Chương 01

Năm 1782, lúc đại úy Roger Angmering cho xây một biệt thự trên một hòn đảo ở ngoài khơi vịnh Leather, ai cũng kêu là ông ta chơi ngông. Người như ông lẽ ra chỉ cần một ngôi nhà khiêm tốn giữa đồng cỏ xanh rờn, nếu có dòng suối róc rách chảy qua càng tốt.

Nhưng đại úy chỉ có niềm say mê lớn là biển cả. Vậy nên ông quyết xây một biệt thự to, đẹp, xứng với cảnh quan, sừng sững trên mỏm núi hứng gió quanh năm, Hải u bay lượn ngày đêm, đã thế hễ nước triều lên cao là bị cắt khỏi đất liền.

Ông không lập gia đình, chỉ lấy biển làm bạn. Khi ông chết, cả ngôi nhà và hòn đảo về tay một người em họ xa, ông này dửng dưng chẳng biết làm gì với cái gia tài vô tích sự. Rồi đến lượt các con cháu thừa hưởng không lấy gì làm hăm hở. Việc làm ăn của họ gặp nhiều khó khăn thật, song cái nhà và hòn đảo heo hút ấy chẳng giúp họ thoát khỏi cơn khủng hỏang.

Năm 1922, cả nước bắt đầu lên cơn sốt đi nghỉ mát ở biển, mà các bãi tắm ở Devon và Cornouailles thì nóng kinh người. Cả ngôi nhà và hòn đảo do đại úy Roger Angmering để lại bỗng trở nên có giá. Và hậu duệ của ông đã đem bán nó đi để trang trải nợ nần.

Ngôi nhà được tôn tạo và mở rộng. Đường xá trên đảo cũng được sang sửa, cả đường lớn lẫn đường mòn để đi dạo. Người ta đắp một con đập thấp bằng bê tông nối đảo với đất liền, có thể đi qua lúc triều thấp. Ngoài ra còn xây thêm hai sân quần vợt, một số bãi tắm nắng, cầu nhảy, v.v...

Ngôi biệt thự xưa, nay trở thành khách sạn Jolli Roger, và trở thành một sự kiện trong ngành du lịch. Từ tháng sáu đến tháng chín, khách đổ về đông nghịt. Được đà, khách sạn ngày càng được mở rộng, thêm nhiều cơ sở và trang bị mới. Trong thành phố, người ta kháo nhau:

- Ông có biết nơi nghỉ mát mới ở vịnh Leather không? Khách sạn rất oách, ăn ngon, phong cảnh đẹp. Lúc nào ta đi nhé.

Và mọi người lại đổ về đó.

Trên một khỏanh sân của khách sạn Jolli Roger, Hercule Poirot thỏai mái ngồi nghỉ, ngắm nhìn toàn bộ quang cảnh khu vịnh. Bãi tắm chi chít những phao bơi, ca nô, thuyền thể thao, đồ chơi bằng cao su, bóng... Có một cầu nhảy rất đẹp, và cứ cách một quãng lại có một ụ nổi để neo thuyền.

Trong số khách "đi tắm", có người tắm thực sự, có người ra phơi nắng, nhiều người xoa dầu bóng nhoáng khắp thân thể.

Ngồi trên sân nhìn ra bãi tắm, những "người không tắm" chuyện trò râm ran về đủ mọi thứ: về thời tiết, về tin tức nóng hổi trên báo, và về những gì đang diễn ra trước mắt mình.

Ngồi bên trái Hercule Poirot, là bà Gardener. Bà vừa đan vừa nói luôn mồm, giọng đều đều, toàn những chuyện linh tinh. Chồng bà, ông Odell Gardener, nằm ườn trên chiếc ghế vải, mũ sụp đến tận mũi, thỉnh thoảng lại gật gù hứ, hứ, tỏ vẻ đồng tình với những gì vợ nói.

Bên phải Poirot, là cô Brewster, dáng người thể thao, mặt rám nắng, từng lúc phát ra vài câu hấm hứ.

Bà Gardener thao thao:

- Thế là tôi bảo với ông Gardener nhà tôi rằng, du lịch thì hay thật, và đã thăm một nước nào, thì phải đi tới cùng. Nhưng tôi cũng nói, chúng mình cũng đi khắp nước Anh rồi, nay tôi chỉ muốn một nơi nào thật yên tĩnh trên bờ biển, để nghỉ ngơi. Có phải tôi nói thế không, ông Odell? Chỉ để nghỉ ngơi... Tôi cần nghỉ ngơi, tôi nói thế đấy. Có phải không, ông Odell?

- Phải, phải, ông Gardener nói lí nhí dưới mũ.

Bà Gardener tiếp tục không ngớt:

- Và thế là tôi nói với ông Kelso của hãng Cook - ông ấy đã tổ chức cho chúng tôi chuyến đi này, hay quá, nếu không có ông ấy chúng tôi chẳng biết đi đâu! Và thế là, ông Kelso bảo không có nơi nào tốt hơn vịnh Leather. Ông ấy bảo: cảnh đẹp, xa xôi hẻo lánh nhưng rất đủ tiện nghi. Tất nhiên, ông Gardener nhà tôi liền hỏi ngay tình hình y tế thế nào. Vì này, ông Poirot ạ, nói ra chắc ông không tin, một cô em chồng tôi đã đi nghỉ ở một nơi bảo là cũng lắm khách lắm, nhưng eo ơi, ông có tin hay không, ở đó khi ốm đau, người ta chỉ dùng thuốc sao tẩm từ lá cây! Cho nên ông Gardener nhà tôi cứ nghe nói nơi nào xa xôi hẻo lánh là cảnh giác ngay, có phải không ông, ông Odell?

- Phải, phải.

[Chúc các bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách]

- Nhưng ông Kelso đã làm chúng tôi yên tâm ngay. Ông nói, cơ sở y tế ở đây rất hiện đại, bếp ăn lại ngon. Và phải công nhận ông ấy nói đúng. Hơn nữa, cái tôi thích nhất ở đây, là như ở nhà, ông hiểu tôi định nói gì. Chỗ này không to lắm, nên mọi người đều biết nhau, chuyện trò với nhau. Ông Kelso cũng nói là nhiều người có tiếng đến nghỉ ở đây, và ông ấy nói không sai. Trước hết, có ông, ông Poirot, rồi có cô Darnley. Ôi! Khi thấy ông cũng có mặt ở đây, tôi mừng quá, phải không ông Odell?

- Phải, phải, mình nói phải.

- Hừm! Cô Brewster giọng ồm ồm - tóm lại ở đây chúng tôi được sát cánh toàn những người sang trọng, ông Poirot nhỉ!

Hercule Poirot vội đưa tay chống chế, vì lịch sự khiêm nhường hơn là vì phản đối.

- Ông Poirot, ông biết không - bà Gardener vẫn thao thao bất tuyệt - tôi được nghe Comelia Robson kể về ông rất nhiều. Tháng năm, tôi và ông Gardener gặp bà ấy ở Badenhof. Lập tức bà ấy kể ngay cái vụ xẩy ra ở Aicập, lúc Linnet Ridgeway bị ám sát. Nghe nói ông đã phá án một cách tuyệt vời, từ đó tôi luôn luôn mong được làm quen với ông, phải không Odell?

- Phải, phải, mình nói phải.

- Cũng như cô Darnley, tôi là khách hàng thường xuyên của nhà hàng Rose Mond-Rose Mond, chính là cửa hàng cô ấy đấy! Quần áo cửa hàng cô ấy hợp mốt, bán rất chạy. Bộ váy áo tôi diện tối qua là may ở cửa hàng của cô. Không chỉ quần áo, chính bà chủ - cô Darnley - là một phụ nữ tuyệt vời, cô ấy có...

Ngồi ngay phía sau cô Hrowstor, thiếu tá Barry trố mắt ngắm nghía các cô gái mặc áo tắm:

- Tuyệt, tuyệt diệu! - ông lẩm bẩm vẻ thích thú.

Bà Gardener cố tình khoắng đôi que đan kêu lách cách:

- Ông Poirot, tôi phải thú thật điều này, lúc nhận ra ông, tôi hơi bị sốc đấy. Không phải tôi không mừng gặp được ông, vì thực sự là tôi mừng, ông Odell nhà tôi biết đấy. Nhưng tôi lại băn khoăn có phải ông có mặt ở đây là vì... nghề nghiệp? Ông hiểu tôi nói gì chứ? Là vì tính tôi cực kì nhạy cảm. Có ông Odell nhà tôi làm chứng, tôi là chúa sợ phải dây vào một vụ án, bất kể là thế nào...

Ông Gardener hắng giọng:

- Vâng, ông Poirot ạ, tính nhà tôi rất nhạy cảm.

Hercule Poirot giơ hai tay trong một cử chỉ trịnh trọng, nói bằng tiếng Anh trọ trẹ pha lẫn giọng Bỉ:

- Thưa quý bà, cho phép tôi được chính thức tuyên bố, tôi đến đây nhằm mục đích y hệt các vị: nghỉ ngơi, thư giãn! Tôi bỏ lại đằng sau mọi khái niệm về tội phạm!

Cô Brewster cười phá:

- Ha ha! Trên hòn đảo này sẽ không có xác chết nào hết!

- Cô nói vậy, không hoàn toàn đúng - Poirot vừa nói vừa khoát tay chỉ xuống bãi tắm - Cô hãy nhìn mọi người nằm dài thành hàng trên cát.

Trông họ giống cái gì? Giống người đàn ông và đàn bà? Không. Chỉ là những thân người, hoàn toàn vô danh!

Thiếu tá Barry ra vẻ sành sỏi:

- Trong số đó, có nhiều quý cô xinh đẹp đấy chứ. Phải cái hơi gầy...

- Nhưng còn đâu là hương vị? Đâu là bí ẩn? - Poirot phản đối. - Tôi cổ lỗ thế đấy! Thời tôi, nhìn phụ nữ may lắm chỉ thấy gót chân. Tiếng váy sột soạt, ôi cảm hứng! Chỉ nhìn thấy bắp chân thoáng hiện trong các loại váy lót đủ làm cho trí tưởng tượng bay bổng...

- Gớm, ông này cũng ma mãnh ghê! - thiếu tá kêu.

Cô Brewster nói chen:

- Cách ăn mặc của chúng ta ngày nay hợp lí hơn nhiều.

- Phải đấy, bà Gardener phụ hoạ. Ông Poirot ạ, tôi cho là thanh niên ngày nay có cuộc sống tự nhiên hơn, lành mạnh hơn. Họ nô đùa với nhau mà không hề, hừ...

Vốn có tính xấu hổ, nên bà hơi đỏ mặt, rồi nói tiếp:

- Mà không nghĩ đến chuyện ấy, ông hiểu tôi chứ.

- Thì thế tôi mới nói - Poirot đáp. - Thật thảm hại.

- Thảm hại?

- Không còn gì là bí mật, không còn gì là lãng mạn nữa. Bây giờ, cái gì cũng bày ra chằn chặn.

Ông giơ tay chỉ đám người nằm trên cát:

- Trông chẳng khác gì nhà xác ở Paris.

- Ông Poirot! - Bà Gardener bất bình kêu.

- Như những miếng thịt trên phản anh hàng thịt.

- Sao ông độc mồm thế?

- Phải, có lẽ tôi nói quá một chút - Poirot công nhận.

Bà Gardener nói như đế kết luận:

- Dù sao, tôi rất muốn đồng ý với ông về một điểm. Bọn con gái mà cứ nhông nhông suốt ngày dưới mặt trời thế kia thì sẽ mọc lông ở khắp chân tay. Tôi đã cảnh báo con Irène, đó là tên con gái tôi, ông Poirot ạ. Tôi bảo nó, "này Irène, mầy mà cứ phơi nắng lắm thì rồi người mày sẽ đầy lông, lông trên cánh tay, lông trên đùi, và lông cả ở ngực, lúc bấy giờ mày ra cái hình thù gì?". Đấy tôi bảo nó thế. Đúng không, ông Odell?

- Phải, phải, bà có nói thế - ông Gardener xác nhận.

Mọi người im lặng, có lẽ đế thử tưởng tượng Irène sẽ ra sao nếu có sự đột biến khủng khiếp ấy.

Bà Gardener xếp đồ đan lại:

- Có lẽ đã đến lúc xin phép...

- Phải đấy, mình ạ.

Ông Gardener nhỏm dậy khỏi ghế, cầm lấy cái áo và quyển sách của vợ. Ông hỏi:

- Cô Brewster, cô có muốn vào uống một cốc với chúng tôi?

- Không, cảm ơn, lúc này thì chưa.

Vợ chồng Gardener đi trở vào khách sạn. Cô Brewster nhìn theo, thốt lên:

- Ôi, những ông chồng người Mỹ!

Chỗ trống do bà Gardener để lại được cha Stephen Lane đến thay thế. Ông là mục sư trạc năm mươi, người cao lớn vạm vỡ, nước da sạm đen, mặc bộ đồ hè giản dị. Ông hồ hởi nói:

- Phong cảnh vùng này tuyệt đẹp! Tôi đi bộ từ Leather đến tận Harford rồi vòng về theo bờ biển.

- Trời nóng thế này mà đi bộ, tôi xin kiếu - ông thiếu tá nói, ông này vốn rất lười dùng đến đôi chân.

- Đó là một cách luyện tập tốt - Cô Brewster nói. Hôm nay tôi chưa chèo thuyền. Chèo thuyền rất tốt cho cơ bụng.

Hercule Poirot bất giác buồn rầu nhìn xuống cái bụng tròn trĩnh của mình. Cô Brewster nhác trông thấy, an ủi:

- Nếu ngày nào cũng chịu khó chèo thuyền một chút, bụng sẽ bé đi ngay, ông Poirot ạ.

- Xin cám ơn cô, nhưng tôi chúa sợ tàu thuyền, cả tàu to lẫn thuyền nhỏ.

Ông nhắm mắt, cố nén rùng mình:

- Và tôi không chịu được say sóng.

- Ồ, hôm nay biển lặng như nước hồ!

- Làm gì có biển lặng - Poirot đáp trịnh trọng. - Biển lúc nào cũng vận động.

Thiếu tá nói xen:

- Theo tôi, say sóng, chín phần mười là do thần kinh.

- Miệng lưỡi sói biển có khác, phải không thiếu tá? - Mục sư mỉm cười, nói.

- Tôi chưa bao giờ say sóng, trừ một lần - mà lại là lần đi qua biển Manche, thế mới lạ! Phương châm của tôi là: "Đừng nghĩ đến nó, nó sẽ tha mình".

- Cái chuyện say sóng, cũng lạ thật - cô Brewster nói. - Tại sao có người say, có người không? Thật không công bằng. Mà đây không phải là vấn đề khỏe hay yếu. Khối người yếu đuối, ẻo lả lại đi tàu thuyền như không. Người ta nói cái này có liên quan đến tủy xương sống. Giống như những người sợ leo cao. Tôi lên cao là hay chóng mặt, song chưa thấm vào đâu với bà Redfern. Hôm nọ, lúc đi trên đường mòn sát vách biển, bà ấy bị chóng mặt, phải bíu chặt lấy tôi. Bà ấy kể, lần đi thăm Milan ở Ý, lúc từ đỉnh Dôme đi xuống thang, đến nửa chừng, bà ấy dúm cả người lại, không dám bước tiếp. Lúc lên không sao, lúc xuống lại hãi.

Cha Lane nận xét:

- Thế thì bà ấy không nên mạo hiểm mà leo cái thang thẳng đứng dẫn xuống vịnh Yêu tinh.

Cô Brewster nhăn mặt:

- Ối giời, lúc leo cái thang ấy, tôi khiếp quá. Bọn trẻ thì không sao. Tôi thấy lũ trẻ con cứ leo trèo ở đó suốt ngày như khỉ.

- Ô, đây này, bà Redfern đi tắm đã về - cha Lane nói. Ông Poirot hẳn phải khen ngợi bà, bà không nằm ườn tắm nắng như mọi người.

Bà Redfern bỏ chiếc mũ cao su trùm đầu, lắc lắc bộ tóc vàng hoe. Bà còn trẻ, nước da trắng nhợt, như các cô phụ nữ tóc vàng thường vậy. Bà khoác vội chiếc áo choàng, thong thả bước lên bậc tam cấp dẫn đến sân Poirot đang ngồi. Chân tay nhỏ nhắn, nét mặt nghiêm trang, đôi mắt sáng trong, không thể gọi Christine Redfern bằng từ nào khác hơn là "duyên dáng". Nàng kín đáo khép chiếc áo choàng, tươi cười ngồi phệt xuống đất, cạnh mọi người. Cô Brewster nói:

- Bà được ông Poirot đánh giá cao đấy. Ông ấy không ưa những người tắm nắng. Theo ông, họ trông giống những đống thịt trên phản ngoài chợ.

Christine Redfern mỉm cười ngao ngán:

- Tôi có muốn tắm nắng cũng chẳng được! Da sẽ khô bong thành mảng rơi lả tả, cánh tay sẽ nổi mụn lấm tấm đỏ.

- Thế còn hơn là mọc lông đầy người như cô Irène, con gái bà Gardener - cô Brewster trêu.

Christine Redfern không hiểu, đưa mắt dò hỏi. Cô Brewster giải thích:

- Bà Gardener vừa ở đây xong, vẫn thao thao như mọi khi, lúc nào cũng: "Phải không, ông Odell? - Phải, phải".

Cô ngừng một lát, rồi nói tiếp:

- Ông Poirot này, tiếc quá, lúc nãy ông không cho bà ấy vào tròng. Sao ông không bảo ông đến đây để điều tra một vụ giết người cực kì tàn bạo, thủ phạm nhất định là khách đang trọ trong khách sạn này?

Poirot thở dài:

- Nếu tôi nói thế, bà ấy sẽ tin ngay. Vì vậy tôi không nỡ.

- Chưa chắc đâu! Có thể bà Gardener sẽ cho là ông nói đùa. Một nơi như thế này, làm gì có chuyện giết người cướp của!

- Tại sao không? - Poirot nói. - Căn cứ vào cái gì mà cô bảo không thể có xác chết trên cái đảo mệnh danh là đảo Buôn lậu này?

- Mặc kệ. Nhưng tôi cứ hình dung là có những nơi ít xẩy ra tội ác hơn nơi khác. Khách sạn Jolli Roger có vẻ không phải là nơi...

Có lẽ khó tìm lời nói tiếp, cô bỏ lửng câu nói.

- Phải, nơi đây thật lãng mạn - Poirot công nhận. - Yên bình, biển xanh, mặt trời chói sáng. Nhưng cô Brewster ạ, cô quên rằng cái ác có mặt khắp nơi dưới gầm trời.

Ông mục sư ngọ nguậy ngồi không yên, quay nhìn Poirot với đôi mắt chăm chú. Cô Brewster nhún vai:

- Vâng, biết vậy, nhưng dù sao...

- Dù sao cô vẫn cho là tội ác sẽ chừa nơi đây? Cô quên một điều.

- Sự nham hiểm của con người, chắc vậy?

- Phải, có chuyện ấy. Song tôi không định nói điều đó. Tôi định lưu ý cô rằng mọi người đến đây là để đi nghỉ mát.

Emili Brewster ngước nhìn Poirot:

- Tôi không hiểu.

Poirot cười rộng miệng, vừa nói vừa đưa tay chặt lên chặt xuống:

- Hãy hình dung có có một kẻ thù. Nếu cô muốn theo dõi hắn ở nhà, ở công sở, hay ngoài phố, cô phải có một lí do - để nếu cần thì biện minh cho sự có mặt của mình. Còn ở đây, bên bờ biển, không ai cần viện lí do gì. Cô đang ở vịnh Leather, tại sao? Có gì đâu, vì đang là tháng Tám, mọi người đều ra nghỉ ở bãi biển, thì tôi cũng ra nghỉ, giống như cha Lane, thiếu tá Barry và vợ chồng ông Redfern. Ở nước Anh, cái mốt là ra biển vào tháng Tám.

- Ừ, có thế thật, - cô Brewster công nhận. - Nhưng vợ chồng Gardener thì sao? Họ là người Mỹ.

- Cả bà Gardener - chính miệng bà ấy nói - cũng có nhu cầu thư giãn. Hơn nữa, bà đang ở thăm nước Anh, thì với tư cách là khách du lịch chính cống, bà không thể không ra biển. Bà cũng thích quan sát xem thiên hạ sống ra sao.

- Ông cũng vậy, ông cũng thích quan sát thiên hạ, phải không? - bà Redfern hỏi nhỏ.

- Vâng, thú thật là thích.

- Và chắc ông quan sát được... nhiều điều - Christine Redfern trầm ngâm nói thêm.

Yên lặng một lát, rồi Stephen Lane hắng giọng, nói hơi căng:

- Vừa rồi, ông nói một câu rất hay. Ông bảo cái ác hoành hành khắp nơi dưới gầm trời. Hệt như một câu trích trong Kinh Thánh.

Ông nhắm mắt một lát, rồi nét mặt như đổi khác, cũng đọc một câu trong Kinh Thánh:

- "Sự thực, trong lòng các con dân của người luôn có cái ác ngự trị, cái ác ở trong tim họ suốt cả đời". Nghe ông nói lúc nãy, tôi rất tâm đắc. Ngày nay, ít người tin vào cái ác. Cùng lắm họ chỉ cho ác là phủ định của thiện. Họ bảo, những kẻ làm ác chẳng qua là vì thiếu hiểu biết, thiếu giáo dục, phải thương họ chứ không nên chê trách họ. Song, ông Poirot nhỉ, cái ác là một sự thật, là một thực tế. Tôi tin vừa có cái Ác, vừa có cái Thiện. Cái Ác là hiện hữu! Nó rất mạnh! Nó đang điều khiển thế giới!

Ông ngừng bặt, miệng hổn hển, và lấy khăn lau mồ hôi trên trán, rồi nói tiếp:

- Tôi xin lỗi, nói hăng quá.

Poirot điềm nhiên đáp.

- Tôi hiểu cách nhìn của ông. Và tôi đồng ý với ông ở một mức độ nào đó. Đúng là cái Ác đang thống trị thế giới.

- Nhân nói chuyện ấy, thiếu tá Barry nói xen, ở ấn Độ có những thầy tu...

Thiếu tá ở khách sạn Jolli Roger đã khá lâu, nên ai cũng biết tính ông, nếu để ông nói chuyện Ấn Độ thì không biết đến bao giờ mới dứt ra được. Vì vậy, cả cô Brewster và Christine Redfern đều đánh trống lảng:

- Ô, bà Redfern, có phải chồng bà đang bơi về không? Ông ấy bơi giỏi quá, chẳng khác vận động viên!

- Ồ, nhìn còn thuyền có buồm đỏ chót kia! Phải ông Blatt không? Đúng là một chiếc thuyền buồm đang đi vào cửa vịnh.

- Buồm đỏ chót! Thật lạ! - Thiếu tá gầm gừ trong miệng.

Như thế là thoát được câu chuyện về các thầy tu Ấn Độ.

Hercule Poirot chăm chú nhìn người đàn ông vừa ngoi khỏi mặt nước, bước lên bờ. Patrick Redfern là một anh chàng đẹp trai. Thân hình lực sĩ, da như đồng hun, ở anh toát ra một niềm vui sống dễ lây lan, làm tất cả phụ nữ và hầu hết đàn ông đều mến. Anh chàng vừa lắc người cho ráo nước, vừa tươi cười nhìn về phía vợ, cô này giơ tay đáp lại và gọi:

- Lại đây anh!

- Anh đến đây.

Anh bước lên vài bước, nhặt chiếc khăn tắm.

Vừa lúc đó, một phụ nữ từ khách sạn xuống bãi tắm, đi qua chỗ nhóm người đang ngồi. Sự xuất hiện của cô tỏa sáng như một ngôi sao bước lên sân khấu. Xem dáng đi của cô, yểu điệu một cách tự nhiên, cũng biết là cô ý thức được điều đó. Có lẽ cô đã quen với cách ra mắt như thế.

Người dỏng cao, thon thả, mặc chiếc áo tắm hở lưng, cô có vẻ đẹp của một pho tượng: mỗi phần vuông trên làn da rám nắng rực lên một màu đỏ như đồng hun, làn tóc nâu đỏ lòa xòa trên gáy. Nhìn mặt thấy cô đã xấp xỉ ba mươi, song điều đáng chú ý nhất ở cô vẫn là sức sống sôi sục của tuổi trẻ. Cô đội một cái nón bằng các-tông ép màu xanh ngọc bích, trông rất lạ mắt.

Lập tức, tất cả phụ nữ trên bãi tắm trở nên mờ nhạt và vô nghĩa, còn tất cả đàn ông đều hau háu nhìn về phía nàng.

Hercule Poirot hé một mắt nhìn, râu mép rung rung. Mắt thiếu tá Barry càng trố ra nhiều hơn, còn cha Lane căng hết cả người, nín thở:

- Arlena Stuart! - thiếu tá Barry thầm thì: Đó là tên cô ấy trên sân khấu, trước khi lấy Marshall. Tôi đã xem cô ta trong vở Dạo quanh một chút rồi đi hẳn, trước khi cô ta rời bỏ sân khấu.

Christine Redfern thong thả nói, giọng lạnh như băng:

- Cô ta đẹp thật. Nhưng trông như con thú bất kham.

Cô Brewster phát biểu thẳng thừng:

- Ông Poirot, ông vừa nói đến cái ác. Theo tôi, người đàn bà này là hiện thân của cái ác. Đồ thối tha. Tôi dám nói thế đấy.

Thiếu tá Barry chợt lai láng kỷ niệm xưa:

- Tôi bỗng nhớ đến một con bé rất lẳng lơ ở Ấn Độ. Cũng tóc nâu đỏ như cô này. Nó lấy một hạ sĩ quan của tôi, và gần như làm cả trại lính bốc cháy! Anh lính nào cũng mê, còn phụ nữ thì muốn băm vằm cô ta thành nghìn mảnh. Nó làm cho khối gia đình khốn khổ.

Thiếu tá cười nói tiếp:

- Thằng chồng cô ta là người tốt. Rất yêu vợ, không hay biết gì, hoặc tảng lờ như không biết.

- Những ngữ ấy tệ hại như dịch hạch - cha Lane gầm lên, nhưng ngừng lại ngay.

Arlena Stuart ra tới mép nước. Hai thanh niên, mặt non choẹt như học trò, vội chạy ra đón. Nàng nhoẻn cười với họ, nhưng mắt lại nhìn ra xa, phía Patrick Redfern đang đi dọc bãi cát.

Trong đầu Hercule Poirot bỗng hiện lên hình ảnh một la bàn. Patrick Redfern lập tức đổi hướng, như kim nam châm luôn hướng về phía bắc. Vậy là Patrick Redfern theo gót Arlena Stuart.

Nàng đợi anh, miệng vẫn cười tươi. Hai người đi sóng đôi trên bãi biển. Và khi nàng ngả mình xuống cạnh tảng đá, anh cũng nằm xuống theo.

Christne Redfern lập tức đứng lên, quay ngoắt đi về phía khách sạn.

*

Bà Redfern đi rồi, những người còn lại lúng túng một lúc, không biết nói gì. Cuối cùng, cô Brewster lên tiếng:

- Tội nghiệp, bà ấy cũng xinh như ai. Họ mới lấy nhau một, hai năm nay...

Thiếu tá Barry:

- Cái con bé tôi vừa nói ở Ấn Độ ấy, nó đã làm cho hai cặp vợ chồng hạnh phúc cuối cùng phải đi đến li hôn. Khiếp không?

- Có những mụ đàn bà chuyên làm tan vỡ tổ ấm người khác - cô Brewster bình luận, rồi thẳng thừng kết luận: Patrick Redfern là loại chồng phản bội.

Hercule Poirot không nói gì. Ông vẫn ngắm bãi tắm, nhưng không để ý đến Patrick Redfern và Arlena Stuart.

Chợt cô Brewster nói: đã đến lúc tôi đi chèo thuyền đây.

Và cô đứng lên, đi. Thiếu tá Barry quay về phía Poirot, hỏi:

- Thế nào, ông nghĩ gì vậy? Từ nãy không thấy ông mở miệng, ý kiến ông về cô nàng xinh đẹp thế nào? Sao cứ bần thần vậy? A, a, tôi biết, người Pháp các ông là gớm lắm!

- Tôi không phải là người Pháp. - Poirot lạnh lùng đáp.

- Ôi dào, đừng nói là ông dửng dưng trước gái đẹp. Nói đi, ông nghĩ gì về cô ta?

- Cô ta không còn trẻ lắm.

- Quan trọng gì chuyện ấy? Tuổi tác tùy người. Cô ta trông rất ngon lành.

Poirot gật đầu:

- Đúng, cô ta đẹp, nhưng đó không phải là điều chủ yếu! Không phải vì nhan sắc mà mọi cái đầu

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện