HỒI 7: ĐẦM LẦY DẠ QUANG

Dưới tầng đáy của núi dưới lòng đất, động lồng trong động này lại có đường hầm đá macma nối liền nhau, tạo thành một hành lang huyệt động ngoằn ngoèo và dài tít tắp. Cái hang thẩm thấu nước này chẳng qua chỉ là một đoạn trong hệ thống đó. Địa hình ở đây sâu hút, khoáng đạt, không khí lưu thông tốt, có thể nhìn thấy một dải sáng mờ ở đằng xa.

Hội Tư Mã Khôi thầm thấy lạ, liền giơ ống nhòm quan sát hồi lâu, nhưng nhìn mãi vẫn không biết vật thể nào đang phát sáng, cũng không biết con đường hầm trong rốn núi này rốt cuộc sâu bao nhiêu, nhưng cả hội đều biết, chỉ cần xuyên qua đường hầm đá macma này, tiến thẳng về phía trước là sẽ tìm thấy miếu thần – nơi đặt tấm bia đá của người Bái Xà, đến được đó là mọi người có thể tận mắt đọc được đáp án của mọi ẩn số. Có điều, hình vẽ đáng sợ và quái dị khắc trên vách Tử thành đã nói rõ, bất kỳ kẻ nào nhìn thấy bí mật khắc trên phiến đá, kẻ đó sẽ sợ hãi lăn ra chết tại chỗ. Thắng Hương Lân nhắc nhở: “Có vẻ không phải lời nguyền hoặc lời hù dọa thông thường, chúng ta phải đề phòng mới được.”

Hải ngọng đứng bên, vỗ vai thân mật bảo Nhị Học Sinh: “Đến lúc ấy, mọi sự trông cả vào chú đó, chú cần chuẩn bi tâm lý trước mới được!”

Nhị Học Sinh giật thót mình, đây đâu phải chuyện đùa, cậu ta cuống lên, hỏi Hải ngọng bằng giọng đầy căng thẳng: “Chuẩn bị gì cơ?”

Hải ngọng tưng tửng đáp: “Chú dẹp cái bộ mặt ấy đi, làm như anh bắt nạt chú không bằng. Lúc trước đã thỏa thuận với nhau rồi còn gì, muốn chứng tỏ lòng trung thành phải thể hiện bằng hành động, hành động, chú hiểu chưa?”.

Tư Mã Khôi nói: “Này! Chỉ mình Hải ngọng nhà cậu mới dám cởi truồng trèo lên giá treo cổ thôi, chứ người khác làm gì có gan mà vừa chịu mất mặt vừa chịu mất mạng như thế! Cậu đừng dọa cậu ta nữa, hứng đầy nước vào bình quân dụng nhanh lên, lát nữa còn đi tiếp!”.

Hải ngọng nghe vậy không nhịn được cục tức, vờ như không nghe thấy, tiếp tục quay sang thủng thẳng bảo Nhị Học Sinh: “Chú đừng tưởng Tư Mã Khôi là thầy tu ăn chay niệm Phật thật nhé! Tuy cậu ta nói sẽ vào chùa hầu hạ Phật tổ, nhưng anh bảo ‘có chó nó tin!’, chú biết cậu ta giết bao nhiêu người, đốt bao nhiêu nhà rồi không? Bây giờ còn nhẫn tâm không cho cậu thời gian chuẩn bị tâm lý, đến lúc đấy kiểu gì chẳng hối thúc cậu mau lên đoạn đầu đài làm bia đỡ đạn. Anh thì cho rằng, làm như thế mới là vô nhân đạo!”, nói xong, Hải ngọng thản nhiên xách bình đi hứng nước ở cách đó không xa.

Nhị Học Sinh thì thẫn thờ ngồi phịch xuống đất, lúc này cậu ta chẳng biết nên tin ai, đành tiếp tục chọc chọc ngoáy ngoáy cái đèn hỏa diệm nhiệt độ cao như để chứng tỏ mình vẫn còn giá trị sử dụng.

Mọi người thay nhau nghỉ ngơi chốc lát trong khi đợi nước chảy đầy bình, tiếp đó tiến hành kiểm tra nhiên liệu và đạn dược còn sót lại, sau cùng, họ bắt đầu lần mò từng bước trong đường hầm tăm tối, ẩm ướt, tiến dần về phía phát ra ánh sáng. Đốm sáng càng lúc càng rõ. Thì ra, ở hố lõm của đường hầm là một đầm lầy màu xanh lấp lánh, được hình thành bởi một loại khoáng vật thiên nhiên, dưới đầm lắng đọng lượng lớn bột dạ quang, trên vòm động và khu vực xung quanh nhấp nháy từng dải đom đóm mang theo dạ quang, có dải hình con sâu minh linh(1), có dải hình chiếc đèn lồng đuôi dài, dải nào cũng ánh lên vệt xanh lục âm u, lay động, lúc sáng lúc tối. Trong đầm lầy khoáng vật có hằng hà sa số loài động thực vật hiếm gặp, chúng sinh sôi nảy nở, với nhiều hình thù kỳ quái, phần lớn nom giống như thực vật thân cỏ, nhưng thực tế, đó là các loài côn trùng ăn hợp chất hóa học. Cả hội đi vào sâu bên trong, cảm giác chẳng khác nào đang lướt trên dải ngân hà giữa trời đêm thanh vắng, khắp không gian lấp lánh, lung linh.

1 Con sâu minh linh: là một loài sâu trông giống như con nhện. Tục truyền con tò vò bắt thứ nhện này về nuôi trong tổ, khi lớn nó bay đi. Vì thế, dân gian mới có câu “Tò vò mà nuôi con nhện, đến khi nó lớn nó quyện nhau đi”, và cũng vì thế từ “minh linh” thường được dùng để chỉ con nuôi.

Bất chấp nguy hiểm, mọi người đều tắt đèn quặng, đi xuyên qua đầm lầy dưới ánh sáng dạ quang, ai nấy đều trầm trồ trước sự thần kỳ của tạo hóa, không ngờ dưới đáy vực sâu tối đen, rộng vô biên này, họ lại được chứng kiến cảnh đẹp đến ngỡ ngàng đến vậy!

Thắng Hương Lân nói: “Khả năng dưới đầm lầy là hồ acid sulfuric, nên kết cấu rất yếu, chỉ cần địa chấn xảy ra gây trào hồ acid, thì tất cả nơi đây sẽ biến mất”. Cô lại nhắc nhở mọi người, nếu hít phải nhiều bụi dạ quang, sẽ dễ bị ho dị ứng, trường hợp nặng thậm chí còn mất mạng, bởi vậy mọi người phải lấy khăn bịt mũi miệng, rồi tìm đường tắt nhanh nhất đi xuyên qua khu đầm.

Hội Tư Mã Khôi y lời, lấy khăn tay bịt kín mặt, nhưng không tìm thấy đường tắt nào gần cả, vậy là họ đành mò mẫm từng chỗ đặt chân và tiến dần về phía trước.

Đầm lầy dạ quang kéo dài trên chục cây số trong đường hầm đá macma, trên đường đi, mọi người nhìn thấy vô số loài sinh vật phát sáng mà trước đây chưa ai từng được nhìn thấy hay nghe thấy, trong đó có một loài côn trùng có cánh, chỉ to như ngón tay cái, luôn tìm cách xông thẳng vào con người.

Tư Mã Khôi và Hải ngọng nhìn thấy loại côn trùng này, ban đầu còn tưởng là ong đất thường sống trong huyệt động, nên trong lòng cũng thấy hơi chờn. Trước đây, hai người từng theo anh Thiết Đông xuống vùng Vân Nam tham gia cải tạo lao động, hàng ngày đều phải làm việc vất vả trong lâm trường miền nhiệt đới, công việc chủ yếu là vào núi dùng xèng đào đất trồng cao su, do giới hạn của môi trường khí hậu, nên cây cao su chỉ có thể sinh trưởng trong phạm vi vĩ độ 20 Nam Bắc quanh xích đạo. Khi đó, Trung Quốc là nước nghèo cao su đích thực, ngoại trừ đảo Hải Nam trồng cao su với số lượng khiêm tốn ra, thì nguồn nguyên liệu chủ yếu là ngoại nhập, mà dựa vào việc nhập khẩu đồng nghĩa với việc bị chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động bóp cổ. Để phá vỡ sự phong tỏa kinh tế, các nông trường và binh đoàn sản xuất tỉnh Vân Nam đã phát động phong trào tự lực tự cường với tín điều “nhân định thắng thiên”, họ trồng cao su rộng rãi từ 25 độ vĩ Bắc trở về Nam, toàn bộ cây cao su giống được lấy về từ lưu vực sông Amazon ở Brasil xa xôi. Nhưng trồng mười gốc cũng chỉ sống sót được một gốc, cứ chết rồi lại trồng, trồng rồi lại chết, ngày này qua ngày khác không ngừng lặp đi lặp lại công việc đơn giản đến tẻ nhạt ấy, tỷ lệ sống sót còn chưa đến một phần trăm, gặp phải ngày mưa cầy bão xới thì tất cả đều đi tong.

Nhiệm vụ của lâm trường mà hội Tư Mã Khôi tham gia cải tạo lao động là mở núi khai hoang, chặt cây và đào hố, những nơi họ phải đặt chân tới toàn là nơi thưa vắng bóng người, lần đầu vào núi, bọn họ chỉ thấy trong rừng rậm có từng đống đất to tổ bố như nấm mồ. Có một người lớ ngớ không hiểu, lấy xẻng xúc lên, thì mặt đất bỗng nhiên lún xuống thành một cái động lớn, bên trong lúc nhúc vô số con ong rừng thân dài trên chục centimet, chúng đông nghìn nghịt, hàng ngàn hàng vạn con, chẳng ai ngờ dưới lòng đất lại có tổ ong, không những thế con nào con nấy to lớn khác thường. Người vác xẻng đào tổ ong ấy cũng là công nhân lâm trường, đã lao động kiệt sức, thêm vào đó, giữa lúc tinh thần bấn loạn, hoảng sợ nên anh này sẩy chân ngã xuống tổ ong, trong chốc lát anh ta đã bị bầy ong đang kinh động cắn chết, những người khác ở gần đó cũng bị ong đốt sưng u đầu, số người bị chết và bị thương lên đến mấy chục. Sau đó, nghe anh Thiết Đông kể, những năm năm mươi từng có hai nhà khoa học người Mỹ thâm nhập rừng rậm châu Phi, trong quá trình thám hiểm, họ phát hiện một loài ong rừng rất lớn, to gấp mấy lần đồng loại của nó, thông thường những con vật đào hang ổ dưới lòng đất đều có hàm răng đặc biệt sắc nhọn, cắn rách thịt như chơi, thậm chí có thể hạ gục cả con bò rừng ngàn cân, dân bản địa gọi giống ong này là “ong sát nhân”. Thực ra, chúng vẫn thường lảng vảng xuất hiện quang khu vực biên giới hoang vu ở Vân Nam, hơn nữa còn được phát hiện từ khá sớm, có điều người Vân Nam quen gọi chúng là ong đất, những đống đất lừng lững tựa nấm mồ kia chính là đám đất vụn tích tụ dần trong quá trình ong đất đào tổ.

Lúc ấy, Tư Mã Khôi và Hải ngọng đều từng bị ong đất đốt, tuy hai người thường xuyên vào sinh ra tử, sớm coi nhẹ chuyện sống chết, nhưng nghĩ lại lần bị ong đốt mà vẫn thấy lạnh người. Nhìn đám ong túa ra bay về phía mình, hai người giật nảy người, ba người còn lại cũng sợ hết hồn. Mãi lúc sau, cả hội mới phát hiện, đám ong đất phát sáng này không có miệng, chỉ bay lượn lòng vòng trong bóng đêm, chập chờn giống như những đốm lửa ma trơi u linh, hình như chúng không phải ong đất, mà là loài đom đóm hang động khổng lồ nào đó họ chưa từng gặp bao giờ.

Tư Mã Khôi thấy hội Thắng Hương Lân có vẻ kinh ngạc, thì xua tay ra hiệu bảo không có gì đáng ngại, rồi chỉ vài con côn trùng khác đang bay gần đó, lại ra hiệu bảo loài côn trùng này anh cũng chưa gặp bao giờ. Trấn an mọi người xong, anh tiếp tục để ý quan sát các cảnh vật dọc hai bên đường. Anh thấy trong đám thực vật đầm lầy vương dính rất nhiều mạng tơ giống như mạng nhện, bức mành đá ở trên đỉnh động cũng giăng mắc đầy loại tơ rủ phát sáng này, bên trên lưới lấm tấm phủ kín ấu trùng của loài đom đóm hang động, chu kỳ sinh mệnh của loài côn trùng phát sáng này rất ngắn ngủi. Sau khi ấu trùng thành bọ cánh cứng thi chúng đã không có miệng và cũng không thể ăn uống, chỉ có thể bay lượn giữa không trung, cuối cùng kiệt sức và rơi xuống đám thực vật đầm lầy, cái xác đã mất đi sự sống vẫn tiếp tục phát sáng, nhưng cái xác ấy cũng nhanh chóng trở thành thức ăn cho ấu trùng. Ấu trùng ăn xác xong sẽ biến thành bọ và đẻ trứng. Cứ thế đời nọ tiếp nối đời kia.

Đây là lần đầu tiên Tư Mã Khôi nhìn thấy loài côn trùng kỳ lạ như vậy, trong cổ thuật tướng vật cũng chưa bao giờ đề cập đến chúng, còn vì sao chúng có tên là đom đóm hang động, thì anh lại càng không thể giải thích được, quá trình sinh sôi nảy nở không hề tuân theo quy luật sinh lão bệnh tử thông thường, quá trình ấy tàn khốc và bi thương, có điều bởi sinh mệnh quá ngắn ngủi, nên cũng như loài phù du nguyên thủy trong rừng rậm tiền sử ở biển Âm Dụ, chúng vĩnh viễn không thể hiểu được số mệnh mà mình từng trải qua biến động như thế nào, chỉ có những người đứng ở góc độ bàng quan mới nhìn thấy mà thôi.

Nhìn những sinh vật nhỏ bé trước mắt, mọi người không khỏi dấy lên suy nghĩ: “Giá như chúng ta cũng giống như loài đom đóm kia thì tốt biết bao, chẳng cần nhìn thấu số mệnh của chính mình”, hiềm nỗi cả hội đang bịt kín mặt, nên không thể trò chuyện, cũng không tiện dừng lại ở đây lâu, nên suy nghĩ ấy ai cũng chỉ giữ trong lòng cho riêng mình, rồi lại vội vã tiếp tục cuộc hành trình.

Trong con đường hầm giữa bụng núi dưới lòng đất có những hố động khổng lồ giống như cánh cửa đá hình vòm, hố động nọ nối tiếp hố động kia, cứ cách mấy cây số lại có một đầm lầy dạ quang, chỗ nông, chỗ sâu, trong đầm mọc từng lùm thực vật chứa đầy chướng khí, còn có hổ phách trầm tích dưới những vũng lưu huỳnh sền sệt, trông chúng như những tòa mê cung khổng lồ muôn hình vạn trạng. Cả hội bước thấp bước cao đi mãi trong môi trường khắc nghiệt dưới lòng đất, mò mẫm lúc đi lúc nghỉ, cứ như vậy trong suốt mấy ngày, lương khô tìm thấy trong quả khí cầu nhiệt Corot Maar đã hết từ lâu, nhưng con đường hầm dài dặc dường như vẫn muốn kéo dài đến vô tận. Tuy Tư Mã Khôi đã chuẩn bị tâm lý trước, nhưng độ sâu của đường hầm vẫn vượt xa dự tính của anh, niềm hi vọng giờ chẳng khác nào mò kim đáy bể.

Dựa vào kinh nghiệm tích lũy từ trước đến nay, Tư Mã Khôi cố gắng dẫn đội tránh xa mọi nguy hiểm và chướng ngại có thể gặp phải, đi thẳng một mạch xuyên qua đầm lầy dạ quang. Bởi pin đã tiêu hao cạn kiệt, nên anh phải bắt mấy con đom đóm bay ở dọc đường, ngắt lấy bộ phận phát sáng, rồi thả vào hộp thiếc rỗng để thăm dò chất lượng không khí khi tiếp cận khu vực bị phong bế. Để tiết kiệm nhiên liệu đèn quặng và đuốc, dành đến lúc then chốt mới đem ra sử dụng, mọi người buộc phải nhặt nhạnh những mẩu gỗ đen vẫn chưa cháy hết thành than làm vật chiếu sáng thay thế.

Mọi người cứ đi như vậy giữa hành lang dài bất tận trong hang động dưới lòng đất, mãi đến khi trước mặt có một vách đá dày chắn ngang ngay trước mặt, vách đá được ghép bằng nhiều phiến đá cổ, xếp khít lại với nhau, không một kẽ hở nhỏ, trên mỗi phiến đá đều khắc hình thần thú, dáng dấp tướng mạo trông cổ xưa và đáng sợ. Do bề mặt đá phủ lớp địa y rất dày, nên mọi người chỉ nhìn thấy hình dáng đại khái của nó, nó khiến người ta có cảm giác như đâu đâu cũng đầy những đôi mắt âm hiểm đang dõi theo mình.

Trong phút chốc, Tư Mã Khôi không thể đoán được đây là chỗ nào, anh soi đèn quặng lên cao, phía trên tối mịt mùng không thấy điểm tận cùng, anh lại sờ lần tìm kiếm mặt cạnh của vách đá chắn ngang, thì thấy có một động đạo khoáng đạt dẫn vào sâu bên trong, hai mặt khắc đầy hình vẽ tấm bia đá của người Bái Xà. Nhìn thấy mấy hình vẽ này, tim anh chợt đập thình thịch như trống trận: “Chẳng lẽ đây chính là miếu thần?”

Từ biển Âm Dụ đến đây, mọi người đã trải qua vô số khảo nghiệm tàn khốc, đến giờ này ai nấy đều cạn kiệt sức lực, chỉ mong mau chóng được giải thoát, nhưng khi miếu thần bất thình lình đứng sờ sờ ngay trước mặt, thì trong lòng họ lại bất chợt trào lên cảm giác vừa kích động, vừa lo lắng, bất an.

Khuôn mặt chưa ai từng nhìn thấy của Nấm mồ xanh rốt cuộc có liên quan gì đến những bí mật kinh thiên động địa không được phép nhìn và cũng không được phép nói khắc trên tấm bia đá của người Bái Xà? Có thật kẻ nào nhìn thấy tấm bia của người Bái Xà, kẻ đó sẽ lập tức chết bất đắc kỳ tử? Thân phận thực sự của Nấm mồ xanh cuối cùng là gì? Nếu mọi suy đoán đều chính xác, thì chân tướng đang ở ngay trước mắt và đang nằm trong ngôi miếu thần cổ kính kia, nhưng chỉ cần giẫm một chân vào đó là vĩnh viễn không còn đường quay đầu, thứ chờ đợi mọi người ở phía trước chính là số mệnh và những điều chưa biết.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện