Chương 07-08
Mấy hôm nay Quý ròm có ý đợi Văn Châu. Cũng như Tiểu Long và
nhỏ Hạnh, nó đang ôm trong lòng biết bao nhiêu là thắc mắc. Rằng tại sao ông của
Văn Châu lại không ở chung với gia đình nó? Rằng tại sao ba nó lại chọn bạn cho
nó mà không cho nó tự do tìm bạn? Rằng tại sao nó là con gái mà mang cái tên Trần
Văn Châu hệt như tên một đứa con trai? Lúc ở nhà ông của Văn Châu, Quý ròm đã
muốn hỏi lắm lắm nhưng bầu không khí ngột ngạt làm nó ngần ngại. Quý ròm định bụng
sẽ chặn đường Văn Châu lúc nó đi học thêm để hỏi cho ra lẽ.
Nhưng khổ nỗi, lúc Quý ròm không có ý định gặp Văn Châu thì nó cứ nhởn nhơ lượn
qua lượn lại trước cổng hoài, còn khi Quý ròm nôn nao muốn gặp mặt nó thì nó mất
tăm mất tích hệt như hòn sỏi rơi xuống hồ.
Đợi thêm chừng vài ngày, Quý ròm lắc đầu nói với Tiểu Long và nhỏ Hạnh:
- Chịu! Nó biến rồi.
Nhỏ Hạnh ngơ ngác:
- Sao thế? Văn Châu nghỉ học luôn à?
- Ừ! – Quý ròm ỉu xìu – Mấy hôm nay nó không đi ngang nhà tôi nữa.
- Không thể như thế được. – Tiểu Long nhíu mày – Văn Châu mới đi học chưa được
một tháng, lẽ nào lại nghỉ học?
Nhỏ Hạnh lộ vẻ lo âu:
- Hay là Văn Châu gặp chuyện gì?
Sự phỏng đoán của nhỏ Hạnh khiến Tiểu Long chột dạ. Nó hít vào một hơi dài và cố
trấn an:
- Văn Châu không gặp chuyện gì đâu. Có thể nó chỉ bị ốm thôi.
Quý ròm nhanh nhảu:
- Nếu vậy tụi mình phải đi thăm nó ngay.
Tiểu Long ngập ngừng:
- Tụi mình đã biết nhà của Văn Châu đâu.
- Cứ đến nhà ông nó. – Quý ròm khoát tay – Biết đâu nó đang nằm ở đó. Nếu
không, mình sẽ nhờ ông nó chỉ nhà giùm mình.
Khi bọn Quý ròm tới, cánh cổng sắt trước nhà ông Văn Châu vẫn đóng im ỉm. Cả bọn
đứng thập thò ngoài cổng dáo dác nhìn vào xem thử có Văn Châu lảng vảng trong
đó không nhưng bên trong tịnh không một bóng người.
Đứng một hồi mỏi cẳng, Quý ròm tặc lưỡi đề nghị:
- Hay là mình gọi ông nó?
- Theo Hạnh là không nên. – Nhỏ Hạnh lắc đầu – Ông bị loà, chớ làm kinh động tới
ông.
- Ừ, phải đấy. – Tiểu Long hùa theo – Ông không nhìn thấy gì, nếu lò mò ra mở cổng
cho mình, nhỡ vấp té thì khổ.
Cả bọn còn đang loay hoay, nhỏ Hạnh chợt nhìn thấy chị Thắm thấp thoáng đằng
góc rào, liền mừng rỡ kêu:
- Chị Thắm! Chị Thắm!
Nghe tiếng gọi, chị Thắm ngạc nhiên nhìn quanh và khi phát hiện ra bọn Quý ròm
đang đứng lố nhố bên ngoài, chị buông thùng tưới xuống, vội vàng bước lại:
- Các em đi đâu đấy? – Giọng chị căng thẳng.
- Tụi em đi thăm Văn Châu.
Chị Thắm nói nhanh:
- Hôm nay Văn Châu không đến đây.
Tiểu Long gãi đầu:
- Thế nhà bạn ấy ở đâu, chị biết không?
Chị Thắm ngó lơ chỗ khác:
- Chị không biết.
Thái độ của chị Thắm khiến nhỏ Hạnh đâm nghi. Nó chưa kịp nghĩ ra cách nào dò hỏi
thì Quý ròm bỗng chép miệng bâng quơ:
- Không hiểu sao liên tiếp mấy buổi chiều vừa rồi bạn ấy không đi học. Chắc bạn
ấy đang ốm liệt giường phải không chị?
Chị Thắm không biết Quý ròm giăng bẫy, thật thà đáp:
- Không phải đâu. Nó khoẻ như vâm chứ ốm o gì.
Chỉ đợi có vậy, Quý ròm cười toe:
- Chị bảo Văn Châu không đến đây, sao chị biết bạn ấy không ốm o gì?
Câu hỏi vặn của Quý ròm làm chị Thắm ngẩn ra đến một lúc. Nhưng rồi chị trả lời
được ngay:
- Hôm nay Văn Châu không đến nhưng hôm qua nó có đến.
Quý ròm không ngờ chị Thắm lại thoát ra khỏi bẫy rập của mình một cách dễ dàng
như thế nên nó chỉ biết đực mặt đứng ngẩn tò te.
Đúng vào lúc cả bọn đang sắp sửa lãnh “một bàn thua trông thấy”, một ý nghĩ mới
mẻ loé lên trong đầu nhỏ Hạnh. Nó nhìn chị Thắm và nói bằng giọng nghiêm trang:
- Nếu không có Văn Châu thì chỉ để tụi em vào thăm ông của bạn ấy vậy.
- Tụi em vào thăm ông? – Chị Thắm há hốc miệng.
Nhỏ Hạnh trịnh trọng gật đầu:
- Đúng vậy. Hôm trước ông có dặn tụi em khi nào rảnh thì đến chơi với ông.
Nhỏ Hạnh vốn không quen nói dối. Nhưng hôm nay trước tình thế quá sức khó khăn,
nó bỗng nói dối trơn tru đến mức “tổ sư bốc phét” Quý ròm cũng phải bái phục.
Thực ra nhỏ Hạnh không bịa đặt hoàn toàn. Hôm trước ông của Văn Châu có bảo bọn
nó siêng năng đến chơi thật. Nhưng đến chơi là chơi với Văn Châu chứ không phải
với ông. Bữa nay nhỏ Hạnh lặp lại đúng câu nói đó của ông, chỉ sửa lại chút đỉnh,
nên nó không cảm thấy ngượng miệng cho lắm.
Chị Thắm có tài thánh mới biết được sự lắt léo bên trong đó. Thấy nhỏ Hạnh đem
ông ra làm bằng cớ, mặt mày lại thành khẩn, trang nghiêm, chị không dám chần chừ,
liền rút chùm chìa khoá trong túi ra lật đật mở cổng:
- Vậy thì các em vào đi!
Rồi chị cẩn thận dặn thêm:
- Nhưng các em nhớ đừng ở chơi lâu quá đấy nhé!
- Sao vậy hở chị? – Quý ròm thắc mắc.
Chị Thắm đáp bằng giọng bối rối:
- Chị chỉ sợ… ông mệt.
Ông của Văn Châu đón tiếp bọn Quý ròm với vẻ niềm nở:
- À, các cháu lại đến chơi với bạn Văn Châu đấy ư?
- Vâng ạ! – Nhỏ Hạnh rụt rè đáp – Lâu quá không thấy Văn Châu đi học, tụi cháu
định đến thăm.
- Cháu nói gì lạ thế? – Ông của Văn Châu tỏ vẻ ngạc nhiên – Sáng nào Văn Châu
cũng đi học kia mà.
Quý ròm khịt mũi:
- Tụi cháu muốn nói đến lớp học thêm buổi chiều ấy.
- À! – Giọng ông bỗng dưng trầm xuống – Lớp đó thì Văn Châu nghỉ luôn rồi. Bây
giờ nó không đi học thêm ở ngoài nữa. Ba mẹ nó rước thầy về dạy ngay trong nhà.
- Sao thế hở ông? – Quý ròm hỏi.
