Chương 02

Viên thị trưởng, kẻ bầy tôi nhân dân duy nhất, kẻ có thẩm quyền cao nhất, kẻ đại diện cho thứ quyền lực xa tít tắp chẳng mảy may khiến bất kỳ ai run sợ, là một tên béo phì béo nộn luôn đổ mồ hôi không ngừng nghỉ.

Dân địa phương kể rằng mồ hôi hắn bắt đầu túa ra ngay khi hắn từ tàu Sucre đặt chân lên bờ, từ giây phút đó trở đi người ta thấy hắn cứ phải luôn tay vắt mấy chiếc khăn tay ướt sũng, và vì thế hắn lãnh ngay biệt danh Cóc Nhớt.

Người ta cũng đồn rằng trước khi đến El Idilio, hắn đã được điều đến một thành phố lớn nào đó trên vùng núi, và rằng hắn bị đẩy về chốn ao tù miền Đông này vì tội thụt két.

Ngoài đổ mồ hôi, công việc chính của hắn còn là xoay xở cho được khoản bia bọt. Yên vị trong phòng làm việc xong là hắn chỉ lo uống dè từng chai bằng cách nhấp từng ngụm nhỏ một, vì hắn biết chắc chắn rằng một khi nguồn cung cấp này cạn, cuộc đời hắn sẽ còn khốn khổ vô vọng hơn nhiều.

Nếu hắn gặp may, cơn khát kia sẽ được đền lại bằng chuyến viếng thăm của một tên ngoại bang mang đầy trĩu whisky. Viên thị trưởng không thèm uống loại rượu bia mà dân ở đây thường uống. Hắn đổ cho rượu Frontera cái tội gây ra ác mộng và rằng hắn bị một bóng ma điên dại đuổi bắt không ngơi.

Đã từ lâu lắm rồi, nếu có ai còn nhớ được, hắn sống với một người phụ nữ thổ dân, người luôn bị hắn đánh đập dã man, bị hắn quàng cho cái tội đã bỏ bùa hắn, và ai ai cũng đợi chờ ngày bà ta nổi điên lên mà giết hắn. Người ta thậm chí còn cược với nhau cả chuyện ấy nữa.

Từ lúc hắn đến đây, tức là bảy năm trước, hắn đã bị tất cả mọi người căm ghét rồi.

Hắn đến, mang theo chứng cuồng tăng thuế mà không có bất cứ lý do nào chính đáng. Hắn tìm mọi cách bán giấy chứng nhận cho phép săn bắn và câu cá trong cả những khu vực chính phủ còn chưa đụng đến. Hắn đòi đánh thuế lên quyền của những người chuyên đi nhặt lượm củi mục trong cái khu rừng nhiệt đới già cỗi hơn bất kỳ vùng đất nào, và trong một cơn bốc đồng của tinh thần công dân nhiệt thành, hắn đã bắt dựng lên một cái lán tre để nhốt tất cả những kẻ say rượu không chịu nộp tiền phạt cho tội gây rối trật tự.

Bóng dáng hắn vừa thấp thoáng đã làm trỗi dậy bao ánh nhìn khinh miệt, và mồ hôi của hắn nuôi dưỡng lòng căm ghét của người dân nơi đây.

Hoàn toàn trái ngược với hắn là ngài thị trưởng tiền nhiệm, người đã rất được yêu mến. "Hãy sống và để kẻ khác được sống" là tuyên ngôn của ông. Những chuyến viếng thăm của con tàu với thư từ và cả ông bác sĩ đều là nhờ công lao của ông, nhưng ông không trụ được lâu trên bến tàu này.

Một đêm nọ nổ ra cuộc tranh cãi nảy lửa giữa ông và mấy tên đào vàng, rồi hai ngày sau người ta phát hiện xác ông với cái đầu đã bị một nhát dao rựa bổ banh ra và bị lũ kiến xơi mất đến một nửa.

Suốt hai năm El Idilio hoàn toàn vắng bóng đại diện chính phủ để bảo vệ chủ quyền của Ecuador trên cái vùng rừng nhiệt đới có lẽ chẳng bao giờ vạch nổi đường biên giới này. Cuối cùng thì chính phủ cũng gửi tới kẻ thất thế này đây.

