Q.5 - Chương 9: Cắt gạch mộ
Tôi bảo với Tuyền béo và Yến Tử, trong căn hầm này chỉ có cái bếp lò là giấu được đồ, ngoài ra tôi gần như vẫn còn nhớ đã từng đọc trong Thập lục tự âm dương phong thủy bí thuật một đoạn ghi chép cũng khá tương tự. Trong cuốn tàn thư ấy có nhắc đến thuyết “Âm dương trạch”, Âm trạch là chỉ mộ địa, chuẩn bị cho người chết, còn Dương trạch là nhà ở của người sống. Trong phong thủy có phép “toản linh tương trạch”, hay còn gọi là thuật “bát trạch minh kính”, hai gian nhà hoàn toàn đối xứng trong căn hầm này, rất có khả năng chính là trận đồ “Âm dương kính” trong phép ấy, tương tự như thuật “yêm thắng[12]” mà các thợ thuyền thời xưa sử dụng. Trong đám hoàng bì tử có những con có linh tính, có thể mượn sức của thuật này mà nhiếp hồn người ta. Có điều, tôi chẳng qua cũng chỉ tiện tay lật xem quyển tàn thư ấy qua loa một chút, chưa bao giờ đọc kỹ càng tỉ mỉ lần nào nên cũng không rõ lắm. Chỉ là, tôi cảm thấy trong tình huống này cũng nên tiện thể hủy luôn cái hầm này đi, tránh để sau này có người trúng phải tà thuật mà uổng mạng.
Tôi không tin Hoàng đại tiên có hòm xiểng chứa bảo bối bảo biếc gì cả, nhưng tôi đoán rằng, phát xuất từ tâm lý tránh điều hung tìm điều cát, không dám chọc vào Hoàng đại tiên của đại đa số người, có kẻ đã mượn danh Hoàng đại tiên mà giấu một số đồ vật quý trong hầm ngầm bên dưới ngôi miếu này. Chuyện này tuyệt chẳng có gì kỳ quái, mà cái hòm đó, rất có khả năng lại liên quan đến mạch vàng trong núi Đoàn Sơn thời xưa. Nếu tìm được thứ ấy, vậy thì chúng tôi cầm bằng như đã lập công lớn rồi, nói không chừng còn được đi nhập ngũ chứ chẳng chơi.
“Sao đỏ ngời trên mũ, cờ cách mạng tung bay.” Khoác lên mình bộ quân phục không chỉ là mộng tưởng của tôi và Tuyền béo, mà cũng là giấc mơ lớn nhất của thế hệ chúng tôi. Nghĩ tới đây, tôi không khỏi bồi hồi kích động, chỉ hận không thể lập tức đập vỡ tan cái kháng đất, Tuyền béo vừa nghe có thể bên trong bếp lò còn có tầng bí mật, lập tức phấn chấn tinh thần, vung cây rìu cán dài lên đập vào bức tường sát với kháng đất.
Tường ngăn bằng đất trong căn hầm này đều đắp bằng cách “đắp nhồi”, hai cái kháng đất ở hai bên đắp liền với bức vách, tuy chắc chắn nhưng cũng không thể đỡ lại nổi sức trâu của Tuyền béo. Sau mấy cú quai rìu, tường đã vỡ lở ra. Bên trong kháng đất vốn rỗng không, nên cũng sụt xuống theo để lộ ra lối thông khói đen ngòm, bên trong bốc lên một luồng khói đen, hòa trộn với mùi hôi thối sặc mũi và mù mịt khiến bọn tôi đều buộc phải lùi lại mấy bước. Đợi khói bụi tan đi hẳn, chúng tôi mới tiến lên hợp lực dọn bớt gạch vụn rơi xuống ra.
Tuyền béo nôn nóng bước lên đầu tiên, giơ ngọn đèn dầu lại gần xem thử: “Ô hay! Trong này có thứ gì đấy thật cậu ạ.” Vậy là cậu ta liền thọc tay cho vào trong vừa sờ vừa kéo kéo ra được một đống đen ngòm. Lúc nhìn rõ được cậu ta kéo ra thứ gì, Yến Tử sợ đến kêu ré lên, tôi còn chưa kịp nhìn rõ xem bên dưới cái kháng ấy có gì đã bị cô nàng làm cho giật thót cả mình một cái trước. Mượn ánh đèn hôn ám nhìn thử, thì hóa ra Tuyền béo lôi ra được một cái xác đàn ông cụt đầu. Cái xác không đầu ấy đã bị mục rữa thảm hại, cả tấm áo dài kiểu cổ bằng lụa mặc trên người cũng nát rữa. Nó vốn bị nhét bên trong ống thông khói, lúc này Tuyền béo đã kéo ra hơn một nửa, còn một nửa vẫn để trong lòng cái kháng đất.
Tuyền béo thấy mình lôi ra được một cái xác khô không đầu, tức đến nỗi nhổ nước bọt phì phì, luôn mồm làu bàu chửi mình xúi quẩy, nhưng vẫn chưa nản lòng, lại cầm rìu lên quai như quai búa thép, đập phá một hồi. Cái kháng đất phía bên kia bị cậu ta đập tan hoang, trong lò không ngờ cũng chôn giấu một cái xác khô không đầu khác, nhưng nhìn cách ăn mặc, xác khô này chắc là xác đàn bà.
Tôi đang lấy làm kỳ lạ không hiểu tại sao hai cái kháng đất lại thành quan quách hợp táng của hai vợ chồng này, Tuyền béo đã lật tung cả đống gạch vụn lên, kinh hồn hoảng hốt bảo tôi xem thứ đặt trên ngực xác khô. Trên ngực hai cái xác đàn ông đàn bà ấy, có hai cái đầu lâu được giữ khá hoàn hảo, lần lượt cũng của một nam một nữ, đầu tóc buông xõa xượi. Nhưng vì bị chôn vùi trong bếp lò không biết bao nhiêu năm tháng rồi, lớp da bên ngoài cái đầu người tuy đã được xử lý chống thối rữa, song vẫn khô tóp lại, màu sắc trông chẳng khác nào sáp khô.
Tôi giục Tuyền béo lại gần xem hai cái đầu người ấy, mới phát hiện bên trong đều đã bị khoét rỗng, chẳng có xương sọ hay máu thịt gì, mà chỉ dùng dây đồng căng lên, giống như một món đạo cụ của người diễn kịch rối. Bên trong hai cái đầu người rỗng không ấy lại có hai con chồn vàng chết, ba chúng tôi nhìn mà vừa thấy khiếp hãi, vừa thấy buồn nôn. Có nghe hồi trước khi trong núi cung phụng nghênh thỉnh Hoàng đại tiên, Hoàng đại tiên có thể hóa thành hình người bộ dạng tiên phong đạo cốt hiện chân, lẽ nào hình người này chính là phép chướng nhãn của bọn hoàng bì tử?
