3. Đình Giao Tự

Đình Giao Tự nằm ở làng Giao Tự (tên Nôm là làng Chè) thuộc tổng Kim Sơn, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (nay thuộc xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, Hà Nội) thờ thành hoàng Lý Chiêu Hoàng. Tương truyền xưa kia nơi đây là đất thái ấp của bà.

Chuyện kể rằng một lần vua Trần Anh Tông có lần đi kinh lý vùng Dâu đã đến làng Giao Tự. Đêm đó ông nằm mộng thấy bà Lý Chiêu Hoàng hiện về, sáng hôm sau vua thức giấc đã triệu dân làng đến kể lại giấc mộng của mình và ban cho dân làng 5 thỏi vàng, 5 nén bạc và truyền cho dân làng lập miếu thờ bà Lý Chiêu Hoàng.

Một thuyết khác thì cho rằng ngôi đình đã có trước đời Trần Anh Tông bởi vào thời Thượng hoàng Trần Nhân Tông và Trần Anh Tông trị nước, quân Nguyên xâm lược nước ta. Vua Trần Anh Tông chỉ huy 5 vạn quân tiến đánh quân giặc, qua làng Giao Tự dừng chân, được Thành hoàng làng hiện trong giấc mơ xưng tự hiệu là Phật Kim xin âm phù giúp nước lập công. Bà được các triều vua đời sau phong tặng là: "Phật Kim Thượng Hoàng Thái Hậu linh ứng phụ quốc hiến hựu khang nhân chi thần". Thời Lê Thái Tổ, triều đình truy phong bà là "Hoàng Nga Uyển mỵ phu nhân, Hộ quốc bảo cảnh trinh nhấi từ đường Hoàng Hậu phu nhân linh ứng".

Đến cuối thế kỷ XVII, một người dân làng là Đặng Quang Tiến, làm quan đến chức Đặc tiến kim tử Vinh lộc đại phu, tước Phương Đình hầu đã bỏ tiền bổng lộc để dân làng mua cải tạo miếu thành đình, lại hiến ruộng cho làng nên được bầu làm hậu thần. Tấm bia trụ dựng năm Vinh Trị thứ tư (1679) ở sân đình nói rõ điều đó. Chính vì vậy, khác với nhiều ngôi đình khác, đình Giao Tự có riêng một miếu thờ Hậu, tức thờ những người đã đóng góp nhiều công sức trong các đợt xây dựng và trùng tu đình, trong đó có Đặng Quang Tiến. Miếu thờ Hậu nằm ngay phía sau đình chính.

Trước cổng đình có đắp hình hai võ tướng với voi và ngựa. Tam quan của đình với ba vào ra, bốn cột trụ trên đỉnh đắp hình tứ phượng, dọc thân gắn câu đối. Qua cửa tam quan đến một sân rộng lát gạch Bát Tràng, hai bên có hai dãy nhà giải vũ, mỗi bên chín gian. Kiến trúc tổng thể của đình dạng chữ "Công". Hiện tại, quy mô của đình gồm có đại đình 5 gian, tòa Thiêu hương và hậu cung.

Giữa đại đình treo một bức hoành phi có bốn chữ Nho: "Thánh Cung vạn tuế", một nhang án thờ với các mảng chạm rồng, phượng, hổ, rùa, long mã... Ngoài ra trong đình còn có một cỗ kiệu bát cống và hai khám mui luyện, trong khám có bài vị Chiêu Hoàng (Lý Phật Kim). Khám thờ và bài vị đều là tác phẩm điêu khắc tinh xảo với các đề tài rồng, lá đề, phượng, mây, hoa, lá mang nét nghệ thuật thế kỷ XVII, XVIII. Bên cạnh đó còn một bộ long đình, một bộ bát bửu, một giá gươm, các hoành phi câu đối, choé sứ, bát hương, mâm đồng, đỉnh đồng, lư hương đồng, cây nến đồng.

Đình Giao Tự còn giữ được một cuốn thần phả soạn năm Hồng Phúc thứ nhất đời Lê Thánh Tông, một cuốn "Lý Thái Hậu thực lục", 13 đạo sắc phong thần của các triều đại Hậu Lê, Tây Sơn và Nguyễn.

Tấm bia dựng năm Chính Hòa thứ 11 (1690) đời Lê Hy Tông ghi việc triều đình sắc phong Lý Chiêu Hoàng là Trung đẳng phúc thần.

Hàng năm, từ ngày 13 đến 15 tháng 3 âm lịch, người dân Giao Tự lại mở hội làng, theo lệ mỗi năm, mỗi giáp có một người gánh trưởng phải nuôi lợn thờ (nuôi trước một năm) để có đồ tế lễ. Mở đầu hội là lễ rước nước từ chùa Keo (làng Giao Tất) về làm lễ mộc dục. Ngày 14 nhập tịch, ngày 15 chính hội, tế lễ và rước cùng làng Đa Tiện. Trong hội có các trò chơi: đu quay, chọi gà, hát Quan họ,... đặc biệt có khúc hát văn ca ngợi Lý Chiêu Hoàng.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện