CHƯƠNG 3: CHIẾC HỘ PANDORA - HỒI 3: CHIẾC HỘP PANDORA
Pandora: Chiếc hộp trong thần thoại Hy Lạp, chứa đựng tất cả thói hư tật xấu và các tai họa, được đậy nắp kín. Sau này, do tính hiếu kỳ mà một người đàn bà đã mở nó ra, nên từ đó loài người đã phải chịu tất cả những điều xấu xa tệ hại. Tư Mã Khôi thầm nghĩ, đội thám hiểm Taninth vừa mới tập kết ở địa điểm xuất phát thì đã bị sát hại, làm sao có món hàng khủng gì được chứ? Nhưng, bản đồ mà Lão Xà muốn tìm thì có lẽ vẫn còn giắt trong một thi thể nào đó.
Anh liền theo Hải ngọng vào trong xem xét. Không gian trong huyệt động rất chật chội, có khá nhiều chuột đá trốn chui lủi trong các khe hốc, thấy bóng người, chúng kinh động chạy tán loạn, trên mặt đất nằm ngả nghiêng hơn chục bộ xương khô, trên đầu còn đội mũ bấc mềm giống như kiểu mũ Pith Helmet.
Tư Mã Khôi biết vào những năm Dân quốc, các nhà thám hiểm từ khắp nơi trên thế giới như Anh, Mỹ, Nga v.v… thường lấy danh nghĩa khảo sát địa lý để đến Trung Quốc tìm kiếm cổ vật, và săn bắt các loại thú quý chim lạ ở khắp nơi, trong đó cũng có vô số kẻ đen đủi phải mất mạng nơi đất khách quê người.
Trong cánh rừng nguyên sinh Thần Nông Giá ẩn giấu vô số các loài động thực vật hoang dã quý hiếm, nếu may mắn bắt được người rừng, sói đầu lừa, rắn mào gà hay thú quan tài còn sống mà đem về đất nước họ, thì danh vọng phú quý song hỉ lâm môn, huy hoàng khỏi phải bàn, mà cho dù chỉ lấy vật đã chết, chế thành tiêu bản rồi bán cho viện bảo tàng, thì cũng đủ cho họ phát tài.
Chắc hội Taninth cũng là hạng người đó, chẳng ngờ lại bị tên thổ tặc dẫn đường hãm hại, bỏ mạng oan uổng trong lòng núi sâu. Hải ngọng dốc một túi vải buồm nặng trịch đặt bên cạnh một bộ xương khô xuống, thì ra “hàng khủng” mà anh nói chính là thứ này. Tư Mã Khôi thấy hình dạng và trọng lượng của túi vải buồm thì biết bên trong nó đựng súng máy.
Anh giở ra xem thì quà nhiên là một khẩu súng được bọc bằng vải dầu, ngoài ra còn có một hộp sắt lớn đựng đầy đạn. Hai người vội vã lục soát tiếp xem còn món hàng ngoại nào không, liền hấp tấp cởi sợi dây thừng buộc chống ẩm, chỉ thấy bên trong có mấy khẩu súng, hình thù rất kì quái, báng súng nom giống như súng săn, hoặc súng trường thông thường, nhưng thân súng chỉ ngắn bằng một phần ba loại đó, phía dưới chốt an toàn còn có một vòng tròn có tay cầm hình cây kéo.
Tư Mã Khôi từng bôn ba nhiều năm ở Miến Điện, đất nước được mệnh danh là “bảo tàng vũ khí mọi nhãn hiệu”, nên anh biết đây là loại súng liên thanh Winchester M-1887, bắn đạn đường kính số 12. Niên đại sản xuất loại súng này tương đối cổ, nhưng rất tiện mang theo, cấu tạo đơn giản, dễ tháo lắp, đủ khả năng thích nghi với những môi trường khắc nghiệt nhất, nó lợi dụng nguyên lý đòn bẩy để đẩy đạn lên nòng, có thể lắp đầy sáu phát đạn ghém cho súng săn nòng cỡ 12, tốc độ bắn và lực sắt thương đều rất lý tưởng.
Trong túi còn có một khẩu súng săn hai nòng cỡ lớn dùng để bắn gấu, sử dụng loại đạn cỡ 8, đây là loại súng săn hạng nặng, sản xuất ở Canada, ngoài ra còn một khẩu súng ngắn Maschinenpistole MP-38 của Đức. Tư Mã Khôi thấy thật may mắn, đúng là trời xanh có mắt. Nếu như Lão Xà tìm thấy đống xương cốt của đội thám hiểm Taninth trước, thì bây giờ có lẽ cả hội đã trở thành những oan hồn dưới họng súng của gã rồi.
Anh nhặt hai chiếc mũ bấc, đưa cho Cao Tư Dương và Nhị Học Sinh đội lên đầu, bảo mọi người tự nhặt súng đạn phòng thân cho mình và nói: “Thực ra đội thám hiểm Taninth chẳng qua chỉ rặt một phường trộm cắp, chẳng khác gì bọn thổ tặc trên núi, thấy của bỏ rơi tội gì mà không nhặt đút túi, sao phải khách sáo với lũ khọm này.” Hải ngọng chọn khẩu súng săn gấu, đồng thời lấy thêm khẩu súng ngắn P38 dự bị phòng thân.
Tư Mã Khôi, Cao Tư Dương và Thắng Hương Lân chỉ chọn ba khẩu súng liên thanh M-1887 gọn nhẹ. Nhị Học Sinh cũng định chọn khẩu liên thanh, Tư Mã Khôi thấy cậu ta cận nặng, cầm súng lại non tay, không khéo lúc bắn lại văng cả người đi cũng nên, liền bảo cậu ta tốt nhất cứ sử dụng khẩu súng săn mang ở lâm trường đến: “Súng chỉ để cậu vững dạ là chính, nồi bé thì bốc ít gạo thôi, phải biết tự lượng sức mình chứ, đừng bon chen với bọn tôi làm gì”.
Bên cạnh đống xương của đội thám hiểm của Taninth còn có mấy chiếc ba lô, đồ bên trong đa số đã hết hạn sử dụng. Tư Mã Khôi bới tìm một hồi, rồi bảo Cao Tư Dương xem có vật phẩm cấp cứu nào còn dùng được, thì cất vào túi khoác quân dụng của cô. Tư Mã Khôi tìm thấy mấy bó đuốc, đó đều là những thanh gỗ đã róc sẵn, chiều dài xấp xỉ bằng nhau, đầu mỗi thanh buộc giẻ tẩm sáp dầu cá, phía ngoài cố định bằng nắp cao su, lúc sử dụng chỉ cần bỏ nắp ra là có thể thắp sáng, thời gian cháy duy trì khá lâu, đồng thời cũng không cần lo đuốc bị ẩm ướt.
Nó không chỉ phát huy công dụng chiếu sáng trong huyệt động, mà còn có thể dùng để phòng thân. Nghĩ vậy, anh liền nhặt một chiếc ba lô rách, đút hết số đuốc vào, đồng thời nhét thêm mấy hộp đạn, rồi quăng cho Nhị Học Sinh, bảo cậu ta đeo. Thắng Hương Lân thấy Cao Tư Dương chỉ có một chiếc đèn pin, hơn nữa lại không có pin dự trữ, liền đưa cho cô ta thêm một ngọn đèn cácbua để chiếu sáng.
Cao Tư Dương cảm ơn, đón lấy, rồi quay sang sốt ruột hỏi Tư Mã Khôi: “Bây giờ đã có súng và đuốc, chúng ta có nên xuống khe lùng bắt Lão Xà luôn không?” Tư Mã Khôi nói: “Khoan đã! Tôi thấy gã thổ tặc đó đúng là loại cương thi thành tinh, súng liên thanh chắc gì hạ gục nổi hắn”.
Cao Tư Dương nói: “Rốt cuộc anh có phải đang làm công tác khảo cổ không thế hả? Sao đầu óc lúc nào cũng chứa toàn tư tưởng mê tín dị đoan vậy? Trên đời này làm gì có xác chết biết nói tiếng người chứ?” Tư Mã Khôi nói: “Tôi vừa mới nhớ ra, thời xưa bọn thổ tặc chuyên đào mồ quật mả có một tuyệt kỹ, gọi là công phu cương thi(2), sau khi luyện được, chúng sẽ biến thành nửa người nửa thây, có khả năng vùi mình dưới lòng đất nhiều ngày mà không cần thở, bị chôn sống cũng có thể tự mình đội mồ bò ra, có điều, chúng chỉ được lộ diện lúc ban đêm, còn ban ngày thì phải trốn biệt.
Nghe nói, môn công phu này đã thất truyền từ hàng trăm năm trước, cũng không rõ nó có thật hay giả. Tôi ngẫm thấy cái gà Lão Xà kia trên người chứa toàn yêu thuật, vả lại tính tình gã này quái đản, thủ đoạn tàn độc, bị súng đốn ngã mà vẫn tỉnh bơ như không, nói chung là rất khác thường.
Nếu gã rơi xuống khe sâu mà không chết, thì chắc chắn sẽ tìm nơi nào đó ẩn nấp. Khe núi này sâu không thấy đáy, chúng ta tổng cộng chỉ có năm người, căn bản không có cơ hội tìm thấy tung tích của gã, huống hồ nếu chia nhau đi kiếm khắp lượt thì quá mạo hiểm, lỡ gặp phải tai họa lúc một mình tác chiến, chỉ sợ chẳng ai nhón tay được tí lợi nào.
Có điều, quyền chủ động vẫn nằm trong tay chúng ta. Lão Xà định tìm tấm bản đồ mà đội thám hiểm để lại, rồi xuống lòng đất móc món hàng lớn và trốn ra nước ngoài, nếu không gã cũng chỉ còn duy nhất một đường chết. Chỉ cần tấm bản đồ lọt vào tay chúng ta trước, thì cũng đồng nghĩa với việc cắt đứt con đường sống của gã, lúc đó còn lo gì gã thổ tặc không tự mình chui vào lưới.” [2] Cương thi: được biết đến như một xác chết biết đi trong văn hóa dân gian Trung Quốc, giống như ma cà rồng ở phương Tây.
Theo như truyền thuyết, ban ngày cương thi nằm trong quan tài hoặc ẩn nấp tại những nơi tối tăm như hang động, đến đêm cương thi đi lại lang thang với hai cánh tay duỗi thẳng về phía trước. Nó giết chết mọi sinh vật sống để hấp thụ khí – cái cốt lõi tạo nên sự sống. Mọi người đều cảm thấy Tư Mã Khôi phân tích có lý, vả lại trên người Lão Xà lúc nào cũng nồng nặc mùi quái dị giống như phoóc môn, đây chính là nhược điểm lớn nhất của gã, trừ phi gã vùi mình trong đất, nếu không khó mà che đậy được tung tích.
Nếu đối phương chủ động tiếp cận, sẽ càng dễ bại lộ chân tướng, đến lúc đó cả hội sẽ đồng loạt nổ súng, dẫu gã có mình đồng da sắt thì cũng phải bắn gã tơi tả thành chiếu rách. Thế là, cả hội hăng hái bới lật từng xác chết, cuối, cùng cũng tìm thấy một cuốn sổ bọc da dê to bằng hai hộp thuốc lá, sắc giấy đã ố vàng, chắc lịch sử của nó cũng khá lâu đời, trong đó vẽ đầy các hình thù sinh vật, thực vật, còn có các ký hiệu mạch núi, rừng rậm.
Hội Tư Mã Khôi xem kỹ cuốn sổ. Họ không hiểu những chú thích dài loằng ngoằng bằng tiếng Anh, nhưng xem hình vẽ có thể đoán nội dung, nên cũng hiểu được một nửa. Các hình phác họa trong cuốn sổ phần lớn là các loại dã thú và thực vật, mà đội thám hiểm phát hiện trong núi sâu, trang cuối là tấm bản đồ đơn giản, còn kẹp thêm mấy tấm ảnh đen trắng không rõ nét, có lẽ chụp mấy bức bích họa trong mộ cổ.
Bích họa trong tấm ảnh chính là căn cứ quan trọng để vẽ ra tấm bản đồ. Tấm bản đồ bắt đầu tại một ngọn núi, đường vẽ xuyên qua khe núi khúc khuỷu, sâu hun hút, cách một đoạn lại đánh dấu một chấm đen, điểm tận cùng là bồn địa được hình thành bởi các mạch đất giao nhau.
Nơi đó có lẽ chính là địa huyệt dưới lòng đất mà đội thám hiểm Taninth muốn tìm. Địa hình ở đây được mô tả hoàn toàn trùng khớp với những ghi chép trên Sơn Hải Đồ, chỉ có điều nó đã bị gột rửa bớt đi màu sắc thần bí, thay vào đó là các tọa độ thám trắc ngoại vi, khiến tấm bản đồ này càng tăng thêm tính thực dụng.
Có điều, trong tấm bản đồ có một số ký hiệu rất khó lý giải, ví như hình vẽ cái hộp đầu lâu xương chéo rất lớn, tuy chỉ phác họa đơn giản, nhưng gợi cảm giác rất ma quái, khiến người xem cũng thấy bất an. Cao Tư Dương hỏi Tư Mã Khôi: “Ký hiệu này trong bản đồ ám chỉ gì nhỉ?” Tư Mã Khôi cũng mù tịt, nhưng cứ phán bừa: “Tám phần là quan tài đựng xác chết cổ đại chứ gì”.
Thắng Hương Lân lắc đầu: “Không giống quan tài, người phương Tây thường dùng ký hiệu này để chỉ “chiếc hộp đen”, hay còn gọi “chiếc hộp Pandora”, nó ám chỉ, hễ kẻ nào mở nắp bí mật ra, tai họa và cái chết sẽ giáng xuống đầu kẻ ấy.” Tư Mã Khôi cảm thấy giả thiết về chiếc hộp Pandora khá hợp lý, các manh mối trong cuốn sổ tổng hợp cho thấy, dường như đội thám hiểm Taninth đã phát hiện thấy bích họa mà nước Sở cổ xưa để lại, sau khi chụp ảnh họ liền mang đi phân tích khảo chứng, rồi vẽ lại thành một phần bản đồ, đồng thời lấy đó làm căn cứ, để đi tìm lãnh đia thần bí chưa ai trên thế giới biết đến.
Dân gian truyền rằng nơi đó là núi Âm Sơn nhốt giữ ma quỷ, đồng thời cũng là kho báu mà Sở U Vương chôn giấu năm xưa, mà chí ít là đã hai ngàn năm không một ai bước chân xuống đó. Đội thám hiểm Taninth tự cho rằng, mình đã chuẩn bị mọi thứ rất chu toàn, nhưng vẫn cảm thấy chuyến đi này lành dữ khó lường, trong lòng khó tránh khỏi cảm giác sợ hãi, chiếc hộp Pandora đánh dấu trên bản đồ có lẽ chính là một hình thức đánh giá về một nguy hiểm chưa biết nào đó.
Tư Mã Khôi vốn dĩ định vượt qua Yến Tử Ô đến m Hải Cốc, sau đó đi từ đường hầm xuyên thẳng xuống lòng đất, tìm kiếm nhật quỹ được ghi chép trên Sơn Hải Đồ, nhưng giữa đường lại xảy ra quá nhiều tình hình đột biến, cuối cùng lại bị kìm chân trong khe núi. Anh buộc phải tạm thời điều chỉnh kế hoạch, cả hội sẽ đi theo hành trình trên bản đồ của đội thám hiểm Taninth, chưa biết chừng, nhật quỹ nằm trong chiếc hộp Pandora cũng nên.
Tư Mã Khôi cất mấy tấm ảnh và cuốn sổ vào túi chống thấm, rồi đặt cùng chỗ với cuốn sổ mang từ kính viễn vọng Lopnor về. Anh suy đoán, việc Taninth có khả năng vẽ được tấm bản đồ này, đồng thời tổ chức đội thám hiểm đến Thần Nông Giá, chắc chắn không phải một sự kiện cô lập.
Có lẽ, không ít kẻ liều mạng đã tham gia cùng hội này, chỉ có điều, cuối cùng đội thám hiểm không thành công, hoặc giả trong chiếc hộp Pandora thực sự tồn tại lời nguyền, hung hiểm dọc đường không cần nghĩ cũng biết, chỉ sợ lần này hội anh lại phải lượn vòng quanh Quỷ Môn Quan một chuyến nữa rồi.
Mọi người thấy không còn gì thu hoạch nữa, mới lần mò theo khe nứt giữa tầng nham thạch chầm chậm di chuyển xuống dưới. Khe núi này sâu hút, đường đi lại bội phần hiểm trở, sương mây giăng mắc sương mây, không gian lúc chật hẹp khi khoáng đạt, tối thui, ẩm ướt, không biết nông sâu thế nào, ngay cả chỗ đặt chân xuống cũng khó tìm thấy.
Phần đáy lòng núi là một khe cốc chạy theo hướng tây bắc. Hội Tư Mã Khôi đi đến nơi này đã trọn một ngày một đêm chưa được chợp mắt, mọi người tìm kiếm suốt nửa ngày ở khu vực lân cận, nhưng vẫn không thấy bóng dáng Lão Xà và thi thể Hổ Tử rơi xuống chỗ nào. Tư Mã Khôi đành bảo cả hội tạm thời tìm nơi thích hợp hạ trại, nhưng chẳng một ai ngủ yên giấc.
Lát sau, Tư Mã Khôi xác định phương hướng bằng la bàn và các vị trí vạch trên bản đồ, rồi cả hội bắt đầu lên đường. Lại một ngày đằng đẵng trôi qua. Cuối cùng, mọi người tìm thấy một khe nứt hình tam giác chật hẹp ở giữa hai vách đá nơi rìa khe núi. Không gian bên trong bị dương xỉ, rêu xanh và bùn đất lấp kín, trên mặt đất có một trụ đá nứt gãy, nằm đổ rạp, nếu không có ký hiệu trên bản đồ, thì không ai chú ý tới trong lòng núi tối như đêm ba mươi lại có một con đường thế này.
Hải ngọng đi trước phạt dương xỉ mở đường, năm người còn lại nối tiếp nhau đi xuyên qua khe nứt sâu chừng mấy trăm mét, địa thế càng đi càng thấp, sau cùng mở ra một không gian vô cùng khoáng đạt. Càng đi về phía trước, khí ẩm trong không khí càng tăng mạnh, tầng lá khô mục nát trên mặt đất vùi sâu đến bắp chân, những cành mục to như thắt lưng, nhưng chỉ cần giẫm một cái là hoàn toàn vụn nát, xung quanh um tùm rậm rạp những cây đại thụ to mười mấy, hai mấy mét, chúng thẳng tắp như mũi tên, hoàn toàn khác biệt với bất kì loại cây nào trong rừng già núi sâu, nếu đo theo đường kính, ít ra cũng cao đến gần trăm mét.
Bề ngoài, chúng rất giống với cây thông Noel ở phương Tây, lá cây hình giáo dài vừa to vừa rộng, thân cây bám đầy vết dương xỉ, trong phạm vi mười mét đổ xuôi xuống gốc cây, có rất ít cành nhánh và lá, chỉ thấy rất nhiều dây leo bám chằng chịt mọc mãi lên cao. Một vài cây đại thụ bị đổ rạp, cộng thêm rễ cây ngoằn ngoèo xù xì chạy trên mặt đất, nhấp nhô như gò đồi, một số cây vẫn um tùm lá, một số thì đã chết khô, trên thân cây mọc đầy rong rêu và các loại nấm, khiến tầng biểu bì hình thành tầng chất hữu cơ vừa dày vừa sâu, giẫm chân lên tựa hồ như đang bước trên tấm bọt biển vậy.
thỉnh thoảng lại tỏa ra ánh sáng thứ ánh sáng xanh leo lét. Cao Tư Dương kinh ngạc thốt lên: “Nơi sâu trong lòng núi đào đâu ra lắm cây cổ to lớn dường này nhỉ? Nhị Học Sinh cũng mắt tròn mắt dẹt, đờ người ra nhìn, cậu ta ở trong lâm trường suốt ngày chặt gỗ, chặt không ít cây cổ thụ sống hàng trăm ngàn năm, nhưng nếu so sánh với những gốc cây cổ đại, thì đúng là không đáng nói đến.
Đây mới đúng là bách cổ Thần Nông đích thực, thân cây to không thể tưởng tượng nổi, đứng trước nó, con người có cảm giác mình nhỏ bé tựa con ong cái kiến. Trong phạm vi soi sáng của đèn quặng, những gì nhìn thấy trước mắt chẳng qua cũng chỉ như là phần nổi của tảng băng trôi mà thôi.
Thắng Hương Lân lấy dao săn tách một miếng vỏ cây ra quan sát, cô suy đoán: “Hàng trăm triệu năm trước, Đại Thần Nông Giá vẫn chìm sâu dưới đáy biển, sau đó thạch quyển Trái đất nâng lên mới trở thành núi cao; bởi vậy hóa thạch cổ sinh vật chôn giấu trong lòng đất vô cùng phong phú.
Từ tình hình này tôi đoán, có vẻ như quần đảo rừng rậm này từng xảy ra quá trình chìm lún, khi đó khí hậu ấm áp, nên địa mạo và hệ thực vật cũng không giống như bây giờ. Các loại cây cổ thụ thời viễn cổ, đã bị tuyệt chủng hàng trăm triệu năm trước, có mật độ rất lớn, cho dù bị vùi dưới đất lâu như vậy và đã hoàn toàn ngưng trệ quá trình sinh trưởng, nhưng trong thân cây vẫn còn tồn tại hàm lượng dưỡng chất nhất định, nhờ thế mà chúng mới không khô héo, vẫn duy trì được nguyên dạng giống như xác chết vậy”.