Mỗi thứ Hai – hắn bị ám ảnh bởi những ngày thứ Hai – người ta lại thấy hắn kéo ngọn cờ trên cái cọc ở trên bến, mãi cho tới khi một cơn bão cuốn bay mảnh vải rách ấy vào tuốt trong rừng, và biến mất cùng với nó là cái nghi lễ ngày thứ Hai mà chẳng ai buồn để ý.

Viên thị trưởng vừa tới bến tàu. Hắn lấy khăn tay lau khắp cả mặt lẫn cổ, rồi vừa xoắn mạnh cái khăn cho khô, vừa ra lệnh nhấc cái xác lên bờ.

Đó là xác của một người đàn ông tóc vàng, vạm vỡ, chắc chắn dưới bốn mươi tuổi.

"Chúng mày tìm thấy nó ở đâu?"

Mấy người Shuar nhìn nhau, băn khoăn không biết có phải trả lời không.

"Lũ rừng rú này không hiểu tiếng Tây Ban Nha à?" viên thị trưởng gầm gừ.

Một người quyết định lên tiếng.

"Trên đầu nguồn. Cách đây hai ngày đường."

"Để ta xem vết thương." Viên thị trưởng ra lệnh.

Một người khác lật đầu cái xác lên. Bọn côn trùng đã đánh gọn con mắt phải, nhưng bên mắt trái vẫn còn loang loáng màu xanh da trời. Có một vết rạch dài kéo từ cằm xuống tới vai phải anh ta. Một vài mạch máu và cả giòi bọ lòi ra từ vết thương.

"Chúng mày đã giết nó."

Mấy người Shuar lùi lại một bước.

"Không phải. Người Shuar không giết ai cả."

"Đừng có dối tá. Chúng mày đã hạ nó bằng một nhát dao. Rõ rành rành ra rồi."

Tên béo, người đẫm mồ hôi, giơ khẩu súng lục lên ngắm thẳng vào mấy người thổ dân đang hết sức bàng hoàng.

"Không đúng. Người Shuar không giết ai cả," người đàn ông vừa nói lại đánh bạo lên tiếng lần nữa.

Viên thị trưởng buộc ông ta câm miệng ngay lập tức bằng một phát súng.

Một tia máu lớn phụt ra từ trán người đàn ông Shuar.

"Đừng có bén mảng đến đây mà tưởng tao là thằng ngu. Chúng mày đã giết nó. Đi theo tao. Rồi chúng mày sẽ phải tường trình hết mọi sự. Đi! Lũ mọi rợ! Còn ông, thuyền trưởng, chuẩn bị tinh thần mang hai thằng tội phạm này lên tàu."

Đáp lại, viên thuyền trưởng tàu Sucre chỉ nhún vai.

"Xin thứ lỗi cho tôi. Nhưng ông đang lảm nhảm toàn chuyện vớ vẩn đấy. Chẳng có vết dao nào hết." Đó là giọng nói của Antonio José Bolívar.

Viên thị trưởng tức tối siết chặt cái khăn tay.

"Vậy lão thì biết cái gì chứ?"

"Tôi biết những gì tôi nhìn thấy được."

Lão già bước tới bên cái xác, cúi xuống, lật đầu cái xác về phía hắn và vạch vết thương ra.

"Ông không thấy phần thịt có nhiều vết rạch sâu và dài đây à? Ông không thấy có vết sâu vào tới tận hàm rồi càng xuống dưới càng nông dần đi hay sao? Ông không thấy là có tới bốn vết rất lớn, chứ không phải một đấy sao?"

"Lão nói thế là có ý quái gì?"

"Là chẳng có cái thứ dao bốn lưỡi nào cả. Chính là dấu vết móng vuốt. Móng vuốt của mèo rừng. Một con mèo trưởng thành đã giết hắn. Cứ ngửi thử mà xem."

Viên thị trưởng lại chùi khăn tay lên cổ. "Ngửi ấy à? Ta thấy nó đã rữa ra rồi."

"Cúi xuống ngửi đi. Sợ gì xác chết hay giòi bọ chứ. Ngửi mùi quần áo, mùi tóc, ngửi tất tật mà xem."

Tên béo đành gắng vượt qua cảm giác ghê tởm, cúi xuống, hít hít từ một khoảng cách an toàn nhất, y như một con chó đang sợ hãi.

"Mùi gì đấy?" lão già hỏi.

Những người đứng ngoài tò mò tiến tới gần và ngửi khắp cái xác.

"Ta không biết. Làm sao mà ta biết được? Mùi máu, mùi giòi," viên thị trưởng trả lời.

"Đấy là mùi thối nước đái mèo," một người đứng ngoài nói chõ vào.

"Nước đái mèo cái. Một con mèo cái rất to," lão già xác nhận.

"Như thế cũng không chứng minh được là hai thằng này đã không giết hắn."

Viên thị trưởng cố cao giọng xác định uy quyền của mình, nhưng sự chú ý của những người dân địa phương lúc này chỉ tập trung vào Antonio José Bolívar.

Lão già kiểm tra lại cái xác một lần nữa.

"Hắn bị một con mèo cái giết. Con đực hẳn còn ở đâu quanh đây thôi, có lẽ nó bị thương. Con cái giết hắn rồi đái ngay lên người hắn để đánh dấu, để những con thú khác không thể ăn thịt hắn khi nó đi tìm bạn tình của nó."

"Rõ là ba thứ chuyện đàn bà xó bếp. Lũ người rừng này đã giết hắn rồi tưới nước đái mèo lên người hắn chứ gì. Các người lúc nào cũng nhăm nhăm tin vào những chuyện nhảm nhí cũ rích."

Mấy người thổ dân lao xao phản ứng, nhưng cái nòng súng lập tức ngắm thẳng về phía họ khiến họ phải im bặt.

"Vậy thì sao họ lại muốn giết hắn?" bác sĩ lên tiếng.

"Tại sao à? Ta rất ngạc nhiên là bác sĩ lại hỏi như vậy đấy, bác sĩ. Để cướp của. Còn vì mục đích nào nữa chứ? Lũ mọi rợ này có chuyện gì mà không dám làm."

Lão già lắc đầu vẻ khó khăn, nhìn bác sĩ. Bác hiểu ngay Antonio José Bolívar đang cần gì, liền cùng lão lôi tất cả đồ đạc trên cái xác ra bày lên sàn ván gỗ trên bến.

Một cái đồng hồ đeo tay, một cái la bàn, một cái ví dày cộp tiền giấy, một cái bật lửa bằng dầu, một con dao đi săn, một dây chuyền bạc có mặt hình đầu ngựa.

Lão già nói gì đó với một người Shuar bằng thứ tiếng của họ, rồi người này nhảy ngay xuống xuồng, lấy cái túi vải bạt xanh của kẻ thiệt mạng đưa cho lão.

Khi chiếc túi mở ra, tất cả đều thấy trong đó có nhiều đạn và năm tấm da mèo rừng bé tí. Những tấm da mèo đốm dài không đến ba mươi phân. Những tấm da bọc đầy muối và bốc mùi hôi thối, dù không nồng nặc bằng cái xác kia.

"Rồi đấy, thưa quý ông, tôi cho là vấn đề đã sáng tỏ," bác sĩ lên tiếng.

Viên thị trưởng, mồ hôi vẫn đổ xối xả, nhìn mấy người Shuar, nhìn lão già, nhìn những người dân địa phương, rồi nhìn bác sĩ, không thốt nổi một lời.

Ngay lúc trông thấy mấy tấm da, nhóm thổ dân lo lắng bàn với nhau điều gì đó, rồi nhảy vội xuống mấy chiếc xuồng.

"Đứng lại! Chúng mày phải chờ đến khi tao xử lý xong đã," tên béo rít lên.

"Cứ để họ đi. Họ có lý do chính đáng. Hay là ông vẫn chưa hiểu ra vấn đề?"

Lão già nhìn viên thị trưởng, lắc đầu. Chợt lão nhặt một tấm da lên, quẳng về phía hắn. Tên béo đầm đìa mồ hôi, chùn lại vẻ ghê tởm khi tóm lấy nó.

"Xem kìa, quý ông. Ông không học được chút gì sau bao nhiêu năm ở đây hay sao? Nghĩ đi chứ. Tên ngoại bang đê tiện này đã giết hết bọn mèo con và nhiều khả năng còn làm mèo bố bị thương nữa. Nhìn trời kia kìa. Sắp mưa rồi. Tưởng tượng cái cảnh ấy mà xem. Mèo mẹ phải đi săn để nhét cho đầy thức ăn vào bụng còn lấy cái cho lũ con bú trong mấy tuần đầu của mùa mưa. Lũ mèo con chưa cai sữa, mèo bố phải ở lại trông nom chúng. Đấy là tập tính của lũ mèo rừng, và đấy cũng là lý do tên ngoại bang này phát hiện ra chúng. Bây giờ hẳn mèo mẹ đang lang thang vơ vẩn, phát điên lên vì đau đớn, và con người chính là thứ nó săn tìm. Nó lần theo dấu vết tên ngoại bang kia hẳn là rất dễ dàng. Tên khốn xấu số mang theo mùi sữa mèo trên lưng hắn, và mèo mẹ chỉ việc lần theo dấu ấy mà thôi. Giờ thì nó đã giết được một người. Nó đã biết mùi và vị máu người, và trong cái óc nhỏ bé của nó thì tất cả chúng ta đều đã giết chết con nó, đối với nó chúng ta có mùi giống nhau hết. Cứ để những người Shuar đi. Họ phải loan báo cho người của họ và cả các khu lân cận. Mỗi ngày trôi qua là mỗi ngày mèo mẹ càng thêm tuyệt vọng, càng thêm nguy hiểm, và nó sẽ bám theo mùi máu quanh các căn lều. Tên ngoại bang này đúng là một tên khốn nạn! Nhìn mấy tấm da mà xem. Bé tí tẹo và vô dụng. Đi săn vào đúng lúc trời đất chuyển mùa mưa, và lại bằng súng ngắn nữa! Nhìn mấy cái lỗ trên tấm da này xem. Ông có hiểu không? Ông buộc tội những người Shuar trong khi thủ phạm là tên ngoại bang này. Đi săn trái mùa loài thú đang được bảo vệ. Và nếu ông còn băn khoăn chuyện vũ khí, thì tôi nói cho ông biết rằng người Shuar không có đâu, vì họ tìm thấy xác hắn ở rất xa cái chỗ hắn bị giết. Nếu ông không tin tôi, thử nhìn đôi ủng của hắn xem. Gót ủng đã bị cào nát. Nghĩa là mèo mẹ đã lôi hắn đi một đoạn rất dài sau khi giết hắn. Nhìn xem ngực áo của hắn đã rách toạc kìa. Con thú đã cắn chặt lấy cái áo để kéo hắn đi. Tên ngoại bang xấu số. Đấy hẳn là một cái chết rất khủng khiếp. Nhìn xem vết thương này. Một cái vuốt của mèo mẹ đã cắt đứt tĩnh mạch nơi cổ hắn. Chắc chắn hắn đã trải qua cơn đau đớn tột độ cả nửa tiếng đồng hồ khi mèo mẹ uống máu hắn trào ra từ đó, và rồi con thú ranh ma lôi hắn tới bên bờ sông để lũ kiến không có cơ hội chén thịt hắn. Đó là lúc nó đái lên người hắn, để đánh dấu, và lúc những người Shuar tìm thấy hắn chắc là lúc nó đi tìm bạn tình của nó. Cứ để họ đi, và bảo họ báo cho cả bọn đào vàng đang cắm lều tạm dọc bờ sông nữa. Một con mèo rừng điên cuồng vì đau đớn còn nguy hiểm hơn cả hai mươi thằng sát nhân cộng lại!"

Viên thị trưởng, chẳng đáp lại nổi lời nào, chuồn vội đi viết một bản thông báo gửi cho đồn cảnh sát ở El Dorado.

Gió bắt đầu nóng lên và đặc quánh lại. Gió bám riết vào da như một tấm màng dinh dính khó chịu và mang theo cái tĩnh lặng từ rừng sâu thường có trước mỗi cơn giông. Ông trời trên cao kia đã sẵn sàng òa ra bất cứ giây phút nào.

Từ tòa thị chính vang lên tiếng máy chữ lọc cọc uể oải, trong khi ở bên ngoài, hai người đàn ông sắp đóng xong chiếc quan tài để bỏ cái xác giờ đang nằm lắt lay trên sàn gỗ bền tàu.

Viên trưởng tàu Sucre nhìn lên bầu trời đầy mưa, chửi thề, rồi lại nguyền rủa kẻ đã chết với vô số lời tục tĩu. Ông đã tự nhận lấy nhiệm vụ phủ muối xuống đáy quan tài. Dù biết tác dụng của nó cũng chẳng được bao nhiêu.

Việc đáng lẽ nên làm chính là cái việc thường vẫn xảy ra đối với những kẻ chết trong rừng, những kẻ chỉ vì thứ luật pháp ngớ ngẩn mà người ta không thể mặc kệ cho nằm lại trong rừng được: rạch mở cái xác từ cổ cho đến háng, lôi tất ruột gan phèo phổi ra, rồi bỏ đầy muối vào. Thế là nó còn có thể được đem ra mà chiêm ngưỡng vào lúc kết thúc cuộc hành trình. Nhưng đây lại là một tên ngoại bang khốn kiếp, nên hắn phải được giữ nguyên tất cả, cùng với giòi bọ đang đánh chén trong bụng hắn, và đến khi người ta bốc xuống tàu, hắn sẽ chỉ còn là một cái túi chất lỏng bốc mùi nôn mửa.

Bác sĩ và lão già ngồi lên mấy bình ga butan, ngắm dòng nước trôi. Họ chuyền nhau chai Frontera và hút xì gà làm từ những lá thuốc dày, cái loại chống được ẩm ướt.

"Thề có Chúa, Antonio José Bolívar, lão đã bắt ngài thị trưởng phải câm họng. Tôi không biết lão cũng là một thám tử cơ đấy. Lão đã làm hắn nhục nhã trước mặt tất cả mọi người. Hắn đáng bị như thế lắm. Tôi mong một ngày không xa mấy chú Jibaro sẽ cho hắn một mũi tên xuyên người."

"Vợ hắn sẽ giết hắn. Bà ta đang vun đầy hận thù, nhưng vẫn chưa đủ thôi. Những chuyện thế này cần thời gian."

"Đây. Tôi quên béng đi mất chỉ vì mấy chuyện vớ vẩn với cái xác kia. Tôi có mang cho lão hai cuốn sách."

Đôi mắt lão già sáng bừng lên.

"Truyện tình chứ?"

Bác sĩ gật đầu.

Antonio José Bolívar rất mê đọc truyện tình, và trong mỗi chuyến tới đây bác sĩ đều mang cho lão một ít sách mới.

"Có buồn không?" lão hỏi.

"Trái tim lão sẽ phải tan chảy thành nước ấy chứ," bác sĩ khẳng định.

"Có những đôi yêu nhau thắm thiết chứ?"

"Như thể chưa từng có ai biết yêu vậy."

"Họ có phải đau đớn nhiều không?"

"Phải nói là suýt quá giới hạn chịu đựng của tôi đấy," bác sĩ đáp.

Thực ra, bác sĩ Rubicundo Loachamín chưa từng động đến cuốn tiểu thuyết nào cả.

Lần đầu tiên, khi lão già nhờ bác kiếm cho sách để đọc, nhấn mạnh rằng lão thích những câu truyện tình đau đớn, tuyệt vọng, với những cái kết có hậu, bác sĩ cảm thấy như vừa nhận một nhiệm vụ không tưởng.

Bác nghĩ, trông mình sẽ nực cười biết bao khi vào một hiệu sách ở Guayaquil mà hỏi rằng: "Lấy cho tôi một câu truyện tình buồn nẫu ruột, đau khổ cực độ, và kết thúc có hậu." Họ sẽ nghĩ bác là một kẻ không bình thường. Và rồi, thật bất ngờ, bác đã tìm được giải pháp trong một nhà thổ bên bờ biển.

Bác sĩ thích phụ nữ da màu, đầu tiên là vì họ luôn thánh thót những điều có thể dựng một vận động viên quyền anh đã ngã gục dúi dụi lại hùng dũng đứng thẳng dậy được, và thứ hai là vì họ không toát mồ hôi lúc trên giường.

Một chiều, khi đang đùa giỡn với Josefina, người đàn bà vùng Esmeralda có làn da căng như mặt trống, bác trông thấy một hàng sách dựng ngay ngắn trên bàn trang điểm.

"Em đọc sách à?" bác hỏi.

"Có chứ, nhưng em hay đọc rề rà," người đàn bà trả lời.

"Em thích đọc chuyện kiểu gì nhất?"

"Truyện tình," Josefina đáp. Cô có chung sở thích với Antonio José Bolívar.

Từ buổi chiều ấy trở đi, Josefina vừa là người chăm sóc tình cảm vừa lãnh thêm trách nhiệm phê bình văn học. Cứ sáu tháng một lần, cô lại chọn ra hai cuốn tiểu thuyết, theo ý cô, chắc chắn sẽ gây ra những cơn đau tim cực độ, những cuốn mà rồi sau này Antonio José Bolívar sẽ đọc một mình trong căn lều nhìn ra con sông Nangaritza của lão.

Lão già cầm lấy hai cuốn sách, xem kỹ bìa, rồi tuyên bố chúng thuộc danh sách yêu thích của mình.

Trong khi ấy, chiếc quan tài đã được nhấc lên tàu và viên thị trưởng đang đứng giám sát việc khuân vác. Khi trông thấy bác sĩ, hắn bèn sai người đến chỗ bác.

"Ngài thị trưởng bảo ông ấy không quên tiền thuế của bác sĩ đâu."

Bác sĩ đưa cho người đàn ông xấp tiền giấy đã đếm sẵn, nói thêm:

"Nói hay đấy! Bảo hắn rằng ta là một công dân rất biết tuân thủ luật pháp đấy."

Người đàn ông quay lại chỗ viên thị trưởng. Tên béo cầm lấy xấp tiền, nhét sâu vào trong túi áo, rồi giơ một tay lên trán nhìn về phía bác sĩ tỏ ý đã nhận được.

"Hắn cũng làm tôi sống dở chết dở với cái thứ thuế má của hắn," lão già bình luận.

"Đúng là những vụn vãi ngon lành. Các chính phủ luôn sống bằng những miếng ăn ranh ma chộp giật từ dân chúng mà. Tốt nhất là mình đừng có quá phiền lòng về bọn họ."

Cả hai lại tiếp tục hút thuốc và uống rượu, ngắm nhìn dòng nước xanh bất tận chảy qua.

"Trông lão đăm chiêu quá đấy, Antonio José Bolívar. Quên nó đi."

"Bác nói phải. Tôi chẳng thích chuyện này tí nào. Tôi biết chắc Cóc Nhớt đang nghĩ kế hoạch lập đội đi săn, và thể nào hắn cũng bảo tôi đi cùng. Tôi chẳng thích một tí tẹo nào. Bác có thấy cái vết thương đấy không? Một đòn bằng móng vuốt rất ngọt. Đấy là một con thú lớn, và móng vuốt của nó phải dài đến năm centimét. Một con thú hung dữ đến thế, thì dù có đói khát thế nào, nó cũng sẽ không từ bỏ quyết tâm đâu. Rồi mưa còn sắp đổ xuống. Dấu vết của nó sẽ trôi sạch, cơn khát máu sẽ càng khiến những dấu vết đó trở nên tinh quái hơn."

"Lão từ chối được mà. Lão đã quá già với cái trò đuổi bắt vòng quanh ấy rồi."

"Đừng tin chắc thế. Đôi lúc tôi còn thấy muốn lấy vợ lần nữa đây. Biết đâu có ngày tôi lại mời bác làm phù rể cho tôi ấy chứ."

"Này, hỏi nhỏ nhé, lão bao nhiêu tuổi rồi, Antonio José Bolívar?"

"Già lắm rồi. Sáu mươi mấy gì đó theo giấy tờ, nhưng tính tới đoạn tôi đã biết đi khi người ta làm giấy cho tôi thì chắc phải gần bảy mươi."

Chuông tàu Sucre kêu vang, báo hiệu khởi hành, và họ phải chia tay nhau.

Lão già ngồi lại trên bến cho tới khi con tàu khuất hẳn sau một khúc uốn của con sông. Rồi lão quyết định từ giờ cho đến hết ngày sẽ không nói chuyện với ai nữa, bèn nhấc bộ răng giả ra, gói vào khăn tay, và, với hai cuốn sách ghì chặt vào ngực, lên đường trở về lều.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện