Q2 - Chương 18: Hoàng Thành Thăng Long

Sáng chủ nhật, hắn và Tùng kều đã có mặt sớm tại nhà Giáo sư Lê ở ngõ Huế. Một lúc sau, anh Vĩnh và thầy Hùng cũng đến. Bọn hắn đem quần áo công nhân mặc vào người, thu thập đồ nghề cho đầy đủ rồi kéo nhau ra xe chuẩn bị xuất phát.

Từ đằng sau tiếng gọi ầm ầm

-   Đợi... đợi... tôi với

Hắn thò cổ ra khỏi cửa xe nhìn lại thì thấy thầy Giáp đang chạy lạch bạch đến gần. Miệng thở phù phù, thầy Giáp nói

-   Đi với... tôi đi...

-   Ông đi làm cái gì. Giáo sư Lê nhăn nhó hỏi.

-   Ơ... chuyện hay thế sao không rủ tôi. Thầy Giáp cáu kỉnh leo lên xe.

-   Tôi tưởng hôm nay anh còn phải làm việc? Thầy Hùng hỏi.

-   Việc gì chứ... tôi đuổi hết cả đám về rồi

Thầy Giáp cười hì hì rồi trắng trợn chiếm chỗ đẩy thầy Hùng ngồi bẹp dí vào bên trong.

-   Trông công nhân chả ra công nhân, cán bộ nghiên cứu thì càng chẳng giống. Vậy chốc nữa tôi giới thiệu anh là quét rác nhé. Giáo sư Lê đắc ý nhìn thầy Giáp cười cười.

-   Quét rác cái đầu lão ấy. Thầy Giáp trợn mắt.

-   Hay là... chuyên trách xả nước, dọn giấy khu vệ sinh nam. Giáo sư Lê xoa cằm có vẻ suy nghĩ căng thẳng lắm

Thầy Giáp thái độ vô cùng phẫn uất căm tức nói.

-   Ông có cần xỉ nhục tôi thế không... Sáng nay vừa ra cửa toán được một quẻ là gặp phải kẻ người chẳng ra người, ngợm chẳng ra ngợm, đành ôm hận chịu khuất nhục. Ôi sư phụ ơi... sao mà đúng thế chứ lại

-   Ông bảo ai là người với ngợm đấy. Giáo sư Lê cáu bẳn.

-   Thôi đi hai anh, còn cãi nhau làm sao mà tiến hành công việc thuận lợi được. Anh Lê nói cũng hơi quá... kể ra thì cho anh Giáp sắm vai... Cò chuyên chở phế thải thì hợp hơn. Thầy Hùng lạnh nhạt nói một câu mặt không biến sắc.

Thầy Giáp trợn lồi cả mắt, chả biết mình ăn ở làm sao mà cái bộ dáng này bây giờ lại hợp với quét rác, dọn vệ sinh. Lại thêm cái lão Hùng này nữa. Cái gì được gọi là Cò phế thải? Thật đúng là cả đám mắt không tròng, khinh người quá đáng - thầy Giáp tức tối lầm bầm trong ruột. Hắn và Tùng kều thì buồn cười không nhịn được.

Đến khu vực doanh trại chỗ Hoàng Diệu, Giáo sư Lê dẫn cả đám đến trình báo, nộp chứng minh thư nhân dân ở trạm gác phía ngoài. Anh Vĩnh, hắn và Tùng kều được giới thiệu là công nhân khai quật. Thầy Giáp là người chuyên chở phế thải, thầy Hùng là đồng nghiệp của Giáo sư Lê. Đến trạm gác thứ hai. Anh bộ đội hỏi tên tuổi nghề nghiệp từng người ghi vào một cuốn sổ. Thầy Giáp ấm ức khai

-   Nghề nghiệp: Vận chuyển phế thải

Vào đến bên trong cả đám người được Giáo sư Lê phân công vào từng nhóm người đang tiến hành công việc khai quật trong nội Thành. Thầy Giáp và anh Vĩnh được đẩy đến khu phía sau sát đường Độc Lập. Hắn vào Hậu Lâu, Tùng kều đến khu vực sát sửa Bắc. Hình cá sấu này ban đầu chỉ phát hiện được ở Đoan Môn và Điện Kính Thiên thôi, theo dự đoán trong Hậu Lâu và Cửa Bắc cũng có thể có. Chẳng còn cách nào khác, cả đám đành phân nhau ra mà tìm kiếm manh mối.

Kinh thành Thăng Long dưới thời Lý vốn gọi là Long thành hay Phượng thành, hình vuông, mở 4 cửa: Tường Phù ở phía Đông, Quảng Phúc ở phía Tây, Đại Hưng ở phía Nam, Diệu Đức ở phía Bắc. Hướng Đông Tây trải dài từ phía Chợ Đông và khu phố buôn bán tấp nập gần đền Bạch Mã đến chùa Một Cột và chợ Ngọc Hà. Hướng Bắc Nam kéo dài từ đền Trấn Vũ khu vực Phan Đình Phùng ngày nay đến khoảng gần Cửa Nam. Trung tâm kinh thành là Điện Kính Thiên. Chỗ Hoàng Thành này chỉ thuộc khu vực trung tâm cấm thành xưa.

Từ khu vực Đoan Môn vào đến Hậu Lâu khắp nơi đào bới ngang dọc, gạch ngói tầng tầng lớp lớp, các mảnh cổ vất chất dọc theo các hố đào. Đã được Giáo sư Lê hướng dẫn trước ở nhà, hắn cặm cụi dùng đồ đạc chuyên dụng như bay, quốc, dao nhỏ, chổi lông cỡ lớn tỉ mỉ đào bới. Làm được một chốc hắn bắt đầu lân la hỏi chuyện những công nhân đang làm việc ở đây cũng như không quên lượn đi khắp chỗ để quan sát.

Đi vòng quanh một hồi, hắn leo lên lầu gác trong Hậu Lâu. Lối lên xuống chật hẹp chỉ vừa một người đi lên, cầu thang rất cao so với bình thường, vòm trần phía trên lại thấp lè tè. Chả hiểu xây dựng thế này là có ý gì nhỉ? Nếu nói là lầu gác thì lên xuống mệt quá, chưa kể đi nhanh có khi còn u đầu - hắn thầm nghĩ. 

Leo lên đến lầu trên cùng hắn đi vào phía trong. Nơi đó khá tối, ngự sẵn một vị thần áo đỏ trông giữ. Hắn tảng lờ vị thần đội mũ tai chuồn, bước thẳng ra phía trước đứng ngó nghiêng bốn phía. Dùng cặp mắt âm dương, hắn âm thầm quan sát cõi vô hình. Không phát hiện ra điều gì khả nghi, hắn lại lầm lũi đi xuống. Lúc đi qua vị thần quan liếc mắt nhìn hắn như thăm dò. Lúc đến leo lên cổng Đoan Môn đã bị năm vị thần canh giữ nhìn chằm chằm, giờ lại đến vị này nhìn hắn hệt như tên ăn trộm, thật là khó chịu trong lòng.

Hắn bỏ qua Hậu Lâu đi đến Cửa Bắc chỗ Tùng kều đang tìm giả dạng công nhân thăm dò ở đó.

-   Mày có thấy manh mối gì khả nghi không? Hắn hỏi.

-   Bằng mắt thường và các câu chuyện, cũng như cổ vật đào lên xung quanh khu vực này thì tao chả thấy gì cả. Tùng kều đáp.

-   Thế này khác nào mò kim đáy bể. Hắn than thở.

Hai thằng bọn hắn chản nản kéo nhau về khu vực sân rồng Điện Kính Thiên.

-   Viên gạch lát sân này được tìm thấy ở đây, tuy nhiên theo dự đoán của đội khảo cổ chúng tôi, có khả năng nó còn có ở nhiều nơi khác nữa. Niên đại viên gạch đất nung hoa văn cá sấu bơi trong nước này thuộc vào thời kỳ thành Đại La

-   Tức là trước cả thời Lý Công Uẩn dời đô về đây? Thầy Hùng hỏi.

-   Đúng rồi. Giáo sư Lê đáp.

Vừa nhìn thấy hai thằng bọn hắn, thầy Hùng đã vội hỏi

-   Có thấy manh mối gì không?

Hắn lúc lắc cái đầu trả lời

-   Không thấy gì ạ!

Đến tận buổi trưa bọn hắn cũng chả thấy gì khác lạ trong Hoàng Thành. Ngoại trừ việc khảo cổ liên tục đào lên từ dưới lòng đất những cổ vật tuyệt đẹp, điêu khắc vô cùng tinh sảo, kỹ thuật chế tác cũng vô cùng cao. Theo như đánh giá sơ bộ của Giáo sư Lê thì đủ các niên đại và thời kỳ, gốm, gạch nung thời Lý, Trần, thêm nhiều cổ vật thời Lê Trung Hưng. Bệnh nghề nghiệp nổi lên Tùng kều ra sức suýt xoa

-   Trời những đồ cổ này thật là đẹp, giá trị không nhỏ. Kiếm được một mớ ở đây, vào tay tao  có khi giàu to

Vừa nghe thấy vậy Giáo sư Lê trợn mắt nghiêm khắc nhìn Tùng kều làm nó rụt cả cổ xua tay ấp úng

-   Ấy... đấy là con nói thế thôi... con không có ý gì đâu nhé

Buổi trưa cơm hộp được vận chuyển vào tận nơi. Cả đám người bọn hắn kiếm chỗ ngồi ăn cơm. Anh Vĩnh và thầy Giáp lúc này mới lò dò từ khu Hoàng Diệu bên kia vòng ra. Thấy thầy Giáp đi lại chậm chạp, khuỳnh khoành, lom khom người. Quần áo của hai người đều dính đầy đất, hắn vội phủi phủi chỗ bên cạnh rồi hỏi

-   Thầy làm sao thế, bị đau ở đâu ạ, thầy ngồi chỗ này con lấy cơm cho thầy

-   Không... không sao... chỉ là mỏi mệt chút thôi. Thầy Giáp không được tự nhiên đáp đại  một câu rồi ngồi xuống bên cạnh hắn.

-    Bên đấy có manh mối gì không? Hắn hỏi anh Vĩnh.

-    Manh mối cái gì, tao bị thầy Giáp bắt đào đất rồi đẩy xe ba bánh mệt thở ra đằng tai có kịp nhìn ngó xung quanh đâu

Nghe thấy vậy Giáo sư Lê nhìn thầy Giáp khó hiểu. Cái lão này từ lúc nào lại chăm chỉ đột xuất thế nhỉ?. Nhìn thấy anh mắt nghi ngờ của Giáo sư Lê, thầy Giáp vội xua tay giả lả

-   Thôi... ăn cơm đi, đói chết đến nơi rồi

Nói xong, thầy Giáp vội bưng hộp cơm lên bắt đầu cắm cúi ăn, tư thế tuy có hơi kỳ quái, người cứ thẳng đơ ra nhưng quả thật thầy Giáp có vẻ đói tợn. Giáo sư Lê híp mắt nhìn thầy Giáp thầm nghĩ. Nhìn đi nhìn lại vẫn thấy lão này có gì đó gian xảo. Đứng dậy tiến đến chỗ hắn, Giáo sư Lê đẩy hắn một cái rồi ngồi chen vào giữa hắn và thầy Giáp.

-   Cái lão này ra đây làm gì?

Thầy Giáp đang cắm mặt vào hộp cơm ngẩng lên quệt miệng hỏi.

-   Lâu lâu không ngồi cạnh ông vừa cãi nhau, vừa ăn cơm tự dưng lại thấy thiêu thiếu

Giáo sư Lê nói xong thì vỗ bồm bộp vào thắt lưng thầy Giáp. Thầy Giáp bị vỗ bồm bộp vào lưng thì cứng cả người, nhe hàm răng ra cười với Giáo sư Lê. Nhìn đi nhìn lại hắn vẫn thấy nụ cười này sao kỳ quái vậy. Vừa có vẻ nịnh nọt, lại rõ kiểu hèn mọn tiểu nhân sao ấy. Ai cũng cảm thấy kỳ lạ với thái độ của hai ông già.

-   Còn chưa đứng lên đi. Giáo sư Lê rất cáu quát một câu.

Thầy Giáp nhăn nhó, cười méo mó đứng dậy. Cả đám giương mắt. Từ lúc nào thầy Giáp  lại nghe lời Giáo sư Lê như thế? Bị quát như vậy mà chả phản ứng gì.

Còn chưa kịp ngạc nhiên thì cả đám ồ lên một tiếng khi thấy Giáo sư Lê vạch áo thầy Giáp ra

-   Thầy!!! ... thế này là không được đâu nhé. Đây là cổ vật quốc gia đấy. Tùng kều kêu lên.

-   A... a... hóa ra là vậy, có phải thầy bắt con đào đất xúc đi để thầy nhẩy xuống cái hố đó là vì vậy không? Anh Vĩnh vô cùng uất ức kêu lên.

-   Thế này là đi tù đấy. Thầy Hùng lạnh nhạt nói.

-   Tôi biết ngay mà, ông thì có lúc nào lại chăm chỉ được chứ. Mấy cái việc này bảo ông làm thì còn lâu nhá. Không phải câu cửa miệng của ông là "Người không vì mình thì trời tru đất diệt sao" có lý nào lại tự dưng nhiệt tình thế. Giáo sư Lê đay nghiến.

-   Ơ sao tự dưng chúng nó lại rơi vào đây nhỉ?

Thầy Giáp cười hì hì, vẻ mặt không có một tí xấu hổ giả vờ giả vịt hỏi một câu chả đâu vào đâu.

Hắn á khẩu, không còn biết nói gì với vị sư phụ lắm tài nhiều tật này của mình. Trời ạ sao tự dưng hắn lại thấy xấu hổ thay, trong khi chính chủ vẫn hì hì cười ra vẻ vô số tội.

Dưới lớp áo xanh công nhân dày cộp rộng lùng bùng, không biết từ lúc nào, thầy Giáp đã nhanh tay nhanh mắt khai quật không ít cổ vật cho dự án, mỗi tội chúng nằm sai chỗ. Lý ra phải tập kết ở nơi nhất định, giờ này, bát đĩa, ly cốc, lá đề hình rồng còn đầy đất cát đang cuốn chặt bằng lớp vải rách dính chặt trên lớp da bụng bùng nhùng của thầy Giáp.

-   Ông tự lấy ra, hay tôi phải cởi quần ông đây? Giáo sư Lê cáu kỉnh hỏi.

-    Thôi để tôi... để tôi... Sao mà nó lại ở đây nhỉ?

Ôi trơ trẽn đến thế là cùng – hắn oán than trong lòng. Thật là mất mặt.

Lục lọi một hồi một đám cổ vật nho nhỏ lại được lôi ra từ trong quần thầy Giáp. Anh Vĩnh oán thán

-   Thầy dấu trong đấy mà không sợ chẳng may cử động mạnh một cái, chúng nó vỡ ra lại cắt phăng vô số thứ ấy

Thầy Giáp trừng mắt nhìn ánh mắt tức giận, châm chọc của mấy người căm tức nói

-   Đằng nào cũng có phải của mấy người đâu. Tự dưng đi vào đây, đẩy người ta ra đào đất đẩy xe ba bánh... có mà bị điên à

-   Tôi biết ngay mà, tự dưng ông lại đòi đi theo là có chuyện rồi. Giáo sư Lê cao giọng lằn nhằn.

-   Hay là... cho tôi giữ một cái này thôi... được không? Đi mà...

Vừa mới trợn mắt chửi mắng người khác xong, thầy Giáp lại quay sang sun xoe hỏi Giáo sư Lê. Đúng là trở mặt còn nhanh hơn lật bàn tay. Chả nói chả rằng Giáo sư Lê giật lấy miếng lá đề chạm rồng cất sang một bên.

-   Này nhé tôi nói cho ông biết. Ông đừng có giở cái kiểu thanh cao ra đây với tôi nhé. Bao nhiêu năm qua nhánh các ông làm sao mà phát triển được, như chúng tôi còn có thể kiếm ra tiền bạc, chứ các ông lại chả không ăn cổ vật. Bây giờ lại ở đấy mà ra vành ra vẻ...

Thầy Giáp điên tiết nhè Giáo sư Lê mà dỉa dóc. Càng nói càng hăng tiết vịt, mặt đỏ phừng phừng, nước bọt bắn tóe tung bốn phía. Anh Vĩnh với Tùng kều ra sức vuốt mặt. Tùng kều nhăn nhó

-   May mà bữa trưa hôm nay không gọi bún đậu mắm tôm, nếu không thì đúng là...

Giáo sư Lê tức quá nghẹn cả họng, một lúc sau mới cất giọng nói

-   Tôi nói cho ông với mọi người cùng biết luôn nhé. Kể từ sau Giải phóng và thời bao cấp, quả thật chúng tôi rất nghèo đói khó khăn. Anh em không từ việc gì miễn là chính đáng. Từ bán rau ngoài chợ đến đánh máy, viết sách, viết bài thuê... nhưng chưa bao giờ tư túi một vật gì của nhà nước và nhân dân nhé. Còn bây giờ, ông có biết toàn bộ các dự án Văn hóa, Lịch sử, Di sản, Cổ vật quốc gia đa phần đều qua chỗ chúng tôi không? Chưa kể rất nhiều cuộc đấu giá cổ vật trong khu vực và quốc tế cũng mời cá nhân chúng tôi tham gia Ban thẩm định. Ngoài ra, có rất nhiều dự án của các tổ chức Phi chính phủ về bảo tồn Di sản đổ tiền cho chúng tôi nghiên cứu và tiến hành. Sở dĩ chúng tôi có thể vượt qua khó khăn và phát triển như hôm nay là do chúng tôi không ngừng bồi dưỡng nhân tài, cá nhân xuất sắc. Không như ai đó...

Giáo sư Lê giận quá nói một thôi một hồi. Thầy Giáp nghĩ lại cũng thấy thẹn. Bồi dưỡng nhân tài... Đây là lý do rất chính đáng. Thầy Giáp gườm gườm nhìn như đổ tất cả tội lỗi lên đầu hắn. Thấy vậy hắn rụt cổ lờ lờ quay sang chỗ khác nhìn trời nhìn đất, hệt như chả có việc gì liên quan đến mình.

Hoàn toàn đuối lý, không còn gì để nói nhưng thầy Giáp vẫn không chịu thua cố lèm bèm thêm một câu rồi mới chịu ngồi xuống ăn cơm

-    Ừ... các ông giỏi... cứ cho là như vậy đi... dù sao hố cổ vật đó cũng do tôi tìm ra...

Ăn trưa xong thầy Giáp kéo tuột anh Vĩnh quay trở lại khu khai quật sát đường Hoàng Diệu. Nằm ngả lưng, vắt chân chữ ngũ trên tảng đá kê chân cột chạm hoa sen đường kính to hơn một mét. Thầy Giáp lim dim mắt, dùng lưỡi đưa đẩy cái tăm ngậm trong mồm. Nghĩ đi nghĩ lại, cái hố cổ vật này rõ ràng là do mình tìm ra.

Lúc ấy bị đẩy vào đây xúc đất thầy Giáp cáu lắm. Cứ cuốc mà bổ xuống đất cho đỡ tức, nào ngờ chẳng may chó ngáp phải ruồi. Thế nào mà bổ một hồi thì phát hiện ra miếng cổ vật đầu đao. Lão vội ngồi thụp xuống đào bới, nghi ngờ bên dưới có cổ vật, thầy Giáp sai ngay anh Vĩnh bới rộng cái hố ra rồi đào sâu xuống. Chừng như chạm phải vỉa cổ vật, thầy Giáp đuổi luôn anh Vĩnh lên sai xúc đất đi đổ, còn mình thì chui xuống bới rồi tìm vải buộc hết lại quanh người.

-   Làm sao mà lão ấy biết nhỉ, mình đã cẩn thận như thế? Thầy Giáp băn khoăn.

Híp mắt nhìn anh Vĩnh thầy Giáp nói

-   Cái hố cổ vật này rõ ràng là do tao tìm ra, hay mình bới lên tao với mày chia đôi. Mặc kệ chúng nó

-   Thầy vẫn chưa từ bỏ à. Con không đu theo thầy đâu nhé. Còn lâu mới qua nổi mấy trạm gác. Thầy muốn ăn cơm nhà nước miễn phí thì thầy làm một mình đi, con quyết không khai thầy đang dấu cổ vật trong áo. Anh Vĩnh đang ngồi dưới đất ngẩng đầu nói

Còn đang định chửi cho anh Vĩnh một trận thì thầy Giáp thấy Giáo sư Lê và thầy Hùng đang đi lại chỗ này.

-   Vĩnh khoanh vùng, cắm mốc giới, đánh dấu khu vực này. Mai sẽ có người của ban Dự án đến khai quật. Giáo sư Lê nói với anh Vĩnh.

Vừa nghe thấy vậy, thầy Giáp đang nằm khinh khỉnh trên tảng đá nhẩy vội xuống đất. Nhanh như chớp chạy luôn xuống hố đứng giang tay ra như ôm lấy cái hố

-   Cái chỗ này là tôi tìm ra nhé, đố ông động vào được đấy

-   Thôi... đừng có làm càn nữa. Thầy Hùng nói.

-   Ông dạo  này chưa được ăn đòn đâm ra u mê đấy hả? Thầy Giáp căm tức nhìn thầy Hùng nói.

-   Đây là tài sản quốc gia, ông chỉ là công nhân thời vụ vào đây vận chuyển phế thải thôi nhé. Giáo sư Lê nghiêm giọng nói.

-    Không được... nó là của tôi... Cả đống tiền ra đấy...

Thầy Giáp gào ầm ĩ rồi nhẩy tưng tưng ăn vạ bên trong hố đất. Ùm một cái, hố đất lở ra sụp xuống, thầy Giáp rơi tọt xuống bên dưới, lẫn trong đất đá mù mịt bốc ra là âm thanh rú lên như lợn chọc tiết của thầy Giáp.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện