Q.7 - Chương 5: Hao tử nhị cô

Một cơn gió lạnh thổi qua nghĩa trang, nén nhang và cây đuốc trong tay toán trộm mộ chấp chới trực tắt, liền đó từ mấy cỗ áo quan cũ nát đặt trong phòng phát ra tiếng sồn sột, tựa như có những chiếc móng tay rất dài đang cào vào nắp áo quan, khiến ai nấy nghe mà sởn da gà.

Lão Trần thấy có động lạ vội nắm chặt con dao găm giắt ở thắt lưng, lão xưa nay không thích dùng súng, mỗi khi đổ đấu chỉ mang theo một con dao găm phòng thân. Con dao này cũng có lai lịch, là con dao ngọc “Tiểu thần phong” năm xưa Hoàng đế ngự dụng, thường đi đôi với súng thần trước khi ngự giá, hàn quan thấm nhuận, sắc bén vô cùng. Lão rút dao ra, thấy ánh dao lập lòe, liền biết ngay toàn quán này không sạch sẽ, nếu không phải ma quỷ ẩn nấp thì cũng là cất giấu vật yêu tà.

Lão Trần lập tức khoát tay, ra hiệu cho mọi người tản ra xung quanh, vòng lên phía trên, lần lượt bật nắp từng cỗ áo quan, xem có phải thi biến hay không. La Lão Oai cũng lăm lăm hai tay hai súng đi theo kiểm tra. Thấy động, âm thanh lạ bên trong áo quan chợt ngưng bặt, chỉ còn tiếng gió núi bên ngoài thổi u u, quất vào tán cây cổ thụ trên mái ngói, nghe đến não lòng.

Cả đám đều là những kẻ sừng sỏ quanh năm đào mồ quật mả, tài cao gan lớn, hơn nữa dân trộm mộ kỵ nhất là lộ vẻ sợ hãi trước mặt đồng bọn, sau khi qua lại tuần sát vài lượt giữa mấy chục cỗ áo quan, thấy không có gì bất thường, chúng bèn chăng thừng những cỗ áo quan có chứa xác. Dây thừng này đã được ngâm tẩm chu sa, cương thi không thể nhúc nhích, lại bị thừng giăng đè chặt trong áo quan sẽ không thể nào ra được. Xong xuôi chúng đóng nắp áo quan lại rồi mới khép cửa rời khỏi chính đường.

Trở ra mảnh sân cũ nát, nhìn lên thấy trời không trăng không sao, gió cuốn mây dồn đỉnh núi, kiểu này chắc sắp mưa to. Hạ pháp của “vọng” chính là nhin vết bùn nhận màu cỏ, sau khi nước mưa giội xuống sẽ càng dễ thực thi. Qua dãy núi này chính là địa giới Bình Sơn, đợi sớm mai tạnh có thể đi thăm dò hình thế mộ cổ, nên cả bọn quyết định ngủ lại trong nghĩa trang. Trên người ai nấy đều mang theo hung khí giết người và ống mực trừ yêu, một cái toàn quán để xác nhỏ nhoi này có gì đáng sợ.

Đảo quanh nghĩa trang hai vòng, thấy đâu đâu cũng lụp xụp bẩn thỉu, chỉ có can phòng nhỏ ngay mé cửa sau là có thể ở tạm. Căn phòng này vốn là nơi ở của người trông xác, cũng là căn phòng duy nhất dành cho người sống trong “nhà khách người chết”. La Lão Oai đi cả ngày đường núi, chỉ mong mau mau chóng chóng được dừng chân nghỉ ngơi, bèn nói với lão Trần một tiếng “mời”, rồi giơ chân đá bật cánh cửa gỗ, sải bước vào phòng.

La Lão Oai bước vào phòng, vừa quay người lại đã thấy lù lù trước mắt một cái xác dựng đứng sau cánh cửa, thi thể được quấn bằng một tấm vải trắng chỉ lộ ra dáng người mờ mờ, trên đầu cắm một linh bài gỗ, ngọn đèn phía trước le lói cỡ hạt đỗ tương. La Lão Oai ngày thường giết người như ngóe vậy mà lúc này này cũng giật thót mình, mồ hôi lạnh túa khắp người, theo phản xạ rờ tay lên khẩu súng lục.

Lão Trần đi ngay sau hắn, thấy vậy vội giữ chặt tay La Lão Oai, đoạn săm soi linh vị trên đầu xác chết, trên tấm gỗ, dán một lá bùa giấy vàng, giơ đèn dầu lên soi thì thấy câu chú bên trên rất quen mắt. Lão Trần trước kia tưng lên núi học đạo, nghe hơi nồi chõ nên cũng biết chút bùa văn. Đây là một tấm bùa Tịnh thi trong bùa chú Thần Châu, bên trên viết rằng: “Tả hữu lục giáp, hữu hữu lục đinh, tiền hữu lôi điện, hậu hữu phong vân, thiên tà vạn uế, trục khí nhi thanh. Cấp cấp như luật lệnh.”

Lão lại khẽ lật một góc tấm bùa lên, trông thấy có hàng chữ viết bên dưới linh bài liền đọc thành tiếng: “ Hao Tử Nhị Cô Ô Thị chi vị… Chắc đây là thi thể người đàn bà trông nom toàn quán. Bà ta chết mới được hai ngày, theo phong tục ở đây thì phải dựng đứng sau cánh cửa để thành cương thi, sau đó mới có thể nhập quan. Nghe nói bà ta cũng là người khổ mệnh, chúng ta đôi bên nước giếng không phạm nước sông, cứ để bà ta đứng đấy.”

Ba thủ hạ của lão Trần ai cũng có nỗi khổ trong lòng, nếu không đã chẳng phải dấn thân làm kẻ cướp đường, trước nay luôn thương cảm những kiếp người nghèo khổ thấp hèn, nghe lão Trần nói vậy đều đồng tình: “Ông chủ mói phải lắm, từ xưa kẻ khổ đã chẳng bắt nạt kẻ nghèo, mấy người chúng ta đều bị bức ép mới phải lên Lương Sơn chiếm cứ, làm việc hào kiệt, dựng chút nghiệp anh hùng, lẽ nào lại gây khó dễ cho một người chết mệnh khổ.”

La Lão Oai tuy có ý thiêu luôn cái xác để đỡ phải chung đụng cả đêm, nhưng thấy khó chống lại ý kiến số đông, hơn nữa việc quật mộ cổ còn phải dựa vào mấy người họ nên đành nín nhịn, theo lão Trần vào trong phòng. Hoa Ma Linh vội vàng dọn dẹp một chỗ sạch sẽ rồi mời hai vị thủ lĩnh thượng tọa, ba kẻ lâu la thân phận thấp kém không dám ngồi ngang hàng, sau khi thu xếp thỏa đáng liền ngồi luôn xuống đất gặm lương khô lèn bụng, tợp vài ngụm rượu đỡ lạnh.

Vừa cắn được nửa miếng đã nghe sấm sét bên ngoài nổi lên ầm ầm, dội cho ngôi nhà rung lên bần bật, tiếp đó mưa ập xuống như trút nước. Lão Trần đang ngồi xếp bằng uống rượu, nhắm mắt nghiền ngẫm những tin tức dò la được trong ngày, hình dung ra quy mô ngôi mộ trong Bình Sơn, nghe tiếng sấm lôi đình vẫn thản nhiên nói với ba người Hoa Ma Linh, Hồng cô nương và Côn Luân Ma Lặc: “Nghĩa trang này không yên lắm, đêm nay phải cẩn thận một chút không ai được ngủ đấy!”

Bọn Hoa Ma Linh vâng vâng dạ dạ, sau đó cùng nhau uống rượu gác đêm, trong lúc chuyện trò tào lao vô tình nhắc đến Hao Tử Nhị Cô Ô Thị, thấy tên bà ta sặc mùi cổ quái, lẽ nào dung mạo xấu xí như chuột? Có điều xác chết đã được bọc kín trong tấm vải trắng không nhìn thấy mặt, quả thật khó mà tưởng tượng ra dung mạo của bà ta.

La Lão Oai rít đã thuốc phiện, tinh thần sảng khoái. Hắn lâu nay vốn để ý Hồng cô nương, muốn rước cô về làm bà tám, nhưng cô gái này tính cách mạnh mẽ, sau biến cố đau thương của gia đình đã lập lời thề ở vậy cả đời, quyết không đồng ý. Hơn nữa cô ta nắm trong tay kỹ thuật Cổ thái Hí pháp của Nguyệt Lương Môn, là cao thủ hóa giải bẫy rập trong cổ mộ, quật mộ khai quan không thể thiếu mặt cô ta. La Lão Oai là đệ tử của nàng tiên nâu, chỉ tham tiền tài, chứ không ham hố nữ sắc, lại thêm Hồng cô nương là tay chân đắc lực của lão Trần nên hắn đành từ bỏ ý định. Nhưng đêm nay tá túc nơi nghĩa trang núi hoang, nhân lúc nhàm chán tội gì không kiếm cớ bắt chuyện cùng mỹ nhân.

Nghe Hoa Ma Linh nhắc đến dung mạo cái xác nữ kia, La Lão Oai buông một tiếng: “Diện mạo thế nào, cứ xem khắc biết.” Dứt lời lão bước tới bên cửa, giơ tay lật tấm vải trắng quấn quanh xác chết, mặt người chết hiện ra dưới ánh đèn tù mù, khiến ai nấy dều sững sờ, La Lão Oai cang thất kinh, chửi um lên: “Con bà nó chứ, trên đời sao lại có con chuột tinh to thế không biết!” Ngay cả gã câm Côn Luân Ma Lặc cũng há hốc mồm nhìn đến lồi cả mắt.

Chỉ thấy da xác chết không còn sắc máu, thi thể không trắng bệch mà ngả xám, sâu trong lớp da xám tro đó ẩn hiện một lớp khí màu đen. Ngũ quan trên mặt Hao Tử Nhị Cô rất ngắn, mũi nhỏ mắt nhỏ, tai còn hơi nhọn, hàm răng hô lồ lộ vẩu ra dưới cặp môi tím ngắt, chỉ hiềm không có lông, còn lại tất cả y chang mặt chuột.

Lão Trần thấy cả bọn nghệt ra sửng sốt đành lên tiếng: “Ồn ào quá, thật xấu hổ cho đám Xả Lĩnh ngày thường vãn tự xưng quật nhiều Đế lăng nhất, mới gặp một cái xác nữ dung mạo quái dị mà đã như lạ lắm ấy.”

Lão Trần là kẻ cáo già, chuyện to chuyện nhỏ dều đã thăm dò chu toàn từ lúc còn ở dưới núi, bọn La Lão Oai chỉ chăm chăm nghe ngóng tin tức về mộ cổ đời Nguyên, những chuyện khác không mấy lưu tâm nên không biết lai lịch của Hao Tử Nhị Cô, đành chờ Lão Trần kể lại cho nghe.

Xung quanh cảnh ngộ của vị Hao Tử Nhị Cô này, câu chuyện được lưu truyền phổ biến nhất là: Cách đây mười mấy năm, trông coi nghĩa trang này là một người đàn ông họ Ô, sơn dân quen gọi là “lão Ô nghĩa trang”. Dân Thổ Gia trên núi đều rất thích ăn món đậu phụ huyết, đậu phụ huyết được làm từ tiết lợn và đậu phụ trộn lẫn, nặn thành từng tảng, đặt vào sàng tre, rồi sấy khô trên bếp lửa, sau đó có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau.

Một hôm, lão Ô nghĩa trang nấu một nồi đậu phụ huyết định ăn tươi một bữa, món này nấu lên, chỉ nhìn hay ngửi cũng đủ khiến người ta thèm rỏ dãi. Đậu phụ huyết còn chưa nấu chín, nhưng mùi thơm đã lan tỏa khắp nơi, lão Ô ngồi canh bên nồi mà nước dãi cứ rỏ tong tong. Đột nhiên có tiếng gõ cửa dồn, lão vội vàng chạy ra mở cửa, nhưng bên ngoài chẳng có đến một bóng ma, đừng nói chi đến người. Lão Ô quay vào, đã thấy một người đàn bà trẻ đang ngồi xổm bên nồi múc đậu phụ ăn, chắc hẳn ả ta đã gõ cửa trước để dương Đông kích Tây, rồi nhân lúc lão Ô chạy ra mở cửa thì lẻn vào bằng lối cửa sau.

Lão Ô ngĩa trang thấy thế thì nổi giận đùng đùng, bụng bảo dạ đây hẳn là nữ tặc trên núi tới phá phách, chủ nhân còn chưa chết đâu, đâu dến lượt mày ăn vụng đậu phụ huyết, bèn vớ lấy cái rìu chẻ củi bổ ngay một nhát. Ả đàn bà đang cắm cúi ăn, nghe tiếng rìu bổ xuống liền bê cái nồi nhảy ra khỏi cửa.

Lão Ô nghĩa trang đuổi sát theo, chạy đến thung lũng thì đuổi kịp ả, một rìu bổ tới trúng ngay mông, máu tuôn xối xả, ngay lúc đó, một cái đuôi chuột to tướng rơi xuống, thì ra ả này là chuột tinh. Lão Ô trông coi xác chết đã nhiều năm nên to gan lớn mật, trong cơn thịnh nộ định giết chết không tha. Thấy chiếc rìu trong tay lão toan bổ xuống, ả đàn bà liền khóc lóc van xin: “Hôm nay ngửi thấy mùi đậu phụ huyết thơm quá, nô gia thèm không chịu nổi mới mò ra ăn vụng, nào ngờ lại bị tướng công chém đứt mất đuôi, không trở lại nguyên hình được nữa. Nếu tướng công không chê nô gia dung mạo xấu xí, xin nguyện cùng tướng công kết nghĩa phu thê, chung sống qua ngày.”

Lão Ô trước kia là kẻ du côn, lại quanh năm trông coi nghĩa trang, ngay đám đàn ông trong bản cũng ngại va chạm, đàn bà càng không ai chịu gả cho lão, nắng hạn đã lâu mà chẳng gặp mưa rào. Lão nhìn kỹ thấy ả đàn bà này tuy mặt mũi giống chuột nhưng thân hình vẫn là đàn bà, bèn đồng ý lấy ả làm vợ ngay trong đêm đó. Mấy năm sau lão Ô vì lên núi hái thuốc cho vợ chữa bệnh, bị gấu ăn thịt, vợ chồng họ không con không cái, sau khi lão Ô chết đi, vợ lão là Ô thị trở thành quả phụ, tiếp tục kiếm sống nhờ vào nghề trông coi nghĩa trang.

Người già trong bản đều biết chuyện thực ra không phải vậy, Ô thị vốn dĩ không phải chuột thành tinh, mà là một phụ nữ trên đường lánh nạn, lạc bước lên núi nên được lão Ô giữ lại, vì bộ dạng bà ta vô cùng cổ quái nên đám hậu sinh trong bản đặt điều thêu dệt, lời dồn mỗi lúc một nhiều, lâu dần thành quen, mọi người đều gọi bà ta là “Hao Tử Nhị Cô”. Không ít bà mẹ trong bản đều đem bà ta ra dọa trẻ con lúc chúng không nghe lời, còn bịa chuyện Hao Tử Nhị Cô canh hôm khuya khoăt tìm đến bắt người, trẻ con hễ nghe nhắc đến người đàn bà chuột tinh ấy liền nín bặt không dám khóc lóc ăn vạ nữa.

Lão Trần hồi trẻ học cao hiểu rộng, tài trí hơn người, lại rành xem tướng, lão biết trên đời có những người mặt mũi dị hợm, điều này không lạ, chẳng qua mẹnh khổ tướng dữ, khác nào đã xấu lại còn mang áo rách, kiếp này không biết sống ra sao. Lão bèn giải thích cho cả bọn nghe, bảo bọn họ từ nay chớ hàm hồ đoán mò nữa.

La Lão Oai cũng thấy hành động ban nãy của mình thật quá lố bịch, tổn hại đến uy danh nguyên soái, đành chuyển dề tài, hòng tỏ ra hiểu biết vớt vát chút sĩ diện, quay sang hỏi Hoa Ma Linh: “ Ma Linh này, nghe nói tổ tiên mấy đời nhà chú nổi tiếng trong nghề khám nghiệm tử thi, chú có biết Hao Tử Nhị Cô này vì sao mà chết không?”

Hoa Ma Linh quay sang nhìn cái xác, đá mắt hai cái dã hiểu rõ sự tình, mặt thoáng biến sắc nói: “ Bẩm thủ lĩnh, tiểu nhân bất tài, thấy môi xác chết xanh đen, ngũ quan khép chặt, giống như trong miệng chứa đầy thi độc, lẽ nào trong nghĩa trang này có kẻ giả dạng xác chết… hạ độc bà ta?”

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện