Q.1 - Chương 9: Cuộc trùng phùng

Cuộc chiến sắp đến hồi kết thúc, tiếng súng lác đác vẫn vang lên đây đó, khắp trận địa đều là khói thuốc súng, trong chiến hào chồng chất đầy xác lính. Truyện "Ma Thổi Đèn "

Dưới hầm chừng vẫn còn sáu bảy lính Việt binh sống sót, tôi sai người phong tỏa khắp các lối ra, rồi nói vọng xuống dưới: "Dê bu sung cung dê, sung khoan húng tú binh nây!"

Các binh sĩ còn lại cũng hô theo: "Dê bu sung khung dê, sung khoan húng tú binh nây!" (Tiếng Việt Nam, có nghĩa là: "Ra bỏ súng không giết, súng khoan hồng tù binh này". Thời bấy giờ, binh lính ra trận trước đó đều được phát một cuốn sổ tay, bên trong có chép vài câu tiếng Việt thường dùng, được chua âm bằng chữ Hán, ví dụ: "Cang tai nái lái" nghĩa là "còng tay này lại"... những câu như thế này đều dùng khi bắt tù binh hoặc khuyên hàng, ngoài ra còn có một số câu tuyên truyền chính sách của quân đội Trung Quốc, đối với người dân Việt Nam. Thực ra miền Bắc Việt Nam có rất nhiều dân tộc, tiếng Việt phổ thông không phổ cập mấy, mà phần nhiều các binh lính người Việt cũng biết nói tiếng Hán.)

Những người Việt bị bao vây tầng lớp phía dưới hầm trả lời bằng những loạt đạn.

Tôi ném chiếc mũ sắt xuống đất, mắng lớn: "Bay thật ngoan cố! Vẫn không chịu để bắt sống sao?" Nói dứt, tôi lập tức quay đầu lại ra lệnh cho những binh lính đứng sau lưng: "Mang hết lựu đạn, máy phun lửa ra đây, giết hết đi." Lựu đạn, máy phun lửa là những thủ đoạn hiệu quả nhất đối phó với những kẻ địch ngoan cố nấp dưới hầm, thoạt nhiên là áp chế bằng cách ném lựu đạn xuống, sau đó sẽ dùng máy phun lửa hành quyết.

Từng bó lựu đạn được ném vào hầm, sau những chuỗi nổ lớn, lính Trung Quốc vác máy phun lửa thọc vào miệng hầm phụt xối xả. Khói lửa và mùi khét xộc tới khiến mắt không mở nổi, tôi cầm tiểu liên dẫn đầu chui vào đường hầm. Bây giờ, tôi mới phát hiện ở góc sâu nhất vẫn còn một bó lựu đạn vẫn chưa phát nổ, tôi vội vã cùng các binh lính khác chạy ra ngoài, nhưng đã không còn kịp nữa, một tiếng nổ inh óc vang lên, cơ thể tôi bị trúng đạn, hai mắt tối sầm, cảm giác bị đắp lên một lớp bùn ướt, chẳng còn nhìn thấy gì nữa.

Tôi cố sống cố chết giằng bứt, trong lòng khủng hoảng khó tả, đúng lúc ấy cổ tay tôi bị một người nắm lấy, bên tai văng vẳng tiếng nói: "Đồng chí! Mau tỉnh dậy! Tỉnh dậy! Chỉ là một cơn ác mộng thôi!"

Tôi mở to mắt nhìn xung quanh, hai nhân viên phục vụ và cả hành khách đều tròn mắt nhìn tôi, người nào cũng nhoẻn miệng cười, đến giờ tôi mới hiểu ra vừa nãy chỉ là một giấc mơ, thở dài một hơi, song cũng chưa hết sợ.

Chẳng ngờ được ngồi trên tàu về nhà mà cũng mơ được, thực là mất mặt hết chỗ nói. Tôi bối rối cười gượng với mọi người, có lẽ đây là nụ cười khó coi nhất của đời tôi mất, cũng may là không có gương, cho tôi khỏi phải nhìn thấy bộ mặt mình lúc này.