Yến Tử nói, lần này thì chuốc họa lớn rồi, lại còn kinh động đến cả xác khô của Hoàng đại tiên nữa, không khéo bị giảm thọ mất. Tôi an ủi cô, bảo rằng ngàn vạn lần chớ có tin mấy chuyện này, đấy toàn là do mấy ông từ trong miếu giả thần giả quỷ để lừa tiền hương hỏa của bọn ngu ngốc vô tri thôi. Hồi trước ở quê tôi cũng có chuyện tương tự, trong núi có ngôi miếu Bạch xà, người quản miếu tự xưng rằng Bạch Xà nương nương hiện thân ban thuốc, thực ra chỉ là kiếm về một người đàn bà nuôi rắn, dùng thuật điều khiển rắn để gạt tiền mọi người. Còn một việc nữa, nghe đồn thời trước giải phóng ở núi Nhạn Đăng còn có miếu Thử tiên, nguồn gốc thực ra là bởi có người dân trong núi bắt được một con chuột rất to, vì to quá nên không đánh chết ngay tại chỗ mà bắt về để cả làng xem cho vui. Nhưng trong vùng có một tên bịp bợm chuyên giả thần giả quỷ, thừa cơ đem con chuột này ra tán láo lên, cứ bảo rằng đây chính là Thử tiên đến đây trừ tai giải nan cho dân làng, sau đó lợi dụng việc ấy gạt được rất nhiều tiền hương hỏa của các thiện nam tín nữ. Về sau con chuột được coi như thần tiên ấy chết đi, tên bịp đó lại nói Thử tiên gia tạo phúc cho mọi người nhiều như thế, trước lúc ra đi cần phải khoác cho ngài một tấm da người, để ngài thăng thiên cũng có chút thể diện. Vậy là dân làng liền ra chốn mồ hoang tìm ra một cái xác vô chủ, lột da để liệm cho Thử tiên. Càng là những nơi không khai hóa văn minh ở chốn rừng sâu núi thẳm thì lại càng có những thứ phong tục lỵ kỳ cổ quái kiểu vậy. Phỏng chừng hai con hoàng bì tử trong đầu người chết này cũng thế, đều là đạo cụ của bọn lừa đảo chuyên đi gạt tiền người ta, chúng ta không việc gì phải đau đầu nhức óc với mấy thứ mê tín dị đoan này làm gì.
Yến Tử nghe tôi nói mà nửa tin nửa ngờ, cô nàng là người vùng núi, tuy được sinh ra sau giải phóng, vốn cũng không tin quá vào những thứ bàng môn tà đạo này, nhưng trong lòng ít nhiều cũng vẫn còn chút cố kỵ. Vả lại, hai cái đầu người bị khoét rỗng, dùng để đựng hai cái xác hoàng bì tử trông cực kỳ khủng khiếp, tôi có nói thế nào cô nàng cũng không chịu ở lại. Tôi đành bảo cô tạm thời ra bên ngoài cánh cổng đá chờ một lúc, tôi với Tuyền béo cho sập nốt nửa bên bếp lò còn lại rồi lập tức lên trên đó tụ hợp.
Đợi cho Yến Tử đi lên trên rồi, tôi bảo với Tuyền béo, bên dưới cái Mộ Hoàng Bì Tử này có chôn Hoàng đại tiên thật đấy cậu ạ, vậy thì truyền thuyết về cái rương bảo bối của Hoàng đại tiên quá nửa là thật rồi, mau tìm nó ra đây để chi viện cho cách mạng thế giới thôi. Vậy là hai thằng chúng tôi chẳng nghỉ ngơi gì, tiếp tục động thủ đập vỡ tan nửa bên bếp lò còn lại.
Nhưng sự việc không được thuận lợi như trong tưởng tượng, đập xong phá xong xuôi, chỉ thấy bên trong còn vài cái bát sứ vỡ, nào đâu ra hòm vàng hòm viếc gì, dưới đất cũng chỉ có vài hạt vàng nhỏ bằng hạt gạo nằm vương vãi, góc tường sát với bếp lò còn bị khoét một lỗ lớn, bên ngoài đã sụt xuống, lấp kín mít phía bên dưới.
Tôi và Tuyền béo thấy thế, lập tức hiểu ra tất cả, liền ngồi bịch xuống đất. Thôi xong rồi, bốn tên áo đen bị chết treo kia quả nhiên vẫn còn đồng bọn, chúng nhất định đã phát hiện những người đi xuống hầm ngầm bằng lối cầu thang đều chỉ có đi mà không có về, biết được bên dưới có trận đồ cạm bẫy, vậy là liền dùng ngay chiêu “móc cửa sau”, từ phía bên kia đào đường hầm xuyên vào trong đây, móc rương báu của Sơn thần đi rồi. Thế là các đồng chí công toi cả buổi mất rồi.
Tuyền béo vẫn nhặt hết các hạt vàng dưới đất lên, tự an ủi mình rằng chỗ này đúng là hơi ít thật, chi viện cách mạng thế giới e là khó, nhưng dùng để cải thiện đời sống thì vẫn dư dả có thừa. Tôi để ý thấy mấy hạt vàng này rất giống với mấy hạt chúng tôi có được ở lâm trường đêm hôm trước, hình dạng chẳng theo quy tắc nào, hình như đều là những hạt vàng khảm nạm trang sức trên vật gì đó. Lẽ nào cái rương của Hoàng đại tiên ấy lại khảm đầy vàng bên ngoài, trong lúc bị khiêng đi đã xảy ra va chạm nên rơi ra mấy mảnh này?
Nghĩ không biết trong cái rương thần bí ấy rốt cuộc đựng bảo bối gì, tôi lại thấy ngứa ngáy hết cả người, nhưng thứ ấy chẳng rõ đã bị người ta trộm đi từ bao nhiêu năm trước rồi, phỏng chừng cả đời này tôi cũng đừng hòng mơ nhìn thấy nó nữa. Tôi thất vọng mất cả phút đồng hồ, lúc này Tuyền béo đã vơ vét hết các thứ có thể vơ vét được, có ở lại thêm cũng chẳng còn ý nghĩa gì cả, huống hồ để lâu quá cũng ngại Yến Tử ở bên trên không đợi được, vậy là hai bọn tôi bèn quyết định rời khỏi chỗ này.
Lúc sắp đi, thấy khắp trong căn hầm chỗ nào cũng toàn xác chết, đặc biệt là bốn vị “lão điếu gia” kia, nhìn mà cũng thấy khó chịu thay cho chúng, tôi bèn cùng Tuyền béo quyết định dứt khoát đã làm thì làm cho trót, cho chỗ này một mồi lửa thiêu rụi đi luôn. Vì dưới lòng đất chẳng bao giờ thắp đèn, nên dưới căn hầm vẫn còn trữ hơn nửa vại dầu chưa dùng đến, vậy là bọn tôi bèn múc dầu ra hắt bừa khắp nơi, cuối cùng đá đổ cả vại dầu, ném cây đèn trong tay xuống, lửa tức thì bùng lên ngay. Lửa cháy làm xà gỗ rường gỗ căn hầm nổ kêu lách ta lách tách.
Tôi và Tuyền béo lo bị khói hun cho sặc chết, vội chạy lên bậc thang đá ra khỏi miếu Hoàng đại tiên. Bên ngoài tuyết đã ngừng rơi, ba chúng tôi kiếm một hốc cây giấu thịt gấu da gấu vào trước, rồi lấy đá bít kín, sau đó mới giẫm lên các súc gỗ đóng băng trên sông về lâm trường. Bấy giờ bọn tôi mới phát hiện con Hoàng tiên cô kia giờ chỉ còn thoi thóp thở, Tuyền béo thấy vậy liền kêu toáng lên, hoàng bì tử chết rồi mới lột da thì chẳng đáng giá nữa, nhưng không có nghề mà lột da làm hỏng mất thì càng phí hơn, vậy là đành phải đổ cho nó chút nước cháo cầm hơi. Sau đó, cậu ta liền đi cả đêm mang cả bàn tay gấu và Hoàng tiên cô ra hợp tác xã cung ứng ngoài núi đổi đồ. Vì có mấy cân kẹo hoa quả giá rẻ mà đội gió đội tuyết đi đường núi, những chuyện kiểu như vậy đại khái chắc cũng chỉ có đám thanh niên trí thức về nông thôn tham gia lao động sản xuất mới làm được. Động cơ thực ra cũng không hoàn toàn chỉ vì tham ăn, mà nguyên nhân chủ yếu nhất vẫn là nhàn rỗi quá đâm ra khó chịu mà thôi.
Yến Tử về làng tìm người giúp lấy thịt gấu về, chỉ để lại mình tôi canh lâm trường. Khi đã xong xuôi hết mọi việc, nhàn rỗi được vài ngày, bọn tôi lại bàn tính, đã bẫy được hoàng bì tử rồi, lần này phải bắt một con cáo về mới thú, nhưng còn chưa kịp hành động, ông bí thư già đã phái người ra thay cho chúng tôi về làng.
Ông bí thư nói: “Vì sợ chúng bay ở trong làng không chịu an phận nên mới phân cho chúng bay ra lâm trường vắng vẻ trực ban, không ngờ bọn bay vẫn không chịu phục tùng sự sắp xếp của tổ chức, tự tiện vào núi Đoàn Sơn săn gấu, gan chúng bay cũng to quá nhỉ, vạn nhất xảy ra chuyện gì thì trách nhiệm này ai gánh? Tuy chúng bay săn được con gấu cũng coi như là ủng hộ nông dân, nhưng công không bù được tội, ta thấy để chúng bay ở lại lâm trường nữa sớm muộn gì cũng xảy ra chuyện lớn. Phải tìm cho chúng bay việc gì làm, tiện thể phạt chúng bay luôn, ừm... làm việc gì bây giờ nhỉ?”
Cuối cùng ông bí thư phân cho ba đứa bọn tôi đi tham gia lao động “cắt gạch mộ”. Vì ở trong núi khai hoang làm rẫy rất khó khăn, chỉ có mấy chục mẫu ruộng đất bạc màu, chỗ này một mảnh chỗ kia một mảnh, năm nay lại san được một khoảnh đất nữa ở trong khe núi. Chỗ ấy đào được rất nhiều mộ, vì làng này là do các thợ săn từ đời nhà Thanh tụ tập lại với nhau, dần dần mà hình thành nên, các nghĩa địa gần khe núi xung quanh đây từ triều nào đại nào thì đến giờ cũng chẳng ai hay biết nữa. Khu mồ hoang vô chủ này toàn là mộ xây bằng gạch đá, hầu hết đã bị tàn phá bung bét cả ra rồi, về cơ bản toàn bộ đã bị hủy hoại hoặc đào trộm, không thì cũng bị úng nước, quan tài, đồ minh khí và xương cốt sót lại chẳng còn gì đáng tiền cả, sau khi dọn dẹp đi rồi thì còn lại rất nhiều gạch xây mộ. Với dân địa phương, thứ gạch này mới chính là đồ tốt, vì mấy trăm dặm xung quanh đây người sống rất thưa thớt, không có lò gạch nào hết, mà gạch xây mộ lại vừa to vừa kiên cố, có thể trực tiếp dùng để xây chuồng cho gia súc hoặc các kiến trúc đơn giản khác. Chỉ có điều, gạch mộ hoặc bị bám rất nhiều bùn, hoặc lúc bậy ra bị vỡ mất góc, hoặc bị vỡ; dẫn đến hình dạng không được quy chuẩn cho lắm, vậy nên cần dùng cái bay cắt lại, bỏ đi những chỗ dư thừa, không nhất thiết phải giữ được nguyên viên gạch mộ hoàn chỉnh, nhưng nhất định phải bằng phẳng quy chuẩn, như vậy lúc xây tường mới tiện dụng được.
Việc “cắt gạch mộ” này thông thường đều do đàn bà trong làng đảm nhiệm, vì đám đàn ông đều cảm thấy công việc này có vẻ rất xúi quẩy, mà âm khí cũng nặng nề quá. Giờ giao việc này cho bọn tôi, cũng coi như là phạt nhẹ rồi, người giám sát công việc này là thím Tư, vợ ông bí thư già.
Tuy là phạt nhẹ, nhưng tôi là tôi ghét nhất những công việc chẳng có chút tính sáng tạo nào như thế này. Chúng tôi cầm mấy viên gạch bẩn thỉu thối hoắc lên cắt gọt suốt nửa ngày trời, lưng mỏi nhừ, tay đau nhức tê chồn, vậy là bèn kiếm cơ hội mời thím Tư ăn mấy viên kẹo hoa quả đổi bằng con Hoàng tiên cô, nịnh thối một hồi khiến bà ta sướng tít lên, rồi thừa cơ làm biếng, ngồi hút thuốc nghỉ ngơi với Tuyền béo một lúc.
Tôi phả ra một cuộn khói, cả một ngày đi cắt gạch mộ, đầu váng mắt hoa, tuy vẫn chưa đến giờ ăn cơm, nhưng trống trong bụng đã bắt đầu đánh loạn lên rồi. Tôi không nhịn được hỏi Yến Tử: “Cô em Yến Tử tối nay cho chúng tôi ăn gì ngon ngon thế?”
Không đợi Yến Tử lên tiếng, Tuyền béo đã cướp lời: “Coi như các cậu gặp may nhé, hôm nay tôi mời khách. Trên trời có thịt rồng, dưới đất có thịt lừa. Hôm trước trong làng có con lừa đen bị bệnh, tôi đây phát huy tinh thần gan dạ không biết sợ, không ngại gánh lấy cái tiếng xay xong lúa là giết lừa, vắt chanh bỏ vỏ, giúp dân làng thịt con lừa ấy, vì vậy được ông bí thư phân cho cái đầu với cái móng giò và bộ lòng rồi. Tối nay để Yến Tử làm cho chúng ta một nồi móng giò lừa hầm, không thì thiêu hồng cũng được, bộ lòng thì để sáng mai nấu canh ăn, còn đầu lừa ăn thế nào thì tôi chưa nghĩ ra, các cậu thấy để muối ăn dần có được không nhỉ?”
Yến Tử bị chúng tôi làm liên lụy phải đi cắt gạch mộ, trong bụng vốn đã đầy một cục tức, từ sáng đến giờ cứ lầm lì không vui, nhưng nghe Tuyền béo nói muốn ăn móng giò lừa, liền ôm bụng cười khúc kha khúc khích. Thím Tư bên cạnh nghe thấy cũng bật cười nói: “Thằng béo này, móng lừa đen là thứ ăn bừa được đấy à? Khát quá uống nước muối, đói quá ăn ngũ độc thì cũng được, nhưng móng lừa đen thì tuyệt đối không thể xơi vào đâu. Thời xưa, chỉ có người đào mồ đào mả mới dùng móng lừa thôi, không phải là thứ để ăn bừa ăn bậy đâu, đó là thứ để cho người chết ăn đó nhé, chỉ có “lão điếu gia” mới xơi móng lừa đen đó. Dưới Âm tào Địa phủ có Phán quan giữ sổ sinh tử, Ngưu đầu Mã diện câu hồn dẫn quỷ, Cửu U tướng quân giáng thi diệt sát, Cửu U tướng quân ấy chính là do Hắc Lư tinh tu luyện thành tiên biến ra, tượng thờ trong chùa miếu ngày xưa đều là đầu lừa, móng lừa cả đấy còn gì.”
Tôi vừa nghe thím Tư nói thế, lập tức nhớ lại mình cũng từng nghe ông nội kể chuyện các Mô Kim hiệu úy đi trộm mộ dùng móng lừa đen trấn phục cương thi trong cổ mộ. Móng lừa đen là pháp bảo vật bất ly thân của Mô kim hiệu úy, khác biệt rất lớn với những gì bà thím này kể, nhưng tôi tuyệt đối không thể ngờ thím Tư lại biết cả những điển cố ấy, vội vàng thỉnh giáo, xin bà kể cho tận tường.
Thím Tư nói: “Mô Kim hiệu úy là cái gì chứ? Làm trò gì nữa? Ta chưa nghe bao giờ, chỉ nhớ thời trước giải phóng, trong đám thổ phỉ có một băng lạ lắm, nhân mã của nhóm ấy toàn bộ đều mặc đồ đen quần đen đội mũ đen, thắt dây lưng đỏ, đi bít tất đỏ, ăn mặc kỳ quặc lắm. Đám người ấy chuyên môn đào mồ quật mả trong những khu rừng sâu núi thẳm, thời bấy giờ làm ác lắm, nhưng sau giải phóng đã bị trấn áp hết một loạt cùng với bọn Y Quán đạo các thứ rồi. Thuở trước, phàm là băng phỉ đều phải có danh hiệu, đến giờ ta vẫn còn nhớ danh hiệu của bọn phỉ ấy, hình như gọi là... Nê Hội... hay sao đó.”