II. Niên biểu Lý Chiêu Hoàng

Niên biểu Lý Chiêu Hoàng là hệ thống các sự kiện lịch sử nổi bật liên quan đến Lý Chiêu Hoàng theo trình tự thời gian từ khi bà ra đời, trưởng thành, hoạt động... cho đến khi qua đời.

Năm Mậu Dần (1218)

Tháng 9, Lý Phật Kim con gái thứ hai của vua Lý Huệ Tông và Nguyên phi Trần Thị Dung ra đời, được phong hiệu là Chiêu Thánh công chúa.

Năm Nhâm Ngọ (1222)

Tháng 2, Lý Huệ Tông "chia nước làm 24 lộ, lộ chia cho công chúa ở, lấy các hoành nô thuộc lệ và quân nhân bản lộ, chia nhau làm giáp" (Đại Việt sử ký toàn thư).

Năm Giáp Thân (1224)

- Tháng 10, công chúa Chiêu Thánh được vua cha Lý Huệ Tông xuống chiếu lập làm Hoàng thái tử.

- Cũng trong tháng 10, Lý Huệ Tông "xuất gia ở chùa Chân Giáo trong đại nội. Chiêu Thánh lên ngôi, đổi niên hiệu là Thiên Chương Hữu Đạo năm thứ 1, tôn hiệu là Chiêu Hoàng" (Đại Việt sử ký toàn thư).

Năm Ất Dậu (1225)

- Tháng 10, Lý Chiêu Hoàng "xuống chiếu tuyển con em của quan viên trong ngoài sung vào các sắc dịch trong nội, như lục hỏa thị cung ngoại, Chi hậu, Nội nhân thị nội, ngày đêm thay phiên nhau chầu hầu" (Đại Việt sử ký toàn thư).

- Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ coi giữ mọi việc quân sự trong ngoài kinh thành đã cho một số người cháu của mình vào cung như Trần Bất Cập làm Cận thị thự lục cục chi hậu, Trần Thiêm làm Chi ứng cục, Trần Cảnh làm Chính thủ (Trần Cảnh sau là vua Trần Thái Tông).

- Trần Thủ Độ cho quân phong tỏa Hoàng thành, "tự đem gia thuộc thân thích vào trong cung Cấm. Thủ Độ đóng cửa thành và các cửa cung, sai người coi giữ, các quan vào chầu không được vào. Thủ Độ loan báo rằng: Bệ hạ đã có chồng rồi!" (Đại Việt sử ký toàn thư).

- Ngày 21 tháng 10, các quan vào chầu lạy mừng, Lý Chiêu Hoàng xuống chiếu nhường ngôi cho Trần Cảnh với lý do "trẫm là nữ chúa, tài đức đều thiếu, không người giúp đỡ, giặc cướp nổi lên như ong, làm sao mà giữ nổi ngôi báu nặng nề? Trẫm dậy sớm thức khuya, chỉ sợ không cáng đáng nổi" (Đại Việt sử ký toàn thư).

- Ngày 12 tháng 12, Lý Chiêu Hoàng "mở hội lớn ở điện Thiên An, ngự trên sập báu, các quan mặc triều phục vào chầu, lạy ở dưới sân. Chiêu Hoàng bèn trút bỏ áo ngự mời Trần Cảnh lên ngôi hoàng đế. Đổi niên hiệu là Kiến Trung năm thứ 1, đại xá thiên hạ, xưng là Thiện Hoàng, sau đổi là Vân Hoàng. Bầy tôi dâng tôn hiệu là Khải Thiên Lập Cực Chí Nhân Chương Hiếu Hoàng đế" (Đại Việt sử ký toàn thư).

Năm Bính Tuất (1226)

- Tháng giêng, Trần Thái Tông (Trần Cảnh) "sách phong Chiêu Hoàng làm hoàng hậu, đổi gọi là Chiêu Thánh" (Đại việt sử ký toàn thư).

- Cha của hoàng hậu Chiêu Thánh là Thượng hoàng Lý Huệ Tông bị phế, sử chép rằng: "Phế thượng hoàng nhà Lý ra ở chùa Chân Giáo, gọi là Huệ Quang đại sư" (Đại Việt sử ký toàn thư).

- Ngày 10 tháng 8, cha của hoàng hậu Chiêu Thánh là Huệ Quang đại sư bị Trần Thủ Độ bức tử ở chùa Chân Giáo.

- Trần Thủ Độ sai đưa linh cữu Huệ Quang đại sư "ra phường Yên Hoa để thiêu, chứa xương vào tháp chùa Bảo Quang, tôn miếu hiệu là Huệ Tông" (Đại Việt sử ký toàn thư).

- Mẹ của hoàng hậu Chiêu Thánh là Trần Thị Dung bị giáng xuống làm "Thiên Cực công chúa, gả cho Trần Thủ Độ, cho châu Lạng làm ấp thang mộc" (Đại Việt sử ký toàn thư).

- Nhà Trần đem các cung nhân và con gái họ hàng nhà Lý Huệ Tông gả cho các tù trưởng người dân tộc thiểu số.

Năm Nhâm Thin (1232)

- Tháng 6, nhà Trần "ban bố các chữ quốc húy và miếu húy. Vì Nguyên tổ tên húy là Lý, mới đổi triều Lý làm triều Nguyễn, vả lại cũng để dứt bỏ lòng mong nhớ của dân chúng đối với nhà Lý" (Đại Việt sử ký toàn thư).

-Tháng 8, "Trần Thủ Độ giết hết tôn thất nhà Lý" (Đại Việt sử ký toàn thư).

Năm Quý Tị (1233)

Hoàng hậu Chiêu Thánh sinh con trai là Hoàng Thái tử Trịnh (vừa ra đời thì mất). Đại Việt sử ký toàn thư viết: "Hoàng thái tử sinh, tất phải chép rõ ngày, tháng, năm sinh; khi mất cũng thế. Đây chỉ chép khi mất, có lẽ là vừa mới sinh đã chết ngay, nên không chép ngày tháng sinh".

Năm Đinh Dậu (1237)

- Tháng 1, Hoàng hậu Chiêu Thánh bị phế làm công chúa vì lý do "không có con".

- Chị của Chiêu Thánh là công chúa Thuận Thiên, vợ của Hoài Vương Trần Liễu (anh trai Trần Thái Tông) khi đó có thai 3 tháng được lập làm hoàng hậu Thuận Thiên. Trần Liễu tức giận đem quân nổi loạn.

- Trần Thủ Độ dẹp được loạn, Trần Liễu xin hàng, được tha tội và được phong làm Yên Sinh Vương.

Năm Mậu Thân (1248)

Tháng 6, chị gái của Chiêu Thánh là hoàng hậu Thuận Thiên mất, được "truy tôn là Hiển Tử Thuận Thiên hoàng thái hậu" (Đại Việt sử ký toàn thư).

Năm Đinh Tỵ (1257)

- Tháng 12,công chúa Chiêu Thánh cùng triều đình, hoàng phi, cung nhân... nhà Trần rời khỏi kinh thành Thăng Long khi quân Nguyên Mông do tướng Ngột Lương Hợp Thai kéo sang xâm lược.

- Ngày 24 tháng 12 quân Trần đánh bại quân Nguyên trong trận quyết chiến ở Đông Bộ Đầu Năm Mậu Ngọ (1258).

- Ngày 1 tháng giêng, Trần Thái Tông ngự chính điện, định công phong tước cho những người có công phá giặc Nguyên Mông. Tướng Lê Phụ Trần được làm Ngự sử đại phu; vua còn đem vợ cũ là công chúa Chiêu Thánh gả cho viên tướng này.

- Chồng Chiêu Thánh là Lê Phụ Trần được giữ chức Chánh sứ sang nước Nguyên.

Năm Kỷ Mùi (1259)

- Tháng giêng, "phu nhân Trần Thủ Độ là Linh Từ quốc mẫu Trần thị mất" (Đại Việt sử ký toàn thư). Bà chính là Trần Thị Dung, mẹ đẻ của Chiêu Thánh.

- Tháng 6, chồng Chiêu Thánh là Lê Phụ Trần được giữ chức Thủy quân đại tướng quân.

- Chiêu Thánh sinh con trai, đặt tên là Lê Tông (còn có tên khác là Lê Phụ Hiền, sau này được ban quốc tính là Trần Bình Trọng).

Năm Tân Dậu (1261)

Chiêu Thánh sinh con gái, đặt tên là Lê Thị Ngọc Khuê (Sau được phong làm Ứng Thụy công chúa Khuê và được gả cho Trạng nguyên Trần Cố).

Năm Giáp Tuất (1274)

Tháng 7, chồng Chiêu Thánh là Lê Phụ Trần được giữ chức Thiếu sư, kiêm Trừ cung giáo thụ.

Năm Mậu Dần (1278)

Tháng 3 Chiêu Thánh mất. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Phu nhân Lê Phụ Trần là công chúa Chiêu Thánh Lý thị mất. Công chúa lấy Phụ Trần hơn 20 năm, sinh con trai là thượng vị hầu Tông, con gái là Ứng Thụy công chúa Khuê. Đến nay 61 tuổi thì mất".

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện