CHƯƠNG 3: CHIẾC HỘ PANDORA - HỒI 8: VÀNH ĐAI 30° VĨ BẮC
Tư Mã Khôi cứ nghĩ mình nghe nhầm, anh ngạc nhiên liếc mắt thầm đánh giá Nhị Học Sinh. Chiếc hộp Pandora bắt nguồn từ thần thoại Hi Lạp, đại ý ám chỉ “loài người quá hiếu kì, không kiềm chế được đã mở chiếc hộp mà các vị thần để lại, kết quả đã vô tình phóng thích vô số thứ tà ác ở bên trong”. Chính vì vậy, người phương Tây dùng nó để ẩn dụ những bí mật bị nguyền rủa, còn ký hiệu được đánh dấu trong bản đồ, thì chẳng qua chỉ là tên gọi thay thế nào đó mà đội thám hiểm Taninth đã đặt cho mục tiêu. Theo những gì Tư Mã Khôi biết thì chiếc hộp Pandora không chỉ là huyệt động nằm dưới rừng rậm nguyên sinh biển Âm Dụ, mà còn là núi Âm Sơn mà Sở U Vương nhốt giữ ma quỷ thời Xuân Thu Chiến Quốc. Các ghi chép trên Sơn Hải Đồ cho thấy, trong huyệt động dưới lòng đất này còn ẩn giấu một bí mật kinh người nào đó, tìm thấy nó cũng có nghĩa là tìm thấy lời giải đáp cuối cùng của cả chuỗi ẩn số. Bởi vậy, việc tìm kiếm chiếc hộp Pandora rất phù hợp với chuyến hành động này của hội Tư Mã Khôi, nhưng Nhị Học Sinh chẳng qua chỉ là anh chàng thanh niên trí thức bị đẩy vào lâm trường Thần Nông Giá cải tạo lao động, thì làm sao biết được thứ cất giữ bên trong chiếc hộp Pandora là gì?
Nhị Học Sinh có vẻ hơi kích động, cậu ta thở hồng hộc nói với hội Tư Mã Khôi: “Chiếc hộp Pandora nhất định có liên quan đến ẩn số 30° vĩ Bắc…”. Trước đây, cậu ta từng đọc mấy cuốn sách về địa lý ở thư viện, nên biết vành đai 30° vĩ Bắc được gọi là đường quỹ đạo thần bí nhất trên thế giới. Phạm vi chênh lệch trong vòng 5° bao quanh 30° vĩ Bắc thường xuyên xảy ra những hiện tượng quái lạ, ở đó tồn tại rất nhiều kì quan địa hình địa mạo: từ đỉnh Chomolungma – đỉnh núi cao nhất so với mặt nước biển, đến rãnh đại dương Mariana, rồi tam giác quỷ Bermuda với hố xoáy tử thần, dãy núi Thần Nông Giá, khe Hắc Trúc v.v… Vĩ độ này cũng là khu vực động đất xảy ra tập trung và liên tục nhất, là khu vực máy bay, tàu thuyền bị mất tích nhiều nhất, ngoài ra còn có rất nhiều di tích lịch sử kì bí, huyền thoại. Tất cả những chuyện lạ này chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay là định mệnh đến từ cõi u minh? Dường như trong vĩ độ này, thấp thoáng ẩn hiện một thế lực vô hình, nhưng vô cùng thần bí và mạnh mẽ nào đó. Trên thế giới có biết bao nhà thần học, nhà triết học, nhà khoa học, nhưng chưa một ai có thể giải đáp triệt để câu đố về 30° vĩ Bắc, tuy họ đã đưa ra vô số giả thiết nhưng giả thiết đâu phải là chân tướng hiện thực.
Tuy Nhị Học Sinh mới chỉ đi theo hội Tư Mã Khôi một thời gian, nhưng cậu ta đã cảm nhận một cách sâu sắc rằng, những gì mình gặp dọc đường sẽ là những điều kì lạ nhất trong cuộc đời. Vĩ độ thần bí như một câu đố này tuy tồn tại rất nhiều điều kì quái và được nhiều người quan tâm, nhưng khi liệt kê danh sách các địa danh thần bí trong vĩ độ, người ta không hề nêu tên huyệt động dưới lòng đất ở Thần Nông Giá, điều đó chứng tỏ, nơi này chính là tọa độ bị thất lạc trên vành đai 30° vĩ Bắc, và nhất định trong lòng nó còn chứa đựng vô số bí mật mà người đời chưa ai từng biết đến. Cậu ta cứ đinh ninh, hội Tư Mã Khôi đến Thần Nông Giá là để tìm kiếm lời giải cho loạt ẩn số 30° vĩ Bắc, và nếu quả thực là vậy, thì những người phát hiện nhất định sẽ mãi mãi lưu tên trong sử sách, rạng danh với tô tông. Nếu được như vậy thì dẫu có phải thịt nát xương tan, cậu ta cũng thấy đáng, còn hơn là phải im hơi lặng tiếng đốn gỗ cả đời trong lâm trường, Nhị Học Sinh thà chọn lựa con đường mạo hiểm, quyết cùng Tư Mã Khôi làm việc lớn, cam tâm dẫu chết cũng không quay đầu.
Thắng Hương Lân cảm thấy lời của Nhị Học Sinh cũng khá có lý. Đại Thần Nông Giá đúng là nằm ở vành đai 30° vĩ Bắc thường xảy ra nhiều sự kiện lạ lùng, ỏ đây có quá nhiều nhân tố đã biết và chưa biết, vì vậy mọi người cần chuẩn bị tốt tâm lý để đón nhận mọi việc.
Trước đây, khi Tư Mã Khôi còn ở Miến Điện, anh từng nghe vô tuyến truyền phát một dòng tin: Theo thống kê của Mỹ, trong tổng sổ tàu ngầm quân Mỹ đi xuyên qua vành đai 30° vĩ Bắc thời kì chiến tranh thế giới thứ hai, cứ năm chiếc tàu lại có hai chiếc bị mất tích do nhân tố phi chiến tranh, nguyên nhân cụ thể không ai nắm rõ, cũng không có người nào sống sót trở về để kể lại với thế giới những cảnh ngộ mà họ đã gặp phải, số liệu và tin đồn khiến người ta rùng rợn vẫn còn rất nhiều, có điều phạm vi 30° vĩ Bắc quá rộng lớn, bây giờ không thể dự đoán trước sẽ phát hiện thấy gì trong chiếc hộp Pandora. Anh bảo Nhị Học Sinh đừng đoán mò nữa, mà mau bám sát đội ngũ tiến về phía trước, bởi bây giờ cố gắng sống sót thoát khỏi đây mới là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu, chứ con người đã thổi đèn, tắt nến thì lưu danh sử sách liệu còn tác dụng gì nữa? Đang nói, bỗng nhiên anh phát hiện ở nơi sâu giữa các khe trên hàng rào cây cổ thụ bỗng lóe lên một luồng sáng trắng rất chói mắt. Đó là quầng sáng vô cùng kì dị. Bạn đang đọc truyện tại blog Xú Ngư
Tư Mã Khôi không biêt ánh sáng ấy bắt nguồn từ đâu, nhưng nó âm u, trắng bệch, không giống với ánh lửa. Anh lập tức ấn lưng Nhị Học Sinh cúi xuống thấp, đồng thời nhắc nhở hội Hải ngọng chú ý.
Mọi người thấy có biến, người nào cũng giương súng đợi địch, nhưng chưa kịp ngắm chuẩn, thì quầng sáng bập bùng bất định như ánh lửa ma trơi đó đã bay đến trước mặt. Trong vầng quang sương là một loài côn trùng có cánh nguyên thủy, trông nó hao hao giống chuồn chuồn, thân dài và mảnh, gần như trong suốt, cánh trước lớn, cánh sau nhỏ, kéo theo ba cái tua đuôi hình sợi tơ, từ đôi mắt kép trên đỉnh đầu đến phần cuối tua đuôi chỉ dài khoảng nửa gang tay, nó lặng lẽ liệng qua người hội Tư Mã Khôi.
Lúc này, xung quanh đã xuất hiện vô số vầng quang sương, nó bay qua bay lại, xuyên giữa kẽ cây, tất cả đều im lìm như những tinh linh. Cả hội chưa bao giờ nhìn thấy loài chuồn chuồn cổ đại nào to như thế, vả lại số lượng lại nhiều vô kể, mọi người đều bất giác im lặng, chăm chú ngắm nhìn, tay vẫn nắm chặt cò súng, không dám nới lỏng.
Tư Mã Khôi quan sát giây lát, rồi nói: “Đừng lo, đây chỉ là phù du rừng phát sáng nguyên thủy nhất, chúng không cần ăn uống, sớm nở tối tàn.”
Cao Tư Dương chưa hiểu, hỏi lại: “Sớm nở tối tàn… là ý gì?”
Tư Mã Khôi nói: “Trên đời vốn có ngũ trùng, lần lượt là “luy, lân, mao, vũ, côn”, “luy” là loài người, “lân” là loài cá, “mao” là loài thú, “vũ” là loài chim và “côn” nghĩa là côn trùng. Phù du là sinh vật cổ đại nhất thuộc nhóm côn trùng, từ lúc sinh ra cho đến khi chết chỉ có vài giờ đồng hồ, chúng căn bản không hề hay biết trong cõi trời đất còn có biến hóa ngày đêm, bốn mùa, cũng không cần nạp năng lượng để duy trì sự sống. Có câu: “Cá bơi vui dưới nước, chim líu lo trên trời”, mỗi sinh vật tồn tại trên đời đều có mục đích sống của riêng mình, còn không biết trong sinh mệnh ngắn ngủi của mình, phù du theo đuổi thứ gì?”
Cao Tư Dương nghe xong, lòng bỗng nhiên cảm thấy buồn bã, cô ngước mắt nhìn vầng quang sương thoắt ẩn thoát hiện trong bóng tối và buông tiếng thở dài.
Tư Mã Khôi khuyên nhủ: “Cô không cần thương thay khóc mướn cho bọn phù du làm gì. Nếu chúng ta còn muốn sống lâu hơn chúng một chút, thì phải cố gắng mau chóng vượt qua quần thể thực vật tiền sử này”. Nói xong, anh phát dây leo tìm đường.
Cao Tư Dương gọi Tư Mã Khôi: “Tôi thấy cơ thể Hương Lân gầy guộc, khí sắc cũng không tốt lắm. Nhị Học Sinh lúc trước cũng bị thương, không biết có ảnh hưởng đến phủ tạng không, lưng lại cõng thuốc súng, lửa đuốc. Anh ấy cũng đã kiên trì đi bộ trong nơi nguy hiểm này khá lâu rồi, tinh thần và thể lực cũng đến cực hạn, chỗ này tuy không thể so với đất bằng, nhưng nếu không dừng chân, tôi e sẽ xảy ra chuyện mất, huống hồ ở đây tán cây rậm rạp, nhện chân quỷ cũng không đến được, cũng khá tốt để chúng ta ẩn nấp. Anh xem có thể để cả hội dừng lại nghỉ ngơi chốc lát được không?”
Tư Mã Khôi kiên quyết: “Không được! Phù du là sinh vật chết sớm, trông thấy nó là điềm gở, trước khi trở lại tuyến đường đánh dấu trên bản đồ, không ai được phép dừng chân”.
Hải ngọng cũng cảm thấy chỗ này âm khí nặng nề, tuyệt đối không nên nấn ná lâu. Những nơi có phù du tụ tập ở Miến Điện hay Campuchia, phần lớn là ao hồ, đầm trạch; những nơi đó cũng thường xuyên xuất hiện mãng xà khổng lồ, dưới nước thậm chí còn xuất hiện cá hô, những con cá hô có khi phải nặng đến bốn năm trăm ki lô gam, nghe nói, nó có thể một hơi nuốt chửng đứa trẻ bảy tám tuổi. Nhưng dưới nước làm gì có nhiều thức ăn đến thế để phục vụ cho cái dạ dày của nó? Nó đành phải bắt vô số phù du lót dạ, bởi vậy thân hình chúng mới phát triển to lớn dường vậy, phù du rừng tuy không sống ở những khu vực có nước, nhưng thân hình lại to hơn phù du nước rất nhiều, nên cũng rất khó đoán dưới lòng đất có thứ gì chuyên ăn xác bọn chúng không.
Cao Tư Dương không tán thành với luận điệu mê tín kiểu điềm này điềm kia của Tư Mã Khôi và Hải ngọng, cô cũng biết hai người này rất ăn rơ với nhau, chuyên nghĩ ra những ý tưởng điên rồ, chỉ thích loan tin bóng gió, không đủ sức thuyết phục người khác, nhưng Cao Tư Dương lúc này đang trong tình trạng một con gà khó cất tiếng gáy, nên cô đành ấm ức tiếp tục cuộc hành trình vào rừng sâu cùng cả hội. Bạn đang đọc truyện tại blog Xú Ngư
Lúc này đã có hàng trăm hàng ngàn con phù du, chúng bay lượn qua các kẽ cây nơi mọi người đứng, thỉnh thoảng một quầng sáng rực bỗng trở nên mờ tối, xác phù du rơi lả tả trên cành lá khô mục, rất nhanh sau đó trải thành một lớp thảm trên đất.
Tư Mã Khôi vừa trông thấy phù du đã có dự cảm không lành, anh bảo Thắng Hương Lân lấy la bàn hiệu chỉnh phương vị, giơ cao đuốc soi về phía trước tìm đường.
Cao Tư Dương nghĩ, phù du xung quanh không thể trở thành sự uy hiếp cho cả hội, cô không hiểu vì lẽ gì mà Tư Mã Khôi lại lo lắng đến thế.
Thắng Hương Lân giải thích với cô: “Khi nãy, Tư Mã Khôi và Hải ngọng nói rất đúng, phù du nguyên thủy sớm nở tối tàn, thuộc tầng thấp nhất của chuỗi sinh vật, có trời mới biết sau khi chết đi, xác chúng để lại sẽ dẫn dụ con vật nào đến ăn thịt”.
Bấy giờ Cao Tư Dương mới hiểu thì ra là vậy. Lúc này, dưới chân mọi người bỗng nhiên rung chuyển rùng rùng, lớp rêu và nấm phủ dày trên bề mặt gỗ mục vừa trơn vừa ướt. Cô đứng không vững, định nhoài người vịn một nhành dây leo để giữ thăng bằng, nào ngờ sợi dây leo đó lại mủn như mùn, bị Cao Tư Dương níu một cái là đứt luôn xuống.
Thắng Hương Lân trông thấy vậy, cuống quýt đưa tay ra cứu. Tuy tốc độ phản ứng nhanh, nhưng sức cô không đủ, kết quả không những chẳng thể kéo được Cao Tư Dương trở lại, mà bản thân cô cũng theo đà rơi xuống nơi sâu trong kẽ cây.
Tư Mã Khôi và Hải ngọng cùng hét lên thất thanh: “Chết rồi!”, cả hai cúi rạp người xuống nhìn. Nhờ ánh sáng phát ra từ bầy phù du, có thể thấy Cao Tư Dương và Thắng Hương Lân rơi trúng và làm gãy hai tầng cành khô, rồi được níu lại bởi mây sợi dây leo kết bện vào
nhau, treo lơ lửng giữa không trung cách chỗ mọi người đang đứng tầm hơn mười mét. May nhờ lớp rong rêu sâu dày, nên không ai bị bong gân, trật khớp. Hai người vã mồ hôi lạnh, tim đập thình thịch như trống trận, định giãy giụa đứng lên, leo về chỗ cũ, nhưng ngặt nỗi chân không tới đất, cật không tới trời, chỉ cần khẽ động đậy là sợi dây leo đã lắc la lắc lư, phát ra âm thanh “rắc rắc” như thể sắp đứt. Tình hình bây giờ nguy hiểm chẳng khác nào ngàn cân treo sợi tóc.
Nhị Học Sinh còn hoảng loạn hơn, thêm vào đó đường đi vừa hiểm trở vừa trơn ướt, nên cậu ta cũng không biết làm cách nào để cứu người. Cậu ta liền quăng sợi dây thừng xuống, nhưng cành lá ngang dọc chằng chịt, dây thừng bị mắc vào một cành nhánh chìa ra, trong lúc hấp tấp, cậu ta không sao giật lại được.
Tư Mã Khôi thấy vậy, liền đưa đuốc cho Nhị Học Sinh cầm, rồi bảo anh chàng và Hải ngọng đứng trên tiếp ứng, còn mình đeo súng bắn đạn hoa cải, rồi chúc đầu leo xuống thân cây thẳng đứng nhờ vào thân thủ nhanh nhẹn. Anh bóc lớp nấm gỗ cạnh người, tiếp cận sợi dây leo, ra hiệu cho Thắng Hương Lân và Cao Tư Dương đừng động đậy, tránh để dây đứt, rồi ngẩng đầu huýt sáo gọi Hải ngọng mau thả dây thừng xuống.
Hải ngọng và Tư Mã Khôi là bạn nối khố lâu năm, không cần nói nhiều cũng biết đối phương cần gì, ngặt nỗi sợi dây thừng đã vướng vào các nhánh cây. Anh không dám giật bạt mạng, mà nếu cắt đôi sợi dây ra thì chiều dài lại không đủ. Hải ngọng cuống đến nỗi mồ hôi trán vã ra đầm đìa.
Tư Mã Khôi đang định giục Hải ngọng, thì từ nơi sâu trong lùm cây lại rung rung lên từng hồi. Anh cúi đầu xuống xem, cảm thấy từng sợi tóc trên đầu mình dường như đều dựng ngược cả lên, có vật thể gì đó vô cùng to lớn, màu sắc hòa cùng màu lá khô, đang thò người nhảy ra, cái đầu ba sừng vừa dẹt vừa bằng, hai mắt tròn đục, lồi hẳn ra ngoài, to như đèn pha ô tô, nhưng trắng xám, không phát sáng. Trông hình dáng nó hơi giống cóc, hai chi trước mọc giác hút, chống chân giữa đám gỗ mục, nhảy cóc từng bước, cái miệng há rộng ngoác như chậu máu không ngừng phun sương nhả khí, bất kể xác phù du rơi trên mặt đất hay những con còn sống đang bay lượn giữa không trung, thậm chí là những con nhện chân quỷ chui ra từ khe gỗ, đều nhất loạt bị cái lưỡi dài của nó cuốn cả vào bụng.
Tư Mã Khôi thấy trên lưng nó có nhựa mủ, anh phỏng đoán có lẽ đây là con thụ thiềm, tức một loại cóc khổng lồ chuyên sống trong các hốc cây, nhựa của nó là chất bài tiết của cơ thể, mang độc tố cực mạnh, có mùi hôi thối xộc tận não, tanh không thể ngửi nổi, mà chỉ những loài động vật lưỡng cư như cóc mới có. Theo thuyết tướng vật, những con cóc dài gần hai gang tay được gọi là thiềm vương, thế mà con này đâu phải chỉ hai gang tay, nó còn dài gấp mấy ấy chứ; bụi cây rậm rạp căn bản không thể cản được bước tiến của nó, còn tục truyền: “thiềm vương có nhựa, chuyên khắc chế ngũ trùng”, xem ra lời đồn này không phải là giả. Càng răng của nhện chân quỷ không chỉ mất tác dụng với cóc cây, mà ngược lại con nhện còn bị dính độc nhựa cóc lăn ra chết; thụ thiềm chỉ chờ có thế là cuốn con mồi vào trong cái bụng không đáy của nó, những con chưa chết sợ hãi, liền tháo chạy tứ tán.
Thắng Hương Lân và Cao Tư Dương thấy con thụ thiềm đang nhảy trên gỗ mục về phía mình, thì nghĩ không khéo nó chẳng cần đến gần mấy sợi dây leo này, chỉ dùng cái lưỡi cuốn một cái cũng đủ khiến hai cô trôi tuột vào trong bụng. Hai cô định giương súng bắn, nhưng chỉ sợ giãy giụa sẽ làm sợi dây leo già bị đứt hoặc bị nhựa cóc phun vào người, vì nếu lỡ dính thứ mủ nhựa gớm ghiếc kia thì toàn bộ da thịt sẽ bị ăn mòn đến tận xương. Hai người trừng mắt nhìn con thụ thiềm tiến lại gần, họ không còn đường nào tránh né, đành nhắm mắt chờ chết.