Chương 12: Truyện Việt Tỉnh
Việt Tỉnh ở núi Trâu Sơn, quận Vũ Ninh; đời Hùng Vương thứ ba, Ân Vương cử binh Nam xâm, đóng quân ở núi Trâu Sơn; Hùng Vương cầu Long quân giúp, Long quân bao tìm khắp thiên hạ, nếu được người kỳ tài thì dẹp được giặc; đến kỳ cầu được Đổng Thiên Vương cỡi ngựa sắt đi đánh, tướng sĩ nhà Ân đều tan vỡ. Ân Vương chết ở dưới núi, làm Địa Phủ Quân; dân lập đền thờ, bốn mùa cúng tế nhưng lâu năm suy dần bỏ thành chùa hoang.
Người bản quốc tên là Thôi Lạng làm quan nhà Tần đến chức Ngự Sử Đại Phu thường đi ngang qua đấy, thương cảnh điêu tàn mới trùng tu miếu vũ lại, nhân đó có đề một bài thơ:
Cổ nhân truyền tụng chuyện Ân Vương.
Tuần thú năm kia đến địa phương.
Núi rậm, nước trôi không thấy miếu;
Hồn thăng, dấu để vẫn nghe hương,
Một mai thắng bại không Ân đức,
Muôn thuở uy linh trấn Việt Thường.
Trăm họ từ đây đều phụng tự.
Âm phù vận nước vững vô cương.
Sau đến đời Nhâm Ngao, Triệu Đà Nam xâm lại đóng quân ở núi này, lại trùng tu miếu mạo, cúng tế hậu hĩnh; Ân vương cảm đức, muốn đền công cho Thôi Lạng mới sai Ma Cô Tiên đi tìm khắp nơi. Lúc bấy giờ Thôi Lạng đã chết, chỉ còn con là Thôi Vỹ.
Tiết Thượng nguyên tháng Giêng, phương dân đi lễ đền, có người cúng một cặp bình pha lê. Ma Cô cầm lên tay ngắm nghía, bỗng bình rơi xuống đất, vỡ sứt một mảnh; người ta bắt Ma Cô lại đòi bồi thường; Ma Cô mặc áo rách, không ai biết là người tiên; họ mới lấy roi đánh. Thôi Vỹ thấy thế thương hại, cổi áo đền hộ nàng; Ma Cô được khỏi đánh, nhân đó hỏi đến chỗ ở của Thôi Vỹ; Thôi Vỹ nói đến tên cha thì nàng mới hay là con Thôi Lạng. Nàng mừng bảo rằng:
- Ta bây giờ không có lấy gì để đền ơn, sau này chàng sẽ được hậu báo.
Bèn đưa cho Thôi Vỹ một tấm lá ngài và dặn rằng:
- Hãy giữ lấy vật này cho cẩn thận, lúc nào cũng để trong mình, gặp bệnh nhục ảnh [1] mà đem cứu tất khỏi, rồi thế nào cũng được giàu sang phú quý.
Thôi Vỹ cầm lấy lá ngải nhưng cũng chẳng biết đó là thuốc tiên.
Một hôm đi đến nhà Đạo sĩ Ứng Huyền, thấy Huyền có một cái nhọt trên đầu, Vỹ nói:
- Tôi có lá ngải trị được bệnh này, để tôi trừ cho.
Thôi Vỹ lấy ngải cứu cho Ứng Huyền, cái nhọt của Ứng Huyền liền tiêu tan. Ứng Huyền nói:
- Ấy là thứ thuốc tiên vậy, tôi không có gì đền đáp cho anh, tôi có một người thân thích cũng đau bệnh này, thường nói rằng ai chữa cho bệnh lành được thì dầu hết gia tài cũng chẳng hề tiếc, tôi đem anh qua đó để chữa cho họ và để đền ơn anh.
Ứng Huyền đem Thôi Vỹ sang nhà Nhâm Ngao; Thôi Vỹ lấy ngải ra cứu, cái nhọt lập tức lành ngay. Nhâm Ngao rất mừng, nuôi Vỹ làm con, mở trường để dạy Vỹ; tính Vỹ thông minh, ưa thích đàn cầm, thấy con gái Nhâm Ngao là Phương Dung mới đem lòng yêu dấu, nhân cùng nàng tư thông, tình ý quyến luyến; con Ngao là Nhâm Phu biết được, muốn làm cho Vỹ chết.
Đến cuối năm, có lễ tế thần Xương Cuồng, người ta chưa tìm được người tế nên Nhâm Phu bảo Vỹ:
- Ngày nay không nên đi ra ngoài, hãy vào Công sảnh mà tránh đi thì sau này khỏi hối.
Thôi Vỹ chưa hiểu ý là làm sao, Nhâm Phu đã khóa chặt cửa lại, bảo không được ra. Phương Dung biết ý, lén lấy con dao đưa cho Vỹ, bảo đục vách mà ra.
Đêm khuya, Thôi Vỹ trốn đi, muốn đến nhà Ứng Huyền, lật đật đi trên núi, rủi rơi vào trong một cái hang, tứ phía đều là vách đá không có chỗ nào trèo lên được, ở trên có một khối đá rỏ sữa đá chảy xuống một chiếc mâm đá, có một con rắn trắng dài trăm thước, mỏ vàng miệng đỏ, vây bạc, dưới cầm có một cái bướu thịt, trên trán có ba chữ vàng: “Vương tử xà”, bò ra ăn thạch nhũ; thấy trên thạch bàn hết cả, rắn cất đầu lên thấy Vỹ toan muốn nuốt đi; Thôi Vỹ sợ quá, quỳ xuống lạy rằng:
- Thần tỵ nạn, lầm rơi xuống đầy, đói bụng nên có ăn trộm vương vật, thực là có tội, dưới cầm vương có một cái nhọt, thần xin lấy ngải cứu lành, xin tha tội để thần trổ nghề mọn này.
Bạch xà lập tức ngang đầu lên cho Vỹ cứu, bỗng thấy đồng nội bị cháy, một tia lửa bay vào trong hang, Vỹ lấy lửa cứu cho rắn, cái nhọt liền tiêu ngay. Rắn mới khom mình đến trước Vỹ, ý muốn bảo Vỹ cỡi lên, Vỹ cỡi lên lưng rắn, rắn bò ra hang, ước một canh thì đến trên bờ, bờ vắng vẻ không có người nào đi lại; rắn quấn đuôi lại trở về hang.
Vỹ đi một mình, lạc đường, bỗng thấy trên cửa thành có một cái lầu cao, ngói đỏ lóng lánh, đèn sáng rực rỡ, trước cửa có treo một tấm biển đỏ chữ vàng đề là “Ân Vương Thành”. Vỹ ngồi bên cửa thành, hồi lâu không thấy có người nào qua lại mới bước vào cửa sân, thấy bên sân có một cái ao, trong ao có hoa sen năm sắc, trên bờ có nhiều rặng hòe liễu; đường lát bằng phẳng, ngọc điện châu cung, tòa ngang dãy dọc; trên điện đặt hai cái giường vàng trải chiếu hoa bạc, trên tường có treo một cây đàn cầm đàn sắt. Vỹ thong thả bước đến lấy cây đàn gảy một hồi lâu.
Kim đồng, ngọc nữ vài trăm người hầu bà Ân Vương Hậu mở cửa đi ra. Vỹ sợ quá, chạy xuống sân điện sụp lạy. Bà An Hậu cười bảo rằng:
- Thôi quan nhân ở đâu lại?
Sai người mời lên trên điện, bảo rằng:
- Đền thờ của Ân Vương ta lâu đời bỏ hoang phế, nhờ sức của Tiền thần Ngự sử trùng tu lại, người đời mới bắt chước thờ cúng luôn luôn. Vương đã sai Ma Cô đi tìm để báo đức nhưng không gặp được Ngự sử, chỉ gặp Công tử nên chưa có dịp đền đáp, nay thân được thấy mặt thì Thượng đế đòi Vương lên chầu trời rồi, thôi Công tử ở lại đây đợi vậy.
Rồi lưu Thôi Vỹ ở lại ăn uống no say.
Bỗng thấy một người râu dài bụng lớn, cầm một lờ biểu quỳ mà tâu rằng:
- Tháng Giêng ngày mồng ba, Nhâm Ngao bị thần Xương Cuồng đánh chết.
Nghe tâu xong, Hậu bảo rằng:
- Dương Quan Hậu đưa Thôi Vỹ về trần.
Vỹ cáo tạ mà về. Dương Quan bảo Vỹ nhắm mắt ngồi lên trên một chiếc quạt, hơn một khắc đã đến trên núi; Dương Quan Nhân hóa làm dê đá, đứng ở trên núi, ngày nay hãy còn sau đền thờ Triệu Việt Vương ở núi Trâu Sơn.
Sau Vỹ về đến nhà Ứng Huyền thuật chuyện cho Ứng Huyền nghe. Đến ngày mồng một tháng Tám, Vỹ cùng với Huyền đi chơi thì gặp Ma Cô Tiên dắt một người con gái đem cho Vỹ, bảo đem về làm vợ chồng, lại cho hòn ngọc Long Toại, nói đó là ngọc châu, từ thuở trời đất mới khai tịch đã có một cặp trống mái từ đời Hoàng Đế trải đến đời Ân truyền làm thế bảo; trong trận đánh Trâu Sơn, Ân vương đeo nó mà chết, ngọc châu giấu trong đất mà tia sáng chiếu thẳng lên trời. Thời nhà Tần, binh hỏa liên miên, những vật trân bảo đều bị đốt cháy; các nhà vọng khí đều biết hòn ngọc Long Toại còn ở phương Nam. Người Tàu đem vàng bạc gấm vóc trị giá trăm vạn để tìm mua; Vỹ nhân đấy đại phú.
Sau Ma Cô Tiên rước vợ chồng Thôi Vỹ đi không biết là đi đâu. Nay giếng bỏ hoang thành bẩn thỉu, hang thì còn ở núi Trâu Sơn. Người đời gọi là Việt Tỉnh Cương vậy.
__
1. Thịt thừa.