Q2 - Chương 1: Hai con cừu đá
Sáng sớm, trời vẫn còn mờ sương, Tùng kều đi xe đến đón hắn rồi qua đón thầy Giáp và giáo sư Lê ở Ngõ Huế.
- Sao mày đi sớm thế? hôm qua đã dặn là bảy giờ đi cũng được mà. Hắn mắt nhắm mắt mở hỏi Tùng kều.
- Đi sớm một tí, xong việc ở đấy, mình qua chùa Dâu với vào làng tranh Đông Hồ xem luôn. Tùng kều đáp.
- Kiểu gì chả phải qua chùa dâu, tính hết rồi. Hai con cừu đá thì một con ở Lăng Sỹ Nhiếp, một con ở chùa Dâu mà.
Đến đầu Ngõ Huế đã thấy hai ông già đứng đó đợi từ bao giờ. Hắn nhảy xuống xe mở cửa để thầy Giáp và giáo sư lê lên xe. Một tiếng đồng hồ đi đường thuận lợi, từ quốc lộ năm rẽ vào quốc lộ mười bảy theo đường Lạc Long Quân bọn hắn đã đến Thuận Thành Bắc Ninh. Theo hướng dẫn của giáo sư Lê, bọn hắn vượt qua khu chợ tạm, theo con đường nhỏ vào khu đền thờ Sỹ Nhiếp ở trung tâm cổ thành.
Trước khi đến đây, hắn cũng đã cất công tìm hiểu về thành Luy Lâu. Đây thường là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa - tôn giáo đầu tiên của miền Bắc những năm đầu công nguyên. Nơi này cũng là niềm tự hào nghìn năm của nền văn minh đồng bằng sông Hồng. Thế mà hiện giờ nó đang trở thành một khu di tích hoang phế, không còn nhận ra hình dáng cổ thành khi xưa thế nào. Trên đường đi vào, đồng ruộng xanh ngắt, thi thoảng lấp ló sau các bụi cây là những ngôi mộ của dân cư.
Dừng xe trước con đường nhỏ men theo bờ ruộng dẫn đến cây cầu đá cổ. Cả bốn người bọn hắn xuống xe, thu thập đồ đạc mang theo người rồi tiến vào. Đền này là "Đền Nhũng" nơi thờ Sỹ Nhiếp, tương truyền ngôi đền này được dựng ngay chính trên nền nhà, nơi ông mở lớp học, giữa thành Luy Lâu xưa.
Hai cây gạo ngất ngưởng, đứng sừng sững hai bên cổng đền. Bóng cây nghiêng ngả che phủ lối vào. Cây cầu đá cổ, lạnh lùng in bóng xuống mặt ao xanh biếc.Giũa bốn bề đồng trống, cây cối um tùm ngôi đền nằm lặng lẽ như tách khỏi ồn ào xô bồ của cuộc sống. Tróng cái lạnh của thời tiết, ngôi đền hiện ra trầm mặc, cô quạnh và hơi âm u.
Bốn người ngó nghiêng quan sát. Gian thờ chính đã được tu sửa sáng sủa, tinh tươm. Hai bên, hậu viện hoang phế cũ kỹ. Tất cả đều đóng cửa im lìm.
Đi quanh một vòng, giáo sư lê dẫn ba người sang phía bên phải ngôi đền. Nơi này là lăng mộ của Sỹ Nhiếp. Quang cảnh hoang vu, khói lạnh hương tàn, cây cối rậm rạp.
- Đây rồi! Tùng kều hô lên phấn khích.
Theo hướng Tùng kều chỉ, một con cừu đá đang quỳ ngay bên trái lăng mộ.
Thầy Giáp và giáo sư lê sửa soạn đồ lễ, thắp nén hương trầm thơm ngào ngạt lầm rầm khấn vái. Chẳng biết họ xin gì mà hắn thấy thầy Giáp vô cùng chú tâm, kính cẩn.
Để mặc hai ông già xì sụp khấn vái, hai thằng bọn hắn lại gần chỗ con cừu đá xem ngược xem xuôi, nhìn lên nhìn xuống. Xem đến nửa ngày cũng không phát hiện có gì đặc biệt. Chỉ là một con cừu đá với hai cái sừng cong tròn, tai dài nhọn, ở tư thế quỳ. Phía gối chân trước có hai khoáy. Mưa gió đã chấm lên thân cừu đá những vết rỗ của thời gian. Hai mắt của con cừu dường như không nhìn thấy nữa.