- Nói chung là… – Giọng ông thoáng ngập ngừng – Nói chung là ba mẹ nó không muốn
nó đi ra ngoài nhiều, sợ nó kết bạn lung tung.
Rồi dường như sợ bọn Quý ròm tự ái, ông tặc lưỡi nói thêm:
- Ông thì ông chẳng nghĩ như vậy. Một đứa trẻ nếu được giáo dục tốt nó sẽ tự khắc
biết chọn bạn mà chơi. Bổn phận của các bậc làm cha làm mẹ là dạy con biết phân
biệt điều đúng điều sai chứ không phải cấm cản hoặc giữ rịt nó trong nhà.
Nhỏ Hạnh thình lình hỏi:
- Nếu thế thì tại sao ba mẹ bạn Văn Châu không ngăn cản bạn ấy đi học thêm ngay
từ đầu mà đợi đến bây giờ mới cấm hở ông?
Câu hỏi bất ngờ của nhỏ Hạnh khiến ông lộ vẻ khó xử. Sau một thoáng đắn đo, ông
chậm rãi đáp:
- Điều đó chẳng qua là do ba của bạn Văn Châu đã tình cờ trông thấy các cháu.
- Trông thấy tụi cháu? – Ba cái miệng cùng bật hỏi – Thấy lúc nào kia ạ?
- Lúc các cháu đến đây chơi ấy.
Quý ròm trố mắt:
- Hôm đó tụi cháu nấp ở đằng sau kia mà.
Ông thở dài:
- Lúc các cháu nấp thì ba của Văn Châu không biết, nhưng khi các cháu ra về thì
ba nó trông thấy.
- Sao lại như thế được? – Quý ròm gãi cổ – Khi tụi cháu ra về thì ba của bạn ấy
đã về trước rồi kia mà.
Ông mỉm cười:
- Sao các cháu lẩn thẩn thế! Từ nhà Văn Châu ngó qua đây, đến con kiến cũng có
thể nhìn thấy nữa là các cháu.
Câu nói của ông làm bọn trẻ chưng hửng. Ba cái miệng cùng nín thở:
- Thế nhà bạn Văn Châu là nhà nào hở ông?
Tới phiên ông chưng hửng:
- Các cháu không biết thật sao?
- Dạ, không biết ạ! – Bọn Quý ròm đồng thanh.
Ông im lặng một lúc rồi chậm chạp trỏ tay về phía ngôi biệt thự trong vườn:
- Nhà nó đấy.
- Ôi! – Bọn trẻ rên lên sửng sốt – Thế mà bạn Văn Châu bảo là nhà bạn ấy ở xa lắm.
Còn đây chỉ là nhà hàng xóm.
Ông lại mỉm cười:
- Nó nói dối các cháu đấy.
Phát hiện bất ngờ này khiến bọn trẻ lặng người, thẫn thờ suy nghĩ. Thế ra Văn
Châu không ốm! Nó chỉ bị ba mẹ bắt phải bỏ học những lớp buổi chiều. Giờ này chắc
nó đang khổ sở với vị gia sư mới rước về trong ngôi nhà đẹp đẽ nhưng tù túng
kia. Và biết đâu trong khi bọn Quý ròm cất công đi tìm nó thì nó cũng đang nhớ
tới bọn Quý ròm, những người bạn tuy mới quen nhưng đã có chung với nhau những
kỉ niệm đặc biệt không thể nào quên.
Sực nhớ ra một chuyện quan trọng, nhỏ Hạnh rụt rè lên tiếng:
- Ông ơi!
- Gì thế cháu?
Nhỏ Hạnh thu hết can đảm:
- Tại sao bạn Văn Châu lại… trông giống con trai thế hở ông?
Bọn trẻ cứ lo thắc mắc của nhỏ Hạnh sẽ làm ông phật ý. Nhưng điều đó đã không xảy
ra. Giọng ông bình thản:
- Không chỉ các cháu mà rất nhiều người đều ngỡ Văn Châu là con trai. Hồi bà
chưa mất, mắt ông chưa bị loà, Văn Châu đã nom hệt một thằng nhóc rồi. Lỗi
không phải do nó. Ngay từ khi chưa sinh ra, nó đã là một đứa con trai rồi.
Tiết lộ của ông bí hiểm đến nỗi bọn Quý ròm cứ thuỗn mặt ra. Dường như ông cũng
biết thế nên ông hắng giọng từ tốn kể:
- Chả là trước khi Văn Châu ra đời, nó đã có hai người chị…
Câu chuyện ông kể lạ lùng đến khó tin. Bọn Quý ròm nín thở nghe, miệng há hốc
như nuốt lấy từng lời:
- Hai người chị của Văn Châu là Hồng Lam và Ngọc Diệu. Hồng Lam là chị cả. Ngọc
Diệu là chị thứ hai. Ba mẹ của Văn Châu thoạt đầu chỉ định sinh hai đứa con.
Nhưng rồi thấy cả hai toàn là gái, ba nó quyết định sinh thêm đứa thứ ba để
mong kiếm một đứa con trai. Sự khao khát đó lớn đến mức khi đứa con còn nằm
trong bụng, ba mẹ nó đã may sẵn cho nó các loại quần áo kiểu con trai. Những thứ
đồ chơi của con trai như banh bóng, súng gươm, xe tăng đại bác… cũng được sắm sẵn.
Ngay cả cái tên cũng đặt trước: Trần Văn Châu, ý nói con trai là “châu báu” ở
trong nhà…
- Ôi! – Nghe đến đây, không nén được nhỏ Hạnh bật kêu – Chẳng lẽ bạn Văn Châu
mang tên Trần Văn Châu thật hả ông?
- Cũng gần như thế. – Ông gật gù – Khi biết Văn Châu là con gái, tất nhiên ba mẹ
nó thất vọng não nề. Cuối cùng, hai người bàn với nhau cứ xem Văn Châu như con
trai cho đỡ ấm ức. Thế là để xoa dịu tâm lí của ba mẹ, ngay từ lúc mới lọt
lòng, Văn Châu đã nghiễm nhiên trở thành một đứa con trai từ cách ăn mặc cho tới
tóc tai đầu cổ. Cái tên Trần Văn Châu vẫn được giữ lại, chỉ “bổ sung” thêm một
chữ “Thị” vào giữa: Trần Thị Văn Châu.
- Hèn gì! – Tiểu Long vỡ lẽ, tặc tặc lưỡi.
Quý ròm cũng thở phào:
- Có thế chứ. Con gái ai lại mang tên Trần Văn Châu bao giờ.
Nhỏ Hạnh hồi hộp:
- Rồi sao nữa hở ông?
- Tất nhiên là nó giống hệt một thằng nhóc chứ sao. – Ông nhún vai – Ở nhà cũng
như ở trường, nó chỉ chơi với bạn trai. Nó mê vật lộn hơn là nhảy dây, thích đá
bóng hơn chơi đánh đũa. Nó còn ghi tên sinh hoạt ở Câu lạc bộ võ thuật và lớp
năng khiếu bóng đá quận…
Lời kể của ông dần dần làm sáng tỏ những điều bí mật vẫn bao quanh “nhân vật”
Văn Châu. Tiểu Long cứ “Hèn gì!” luôn miệng. Còn Quý ròm và nhỏ Hạnh thì không
ngớt gục gà gục gặc…
- Tính tình cũng như cách nói năng đi đứng của Văn Châu khiến ba mẹ nó ngày
càng đâm lo. Nhất là từ khi thằng Bạch Kim em nó ra đời sau đó sáu năm đã thoả
mãn được nỗi khát khao của ba mẹ nó…
Ông vừa ngừng lời, Quý ròm đã nôn nóng hỏi:
- Thế bạn Văn Châu có… biến thành con trai thật không ông?
- Làm gì có chuyện đó. – Ông cười khẽ – Văn Châu là đứa có thể chất tốt, lại
chơi với bạn trai từ nhỏ nên nó hiếu động thế thôi. Chừng vài năm nữa, bắt đầu
đến tuổi trưởng thành, tính tình và kiểu cách sinh hoạt của nó dĩ nhiên sẽ khác
đi. Hơn nữa, tuy bề ngoài ngổ ngáo là thế, nhưng những khi ở bên ông, Văn Châu
vẫn là một đứa cháu gái dịu dàng, khéo léo. Nó phụ với chị Thắm giặt giũ, nấu
nướng, quét dọn giúp ông hệt như một cô nội trợ đảm đang ấy chứ.
Ông nói về cô cháu gái của mình bằng giọng yêu thương, âu yếm và tin cậy. Nghe
ông giải thích, bọn Quý ròm thở phào. Nỗi lo lắng mơ hồ về cô bạn Văn Châu bỗng
chốc bay biến mất.
- Thế còn ông? – Quý ròm bỗng vọt miệng.
- Ông sao?
Quý ròm nói nhanh, không nhìn thấy cái nháy mắt ngăn cản của nhỏ Hạnh:
- Sao ông không sống chung với ba mẹ bạn Văn Châu mà lại sống một mình trong
căn nhà này? Hay là… hay là…
Thấy Quý ròm ấp úng một hồi vẫn không nói hết câu, ông hiểu ngay sự thắc mắc
trong lòng nó. Ông quay mặt ra ngoài sân, thong thả:
- Nhiều người cũng nghĩ như cháu. Nhưng không phải. Con và dâu của ông không hề
bạc đãi ông, ngược lại đối xử với ông rất tốt…
Nói đến đây, đột nhiên ông ngừng lời, trán cau lại như đang nghĩ xem nên bắt đầu
câu chuyện như thế nào…
Chương 8
Theo như ông của Văn Châu kể thì ông xuất thân từ nông thôn,
gắn bó gần suốt cuộc đời mình với làng quê mộc mạc. Ba của Văn Châu thì ngay từ
bé đã lên thành phố học, rồi đỗ đạt ra trường, sinh cơ lập nghiệp và lấy vợ đẻ
con luôn tại trên này. Sáu, bảy năm trước đây, đúng vào lúc Bạch Kim, đứa con
trai út, ra đời, ba của Văn Châu chuyển sang làm giám đốc một công ty vật liệu
xây dựng, bắt đầu ăn nên làm ra. Ba nó tậu ngôi biệt thự khang trang này và đón
ông bà về ở chung. Ông bà không muốn rời bỏ nếp sống quen thuộc nơi làng thôn,
nhưng ba của Văn Châu theo năn nỉ thuyết phục mãi, cuối cùng đành phải chiều
lòng.
Bà lên thành phố khoảng ba năm thì mất, bỏ lại ông thui thủi một mình. Rồi một
năm sau mắt ông mờ dần rồi loà hẳn, chẳng nhìn thấy gì. Từ đó ông đi đứng hay
va chạm và thường xuyên làm rơi vỡ đồ đạc trong nhà. Trong bữa cơm, nhiều khi
có khách cùng dự, ông lại thường làm rơi vãi thức ăn tung toé ra bàn. Trước những
chuyện đó, ba mẹ Văn Châu không nói gì nhưng ông cảm thấy dâu con mình có vẻ
phiền lòng. Thế là ông bảo dọn căn nhà kho cũ ở goc vườn để ông dời ra ở, bất
chấp sự ngăn cản của mọi người.
- Các cháu ạ! – Giọng ông nhuốm buồn – Ông dời ra đây thực ra chẳng phải vì giận
dỗi gì. Ông già rồi, không giúp được gì cho con cháu thì cũng không nên làm phiền
chúng. Việc phải lẽ thì nên làm. Nói cho cùng, ba mẹ của Văn Châu cũng rất quý
ông, thường xuyên đến đây thăm viếng, lại cho cô Thắm mỗi ngày sang đây giúp đỡ,
chăm sóc ông. Chỉ có điều ông không chịu được lối sống của ba mẹ nó. Trước đây
hai vợ chồng sống giản dị, thoải mái bao nhiêu thì từ khi khá giả, nề nếp sinh
hoạt trong nhà lại sinh ra khuôn phép, kiểu cách và xa hoa bấy nhiêu. Ông mà
lên tiếng thì bảo ông nhà quê, lạc hậu…
Dường như đã lâu không có dịp thổ lộ nỗi lòng với ai, hôm nay tình cờ bị bọn trẻ
khơi trúng mạch, ông miên man dốc bầu tâm sự. Có vẻ như đây là cơ hội để ông tỉ
tê với chính mình hơn là để giãi bày với những người bạn nhỏ đang ngồi trước mặt
kia.
Bọn trẻ ngẩn ngơ nghe, không ngờ chuyện nhà của Văn Châu lại rối rắm, phức tạp
đến thế. Nhưng chẳng đứa nào biết nói gì, chỉ thỉnh thoảng tặc tặc lưỡi ra chiều
thông cảm với nỗi buồn kín đáo của ông.
Bây giờ thì nhỏ Hạnh mới hiểu tại sao chỗ ở của ông đơn sơ đến thế. Chiếc phản
gỗ, bộ bàn ghế mây, chiếc võng gai giăng ở góc nhà và giò lan tím treo nơi cửa
sổ chính là miền quê thu nhỏ của ông, là thế giới gần gũi quen thuộc ông đã gắn
bó gần suốt cuộc đời và không nguôi thương nhớ.
- Con cái thì trở thành toàn “tiểu thư” với “công tử”. – Ông lại lẩm bẩm, dường
như chưa vơi phiền muộn – Học hành chẳng đến đầu đến đũa, suốt ngày cứ cắm hoa
với làm bánh. Con Hồng Lam tính nết còn đỡ, chứ con Ngọc Diệu thì hư quá. Tới
thằng Bạch Kim thì xem như hết cách dạy. Nó là con trai một, đã vậy lúc sinh nó
ra thì ba mẹ nó làm ăn phất lên, thôi thế là một điều “quý tử” hai điều “quới
nhân”, đố mà dám mắng mỏ nó một tiếng. Thế là thằng bé đâm hỏng, nghịch ngợm, hỗn
láo, chả ai bảo được. Rốt lại, – Mặt ông chợt tươi lên – chỉ có con bé Văn Châu
là khá nhất. Tính tình nó giản dị, phóng khoáng, thương người, chỉ mỗi tật hiếu
động quá…
Tình cảm giữa người ông mộc mạc với cô cháu giản dị có lẽ khắng khít ghê lắm
nên ông vừa nhắc đến Văn Châu thì đã nghe tiếng Văn Châu lanh lảnh ngoài cửa:
- Ông ơi, ông!
- Gì thế cháu?
Nhưng Văn Châu chưa kịp đáp lời ông đã nhác thấy bọn Quý ròm:
- Ủa, các bạn đi đâu đấy?
Nhỏ Hạnh mỉm cười:
- Đi thăm bạn chứ đi đâu. Mấy hôm nay không thấy bạn đi học, tụi này ngỡ bạn ốm
nên kéo đi thăm.
Văn Châu có vẻ xúc động. Nó khụt khịt mũi:
- Tôi có ốm gì đâu. Chỉ tại… chỉ tại tôi không đi học nữa thôi.
- Tụi này biết rồi. – Quý ròm nhanh nhảu – Bây giờ bạn học ở ngay tại nhà chứ
gì?
Văn Châu nhìn Quý ròm với vẻ ngạc nhiên nhưng rồi nó nhanh chóng hiểu ra, liền
quay sang ông:
- Ông ơi, ông nói cho các bạn ấy biết phải không?
- Ừ.
Văn Châu nhăn nhó:
- Ông kể chuyện của cháu ra chi vậy?
Ông hiền lành:
- Đây là các bạn tốt của cháu. Các bạn quan tâm đến cháu, ông phải giải thích để
các bạn ấy khỏi lo lắng chứ. Nhưng mà cháu gọi ông có việc gì thế?
- À! – Văn Châu cầm tay ông lắc lắc – Lát nữa, chị Thắm về quê nên bắt đầu từ tối
nay cháu sẽ qua ở với ông cho đến hôm nào chị Thắm lên, ông thấy có được không?
- Tất nhiên là được. – Ông đưa tay khẽ vuốt tóc cô cháu yêu – Nhưng cháu đã xin
phép ba mẹ chưa?
- Chưa. Nhưng tối ba mẹ đi làm về, cháu sẽ nói.
Tiểu Long nhìn quả bóng trên ngực áo Văn Châu, mỉm cười hỏi:
- Thế những buổi chiều vừa rồi không được đi ra ngoài, bạn đá bóng ở đâu?
Tiểu Long hỏi trêu, không ngờ Văn Châu trả lời tỉnh bơ:
- Thì đá ở nhà.
- Ở nhà?
- Ừ.
Tiểu Long đảo mắt ra cửa:
- Đá trong khu vườn này há?
Văn Châu lắc đầu:
- Không. Đá trong phòng.
Tiểu Long càng ngơ ngác:
- Làm sao lại có thể đá bóng trong phòng được?
- Thế mà vẫn đá được đấy. – Văn Châu nhoẻn miệng cười bí mật – Các bạn có muốn
xem không?
- Xem ở đâu?
- Sao bạn lẩn thẩn thế? Xem ở trong phòng của tôi chứ xem ở đâu.
Thấy thái độ của Văn Châu đã có vẻ thân mật, cởi mở hơn thường lệ, Quý ròm đánh
bạo hỏi thẳng:
- Nhưng ba mẹ bạn không cho bạn chơi với tụi này, sao bạn dám dẫn tụi này vào
nhà?
- Chẳng sao. – Văn Châu khẽ nhún vai – Ba mẹ tôi đi làm rồi. Các bạn cứ đi theo
tôi.
Nói xong, không đợi ai kịp có ý kiến, Văn Châu quay ngoắt ra khỏi cửa, cắm cúi
rảo bước.
Bọn Quý ròm chẳng biết làm sao liền lật đật đi theo.
Từ nơi ở của ông Văn Châu đến ngôi nhà của nó khoảng cách không xa lắm nên chỉ
nhoáng một cái bọn trẻ đã tới nơi.
Ngôi biệt thự hiện ra trước mắt bọn Quý ròm trông thật đồ sộ, nguy nga. Toà nhà
có hai tầng với rất nhiều cửa sổ và hành lang bao quanh. Văn Châu dẫn bọn Quý
ròm theo hành lang phía sau đi quanh lên tầng hai. Phòng của nó ở đó.
Trừ Tiểu Long, Quý ròm và nhỏ Hạnh đứa nào cũng có phòng học riêng. Nhưng căn
phòng rộng rãi và đẹp đẽ của Văn Châu khiến hai đứa phải loá mắt. Gỗ ốp kín tường.
Một chiếc giường nệm đặt giữa nhà với đủ thứ gối ôm thơm phức, rộng rãi đủ cho
ba người nằm. Một chiếc tủ quần áo treo đủ loại áo dài và váy đầm mà Văn Châu
dường như không rớ tới bao giờ. Bàn học đặt cạnh cửa sổ mở ra vườn ngổn ngang tập
vở bút thước. Kế đó là một chiếc bàn nhỏ đặt máy vi tính.
Vừa bước vào phòng, Văn Châu đi thẳng lại chỗ chiếc máy, thò tay bật công tắc.
Trước những cặp mắt tò mò của bọn Quý ròm, nó gõ gõ nhấn nhấn một hồi, trên màn
hình bỗng hiện ra một sân vận động cỏ xanh mát mắt và mỗi bên sân đều có hai đội
bóng đang dàn đội hình.
- Ôi, hay quá! – Tiểu Long ngạc nhiên reo lên.
Quý ròm tò mò hỏi:
- Bạn chơi đá bóng trong chiếc máy này đây hả?
- Ừ! – Văn Châu gật đầu – Mấy hôm nay tôi đá qua đá lại với chiếc máy cho đỡ buồn.
Tiểu Long mím môi:
- Chơi như thế nào?
Không đợi yêu cầu đến lần thứ hai, Văn Châu ngồi ngay vào máy, nhấn nút cho
chương trình khởi động.
Ngay lập tức, màn hình trước mặt bỗng chuyển động. Các cầu thủ trên sân co giò
đuổi theo trái bóng, giành nhau loạn cào cào. Cũng chuyền bóng, sút bóng, đánh
đầu y như thật. Cũng phạt góc, ném biên nghiêm chỉnh. Mỗi khi bóng sút vào gôn,
thủ môn hai bên cũng bay lên hụp xuống, nhào lộn ra trò.
Văn Châu điều khiển một đội, máy vi tính điều khiển một đội, cứ thế quần nhau
mướt mồ hôi hột. Bọn Quý ròm đứng bên trố mắt xem mê mẩn, chốc chốc lại tặc lưỡi
hít hà cứ như đang xem trực tiếp truyền hình vòng chung kết giải bóng đá thế giới.
“Biểu diễn” khoảng năm phút, Văn Châu ngừng tay quay lại:
- Chỉ khi nào có một mình thì mới đá với máy. Nếu có hai người thì hai người đá
với nhau.
Rồi nó nhìn Tiểu Long:
- Bạn Tiểu Long ngồi xuống đây, tôi chỉ cho bạn chơi.
Tiểu Long rụt rè ngồi xuống. Nó mở căng mắt và vểnh tai hết cỡ để cố nhớ phím
nào là chạy lên, phím nào là lùi xuống, phím nào chuyền bóng, phím nào sút bóng…
Văn Châu giảng giải một hồi rồi bắt đầu cùng Tiểu Long dàn quân giao đấu. Văn
Châu chọn đội Ý áo xanh quần trắng, Tiểu Long chọn đội Braxin áo vàng quần xanh
lá cây.
Tiểu Long mới vô lèo lái còn lóng ngóng làm cho đội vô địch thế giới Braxin bị
đội Ý của Văn Châu sút thủng lưới tới năm bàn. Chơi một lát, hơi thuần thục, đội
Braxin mới vùng lên gỡ được hai quả.
Khi tỉ số trận đấu lên tới 9-4 thì Văn Châu nhường chỗ cho Quý ròm vào chơi.
Quý ròm khoái trò này đến mức quên cả khách sáo. Văn Châu vừa đứng lên là nó ngồi
vào liền. Thế là từ lúc đó, nó và Tiểu Long dán chặt mắt vô màn hình, say sưa
quần nhau đến quên cả trời đất. Ngay cả khi cửa phòng xịch mở và một người con
gái nhẹ nhàng bước vào, hai đứa cũng không hay biết. Chúng cứ luôn miệng:
- Đỡ này!
- Xem đây!
Đến khi người mới vào thảng thốt buột miệng:
- Ôi, ai mà đông thế này?
Hai đứa mới giật mình quay lại và đâm hoảng khi thấy một người con gái lạ hoắc
đang từ từ tiến đến gần.
- Bạn em đấy, chị Hồng Lam.
Té ra đây là chị cả của Văn Châu. Đã được ông của Văn Châu “cung cấp tin tức” từ
trước, bọn Quý ròm biết ngay đây là người chị tính tình dễ chịu, liền thở phào
và lật đật chào:
- Chào chị ạ!
- Chào các em. – Vẻ mặt của chị Hồng Lam vẫn chưa hết ngỡ ngàng – Các em vào
đây khi nào thế?
- Em vừa dẫn vào. – Văn Châu vội vàng đáp thay – Đây là những người bạn tốt của
em. Các bạn tưởng em ốm nên tìm đến thăm.
- À! – Mắt chị Hồng Lam chợt loé lên – Đây là các bạn hôm trước vào nhà ông bị
ba nhìn thấy đấy phải không?
- Dạ!
Sự thú nhận của nhỏ em khiến vẻ mặt chị Hồng Lam thoáng sững sờ. Chị chớp mắt,
nói bằng giọng lo lắng:
- Ba mẹ sắp về rồi đấy!
Nhắc nhở xong, chị vội vã bỏ ra liền.
Văn Châu cũng không dám chậm trễ. Nó liếc đồng hồ trên tường và khịt mũi nói:
- Hôm nay chơi thế đủ rồi. Để tôi đưa các bạn về.
Rồi lần theo cầu thang khi nãy, Văn Châu rón rén dẫn ba người bạn mới thoát xuống
hành lang vắng vẻ phía sau nhà.
Cả bọn Quý ròm lẫn Văn Châu đều không ngờ vừa đi hết dãy hành lang, chuẩn bị bước
xuống bậc cấp đổ ra vườn, chúng lại bất ngờ **ng phải những bóng người lố nhố
chắn giữa lối đi…