Nhân viên phục vụ thấy tôi đã tỉnh, liền nhắc tôi tàu hỏa sắp đến ga cuối cùng, mau chuẩn bị hành lý xuống tàu. Tôi gật đầu, đoạn khuân hành lý dồn ra chỗ giữa hai toa tàu, ngồi lên châm điếu thuốc hút mấy hơi thật sâu, trong đầu vẫn nhớ đến những đồng đội còn đang ở ngoài trận tuyến. Truyện "Ma Thổi Đèn "

Mặc bộ quân trang không có phù hiệu trên cổ, huy hiệu trên mũ, cảm giác gượng gạo thế nào thì khỏi cần nói, muốn bước đi cũng không nhấc nổi chân lên nổi. Về đến nhà phải ăn nói với bố thế nào đây? Ông già mà biết tôi bị quân đội đuổi về, chắc sẽ rút thắt lưng da quật tôi đến chết mất.

Mười mấy phút sau, tàu về đến bến, tôi bước đi lòng vòng ngoài cửa mà chẳng dám vào nhà, cứ thế đi đi lại lại trên đường khỗng mục đích, trong lòng thầm tính toán bịa ra một câu chuyện nói dối ông già cho qua vụ này.

Sắc trời dần tối, bóng xế tà, tôi vào một quán cơm định ăn chút gì lót dạ, vừa nhìn tờ thực đơn đã giật bắn cả mình, bao năm nay căn bản tôi có ra ngoài ăn cơm hàng đâu, giờ thức ăn sao mà đắt vậy? Một đĩa ngư hương nhục mà những sáu tệ, tính ra hơn ba ngàn tệ tiền phục viên của tôi cũng chỉ vừa đủ ăn năm trăm đĩa.

Tôi gọi hai bát cơm, một đĩa thịt gà xào và một chai bia, cô phục vụ trẻ cứ giới thiệu cho tôi món tôm hầm gì ấy, nhưng tôi sống chết không chịu, cô ta lảm bẩm chửi một câu, rồi trợn mắt hậm hực đi bê thức ăn lên.

Tôi cũng chẳng buồn chấp con bé ấy, tôi nhập ngũ chẵn mười năm, đổ cả mồ hôi đổ cả máu, vào sinh ra tử mà chỉ đáng có năm trăm đĩa ngư hương nhục, nghĩ tới đây thật khiến người ta giở khóc giở cười. Có điều liền sau đó tôi lại nghĩ, so với các đồng đội đã ngã xuống trên chiến trường, trong núi tuyết, thì tôi có tư cách gì mà đòi hỏi nữa đây?

Đúng lúc này bên ngoài lại có một người khách đi vào, trên mặt đeo kính mắt ếch hàng nhái kiểu Mỹ, tôi thấy cách ăn mặc của anh ta rất hợp thời trang, nên cũng liếc nhìn mấy cái.

Người kia cũng quay sang nhìn tôi, săm soi một lúc, sau đó bước lại ngồi đối diện.

Tôi nghĩ bụng, thằng cha này bị sao vậy, bàn trống đầy ra kia không ngồi, cứ phải nhảy vào đây chen chúc với ông làm gì, liệu có phải quân lưu manh định giở trò gì hay không? Tiên sư mày, ông đang ngứa ngáy đây, mày lại gãi đúng vào, ông đang bực mình đang định tìm thằng nào đập cho một phát đây, có điều nhìn bộ dạng tên này lại hơi quen quen, già nửa cái mặt hắn bị cặp kính to chềnh ềnh kia che rồi, tôi nhất thời chẳng nhớ ra nổi hắn là ai nữa.

Thằng cha hẩy cái gọng khính gá trên mũi, lên tiếng trước: "Thiên vương vùi cọp đất!"

Tôi thấy câu này quen lắm, bèn buột miệng trả lời: "Bảo tháp trấn ma sông!"

Đối phương lại hỏi: "Mặt sao đỏ thế?"

Tôi dựng ngón cái lên đáp: "Chưa tìm được vợ, đang sốt sắng đây!"

"Vậy sao mặt lại trắng ra thế kia?"

"Lấy phải con cọp cái, nó mạt cho phát khiếp!"

Hai thằng tôi cùng lúc ôm chầm lấy nhau, tôi nói với hắn: "Tuyền béo! Cậu không ngờ hồng quân trung ương lại trở về đúng không?"