- Không phải quẻ Ly là thấy mắt sao? Giờ còn chả thấy mắt. Hắn lầm bầm trong miệng.
- Thời xưa nước mình làm gì có cừu nhỉ? Sao lại có tượng cừu đá?
Tùng kều vô cùng băn khoăn hỏi. Hắn còn chưa kịp trả lời thì giọng nói từ tốn của giáo sư Lê cất lên.
- Đúng là Việt Nam khi xưa không có cừu. Nhưng thành nam Giao vốn là trung tâm văn hóa Phật giáo sầm uất nhất lúc bấy giờ.
Theo lời giáo sư lê, thành Luy Lâu dưới thời Nhiếp Sỹ vô cùng phồn thịnh. Hoạt động Phật giáo ở đây nhộn nhịp và tập trung, tăng viện, chàu tháp được xây cất rất quy mô, tàng chưa cả nghìn bộ kinh. Hàng trăm tăng sĩ Ấn Độ, Trung Quốc, Trung Á... đã tới Luy Lâu truyền đạo, nghiên cứu, biên dịch kinh Phật, đào tạo tăng đồ. Giáo sỹ Ấn Độ Khâu Đà La là người đầu tiên của Luy Lâu và dựng trung tâm Phật giáo ở đây. Rất nhiều các bộ kinh xưa nhất trong hê Bát Nhã đã được các tăng sỹ nghiên cứu và biên dịch lại ở Luy Lâu trước khi chuyển qua Trung Quốc.
Hai con cừu đá đến bây giờ người ta vẫn không biết tại sao nó có mặt ở Luy Lâu. Chỉ có thể phỏng đoán các tăng sỹ Ấn Độ mang theo nỗi nhớ quê hương mà tạo thành nó.
Thầy Giáp loanh quanh bên con cừu đá một hồi, hết đo đạc, tính toán lại lẩm bẩm.
- Chả có gì liên quan đến thẻ Ly cả, sao lại thế nhỉ? Mấu chốt là ở đâu cơ chứ?
Không tìm ra manh mối gì, bốn người bọn họ quyết định quay lại ngôi đền. Trời vẫn còn sớm, đồng không mông quạnh, chẳng một bóng người. Hắn và Tùng kều lang thang mò mẫm quanh khu đền xem có điều gì khác lạ không.
Ngay bên cạnh đền, hắn phát hiện một cái giếng cổ bằng đá. Miệng giếng được đậy kín bằng một tấm gỗ. Bên trên còn chèn đá hộc chặn lên. Chỉ có điều lạ,khe hở giữa miếng gỗ và thành giếng có một luông khí bảy sắc cầu vòng ra sức len ra ngoài.
- Này, đến chỗ kia khênh hòn đá cùng tao.
Hắn đập đập vào cánh tay của Tùng kều nhỏ giọng gọi. Tùng kều đang giương mắt ngó Đông, ngó Tây, thấy hắn nói vậy thì vội chạy theo đến bên cái giếng. Hai bọn hắn hì hụi vần tảng đá ra, bê đặt xuống đất,
- Hòn đá này có gì lạ sao? Tùng kều thắc mắt hỏi.
- Ừ! Cứ mở ra xem đã. Hắn đáp.
- Dừng ngay lại! Ai cho các cậu động vào cái giếng.
Giọng nói trầm thấp, hơi run run cất lên. Một ông già hơn bảy mươi tuổi từ đâu xuất hiện ngay sau lưng bọn hắn. Tiếng quát bất ngờ, thất thanh trong cái không gian yên ắng của buổi sớm mai, giữa nơi hoang văng làm hai bọn hắn giật cả mình. Hắn tuột tay làm rơi hòn đá xuống đất suýt thì đè phải chân. Tùng kều mặt mũi ra vẻ hết sức ngờ nghệch lắp bắp nói.
- Chúng cháu chỉ xem một tí thôi mà.
- Xem cái gì mà xem. Đặt hòn đá lên như cũ cho tôi, đây không phải chỗ để xem.
