HỒI 8: QUÁI THÚ DƯỚI HỒ SÂU

Hội Tư Mã Khôi đứng trên đỉnh của khối pha lê, ngẩng đầu nhìn lên miệng động, ánh đèn quặng chiếu đi chỉ thấy một khoảng tối mờ, mọi người đều không ngờ Triệu Lão Biệt bất ngờ lộn cổ ngã xuống đáy động, chỉ thấy lão ta rơi từ miệng động, rồi bị khối khí đối lưu chuyển động vòng tròn không ngừng nhào trộn, cuối cùng lao vun vút và rơi đánh rầm xuống đất, tiếng xương khớp gãy vụn nghe rõ mồn một, lão lăn lông lốc theo sườn dốc trơn nhuồi, cho đến khi thân thể bị một tấm pha lê lồi lên mặt đất chắn lại, miệng lão sùi ùng ục toàn bọt máu, chắc nội tạng đã bị vỡ nát, nhưng nhờ tấm áo da chuột che chắn, cộng thêm xương khớp rắn chắc, nên lão vẫn chưa đoạn khí ngay.

Thêm nữa, lúc lăn xuống, Triệu Lão Biệt va phải một tảng pha lê, giờ bỗng nghe một tiếng gẫy “rắc”, rồi cả khối tinh thể nặng gần trăm cân ào ào rơi xuống từ độ cao mười mấy mét, đập trúng đầu Triệu Lão Biệt, đầu lão bị đập vỡ tan, tóe lên như ngàn cánh hoa đào, phần thân dưới cổ nát bét đổ rầm xuống đất, chỉ có tứ chi vẫn khe khẽ co giật.

Từ lúc Triệu Lão Biệt bị rơi xuống cho đến lúc sọ bi đập nát bét, sự việc chỉ diễn ra trong một khoảnh khắc vô cùng ngắn ngủi. Mọi người đều kinh sợ đến mức chấn động tinh thần, tim gan lạnh ngắt, không hiểu chuyện gì đang xảy ra: “Rõ ràng Triệu Lão Biệt đã leo lên được miệng động, sao bỗng dưng lại nhảy xuống tự vẫn? Hay lão gặp phải thứ gì ở trên đó?”

Tư Mã Khôi xách súng trường đứng đợi hồi lâu, khói đen ngoài động vẫn liên tục phun trào chuyển động, anh không phát hiện có gì khác thường. Tư Mã Khôi thấy Triệu Lão Biệt chết quá thảm thì bảo Thắng Hương Lân, Cao Tư Dương, Nhị Học Sinh đến gần chỗ khinh khí cầu thu thập trang thiết bị vật tư cần thiết, còn mình và Hải ngọng trèo xuống kiểm tra tình trạng của lão.

Hai người trèo xuống khối pha lê dốc dựng đứng, lại gần thi thể Triệu Lão Biệt. Hải ngọng thấy máu tươi bắn tung tóe khắp mặt đất thì nhăn mày cảm thán: “Chết đen đủi thế này, có biến thành ma xuống âm gian, e rằng đến Diêm Vương cũng chẳng nhận ra lão là ai mất”.

Tư Mã Khôi bước đến sát xác lão, lục soát kỹ càng khắp người tử thi, anh thấy dưới nách lão ta quả nhiên cỏ một vết sẹo rất sâu, bèn lấy dao rạch ra, rồi moi từ trong ra hai cục thịt to như hai quả nhãn, trông tròn vành vạnh, bề mặt có nhiều tia máu, dường như có cả ngũ quan mặt người, mắt miệng hãy còn khe khẽ khép mở. Hải ngọng nhìn thấy, liền chụp lấy, ném xuống đất, rồi lấy chân giẫm bẹp như giẫm bong bóng cá.

Tư Mã Khôi thầm nghĩ, chắc Triệu Lão Biệt này là hàng thật, cộng với hai con rối người chết ở sa mạc Lâu Lan và nghĩa địa La Sư ở Trường Sa, lão ta đã chết cả thảy ba lần, giờ đây hai viên biệt bảo cũng đã bị giẫm nát, lão tặc này chắc chắn đã chết hẳn thành tro tàn khói bay rồi. Ngẫm đến tiền nhân hậu quả, Tư Mã Khôi gặp lão ta ba lần, lần lượt ở thành Đom Đóm trong nghĩa địa La Sư, ở chiếc hộp thời gian trong biển cát và ở vực sâu không đáy dưới cửu tuyền này, cả chuỗi sự kiện hoàn toàn là một vòng tuần hoàn nhân quả không thể nào tháo gỡ, nếu không có vòng tuần hoàn sống – chết ấy, số mệnh của tất cả mọi người đều sẽ đổi khác, giờ đây kẻ then chốt nhất của vòng tuần hoàn khép kín ấy đã không còn tồn tại, lão để lại cho hội anh một ẩn số rối nùi như đống tơ vò.

Lúc này, Hải ngọng đã lục soát khắp tử thi thêm một lần nữa, anh sờ thấy một cuốn sổ ghi chép trong ống quần lão, cuốn sổ chỉ nhỏ bằng bàn tay, dày tầm một phân, bìa bọc da thật vô cùng tinh tế, bên trong là loại giấy chống ẩm rất bền. Anh liếc mấy cái rồi đưa cho Tư Mã Khôi và bảo: “Trên người lão tặc này chẳng có tí lương khô nào cả, có mỗi cuốn sổ này, cậu xem dùng được không?”

Tư Mã Khôi cầm cuốn sổ, lật vài trang, bên trong ghi chép dày đặc, tất cả đều là tư liệu về tộc người Bái Xà cổ đại, không những vậy còn có rất nhiều hĩnh vẽ về tượng thần, tô tem, ngoài ra ghim khá nhiều bản đồ và ảnh chụp, thậm chí có cả sơ đồ phác họa về thiết kế của khinh khí cầu xuyên lòng đất. Tất cả những bằng chứng ấy đủ chứng minh đây chính là cuốn nhật ký của vị đội trưởng đội khảo cổ Ấn Độ lưu trú tại Pháp.

Tư Mã Khôi biết rõ tính quan trọng của cuốn sổ, nên anh lập tức trèo lên khối pha lê cao nhất, tìm Thắng Hương Lân, đưa cho cô xem bên trong viết những gì.

Thắng Hương Lân đọc lướt qua nội dung cuốn nhật ký, cô không kìm được sự kinh ngạc và kỳ lạ, cô nói người cầm đầu đội thám hiểm xâm nhập tâm Trái đất bằng khí cầu nhiệt từng là giáo sư hướng dẫn cho giáo sư Thắng Thiên Viễn – cha cô, nội dung ghi chép bên trong vô cùng chi tiết. Cô chỉ vào một trang cho Tư Mã Khôi xem, rồi bảo: “Anh xem, đây chính là tấm bia bị chôn dưới lòng đất, vì chữ triện cổ triều Hạ bắt nguồn từ chữ Bái Xà, cho nên hậu thế mới gọi tấm bia đá này là bia Vũ Vương, nói chính xác thì lẽ ra phải gọi nó là bia đá của người Bái Xà mới đúng”.

Tư Mã Khôi quan sát kỹ hình dạng tấm bia, bốn góc đều khắc hình đầu thú quái dị, bên cạnh có các chú giải, kèm theo những phân tích khó hiểu, những phân tích ấy không những không nói rõ trên phiến đá ghi chép những nội dung gì. Mà ngược lại còn thần thánh hóa khiến nó càng trở nên ảo diệu, thần bí. Trong giây lát, Tư Mã Khôi khó lòng lý giải được ý nghĩa của chúng, anh bèn giao cho Thắng Hương Lân và nhắc cô giữ cuốn sổ cẩn thận và nói trước mắt phải tìm đường thoát thân ra khỏi huyệt động đã.

Thắng Hương Lân gật đầu đồng tình, cuốn nhật ký là manh mối quan trọng để tìm kiếm tấm bia đá của người Bái Xà dưới vực sâu. Tuy đội thám hiểm xâm nhập lòng đất bằng khí cầu nhiệt đã lâm nạn, nhưng cuối cùng cuốn nhật ký lại rơi vào tay đội khảo cổ, nếu họ dưới suối vàng có hay, thì cũng yên lòng nhắm mắt.

Trong lúc mọi người nói chuyện, Hải ngọng đã thiêu xong thi thể của Triệu Lão Biệt. Mọi người dùng dây thừng kéo thùng gỗ trong vỏ khí cầu lên, cậy nắp ra, rồi thu thập các trang thiết bị vật tư, phát hiện trong đó có pin dự phòng, dầu hỏa, thuốc lá, lương khô và đồ hộp, không những vậy còn có mấy ngọn đèn quặng cường quang chiếu sáng cự ly xa. Mấy ngọn đèn quặng cổ lỗ sĩ của hội Tư Mã Khôi đã bị vùi dập đến nỗi gần tan xác pháo, mà mãi không có phụ kiện thay thế, may lúc này lại tìm thấy số đèn quặng mới, thực chẳng khác nào “mèo mù vớ cá rán”, có điều, cả hội không phát hiện thấy súng ống đạn dược, có lẽ trong lúc va chạm khi khinh khí cầu đáp xuống, vũ khí đã bị văng đi đâu mất.

Cao Tư Dương tìm thấy hộp y tế cấp cứu liền vác lên vai. Thắng Hương Lân bới được mấy đôi giày đi rừng, loại giày này đi vừa chắc chân lại vừa nhẹ, không những vậy còn tỏa nhiệt thoát khí, lại đóng loại đế giày hiệu Panama trứ danh, tốt hơn các loại đế cao su thông thường nhiều lần. Thắng Hương Lân liền chia giày cho mọi người thay cho đôi cũ.

Nhị Học Sinh vốn đang tuyệt vọng, giờ tìm thấy nguồn lương thực bổ sung, cậu ta liền cho rằng tình hình có chuyển biến tốt, chưa biết chừng mọi người lại có thể sống sót rời khỏi lòng đất, bởi thế tinh thần cậu ta bất giác phấn chấn hẳn lên, khí sắc cũng hồng hào hơn hẳn.

Hải ngọng được thể “đâm bị thóc chọc bị gạo”: “Ranh con nhà cậu đúng là ‘người chết đánh rắm thối’, tỉnh lại được rồi đấy à?”

Nhị Học Sinh phản pháo: “Từ ‘đánh rắm’ không được lịch sự lắm, xét về mặt chuyên môn mà nói… thì phải nói là ‘bom nguyên tử tinh thần đã phát nổ’ mới đúng”.

Tư Mã Khôi bảo: “Đừng vội mừng, rất có khả năng đây chính là huyệt động chôn xác, xuống dễ lên khó, hơn nữa nhiệt độ nơi này cao quá, nếu bị nhốt ở đây lâu, chúng ta cũng chết vì nóng mất”.

Hải ngọng nóng ruột như kiến bò chảo lửa: “Tớ thấy chúng ta giống như con tôm trong chõ nước sôi, nếu không mau tìm cách thoát khỏi đây, kiểu gì cũng bị hấp chín!”

Cao Tư Dương nói: “Hình như dưới đáy rừng rậm pha lê có nước, nhiệt độ ở đó có lẽ không cao như trên này, sao chúng ta không xuống đáy động tìm lối thoát?”

Tư Mã Khôi cũng cảm thấy cách này khả thi, nhưng anh không biết rõ kết cấu của rừng rậm pha lê, nên quay sang hỏi ý kiến Thắng Hương Lân xem kế hoạch này có thực hiện được không?

Thắng Hương Lân nói, trong huyệt động này mọc vô số tinh thể pha lê tự nhiên với quy mô khổng lồ, xung quanh đây chắc chắn phân bố rất nhiều ô đá rỗng tích đầy khói đen, có điều trầm tích hàng tỉ năm sẽ khiến một số khu vực bị phong bế nguội dần đi, cũng có thể sẽ tồn tại lòng hồ hình thành do nước tụ, nếu đó không phải hồ nước tù, thì chúng ta có thể sang được huyệt động bên cạnh, nhưng làm như vậy rất nguy hiểm, bởi vì không ai biết tình hình trong huyệt động kia thế nào, đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ chui vào một mê cung thiên nhiên với kết cấu vô cùng phức tạp, chỉ cần bất cẩn một chút là phải đánh đổi cả tính mạng.

Mọi người ngồi thảo luận mọi đối sách, ngoại trừ đi đến đâu hay đến đấy ra, thì cũng không thể nghĩ ra ý tưởng nào hay hơn. Thế là, cả hội kéo xuồng cao su trên khinh khí cầu xuống, bắt đầu trèo xuống dưới đáy khu rừng. Độ ẩm ở nơi sâu trong huyệt động khá lớn, nước đọng trông có vẻ rất sâu, hình thù của khối tinh thể trông lại càng kỳ dị, có khối trong suốt không màu, có khối trắng xám phản quang.

Cả hội từ đỉnh khối pha lê cao hơn trăm mét thận trọng lần mò xuống dưới. Nhìn thấy một thùng nhôm trước đó từ khinh khí cầu rơi xuống, Hải ngọng liền nậy ra xem thì thấy bên trong là một ngọn đèn chiếu chuyên dụng có hình dạng khá cổ quái.

Chiếc đèn chiếu chỉ to cỡ cổ tay, nhưng phát điện bằng ắc quy khoác vai, không có tên nhãn và mã hiệu, kiểu dáng không hề giống các loại đèn chiếu thông thường.

Hải ngọng xách đèn lên, định nhấn tìm cách bật, nhưng vì chiếc thùng nhôm lăn từ trên cao xuống, tuy vỏ ngoài kiên cố, nhưng đồ đạc đựng bên trong cũng không tránh khỏi vỡ nát, hỏng hóc, bởi vậy khả năng chiếc đèn cũng bị hỏng không biết chập mạch chỗ nào mà không sáng lên nổi.

Nhị Học Sinh cho rằng, chắc đèn chỉ bị đứt dây, cậu tin mình có thể sửa được, thế là cậu ta liền cầm lấy đèn kiểm tra một hồi.

Hải ngọng tức khí nói: “Ngay cả anh còn không ‘trị’ nổi nó, con chồn vàng leo cửa sổ như chú mày mà cũng dám thò cái mặt mốc ra à?”

Tư Mã Khôi thấy Nhị Học Sinh chĩa thẳng bóng đèn vào mặt mình, anh vội vàng che lại nói: “Tôi đoán cường độ ánh sáng của loại đèn này phải rất lớn, chiếu vào mặt không khéo mù mắt, chú mày đừng có cầm nó khua loạn xạ như thế!”.

Thắng Hương Lân nói: “Hình như đây là loại đèn cường quang công suất lớn, chúng ta cứ mang xuống dưới động đi, kiểu gì cũng có lúc cần dùng đến nó”.

Tư Mã Khôi gật đầu tán thành, anh bảo Nhị Học Sinh mang bình điện khoác vai và chiếc đèn chiếu đến chỗ an toàn rồi hãy sửa.

Sau đó, mọi người khoác ba lô súng ống lên vai, tiếp tục cuộc hành trình dưới ánh đèn quặng, trên đường mọi người lại gặp ít thuốc súng vương vãi, đi được một quãng nữa thì cả đội dần dần tiếp cận mặt nước, nước dưới đáy động trong vắt, đèn quặng có thể soi tới tận đáy, trong làn nước có rất nhiều loài cá thời tiền sử thân mảnh và dài, bọn chúng cực kỳ mẫn cảm với ánh sáng, đầu chúng không có xương trán trên và xương trán dưới, phần miệng giống như một hang động có thể khép mở, chúng tụ tập thành đàn bơi tung tăng trong nước một cách thần tốc và nhẹ nhàng, nước ở đây trong suốt và êm ả, nhìn chỗ nào cũng thấy từng bầy cá bơi lội.

Không ai biết loài cá này thuộc chi họ nào, có lẽ chúng là loài vật thời tiền sử mà con người chưa từng phát hiện ra, có điều, nước dưới đáy động rõ ràng là dòng nước chảy, thế là mọi người bèn thả xuồng cao su để cho nó trôi theo dòng nước.

Xuồng cao su có van bơm hơi, hai bên là hai khoang chứa khí bằng da hình bầu dục, loại xuồng này có thể chở sáu người, Thắng Hương Lân kéo dây thừng bơm đầy khí vào xuồng, lúc này cả hội mới phát hiện phần đầu xuồng vẽ hình hàm cá mập mặt xanh nanh nhọn, trông vô cùng đáng sợ.

Hải ngọng lấy làm lạ nói: “Tiên sư chúng nó, bọn này định làm trò à? Cái xuồng cao su trông ngon lành thế, tự dưng vẽ cái mặt quỷ đầu thần vào đây làm gì?”

Tư Mã Khôi nói: “Một số chiến đấu cơ cũng vẽ những hình quỷ quái hung dữ để dọa kẻ địch, nhưng tớ cũng chưa bao giờ thấy người ta vẽ lên xuồng cao su thế này, không biết họ định dọa chính mình hay dọa bầy cá dưới nước?”

Thắng Hương Lân xem bức phác họa vẽ trong cuốn nhật ký, mới biết xuồng cao su và khinh khí cầu nhiệt đều do gã “Kỹ sư” trong đội thám hiểm thiết kế và chế tạo. Môi trường dưới lòng đất hoàn toàn cách biệt với thế giới bên ngoài, ở đây có thủy thể sâu rộng khôn lường và có huyệt động phức tạp, sâu hun hút, lúc nào cũng phải cảnh giác đề phòng sự tấn công của những sinh vật tiền sử tưởng như đã tuyệt chủng. Nghe nói, đội thám hiểm tô vẽ như vậy để dọa lũ cá ăn thịt tránh xa chiếc xuồng.

Mọi người vừa đi vừa đẩy xuồng xuống nước, thấy bầy cá đều bơi về một hướng, cả hội liền lên xuồng chèo theo, chiếc xuồng trôi vòng qua những trụ pha lê giao thoa ngang dọc, khoảng cách tới vách động càng lúc càng rút ngắn lại.

Tư Mã Khôi bật đèn quặng, di chuyển về phía đầu xuồng để quan sát, anh lờ mờ thấy phía dưới vách động là một khe nứt lớn, ở đó có hai con vật khổng lồ đen trũi đang bập bềnh trên mặt nước, cổ chúng rất dài, cái đầu hình tam giác bằng và dẹt đang thò lên há miệng hút nước, khóe miệng đỏ au, rộng ngoác có rất nhiều xúc tu chầm chậm ngo ngoe trong làn nước, nom tựa miếng mồi câu, chỉ cần có bầy cá nào bị lừa đến gần, là chúng há cái miệng đỏ lòm như máu nuốt chửng vào bụng, không một tiếng động.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện