Chương 73: Người nuôi rắn
( Xà nhân)
Nhà Mỗ ở Đông Quận, sinh sống bằng nghề nuôi rắn làm trò. Có hai con đã thuần, cả hai đều màu xanh. Con lớn đặt tên là Đại Thanh, con nhỏ đặt là Nhị Thanh. Con Nhị Thanh trán có một cái chấm đỏ, thuần hơn. Anh ta đặc biệt yêu quý chúng hơn các con khác.
Năm ấy rắn Đại Thanh chết. Anh ta muốn thay bằng con khác nhưng chưa gặp dịp. Tối ây, anh ta ở trọ ở một ngôi chùa trong núi. Sáng ra mở giỏ rắn thì Nhị Thanh đã biến đâu mát. Anh ta buồn tưởng chết, vội vàng đi gọi, tim khắp các gốc cây bụi cỏ nhưng tuyệt nhiên không thấy dấu vết đâu. Anh ta đành phải quay về ngồi đợi, bụng vẫn mong ngóng nó sẽ tự tìm về.
Mặt trời lên cao, anh ta tuyệt vong, đành nhẽ rầu rĩ khăn gói lên đường. Mới được ít bước, bỗng có tiếng loạt xoạt trong bụi cây, vội ngừng lại nghiêng ngó dõi theo thì thấy Nhị Thanh đang trườn tới. Anh ta mùng quá như tìm lại được vàng, vội dừng lại, đứng đợi ở góc đường. Rắn cũng ngừng lại, phía sau có một chú rắn nhỏ đi theo. Anh ta vỗ về Nhị Thanh:
-Tao tưởng mày đã bỏ tao đi rồi? Nay còn dẫn thêm bạn nhỏ về nữa ư?
Rồi vội đem mồi cho ăn, cho cả con nhỏ nữa. Chú rắn tuy không bỏ đi nhưng còn có vẻ ngần ngừ không dám ăn. Nhị Thanh ngậm mồi mớm cho, y như chủ nhân tiếp khách vậy.
Người nuôi rắn cũng tiếp mồi thêm chưa. Bấy giờ rắn con mới ăn tự nhiên, ăn xong theo Nhị Thanh bò vào trong giỏ.
Người nuôi rắn đem dạy rắn con vào khuôn khép ngay không khác gì Nhị Thanh lắm. Anh ta đặt tên cho nó là Tiểu Thanh, rồi mang cả đi biểu diễn tư phương, thu tiền vô kể.
Đại khái người biểu diễn rắn chỉ dùng rắn dài độ bốn gang, dà quá thì nặng phải thay con khác. Con Nhị Thanh đã đến độ phải thay, song chỉ vì nó hay quá, thành thử chưa muốn thay ngay mà còn lưu dùng hai ba năm nữa. Đến khi nó dài đến sáu bảy gang nằm chật đầy giỏ, anh ta buộc phải thay. Đến đất Tuy ở Sơn Đông, anh ta cho Nhị Thanh ăn mồi ngon, vỗ về chúc tụng nói rồi thả ra. Nó đã bò đi, chốc lát quay lại, cứ lượn quanh ngoài giỏ. Người nuôi rắn vẫy tay ra hiệu:
- Đi đi! Trên đời này làm gì có tiệc vui sum họp trăm năm chưa tan. Từ nay mày vào ẩn trong hang lớn, thế nào cũng hóa thành thần long. Còn cái giỏ chật hẹp này mày sao có thể ở mãi được?
Dường như nghe hiểu ý vậy, lần này con rắn bò đi hẳn. Mỗ đưa mắt nhìn tiễn.
Thế rồi rắn lại quay trở lại. Mỗ vẫy tay ra hiệu cho nó đi, nó vẫn không đi, cứ lấy đầu cạ vào cái giỏ. Tiểu Thanh ở bên trong cũng động cựa soàn soạt. Lúc ấy Mỗ mới hiểu, bảo rằng:
- Có phải mày quay lại từ biệt Tiểu Thanh chăng?
Nói đoạn mở giỏ cho Tiểu Thanh ra. Hai con đầu quấn lấy nhau, lưỡi thè lè như muốn nói với nhau điều gì đó. Rồi hai con cùng bò đi. Mỗ đang còn ngỡ Tiểu Thanh không trở về nữa, nhưng chỉ một lát nó đã ngoằn ngoèo bò về một mình, rúc vào trong giỏ nằm.
Từ đó, công việc của Mỗ không lấy gì làm tốt. Tiểu Thanh cũng to dần ra không biểu diễn được nữa. Sau Mỗ kiếm một con cũng thuần, song không sao bằng Tiểu Thanh.
Lại nói Nhị Thanh vào trong núi, những người đi lấy củi thường gặp. Vài năm sau, nó dài đến mấy chục gang, khoang mình như cái miệng bát, thường hay xông ra phi đuổi người. Bởi vậy những người hay qua lại đấy mách nhau, sợ không dám ra đường.
Một hôm, Mỗ đi qua nơi ấy, rắn quăng mình như gió lao theo. Anh sợ quá bỏ chạy. Rắn đuổi theo rất gấp, sát tận chân. Anh ta quay nhìn lại thấy trán rắn có nốt đỏ mới nhận ra Nhị Thanh, liền hạ gánh xuống gọi: “Nhị Thanh! Nhị Thanh!” Rắn dừng lại, nghiển đầu hồi lâu rồi quăng mình quấn lấy chân Mỗ như diễn trò hồi nào vậy. Mỗ biết rắn không có gì làm hại, nhưng vì nó to quá, anh ta không chịu được sức nó quấn nên ngã vật xuống, kêu lên. Lúc ấy rắn mới buông ra, lấy đầu cọ cọ vào giỏ. Mỗ hiểu ý, mở giỏ thả Tiểu Thanh ra. Hai con vật quấn lấy nhau hồi lâu mới rời.
Mỗ thấy thế, liền chúc Tiểu Thanh:
- Tao đã có ý định thả mày lâu rồi. Nay thế là có bạn nhé!
Quay lại Nhị Thanh, anh ta bảo:
- Trước mày dẫn nó về, nay mày hãy dẫn nó đi.
Rồi cùng dặn cả hai:
- Núi sâu không thiếu mồi, chớ quấy người dọc đường.
Hai con rắn cùng cúi đầu như tỏ ý vâng lời. Rồi con lớn trước con bé sau, bò vào rừng. Người nuôi rắn đứng sừng sững nhìn theo cho đến khi cúng khuất hẳn.
Từ đó người qua lại đường ấy được yên ổn, không gặp rắn đuổi.
NGUYỄN VĂN HUYỀN dịch
--- ------ BỔ SUNG THÊM --- ------
Nước Dạ Xoa
( Dạ Xoa Quốc)
Có người họ Từ ở đấ Giao Châu, vượt biển đi buôn bị bão thổi bạt thuyền vào một xứ núi cao, rừng rậm. Trông chừng nơi đây có người ở, anh ta buộc thuyền lại, đem theo lương khô rồi lên bờ.
Vừa đi một đoạn đã thấy hai bên núi đều có hang động, dầy đặc như lổ tổ ong, ở trong âm âm nghe có tiếng người. Dừng chân đứng ngoài cửa hang nhòm vào, thấy có hai tên dạ xoa răng tua tủa, mắt đỏ đòng đọc như ngọn đèn, đang lấy móng vuốt xé thịt hươu sống ăn. Anh ta hồn bay phách lạc vội ngoắt ra thì bọn dạ xoa đã nhìn thấy, bỏ ăn quay ra bắt người. Hai dạ xoa trao đổi với nhau, tiếng như tiếng chim, tiếng thú. Chúng xé toan quần áo Từ, có ý muốn ăn tươi. Từ sợ quá, vội lấy lương khô, cùng thịt trâu khô trong đãy ra đưa cho chúng. Chúng chia nhau ăn ngon lành lắm. Quen mùi chúng lại lục đãy. Từ xua tay ra hiệu không còn, dạ xoa có vẻ bực tức, lại túm lấy Từ, Từ kêu van:
- Xin tha cho, trong thuyền tôi có nhiều nồi niêu, có thể nấu nướng được.
Da xoa không hiểu gì lại càng tức, Từ dùng tay ra hiệu, chúng có vẻ hơi hiều, chịu theo Từ ra thuyền. Từ đem đồ đạc vào trong hang, bắc củi nhóm lửa nấu số thịt hươu còn lại rồi đua cho lũ dạ xoa ăn. Chúng mừng rỡ chén ngay. Đêm xuống chúng vần đá lớn lấp cửa hang, chúng sợ Từ trốn. Từ nằm co quắp ngoài xa, trong bụng chỉ sợ phen này tất chết.
Sáng ra, chúng lấp chặt cửa hoang rồi đi. Một lát, chúng mang về một con hươu giao cho Từ. Từ lột da, lấy nước ở cuối hang, luộc thịt làm mấy nồi. Lát sau, một bầy dạ xoa đến, ngấu nghiến ăn hết rồi cùng chỉ vào nồi ra vẻ chê nồi nhỏ. Ba bốn ngày sau, một dạ xoa vác tới một cái nồi lớn, giống như nồi người ta thường dùng. Rồi cả bầy đem đến nào nai, nào sói; khi thịt chín rồi chúng gọi Từ đến cùng ăn.
Ở với nhau mấy ngày, bọn dạ xoa đã hơi quen Từ, khi đi không giam anh ta lại nữa mà ăn ở với nhau như người trong bầy. Từ dần dần phân biệt được tiếng kêu của chúng để dò biết ý rồi cũng tập phát âm như thế, vô hình chung thành ra thứ tiếng dạ xoa. Chúng càng bằng lòng, rủ về một dạ xoa cái cho Từ làm vợ. Lúc đầu Từ sợ không dám gần. Sau đó con dạ xoa cái lân la cùng Từ giao hợp, lấy làm khoái lắm. Mỗi khi đem thịt cho Từ ăn cũng thân thiết y như tình vợ chồng ở con người vậy.
Một hôm tất cả bọn dạ xoa đều dậy sớm, quấn chuỗi hạt minh châu trên cổ, thay phiên nhau ra cửa như có ý chờ đón khách quý. Chúng còn bảo Từ nấu nhiều thịt. Từ hỏi vợ xem có chuyện gì vậy, vợ đáp:
- Đây là tiết Thiên thọ.
Rồi ra bảo bọn kia rằng:
- Anh Từ không có vòng hạt đeo.
Cả bọn trích trong từng chuỗi minh châu mỗi năm hạt đưa cho vợ Từ. Vợ Từ cũng rút mười hạt trong chuỗi của mình, tất cả năm mươi hạt rồi lấy sợi đay xuyên thành chuỗi hạt đeo vào cổ cho chồng. Từ nhìn kỹ, thấy đều là hạt châu quý có dể phải hàng trăm đồn vàng một hạt.
Lát sau cả bầy dạ xoa đều ra ngoài. Từ cũng nấu thịt xong, vợ vào mời ra, bảo:
- Đón Thiên vương.
Đến một cái hang lớn, rộng khoảng một mẫu, ở giữa xếp đá thành một khối bằng phẳng như cái sập, bốn chung quanh đều có đá, bệ trên cùng phủ da báo, còn lại đều phủ da hươu. Hai ba mươi bầy dạ xoa đã ngồi la liệt trong hang. Lát sau gió to làm bụi mù, tất cả dạ xoa đều ra khỏi hang. Một con vật khổng lồ hình thù cũng loại da xoa, chạy ào vào hang, nhảy lên ngồi tót lên bệ trên, hai chân duỗi thẳng, mắt láo lướt nhìn khắp. Bầy dạ xoa theo vào sau, chia hàng thứ ngồi hai bên đông tây, đầu ngẩng, hai tay chắp ngực thành hình chữ thập. Con vật ấy nhìn điểm các đầu một lượt, cất tiếng hỏi:
- Bọn Ngọa Mi Sơn ở hế cả đây chứ?
Cả bầy hét lên có ý trả lời: phải. Con vật ấy nhìn Từ, nói:
- Gì đây?
Vợ Từ thưa:
- Rể.
Cả bầy khen Từ có tài nấu thịt chín. Lập tức hai dạ xoa đem thịt đã nấu chín bày lên sập. Con vật ấy cúi xuống ăn thịt no căng, vừa ăn vừa gật gù khen ngon, lại còn hẹn phải cung đốn thường ngày. Xong rồi quay nhìn Từ bảo:
- Vòng hạt sao ngắn thế?
Bọn dạ xoa đáp:
- Mới đến, chưa đủ.
Con vật ấy rút mười hạt đeo trên cổ đưa cho, hạt nào hạt ấy to như đầu ngón tay, tròn như viên đạn. Vợ Từ vội nhận, đeo vào cổ cho chồng. Từ cũng chắp cánh tay, nói theo tiếng nói dạ xoa để tạ ơn. Xong con vật ấy ra khỏi hang, lướt gió mà đi, nhanh như bay. Cả bọn dạ xoa lúc sau mới xúm lại ăn nốt chỗ còn lại, rồi tản mát đi cả.
Được hơn bốn năm, vợ Từ đẻ sinh ba, hai trai một gái, đều giống bố cả. Bầy dạ xoa rất thích ba đứa trẻ, vỗ về đùa nghịch với chúng.
Một hôm, cả hang đi vắng, chỉ còn lại một mình Từ. Có một con sạ xoa cái ở hang khác sang gạ gẫm Từ. Từ không chịu thế là nó quật Từ xuống đất. Vợ Từ bất thình lình về, nổi giận quần nhau với nó cắn đứt tai. Chồng nó về gỡ ra đuổi nó đi. Từ đó, vợ Từ giữ rịt lấy chồng không rời.
Ba năm sau, ba đứa trẻ đã biết đi. Từ dạy chúng nói tiếng ríu ríu nhưng đã nghe rõ là tiếng người. Tuy chúng còn là trẻ con song trèo núi cứ như đi trên đấtt bằng, khăng khít với Từ như tình cha con lòai người vậy.
Một hôm vợ Từ và hai con ra ngoài, nửa ngày chưa về. Gió bấc thổi mạnh, Từ chạnh tình quê,, dẫn đứa con trai ra bờ biển, thấy thuyền cũ vẫn còn đó, liền quyết định trở về, đứa con định báo với mẹ, Từ ngăn lại. Hai cha con xuống thuyền, một ngày một đêm thì đến Giao Châu.
Đến nhà, vợ cũ đã bỏ đi lấy chồng. Từ đem hai hạt châu đi bán lấy tiền làm ăn sinh sống, gia cảnh ngày càng dư dật. Đứa con trai đặt tên là Bưu, mới mười bốn, mười lăm tuổi đã có thể cất nổi hàng tạ, tính tình lỗ mãng, chỉ thích đánh nhau. Viên tướng chỉ huy ở đất Giao lấy làm lạ, cho giữ một chức quan võ cấp thấp. Gặp lúc có loạn ngoài biên, Bưu lập được công, năm mười tám tuổi được phong làm phó tướng.
Thời ấy, một lái buôn đi biển cũng bị gió thổi bạt đến Ngọa Mi, treo lên bờ, thấy một thiếu niên đã lấy làm kinh ngạc. Thiếu niên biết là dân Trung Quốc liền hỏi thăm quê quán. Người lái buôn kể rõ. Thiếu niên dẫn ngay vào trong một cái hang đá nhỏ, bên ngoài có toàn gai góc, dặn cứ ở đây chớ đi ra ngoài. Lát sau trở về, anh ta đem thịt hươu cho người lái buôn và nói cha mình cũng là người Giao Châu. Người lái buôn ngày đó là Từ- vì họ cùng cánh buôn bán quen biết nhau- liền bảo với anh ta:
- Ông ấy là bạn tôi. Nay con ông ta đang làm phó tướng.
Thiếu niên không hiểu phó tướng là gì, người lái buôn giải thích:
- Đó là một chức quan ở Trung Quốc.
Lại hỏi: Quan là gì?
Trả lời:
- Ra đường cưỡi ngựa, đi xe; vào nhà ngồi trên cao chót vót; gọi một lời trăm tiếng dạ ran; ai gặp không dám nhìn, không dám đứng thẳng, như thế gọi là quan.
Thiếu niên nghe thấy nói về quan như thế, đã lấy làm kính mộ lắm. Nguời lái buôn bảo:
- Cha anh đã ở Giao Châu, sao anh còn chịu ở đây lâu thế?
Thiếu niên kể lại sự tình. Người lái buôn khuyên nên về Nam với cha, anh ta mới nói thực tình:
- Tôi cũng thường có ý ấy, song mẹ tôi không phải là người Trung Quốc, vẻ người tiếng nói đều khác. Vả lại đồng loại của mẹ mà biết ý định ấy thì sẽ tàn hại, do đó còn chần chừ. Rồi còn hẹn: “Đợi gió bấc nổi lên, tôi sẽ tìm cách đưa ông về. Phiền ông báo cho cha và anh tôi biết tin”.
Gần nửa năm ẩn trong hang, người lái buôn có phen nhòm qua đám gai góc thấy dạ xoa qua lại bên ngoài thì sợ lắm, không dám động cựa. Một hôm gió bấc ù ù thổi, thiếu niên đến ngay, dẫn người lái buôn trốn ra khỏi hang tìm cách về Nam. Anh còn dặn đừng quên điều mình nhờ.
Về đến Giao Châu, người lái buôn vào ngay phủ phó tướng, kể lại đầy đủ những điều đã gặp. Bưu chạnh lòng nhơ mẹ nhớ em, muốn lập tức đi tìm. Người cha hết sức can ngăn, e biển khơi gió to sóng dữ, hiểm trở gian nan. Bưu cứ đấm ngực kêu khóc, người cha đành phải chịu. Rồi Bưu đến trình với quan chánh tướng, dẫn hai người lính ra biển. Thuyền bị gió ngược cản, phải hạ buồm ở giữa biển nửa tháng, bốn chung quanh chỉ thấy trời nước không bờ, chẳng phân biệt được phương hướng. Bỗng gặp cơn sóng dữ lật úp thuyền, Bưu lộn xuống biển vật vờ chìm, nổi theo sóng. Hồi lâu được một con gì đó dìu vào một vùng đất có nhà cửa. Bưu tỉnh dậy, thấy con vật dìu mình ấy có hình dạng dạ xoa. Bưu nói tiếng dạ xoa kể lại cơn cớ của mình. Dạ xoa vừa kinh ngạc vừa mừng rỡ, bảo Bưu:
- Ngọa Mi chính là quê cũ của tôi. Anh đã chệnh tám nghìn dặm. Đây là hướng tới nước Độc Long, không phải là lối tới Ngọa Mi.
Nói rồi hắn ta tìm thuyền đưa Bưu xuống, rồi lội nước đẩy thuyền nhanh vùn vụt như gió lướt, loáng mắt đã vượt nhìn dặm. Qua một đêm thuyền đã tới bờ Bắc Ngọa Mi. Bưu thấy trên bờ có một thiếu niên có vẻ quẩn quanh trông ngóng. Biết đây không có loài người ở, Bưu ngờ đó là em mình, lại gần dò hỏi thì quả nhiên là đúng. Hai anh em nắm tay nhau khóc. Bưu hỏi tin tức mẹ và em gái, được biết đều còn khỏe mạnh, bình yên, muốn cùng đi tìm ngay. Người em ngăn lại, tự mình vội vã quay đi, định đi hỏi bầy dạ xoa để từ tạ thì chúng đã đi đâu mất cả.
Không bao lâu mẹ và em gái đều đến chỗ Bưu, vừa trông thấy nhau đã khóc ròng. Bưu nói ý định, mẹ dạ xoa buồn rầu bảo:
- Sợ đến sẽ bị người hại.
Bưu cả quyết:
- Con ở Trung Quốc rất sanh trọng, người nào dám coi thường.
Khi ý định về Giao Châu đã quyết thì lại ngại nỗi gió ngược không sao đi được. Mẹ con còn đang lúng túng thì thấy cánh buồm ngả hướng về Nam.
Bưu mừng, reo lên:
- Trời giúp ta rồi!
Mẹ con xuôi thuyền, sóng xuôi gió thuận, thuyền đi như tên bắn, ba ngày thì tới đất Giao Châu. Người trên bờ vừa nhìn thấy thì đã bỏ chạy tán loạn. Bưu phân phát quần áo cho mẹ và em.
Về đến nhà, mẹ dạ xoa thấy ông bố chồng ra mặt tức giận mắng mỏ, đã lấy làm ân hận vì đã trót dại về đây. Từ phải tạ lỗi mãi. Gia nhân đến chào chủ mẫu, ai nấy đều run sợ. Bưu khuyên mẹ học nói tiếng Trung Quốc. Rồi được mặc áo gấm, ăn cơm thịt, mẹ dạ xoa mới yên lòng, có vẻ vui. Cả mẹ và con gái đều mặc trang phục đàn ông.
Được vài tháng, họ dần dần nói rõ tiếng người, nước da trắng ra. Em trai đặt tên là Báo, em gái tên là Dạ Nhi, đều rất khoẻ.
Bưu tìm cách dạy em học chữ, Báo rất thông minh, kinh sử lướt qua một lượt là hiểu và thuộc. song anh ta không muốn theo đòi nghiệp nho mà thích tập cưỡi ngựa, bắn cung, sau đỗ tiến sĩ võ, lấy con gái viên quan họ A.
Dạ Nhi vì khác giống, mãi không ai lấy, sau có viên tướng của Bưu- người họ Viên- vì chết vợ mới lấy gượng. Dạ Nhi có thể giương được cung cứng “bách thạch”, từ xa trăm bước có thể bắn trúng chim nhỏ, không phát nào trật. Mỗi khi đi đánh dẹp đâu. Viên thường đưa vợ cùng đi. Sau ông ta được cất nhắc lên chức đồng tri tướng quân, nửa phần công trạng là do vợ lập.
Còn Báo năm ba mươi tư tuổi đeo ấn tướng quân. Mẹ dạ xoa cũng đi theo, mỗi khi vào trận đánh lớn thường mặc áo giáp, cầm gươm tiếp ứng cho con. Quân địch trông thấy là hoảng sợ bỏ chạy. Nhà vua xuống chiếu phong cho tước nam. Báo thay mẹ dâng sớ từ không nhận tước ấy. Sau được phong là phu nhân.
NGUYỄN VĂN HUYỀN dịch