Ông già cáu kỉnh lên giọng nói. Hắn và Tùng kều lại hì hục bê tảng đá đặt lên trên miệng giếng, rồi len lén đứng sang một bên dưới con mắt dò xét không chút thiện cảm của ông cụ.
- Các cậu từ đâu đến đây?
- Dạ, chúng cháu từ Hà Nội sang ạ.
- Đến đây làm gì?
- Dạ chúng cháu chỉ là đi thăm quan thôi ạ. Tùng kều đáp lời ông cụ.
Nghe có tiếng ồn ào ở phía sau, thầy Giáp và giáo sư lê đã nhanh chân chạy lại. Nhìn thấy ông cụ, Giáo sư lê vội vàng chào hỏi. Thì ra đây là ông Từ chuyên trông nom Đền Lũng. Ông cụ sau khi nghe hai người giới thiệu thì chăm chú quan sát thầy Giáp và giáo sư Lê rồi lại quay ra nhìn hai thằng bọn hắn lẩm bẩm.
- Đúng rồi...! Nhất định là đúng rồi!
Mấy người cũng ngạc nhiên khi thấy ông cụ cứ lẩm bẩm mãi "Đúng rồi... đúng rồi..." rất vui vẻ. Nhưng không ai hỏi gì mà chỉ lẳng lặng theo chân cụ vào trong đền. Lôi chùm chìa khóa nặng trịch trong túi ra. Ông cụ hai tay lần tìm chìa khóa để mở cửa mời bốn người bọn họ vào trong đền thắp hương.
Bên trong đền linh khí uy nghiêm, tượng Sỹ Vương ở hậu cung mặt đỏ râu dài, còn có tượng thờ công chúa, các con trai của Sỹ Vương cũng được đặt ở đây. Đi một vòng quan sát, hắn đếm được trong đền phải có đến mười bốn mười lăm tấm bia đá bằng chữ Hán. Hoa văn trạm khắc vô cùng đẹp đẽ, dù thời gian đã mài mòn đi vẻ tinh xảo, nhưng các chi tiết tạo hình vẫn giữ nguyên nét đẹp mỹ thuật thuở ban đầu.
Trong đền còn có cả một chỗ trưng bày các đồ cổ khai quật được trong thành Luy Lâu từ những năm trước. Có rất nhiều đồ dùng, binh khí, mũi giáo bằng đất nung, có cả mảnh khuôn đúc trống đồng... Nhìn thấy hắn và Tùng kều cứ lượn lờ khắp nơi ngó nghiêng. Ông Từ trông đền có vẻ không yên tâm, chốc chốc lại liếc mắt trông chừng.
Rót chén trà nóng mời thầy Giáp và Giáo sư Lê, ông cụ giọng đầy vui vẻ nói chuyện.
- Nhà tôi có ba đời đều trông nom ở Đền Lũng này. Ngày thường tôi không bao giờ ra đền sớm như vậy đâu. Hôm nay là vì được báo trước nên tôi mới ra đây sớm như thế để chờ.
- Báo trước...? Mà báo trước việc gì cơ thưa cụ. Thầy Giáp hỏi
- Chả là đêm qua tôi ngủ mơ, thấy ngài hiển linh nói với tôi. Sớm ngày hôm nay, sẽ có hai quan ông với hai kẻ hầu đi cỗ xe trắng bốn ngựa kéo tới đền. Nhà ngài giục tôi hôm nay phải ra đền sớm mà đợi.
- Có chuyện đó? Giáo sư Lê ngạc nhiên há cả miệng.
- Ngài còn dặn, các ông có việc gì cần, tôi phải hết sức giúp đỡ không được chậm trễ.
Tùng kều và hắn nghe loáng thoáng câu chuyện đã đi tới ngồi xuống ghế bên cạnh, hếch mặt lên hóng chuyện. Như không tin lời ông cụ nói, Tùng kều quay sang hỏi hắn.
- Cỗ xe màu trắng bốn ngựa kéo ở đâu ra chứ?
Nghe thấy Tùng kều nói vậy cả ba người lớn đều quay đầu nhìn về phía bọn hắn. Thầy Giáp vỗ đùi cười ha hả.
- Ờ... đúng... đúng là cỗ xe trắng bốn ngựa kéo thật.
Mọi người đều nhìn thầy Giáp ngạc nhiên khó hiểu.
- Thì cái xe ô tô của mày màu trắng bốn bánh là gì? Thầy Giáp hớn hở nói với Tùng kều.
Hắn nhăn nhó.
- Thế hóa ra chúng con là người hầu ạ?
- Ôi giời, cho chúng mày làm người hầu là còn nể mặt mũi lắm rồi ấy. Thầy Giáp vô cùng khoái chí đáp.
Mọi người đều cười xòa vui vẻ. Nhân lúc câu chuyện về thành Luy Lâu đang nồng đượm trong hương trà thơm, thì hắn mới hỏi ông Từ trông đền một câu.
- Thưa ông, theo như những gì ông vừa kể thì thành Luy Lâu này vốn là có hai con cừu đá, sao một con lại lưu lạc sang chùa Dâu ạ?
- À... nó là thế này. Theo như các cụ xưa nói. Trước kia, hai con cừu đá đều ở đây. Nhưng có một con ban đêm toàn vùng dậy đi phá hoa màu của dân trong vùng. Dân làng kêu than, Phật mẫu Man Nương mới hiển linh đánh xụm lưng nó rồi bắt về chùa Dâu để trông chùa và tự tu tỉnh.
- Ra là vậy...
Hắn nói xong thì hoang mang trong lòng, tự dưng hắn nhớ đến hai con sư tử đá canh cửa Từ đường họ Vũ sau nhà anh Bính chị Thúy. Cái việc ban đêm mới thức tỉnh này sao thấy quen quen... Hay là phải ở lại đây vài đêm rình xem sao - hắn ngẫm nghĩ. Lại thêm cái giếng nữa, cũng rất kỳ lạ.
Giọng ông Từ trông đền vẫn cứ đều đều. Cái Giếng Ngọc cạnh đền này được đào từ khi xây dựng đền, quanh năm nước trong vắt. Cách đây hàng chục năm, lần đó hạn hán kéo dài, cây cối súc vật đều chết sạch. Nhưng lạ kỳ thay cái giếng vẫn không cạn nước. Dân làng xung quanh nhờ có nước từ Giếng Ngọc mà qua được mùa hạn hán. Sau này, có nhiều người vô thần vô thánh cố ý làm bẩn giếng nước. Từ đó trở đi nước giếng trở nên đục ngầu không còn sử dụng được nữa. Thêm vào đó có mấy người đến giếng không bao giờ trở về nữa. Sự mất tích bí ẩn của họ, khiến dân làng hoảng sợ từ đó không dám bén mảng đến gần Giếng Ngọc nữa.
Thì ra là vậy - hắn thầm nghĩ. Dựa trên những gì hắn thấy về thế giới mà mọi người gọi là vô hình đó, thì chuyện những người đột nhiên mất tích cũng có thể xảy ra. Nhưng biết đâu có những kẻ dựa vào truyền thuyết bí ẩn quanh ngôi đền mà làm ra những chuyện trái đạo đức. Theo thuyết âm mưu, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Cần phải xuống cái giếng ấy một chuyến mới được. Hắn âm thầm quyết định.
- Đấy các ông xem, đền chỉ có mình tôi, giữa đồng không mông quạnh nhưng chả bao giờ phải trông nom. Trước đây cũng có những kẻ nảy lòng tham vào đền trộm đồ đạc. Cuối cùng sống không bằng chết, phải ra đền lạy lục xin trả lại đồ ăn cắp.
Ông cụ vừa nói vừa kính cẩn liếc nhìn vào hậu cung. Sau mấy tuần trà chuyện trò, Giáo sư Lê xin được đóng góp ít tiền công đức cho đền rồi xin số điện thoại của ông cụ. Lúc này đã chín, mười giờ sáng. Bọn hắn quyết định sang chùa Dâu một chuyến, có ở lại đây cũng không nhìn ra manh mối gì. Quãng đường hai cây số không dài nên chỉ một chốc bọn họ đã đến chùa Dâu. Tìm chỗ gửi xe xong xuôi, bốn người bọn hắn ung dung nhàn tản vào chùa y như những khách thăm quan đến chùa.
Xa xa, dưới gốc cây trước cổng chùa, có mấy hàng bán tranh Đông Hồ. Hắn và Tùng kều tranh thủ ghé vào xem, thầy Giáp và Giáo sư Lê lững thững đi trước. Tranh Đông Hồ in trên giấy điệp màu sắc tươi thắm, đường nét mộc mạc giản dị. Từng sấp tranh đủ chủ đề từ tranh Lợn Âm Dương, tranh Gà đến bộ tranh Tứ bình, Tứ quý đủ cả. Hai thằng bọn hắn ngắm đến mê say. Còn đang thả hồn theo gà theo lợn ở trong tranh thì một giọng nói niềm nở cắt ngang.
- Hai cậu mua tranh đi. Tranh Đông Hồ chủ đề gì ở chỗ chúng tôi cũng có. Giá cũng không đắt.
Hắn rời ánh mắt từ những sấp tranh trên mặt bàn, nhìn đến người đàn ông đang đứng trước mặt. Một người đàn ông trung niên cỡ tuổi dưới sáu mươi dáng vẻ nhanh nhẹn khỏe mạnh đôi mắt sắc bén đang tươi cười niềm nở giới thiệu tranh với bọn hắn.
Tùng kều chỉ vài bức, người đàn ông vươn người thò tay nhấc từng sấp tranh lên để chọn mẫu cho Tùng kều. Thoáng thấy cánh tay của người đàn ông lộ ra dưới ống tay áo hắn có chút ngạc nhiên. Hai cánh tay rắn chắc, đôi bàn tay chai sần vuông vức, da màu đồng có ánh đỏ khỏe mạnh. Chừng như thiếu mẫu tranh, người đàn ông quay lại phía sau gọi.
- Dần ơi, tìm cho bố bức Đánh ghen.
Lúc này hai bọn hắn mới chú ý đến người thanh niên tên là Dần ngồi phía trong. Chiếc áo dày xụ không che được vóc người lưng gấu vai hùm của anh ta. Giống như cha mình, anh ta có nước da màu đồng ánh lên sắc đỏ, hai cánh tay rắn chắc, dáng đi vững trãi.
Sao họ chả giống người buôn bán gì cả - hắn thầm nghĩ. Tùng kều mua một sấp tranh xong hớn hở tươi cười kéo tay hắn đi đến cổng chùa. Lúc này thầy Giáp và Giáo sư Lê đã vào ban Tam bảo thắp hương từ lúc nào rồi.
- Sao không để đến làng tranh Đông Hồ rồi mua. Mà lại mua ở đây? Hắn hỏi.
- Nhìn thấy đẹp quá không đợi được. Về tao sẽ làm khung thật đẹp treo ở nhà. Tùng kều đáp.
- Chốc nữa đến làng Tranh mua tiếp. À... mà tao thấy hai bố con ông bán tranh này cứ thế nào ấy. Tùng kều nhíu nhíu mày suy nghĩ.
- Là cảm giác không đúng? Họ không giống người bán tranh bình thường? Hắn hỏi lại Tùng kều.
- Ờ... phải rồi! Sao tao cứ có cảm giác họ giống người tập võ hơn là dân buôn bán.
- Người buôn bán vẫn có thể học võ để trau dồi sức khỏe mà có gì là lạ đâu? Hắn vặn vẹo.
- Cũng phải. Tùng kều gật gù cái đầu.
Bước vào cổng chùa, đập vào mắt bọn hắn là tháp Hòa Phong xây bằng gạch cổ ngay giữa sân chùa. Ở phía bên phải nơi chân tháp có một con cừu đá đang quỳ ở đó. Tùng kều lấy cùi trỏ huých vào mạng sườn hắn ra hiệu. Hai bọn hắn cũng giống như các khách hành hương khác vào chùa bái Phật xong ung dung tản bộ thăm thú khuôn viên trong chùa. Đến lúc quay lại tháp Hòa Phong đã thấy thầy Giáp, Giáo sư Lê đang chụm đầu bàn tán ở đó từ bao giờ.
- Con cừu bị xụm lưng thật này. Thầy Giáp không dấu được vẻ ngạc nhiên nói
- Ông có phát hiện ra điều gì lạ ở con cừu này không? Giáo sư Lê quay sang hỏi thầy Giáp.
- Chả thấy gì là thế nào nhỉ? Thầy Giáp băn khoăn.
- Nó giống hệt con ở bên kia mỗi tội lưng bị xụm xuống thôi. Tùng kều ghé miệng nói chen vào.
- Hay là hình hai con cừu đó có ý nghĩa khác chứ không phải là hai con cừu đá này. Giáo sư Lê rất băn khoăn lẩm bẩm.
- Không! Con nghĩ nhất định là chúng nó. Truyền thuyết ông Từ trông đền kể có thể có một phần sự thật, nếu không cớ gì lưng nó võng thế này. Hắn nói.
- Nhỡ đâu vì thấy lưng con cừu này chả biết vì sao mà bị xụm xuống như vậy nên người dân mới đem chuyện Phật mẫu Man nương gán vào cho thêm phần kỳ bí thì sao? Tùng kều ngắt lời hắn.
- Dù là gì thì cũng liên quan đến hai con cừu đá này. Thời xưa nước mình làm gì có cừu, các hình tượng thờ cúng hay trưng bày cũng chưa từng có con cừu nên nhất định là có liên quan. Thầy Giáp khẳng định.
Trong lúc bốn người bọn hắn vẫn còn đang chúi đầu vào xem xét bàn luận về con cừu đá thì thấy người thanh niên tên Dần đang khênh một cái bàn lớn cho các ni sư. Hóa ra ngoài việc bán tranh trước cửa chùa, anh ta còn thường xuyên giúp đỡ, làm các việc công quả ở trong chùa. Đi qua chỗ bọn hắn, anh ta lạnh nhạt nhìn một cái như không nhìn.
- Chùa Dâu này hướng Tây, thế thì con cừu đá này nó nhìn về hướng Nam quẻ Ly rồi còn gì. Chỉ có điều không thấy một manh mối gì trên người con cừu này, ngoại trừ nó ngoảnh mặt về hướng Nam.
Thầy Giáp vân vê chòm râu hết sức tư lự. Hắn nhìn luồng hào quang quanh thân con cừu, cũng không có gì đặc biệt
- Hay là mình ở lại đây, đợi đêm xuống xem có gì khác lạ không. Dù sao trong thần tích bọn nó cũng là ban đêm thức dậy mà? Hắn đề nghị.
- Chỗ này tìm đâu ra chỗ nghỉ qua đêm. Hay quay về đền xin ngủ nhờ. Thầy Giáp cũng gật gù cho ý kiến
- Giờ cũng muộn rồi. Mình tìm chỗ ăn trưa được không? Con thấy đói hoa cả mắt rồi. Tùng kều lên tiếng trong lúc cái bụng đang sôi ùng ục.
- Thôi được rồi ăn trưa đã, tính sau. Giáo sư Lê quyết định.
Bốn người ăn trưa xong, nghỉ ngơi trên xe một lúc, đến đầu giờ chiều thì cả đám quyết định đi Làng tranh Đông Hồ một chuyến trước khi quay lại đền Lũng. Vào đến xã Song Hồ đã thấy cổng ốp đá căng băng rôn hoành tráng chả nhầm đi đâu được, bọn hắn lựa ngay nhà những nghệ nhân nổi tiếng mà đến thăm quan. Khách ta khách tây nườm mượp, chỗ nào cũng thấy phơi giấy với phơi bản khắc. Những tấm giấy gió màu trắng điệp căng ra treo lên như những lớp áo lấp lánh bạc dưới ánh nắng mặt trời.
Tùng kều nghiêng đầu thích thú quan sát một cô gái trẻ đang ngồi dãi thẻ ra in tranh. Từng lớp màu lần lượt in chồng lên nhau, chẳng mấy chốc bức tranh Vinh Hoa Phú Quý đã thành hình hài. Dường như đoán được sự yêu thích của Tùng kều, cô gái ngẩng đầu cười tươi như hoa e thẹn nói
- Anh có muốn in thử một lần không?
Chả cần cô gái nói đến lần thứ hai, Tùng kều ngồi bệt ngay xuống bên cạnh hăm hở. Lăn màu lên bản khắc, Tùng kều khe khẽ ấn lên tập giấy gió màu vàng rồi nhấc lên cười phấn khởi với hắn.
- Này... này in được rồi này.
Hì hục một lúc chỉnh đi chỉnh lại cuối cùng bức tranh thành hình Tùng kều nhất định mua bức tranh chính tay mình in, Tùng kều hỉ hả ra mặt.
Rời nhà mấy nghệ nhân tranh Đông Hồ, bốn người bọn hắn kéo nhau đến đình làng, trên cả quãng đường cờ ngũ sắc treo khắp nơi. Hỏi ra mới biết, ngày mai là ngày "Hội rước nước" năm năm mới tổ chức một lần của làng. Trong đình những tiếng cười nói nhộn nhịp, xen lẫn tiếng hò hét nhau. Sân đình đông đúc đầy người, họ đang rộn ràng chuẩn bị cho lễ hội ngày mai.
Lẫn trong đám người là bóng lưng hùm vai gấu trông quen quen mắt, hắn vắt óc cũng chưa nhớ ra là nhìn thấy ở đâu.
Bốn giờ chiều, cả bốn người quay lại bãi gửi xe dự định về đền Lũng. Nhìn thấy chiếc For Ranger từ xa, Tùng kều cảm thấy có gì đó sai sai, nó chạy vội lại gần rồi chửi um lên. Bốn chiếc bánh xe xẹp dí.
- Đây nhất định là có kẻ cố tình mà!
Tùng kều tức tối gọi đội trông xe. Bọn họ cũng ngớ người ra. Rõ ràng là trông nom cẩn thận, sao bây giờ cả bốn bánh xe xẹp lép. Dù nói lốp hỏng thì cũng không thể cùng lúc cả bốn bánh đều hỏng.
- Chậc... chậc... xem ra tối nay có muốn về Hà Nội cũng không được. Thầy Giáp chép miệng.
- Bây giờ làm sao?
Giáo sư Lê quay sang nhìn hai thằng bọn hắn. Còn làm thế nào được nữa, Tùng kều tức ra mặt. Đội trông xe nhanh chóng xin lỗi rồi gọi đội sửa chữa xe đến. Gần một tiếng sau đội sửa chữa mới tới. Như họ nói thì vài tiếng không xong được. Tốt nhất là kéo xe về gara của họ ở trung tâm thành phố Bắc Ninh mới đủ dụng cụ và thiết bị sửa chữa. Chả còn cách nào hơn, bốn người bọn hắn tiu nghỉu leo lên cái thùng xe tải mà đội trông xe bố trí để về đền Lũng.
Nhìn thấy bốn người lếch thếch theo bờ ruộng đi vào, ông Từ thủ đền dường như đoán ra bọn hắn gặp chuyện không thuận lợi liền chạy ra đón vào.
- Có chuyện gì vậy? Ông Từ thủ đền từ tốn hỏi.
- Chúng tôi bị hỏng xe, giờ cũng không quay về Hà Nội được, xin phép ông cho chúng tôi ở nhờ lại đền đêm nay. Giáo sư Lê nói.
- Ấy chết, sao thế được, gian nhà dưới của đền chật hẹp lại có mỗi cái giường làm sao mà bốn người ở lại đây được. Hay tối nay mọi người về nhà tôi. Ông Từ khua tay nói.
Trời đã bắt đầu nhập nhoạng, bốn người theo chân ông Từ bước thấp bước cao trên bờ ruộng đi về phía xóm làng thấp thoáng sau rặng cây xa xa. Về đến nhà, ông Từ hô vợ con đi làm gà đãi khách. Hắn với Tùng kều cũng ý tứ gửi cho bà vợ ông một ít tiền, bà cụ không nhận nhưng hắn cứ dúi vào tay bà. Cơm nước xong xuôi, uống chén trà xanh nóng hổi khoan khoái hưởng thụ sự ấm áp, chát, ngọt lừ, cả bốn người âm thầm bàn tính.
- Nếu ngủ lại đây thì còn xem được cái gì nữa. Hay để con với thằng Tùng ra đền, thầy với Giáo sư Lê ở lại đây. Hắn ghé tai thầy Giáp thì thầm.
- Cũng được. Để thầy nói với ông Từ.
Sau khi bàn bạc với ông Từ xong xuôi. Thầy Giáp bố trí hắn và Tùng kều ra đền ngủ. Thầy Giáp với