Tuyền béo cảm động suýt khóc: "Nhất ơi là Nhất! Anh em hồng quân trời nam đất bắc cuối cùng lại hội quân ở Thiểm Bắc rồi?"

Mấy năm trước, chúng tôi thư từ qua lại rất nhiều, nhưng xa xôi cách trở nên mãi không găp được. Ai ngờ vừa về thành phố đã gặp lại nhau ở quán ăn, thật khéo thế không biết.

Bố Tuyền béo còn làm to hơn bố tôi, chỉ tiếc hồi Cách mạng Văn hóa bố cậu ta không chịu nổi đấu tố, chết trong chuồng bò. Mấy năm trước, Tuyền béo về thành phố tìm việc, làm hơn một năm thì đánh nhau với lãnh đạo, tự bỏ ra ngoài đi buôn, ngược lên miền Bắc bán các băng nhạc đang thịnh hành ở chỗ chúng tôi.

Bao nhiêu năm rồi không gặp, hai chúng tôi uống cho mặt đỏ gay đỏ gắt, tôi cũng quên khuấy việc bịa chuyện nói dối, về đến nhà, rượu vào lời ra, tôi đem tất cả mọi việc đã trải qua nói thật hết với bố, chẳng ngờ ông không hề tức giân, ngược lại còn rất vui. Tôi nghĩ bụng chắc ông già càng già, giác ngộ càng thấp, thấy người ta không cần con mình ra trận nữa mà vẫn vui.

Ban chuyển công tác sắp xếp cho tôi làm phó phòng vệ sinh của một xưởng sản xuất thực phẩm, tôi ở trong quân ngũ lâu quá rồi nên chẳng muốn sống cuộc sống công sở vào ca, tan ca theo quy luật nữa, nên chẳng đi nữa, mà theo Tuyền béo lên phương Bắc làm ăn.

Thời gian trôi qua cũng thật nhanh, thấm thoắt đã bước vào thập niên tám mươi, chúng tôi cũng đầu ba cả rồi, công việc làm ăn ngày một tệ hại, đừng nói là dành tiền lấy vợ, đến bữa ăn giờ đây cũng sắp thành vẫn đề rồi, chúng tôi thường xuyên phải xin tiền nhà để giải quyết nỗi lo trước mắt.

Hôm đó thời tiết khá đẹp, bầu trời không một đám mây, hai chúng tôi mỗi đứa đeo một cặp kính râm, mặc quần ống rộng, đẩy xe ba bánh đi dọc đường phố Bắc Kinh, trên xe kê những tấm ván bày đầy băng cát xét, trên nữa đặt một chiếc đài cũ rích, bật những ca khúc lưu hành ở Đài Loan thời đó, vừa đi đôi loa vừa kêu í ới.

Có cô nữ sinh đeo kính chạy lại, chọn mãi không được cái nào, hỏi: "Có Vương Khiết Thực hay Tạ Lệ Tư không?"

Băng ấy đợt trước bọn tôi cũng lấy hàng rồi, nhưng đã bán sạch từ hai hôm trước, Tuyền béo cười nhăn nhở trả lời: "Ối dào, bà chị ơi, giờ thời buổi nào rồi còn nghe mấy bài ấy! Nghe Đặng Lệ Quân, Thiên Bách Huệ hay Trương Ngải Giai không? Lấy mấy băng về nghe thử đi! Thề có Chủ tịch Mao, nghe hay phê tít!"

Cô nữ sinh thấy Tuyền bèo không ra dáng người tốt, liền bỏ đi luôn.

Tuyền béo chửi ra rả phía sau: "Đồ điên! Ra vẻ tử tế lắm ấy, còn đòi nghe Khiết với chả Lợi, trông mặt bợm đã thấy kiết lị rồi!"

Tôi bảo: "Sao giờ cậu lại đổi sang giọng Bắc Kinh thế, nói tiếng phổ thông không được sao, vờ làm người thủ đô làm gì? Làm ăn ở Bắc Kinh khó khăn quá, bữa nữa có khi chạy xuống Tây An cho dễ sống vậy."

Tuyền béo định biện bạch rằng tổ tiên cậu ta là người Bắc Kinh, nhưng chưa kịp nói dứt câu thì bỗng giơ tay chỉ phía đầu đường: "Bỏ mẹ, bọn quản lý đến quét rồi, chuồn lẹ đi!"

Hai chúng tôi đẩy chân chỗng xe rồi chạy thục mạng, luồn lách mấy ngõ cuối cùng thì chạy ra đường lớn, tôi nhìn chung quanh, thấy quái lạ sao mình lại chạy tới chợ đồ cổ Phan Gia Viên thế này?

Cả con đường đều buôn đồ cũ cả, thậm chí cả huân chương, tượng của Mao chủ tịch cho đến sách bìa đỏ (1) đều có người thu mua. Các loại bình ấm, đồng hồ, hài thêu gấm tam thốn kim liên (2), tiền xu chất thành từng đống, bình thuốc hít, các thứ đồ gia cụ, tẩu thuốc, tranh chữ, đài nghiên chạm hoa, bút mực giấy xuyến, ống điếu cổ, hộp chơi dế, đồ sứ, đồ sơn mài, các đồ trang sức bằng ngọc, đá, vàng, bạc, đồng, sắt, thiếc, chỉ cần là đồ cổ, đồ cũ thì hầu hết thứ gì cũng có.

Tuyền béo có một miếng ngọc bội gia truyền, từ trước tới nay luôn đeo trên mình, miếng ngọc ấy là do một vị thủ tướng của quân đoàn dã chiến Tây Bắc tặng cho bố cậu ta, năm đó ông này đem quân tiến vào Tân Cương, đã tiêu diệt một đám thổ phỉ ở ốc đảo Nê Nhã, miếng ngọc tìm được trên người tên cầm đầu. Tuy bảo nó là ngọc bội, nhưng thực ra hình dạng không giống lắm, tạo hình kiểu cổ xưa mà quái dị, bên trên khắc họa tiết lằng ngoằng, vừa giống bản đồ, lại vừa giống chữ viết, chẳng hiểu để làm gì.

Tuyền béo đã cho tôi xem miếng ngọc này nhiều lần, nhà tôi trước kia cũng có không ít đồ cổ, thuở nhỏ lại từng nghe ông nội giảng cho nhiều về đồ vàng, đồ đá, đồ ngọc. Có điều miếng ngọc này niên đại giá trị ra sao thì tôi chịu không nhìn ra được.

Tuyền béo định đem miếng ngọc bán đi lấy tiền làm ít vốn làm ăn, nhưng tôi đã ngăn lại: "Đây là di vật của bố cậu, còn cầm cự được ngày nào thì đừng bán ngày ấy, chúng ta cũng nào đã đến bước đường cùng đâu, nếu quẫn quá thì tớ sẽ xin tiền ông bà già, đằng nào lương trợ cấp của ông bà già nhà tớ cũng đâu có ít."

Bọn tôi thấy lề đường có chỗ trống, liền dựng xe ba bánh lại đó, đi mua hai suất lòng ninh bánh ăn trưa.

Món lòng ninh bánh thực ra là canh lòng lợn nấu với bánh nướng cắt nhỏ, hơn một tệ một bát, vừa ngon lại vừa rẻ.

Bát của tôi bị bỏ quá nhiều ớt, ăn cay sè cả lưỡi, nước mắt nước mũi nhoe nhoét.

Tuyền béo ăn được hai miếng rồi nói với tôi: "Nhât này! Mấy năm nay tớ vốn định dắt cậu đi phát tài, nào ngờ kinh tế cả nước đều biến động, giờ buôn bán nhỏ không kiếm được nữa, phải làm to mới ăn. Truyện "Ma Thổi Đèn "

Chẳng như hồi tôi mới mở quầy, cả cái Bắc Kinh này chẳng có đến ba chỗ bán băng ca nhạc. Đúng là khổ lây cho cậu, mà trước khi về hưu bố cậu cũng là sư đoàn trưởng, đãi ngộ như phó chủ tịch thành phố, chẳng bằng cậu về quách, bảo ông già lo lót cho làm việc gì đó trong cơ quan, đừng đi theo tớ chịu khổ nữa!"

Tôi vỗ vào cái bụng béo của cậu ta nói: "Người anh em! Tớ cũng nói thật lòng với cậu thế này nhé, tớ mà muốn đi làm cơ quan thì lúc nào cũng đi được, nhưng tớ không dám đi, mà cậu biết tại sao không? Tại tớ sợ, tớ mà cứ ngồi yên một chỗ, đầu óc sẽ chẳng nghĩ được cái gì khác, chỉ toàn nhớ về những đồng đội đã hy sinh, bọn họ cứ lởn vởn hiện trước mắt tớ, mỗi lần như thế, lòng tớ lại đau quặn lại. Bọn mình bây giờ chạy đôn chạy đáo, bận bịu làm ăn, chí ít cũng khiến tớ phân tâm mà nghĩ chuyện khác, chứ nếu không chắc tớ thần kinh mất!"

Ở trong quân đội ngần ấy năm, chẳng học được gì, chỉ học được mỗi cách cổ động sĩ khí, tôi an ủi Tuyền béo: "Anh em mình bây giờ cũng chưa được coi là khổ lắm đâu, vẫn còn lòng ninh là ăn đây còn gì, nhớ cái hồi tôi ở trong núi Côn Luân, mẹ tiên sư nó, thế mới gọi là khổ ấy chứ. Có bận Tết, mọi người nhớ nhà cả, nhiều lính mới cứ lén lút khóc.

Sư trưởng thấy thế vội bảo mọi người cùng gói bánh chẻo, cải thiện bữa ăn. Ăn mấy cái bánh chẻo ấy, nói ra chắc cậu chẳng tin, trong núi Côn Luân chẳng có rau riếc gì, rau còn quý hơn cả vàng, nhưng thịt thì có, bánh chẻo làm ra toàn bao thịt cả thôi. Nhưng nơi ấy là vùng cao, nước đun không sôi được, bánh chẻo luộc ra sống sống sít sít, nhân thịt bên trong vẫn còn đỏ. Cậu tưởng tượng ra nổi cái mùi ấy nó thế nào không? Thế mà tớ còn ăn đến chục cái, no suýt vỡ bụng, thèm mà, mấy năm có thứ gì được ăn chín đâu, thèm vãi cả ra. Ngay ngày hôm sau tớ bị đưa vào bệnh viện, tiêu hóa không nổi ấy mà, bụng cứng như sắt. Cậu còn nhớ trong quyển Hồng nham viết gì không? Đêm trước khi cách mạng thắng lợi luôn là đêm lạnh lẽo nhất. Chuyện làm ăn của chúng ta không thể lúc nào cũng thế được, băng cát xét bán không chạy, thì ta bán cái khác!"

Tôi bật đài lên, hai cái loa lập tức cất lên tiếng nhạc. Cái đài đã tương đối nát, chất lượng âm thanh rất kém, bài hát có hay hơn nữa mà qua cái đài này là y rằng í éo như khua chiêng gõ trống. Nhưng tôi và Tuyền béo đều không thấy khó nghe, dù sao cũng hay hơn chúng tôi hát rất nhiều, Tuyền béo sau khi nghe những lời giáo dục tư tưởng sâu sắc mà dễ hiểu của tôi, tâm tình cũng cởi mở hơn nhiều, cậu ta vừa vỗ đùi vừa cất cao giọng rao hàng theo nhịp nhạc: "Băng cát xét nguyên bản Hồng Kong, Đài Loan đơi...! Đại hạ giá đơi... Chỉ lấy tiền vỗn thôi, ai mua đơi..."

Người đi đường và cả những quầy buôn bán xung quanh ai cũng nhìn chúng tôi với cặp mắt tò mò, bên cạnh có một bàn tay bày sạp trên vỉa hè bán đồ cổ, hắn lại gần chào hỏi, vừa nhoẻn miệng cười đã lộ ngay ra một chiếc răng vàng chóe, Răng Vàng rút thuốc ra mời hai bọn tôi,

Tôi đón điếu thuốc nói: "Hãng xịn đây, thuốc lá Mỹ, Marlboro cơ à!"

Răng Vàng vừa châm thuốc cho tôi vừa nói: "Hai ông anh bán băng nhạc ở chợ đồ cổ Phan Gia Viên là nhất đấy, mấy phố quanh đây không có người thứ ba nghĩ ra món này đâu!"

Tôi rít một hơi thật sâu rồi nhả hai luồng khói trắng qua lỗ mũi, thứ thuốc lá Mỹ này đã thật, tôi ngẩng đầu nói với Răng Vàng: "Ông anh đừng chế giễu thế chứ, anh em tôi vừa chạy bọn Cục Công thương, vô tình tới chỗ này thôi, nghỉ một lát rồi đi luôn đây!"

Vòng vo tam quốc thế nào, cuối cùng hóa ra không phải người xa lạ gì, nhà Răng Vàng ở đảo Hải Nam, hồi trước từng đi cải tạo ở Vân Nam, bố hắn theo quân Giải phóng đợt Nam tiến, hỏi ra trong nhà có những ai, cấp gì, sư đoàn nào, đại đội nào, xem chừng quan hệ với nhau cũng không quá xa.

Có điều bố Răng Vàng chẳng phải cán bộ gì hết, bố hắn là thợ đổ đấu dân gian, sau này quân Quốc dân đảng bắt trai tráng đi tham chiến, cũng trong đợt chiến dịch Hoài Hải đó, nhánh quân của bố hắn làm phản tham gia quân Giải phóng, nhưng ông ta cũng chỉ làm tay đầu bếp mà thôi. Sau đó bố hắn tham chiến ở Triều Tiên, bị đông cứng một cái chân, liệt luôn nửa người, mãi đến cải cách mở cửa, mới từ Hải Nam rời lên Bắc Kinh gom góp đồ cổ buôn bán.

Biết nói không bằng biết nghe, hắn kể nghe hay lắm, cái gì thợ đổ đẫu này nọ, chẳng qua cũng chỉ là thằng đào mả trộm mọ mà thôi, mấy thứ này người khác nghe không ra, nhưng tôi từ nhỏ được ông nội nuôi lớn, những chuyện như vầy ông kể cho tôi nghe đâu có ít.

Nhà nghề giơ tay, nhìn cái biết ngay. Bàn sâu thêm chút nữa, tôi mới hỏi Răng Vàng: "Bác nhà trước từng làm Mô Kim Hiệu úy (3), không biết đã mò phải cái bánh tông bự nào chưa?" "Bánh tông bự" là tiếng lóng lưu hành trong giới trộm mộ, giống bọn thổ phỉ nói chuyện với nhau cũng không thể bảo thẳng ra là mình giết người phóng hỏa, mà có nguyên một bộ tiếng lóng riêng. "Bánh tông" chỉ thi thể trong mộ được giữ tương đối hoàn hảo, khong bị mục rữa, "mò được bánh tông bự" tức là nói gặp phải phiền phức, chỉ những thứ bẩn thỉu như cương thi, ma ác, "bánh tông khô" là chỉ cái xác trong mộ đã rữa hết chỉ còn lại một đống xương trắng; còn "bánh tông thịt" nghĩa là chỉ trên xác chết còn nhiều đồ đáng tiền.

Răng Vàng vừa nghe tôi nói một câu này, lập tức tỏ vẻ cung kính, cứ nằng nặc mời tôi và Tuyền béo ra phố Đông Tứ ăn thịt dê tái, tiện thể đàm đạo kỹ hơn. Vậy là ba người dọn dẹp đồ đạc, cùng ra Đông Tứ.

(1) Sách bìa đỏ: là cuốn sách ghi chép những lời nói của chủ tịch Mao, trước kia mỗi người dân Trung Quốc đều phải có một cuốn để trong bất cứ trường hợp gì cũng có thể lấy ra trích dẫn, thậm chí từng có thời kỳ cứ vào mỗi sáng cho đến trước bữa ăn, người Trung Quốc lại đem ra đọc như Kinh Thánh.

(2) Tam thốn kim liên: tức"sen vàng ba tấc". Do quan niệm bàn chân càng nhỏ càng đẹp, phụ nữ Trung Quốc xưa bị bó chân từ bé. Khi lớn lên, người ta cho rằng bàn chân xinh như "sen vàng ba tấc", kỳ thực bàn chân ấy đã dị dạng rồi.

(3)Mô kim hiệu úy: "Mô kim" tức "mò vàng"; "Hiệu úy" là tên gọi của một chức quân thời Hán, đứng sau chức "Tướng quân". Ở đây chỉ chức Hiệu úy chuyên trộm mộ vậy.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện