CHƯƠNG 17
— Cứ gọi tôi là Harvey.
James đứng sững, kinh hoàng, không thốt được một lời. Anne liền phá vỡ sự im lặng:
— Anh uống whisky nhé, James?
Khó khăn lắm James mới nói được.
— Cảm ơn.
— Tôi muốn biết rất nhiều về cậu đấy, chàng trai ạ. - Harvey tiếp tục. - Tới đây, cậu sẽ làm gì, và tại sao mấy tuần vừa rồi, tôi ít được gặp con gái của tôi thế. Tuy vậy, tôi cũng đã đoán được câu trả lời rồi.
James uống một hơi cạn chén whisky. Ngay lập tức, Anne lại rót cho anh một cốc khác.
— Cha ít được gặp con gái của cha là vì con bận tham gia vào các cuộc triển lãm mốt, điều đó có nghĩa là con rất ít khi có mặt tại London.
— Cha biết, Rosalie…
— James chỉ biết con là Anne thôi, cha à.
— Chúng ta đặt tên cho con là Rosalie. Đối với mẹ con và ta, đó là một cái tên hay và tất nhiên, đôi với con cũng vậy.
— Ôi, cha, có cô người mẫu hạng nhất nào lại tự gọi mình là Rosalie Metcalfe đâu. Tất cả bạn bè con đều gọi con là Anne Summerton.
— Cậu nghĩ thế nào, James?
— Tôi bắt đầu nghĩ là tôi chưa hề quen biết cô ấy. - James đáp. Anh đã lấy lại bình tĩnh. Rõ ràng là Harvey không hề nghi ngờ gì cả. Gã không đối mặt với anh tại phòng tranh cũng không gặp anh tại Monte Carlo và Ascot, còn chiều hôm nay, gã chỉ được biết anh qua bộ dạng một ông già chín mươi tuổi. Anh chẳng có gì phải lo lắng cả. Nhưng thứ Hai tới này anh sẽ phải nói gì đây với các bạn, khi mà anh và họ đang cố tiêu diệt không phải một ông Harvey Metcalfe xa lạ nào mà chính là bố vợ tương lai của anh.
— Chúng ta ăn tối nhé?
Harvey không cần nghe câu trả lời. Gã hùng dũng tiến về căn phòng ăn thông với căn phòng họ đang ngồi.
— Rosalie Metcalfe, - James gầm gừ hung dữ. - Cô sẽ phải giải thích về điều này.
Anne hôn nhẹ lên má anh.
— Anh là người đầu tiên chiếm được cảm tình của cha em đấy. Anh sẽ tha thứ cho em chứ?… Em thật sự yêu anh mà…
Anne và James cùng ăn tối với Harvey. Nhìn vào ly cocktail tôm, James thấy vui vẻ hơn đôi chút. Anh hình dung Stephen sẽ tiếc rẻ như thế nào vì không cùng ăn tối với Harvey tại Magdalen.
— Này, James, tôi hiểu là cậu và Anne đã quyết định ngày cưới rồi phải không?
— Vâng, thưa ngài, nếu được ngài cho phép.
— Tất nhiên là tôi cho phép. Tôi cứ hy vọng sau khi tôi đoạt giải cuộc đua Vua George VI và Nữ Hoàng Elizabeth Stakes, Anne sẽ cưới Thái Tử Tử Charles cơ. Nhưng thôi, một nhà quý tộc cũng được.
Cả ba người cười phá lên vui vẻ. Một phút trước đây, không ai trong số họ dám nghĩ tới bầu không khí vui vẻ này.
— Rosalie, cha hy vọng sang là năm, con sẽ đến dự Wimbledon. Con hãy thử tưởng tượng mà xem, vào ngày thi đấu của nữ mà cha lại đi cùng một lão chủ ngân hàng người Thuỵ Sĩ già nua và buồn tẻ.
Anne nhìn James rồi cười toe toét.
Những người bồi dọn dẹp bàn ăn rồi đẩy vào một chiếc bàn trên có món thịt cừu được bày biện dưới dạng một chiếc mũ miện với những đường diềm làm bằng món cutlet.
— Còn nữa, - Harvey vui vẻ tiếp tục, - cảm ơn con đã gọi điện cho cha tại Monte Carlo. Mà con biết không, cha đã tưởng mình sẽ chết cơ đấy. James, cậu không thể tin được đâu. Nhưng quả thật là họ đã moi được từ bụng tôi viên sỏi thận to bằng một quả quýt đấy, ơn Chúa, chính bác sĩ nổi tiếng nhất thế giới, bác sĩ Wiley Barker, bác sĩ phẫu thuật của Tổng Thống đã thực hiện ca mổ này. Ông ta đã cứu mạng tôi.
Không ngần ngại, Harvey cởi khuy áo, để lộ một vết sẹo chừng 4 cm trên cái bụng vĩ đại.
— Cậu nghĩ thế nào, James?
— Rất đáng nhớ.
— Ôi cha, thật là…! Chúng ta đang ăn mà.
— Ôi, con gái ơi, đừng càu nhàu. Đây không phải là lần đầu tiên James nhìn vào bụng một người đàn ông.
“Đúng thế. Đây không phải là lần đầu tiên ta được nhìn cái bụng này", - James nghĩ.
Harvey nhét lại áo vào trong quần, và tiếp tục.
— Dẫu sao thì con gọi điện cho cha cũng là tử tế lắm rồi. - Gã vươn người qua bàn, vỗ vỗ bàn tay Anne. - Cha cũng là một người rất tử tế đấy, con gái ạ. Cha đã làm theo lời khuyên của mẹ con, đã giữ bác sĩ Barker ở lại bên cha thêm một tuần nữa để đề phòng bất trắc. Mà con biết không, giá cả…
James làm rơi cái ly rượu Bordeaux tràn lênh láng, tạo thành một vệt đỏ dài trên khăn trải bàn.
— Tôi xin lỗi.
— Cậu không sao chứ, James?
— Không, không sao, thưa ngài.
James nhìn Anne với một sự tức giận không được bày tỏ. Harvey vẫn thản nhiên.
— Thay khăn trải bàn và mang thêm rượu cho ngài Brigsley. - Harvey hét.
Người bồi mở một chai Bordeaux mới. James quyết định, bây giờ tới lượt anh giải trí. Suốt ba tháng qua Anne đã cười vào mũi anh, tại sao bây giờ anh lại không chọc ghẹo nàng một chút nếu Harvey đã cho anh cơ hội?
Harvey tiếp tục nói.
— Cậu thích đua ngựa chứ, James.
— Vâng, thưa ngài, và tôi rất vui mừng với chiến thắng của ngài tại cuộc đua Vua George VI và Nữ Hoàng Elizabeth Stakes vì nhiều lý do hơn là ngài tưởng.
Trong khi những người bồi dọn bàn ăn thì Anne nói nhỏ:
— Đừng cố tỏ ra quá thông minh. Cha không ngu ngốc như anh tưởng đâu.
— Cậu nghĩ thế nào về nó?
— Ngài bảo sao?
— Rosalie ấy.
— Rất tuyệt, - Tôi đặt 5 bảng cho mỗi vòng đua của nó.
— Với cha, đây quả là một dịp đặc biệt. Rất tiếc là con đã bỏ lỡ. Lẽ ra con đã được gặp Nữ Hoàng và một ông bạn rất thú vị của cha, giáo sư Porter của trường Đại Học Oxford.
— Giáo sư Oxford à? - James hỏi lại. Anh cố giấu mặt sau cốc rượu vang.
— Đúng thế, giáo sư Porter. Cậu có biết ông ấy không?
— Không, thưa ngài, tôi không biết. Nhưng ông ta không được nhận giải thưởng Nobel à?
— Có chứ, và ông ta đã đón tiếp tôi rất nồng hậu. Bản thân tôi cũng thấy rất hài lòng và đã trao tặng nhà trường một tấm séc 250.000 đôla để dùng vào công việc nghiên cứu. Ông ta hẳn phải thấy hạnh phúc lắm.
— Ôi cha, người ta dặn cha không được nói với ai cơ mà.
— Đúng vậy, nhưng James là người nhà mà.
— Tại sao ngài lại không được nói với ai?
— Ôi, đó là cả một câu chuyện dài, nhưng với tôi, đó là một niềm vinh hạnh. Chắc cậu hiểu đây là một chuyện tối mật. Tôi đã được mời tới dự lễ Encaenia, đã ăn trưa tại All Souls với ngài Harry Macmillan, vốn từng là ngài Thủ Tướng đáng mến, rồi tôi lại tới dự tiệc Garden Party, và cuối cùng tôi đã gặp gỡ ngài Hiệu Phó tại phòng riêng của ngài cùng với ngài Trưởng Phòng Đào Tạo và Thư Ký University Chest. Cậu đã bao giờ tới Oxford chưa, James?
— Có, thưa ngài. Tới khu House.
— House? - Harvey thắc mắc.
— Nhà thờ tôn giáo, thưa ngài.
— Không thể nào hiểu nổi Oxford.
— Vâng, đúng vậy, thưa ngài.
— Cậu cứ gọi tôi là Harvey. Như tôi vừa nói đấy, chúng tôi đã gặp nhau tại Clarendon, tất cả bọn họ cứ lắp ba lắp bắp không nói nên lời trừ một ông già rất vui tính, mà có lẽ đã tới 90 tuổi. Thực ra là họ không biết phải làm gì để đến gần túi tiền của các nhà triệu phú. Thế là tôi giúp họ thoát khỏi sự lúng túng ấy. Suốt cả một ngày, họ nói huyên thuyên về ngôi trường đáng kính của họ, cuối cùng, tôi phải buộc họ nghỉ ngơi bằng cách rất đơn giản: Viết một tấm séc 250.000 đôla.
— Ngài thật hào hiệp.
— Lẽ ra, tôi đã cho 500.000 đôla nếu ông già kia ngỏ lời. James, cậu nhợt nhạt quá. Cậu không sao chứ?
— Ôi, tôi xin lỗi. Tôi vẫn bình thường. Câu chuyện ngài kể thật là hấp dẫn.
Anne tham gia:
— Nhưng cha đã thoả thuận với ngài Hiệu Phó là món quà đó chỉ nhằm thắt chặt hơn mối quan hệ giữa cha và Trường Đại Học, và cha cũng đã hứa là sẽ không bao giờ kể lại câu chuyện này cho ai cơ mà. Cha lại còn nghĩ là sẽ mặc chiếc áo choàng của họ khi khai trương Thư Viện Metcalfe ở Harvard vào mùa thu tới.
— Ôi, không thưa ngài, - James lắp bắp, - không thể như thế được. Ngài chỉ nên mặc chiếc áo choàng đó trong các dịp lễ của Oxford thôi.
— Ô, cũng được thôi. Tuy vậy, tôi vẫn biết người Anh các cậu rất tôn trọng nghi thức. Điều này khiến cho tôi nghĩ lại. Bây giờ chúng ta phải thảo luận về đám cưới của con gái tôi. Tôi nghĩ là cả hai đều muốn sống ở nước Anh phải không?
— Vâng, thưa cha, nhưng hàng năm chúng con sẽ về thăm cha, còn cha mỗi khi tới Châu Âu, lại đến ở cùng chúng con.
Người bồi lại dọn bàn ăn, họ mang tới những trái phúc bồn tử mà Harvey ưa thích. Anne cố gắng lái câu chuyện vào các chủ đề về gia đình và không để cho cha mình có dịp nói về những việc mà ông đã làm trong hai tháng qua, còn James thì lại cố hết sức đưa gã trở về đề tài này.
— Ngài dùng cà phê hay rượu?
— Không! Cảm ơn, - Harvey nói, - tính tiền đi. Theo tôi, chúng ta sẽ uống một chút gì đó tại phòng riêng của tôi ở Claridge’s. Tôi muốn cho hai người xem cái này. Khá là ngạc nhiên đấy.
— Thế thì con không chờ được đâu. Con rất thích sự ngạc nhiên. Anh cũng vậy phải không James?
— Thường thì vẫn vậy, nhưng hôm nay thì đủ rồi.
James tạm thời chia tay hai người, anh lái chiếc Alfa Romeo vào gara khách sạn Claridge’s. Nhờ vậy, Anne có đôi chút thời gian tự do với cha. Họ nắm tay nhau thả bộ dọc theo phố Curzon.
— Anh ấy tuyệt vời đấy chứ, thưa cha?
— Ờ, được đấy, lúc đầu hắn tỏ ra quá khôn ngoan nhưng trong bữa ăn hắn cũng biết tán gẫu. Đặc biệt là hắn đã biến con gái của cha thành một quý bà người Anh. Mẹ con hẳn sẽ rất hài lòng đấy. Cha rất lấy làm mừng vì đã dàn xếp được các cuộc cãi vã ngớ ngẩn giữa cha và mẹ.
— Ôi, chính là nhờ cha đấy.
— Nhờ cha à?
— Vâng. Suốt mấy tuần qua, con đã cố gắng thu xếp công việc tương đối ổn. Nào, cha nói đi, điều ngạc nhiên nho nhỏ là cái gì vậy?
— Chờ một chút nào, con gái yêu. Đó là quà cưới cho con.
James gặp lại họ ngay trên lối vào khách sạn. Nhìn Anne, anh có thể đoán chắc rằng Harvey đã chấp nhận anh.
— Chào ngài.
— A, chào Albert. Hãy cho người mang cà phê và một chai Remy Martin lên phòng tôi nhé.
— Vâng, có ngay thưa ngài.
James chưa bao giờ được đặt chân vào phòng nghỉ Hoàng Gia. Qua khỏi buồng phụ bé nhỏ, là một phòng ngủ rất trang nhã ở bên phải, bên trái là phòng khách. Harvey dẫn mọi người đi thẳng vào phòng khách.
— Các con của ta, ngay bây giờ, các con sẽ được xem món quà cưới đó.
Bằng một cử chỉ hết sức kiểu cách, gã mở cửa phòng khách, và ở đó, trên bức tường đối diện là bức tranh Van Gogh. Cả hai lặng người, nhìn thẳng vào bức tranh mà không thốt được lời nào.
— Chính cha cũng có phản ứng tương tự, - Harvey nói. - Không thể thốt lên lời.
— Cha ơi, - Anne nghẹn ngào, - một bức tranh của Van Gogh. Nhưng cha vẫn ước ao một bức tranh Van Gogh cơ mà. Con không thể tước đoạt hạnh phúc của cha. Hơn nữa, ở nhà con chẳng có cái gì đáng giá tương xứng với nó. Lại còn những rủi ro nữa, như mất cắp chẳng hạn; chúng con không có phương tiện bảo vệ như cha. - Rồi cô quay sang James, lắp bắp. - Chúng mình không thể để cha hy sinh niềm tự hào của mình, phải không James?
— Tất nhiên là không rồi, - James tỏ vẻ xúc động, nói. - Nếu chúng ta nhận bức tranh này, anh sẽ rất áy náy.
— Cha nên giữ bức tranh này ở Boston, chỉ nơi đó mới xứng đáng.
— Thế mà cha lại cứ tưởng con sẽ thích nó cơ đấy, Rosalie.
— Có ạ! Có ạ! Con chỉ không muốn chịu trách nhiệm về nó thôi. Vả lại, cha cũng phải cho mẹ ngắm nhìn nó với chứ. Lúc nào thích hợp, cha sẽ cho con và James mượn.
— Ừ, con nói đúng. Làm như vậy, tất cả đều được thưởng thức bức tranh. Thôi, cha tìm một món quà khác vậy. Này James, gần như lúc nào nó cũng lấn át tôi, điều mà suốt hai mươi tư năm nay, nó chưa từng làm.
— Ôi, con mới thành công có hai ba lần gì đó thôi, và con hy vọng là sẽ còn thành công một lần nữa.
Harvey phớt lờ lời nhận xét của Anne. Gã vừa nói vừa chỉ tay vào một chú ngựa đồng.
— Kia là Cúp Vua George VI và Nữ Hoàng Elizabeth Stakes. Trên lưng ngựa là một tay nài ngựa đeo đai sắt, đội mũ bốn múi gắn kim cương. Cuộc đua này rất quan trọng, vì vậy, mỗi năm họ đều tặng Cúp mới. Chiếc Cúp này sẽ mãi mãi thuộc về cha.
“Ít nhất thì hắn cũng được nhận Cúp thật, như vậy là may mắn lắm rồi". - James nhủ thầm.
Cà phê và rượu brandy được mang tới, tất cả cùng ngồi vào bàn bạc kỹ lưỡng về đám cưới.
— Rosalie, tuần sau con phải bay về Lincoln giúp đỡ mẹ con khâu chuẩn bị, kẻo bà ấy sẽ rất lo âu và sẽ chẳng làm được việc gì đâu. Còn James, cậu phải cho tôi biết số khách mà cậu sẽ mời để tôi còn lên danh sách và đặt tiệc tại nhà hàng Ritz. Đám cưới sẽ được cử hành tại Nhà Thờ Trinity, trên Quảng Trường Copley. Sau đó, tất cả sẽ lại trở về nhà tôi tại Lincoln, để tổ chức đãi đằng theo kiểu Anh chính cống. Cậu thấy thế nào?
— Rất tuyệt. Ngài quả là một nhà chiến lược tài ba.
— Tôi luôn luôn như vậy đấy. Cái gì cũng có giá của nó mà. Trong tuần này, cậu và Rosalie phải thu xếp mọi công việc để tuần sau Rosalie sẽ trở về Lincoln. Có thể cậu chưa biết, nhưng ngày mai, tôi về Mỹ rồi.
“Trang 38A, hồ sơ xanh", - James nghĩ nhanh.
James và Anne ở lại thêm một tiếng nữa để bàn chuyện đám cưới. Gần nửa đêm họ mới ra về.
— Sáng mai, ngủ dậy là con đến chỗ cha liền.
— Xin tạm biệt ngài!
James bắt tay Harvey rồi bước đi.
— Con đã nói với cha mà, anh ấy rất tuyệt.
— Ừ. Một chàng trai dễ mến. Mẹ con rồi sẽ rất hài lòng.
Khi đứng trong thang máy, James chẳng hề nói với Anne một lời vì ngoài họ ra còn có hai người đàn ông khác cũng muốn xuống tầng một. Nhưng chỉ vừa ngồi vào chiếc ghế Alfa Romeo, James đã tóm lấy cổ nàng, kẹp nàng vào giữa hai chân anh và phát mạnh vào mông nàng đau tới mức nàng không biết nên cười hay nên khóc.
— Cái gì vậy?
— Đề phòng sau khi cưới, em quên mất ai là chủ gia đình.
— Anh quả là một con lợn đại ngốc, thế mà em lại cố sức giúp anh.
James lái xe như điên về phía nhà Anne.
— Thế còn cái tiểu sử mà em vẫn kể ấy: Cha mẹ em sống ở Washington, cha em làm ở ngoại giao đoàn. Rồi anh nhái giọng Anh “ngoại giao đoàn”.
— Vâng, nhưng em cũng phải nghĩ ra một cái gì đó chứ, một khi em biết anh đang chống lại ai.
— Anh sẽ nói gì với mọi người đây?
— Không nói gì hết. Anh cứ mời họ đến dự đám cưới, bảo với họ rằng mẹ em là người Mỹ nên chúng ta phải tổ chức đám cưới ở Boston. Em muốn được chứng kiến cảnh họ khám phá ra ông bố vợ của anh. Và dù thế nào thì anh cũng phải vạch ra một kế hoạch, anh không được phép để họ thất vọng.
— Nhưng tình thế đã thay đổi rồi.
— Không. Không có gì thay đổi hết. Thực chất của vấn đề là tất cả bọn họ đều thành công còn anh thì chưa. Vì vậy, trước khi đi Mỹ anh phải hoàn tất kế hoạch của riêng mình
— Nhưng rõ ràng là bọn anh sẽ không bao giờ thành công nếu không có em giúp.
— Vớ vẩn. Em có làm gì giúp Jean Pierre đâu. Em chỉ phác thêm một vài nét lên tấm phông thôi Nhưng anh phải hứa là sẽ không bao giơ phát vào mông em nữa đấy?
— Tất nhiên là anh sẽ còn làm như vậy mỗi khi nhìn thấy bức tranh, còn bây giờ…
— Ôi, James, anh thật là một kẻ khát tình.
— Anh biết thế, em yêu. Em nghĩ thế nào về chuyện dòng họ Brigsley của anh dạy dỗ con cháu họ trong việc duy trì nòi giống.
Sáng hôm sau, để có thời gian ở bên cha, Anne chia tay với James từ sớm. Đến trưa, họ cùng nhau ra sân bay tiễn Harvey về Boston.
Lúc ngồi trong xe hơi, trên đường trở về, Anne không thể không hỏi James là anh định sẽ nói gì với các bạn. Nhưng nàng không nhận được câu trả lời nào ngoài câu:
— Cứ chờ đấy. Nhưng anh không thể thay đổi. Anh rất mừng vì thứ hai em về Mỹ rồi.