Q2 - Chương 4.3: Trận mưa tà

Ông Lục thở gấp, tựa như một con thiêu thân quyết lao đầu vào ngọn đèn cháy rực. Còn ả đàn bà kia như đầu bếp thêm củi, thận trọng đẩy ông Lục vào trong lò. Đôi cánh thiêu thân đã bén lửa, thanh củi vào lò đã bốc cháy, nhưng con thiêu thân cháy cánh lại nhào khỏi ngọn đèn, thanh củi bén lửa cũng nhảy khỏi lò. Thế là con thiêu thân đã thiêu cháy chụp đèn, thanh củi đã làm bỏng người nấu bếp.

Khi nãy, lúc ông Lục rút tay từ trong hòm mây ra, cánh tay ông đã ướt đẫm. Có máu tươi, cũng có cả nước suối vàng. Ả đàn bà chỉ là vật thế thân cho nữ chủ nhân, vì vậy ả không nhìn thấy cảnh tượng ông Lục dùng nước suối vàng đốt nhà khi nãy. Nếu không ả, tuyệt đối không cho phép ông Lục đặt cánh tay lên tay mình. Nước suối vàng trên tay ông đã thấm đầy vào tấm trường bào dày rộng của ả.

Ông Lục liên tục thở hổn hển như đứt hơi, đến đứng còn không vững. Nhưng có ai ngờ cánh tay trái của ông lại mạnh mẽ linh hoạt đến vậy.

Ông lao vào bức tường lửa một cách vô cùng gấp gáp. Lúc này, bàn tay của ả đàn bà không thể tiếp tục giữ chặt lấy cổ tay của ông được nữa, vì như vậy ả sẽ bị lôi theo vào trong lửa. Ả đàn bà vừa lỏng tay một chút, chỉ một chút thôi, ả lập tức cảm thấy có điều bất ổn. Vì bàn tay còn chưa buông hẳn của ả chớp mắt đã mất hết cảm giác.

Ngón cái tay trái của ông Lục không biết đã chìa thẳng sẵn từ lúc nào, bàn tay của ả đàn bà vừa nới lỏng, ông lập tức xoay cổ tay ra ngoài, đầu móng tay cái rạch mạnh qua huyệt Mạch môn của ả. Bàn tay của ả thoắt tê liệt, lập tức rời ra. Ả đã buông tay, nhưng bây giờ lại đến lượt ông Lục không chịu buông, năm ngón tay yếu ớt phút chốc cứng lại như sắt thép, móc chặt lấy các đầu ngón tay của ả đàn bà, tựa như đôi tình nhân đang ngoắc tay thề non hẹn biển.

Mặc dù bàn tay của ả đàn bà đã không còn cảm giác, nhưng cánh tay vẫn rất khỏe. Ả tì mạnh chân xuống đất, kéo giật cánh tay lại, tựa như đang níu kéo tình lang. Ả phải giữ ông Lục lại, không cho ông lao vào ngọn lửa, nếu không ả sẽ lập tức bị lôi tuột vào theo.

Mặc dù cơ thể của ông Lục vẫn chưa chạm đến tường lửa, nhưng cánh tay phải của ông đã với được đến nơi. Ông đã mồi được một đốm lửa to bằng cái bát, nhanh chóng trao lại cho ả đàn bà rất đỗi ân cần kia.

Ả đàn bà sở hữu một eo lưng vô cùng mềm dẻo, lập tức uốn cong người ngửa ra phía sau tránh được ngọn lửa rừng rực. Không chỉ uốn người né tránh, ả còn trượt chân về phía sau. Sự nồng nhiệt của ông Lục đã khiến ả không chịu đựng nổi, ả không ngờ cánh tay nhìn có vẻ yếu ớt già nua kia lại trở nên bạo liệt đến vậy.

Động tác của ả vô cùng lanh lợi và chính xác, thế nhưng tay phải của ả trước sau vẫn dính chặt lấy tay trái của ông Lục. Vì vậy khi ả trượt về phía sau, cũng kéo ông Lục lùi lại theo, tránh xa được bức tường lửa hung hãn. Tay phải của ả chỉ mất cảm giác trong chốc lát, ả nhanh chóng ý thức được rằng cần phải nhanh chóng thoát khỏi bàn tay của ông Lục, cứ mãi giằng co với một người đàn ông lạ mặt là vô cùng nguy hiểm. Động tác của ả gần như được tiến hành đồng thời với suy nghĩ. Vừa mới nảy ra ý nghĩ thoát thân, các ngón tay lập tức mềm nhũn như nước, trơn trượt như dầu. Trên đời này làm gì có sức mạnh nào có thể nắm được nước, giữ được dầu? Ông Lục cũng vậy, những ngón tay của ả đàn bà nhanh chóng trượt khỏi tay ông.

Nhưng với đàn bà, ông Lục không bao giờ chịu buông tha. Mặc dù bàn tay của ả đàn bà đã vuột mất, nhưng ông vẫn tiếp tục áp sát, quết chí mang đóa hoa lửa mà mình vừa hái được đem tặng cho ả. Đàn bà thường e thẹn, ả vội đưa tay áo lên chắn ngang trước mặt. Ngọn lửa lập tức được truyền sang tay áo bông đã thấm đầy nước suối vàng.

Từ lúc ả đàn bà dìu ông Lục đứng lên, tư thế của hai người đã hệt như khiêu vũ, vừa quấn quýt vừa bạo liệt, thế nhưng điệu nhảy lãng mạn mới chỉ duy trì được một lát, phía nữ đã ồn ào rút khỏi vũ đài.

Ông Lục chỉ tặng cho ả một đóa hoa lửa lớn bằng miệng bát, nhưng khi truyền sang thân thể ả, đóa hoa đã nhanh chóng sinh sôi nảy nở, chớp mắt đã lớn vụt lên. Ả đàn bà không biết là quá đỗi phấn khích hay vì nguyên do nào khác mà hét lên thật lớn, tiếng hét thất thanh cứ như vừa nhìn thấy ma quỷ. Trong tiếng gào thét chói tai, người đàn bà dịu dàng vụt biến thành một ngọn đuốc sống rừng rực, loạng choạng lao thẳng ra khỏi cửa sau của phòng kiệu.

Ông Lục vẫn nâng ngọn lửa trên lòng bàn tay mà đùa giỡn. Chẳng nhẽ ông không còn biết thế nào là bỏng rát? Thì ra trước khi thấm đẫm nước suối vàng lên tay áo, ông đã kịp thoa bột ngọc phàn lên bàn tay và ống tay.

Bột ngọc phàn là thứ nhất thiết phải sử dụng trong các chiêu Hỏa chỉ thấu băng hồn(*), Hỏa chưởng khu âm hàn(**) trong Thiên sư pháp, nó có khả năng cách nhiệt chống cháy rất thần kỳ. Trước tiên, cần dính nó lên da hoặc bề mặt những vật dụng khác, sau đó bôi tiếp lên những chất dễ cháy như dầu hỏa, lưu huỳnh rồi châm lửa. Dù lửa cháy rất dữ dội, nhưng vẫn không làm bỏng da hay cháy sém đồ vật. Trong cuốn “Bách đại kỳ thuyết”(***) có một câu chuyện truyền kỳ tên gọi “Đốt quan tài hiện sách âm”, cuốn sách âm trong truyện đã được tẩm bột ngọc phàn nên mới không bị thiêu cháy.

(*) Có nghĩa là ngón tay lửa xuyên qua hồn băng giá.

(**) Có nghĩa là bàn tay lửa đuổi âm hàn.

(***) Là một cuốn sách rất thịnh hành vào khoảng cuối Thanh đầu Dân Quốc, nội dung viết về các câu chuyện kỳ dị xuất hiện trong vài chục triều đại trước. Có câu chuyện đã được người đời sau giải thích, nhưng cũng có câu chuyện vẫn mãi là câu đố chưa có lời giải. Nhưng cũng có câu chuyện vẫn mãi là câu đố chưa có lời giải. Không rõ tác giả là ai, có người cho rằng đây là trước tác của Ông Nhuận Điển người Thường Thục tỉnh Giang Tô, có người lại cho rằng đây là những tư liệu do Bồ Tùng Linh, tác giả cuốn “Liêu trai chí dị” thu nhập trước đó. Do sách này kỳ dị bí hiểm, nội dung lại có quá nhiều chỗ dạy hại người, nên sau giải phóng đã bị liệt vào hàng sách cấm.

Ông Lục vẩy tay dập tức ngọn lửa, trong lòng chợt trào dâng một niềm cảm khái. Ông một đời trung hậu thật thà, đến giờ mới biết thế nào là tiểu nhân khó tánh, thì ra dùng mánh khóe lừa người lại dễ dàng đến vậy. Lúc này, một ông Lục cơ thể rách bươm bỗng chốc trở nên tự tin hơn bao giờ hết. Ông nhủ thầm với chính mình: phải xông vào, nhất định phải xông vào, người tốt muốn học mánh lới gian xảo nào có khó gì, lần này ta quyết phải cho những kẻ ở bên trong kia biết rằng, nếu cần thiết, ta có thể gian trá hơn họ gấp trăm ngàn lần.

Đi qua phòng kiệu là đến giếng trời rộng lớn trước sảnh chính. Thông thường giếng trời trong kết cấu nhà cửa ở Giang Nam đều cao, sâu, diện tích hẹp, có kết cấu “tứ thủy quy nhất”(*), là do muốn tận dụng tối đa diện tích đất có hạn để xây được nhiều phòng ở. Mặt khác, cũng vì khí hậu nơi đây khác với phương Bắc, không cần thiết phải lấy được nhiều ánh sáng, mà chủ yếu là nhà cửa phải xây cao ráo để có thể thông gió chống ẩm. Vì vậy đứng trong sân giữa nhìn lên trên, thấy hun hút chẳng khác gì đứng dưới đáy giếng, nên mới có tên gọi giếng trời.

(*) Có nghĩa là nước ở bốn phía xung quanh tụ về một chỗ.

Nhưng giếng trời ở đây đã đem lại cho ông Lục một cảm nhận khác hẳn, vì nó quá lớn, diện tích phải gấp vài lần giếng trời của nhà ở thông thường. Nhìn từ góc độ này, nó có vẻ giống với phong cách nhà cửa phương Bắc hơn. Nhưng nó vẫn đem lại cho người ta cảm giác sâu hun hút, không chỉ do phòng kiệu và tiền sảnh hai tầng rất cao, mà hai bức tường hoa ở hai bên cũng cao khác thường. Trên đỉnh tường là một dãy sống ngói xanh nhô lên cao vút. Quan trọng nhất là phòng kiệu, sảnh chính và hai bức tường hoa đều có mái hiên đua ra rất dài. Bốn mái hiên giao với nhau, khiến cho giếng trời vốn rất rộng đã bị che khuất một phần lớn.

Ông Lục ngã nhào vào trong giếng trời, lại lăn lông lốc thêm hai vòng nữa. Ông lăn đi không phải là do cú ngã quá mạnh, mà làm như vậy có thể thuận đà lăn tới rìa mép bóng râm ở phía dưới mái hiên. Trong giếng trời, bộ phận không bị bóng râm che khuất có hình bình hành. Đó là do mùa đông ngày ngắn, giờ đang buổi chiều, tuy chưa muộn lắm, nhưng ánh nắng đã bắt đầu chênh chếch.

Ông Lục bò toài trên mặt đất, không đứng lên nổi, mà ho rũ rượi liền mấy tiếng, sau đó nhổ ra một cục đờm lẫn máu. Ông nhổ cũng rất khéo, nhổ đúng vào điểm đối xứng sáu phần của cạnh hình bình hành đối diện. Sau đó ông liên tiếp nhổ thêm ba cục đờm nữa, mỗi một lần đều nhổ đúng điểm đối xứng sáu phần của ba cạnh còn lại.

“Điểm đối xứng sáu phần” là điểm phân chia được sử dụng trong kiến trúc cổ đại, nguyên lý của nó giống như điểm tỉ lệ vàng hiện nay. Ông Lục làm như vậy là có tính toán, đó là ông đang tìm “mắt phong thủy” trong giếng trời.

Đây là cách gọi quen thuộc của ông Lục, ông cho rằng mắt phong thủy cũng chính là khái niệm “chỗ khuyết” trong nghề khảm tử. Mặc dù sau khi đến nhà họ Lỗ ông Lục đã học công phu Bố cát, nhưng ông không bao giờ cho rằng bản lĩnh của mình có chỗ nào kém cỏi. Bởi vậy, ông đã không áp dụng thuật phong thủy của mình vào công phu Bố cát, mà lại đem những ưu điểm và đặc sắc của công phu Bố cát để bổ sung cho thuật phong thủy của mình.

Thuật phong thủy mà ông Lục học được thực chất chính là phong thủy phái Loan đầu do Dương Quân Tùng người đời Đường sáng lập, còn được gọi là là phái Giang Tây hay phái Cám. Môn phái này còn có rất nhiều phân chi khác, như phái Hình thế, phái Hình pháp, phái Thiết kim đoạn ngọc. Trước đời Nguyên, đây là môn phái đứng đầu trong tất cả các trường phái phong thủy. Đến đời Nguyên, phong thủy học sa sút, phái Loan đầu cũng gần như không còn tăm tích. Đến đời Minh Thanh, phong thủy học được phục hưng, nhưng phái Loan đầu không bao giờ còn có thể huy hoàng được như xưa nữa. Vì so với các môn phái khác, lý luận phong thủy của phái này quả thật quá cao thâm, người đời không dễ gì hiểu được. Hơn nữa, từ đời Minh Thanh trở đi, còn xuất hiện nhiều môn phái phong thủy không có chân tài thực học nhưng lại giỏi khua môi múa mép lừa gạt người đời, càng khiến cho phái Loan đầu vốn chỉ rặt những lý luận khô khan khó hiểu không còn chỗ đứng.

Đại sư phong thủy Dương Quân Tùng để lại rất nhiều trước tác mang tính học thuật, như “Hám long kinh”(1), “Hám long thập nhị vấn”(2), “Thanh nang diệu quyết”(3), “Kim ngọc đắc pháp”(4), “Thiên tâm kinh”(5),… Ông Lục rất có năng khiếu về phong thủy học, ông không những hiểu được các lý luận cao thâm của phái Loan đầu, mà còn có sự lĩnh ngộ rất sâu sắc. Ngay từ khi bắt đầu theo học, ông chọn đúng tác phẩm kỳ bí khó hiểu nhất là “Kim ngọc đắc pháp” để nghiên cứu. Đây chính là phương pháp phong thủy của phái Thiết kim đoạn ngọc, một phân chi của phái Loan đầu.

(1) (2) (3) Tất cả đều là tác phẩm của tổ sư phong thủy Dương Quân Tùng người đời Đường. Những cuốn sách này đều viết về lý luận phong thủy, thuộc phái Loan đầu. Ba cuốn sách này vẫn được lưu truyền cho đến tận ngày nay. Đặc biệt là hai tác phẩm “Hàm long kinh” và “Thanh nang diệu quyết” được coi là hai kinh điển tiêu biểu của Phong thủy học. “Thanh nang diệu quyết” còn có tên gọi khác là “Thanh nang áo ngữ”.

(4) (5) Trước tác kinh điển của phái phong thủy Thiết kim đoạn ngọc. Thiết kim đoạn ngọc là một phân chi của phái Loan đầu, ban đầu không được người đời biết tới. Bởi vậy, khi hai tác phẩm này chính thức được người đời công nhận đã không thể biết được chính xác nó được viết bởi tay ai. Có thuyết cho rằng “Thiên tâm kinh” cũng là tác phẩm của Dương Quân Tùng, nhưng sau này người ta phân tích các nội dung biểu đạt và căn cứ lý luận trong sách, cho rằng lý luận trong “Thiên tâm kinh” khác xa so với lý luận trong các trước tác của Dương Quân Tùng, nên giả thiết này chưa thuyết phục. Hơn nữa, hai trước tác này lý luận vô cùng khó hiểu, rất ít người có thể đọc được, vì vậy nội dung được lưu truyền đến ngày nay chỉ còn lại chưa đến một phần ba dung lượng ban đầu.

“Thiết kim đoạn ngọc” yêu cầu phải có phạm vi kiến thức cực rộng mới có thể vận dụng được. Vì căn cứ lý luận của nó cho rằng, trong thiên hạ không phân chia đất hung đất cát, chỉ phân chia thành có ách, không ách mà thôi. Đất đều là cát địa, sở dĩ xuất hiện hung tướng là do có hình ác phá và vật hung ác phá hủy cát tướng ban đầu. Chỉ cần tiến hành phân chia những khoảnh đất đó theo phù hợp, hoặc tiến hành điều chỉnh về phương hướng, cấu trúc, địa thế, sẽ có thể tránh khỏi hung hiểm, khôi phục lại cát tướng như trước. Thứ nữa, cũng có thể loại trừ ác phá hoặc dùng vật trấn tương ứng để trấn áp ác phá. Chính vì muốn học cách ứng phó ác phá, ông Lục mới lặn lội lên núi Long Hổ học Thiên sư pháp.

Mặc dù thuật Thiết kim đoạn ngọc tinh diệu cao thâm, nhưng từ lâu lại không được người đời biết đến. Người ta cũng khó mà lĩnh ngộ được lý luận của nó, bởi vậy không ai tin vào nguyên lý nơi nào cũng là cát địa; lại càng không thể tin được rằng chỉ cần bố trí theo nguyên lý trong sách là có thể biến hung địa thành cát địa. Cộng thêm ông Lục không giống như bọn lưỡi dẻo tựa lò xo chuyên ba hoa khoác lác để mong lừa đảo, chuyện gì cũng nói đúng sự thực, nên gia chủ nhiều khi cảm thấy khó nghe, trong lòng không vui mà sinh chán ghét. Bởi vậy sau khi học vấn đã thành, lang bạt giang hồ đã bao năm, mà một thân tuyệt kỹ vẫn chưa có cơ hội thi triển.

Cách phân chia theo “điểm đối xứng sáu phần” có thể dùng để phán đoán vị trí của mắt phong thủy trong những khu đất dài hẹp có hình thù bất quy tắc, trong lý luận Thiết kim đoạn ngọc gọi là phương pháp “đòn bẫy nâng nặng thành nhẹ”. Sau khi nghiên cứu công phu Bố cát, ông Lục đã dung hòa hai kiến thức, dùng cách phân chia theo “điểm đối xứng sáu phần” để phán đoán chỗ khuyết và điểm trung tâm của khảm diện. Khảm diện chắc chắn không được bố trí theo quy tắc đối xứng, để tránh hiện tượng chết cứng sau một thời gian dài không hoạt động. Bởi vậy, ban đầu, khi thiết kế và bố trí điểm tựa cho khảm diện, người ta sẽ xê dịch hoặc xoay nghiêng đi một chút. Nhưng nếu xê dịch hay xoay nghiêng thái quá, lại dễ khiến nó hoạt động không chuẩn xác, vì vậy vị trí thích hợp nhất chính là “điểm đối xứng sáu phần”.

Ông Lục là người rất thích động não. Ông đã phát hiện ra rằng kiểu khảm diện vây hai mặt trước sau hay phải trái có thể dùng “điểm đối xứng sáu phần” để kẻ đường thẳng nối liền, tìm ra được “cương diện”(*) ở hai bên khảm diện. Còn kiểu khảm diện vây bốn xung quanh lại khác, trước tiên cần tìm ra điểm đối xứng, sau đó nối liền chúng lại. Trên đường nối liền mới tạo đó, lại tiếp tục tìm ra điểm đối xứng, cho đến khi vẽ ra được thu nhỏ có phương hướng và góc độ về cơ bản giống hệt so với khảm diện ban đầu, đó chính là “cương diện” của khảm diện bốn mặt. Nguyên lý về cương diện của khảm diện bốn mặt được ông Lục ngộ ra được từ đặc trưng kết cấu của mái điện không xà ngang, khoảng hở hình lục giác dùng để chịu lực lưu lại trên nóc điện cũng chính là cương diện.

(*) Trong kiểu khảm diện mặt phẳng, do yêu cầu chịu lực nên có một bộ phận rất nhỏ không hoạt động, gọi là “cương diện”, có nghĩa là mặt cứng, mặt bất động.

Cương diện trong khảm đáng sợ nhất là “hư”. Lấy ví dụ như cấu trúc “tứ thủy quy nhất” ở đây, rìa ngoài của khảm diện không phải là những mái hiên dài đang đua ra trên kia, mà là cái bóng của chúng in trên mặt đất. Những cái bóng này sẽ liên tục di chuyển và biến hóa theo góc độ của tia sáng mặt trời trong suốt một ngày, bởi vậy, cương diện cũng theo đó mà biến hóa liên tục. Nếu là ban đêm không trăng, không thể tìm ra được cương diện, mọi chuyện sẽ phức tạp hơn nhiều. Loại khảm diện hư hình này mới được đối phương sáng tạo ra trong mấy thế hệ gần đây. Vì vậy, người nhà họ Lỗ mới lựa chọn thời điểm hành động vào buổi chiều.

Ông Lục không tiếp tục khạc đờm nữa, vì ông không cần thiết phải nhổ thêm. Từ mấy điểm này, ông đã có thể nhìn ra được cương diện cuối cùng. Ông cũng không thể tiếp tục khạc nữa, vì ông cảm thấy cổ họng đã nghẹn cứng lại, cảm giác có đờm mà nhổ không ra. Hơn nữa, trong đờm có lẫn vệt máu khiến ông rất kinh ngạc, vì ông không hề nội thương. Vậy vết máu trong đờm là ở đâu ra?

Nếu giao đấu với con người, có thể giả ngây giả dại để đánh lừa đối thủ. Nhưng ở trong khảm diện, những nút lẫy chốt trục sẽ không bao giờ bị trúng kế. Khi nào cần phải động, chắc chắn chúng sẽ động, tuyệt đối không do dự hoặc lưu tình.

Trong kiến trúc nhà cửa ở Giang Nam, giếng trời của tiền viện được gọi là “tứ thủy quy nhất”, “nước” ở đây không phải là nước biển, nước sông hay nước suối, mà là nước mưa. Nước mưa ở bốn phía xung quanh đều chảy về giếng trời, ngụ ý tài phú đều tụ về nhà mình.

Trong lúc ông Lục còn đang băn khoăn về những vệt máu lẫn trong đờm, thì khảm diện bóng râm đã bắt đầu lặng lẽ xê dịch theo sự chuyển động của thời gian. Phần đầu đang bị che khuất trong bóng râm của ông Lục đã lộ ra một chút xíu dưới ánh nắng trong khảm diện.

Và thế là mưa đổ xuống. Mưa không dày, chỉ có hai giọt, lăn từ trên mái ngói xuống, giống hệt như hai trái thủy mật đào Vô Tích chín mọng, giống hệt như hai quả trứng gà bóc nõn nà, mọng căng núng nính, lấp lánh trong veo.

Vì ông Lục đang nằm bò trên mặt đất, nên hai giọt mưa này đã rơi xuống giữa hai bả vai và trên đốt sống thắt lưng của ông. Nếu như ông đang đứng, thì hai giọt mưa chắc chắn đã rơi trúng mặt và đỉnh đầu. Mưa vốn để thấm nhuần vạn vật, thế nhưng những giọt mưa này tuyệt đối không được dính vào, nếu không khó mà bảo toàn tính mạng.

Hai giọt mưa đã không rơi trúng người ông Lục, ông đã nhanh chóng lăn sang bên tránh được. Hai giọt mưa rơi xuống đất, không hề loang ra thành vũng, mà vẫn là hai quả cầu trong suốt lung linh, liên tục nhảy nhót, lăn tròn trên đất, linh động như những vật thể sống. Sau đó, mỗi giọt lăn về một hướng theo một độ dốc rất khó phát hiện. Ông Lục biết chúng đang lăn theo con đường trở lại. Thông qua con đường bí mật đó, chúng sẽ tiếp tục được bố trí vào trong khảm diện.

Vội vã lăn người tránh né sẽ mất cảm giác về phương hướng, mặc dù ông Lục đã tránh được hai giọt mưa, nhưng cơ thể vẫn chưa núp vào được bóng râm, mà ngược lại còn dịch thêm một chút về phía trung tâm của khảm diện, phần cơ thể lộ ra dưới nắng lại càng nhiều hơn. Lại thêm ba giọt mưa rơi xuống, mục tiêu vẫn là ông Lục. Ông lăn mình né tránh, máu từ vô số vết thương trên cơ thể kéo thành từ vệt lớn bỏ bầm trên nền sân lát đá xanh.

Mưa rơi càng dày, nhưng ông Lục không tiếp tục né tránh nữa. Ông lăn thêm vài vòng rồi nhổm dậy ngồi khoanh chân ở một chỗ bên trong khảm diện. Vì trí này thật quái dị, không giọt mưa nào lọt đến.

Ông Lục cảm thấy rất đắc ý. Sơ đồ bố cục của kiểu khảm diện này ông chỉ nhìn sơ qua có một lần, bản thân ông cũng mới chỉ sử dụng đến một tiểu xảo trong thuật phong thủy đã có thể dễ dàng tìm ra chỗ khuyết của khảm diện, làm sao lại không đắc ý cho được?

Những giọt mưa thưa dần, vì trên bốn mặt mái hiên cũng không thể chứa quá nhiều giọt mưa. Còn ông Lục vẫn ngồi ung dung ở trung tâm của khảm diện, thậm chí còn đủ rảnh rang để ngó nghiêng quan sát những ngón Gãi đầu bạc đang găm chi chít phía sau cơ thể, xem liệu có khả năng gỡ ra hay không, bộ dạng sờ soạng chẳng khác gì lão ăn mày rách rưới đang ngồi phơi nắng bắt chấy nơi đầu phố.

Mưa đã gần hết, ông Lục biết mình phải tranh thủ thời gian, nhân lúc những giọt mưa đã rơi xuống chưa kịp trở về trong khảm, cần nhanh chân thoát khỏi khảm diện. Nếu đợi đến lúc chúng trở về vị trí, nếu muốn thoát ra, lại sẽ phải trải qua một phen vật lộn nữa.

Mặc dù bộ dạng của ông trông lôi thôi rệu rã như một gã ăn mày, nhưng kỳ thực, ông vẫn tập trung thần trí để quan sát tình hình của trận mưa. Vừa thấy mưa ngớt, ông lập tức đứng vụt dậy, nhảy hai bước dài về phía cánh cửa nách bên phải. Chẳng ai có thể ngờ một ông già toàn thân bết máu, thương tích tả tơi chỉ nháy mắt đã trở nên nhanh nhẹn nhường đấy.

Ông Lục vẫn thở phì phò. Ông hiểu rất rõ, hiện giờ tính mạng của mình hoàn toàn dựa vào hơi thở này. Nếu như năm xưa không học được công phu Đại hoán khí, nắm xương già này hẳn đã tan nát từ lâu. Luồng hơi vừa chuyển một vòng qua miệng, cổ họng, phổi, bụng rồi trở ra, cơ thể đã nhảy đi được bảy tám bước.

Vượt được khảm diện quá dễ dàng, điều này khiến ông Lục đắc ý nhưng cũng rất bất ngờ, đồng thời càng khiến ông tin tưởng vào kế sách của mình. Khảm tử gia luôn trong trạng thái lừa bịp lẫn nhau, nên đấu đá trong những môi trường thế này, không bao giờ được phép quá thật thà, chỉ có mưu mẹo trí trá mới có thể sinh tồn. Tuyệt đối không được để đối phương đọc được suy nghĩ và kế sách của mình, càng không được để lộ con người thật của mình trước mặt đối phương quá sớm.

Ông Lục còn chưa lao được vào trong cánh cửa nách, đã lùi lại từng bước một. Bước chân tuy không nặng nề nhưng trong lòng như đeo đá tảng.

Quả thật khảm diện không hề đơn giản như ông đã nghĩ. Ở ngay trước khung cửa nách, ông đã phát hiện ra một đám lớn những thứ vô cùng quái dị, trông giống như một khối pha lê lớn, hay một tảng băng trải rộng. Những giọt mưa khi nãy đã không đi theo con đường bí mật quay trở lại vị trí ban đầu, mà tụ lại thành một đám lớn trước cửa nách. Những giọt mưa to bằng quả trứng gà san sát với nhau, trông hệt như một tổ ong khổng lồ long lanh trong suốt, những tia phản quang sáng trắng nhảy nhót không ngừng.

Đầu óc ông Lục vụt tối sầm, chút ít ánh sáng vừa khởi dậy bỗng chốc trở nên ảm đạm. Ông không biết những giọt mưa đó là thứ quỷ quái gì, nhưng ông biết rõ những tia sáng trắng đang nhảy nhót kia không phải là ánh phản quang, mà chúng thực sự đang chuyển động, vừa chuyển động vừa chiếu ra những tia sáng trắng lờ nhờ.

Thứ không biết mới chính là thứ nguy hiểm, kế hoạch bị đối thủ nhìn thấu cũng là điều vô cùng đáng sợ. Lúc này ông Lục đang trong tình thế nguy ngập đó. Kế hoạch của ông đã không thể thực hiện, bố cục của khảm diện đã được thay đổi, hoàn toàn không giống với những gì ông đã biết. Tứ thủy quy nhất đã không quy về chỗ cũ. Những giọt mưa kia hình như cũng đã khác, vốn dĩ chúng phải là loại viên nang Nam Hải cực độc trăm tầng trong suốt, thế nhưng viên nang trăm tầng trong suốt không thể tự mình lóe sáng và rung động như thế kia. Đối phương đã sớm dự liệu được rằng người xông vào khảm diện Tứ thủy quy nhất sẽ lợi dụng sơ hở để lao qua cửa nách, nên họ đã bố trí một vạt lớn các giọt mưa tại đây.

Bỗng nổi lên một cơn gió lạ lùng. Gió rất lơn, thổi vào cánh cửa song hoa đang đóng chặt của chính sảnh, khiến nó rung lên bần bật như muốn đổ. Cánh cửa từ phòng kiệu mở ra giếng trời kêu lên kẽo kẹt, chậm rãi đóng lại. Thế nhưng cánh cửa nách hình rẻ quạt trên bức tường bên phải giếng trời vẫn cứ mở toang, bởi vì nó không cần phải đóng, trước mặt nó đã có một tấm rèm quái đản đang khóa kín.

Những giọt mưa trong suốt bỗng chốc trở nên nhẹ bẫng khác thường. Trận gió vừa thổi đến, chúng lập tức bay lên, nhưng không hề tan rã, mà vẫn kết dính với nahu thành một mảng lớn, uốn lượn bông bềnh, tựa như một tấm rèm pha lê đang tung bay, che phủ hoàn toàn trước khung cửa nách.

Sức gió quá mạnh khiến ông Lục đứng không vững. Cơn gió cuốn theo lá khô cỏ úa bay thốc tứ tung khiến ông hoa mắt chóng mặt. Không chỉ có lá khô cỏ úa, mà dường như còn có những thứ quái dị thoắt ẩn thoắt hiện bên trong.

Nhưng quái dị hơn nữa, là từ trong máng thoát nước ở bên dưới mái hiên, từng giọt mưa nối tiếp nhau bay lên, lao theo làn gió, trộn lẫn vào trong đám rối tinh đang bay mù mịt trên không.

Giang Nam thật tuyệt, mọi thứ đều diễm lệ nên thơ. Ngay cả những buổi gió mưa, cũng khơi dậy trong người ta cảm hứng vô biên “gió nhẹ mưa bay chẳng chịu về”. Nhưng hôm nay vốn dĩ không phải ngày mưa gió, thế mà trong khoảng giếng trời của một khu vườn đẹp đẽ nhường kia, lại gió cuộn điên cuồng, mưa bay ngang dọc, hoàn toàn không giống với vẻ thanh tao thi vị của xứ Giang Nam.

– Không chịu về, đúng là không chịu về! – Mặc dù ông Lục không biết những giọt mưa kia sẽ mang lại hậu quả gì, nhưng ông có thể dự cảm được một điều, đó là “tứ thủy quy nhất” cuối cùng sẽ trở về với đất – Đất vàng mọi nẻo đều chôn được, vùi xuống lòng sâu chẳng chịu về! Xem ra hôm nay chốn này đã trở thành mồ chôn của ta rồi!

Ông Lục dụi mạnh đôi mắt đã bị gió bụi và máu khô làm cho nhòe nhoẹt, sau đó rút từ trong hòm mây ra một thẻ tre dài, chính là dụng cụ được dùng khi bày trận Thiên sư thỉnh tiên. Ông cầm lấy nó, nhưng không biết nó có tác dụng gì hay không, ông chỉ muốn cả hai tay đều có vũ khí.

Tay phải nâng cao quả chuông Tử phong, tay trái cầm thẻ tre dài nhọn hoắt, ông Lục kiên định một quyết tâm dứt khoát không chịu quay về, lao thẳng về phía tấm rèm pha lê đang phất phơ trong gió.

– Dừng lại ngay! Sẽ chết đó! – Một giọng con gái trong trẻo hét lên lanh lảnh….

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện