài trí của Arlene.

Nicholas Tooth, giám đốc phòng tranh, hứa sẽ để ý và gọi điện về Claridge’s cho Harvey nếu có tin tức gì thú vị.

— Hắn quay ra đấy! Nhưng tôi nghĩ là hắn sẽ về Claridge’s.

James những mong muốn Harvey sẽ vòng lại, đi về phía phòng tranh của Jean Pierre, nhưng gã đã đi thẳng, về phía Quảng Trường Berkeley, rẽ vào phòng tranh O’Hana - Albert, người gác cổng, đã cho gã biết ở đây có tranh của Renoir. Thực tế, đúng là có, nhưng chỉ là một bức tranh sơn dầu chưa hoàn chỉnh. Có lẽ Renoir chỉ coi đó là một bản phác thảo, hoặc là ông ta quá ghét nó nên đã bỏ dở giữa chừng. Rất tò mò muốn biết giá cả, Harvey đi hẳn vào bên trong.

— 30.000 bảng! - Người giúp việc trả lời một cách hờ hững như thể ông ta đang nói giá của một món hàng rẻ rúng nào đó, chỉ đáng10 đôla.

Harvey huýt gió qua kẽ răng. Gã luôn thấy ngạc nhiên vì không hiểu tại sao một bức tranh tầm thường của một họa sỹ danh tiếng lại có thể lên tới 30.000 bảng trong khi một bức tranh đẹp của một họa sỹ không tên tuổi lại chỉ đáng giá vài trăm đôla. Gã cảm ơn người kia rồi bỏ đi trong lời chào của Giám Đốc phòng tranh.

— Hân hạnh được đón tiếp ngài, thưa ngài Metcalfe.

Harvey luôn cảm thấy hài lòng với những kẻ nhớ tên gã. Nhưng lạy Chúa, họ buộc phải nhớ, năm ngoái, gã đã mua ở đây một bức tranh giá 62.000 bảng.

— Chắc chắn là hắn đang trở về khách sạn. - James thông báo.

Harvey chỉ ở lại khách sạn một vài phút để mua trứng cá hồi muối, thịt bê, thịt mông lợn hun khói, bánh sandwich kẹp pho mát, và sôcôla để ăn trưa tại Wimblendon.

Lần này thì James có nhiệm vụ trực ở sân Wimblendon. Anh quyết định mang Anne theo. Tại sao lại không, đằng nào thì nàng cũng đã biết hết rồi. Hôm nay là ngày thi đấu của nữ. Billie Jean King, vô địch Mỹ - một cô gái rất nhanh nhẹn, sẽ thi đấu với một đối thủ không mấy tên tuổi, Kathy May, cô này trông không có vẻ sẽ trụ được lâu. Sự cổ vũ mà Billie Jean nhận được không tương xứng với tài năng của cô, nhưng vì một lý do nào đó cô chưa bao giờ là một đấu thủ được Wimbledon yêu thích. Hôm nay, Harvey đi cùng một vị khách, theo James, là người Châu Âu.

— Ai là đối tượng của anh? - Anne hỏi.

— Người ngồi chênh chếch chúng ta, đang nói chuyện với người mặc đồ xám ngồi bên cạnh, trông có vẻ như là một quan chức Chính Phủ thuộc khối EEC.

— Ông béo mập ấy à?

— Ừ!

Anne muốn bình luận thêm vài lời nhưng ngay lúc đó, trọng tài nổi hiệu lệnh “bắt đầu” và mọi sự chú ý đều đổ dồn về Billie Jean. Đồng hồ chỉ 2 giờ đúng.

— Cảm ơn ngài đã mời tôi đến Wimblendon, Harvey! - Jorg Birrer nói. - Gần đây, tôi dường như không bao giờ có thời gian để nghỉ ngơi. Vì chỉ xa rời thị trường trong vài giờ thôi là anh sẽ trở thành lạc hậu ngay.

— Vậy là đã đến lúc ông phải về vườn rồi. - Harvey nói.

— Không có ai thay thế tôi, - Birrer đáp. - Tôi làm chủ tịch ngân hàng suốt mười năm nay, và bây giờ mới thấy tìm người kế cận hoá ra lại là công việc khó khăn nhất.

Bàn thắng thứ nhất thuộc về King. Cô đang dẫn trước một điểm.

— Này, Harvey, tôi biết ông quá rõ tới mức khó có thể tin được rằng đây là một lời mời hoàn toàn bạn bè.

— Ông có bộ óc của quỷ à, Jorg?

— Nghề nghiệp buộc tôi phải như vậy.

— Thực ra, tôi chỉ muốn biết tại sao các tài khoản của tôi vẫn không hề thay đổi. Đồng thời, tôi cũng muốn thông báo cho ông các kế hoạch sắp tới của tôi.

King lại thắng, và đang dẫn trước 2-0.

— Tài khoản chính thức số Một của ông hiện có vài nghìn đôla tín dụng.- Nói tới đây, Birrer lấy ra một mẩu giấy nhỏ với một dãy số gọn gàng. Thực tế, ông đang bị thâm hụt 3.726.000 đôla, nhưng ông vẫn còn 37.000 ounce vàng, mà giá bán ra của ngày hôm nay là 135 đôla một ounce.

— Theo ông, tôi phải làm gì?

— Chờ đợi. Tôi vẫn nghĩ rằng sang năm Tổng Thống nước ông sẽ đưa ra một thông báo mới về tiêu chuẩn vàng hoặc cho phép nhân dân mua vàng một cách tự do.

— Tôi cũng nghĩ như vậy, nhưng theo tôi, chúng ta cần phải bán hết số vàng này một vài tuần trước khi có sự hỗn loạn. Tôi đã có kinh nghiệm về việc này.

— Hy vong là ông đúng, cũng như mọi khi.

King lại thắng. Như vậy, ở ván đầu, King đã dẫn trước 3-0.

— Thế còn lãi suất đối với số đã bị rút giá?

— Hiện giờ, lãi suất liên ngân hàng là 13,25%. Chúng tôi chỉ tính ông cao hơn mức đó là1,5%. Như vậy, ông chỉ phải trả 14,75% mỗi năm, trong khi đó vàng đang tăng giá gần 70% mỗi năm.

— Được.- Harvey nói. -Cứ chờ đợi. Mùng một tháng Mười Một chúng ta sẽ cùng xem xét lại tình hình. Mã telex vẫn không thay đổi. Tôi không hiểu thế giới sẽ ra sao nếu không có người Thuỵ Sỹ.

— Hãy thận trọng đấy, Harvey. Ông có biết rằng trong ngành cảnh sát, số lượng chuyên viên chống lừa đảo nhiều hơn số lượng chuyên viên chống bọn sát nhân không?

— Cứ lo giữ lấy cái đầu của ông thôi, Jorg, tôi sẽ tự lo cho mình. Còn bây giờ, hãy cùng thưởng thức bữa trưa và trận đấu. Lát nữa chúng ta sẽ nói tiếp về các tài khoản khác.

King lại thắng. King dẫn trước 4-0.

— Họ đang mải mê trò chuyện, - Anne nói. - Em dám chắc là họ không hề biết cái gì đang diễn ra trên sân đấu.

— Có lẽ hắn đang mặc cả mua Wimbledon với giá vốn.- James phá lên cười. - Ngày nào cũng gặp thằng cha này, và thật đáng sợ là anh bắt đầu thấy nể hắn. Anh chưa bao giờ gặp một ai sống quy củ như hắn. Ngày nghỉ hắn còn như vậy thì không hiểu khi làm việc hắn sẽ ra sao?

— Em không thể hình dung được, - Anne nói.

May thắng lại. Như vậy, ở ván đầu, King dẫn trước 4-1.

— Ôi, hãy nhìn cách hắn tọng bánh vào mồm. Chẳng trách hắn béo đến vậy. - James giương ống nhòm lên. - Nhưng chính điều đó đã khiến anh muốn hỏi em. Em yêu, em cho anh ăn gì đây?

Anne cho tay vào giỏ lôi ra một chiếc bánh mỳ lớn có kẹp salad, đưa cho James, còn chính nàng chỉ nhấm nháp một nhánh tỏi tây.

— Độ này em mập ra, - nàng giải thích, - em e rằng sẽ không thể ních vừa những bộ đồ mùa đông trong cuộc triển lãm mốt tuần tới.- Nàng chạm tay vào đầu gối của James và mỉm cười. - Tại vì em hạnh phúc quá đấy.

— Ôi, đừng hạnh phúc đến như vậy. Anh thích em gầy gầy thôi.

King dẫn trước 5-1.

— Chiến thắng quá dễ dàng, - James nói. - Các trận khai mạc bao giờ cũng thế. Người ta đến đây chỉ để chiêm ngưỡng hình thể của nhà vô địch. Anh nghĩ, khó ai có thể vượt qua được King. Cô ta chỉ đứng sau Helen Mody, người đã tám lần đoạt chức vô địch Wimbledon.

King thắng ván một: Đổi! May được quyền phát bóng.

— Chúng ta phải theo dõi hắn cả ngày hay sao? - Anne hỏi.

— Không, nhưng chúng ta phải theo dõi và biết chắc chắn rằng hắn ta sẽ trở về khác sạn mà không thay đổi kế hoạch một cách tuỳ hứng hoặc làm một việc gì đó ngu ngốc tương tự. Nếu bỏ lỡ cơ hội lúc hắn đi ngang qua phòng tranh của Jean Pierre, chúng ta sẽ không có cơ hội thứ hai.

— Chúng ta sẽ làm gì nếu bỗng nhiên hắn thay đổi kế hoạch?

— Chỉ có Chúa mới biết, hay đúng hơn là chỉ có Stephen mới biết. Anh ta là một nhà thông thái.

King lại thắng. Trong ván hai này King lại đang dẫn trước 1-0.

— Tội nghiệp cho May. Cô ta rồi cũng sẽ thành công như anh, phải không James? Kế hoạch của Jean Pierrera sao rồi?

— Rất tệ. Metcalfe không hề bén mảng tới gần phòng tranh. Hắn dừng lại khi chỉ còn cách 30 mét, rồi lại ngoặt sang hướng khác. Anh chàng Jean Pierre tội nghiệp suýt lên cơn đau tim. Hy vọng ngày mai sẽ khả dĩ hơn. Cho tới giờ, hắn đã đi hết toàn bộ khu Piccadilly và nửa đầu phố Bond. Có một điều chúng ta có thể tin tưởng ở con người Harvey Metcalfe là hắn rất cẩn thận. Vì vậy, một lúc nào đó, hắn sẽ xuất hiện ở khu vực của bọn anh.

— Các anh phải mua bảo hiểm nhân mạng đi. Một triệu đôla. Mỗi người hãy viết tên ba người còn lại lên phiếu bảo hiểm. - Anne nói. - Khi một người bị nhồi máu cơ tim ba người còn lại sẽ được tiền.

— Không phải trò đùa đâu, Anne. Nếu em phải đứng lang thang ở đâu đó, đặc biệt là phải chờ đợi theo dõi đường đi nước bước của hắn, em sẽ thấy thế nào là căng thẳng.

King lại thắng, và đang dẫn trước 2-0.

— Thế còn anh?

— Chẳng có gì đáng nói. Rất vô dụng. Bây giờ anh đang thực hiện kế hoạch của những người kia, nên anh có rất ít thời gian để tập trung cho kế hoạch của riêng mình.

— Tại sao không để em quyến rũ hắn.

— Một ý tưởng không tồi. Nhưng để moi được 100.000 bảng của hắn, em phải là người đặc biệt xinh đẹp. Nếu như bọn anh đã biết được một chút gì về con người này thì đó chính là sự tôn thờ đồng tiền. Mỗi đêm hắn có thể rỏ cho em 30 bảng, và em sẽ phải mất chừng 15 năm mới lấy lại được số cổ phiếu của anh. Không biết ba anh bạn của chúng ta có sẵn sàng chờ đợi một thời gian dài như vậy không. Thực tế, anh còn không dám chắc là họ có thể đợi thêm mười lăm ngày nữa hay không?

— Rồi chúng ta sẽ nghĩ ra một cái gì đó. Đừng quá lo âu. - Anne nói.

May lại thắng. Tỷ số bây giờ là 2-1.

— Tốt. May đã thắng thêm được một quả nữa. À, Harvey, bữa trưa ngon tuyệt.

— Đặc sản của Claridge’s đấy, - Harvey nói. - Còn hơn là phải chen chúc trong một nhà hàng, nơi mà ông không thể xem tennis.

— Billie Jean lại đang trêu cợt một cô bé tội nghiệp.

— Thì cô ta vẫn luôn như vậy, - Harvey nói. - Nào, Jorg, hãy tiếp tục về tài khoản thứ hai của tôi đi.

Lại thêm một mảnh giấy nhỏ chi chít con số. Chính vì sự thận trọng, sáng suốt này mà người Thuỵ Sỹ đã kiểm soát được một nửa thế giới. Từ các vị đứng đầu Nhà Nước đến các tù trưởng Ả Rập đều tin tưởng gửi tiền cho họ. Bù lại, Thuỵ Sỹ là một trong số các nước có nền kinh tế mạnh nhất thế giới. Nếu đây chính là hệ thống khép kín hoàn hảo thì khỏi cần phải đi một nơi nào khác. Birrer đọc lướt các con số trong vài giây rồi nói:

— Ngày 1 tháng Tư, chính ông đã chọn ngày này, Harvey, ông chuyển 7.486.000 đôla vào tài khoản No2. Vốn dĩ tài khoản này đã có 2.791.428 đôla. Ngày 2 tháng Tư, theo đề nghị của ông, chúng tôi đã đầu tư 1 triệu đôla vào công ty Banco do Minas Gerais dưới tên Siverman và Elliot. Chúng tôi đã thanh toán một hoá đơn thuê dàn khoan của công ty Reading Bates với giá 420.000 đôla và nhiều hoá đơn khác nữa, trị giá 104.112 đôla. Như vậy, trong tài khoản No2 của ông còn 8.752.316 đôla.

King được điểm. King dẫn trước 3-1

— Tuyệt. - Harvey nói.

— Tennis hay tiền? - Birrer hỏi.

— Cả hai. Nào, Jorg, sáu tuần nữa, tôi sẽ cần khoảng 2 triệu đôla. Tôi muốn mua một vài bức tranh ở London. Tôi đã xem một bức của Klee. Tôi rất thích bức này, và tôi còn muốn đi thăm một số phòng tranh khác. Giá mà tôi biết trước vụ đầu tư Discovery Oil lại thành công đến như vậy thì năm ngoái tôi đã đánh gục Arman Hammer khi hắn mua bức tranh của Van Gogh ở Sotheby's Barke Bernet. Ngoài ra, tôi cần một số tiền mặt để mua thêm ngựa trong cuộc bán đấu giá Ascot Blood Stock. Đàn ngựa của tôi đang xuống dốc. Mà ông biết rồi đấy, một trong những tham vọng lớn nhất của tôi là thắng ở vòng đua Vua Goerge VI và Elizabeth Stakes. (James hẳn phải nhăn mặt vì hổ thẹn nếu anh ta nghe được câu nói thiếu chính xác này). Cho đến nay, thành tích lớn nhất của tôi mới là đứng vị trí thứ ba, chẳng hay ho gì. Năm nay tôi đã bổ xung thêm Rosalie, một con ngựa tuyệt vời, chưa từng thấy. Nếu thua, tôi sẽ xây dựng lại đàn ngựa, nhưng tôi thề là năm nay tôi sẽ chiến thắng.

Tỷ số 4-1 nghiêng về King.

— Có vẻ như King cũng vậy, - Birrer nói. - Tôi sẽ thông báo cho thủ quỹ biết có thể trong vài tuần tới ông sẽ rút một khối lượng tiền lớn, và tôi không muốn số còn lại sẽ nằm nhàn rỗi. Vì vậy, tôi đề nghị ông trong vài tháng tới hãy tính toán và mua thêm vàng. Chúng ta sẽ bán hết số đó trong dịp năm mới. Nếu thị trường sụp đổ, tôi sẽ điện thoại sang đó cho ông. Cuối mỗi ngày, ông hãy cho các ngân hàng loại một vay tiền với lãi suất qua đêm. Song, ông sẽ làm gì với tất cả số tiền đó, Harvey, nếu những điếu xì gà này không thịt ông trước?

— Ồ, thôi đi Jorg. Ông chẳng khác gì bác sỹ cả. Tôi đã nói hàng trăm lần rồi, sang năm tôi sẽ về vườn và bỏ thuốc.

— Tôi không thể tin là ông sẽ tự nguyện rút lui khỏi cuộc đua. Harvey, thực ra bây giờ ông có bao nhiêu tiền?

Harvey cười.

— Tôi không thể cho ông biết, Jorg. Hình như Arisstole Onassis đã nói, nếu anh có thể đếm được thì tức là anh chẳng có gì.

Tỷ số 5-1 nghiêng về King.

— Rosalie thế nào rồi? Ông vẫn đề nghị chúng tôi sẽ sang tên các tài khoản cho cô ấy nếu có gì bất trắc đến với ông?

— Nó vẫn vui vẻ. Sáng nay nó gọi điện cho tôi, báo rằng không thể tới Wimbledon vì công việc bận rộn. Tôi hy vọng nó sẽ kiếm được một gã người Mỹ giàu có để không màng đến tài khoản của nó. Hiện nay đã có quá nhiều kẻ tới cầu hôn. Bản thân Rosalie cũng không xác định được là bọn đó cần nó hay cần tiền của tôi. Vài năm trước, chúng tôi đã cãi nhau về điều này, và nó vẫn chưa tha thứ cho tôi.

Kết thúc ván hai. King thắng 6-1.

Hai nữ cầu thủ rời sân trong tiếng vỗ tay và reo hò. Cả Harvey Metcalfe, James và Anne đều vỗ tay rất nhiệt tình. Harvey và Jorg Birrer quyết định ở lại xem trận tiếp theo, thi đấu đôi, rồi cùng trở về Claridge’s ăn tối.

Suốt buổi chiều, James và Anne cũng ở lại Wimbledon, mãi tới khi thấy Harvey và ông bạn người Châu Âu quay lại khách sạn Claridge’s họ mới trở về căn hộ của James.

— Stephen, tôi đã về rồi. Metcalfe cũng đã yên vị ở khách sạn.

— Được rồi, James. Ngày mai hắn sẽ cắn câu.

— Hy vọng là như vậy.

Nghe tiếng nước chảy, James đi vào bếp tìm Anne. Nàng đang rửa bát đĩa bằng một miếng bùi nhùi, bọt xà phòng ngập tới tận khuỷu tay. Nàng quay lại, tung cái bùi nhùi vào người anh.

— Em không muốn làm anh buồn đâu, nhưng đây là lần đầu tiên trong đời em phải vào bếp để rửa bát đĩa trước khi nấu bữa tối.

— Anh biết. Người giúp việc chỉ dọn dẹp những chỗ sạch sẽ.

Anh ngồi lên chiếc bàn trong phòng bếp, chiêm ngưỡng tấm thân mảnh mai của nàng.

— Nếu bây giờ anh đi tắm trước khi ăn tối thì em có kỳ cọ cho anh như vậy không?

— Có, bằng một miếng bùi nhùi.

Nước ấm áp, đầy tràn. James nằm thoải mái để Anne kỳ cọ cho anh. Sau đó, anh bước ra khỏi bồn tắm.

— Ở cương vị một người trợ tá bồn tắm, em mặc hơi nhiều quần áo đấy, - anh nói.

Trong khi James tự lau khô người thì Anne tuột mình ra khỏi quần áo. Lúc anh bước vào phòng ngủ thì nàng đã nằm cuộn tròn trong tấm khăn trải giường.

— Em lạnh. - Nàng nói.

— Anh không nghĩ thế. - James nói. - Em sắp có bên mình một chai nước nóng dài sáu foot rồi.

Nàng ôm chầm lấy anh.

— Lạy Chúa, người anh lạnh như băng.

— Còn em thật đáng yêu. - James nói, đôi tay xoa nhẹ trên da thịt nàng.

— Kế hoạch của anh thế nào rồi, James?

— Anh chưa biết, hai mươi phút nữa anh sẽ nói với em.

Gần một tiếng đồng hồ nàng giữ im lặng. Mãi sau mới lên tiếng.

— Thôi, dậy đi. Bánh nướng pho mát chín rồi đấy. Hơn nữa, em còn phải dọn giường.

— Ôi, em ngốc nghếch ơi, đừng tự hành hạ mình như vậy.

— Có chứ. Anh kéo hầu như toàn bộ chăn, em chỉ còn biết ngắm anh cuộn tròn như một chú mèo hạnh phúc trong khi em lạnh tưởng chết. Làm tình với anh không hề giống với những gì mà Harold Robbins hứa hẹn đâu.

— Nào, khi nào nói xong, em đặt chuông đồng hồ 7 giờ sáng nhé.

— 7 giờ sáng? Anh không phải đến Claridge’s vào lúc 8 giờ 30 sao?

— Có chứ, nhưng anh còn muốn nghiên cứu một quả trứng.

— James, bỏ cái trò đùa ngớ ngẩn đó đi.

— Ôi, anh thiết tưởng nó hay ho lắm đấy chứ.

— Vâng. Mà sao anh không chịu mặc quần áo vào đi, trước khi bữa ăn bị cháy thành than?

Sáng hôm sau, đúng 8 giờ 29 phút, James có mặt tại Claridge’s. Dù anh có bao nhiêu nhược điểm đi chăng nữa thì anh cũng quyết không bị thua kém những người khác trong khi thực thi kế hoạch của họ. Anh liên lạc bằng điện đài để kiểm tra liệu Stephen và Robin đã có mặt trên Quảng Trường Berkeley và phố Bond chưa.

— Chào buổi sáng, - Stephen nói.- Một đêm tuyệt vời phải không?

— Trên cả tuyệt vời, - James đáp.

— Ngủ ngon chứ? - Stephen hỏi.

— Không hề chợp mắt.

— Đừng có làm cho chúng tôi phải ghen tỵ, - Robin nói, - và hãy tập chung vào Harvey Metcalfe đi.

James đứng bên cửa ra vào cửa hàng bán quần áo lông thú ngắm nhìn những người làm ca đêm đang ra về và những nhân viên ca ngày đến làm việc.

Lúc này, Harvey Metcalfe đang làm những công việc thường nhật: Ăn sáng và đọc báo. Đêm qua, trước khi đi ngủ, gã nhận được cú điện thoại của vợ từ Boston,và sáng nay, trong khi ăn sáng, gã lại được nghe điện thoại của con gái. Điều này khiến gã thực sự vui thích. Gã quyết định tiếp tục đi lùng cho được một bức tranh ấn tượng ở một vài phòng tranh khác trên các phố Cork và phố Bond. Có lẽ Sotheby's sẽ giúp gã.

Đúng 9 giờ 47 phút, gã rời khách sạn, vẫn cái kiểu đi với những bước sải dài.

— Con mồi đã ra khỏi hang.

Stephen và Robin choàng tỉnh, rũ bỏ những giấc mơ ngày.

— Hắn đã vào phố Bruton và đang tiến về phố Bond.

Harvey rảo bước dọc theo phố Bond, đi qua những con đường mà gã đã đi.

— Chỉ còn cách 50 mét thôi, Jean Pierre, - James nói. - 40 mét, 30 mét, 20 mét … Ồ không, đồ chó, hắn rẽ vào Sotheby's. Hôm nay, ở đó chỉ có vài bức vẽ từ thời Trung Cổ. Quỷ thật, tôi không biết là hắn cũng thích cái của này.

James nhìn về đầu phố và thấy Stephen đang trong vai một nhà doanh nghiệp trung niên. Kiểu cổ áo, đặc biệt là chiếc kính không vành khiến cho anh có dáng vẻ người Tây Đức. Giọng Stephen vang lên trong loa:

— Tôi sẽ vào phòng tranh của Jean Pierre. Còn cậu, James, hãy đợi ở phía bắc của Sotheby's. Cứ mười lăm phút lại báo tin một lần. Robin, cậu phải vào hẳn bên trong và nhử miếng mồi trước mũi hắn.

— Nhưng điều này không có trong kế hoạch, Stephen. - Robin nói.

— Hãy vận dụng hết khả năng của mình mà làm cho tốt, nếu không cậu sẽ phải chăm sóc các cơn đau tim của Jean Pierre mà không nhận được thù lao đâu. Hiểu chưa?

— Thôi được. - Robin nói một cách hoang mang.

Robin bước vào phòng Sotheby's và lén lút liếc trộm vào một chiếc gương gần nhất. Tốt, anh đã được cải trang kỹ càng. Lên gác, anh nhận ra Harvey đang đứng ở cuối gian bán tranh. Anh đến ngồi vào một chiếc ghế gần đó, trong hàng ghế ngay sau lưng Harvey.

Khách hàng tấp nập đến xem và mua các bức vẽ thời Trung Cổ. Harvey thấy những bức vẽ đó cũng hay hay, nhưng gã không thể nào chịu được những khoảng màu sáng chói, đầy vẻ thượng lưu. Sau lưng gã, Robin đang có vẻ ngập ngừng, lưỡng lự nhưng đã bắt đầu cất giọng nói chuyện với người bên cạnh.

— Những bức vẽ này cũng có vẻ hay hay đấy, nhưng tôi lại chẳng hiểu gì về nghệ thuật thời Trung Cổ. Tôi thích nghệ thuật hiện đại hơn. Tuy thế, tôi vẫn buộc phải nghĩ ra một cái gì đó phù hợp để nói với các độc giả của tôi.

Người bên cạnh Robin lịch sự mỉm cười.

— Anh phải viết về tất cả các cuộc bán đấu giá à?

— Gần như là tất cả, đặc biệt khi có những điều bất ngờ. Dẫu sao thì chính ở tại Sotheby's này người ta có thể biết được những gì đang diễn ra ở các phòng tranh khác. Chỉ mới sáng nay thôi, một trong số những người giúp việc đã tặng tôi một thông tin quý báu. Phòng tranh Lamanns có một số tranh đặc biệt của trường phái ấn tượng.

Robin cố tình để lọt những thông tin này vào lỗ tai Harvey rồi ngồi dựa lưng vào thành ghế, chờ đợi hiệu quả của nó. Ngay lập tức, anh nhận được kết quả xứng đáng: Harvey len lỏi qua đám đông chui ra khỏi phòng tranh. Robin ở lại thêm một chút nữa rồi cũng đi ra, thở phào nhẹ nhõm.

Bên ngoài, James vẫn kiên trì chờ đợi.

— 10giờ 30 phút, không thấy bóng dáng hắn đâu cả.

— Nghe rõ,

— 10giờ 45 phút. Vẫn chưa có dấu hiệu gì.

— Nghe rõ.

— 11giờ. Hắn vẫn ở bên trong.

— Nghe rõ.

— 11giờ 12 phút. Hắn xuất hiện.

James vội vàng rút nhanh về phòng tranh Lamanns. Một lần nữa, Jean Pierre lại cất bức tranh màu nước Sông Thames và Người Lái Đò của Sutherland đi, thay vào đó bức tranh sơn dầu của Van Gogh. Đây là một trong những tác phẩm nghệ thuật đẹp nhất mà người ta có thể tìm thấy ở London. Ngay bây giờ cuộc thí nghiệm với axít sẽ được tiến hành. Tấm giấy quỳ đang di chuyển dọc theo phố Bond tới gần lọ axít.

Bức tranh sơn dầu này là thành quả của David Stein, một người rất nổi tiếng trong giới nghệ thuật vì đã giả mạo 300 bức sơn dầu của các họa sỹ ấn tượng nổi tiếng, và đã kiếm được 864.000 đôla. Mãi cho đến năm 1969, ông ta mới bị phát giác trong khi đang mở cuộc triển lãm Chagall ở phòng tranh Niveaie trên đại lộ Madison. Không hề quen biết với Stein, Chagall, vào đúng thời gian này, cũng đang có mặt tại New York để tham dự một cuộc triển lãm khác tại viện bảo tàng trong Trung Tâm Lincoln Centre. Hai tác phẩm nổi tiếng của ông đang được trưng bày tại đây. Khi được thông báo về cuộc triển lãm Niveaie, Chagall tức phát điên lên. Ông ta kiện thẳng tới uỷ viên công tố về vụ giả mạo này. Nhưng Stein đã bán được một bức tranh giả của Chagall cho Louis D.Cohen với giá gần 100.000 đôla. Hiện nay, trong phòng tranh Galleria d’Arte Moderna ở Millan vẫn còn một bức tranh của Stein Chagall và một bức của Stein Picasso. Jean Pierre rất tin tưởng vào tài năng của David Stein và tin chắc rằng lịch sử sẽ lặp lại.

Sau lần bị phát giác đó, Stein vẫn tiếp tục vẽ tranh ấn tượng, nhưng bây giờ ông ký tên của chính mình. Nhờ có tài năng xuất chúng nên ông vẫn sống ung dung. Ông biết Jean Pierre từ lâu và rất khâm phục anh, vì vậy, khi nghe kể về Metcalfe và Discovery Oil, ông đã đồng ý vẽ một bức tranh Van Gogh với giá 10.000 đôla và ký lên đó chữ ký của ông thầy nổi tiếng”Vincent”.

Jean Pierre phải tốn khá nhiều công sức mới xác định được bức tranh mất tích của Van Gogh, qua đó, Stein có thể làm sống lại bức tranh để lừa Harvey. Anh đã phải nghiên cứu bộ sưu tập de la Faille’s, đặc biệt là các phẩm nghệ thuật của Vincent Van Gogh, rồi lựa trong đó ba bức tranh từng được treo ở Phòng Tranh Quốc Gia ở Berlin trước Chiến Tranh Thế Giới Lần Thứ Hai. Trong bộ sưu tập của de la Faille’s, chúng được đánh số 485, Les Amoureux (Người Tình), 628, La Moisson (Mùa Gặt) và 766, Le Jardin de Daubigny (Vườn Của Daubigny). Hai bức Mùa Gặt và Vườn Của Daubigny được bán cho phòng tranh Berlin,còn bức Người Tình có lẽ cũng được bán vào khoảng thời gian đó. Khi ba bức tranh bắt đầu thì cả ba bức tranh đều biến mất.

Sau đó, Jean Pierre lại tới gặp giáo sư Wormit của Viện Preussischer Kulturbesitz, một người chuyên nghiên cứu, tìm hiểu các tác phẩm nghệ thuật thất lạc, đã cho anh biết về số phận của các bức tranh. Ngay khi chiến tranh kết thúc, Vườn Của Daubigny đã xuất hiện trở lại trong bộ sưu tập của Siegfried Kramarsky ở New York. Tuy vậy, tại sao nó lại có mặt ở đó thì không ai biết. Sau này, Kramarsky đã bán bức tranh này cho phòng tranh Nichido ở Tokyo, và bây giờ nó vẫn ở đó. Sau cùng, giáo sư khẳng định rằng không ai biết gì về số phận của hai bức tranh còn lại.

Jean Pierre lại tiếp tục đến gặp Madame Tellegen Hoogendoorm của Viện Dutch Rijksbureau Voor Kunsthistoriche Ducumentatie. Madame Tellegen là một chuyên gia về tranh của Van Gogh, và dần dần, với sự giúp đỡ của bà, Jean Pierre bắt đầu chắp nối được câu chuyện về những bức tranh mất tích này. Năm 1937, mặc dù giám đốc Phòng Tranh Quốc Gia Berlin, tiến sỹ Hanfstaengl và người bảo dưỡng tranh, tiến sỹ Hentzen phản đối, bọn phát xít vẫn di chuyển các bức tranh ra khỏi Phòng Tranh Quốc Gia, trong đó có hai bức tranh Người Tình và Mùa Gặt. Những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng đã bị gán cho cái tên là nghệ thuật sa đọa và bị tống vào ga xe lửa ở Kopenickerstrasset thuộc Berlin. Tháng Giêng năm 1938, đích thân Hitler đã tới nhà ga này và chính thức ra lệnh tịch thu chúng.

Cái gì xảy ra sau đó với hai bức tranh của Van Gogh? Không ai biết, nhiều tác phẩm nghệ thuật mà bọn phát xít tịch thu đã bị Joseph Angerer, nhân viên đại lý của Hermann Goering, bán ra nước ngoài để thu về ngoại tệ phục vụ Fuhrer. Một số khác thì bị bán tống đi trong một cuộc bán đấu giá do phòng tranh Fischer Art tổ chức vào ngày 30 tháng Sáu năm 1939, tại Lucerne. Nhưng nói chung, các tác phẩm nghệ thuật ở nhà ga xe lửa Kepenickerstrasse đều bị chung một số phận đơn giản và bi thảm: Đó là bị cháy, bị mất cắp hoặc thất lạc. Phải mất nhiều công sức lắm, Jean Pierre mới tìm được các bản sao trắng đen của hai bức tranh Người Tình và Mùa Gặt. Mà cũng chẳng màu sắc nào có thể tồn tại sau khi đã được rọi từ âm bản. Jean Pierre cũng chẳng mảy may tin rằng các bức vẽ màu vẫn đang tồn tại ở một nơi nào đó. Vì vậy, anh quyết định chọn một trong hai bức này.

Trong hai bức tranh thì Người Tình có khổ rộng hơn, 76x91 cm. Tuy vậy, Van Gogh có vẻ không hài lòng về nó. Tháng Mười, năm 1898 (trong bức thư No 556) ông viết “đó là một bản vẽ phác trên vải bạt tồi tệ nhất của tôi”. Hơn thế nữa, rất khó có thể đoán biết màu sắc trên nền bản sao. Ngược lại, Van Gogh thực sự hài lòng về bức Mùa Gặt. Ông vẽ bức sơn dầu này vào tháng Chín năm 1898 và đã viết về nó: “Tôi ao ước sẽ vẽ lại người thợ gặt này một lần nữa để tặng mẹ tôi” (bức thư No604). Thực tế, ông đã vẽ ba bức tranh với những vẻ tương tự nhau về một người thợ gặt trong ngày mùa. Jean Pierre đã dày công tìm kiếm hai bức ảnh màu, một từ bảo tàng Louvre và một từ Rijksmuiseum. Anh nghiên cứu cách phối cảnh trên hai bức ảnh đó. Điểm khác nhau duy nhất của hai bức ảnh là cách bố trí mặt trời và ánh nắng trên mặt phông. Tới đây thì Jean Pierre đã có thể hình dung ra bức tranh màu Mùa Gặt. Stein cũng đồng ý với cách lựa chọn của Jean Pierre. Ông nghiên cứu tỷ mỉ bản sao trắng đen của bức Mùa Gặt và hai bức ảnh màu kia. Sau đó, ông lại tìm một tác phẩm hội họa ít có giá trị nghệ thuật Pháp cuối thế kỷ mười chín, rồi với tất cả sự tinh xảo của một họa sỹ chép tranh, ông tẩy sạch toàn bộ sơn trên phông, chỉ để lại một dấu tem rất quan trọng ở mặt sau, vì bản thân Stein cũng không thể làm giả dấu tem này. Trên tấm vải sạch sẽ ông đánh dấu kích thước của bức tranh thật: 48,5×53cm rồi chọn một dao vẽ sơn dầu, và một bút vẽ đúng loại Van Gogh vẫn ưa dùng. Sáu tuần sau, bức tranh Mùa Gặt hoàn thành. Stein đánh bóng bức tranh. Để làm cho bức tranh cũ đi, ông “nướng” nó trên lò suốt bốn ngày liền với nhiệt độ không cao, 85 độ F. Sau cùng, Jean Pierre đóng nó vào một cái khung mạ vàng như các học sỹ ấn tượng vẫn thường làm. Giờ đây, họ chỉ còn chờ đợi Harvey Metcalfe đánh giá tác phẩm của họ.

Harvey suy nghĩ chớp nhoáng và thấy chẳng có gì mất mát nếu gã tiện chân qua phòng tranh Lamanns. Khi còn cách phòng tranh độ năm bước chân, gã nhìn thấy bức tranh được bày trang trọng trên khung cửa sổ. Gã không thể tin ở mắt mình. Một bức tranh của Van Gogh, không còn nghi ngờ gì nữa. Hơn nữa, nó lại là một tuyệt tác. Thực tế, bức tranh Mùa Gặt mới chỉ bày ở đây khoảng hai phút.

Harvey đi như chạy vào phòng tranh, nhưng chỉ thấy ba người đàn ông đang mải mê nói chuyện với nhau và chẳng thấy ai quan tâm đến gã. Stephen đang nói với Jean Pierre bằng một giọng ầm ừ rất khó nghe.

— 170.000 đồng tiền vàng thì cũng có vẻ cao đấy, nhưng … quả là một tuyệt tác. Ngài có dám chắc đây chính là bức tranh đã xuất hiện ở Berlin năm 1937 không?

— Ngài không bao giờ có thể đoán chắc bất cứ một điều gì, nhưng ngài cũng đã thấy dấu tem của Phòng Tranh Quốc Gia Berlin ở mặt sau rồi đấy, và cả Bernheim Jeune cũng xác nhận là họ đã bán bức tranh này cho người Đức vào năm 1927. Ngoài ra, tiểu sử của bức tranh này đã được ghi chép vào biên niên sử. Chắc chắn, nó đã bị đánh cắp khỏi viện bảo tàng trong thời kỳ chiến tranh.

— Làm thế nào mà ngài lại có bức tranh này?

— Tôi mua lại của một nhà quý tộc người Anh, nhưng ông này vẫn muốn được giấu tên.

— Thôi được, - Stephen nói, - tôi muốn ông đừng bán nó, bốn giờ chiều tôi sẽ trở lại với một tấm séc 170.000 đồng vàng của ngân hàng Dresdner A.G. Được chứ?

— Tất nhiên, thưa ngài. - Jean Pierre trả lời. - Đây là một trường hợp đặc biệt.

James, trong bộ complet thẳng tắp và chiếc mũ nỉ mềm bảnh bao, cố tình đi loanh quanh sau lưng Stephen, và đưa ra một nhận xét nịnh nọt:

— Đây là tuyệt tác của các tuyệt tác.

— Đúng thế đấy. Tôi đã mang nó tới cho Julian Barron ở Sotheby's xem. Ông ta rất thích nó.

James nhẹ nhàng rút lui về phía cuối phòng, rũ bỏ vai trò của một người buôn tranh cổ sành sỏi. Đúng lúc đó thì Robin bước vào, tờ tạp chí Guardian thòi lòi ở túi áo.

— Xin chào ngài Lamanns. Ở Sotheby's tôi nghe người ta đồn ông có một bức tranh của Van Gogh, một bức tranh mà tôi vẫn ngỡ là chỉ có ở nước Nga. Tôi muốn viết đôi dòng về lịch sử của nó để đăng trong số báo ngày mai. Ngài có cho phép không?

— Rất vui lòng, - Jean Pierre nói. - Nhưng thực ra, tôi đã bán nó cho ngài Herr Drosser, một người buôn tranh người Đức với giá 170.000 đồng vàng.

— Hời quá, - Giọng James lại vang lên từ phía cuối phòng, - trong số các bức tranh của Van Gogh mà tôi đã từng được nhìn thấy ở London thì đây là bức đẹp nhất, và tôi lấy làm tiếc vì phòng tranh của chúng tôi đã không được đấu giá nó. Ngài gặp may đấy, ngài Drosser. Nếu có một lúc nào đó muốn bán nó đi, xin ngài hãy liên lạc với tôi.

James đưa cho Stephen một tấm card rồi mỉm cười với Jean Pierre.

— Ngài có ảnh chụp bức tranh này không?

— Có chứ, tất nhiên.

Jean Pierre mở ngăn kéo, lấy ra một tấm ảnh màu kèm theo một bản viết tay mô tả bức tranh. Anh đưa tất cả cho Robin.

— Xin ngài để ý cách viết từ “Lamanns!” Tôi rất chán ngán vì thường bị người ta nhầm với tên một cuộc đua xe của Pháp.

Rồi anh quay về phía Stephen nói:

— Xin lỗi để ngài phải chờ, thưa ngài Herr Drosser. Ngài muốn chúng tôi giao hàng theo cách nào?

— Cứ gửi thẳng cho tôi, tại Dorchester, sáng ngày mai, phòng 120.

— Vâng, thưa ngài.

Stephen đang định ra về thì Robin lên tiếng.

— Xin lỗi ngài, tôi xin được biết tên ngài.

— Drosser. D-R-O-S-S-E-R.

— Và xin được biết là tôi có thể đưa tên ngài lên bài viết của tôi được không?

— Được thôi. Mua được món hàng này, tôi rất hài lòng. Xin chào các ngài.

Stephen gật đầu chào với vẻ lịch lãm rồi bỏ đi. Anh bước ra, hoà nhập vào phố Bond, để lại sau lưng Robin, Jean Pierre, và James cùng với nỗi sợ hãi. Harvey, không một chút do dự, cũng ra đi.

Jean Pierre nặng nề thả người xuống chiếc gàn gỗ gụ từ thời Goerge. Anh thất vọng ngước nhìn Robin và James.

— Lạy chúa tôi, thế là hết. Sáu tuần chuẩn bị, ba ngày lo âu, để rồi hắn bỏ đi trước mắt chúng ta. - Jean Pierre nhìn chằm chằm vào bức tranh Mùa Gặt với tất cả sự giận dữ.

— Thế mà Stephen lại đoán chắc với chúng ta rằng Harvey sẽ ở lại, sẽ mặc cả với Jean Pierre. “Cái đó có sẵn trong con người hắn” - James nhái lại giọng điệu của Stephen - “Hắn sẽ chẳng để lọt lưới bức tranh đâu”.

— Kẻ nào đã nghĩ ra tất cả những trò ngu xuẩn này? - Robin lầm bầm.

— Stephen! - Cả bọn đồng thanh gào lên và chạy ào về phía cửa sổ.

— Ôi! Một tuyệt tác của Henry Moore.

Một quý bà trung niên, nai nịt kỹ càng như dũng sỹ ra trận thốt lên. Trong lúc ba người đang rên rỉ, bà ta nhẹ nhàng đi nhanh vào phòng và hỏi:

— Ngài lấy bao nhiêu đây?

— Tôi trở lại ngay đây, Madame! - Jean Pierre nói.

— Ôi, quỷ thật, có phải Metcalfe đang đi theo Stephen kia không. Robin, hãy nói chuyện với cậu ấy ngay.

— Stephen, cậu có nghe thấy tôi nói không? Đừng có nhìn lại phía sau đấy. Chúng tớ nghĩ là Harvey chỉ còn cách cậu vài bước.

— Cậu định nói cái quái gì đấy? Cái gì mà hắn chỉ còn cách tôi vài bước? Hắn phải vẫn đang ở phòng tranh để hỏi mua tranh Van Gogh chứ. Các cậu làm trò gì thế này?

— Harvey không cho chúng tôi cơ hội đó. Chúng tôi chưa kịp làm gì thì hắn đã theo cậu bén gót.

— Thông minh quá đấy. Nào, bây giờ tôi phải làm gì?

Jean Pierre cầm lấy máy:

— Tốt hơn hết là cậu hãy đi thẳng tới Dorchester đề phòng hắn thực sự đi theo cậu.

— Nhưng tôi thậm chí còn không biết Dorchester ở đâu, - Stephen hét lên.

Robin cứu nguy:

— Rẽ phải, Stephen, đi vào phố Bruton, cứ đi thẳng cho tới Quảng Trường Berkeley. Tiếp tục đi thẳng, đừng có nhìn lại đằng sau kẻo cậu sẽ làm hỏng hết mọi việc đấy.

— James, - Jean Pierre nói. Anh vốn có cái suy nghĩ và quyết định nhanh nhậy của nhà kinh doanh. - Hãy lập tức đón taxi tới Dorchester và đặt phòng số 120 cho ngài Drosser. Lấy sẵn chìa khoá cho Stephen và khi cậu ta xuất hiện ở cửa thì đưa ngay rồi lẩn đi. Stephen, cậu vẫn nghe đấy chứ?

— Ừ.

— Cậu nghe thấy tất cả rồi chứ?

— Rồi. Bảo James đặt phòng 119 hoặc 121 nếu phòng 120 có người.

— Được rồi, - Jean Pierre trả lời. - Làm đi, James.

James vùng đứng lên, lao ra khỏi phòng, đẩy bật một phụ nữ đang vẫy taxi. Đây là một hành động mà từ trước tới nay anh chưa bao giờ có.

— Dorchester, - anh ra lệnh mà như thét. - Chạy hết tốc độ!

Chiếc taxi lao đi.

— Stephen! James lên đường rồi, Robin cũng đang theo sát Harvey, cậu ta sẽ hướng dẫn cậu đường tới Dorchester. Tôi sẽ trực ở đây. Mọi việc khác đều O.K chứ?

— Không. - Stephen nói. - Hãy cầu nguyện đi. Tôi đã tới Quảng Trường Berkeley rồi. Đi đâu đây?

— Vượt qua vườn hoa rồi tiếp tục đi xuôi theo phố Hill.

Robin rời phòng tranh, chạy thẳng đến phố Bruton mãi cho tới khi anh chỉ còn cách Harvey 50 mét.

— Nào, chúng ta nói chuyện về bức tranh của Henry Moore, - quý bà mặc áo nịt bó sát nói.

— Quẳng Henry Moore đi, - Jean Pierre nói, thậm chí không thèm quay đầu lại.

Bộ ngực được nai nịt bằng thép như muốn vỡ tung.

— Này anh kia. Chưa có ai dám nói với tôi như …

Nhưng Jean Pierre đã bước vào phòng vệ sinh và đóng sập cửa.

— Cậu đang đi trên phố South Audley. Hãy đi tiếp vào phố Deaney. Cứ đi thẳng, không rẽ trái, không rẽ phải, và nhất thiết không được nhìn lại đằng sau. Harvey vẫn đi sau cậu khoảng 50 mét. Tôi cũng cách hắn khoảng 50 mét, - Robin nói.

Người qua đường nhìn như bị thôi miên vào một anh chàng vừa đi vừa lẩm bẩm vào một thiết bị nhỏ.

— Còn phòng 120 không?

— Có, thưa ngài. Họ vừa trả sáng nay, nhưng tôi không rõ giờ đã có ai thuê chưa. Tôi nghĩ là người hầu phòng vẫn đang dọn dẹp ở đó. Tôi sẽ kiểm tra lại, thưa ngài. - Một nhân viên tiếp tân trong trang phục buổi sáng nói với James.

— Ồ, không có gì ghê gớm lắm, - James tiếp tục. Giọng của anh giống người Đức hơn cả Stephen. - Tôi vẫn luôn luôn thuê phòng đó. Anh có thể vào sổ là tôi nghỉ lại một đêm. Tên tôi là Drosser, Herr - ừ … Helmut Drosser.

Anh thả nhanh lên quầy một đồng bảng.

— Vâng, được, thưa ngài.

— Stephen, đó là công viên Park Lane. Hãy nhìn về bên phải, cái khách sạn to lớn trên góc phố trước mặt anh chính là Dorchester. Cái cổng bán nguyệt kia là cổng vào. Hãy đi lên bậc tam cấp, đi qua lão béo mặc áo khoác xanh kia, đi tiếp qua cửa xoay, cậu sẽ thấy quầy tiếp tân ở bên phải. Chắc chắn, James đang chờ cậu tại đó.

Robin cảm thấy may mắn vì bữa tiệc thường niên của Hội Y Học Hoàng Gia đã được tổ chức ở đây năm ngoái.

— Harvey đâu? - Stephen lầm bầm.

— Cách cậu 40 mét.

Stephen tăng tốc độ, chạy lên bậc tam cấp. Anh lao qua cửa xoay nhanh và mạnh tới mức những người đang đi qua cửa bỗng thấy mình có mặt trên đường nhanh hơn mức bình thường. Lạy Chúa, James đã có mặt, tay cầm một chiếc chìa khoá.

— Thang máy ở đằng kia, - James nói, tay chỉ. - Cậu đã chọn một trong những phòng đắt nhất ở đây đấy.

Stephen liếc nhanh về phía mà James chỉ rồi quay lại cảm ơn anh. Nhưng James đã đi thẳng tới quầy ba dành cho người Mỹ cốt để tránh khỏi tầm nhìn của Harvey khi gã xuất hiện.

Lên tới tầng hai, Stephen ra khỏi thang máy. Anh nhận thấy khách sạn Dorchester, một khách sạn mà anh chưa từng đặt chân tới, cũng cổ kính như khách sạn Claridge’s. Anh đi trên những tấm thảm vàng, xanh dẫn tới căn phòng nhìn ra Công Viên Hyde Park. Anh nặng nề thả người xuống chiếc ghế êm ái, lo âu không biết những gì sẽ xảy ra tiếp theo. Chẳng có cái gì giống như trong kế hoạch cả.

Jean Pierre chờ đợi ở phòng tranh, James ngồi ở quầy bar dành cho người Mỹ, còn Robin nhởn nhơ trên Công Viên Lane.

— Ngài Drosser đang nghỉ tại khách sạn này phải không? Phòng 120? - Harvey nôn nóng hỏi.

Nhân viên lễ tân lướt qua danh sách rồi trả lời.

— Vâng, thưa ngài. Ông ta đang chờ ngài hay sao?

— Không, nhưng tôi muốn nói chuyện với ông ta qua điện thoại của khách sạn.

— Vâng. Xin ngài vui lòng đi qua cái cửa tò vò ở bên trái. Ngài sẽ thấy năm chiếc điện thoại, trong đó có một chiếc là điện thoại nội bộ.

Harvey làm theo sự hướng dẫn.

— Phòng 120. - Gã bảo nhân viên tổng đài.

— Ô số 1, thưa ngài.

— Xin cho gặp ngài Drosser.

— Tôi đây, - Stephen nói, lại tiếp tục cái giọng Đức mà anh đã phải nỗ lực tập luyện.

— Tôi là Harvey Metcalfe. Liệu tôi có thể lên gặp ngài và nói chuyện với ngài được không? Về bức tranh Van Gogh mà ngài vừa mua sáng nay.

— Ờ … ngay bây giờ thì được. Tôi đang chuẩn bị đi tắm vì có một cuộc hẹn dùng cơm trưa.

— Tôi sẽ không làm phiền ngài lâu đâu.

Stephen chưa kịp trả lời thì máy đã dập. Vài phút sau, có tiếng gõ cửa. Hai chân Stephen lảo đảo. Anh ra mở cửa mà lòng đầy hoang mang. Anh đã thay quần áo và đang mặc áo ngủ màu trắng của khách sạn.

Mái tóc màu nâu rối bù như sẫm hơn bình thường. Đó là cách hoá trang duy nhất mà anh có thể làm được trong giờ phút ngắn ngủi này vì vốn dĩ, anh không tính đến trường hợp phải giáp mặt Harvey.

— Xin lỗi vì sự đường đột, thưa ngài Drosser, nhưng tôi cần gặp ngài ngay lập tức. Tôi biết là ngài vừa mua một bức tranh Van Gogh ở phòng tranh Lamanns. Tôi hy vọng, vì ngài là một thương nhân, nên ngài sẽ vui lòng bán lại nó cho tôi để kiếm lời.

— Không. Cảm ơn ngài! - Stephen nói, và cảm thấy nhẹ nhõm. - Đã từ nhiều năm nay tôi vẫn ước ao có được một tác phẩm của Van Gogh cho phòng tranh của tôi ở Munich. Tôi rất lấy làm tiếc, ngài Metcalfe, tôi không thể bán nó.

— Ngày nhé, ngài đã trả 170.000 đồng vàng cho nó. Tính ra đôla là bao nhiêu?

Stephen im lặng.

— Ồ, khoảng 435.000 đôla.

— Tôi sẽ đưa ngài thêm 15.000 đôla nếu ngài bán bức tranh đó cho tôi. Tất cả những việc ngài phải làm bây giờ chỉ là gọi điện tới phòng tranh, nói với họ rằng bức tranh sẽ là của tôi và tôi sẽ thanh toán hoá đơn.

Stephen im lặng, không biết phải giải quyết thế nào. “Hãy nghĩ như Harvey Metcalfe". Anh tự nhủ.

— 20.000 đôla tiền mặt và ngài sẽ có bức tranh.

Harvey lưỡng lự. Hai chân Stephen lại run lên.

— Thôi được! - Harvey quyết định - Hãy phôn tới phòng tranh ngay.

Stephen nhấc điện thoại.

— Làm ơn nối máy tới phòng tranh Lamanns càng nhanh càng tốt, tôi có một cuộc hẹn dùng cơm trưa.

Sau vài giây máy được nối với Lamanns.

— Phòng tranh Lamanns đây.

— Xin cho gặp ngài Lamanns.

— Ồ, cậu đó à, Stephen. Cái quái gì đã xảy ra với cậu đấy.

— Xin chào ngài Lamanns, tôi là Herr Drosser. Ngài còn nhớ không, đầu giờ sáng nay tôi đã đến phòng tranh của ngài.

— Tất nhiên là tôi phải nhớ chứ, sao cậu ngốc thế, cậu định giở trò gì nữa đây, Stephen? Tôi đây, Jean Pierre đây.

— Ngài Harvey Metcalfe đang ở chỗ tôi.

— Chúa ơi, xin lỗi, Stephen. Tôi không…

— Vài phút nữa ngài Metcalfe sẽ đến chỗ ngài.

Stephen nhìn về phía Harvey. Ông ta gật đầu tỏ sự đồng ý.

— Ngài sẽ để lại bức tranh của Van Gogh mà tôi mua sáng nay cho ngài Metcalfe. Ngài Metcalfe sẽ trao cho ngài một tấm séc trị giá 170.000 đồng vàng.

— Thoát nạn rồi, thắng rồi, - Jean Pierre thì thầm.

— Tôi rất lấy làm tiếc vì sẽ không được là chủ nhân của bức tranh, nhưng như người Mỹ thường nói, tôi đã có lời, và tôi không thể chối từ. Rất cảm ơn ngài. - Stephen nói rồi đặt điện thoại xuống.

— Ngài Drosser, xin cảm ơn. Ngài đã giúp tôi trở thành một người hạnh phúc.

— Tôi sẽ không tiếc rẻ đâu, - Stephen thành thực nói. Anh tiễn Harvey ra cửa. Họ bắt tay nhau rất chặt.

— Tạm biệt.

— Chúc ngài một ngày tốt lành, ngài Metcalfe.

Stephen đóng cửa, đi lảo đảo về phía chiếc ghế. Gần như anh không còn đủ sức để nhúc nhích.

Robin và James trông thấy Harvey đi ra khỏi Dorchester. Robin đi theo gã về phía phòng tranh, trong anh, hy vọng đang bừng lên theo mỗi sải chân. James vào thang máy lên tầng hai, rồi đi như bay tới phòng 120. Anh đập cửa. Stephen nhảy bổ ra. Anh không hề muốn gặp lại Harvey. Anh mở cửa.

— James, là cậu.

— Trả phòng đi, thanh toán một đêm rồi ra gặp tôi ở quầy cocktail.

— Tại sao? Để làm gì?

— Một chai Krug Privée Cuvée 1964.

Một người đã thành công.

Còn ba cuộc quyết đấu của ba người.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện