Hồi thứ năm: Lời giải không phải lời giải

Hồi thứ năm: Lời giải không phải lời giải

Vô số gốc rễ của Udumbara vươn dài ra, hòa thành một thể với cả khe núi Dã Nhân, bao gồm mọi đền đài cung điện chìm sâu dưới lòng đất, và tòa thành bốn triệu bảo tháp của quốc vương Anagaya xây dựng. Tầng kén dưới đầm lầy kỳ thực chính là quả của Udumbara. Tuy rằng chất độc màu da cam đã phá hủy loài thực vật này, nhưng bộ rễ phân bố khắp lòng núi của nó vừa sâu vừa rộng lại chưa bị hủy diệt hoàn toàn, hơn nữa còn có thể hồi sinh với tốc độ nhanh chóng đến kinh ngạc.

Tuyệt cũng từng nghe một lão tăng ở đền chùa Miến Điện có nhắc đến Udumbara, loài thực vật này không chỉ tồn tại ở Ấn Độ cổ đại hay Sri Lanka, mà ở gần khu vực đảo Bomeo và đảo Sumatra ở Indonesia cũng có dấu tích của nó, nhưng từ cổ chí kim, chưa ai có được cơ duyên hiếm hoi, tận mắt nhìn thấy Udumbara nở rộ như vậy, những gì họ thấy chỉ là thân cây khô héo mục nát từ hàng ngàn năm trước, chẳng hề có chút dấu vết của sự sống. Lúc này, cô nhìn loài thực vật rất giống với cây dền gai càng ngày càng phát triển to lớn, rồi từ trong chảy ra vô số sợi tơ như màn sương mỏng, quấn quýt, bay lượn giữa không gian, chẳng chịu tản đi. Cô phát hiện dường như sương khí ở khu vực gần đó càng lúc càng dày đặc hơn, đến lúc này cô mới biết nguồn gốc của màn sương mù thần bí ở núi Dã Nhân thì ra bắt nguồn từ cây Udumbara vùi sâu dưới lòng đất.

Sở dĩ Tư Mã Khôi biết đến Udumbara, là vì khi xưa lúc theo "Văn Võ tiên sinh" học nghệ, anh từng đọc một cuốn kỳ thư có tên là "Bác vật chí" của Trương Hoa tiên sinh đời Tấn viết, trong đó miêu tả tất cả các loài sinh vật kỳ dị trên đời, ghi chép vô số hoa cỏ chim cá, côn trùng cổ quái. Đáng tiếc bộ sách cổ này không được lưu truyền hoàn chỉnh, phần để lại cho hậu thế chỉ còn khoảng một phần mười, trong đó có một đoạn ghi chép liên quan đến Udumbara. Chỉ là khi đó, Tấn Vũ Đế Tư Mã Viêm không gọi nó bằng cái tên Udumbara, mà theo cách gọi cổ, thì nó tên là "Thị nhục" hay "Minh căn".

Nhưng bất kể lời của vị lão tăng trong ngôi chùa nọ hay là ghi chép của Trương Hoa tiên sinh về loài cây thần kỳ trong cuốn "Bác vật chí", thì có lẽ cũng chỉ đều là nghe người nào đó truyền lại, chứ chưa hẳn đã được tận mắt nhìn thấy vật thực, bởi vậy họ đều không thể mô tả chi tiết. Nếu hội Tư Mã Khôi không vào nơi sơn cùng cốc hẻm trong núi Dã Nhân, thì cũng không thể biết lớp sương mịt mù phun ra từ lòng đất lại do Udumbara sản sinh.

Tình hình có thể xác định trước mắt là, thân Udumbara to lớn kia ít nhất có hai nhược điểm. Thứ nhất, nó có thể bị chất độc màu da cam hủy hoại, thứ hai, nó sợ nước. Mưa lớn do cơn bão nhiệt đới Buddha mang đến khiến phần thượng tầng của Udumbara bị tan biến tận gốc, nhờ vậy khi hội Tư Mã Khôi đi vào đầm lầy tìm chiếc máy bay tiêm kích vận tải, mới không gặp phải điều gì bất thường. Sau khi đầm lầy sụt lở, bùn đất trút đổ xuống lòng đất, khiến sương mù gần tòa thành Nhện Vàng cũng bị tản mát, nhưng lúc này, tác dụng của chất độc màu da cam đã tới cực hạn, Udumbara ẩn nấp trong đáy cốc dần dần hồi sinh, cản trở mưa gió từ trên cao xả xuống, nếu không có bùn đất và khí ẩm dưới bùn lầy lắng đọng xuống đây, thì tốc độ sinh trưởng của nó còn nhanh hơn nhiều.

Thời gian và không gian dành cho bốn kẻ may mắn sống sót trong đội thám hiểm, chẳng còn lại là bao.

Đội thám hiểm người Anh, sau khi rơi xuống sơn cốc, đã dùng đèn chiếu sáng cường quang, kết quả lại dẫn dụ một "Vật thể sống" khổng lồ từ mặt đất chồi lên, và bị nó tấn công, ngoài ra còn xuất hiện đoàn xe tải mười bánh, của Mỹ sản xuất, trong rừng rậm, tất cả những sự kiện đáng sợ chẳng thể giải thích này, dường như đều liên quan đến sương mù trong khe sâu núi Dã Nhân.

Tuy mọi người đều biết nguồn cội của sương mù là từ cây Udumbara cổ xưa, nhưng cũng chỉ biết vậy mà không biết tại sao lại như vậy. Thông qua tiếp xúc, họ nhanh chóng phát hiện loại thực vật dạng sương mù kia, ngoại trừ mùi khí có chút kỳ quái, thì nó không gây nên sự uy hiếp trực tiếp nào đối với cơ thể con người, bởi vậy họ tin chắc trong sương mù nhất định còn tồn tại một sinh vật khác, đợi khi sương mù hoàn toàn bao phủ nơi này, sẽ là lúc nó xuất hiện.

Mọi người bàn bạc mấy câu, ai nấy đều thấy chẳng có kế sách gì khả thi, trong lòng càng lúc càng tuyệt vọng; lúc này trừ khi tìm thấy một quả bom địa chấn chứa chất độc màu da cam nữa, thì chắc chắn họ chẳng thể chạy thoát khỏi núi Dã Nhân.

Tư Mã Khôi nói, bây giờ cần phải bình tĩnh suy nghĩ, nếu chạy loạn xạ giữa không gian bóng tối bủa vây tứ bề, thì chẳng khác gì tự mình đâm đầu vào đường chết. Mọi người tuyệt đối không được manh động, thử ngẫm mà xem, Udumbara sinh trưởng dưới lòng đất này vô cùng sợ nước, vừa tiếp xúc với nước mưa là lập tức tan biến mất tăm, trong khi cuồng phong giông tố mà cơn bão Buddha mang đến khiến nước lũ trong núi dâng lên đột ngột, dềnh ngập mọi khe nứt. Giờ đây, đường thủy mới là con đường an toàn nhất để tiến vào sơn cốc, vậy thì vì sao đoàn thám hiểm Anh lại liều chết lái máy bay thâm nhập từ trên không. Có phải bằng thiết bị và kinh nghiệm của họ, thì không thể tìm thấy mạch nước chăng?

Ngọc Phi Yến nghĩ một lát rồi nói: "Sơn cốc này là địa hình do núi nứt toác mà thành, mạch nước phía ngoài không ăn thông với đáy vực. Ngoài ra người Anh chắc chắn biết mọi mạng lưới sông ngòi trong rừng sâu núi Dã Nhân đều có đỉa Campuchia ăn thịt người sống ký sinh với số lượng lớn, mà nguy cơ chí mạng này rất khó đề phòng, nên mới buộc phải chọn đường hiểm mà đi."

Tư Mã Khôi gật đầu nói: "Thế thì coi như số bọn họ đen đủi, may mà chúng ta tránh được kiếp nạn đó.

Ng.uồ.n .từ. s.it.e .Tr.uy.en.Gi.Cu.ng.Co..c.om. Hơn nữa giờ đây khí huyết trong cơ thể không đủ, nếu có đi bằng đường thủy thì cũng chẳng cần lo bị đỉa chui vào ký sinh. Bởi vậy, bây giờ có thể xác định chính xác mục tiêu hành động, phải cố gắng tìm ra khu vực có nước ngầm, bất luận là sông ngầm hay mạch nước, chỉ cần tìm thấy nguồn nước, mới có thể tránh được sương mù."

Hải ngọng tán đồng: "Xem ra thằng quỷ nhà cậu vẫn là tên đa mưu túc trí, ruột tớ không cong, nên bó tay chẳng nuốt nổi lưỡi liềm."

Ngọc Phi Yến cũng cảm thấy kế này khả thi, cho dù có chạm trán với đỉa Campuchia ăn thịt người ở trong nước, thì rốt cục lúc trước cũng đã có kinh nghiệm ứng phó, như thế vẫn còn hơn bị sinh vật đáng sợ xuất hiện trong sương mù nuốt chửng. Có điều nói thì dễ mà làm thì khó, mắt nhìn tứ bề sương khí dần dần lan tỏa, biết đi đâu để tìm mạch nước?

Tư Mã Khôi gấp gáp vạch kế hoạch: "Trong tình trạng la bàn mất tác dụng, mà mạo hiểm xông vào đám sương mù, thì đừng có nghĩ đến việc chui ra được. Tôi thấy cánh rừng dưới lòng đất, và cả cung điện đền đài của nước Chăm Pa cổ, vốn dĩ đều tồn tại trên mặt đất, rồi hàng ngàn năm trước do chịu ảnh hưởng sự lún xuống của mạch nước, nên mới sụt xuống nơi sâu nhất dưới đáy khe vực. Bởi thế dưới chân chúng ta chắc chắn có hồ nước hoặc mạch nước, cổ nhân đã dạy: người đi chỗ cao, nước chảy chỗ trũng..." Anh vừa nói vừa xách đèn halogen nhìn trái phải một vòng, thấy dòng bùn đất dưới chân đều đang chầm chậm chảy về một hướng, xem ra nơi thấp nhất chắc chắn có chỗ để nước ngầm xuống dưới.

Mọi người lần tìm theo dấu tích, dõi mắt ngước nhìn điểm rơi của quầng sáng ánh đèn, thì thấy đó chính là một bức tường đổ nát còn sót lại đứng sừng sững một mình, dưới sự bủa vây của tàn tích rễ cây khô héo, thấp thoáng ẩn hiện những tháp cổ và tượng đá cao vót, có hình thù cổ xưa, kỳ quái, vết tích hoang phế do đá tảng và thực vật tạo thành, giống như một mê cung chẳng thấy điểm tận cùng, chúng lặng lẽ nhốt chặt vô số bí mật vào bóng tối, nên ánh sáng yếu ớt của chiếc đèn trong tay Tư Mã Khôi khi so sánh với nó, thật mỏng manh đến bi thảm.

Mắt nhìn sương mù xung quanh càng lúc càng dày đặc, hội Tư Mã Khôi chẳng còn đường nào thoát thân. Nhìn vết tích chuyển động chầm chậm của dòng nước tù, cả hội đành quyết định dồn sức đánh liều một lần, mạo hiểm đi vào tìm lối thoát của mạch nước. Đúng lúc mọi người đang định khởi hành, thì ngọn đèn trong tay Hải ngọng đột nhiên tắt ngấm, anh ra sức đập mạnh tay vào đầu đèn, quầng sáng yếu ớt cuối cùng cũng dặt dẹo sáng lên, xem ra pin đã gần hết.

Lúc này Tư Mã Khôi mới nhận thức được, so với sự giới hạn về thời gian và không gian, thì trở ngại lớn nhất cản trở việc họ chạy thoát, chính là sự tiêu hao quá độ và thất lạc của các trang thiết bị. Phần lớn đạn dược, thức ăn, pin đèn tìm thấy từ chiếc máy bay của đoàn thám hiểm người Anh đều bị rơi mất lúc đầm lầy sụt lở. Giờ đây trên mình bốn người họ, chỉ còn lại nửa bao diêm chống ẩm và hai thanh pháo phát tín hiệu, đèn halogen và đèn pin cầm tay đã hoàn toàn chẳng còn nguồn nhiên liệu thay thế. Tuy nhiên vẫn còn một ngọn đèn pin loại tiết kiệm điện, nhưng trong không gian dưới lòng đất tối tăm ẩm ướt thế này, ngoại trừ đèn chiếu halogen và pháo sáng phát tín hiệu ra, thì những nguồn sáng khác hầu như chẳng có tác dụng gì.

Tư Mã Khôi biết rõ, nếu không có nguồn chiếu sáng đầy đủ, muốn mò tìm trong bóng đêm để thoát ra khỏi vực thẳm dưới lòng đất cũng đâu phải chuyện dễ dàng. Nhưng việc đã đến nước này, thì chẳng thể ngồi mà so tính thiệt hơn được nữa, đành phải đi bước nào biết bước đấy mà thôi.

Bốn người phân phát số vũ khí còn lại, may mà súng không rời tay, nên tình trạng rơi rớt thất lạc cũng hạn chế. Khẩu súng săn nòng ngoại cỡ của Hải ngọng vẫn còn, Tuyệt có khẩu súng ngắn TT30 để phòng thân, hòm cứu thương cô cõng trên lưng từ đầu chí cuối cũng không bị mất. Còn Ngọc Phi Yến, lúc trước cô đã đưa cho Tư Mã Khôi khẩu HP-35 Browning dự phòng của mình, rồi cô lại tìm thấy một khẩu súng ngắn Liên Xô trong chiếc máy bay của đoàn thám hiểm Anh, lúc này vì nhìn thấy trong tay Tư Mã Khôi chỉ có mỗi con dao săn, nên cô liền đưa nốt súng và đạn cho anh rồi dặn dò: "Chỉ còn hai băng đạn ở ổ sau, anh dùng tiết kiệm một chút đấy!"

Tư Mã Khôi giơ tay ra đón, vừa liếc mắt đã thấy nó chẳng hề xa lạ, đó là khẩu súng Stechkin kiểu APS, thân súng làm toàn bộ bằng thép, không lắp gá gỗ; so với các loại súng khác, nó nặng hơn một chút, nhưng loại APS này là loại nạp đạn tự động đơn giản, với búa nổ nằm bên ngoài và cò súng tác động kép. Nó có chốt an toàn ba nấc nằm ngay cạnh tay cầm, và có thể điều khiển được cả chế độ bắn phát một hay bắn tự động, cỡ nòng 9x18 PM, ổ đạn kép gồm 20 viên. Ngoài ra, ưu điểm rõ rệt nhất của loại vũ khí do Liên Xô sản xuất này là có thể sử dụng linh hoạt ở mọi điều kiện thời tiết khắc nghiệt, bất luận ở môi trường khô lạnh hay ẩm ướt nóng bức, đều có thể bắn nổ bất cứ lúc nào, tốt hơn rất nhiều thứ vũ khí thô sơ mà mình đang cầm trong tay, thế là anh bèn gật đầu với Ngọc Phi Yến tỏ ý cảm ơn.

Tư Mã Khôi lại tìm thấy mấy quả lựu đạn phốt pho trên chiếc xe tải Dodge, anh lần lượt phân phát cho ba người còn lại, thứ này khi đốt cháy sẽ sản sinh ra một lượng khói lớn, nhưng những lúc cấp bách, vẫn có thể lợi dụng chất đốt trong thân nó để cung cấp ánh sáng trong khoảng thời gian ngắn. Để tiết kiệm sự tiêu hao nguồn điện, mọi người chỉ sử dụng một chiếc đèn halogen để thắp sáng, rồi chẳng để ý đến bùn đất dưới chân, gạt bỏ những đoạn rễ khô chắn đường, họ đi sâu vào đám hoang phế chỗ bức tường đổ nát phía trước. Dưới ánh sáng không ngừng lay động của đèn chiếu, một hàng tượng người đá khổng lồ dần dần hiện ra. Tuy chúng đã bị đổ nát khá nghiêm trọng, nhưng vẫn thấy được quy mô hoành tráng của chúng vượt ra khỏi tầm tưởng tượng, dường như chúng là những võ sĩ bảo vệ vô số bí mật của đế quốc cổ xưa. Khuôn mặt tượng đá sống động như thật, nhưng khuôn mặt nào cũng giống khuôn mặt nào, chẳng hề có sự khác biệt, tất cả đều cùng một thần thái nghiêm trang, vừa lạnh lùng vừa điềm nhiên, khiến người ta cảm thấy dường như có một thế lực kỳ dị nào đó đang ẩn trốn trong bóng tối, chăm chú quan sát tất cả mọi vật xung quanh, thông qua con mắt lạnh băng của tượng đá.

Ngày nay, tuy khoa học kỹ thuật đã phát triển hơn xưa, nhưng ở một góc sâu xa nào đó trong nội tâm loài người, vẫn không thể thoát khỏi sự khiếp sợ và kinh hoàng đối với bóng tối. Có lẽ bởi vì chỉ có bóng tối thăm thẳm mới là sự tồn tại vĩnh hằng của vũ trụ, hoặc giả trong bóng tối thực sự có quá nhiều thứ mà loài người không thể nào nhận thức nổi. Giống như cung điện đá hoang phế, vùi chôn trong tàn tích cánh rừng mà họ đang thấy trước mặt, chẳng ai có thể đoán trước được là đằng sau vẻ im lìm chết chóc kia, rốt cục ẩn náu thứ gì.

Hội Tư Mã Khôi quan sát tình hình xung quanh, chẳng hiểu sao người nào cũng nổi da gà ớn lạnh, và trong lòng không kìm được câu hỏi: "Nơi đây rốt cục là chỗ nào?"

Hải ngọng ra vẻ hiểu biết nói: "Tớ thấy chỗ này có vẻ là cơ quan trung ương thời cổ đại, đại khái là nơi vị lãnh đạo tối cao tuyên bố lúc sáng sớm 'Chư vị ái khanh, có tấu thì tấu mau, không tấu thì bãi triều', bọn họ gọi nơi này là cái gì ấy nhỉ?"

Tư Mã Khôi thấy mấy tượng người đá gần đó, cái nào cũng đầu thần mặt quỷ, thì nói với Hải ngọng: "Ý của cậu là điện Thái Hòa hả? Tớ lại có cảm giác nơi đây giống như một ngôi chùa vậy."

Ngọc Phi Yến nói: "Tuy rằng những ghi chép về tòa thành Nhện Vàng gần như hoàn toàn trống trơn, nhưng hậu duệ của vương triều Chăm Pa thì đến nay vẫn còn. Di tích đô thành, cung điện năm đó đều ở đường biên giới giáp ranh giữa Việt Nam và Lào, cách chỗ này rất xa. Ngoài ra, tôn giáo thần phật ở Miến Điện phần lớn bắt nguồn từ Ấn Độ cổ, nên trên tường đá đâu đâu cũng điêu khắc những hình ảnh mang đậm màu sắc Vệ Đà[30], bởi vậy, chắc đây là một miếu thần hoặc ngôi chùa cổ. Trước khi chúng ta bước chân vào sơn cốc núi Dã Nhân, thì cũng đã nhìn thấy rất nhiều di tích Chăm Pa bị hủy hoại, đổ vỡ, mặt mũi chẳng thể phân biệt nổi, nhưng ngôi chùa cổ chìm sâu dưới lòng đất cùng với tòa thành Nhện Vàng này, lại hoàn toàn ngược lại, nó được bảo toàn gần như nguyên vẹn."

Tư Mã Khôi nghe Ngọc Phi Yến nói, thầm nghĩ cả đáy sơn cốc đều bị một thân cây Udumbara khổng lồ bao trùm, hình thế rất kỳ dị, khiến người ta quả thực khó lòng dùng lý lẽ thông thường mà tưởng tượng. Đây đúng là một chùa cổ bị cây cối um tùm rậm rạp che khuất, chỉ mong rằng nó cũng có một con đường nhỏ quanh co, thông với một nơi thâm u, tĩnh lặng nào đó. Nếu không nhanh chóng tìm ra được mạch nước ngầm, thì chắc chắn cả hội sẽ bị nhốt đến chết dưới lòng đất mà trở thành tượng sống. Tuy trong lòng anh tràn ngập bất an, nhưng vì địa hình gồ ghề khúc khuỷu, hơn nữa thể lực mọi người đã đến giới hạn, chỉ có thể cố gắng gượng chút sức tàn, bởi vậy tốc độ di chuyển vô cùng chậm chạp.

Lúc này, mọi người lại nhìn thấy phía trước có tòa tháp đá, móng tường đã bị sụp đổ mất một nửa, nằm nghiêng, gá mình trên một rễ cây khô to lừng lững như cái cột nhà. Do thân tháp đổ nghiêng, nên lúc đi vòng quanh mặt bên của nó, có thể thấy hình dáng tổng thể của tháp cổ, và ngay cả từng bức phù điêu được khắc vẽ tinh xảo ở bên trong cũng thu hết vào tầm mắt.

Những bức phù điêu khắc vẽ kín mít thân tháp, rất giống những bức phù điêu trên bức tường thành cổ mà họ thấy lúc trước, chúng đều có mãng xà quấn quanh chân tháp. Ban đầu, Tư Mã Khôi chẳng mấy để mắt tới, nhưng khi lại sát gần, mới thấy nó có chút cổ quái, chỉ là không thể nói rõ rốt cục chỗ nào có vấn đề, bất giác anh quan sát nó kỹ hơn một chút.

Tuyệt cũng phát hiện ra điểm bất thường, cô nói với hội Tư Mã Khôi: "Những con mãng xà này rất cổ quái, dường như nó không giống với bình thường lắm thì phải."

Tư Mã Khôi thuận miệng đáp: "Đúng là có chút khác thường, to thế này... thì là rắn hay trăn nhỉ?" Bốn hình đen thui một dải, con mãng xà đá cuốn quanh thân tháp vừa dài lại vừa to, chỉ nhìn thấy đầu mà chẳng thấy đuôi đâu, không thể tưởng tượng nổi dung mạo toàn diện của nó, thế là anh vừa đi lên trước, vừa xách đèn nhìn nó một lần nữa.

Ba người còn lại bám sát ngay sau, trong lòng ai nấy đều cảm thấy có chút dị thường. Ngọc Phi Yến thắc mắc: "Tháp cổ và mãng xà là tô tem đáng sợ trong thể hệ tôn giáo vương triều Chăm Pa, nó mang ý nghĩa chết chóc và hủy diệt. Trước đây tôi từng qua tay vài món đồ cổ, trong đó cũng có loại biểu tượng này, nên cũng không thể coi nó là vật hiếm có. Nhưng tại sao tôi lại cứ cảm thấy con mãng xà dưới lòng đất được điêu khắc có chút kỳ quái, trên thân nó... dường như thừa ra một cái gì đấy."

Hải ngọng ngạc nhiên hỏi: "Trên thân rắn thừa ra cái gì? Chẳng lẽ người ta 'vẽ chân cho rắn', nói xong anh quay sang hỏi Tư Mã Khôi: "Cậu thấy tớ sử dụng câu thành ngữ ấy có chuẩn không?"

Tư Mã Khôi men theo tháp đá bị đổ sụp, xem xét một hồi, nghe Hải ngọng hỏi, trong lòng bất giác thầm kích động, lẩm bẩm bụng bảo dạ: "Vẽ chân cho rắn? Rắn mọc chân... thế thì nó là loài rắn bốn chân rồi. Đáy khe sâu núi Dã Nhân có rất nhiều loài thằn lằn sinh tồn, có lẽ người cổ đại coi con vật bốn chân này là rắn thật cũng nên, chúng ta rất khó dùng quan niệm của người hiện đại để suy đoán ý đồ thực sự của người cổ đại..." Vừa nói, anh vừa đi đến tận cùng của tháp đá, và phát hiện tòa tháp đá này có hình thù rất đặc biệt: thân tháp căng tròn, bụng rộng, chóp hẹp, tường bên trong xây kín mít, đó là một tòa tháp bị phong bế, không có lối ra, góc mái khắc hoa văn thô mộc cổ xưa hình chiếc lá có gai nhọn, mãng xà quấn quanh thân tháp hòa cùng một thể với tháp cổ, thân hình quái dị của nó xuất hiện ngoằn ngoèo khắp trong ngoài điện thờ, nửa ẩn nửa hiện, dường như tháp cổ là mãng xà, và mãng xà cũng là tháp cổ, rất khó phân tách thành hai thực thể riêng biệt. Điều kỳ lạ nhất là hai bên thân mãng xà còn khắc những chiếc vây ngắn hình tròn dạng xoắn ốc, chia thành nhiều cặp dọc theo thân rắn, dường như nó không giống với loài thằn lằn cỏ, thường gọi là rắn bốn chân.

Hải ngọng rầu rĩ vò đầu bứt tai: "Nhưng có phải nó chỉ có mỗi bốn cái chân đâu, tớ thấy nó có sáu cái, hay tám cái gì đấy cũng chẳng rõ, chắc không thể là rắn, mà có khi là một con rết..."

Tuyệt nói: "Rết không giống như vậy, hai hàng bên sườn nó giống vây, chứ không giống chân, chỉ có sinh vật bơi trong nước mới có vây, chẳng lẽ đó là loài cá ba sa tám chân thường xuất hiện ở sông Ayeyarwady?"

Tư Mã Khôi nghe mọi người bàn luận, trong đầu anh đảo đi đảo lại tám chín vòng. Đột nhiên một ý tưởng vụt lóe lên: "Tôi thấy tòa tháp cổ có mãng xà quấn quanh này khả năng là một ám hiệu, chính vì sự tồn tại của nó, nên mới có người lái máy bay tiêm kích vận tải liều chết đâm xuống sơn cốc."

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện